Trang chủ Chuyên đề “Hiếu” là nền tảng đạo đức của cuộc sống

“Hiếu” là nền tảng đạo đức của cuộc sống

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Người Việt Nam chúng ta, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, được thể hiện qua biết bao câu ca dao, tục ngữ; thì nay, chữ Hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Phật giáo là một trong những tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, luôn tôn trọng cha mẹ ở mức độ cao nhất:

“Tâm hiếu là tâm Phật,

Hạnh hiếu là hạnh Phật”

Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì thế giới của chúng ta mới được an lạc và bình an.

Mục đích của người con Phật là phải thực hiện lời đức Từ Phụ chỉ dạy, luôn hướng đến mục đích thoát khổ, mang đến hạnh phúc, sự an lạc thật sự, vững bền cho mình, cho người khác ngay trong hiện tại và trong tương lai lâu dài. Cho nên phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hóa Nho- Phật-Lão đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc. Chữ hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta mới chào đời.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Hieu la nen tang dao duc xa hoi 1

Chúng ta đến với Đạo Phật, tìm hiểu và hành trì theo những điều Thế Tôn chỉ dạy, chúng ta được may mắn, được phần nào hưởng được hương vị Chính pháp thì lẽ nào lại không cúng dường cha mẹ mình điều tốt đẹp đó sao. Món ăn ngon ta còn dâng lên cha mẹ, huống chi đây lại là pháp lạc cao quý nhất trong những điều cao quý. Thế nên việc phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất là điều tốt, nhưng càng tốt đẹp hơn nữa, một khi chúng ta tìm cách hướng cho cha mẹ mình đến với Phật pháp. Vì vậy trong kinh Tương Ưng, đức Phật có dạy rằng:

“Người nào theo thường pháp

Nuôi dưỡng mẹ và cha,

Chính do công hạnh này,

Đối với cha và mẹ,

Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,

Trong đời này tán thán,

Sau khi chết được sinh

Hưởng an lạc chư thiên”

Chúng ta hiếu dưỡng mẹ cha không những hưởng được rất nhiều hạnh phúc từ sự yêu quý của cha mẹ, người thân trong gia đình, mà còn nhận được sự tán thán, kính trọng của xã hội, còn được hưởng những quả báo tốt lành do lòng hiếu dưỡng mang lại, và trong kinh Tăng Chi II A có dạy rằng:

“Cha mẹ là Phạm thiên

Bậc đạo sư thời trước,

Xứng đáng được cúng dường,

Vì thương đến con cháu.

Do vậy bậc Hiền trí,

Đỉnh lễ và tôn trọng,

Dâng đồ ăn và uống,

Vải mặc và giường nằm,

Thoa bóp cả thân mình,

Tắm rửa cả chân tay,

Với sở hành như vậy,

Đối với mẹ và cha,

Đời này người hiền khen,

Đời sau hưởng thiên lạc”

Khi cha mẹ còn sống, chúng ta phải tranh thủ thời gian quý báu này, để ân cần chăm lo săn sóc, thăm viếng. Như thế gọi là đúng lúc. Nếu bằng không, thì khi cha mẹ chết đi sẽ không còn cơ hội nào nữa. Lúc ấy dù chúng ta có hối hận, có tổ chức làm lễ, cúng giỗ to lớn đến thế nào đi nữa cũng không còn ý nghĩa.

I. Chữ Hiếu trong xã hội ngày nay

Chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin; Khi Facebook, Zalo… mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm… Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống bất hiếu không quan tâm đến ông bà, cha mẹ.

Thật đáng tiếc giá trị đạo đức, nhất là chữ Hiếu, đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất. Đặc biệt là giới trẻ, không thiếu những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, sống chỉ biết mình, không nghĩ đến cha mẹ, thậm chí còn giết cả cha mẹ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống bất hiếu với cha mẹ. Thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh cha mẹ bị con cái ngược đãi hoặc bị giết chết, các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo. Lời cha ông ta đã dạy qua câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” dường như đang bị lãng quên. Vấn đề này đang là thách đố cho các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Cuối cùng cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt. Đồng thời, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến đạo đức truyền thống, một mặt, nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị đạo đức mới được hình thành; bên cạnh đó, nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, lãng quên trách nhiệm với cha mẹ, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Vì thế, vấn đề chăm sóc cha mẹ già trở nên gánh nặng, nói gì đến Chữ Hiếu. Nhiều cha mẹ phàn nàn: “Nuôi dạy con nên người, khi đủ lông đủ cánh, chúng đã quay lưng ngay không còn nghĩ tới đấng sinh thành”. Thực trạng trên đang là tiếng chuông báo động về sự bất hiếu, đặc biệt đối với giới trẻ. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Triệu Hồng Như thuộc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hà Nội: “Cách phản ứng, hành vi của giới trẻ một phần là do học hỏi ngoài xã hội và một phần là do ảnh hưởng từ trong gia đình, cũng có khi là do lối sống mà giới trẻ tự tạo nên… Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ với cha mẹ và những người xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi”. Họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động, một khi con người bị chính cái xấu hãm hại, thì những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và bất hiếu với cha mẹ.

Chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng. Nền đạo đức bị suy đồi, con người bị cuốn hút vào chủ nghĩa thực dụng. Họ coi của cải vật chất và tiền bạc là “số một”. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua loa chiếu lệ. Ngày nay, trong mái trường thân yêu đang bỏ ngỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” chỉ còn là câu nói, thực tế nhà trường chưa áp dụng vào đó để dạy học sinh. Đúng ra một người học sinh trước tiên phải học lễ phép, sau đó mới học kiến thức, nhưng vấn đề này, nhà trường đang bỏ ngỏ, và nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc dạy con phải kính trên nhường dưới. Bởi lẽ, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống, cũng không quan tâm dạy bảo con cái. Một số cha mẹ sống bất hiếu với ông bà nên con cái cũng bắt chước theo. Người xưa thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non, hoặc “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó”. Vì vậy sự bất hiếu bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, và vô nghĩa.

II. Sống đúng chuẩn mực đạo đức

Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy.

Hàng ngày, chúng ta có thể xem thấy hay đọc được trên các phương tiện thông tin đại chúng những mảnh đời tươi trẻ đang sa vào vũng lầy của tội phạm, tiêm chích,… rồi rơi vào tuyệt vọng. Mang lấy kiếp người, không ai tránh khỏi đau khổ, nhưng có những cái đau đáng tôn trọng, có những cái đau đáng thương, có những cái đau để rèn luyện nhân đức con người và cũng có những cái đau chỉ mang lại thêm đau khổ. Những cái đau đớn do ngoại cảnh đem đến cho ta không nói làm gì, điều đáng nói ở đây là có những cái đau mình biết là do mình tạo nên, nhưng vẫn lao vào đó để chuốc lấy cũng như mang đến cho người khác thì thật đáng trách. Phải làm gì đây để quét sạch những cọng rác làm dơ bẩn sân chơi của cuộc đời? Dòng đời vẫn ngược xuôi tất bật, ngồi yên một mình trong phòng để suy nghĩ cũng không xong, mà nếu dạo quanh phố phường một vòng thì thấy toàn là những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhìn những người trẻ sống vất vưởng bên dòng đời, tôi cảm thấy ưu tư, xót xa cho những số phận phũ phàng tang thương đó.

Trước hết, đối với bậc làm cha làm mẹ dù có bận rộn đến đâu trong mưu sinh cuộc sống cũng phải dành thời gian thích đáng chăm lo đến mái ấm gia đình của mình, giữ cho gia đình thuận hòa. Việc giáo dục con cái phải quan tâm thường xuyên, tạo điều kiện để con em của mình học hành đến nơi đến chốn, không để chúng mải mê với các trò chơi bạo lực. Nhất là, cha mẹ phải làm gương cho con cái trong cuộc sống, thực thi giữ tròn chữ Hiếu đối với cha mẹ, ông bà mình, cho nên trong ca dao có câu:

“Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và biết kính trên nhường dưới. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này, chúng ta thấy rõ trong các trường mầm non tư thục Phật giáo và các chùa thường tổ chức khoá tu mùa hè cho các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, biết quan tâm yêu thương mọi người và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm Tp.HCM: “Nhà trường không nên chỉ chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”. Đạo đức ngày nay bao gồm nhiều lĩnh vực: Đạo đức sinh học, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong chính trị, đạo đức trong nhà trường, đạo đức trong tôn giáo… mỗi một trong những nền đạo đức này nói lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Giá trị của chúng khác nhau, tuy nhiên, chúng có một điểm chung là con người. Giá trị đạo đức thực là cái bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung mãn hơn.

III. Đạo đức trong cuộc sống con người

Đạo đức nào làm chuẩn mực để hướng dẫn những hành vi của mình thì con người cũng giống như bao nhiêu sinh vật khác vậy, không hơn không kém. Con người khác với con vật là ở chỗ, con người có tình yêu thương được thể hiện trong quan hệ giữa người với người. Những tiêu chuẩn hướng dẫn hành vi giúp con người sống đúng với hữu thể có lý trí và linh hồn. Một xã hội mà trong đó con người không tôn trọng nhau, nghĩa là không được xây dựng trên những giá trị đạo đức thì xã hội ấy không còn là xã hội đúng như tên gọi của nó nữa. Một xã hội trong đó mọi người tôn trọng nhau, cư xử với nhau có trên có dưới thì xã hội đó mới thực là xã hội của con người.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Hieu la nen tang dao duc xa hoi 2

Ngay từ giây phút được dựng nên, con người đã được phúc ban cho “cái đạo”“cái đức” để khi sinh ra trên trần gian là biết sống đúng với phẩm giá rồi. Đạo đức có nhiều cấp bậc, nghĩa là nhiều tiêu chuẩn để đánh giá những hành vi nhân linh của con người; có thứ đạo đức xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng, đạo đức của người thầy thuốc, đạo đức của người làm nghề dạy học, đạo đức của người tu trì, đạo đức Nho giáo, đạo đức thương mại… mỗi một lĩnh vực đều có những tiêu chuẩn riêng để giới hạn hay mở rộng phạm vi hoạt động của con người nhằm hạn chế những sai phạm của con người trong lĩnh vực đó. Không ai phủ nhận vai trò đạo đức. Đạo đức nằm trong những phong tục tập quán của các dân tộc, trong luật pháp của các quốc gia, trong nền văn hóa của nhân loại. Không một nền đạo đức nào giống đạo đức nào, tuy nhiên tất cả mọi nền đạo đức đều hướng con người đến việc làm lành, lánh dữ.

Khổng Tử nói: “Ta lý tưởng vào đạo, giữ vững vào đức, nương cậy vào nhân” (Chí vu đạo, cứ vu đức, y vu nhân)1. “Ông cho rằng đạo là lý tưởng và chuẩn tắc hành vi cao nhất của chúng ta. Đức là sự thể hiện trong hành vi cụ thể. Nhân là gốc của đạo đức. Mạnh Tử tiến thêm một bước, cụ thể hóa nó thành Tứ đức (Nhân, lễ, nghĩa, trí) và “Ngũ luân” (Quân thần-vua tôi, phụ tử-cha con, huynh đệ-anh em, phu phụ-vợ chồng, bằng hữu-bạn bè). Quan niệm đạo đức Khổng – Mạnh đều gợi mở từ sự tự giác trong nội tâm của người ta. Tuân Tử thì lấy Lễ làm gốc cho đạo đức, chủ trương tu thân bằng lễ (dĩ lễ tu thân), làm sáng chính trị bằng nghĩa (dĩ nghĩa minh chính). Đổng Trọng Thư thì căn cứ vào đây để xây dựng thành đạo đức luân lý ý trời (thiên ý) làm trung tâm, lấy tam cương ngũ thường làm nội dung.” 2 Có thể nói rằng nền luân lý Việt Nam được xây dựng trên những nền tảng của Nho giáo, và nó có giá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy có năng lực hướng dẫn con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ thực tiễn đời sống, đạo đức Phật giáo dễ dàng lan tỏa, thì việc làm sáng tỏ những chuẩn mực đạo đức Phật giáo là yêu cầu bức thiết. Trong vô vàn những chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện rải rác trong các bộ Kinh, Luật, Luận… người viết tạm thời đề xuất mười chuẩn mực đạo đức cơ bản. Đó là: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo.

Sự hiện sinh của một con người là do cha mẹ. Từ việc kế thừa nền tảng vật chất, cho đến nuôi dưỡng, kiện toàn tri thức, dựng vợ gả chồng, trao của thừa tự và hướng con về đường lành. Thực sự, khó có thể kể hết cũng như báo đáp công lao của cha mẹ. Nói như kinh Tăng Chi: “nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi… cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”.3 Biết ơn là chất liệu dệt nên phẩm hạnh của một con người. Nhận thức đúng và đầy đủ các ơn cũng như nỗ lực báo đáp bằng những gì có thể, là chuẩn mực đạo đức tối cần của một người học Phật.

IV. Đạo làm con trong cuộc sống hiện đại

Theo đạo lý của ông cha ta từ xưa, chữ “Hiếu” rất được coi trọng. Chữ hiếu hay chính là đạo làm con hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên và cho tới tận bây giờ vẫn là chuẩn mực của đạo đức. Chữ “Hiếu” luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn. Dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại thì chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành. Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu rộng ra ngoài xã hội để biết yêu thương những người xung quanh, xây dựng được mối quan hệ giữa người với người tốt hơn. Trách nhiệm, nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ được cô đúc trong khái niệm “Hiếu”.

“Hiếu” không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc – thiện. Đã từ lâu, cha ông ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là phải lấy chữ hiếu làm đầu. Người xưa có quan niệm, đạo hiếu là bổn phận xuất phát từ tâm. Thế nên, Đạo làm con nếu thực hiện được một phần hay toàn vẹn đều là do sự tự giác, tự nguyện của mỗi con người. Người biết giữ đạo làm con luôn “giữ mình” suốt cả cuộc đời và thận trọng trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm đối với cha mẹ. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc các thế hệ sau… Những hiện tượng tích cực và tiêu cực về đạo hiếu đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã đặt ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết. Bên cạnh việc phát huy, nêu gương những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ thì chúng ta cũng cần phải lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ. Nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục chữ hiếu trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết. Cuộc sống thay đổi với nhiều biến động, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng, vô đạo đức với cha mẹ.

Trong cuộc sống hiện đại, giáo dục trong gia đình ngày càng trở nên quan trọng để nuôi dưỡng tế bào lành mạnh cho xã hội. Giáo dục trong gia đình là nền móng xây dựng nhân cách con người, vì vậy cần có nhận thức đúng đắn về nội dung và cách thức giáo dục. Trong những năm gần đây nhiều lần lên tiếng về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, phê phán gay gắt những hành động đồi bại, thói hư tật xấu đang diễn ra phổ biến hằng ngày. Từ chuyện thầy giáo xâm hại học sinh, một bác sĩ thẩm mỹ làm chết khách hàng rồi phi tang xác nạn nhân, cán bộ y tế làm giả phiếu xét nghiệm máu, bảo mẫu hành hạ con trẻ dã man, rồi những vụ án mạng giữa những người thân trong một gia đình… đã gây chấn động dư luận xã hội. Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa xảy ra tình trạng nêu trên là sự thiếu giáo dục của gia đình nếu như con người được giáo dục tốt trong gia đình sẽ không có những hành vi táng tận lương tâm như thế. Các cuộc điều tra cho thấy, rất nhiều thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật đã cho rằng, sở dĩ chúng phạm tội vì không được thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong gia đình.

Khi xây dựng đạo đức, lối sống, bên cạnh việc đứng vững trên nền tảng gia đình truyền thống với những tinh hoa văn hóa của nó, cuộc sống cũng đòi hỏi ngăn chặn những hủ tục, những thói quen xưa cũ lạc hậu như: Nếp sống gia trưởng, thói “vinh thân, phì gia”, một người làm quan cả họ được nhờ, sự coi thường phụ nữ, nạn tảo hôn, bạo lực gia đình… Ðồng thời tiến hành xây dựng những chuẩn mực mới theo yêu cầu của xã hội hiện đại. Ðã có hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực giáo dục, trẻ em. Tiêu chí một đứa con ngoan đã lệch khi trước đây một đứa con ngoan là biết vâng lời, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, chăm chỉ việc nhà thì nay nhiều gia đình quan niệm đạo đức con ngoan chỉ là học giỏi. Cả gia đình dồn sức chạy trường, chạy lớp bắt con trẻ học ngày, học đêm vùi đầu vào đống sách vở, chiều chuộng chúng đủ kiểu miễn sao điểm học tập phải cao, bỏ bẵng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. Nhiều bậc cha mẹ còn thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái kể cả nhu cầu vô lối và trở thành thói quen, dễ dẫn đến giá trị sống của đứa con bị lệch lạc khi tưởng rằng mọi người luôn phải tuân theo ý muốn của mình, dễ dẫn đến phản kháng khi không được thừa nhận.

Cuộc sống hiện đại càng cần đến giáo dục trong gia đình. Mỗi người có thể tìm thấy ở gia đình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội. Thật là sai lầm khi có người nghĩ rằng, kinh tế thị trường và sự tự do cạnh tranh lợi nhuận đã có thể đưa con người vượt ra những sự kìm tỏa của gia đình, tìm thấy một hạnh phúc khác gắn liền với các điều kiện vật chất, sự giàu sang vì tiền bạc. Thực tiễn cho thấy, lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền đã làm cho con người sa đọa, tha hóa. Xã hội hiện đại cũng sẽ làm biến đổi các chuẩn mực văn hóa gia đình. Gia đình sẽ khoác lên mình nó những bộ cánh lấp lánh của cuộc sống hiện đại để bước song hành với xã hội hiện đại nhưng nó vẫn gắn kết với cộng đồng và xã hội. Việc nâng cao vị thế và vai trò của gia đình sẽ tạo cơ sở và động lực cho sự đi lên và phát triển của xã hội.

Gia đình truyền thống Việt Nam qua đời này sang đời khác đã kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như có hiếu với ông bà, cha mẹ, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung… từ đó hình thành những chuẩn mực đạo đức và lối sống trở thành gia phong. Những tinh hoa đó được phát huy trong cuộc sống hôm nay sẽ trở thành liều thuốc ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Chính vì vậy, nội dung giáo dục cách ứng xử trong gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình, với nguyên tắc đã được bao thế hệ gia đình gìn giữ lưu truyền: “Trên kính dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Ðây vừa là phép tắc ứng xử vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Giáo dục lòng kính trọng, một trong những phẩm chất quý báu của con người, là thước đo cao nhất của đạo đức. Ðức hiếu kính của người làm con đối với cha mẹ là cái gốc của tình yêu con người. Người mà không biết yêu thương cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình thì khó có thể yêu thương người khác được. Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ, nền móng xây dựng đạo đức, lối sống, trong khi giáo dục nhà trường và xã hội là các nhân tố quan trọng giúp định hình và hoàn thiện nhân cách có được từ gia đình.

V. Kết luận

Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy vậy, đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có những nét độc đáo riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo. Ngay cả những người thuộc tầng lớp trên, được đào tạo Nho giáo một cách đầy đủ, họ cũng tiếp biến đạo hiếu, song đã biến đạo hiếu trở thành giá trị và chuẩn mực đạo đức mang bản sắc Việt Nam.

Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng hoặc có hành vi hỗn láo, vô đạo đức với cha mẹ. Một số người coi việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ như một gánh nặng. Một số người khác lại nghĩ rằng, chỉ cần đóng góp tiền bạc để nuôi dưỡng cha mẹ là đã làm tròn bổn phận của người con. Có những gia đình kinh tế khó khăn, điều kiện vật chất eo hẹp nên không có điều kiện hoặc thường lảng tránh việc chăm sóc cha mẹ. Nhưng cũng có những người rất giàu có thì lại báo hiếu chỉ bằng cách thuê những người xa lạ về chăm sóc cha mẹ, để cha mẹ sống trong buồn tủi, cô đơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong những năm đổi mới, đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng có nhiều biểu hiện suy thoái. Nhiều gia đình đã lơ là việc gia huấn, con cháu lớn lên gây ra những điều lầm lỗi. Đã đến lúc mọi gia đình cần để tâm, soát xét lại, tái lập gia giáo, gia phong; phải nghĩ tới cái đạo ăn ở có lễ nghĩa, quy củ, trật tự nề nếp trong nhà và tộc họ mình, sau đó là xã hội, trên cơ sở nếp sống văn minh, văn hoá. Bởi bất cứ ai tồn tại trên cõi đời đều được sinh ra từ cha mẹ mình. Thể hiện đạo hiếu với cha mẹ không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của người làm con, mà còn là quyền lợi thiêng liêng và cao cả của mỗi người. Việc giáo dục đạo hiếu giúp con cái thấy được bổn phận làm con, giữ đúng vị trí của mình trong gia đình là vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục gia đình từ xưa đến nay. Không chú tâm tới giáo dục đạo hiếu trong gia đình là thiếu sót, quên lãng cái nền móng thiết yếu nhất của đạo đức xã hội và con người.

Thực hiện đạo hiếu trong gia đình, chúng ta sẽ nối được nghiệp nhà, làm rạng rỡ tổ tông và góp phần cho sự ổn định, phát triển của xã hội. Chữ hiếu từ xưa đến nay không trực tiếp tạo nên mức tăng trưởng nhưng lại có một ý nghĩa hết sức lớn lao là đã tạo ra những con người Việt Nam nghĩa tình, hiếu thảo.

>> Đọc thêm bài: Báo ân báo hiếu

Tác giả: Hoa Đức Hạnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2019


CHÚ THÍCH:
1. Luận Ngữ, Hình Nhi
2. Lão Tử-Thịnh Lê (cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nhà xuất bản Văn học, 2001, tr.363.
3. Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, kinh Đất.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường