Trang chủ Hệ phái Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo – Nhiệm kỳ 2019-2024

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo – Nhiệm kỳ 2019-2024

Hiến chương này gồm có lời mở đầu, 7 chương và 34 điều được Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo lần thứ V tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang biểu quyết thông qua ngày 05 tháng 6 năm 2019.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Hiến chương này gồm có lời mở đầu, 7 chương và 34 điều được Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo lần thứ V tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang biểu quyết thông qua ngày 05 tháng 6 năm 2019.

LỜI MỞ ĐẦU

PHẬT GIÁO HÒA HẢO là nền đạo do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng vào ngày 18/5 năm Kỷ Mão, nhằm ngày 04/7/1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Hơn ba phần tư thế kỷ xiển dương chánh pháp, Phật giáo Hòa Hảo đã phổ truyền giáo pháp “Học Phật Tu Nhân” với hàng triệu nhơn sanh, giữ gìn giáo lý chơn truyền, góp phần cùng nhân dân cả nước nêu cao truyền thống yêu nước, phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Từ khi Tổ quốc độc lập và thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục sứ mạng phổ truyền giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ nhằm trau dồi và nâng cao đạo đức cho tín đồ, chấn hưng nền Đạo gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với tinh thần mục tiêu trên, HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO luôn được thể hiện và hướng tới một sự nghiệp “Vì đạo pháp, vì dân tộc”.

CHƯƠNG I

TÔN CHỈ, NGHI THỨC THỜ CÚNG VÀ TÍN ĐỒ

Điều 1. ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐẠO của PHẬT GIÁO HÒA HẢO là “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO của PHẬT GIÁO HÒA HẢO là “Học Phật, tu Nhân”, tại gia cư sĩ, lấy việc báo đáp Tứ ân (Ân Tổ tiên cha mẹ, Ân Đất nước, Ân Tam bảo, Ân Đồng bào và Nhơn loại) làm căn bản tu hành; giữ tám điều răn cấm và thực hành giáo lý chơn truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ; tích cực cứu giúp người nguy khó, tương trợ trong quan, hôn, tang, tế và hoạt động từ thiện hữu ích cho xã hội, cho chúng sanh.

Điều 2. Nghi thức thờ cúng, hành lễ thực hiện theo tinh thần vô vi được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy trong quyển thứ sáu: trong nhà có bàn thờ ông bà, bàn thờ Phật thờ Trần dà (khuôn vải toàn một màu dà, không chữ, không dấu hiệu), có tôn trí chân dung của Đức Huỳnh Giáo chủ để chiêm ngưỡng, trước nhà có bàn thông thiên.

Điều 3. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không phân biệt nam nữ, thành phần, dân tộc, tự phát nguyện tu hành theo tôn chỉ, đường hướng và thờ cúng theo nghi thức ghi ở Điều 1 và Điều 2, tuân hành giáo lý, giáo luật và tuân thủ pháp luật Nhà nước, giữ gìn sự trong sáng của giáo lý chơn truyền, đoàn kết tôn giáo, đạo đời, thừa nhận bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

Những tín đồ chân tu, có tâm đạo, là công dân Việt Nam từ 25 tuổi trở lên, tùy trình độ, năng lực, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, được ứng cử hoặc bổ nhiệm vào tổ chức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

Mọi tín đồ xuất phát từ lòng kính Thầy mến Đạo, tùy năng lực, được tham gia vào đạo sự phổ truyền, từ thiện xã hội hợp pháp và đóng góp ý kiến, công, của cho công việc chung của Đạo.

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG,
BAN ĐẠI DIỆN TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ BAN TRỊ SỰ CƠ SỞ

Điều 4.

a) Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo gồm 2 cấp:

– Cấp toàn đạo gọi là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có pháp nhân phi thương mại. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đăng ký pháp nhân phi thương mại cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn.

– Cấp cơ sở gọi là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ban Trị sự xã).

– Tại những tỉnh, thành phố có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lập Ban Đại diện Phật giáo tỉnh, thành phố (gọi chung là Ban Đại diện tỉnh).

– Ban Trị sự các cấp có tư cách pháp nhân, có con dấu tròn để sử dụng và được đăng ký tài khoản ở ngân hàng Nhà nước, Ban Đại diện tỉnh, thành phố và các ban chuyên ngành, văn phòng (trực thuộc Ban Trị sự Trung ương) có con dấu sử dụng lưu hành nội bộ theo quy định của pháp luật.

– Con dấu của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo:

+ Cấp Trung ương: ở giữa có hình bông sen và dòng chữ “BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG”, vòng tròn bên ngoài có dòng chữ “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO”.

+ Cấp cơ sở: ở giữa có hình bông sen và dòng chữ “BAN TRỊ SỰ XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN)”, vòng tròn bên ngoài ở phần trên có dòng chữ “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO” và bên dưới có dòng chữ “QUẬN (HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ)”.

b) Giúp việc cho Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và nối liên hệ với cấp cơ sở, tại mỗi tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) có Ban Đại diện tỉnh do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo bổ nhiệm

c) Địa bàn hoạt động của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trong lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 5. Ban Trị sự Trung ương quyết định theo đa số (quá bán) việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Mọi quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể thực hiện theo Hiến chương và quy định Pháp luật.

Điều 6. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do Đại hội Đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo suy cử từ 25 đến 29 Trị sự viên, nhiệm kỳ là 5 năm, là tổ chức hợp pháp duy nhất của Phật giáo Hòa Hảo, đại diện cho toàn thể tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc , hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 7. Trị sự viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo các cấp phải có tinh thần yêu nước, là công dân tốt, có tư cách đạo đức tốt, có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; hiểu biết giáo lý, lễ nghi, có tín nhiệm trong đạo, có năng lực và điều kiện hoạt động đạo sự. Trị sự viên cấp nào phải được Đại hội cấp đó suy cử, hoặc được Ban Trị sự cấp trên bổ nhiệm (trong trường hợp điền khuyết).

Điều 8. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cử ra Ban Thường trực để điều hành công việc hàng ngày gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Thường trực, các Phó Trưởng ban, Chánh Văn phòng và các Ủy viên Ban Thường trực.

– Trưởng ban chịu trách nhiệm mọi mặt hoạt động của Ban Trị sự và là người đại diện theo quy định của pháp luật.

– Các Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban và các Trị sự viên khác do Ban Trị sự Trung ương thống nhất phân công.

Điều 9. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có các ban chuyên ngành do Ban Trị sự Trung ương bổ nhiệm theo mỗi nhiệm kỳ, gồm:

1. Văn phòng.

2. Ban Tài chính.

3. Ban Phổ truyền giáo lý.

4. Ban Tổ chức và Nhân sự.

5. Ban Từ thiện – Xã hội.

6. Ban Kiểm Soát.

Tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng và các Ban chuyên ngành sẽ được cụ thể hóa ở nội quy do Ban Trị sự Trung ương ban hành.

Điều 10. Khi cần thiết Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có thể mời một số tín đồ là nhân sĩ, tri thức tâm đạo, có uy tín và hiểu biết việc đạo tham gia góp ý kiến về đạo sự.

Điều 11. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thực hiện nhiệm vụ hành đạo theo đúng chơn truyền giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

a) Tổ chức và hướng dẫn cho tín đồ sinh hoạt tôn giáo và các Đại lễ của Đạo (ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo 18/5 ÂL, ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ 25/11 ÂL).

b) Nghiên cứu, ấn loát và phổ truyền giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, gồm:

1. SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM

2. KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG

3. SÁM GIẢNG

4. GIÁC MÊ TÂM KỆ

5. KHUYẾN THIỆN

6. CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA NGƯỜI BỔN ĐẠO

7. THI VĂN CÓ NỘI DUNG GIÁO LÝ theo đúng tinh thần Điều 1 của bản Hiến chương này.

c) In chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ, phụng tạo trần dà và các đồ dùng việc đạo theo đúng pháp luật.

d) Hướng dẫn và tổ chức cho tín đồ tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, văn hóa, xã hội đem lại phước lợi cho chúng sanh, tham gia xã hội hóa các ngành, lãnh vực hoạt động Nhà nước khuyến khích.

Điều 12. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có quyền tổ chức kiểm tra các hoạt động của các tổ chức trong Đạo, quan hệ với chính quyền và các tổ chức xã hội để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của hệ thống Ban Trị sự và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ.

Điều 13. Được mở trường, lớp đào tạo Giáo lý viên, Trị sự viên Phật giáo Hòa Hảo, phát triển vật lực cho Đạo phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 14. Ban Đại diện tỉnh do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ra quyết định bổ nhiệm theo nhiệm kỳ của Ban Trị sự Trung ương, có từ 3 đến 11 thành viên gồm: Trưởng ban, từ 1 đến 2 Phó Trưởng ban và các thành viên khác.

Điều 15. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Đại diện tỉnh, thành phố do Ban Trị sự Trung ương ban hành Nội quy hoạt động.

Ban Đại diện tỉnh là cơ quan đại diện của Trung ương tại tỉnh, thành phố.

Điều 16. Ban Trị sự xã do Đại hội Đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong xã suy cử, theo nhiệm kỳ của Ban Trị sự Trung ương, có từ 3 đến 9 Trị sự viên gồm các chức danh: Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Thư ký và các Trị sự viên cơ sở. Tùy theo yêu cầu đạo sự, Ban Trị sự xã cử Trị sự viên phụ trách các mảng đạo sự.

Ban Trị sự xã, đại diện cho tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là thành viên khối đại đoàn kết cơ sở.

Điều 17. Ban Trị sự xã có nhiệm vụ triển khai, tổ chức thực hiện các đạo sự của Ban Trị sự Trung ương, Ban Đại diện tỉnh và các chương trình đạo sự của cấp mình đến toàn thể tín đồ trong xã, quản lý chùa Phật giáo Hòa Hảo và các giáo sản khác (nếu có) trong phạm vi xã.

Xin ý kiến và báo cáo trực tiếp với Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, Văn phòng và các Ban chuyên ngành của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; quan hệ tốt với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền sở tại nhằm tiến hành các đạo sự được thuận lợi, đúng đường hướng hành đạo và pháp luật Nhà nước.

Điều 18. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ra quyết định bổ nhiệm Ban Đại diện tỉnh, chuẩn y Ban Trị sự xã sau khi có kết quả Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo xã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

CHƯƠNG III

TRỤ SỞ, ĐẠO KỲ, BIỂU TƯỢNG

Điều 19. Trụ sở của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đặt tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Điều 20. Trụ sở của Ban Đại diện tỉnh, Ban Trị sự xã đặt tại chùa Phật giáo Hòa Hảo được Nhà nước công nhận. Nơi không có chùa thì mượn hoặc thuê nhà đồng đạo, nhà công hoặc tư nhân đặt nơi làm việc.

Nơi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được xây dựng trụ sở.

Điều 21. Đạo kỳ Phật giáo Hòa Hảo màu dà, chất liệu bằng vải, ngang bằng 2/3 chiều dài, được treo trong khuôn viên chùa Phật giáo Hòa Hảo, Trụ sở Ban Trị sự và những điểm làm lễ vào 02 ngày Lễ trọng của đạo.

Điều 22. Biểu tượng Phật giáo Hòa Hảo là một hình tròn, nền màu dà có dòng chữ viền: PHẬT GIÁO HÒA HẢO màu vàng và bông sen trắng nở 4 cánh ở giữa.

CHƯƠNG IV

ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ, NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC

Điều 23. Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo được tiến hành 5 năm một lần, ở cấp nào thì do Ban Trị sự cấp đó triệu tập để thông qua Chương trình đạo sự và cử ra Ban Trị sự nhiệm kỳ tới. Đại hội hợp lệ khi có trên 2/3 đại biểu triệu tập có mặt.

Điều 24. Ban Trị sự đương nhiệm có trách nhiệm ấn định số lượng, thành phần đại biểu Đại hội, chuẩn bị nội dung và dự kiến nhân sự Ban Trị sự cho nhiệm kỳ tới.

Trường hợp Trị sự viên của Ban Trị sự chưa đủ túc số hoặc bị khuyết thì Ban Trị sự được cử điền khuyết đúng thủ tục quy định.

Điều 25. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo họp thường kỳ 6 tháng 1 lần, Ban Đại diện tỉnh họp 3 tháng 1 lần, Ban Trị sự xã mỗi tháng họp 1 lần; họp bất thường khi có yêu cầu do Trưởng ban triệu tập.

Điều 26. Nguyên tắc làm việc :

– Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị sự xã và Ban Thường trực của Ban Trị sự Trung ương làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập thể quyết định theo đa số không trái giáo lý, giáo luật và pháp luật Nhà nước.

– Ban Trị sự xã phải tuân hành sự chỉ đạo của cấp trên, Ban Trị sự xã có quyền đề ra sáng kiến nhưng chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của cấp trên, có quyền khiếu nại các quyết định, chỉ đạo của cấp trên nhưng phải thi hành ngay cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 27. Cấp có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo là Đại hội đại biểu cấp toàn đạo; giữa 2 kỳ Đại hội là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; giữa 2 kỳ họp Ban Trị sự Trung ương là Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ban hành quy chế làm việc của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị sự xã và nội quy hoạt động của Ban Đại diện tỉnh, Văn phòng, các Ban chuyên ngành.

CHƯƠNG V

TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC VÀ KỶ LUẬT

Điều 28. Trị sự viên, chức việc và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có công đức với đạo sẽ được Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tuyên dương và được ghi vào sổ Công đức truyền thống Đạo.

Hình thức tuyên dương gồm: trao tặng Bằng, Giấy tuyên dương.

Điều 29.

a) Trị sự viên Ban Trị sự, chức việc và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nếu vi phạm những điều răn cấm của Đạo và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, làm tổn thương đến thanh danh đạo do Ban Trị sự xử lý theo luật Đạo. Trị sự viên Ban Trị sự, chức việc và tín đồ nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo luật Đạo.

Những Trị sự viên, chức việc các cấp và nhân viên thuộc quyền bị Toà án kết tội, bị quản chế hành chánh do cấp có thẩm quyền quyết định, đương nhiên bị bãi nhiệm.

b) Các bộ phận trong hệ thống tổ chức Giáo hội nếu vi phạm Hiến chương và pháp luật Nhà nước sẽ bị khiển trách, đình chỉ hoạt động hoặc bị giải tán. Trường hợp bị đình chỉ hoạt động thì Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo sẽ chỉ định 1 tổ chức mới hoạt động lâm thời.

c) Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo sẽ ban hành Quy chế tuyên dương và kỷ luật trong hệ thống đạo.

CHƯƠNG VI

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN VÀ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN XÃ HỘI

Điều 30. Tài chính và tài sản của Phật giáo Hòa Hảo các cấp là tài sản chung của toàn Giáo hội, gồm có các giáo sản được pháp luật công nhận, xây dựng hợp pháp; các tài vật được hiến cúng và tài trợ hợp pháp; tài sản do hoạt động sinh lợi hợp pháp mà có và do đồng đạo tự nguyện đóng góp.

Điều 31. Việc thu chi tài chính, xuất nhập tài vật cấp nào phải được đệ trình công khai trong các kỳ họp của cấp đó; Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương và Ban Trị sự xã điều hành thu chi tài vật, phê duyệt quyết toán và báo cáo tài chính cho Ban Trị sự cấp mình và báo cáo lên cấp trên trực tiếp.

Điều 32. Hoạt động từ thiện xã hội của tín đồ và các tổ chức hợp pháp của đạo được khuyến khích và tạo điều kiện trong khuôn khổ chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Điều 33. Chỉ có Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo mới được sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

Điều 34. Hiến chương này gồm có lời mở đầu, 7 chương và 34 điều được Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo lần thứ V tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang biểu quyết thông qua ngày 05 tháng 6 năm 2019.

Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, các Ban chuyên ngành, Ban Đại diện tỉnh, Ban Trị sự xã và toàn thể tín đồ nghiêm túc chấp hành bản Hiến chương này./.

Nguồn link: https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=2007&CatID=24

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Hoa Hao COng van Ban Ton giao gui Phat giao Hoa Hao 1 Copy

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường