Trang chủ Chuyên đề “Hạt ngọc tâm” tưởng kính Ân sư

“Hạt ngọc tâm” tưởng kính Ân sư

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

hat ngoc tam tuong kinh an su

“Ngày Phật Đản muôn đời con vẫn nhớ
Pháp thân Người chuyên chở bóng chân thường
Người về đây bao đau khổ nhiễu nhương
Tan theo gió, hòa trong làn sóng nước
Ngàn năm trước vẫn còn đây ô trược
Giấc chiêm bao sao thấy mộng đêm dài”.

Nếu như người đời luôn nhớ tới ngày sinh nhật của bản thân, với hi vọng nhận được những món quà giá trị thì với chúng con – những người phật tử, ngày đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Đản sinh là ngày chúng con luôn khắc ghi trong lòng.

Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được xúc cảm của chúng con mỗi khi hoa ưu đàm ngát nở tháng Tư, khắp nhân gian tưng bừng chào đón ngày hội lớn. Đó là niềm hạnh phúc dâng trào, một cảm giác đầy thương yêu ấm áp lan tỏa khắp không gian. Nhớ tới đức Phật, chúng con càng nhận ra mình là những người may mắn và phước duyên sâu dày.

Nếu Người không thị hiện nơi trần gian này thì chúng con sẽ như con thiêu thân, u mê trong tam độc “tham, sân, si”, liều chết lao mình vào ngọn đèn của danh vọng, tiền tài, sắc đẹp.

Nếu Người không thị hiện nơi trần gian này thì chúng con vẫn đang nắm trong tay ngọn lửa sân hận nóng ngùn ngụt, không bao giờ nguội tắt.

Nếu Người không thị hiện nơi trần gian này thì chúng con giờ đây đang sống từng giây, từng phút trong nỗi đau khổ chất chồng khi lòng tham không được lấp đầy.

Xót xa thay khi con người với dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn lại đang tâm giết hại, làm tổn thương lẫn nhau. Nếu không phải bằng lời nói thì sẽ là những hành động thô bạo, vô nhân tính với thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ.

Khi còn chưa đủ lớn để nhận thức và phân biệt được đúng sai, phải trái của lẽ đời thì những lời Kinh, câu niệm Phật cứ an nhiên thấm đượm vào tâm hồn chúng con. Chúng con thấy nhẹ lòng, thanh thoát khi được nghe những tiếng “giải thoát” ấy, vào những buổi sớm nơi thôn quê vắng lặng, bên mái chùa xưa cũ. Dù ngày ấy còn nhỏ, hàm ý trong những lời kinh, tiếng kệ quá cao siêu chúng con không hiểu hết, nhưng cái cảm giác bình yên lạ kỳ cứ lắng nhẹ nơi đây, tựa hồ như cơn gió mát lành chớm thu dịu nhẹ.

Đúng là có những thứ trên đời chỉ có thể cảm nhận được bằng cõi tâm… Chân thật!

Vị Thầy đáng kính của chúng con đã đến cõi thương đau đầy những toan tính, hơn thua này nhẹ nhàng như vậy.

Được gặp đức Phật, chúng con thấy mình như đang bước lên một nấc thang mới trong cuộc đời. Khi chúng con đang hoảng sợ, loay hoay trong màn đêm tăm tối của sự vô minh thì Người đã đến bên cạnh chúng con. Người không đứng ở một nơi xa xôi, cao thẳm nào đó để chúng con phải ngước lên ngóng tìm. Bằng trái tim từ bi ấm nồng, Người thị hiện ngay giữa nơi chúng con đang sống để chỉ dạy và “dắt tay” chúng con đến với con đường của trí tuệ, con đường của sự giác ngộ, giải thoát.

Màn đêm dẫu có tăm tối đến đâu đi chăng nữa, chỉ với một luồng ánh sáng nhỏ cũng đủ thắp sáng cả một vùng trời. Càng ở sâu trong bóng đêm, chúng con càng thấy trân trọng những thứ đem lại nguồn sáng, dù chỉ là tia sáng le lói của một con đom đóm.

“Khi ta mang ánh sáng vào chỗ tối, bóng tối sẽ biến mất, còn chuyện bóng tối đã tồn tại ở đó bao lâu thì không phải vấn đề ta bận tâm. Bởi lúc này nó đã được giải quyết”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy vĩ đại của nhân loại. Người đã truyền bá thông điệp từ bi và trí tuệ đến mọi người bằng con đường chuyển hóa thân tâm, giúp cho tha nhân biết cách làm chủ bản thân mà không ỷ lại hay dựa dẫm vào tha lực. Người đến và đi trong an nhiên tự tại, soi đường chỉ lối giúp chúng sinh tìm về nguồn cội chân lý.

Chúng con nhớ lời Phật dạy: “Chính pháp là mẹ sinh ra Chư Phật”. Mười phương Như Lai đều từ đó mà thành tựu đạo quả vô thượng Bồ Đề. Chúng con nhờ đó làm con mắt sáng, để chiếu sáng màn vô minh bao phủ trí giác của mình.

Giờ đây, chúng con xin nương theo lời dạy của đức Phật, vị Ân sư mà chúng con hằng thương kính để tự thắp lên ngọn đuốc Chính pháp của mình. Chúng con sẽ tự mình chuyển hóa thân tâm và soi vào gương sáng lành. Là những người con Phật, lúc nào chúng con cũng muốn hưởng mùi pháp dược thâm trầm cao siêu vô tận ấy; cũng như để tu tạo phước điền, vun bồi cội đức, gieo nhân giải thoát với ngôi Tam bảo từ đời này và mãi về sau, cho đến khi trọn thành Phật quả.

Nếu có vấp ngã hay thất bại trên bước đường đời, chúng con sẽ học cách tự đứng lên và vững vàng tiến về phía trước. “Hạt ngọc tâm” trong sáng hiện diện ngay nơi thân này, chẳng phải tìm cầu đâu xa.

Ngày hôm nay, bình minh rạng sáng với tiếng chim non hót vọng nơi đầu cây, hoa lá tươi xanh tràn đầy nhựa sống, chúng con tự hào khi được mang trên mình hai chữ “phật tử” – có nghĩa là người con của đức Phật, thành kính đón mừng ngày Người thị hiện giữa nhân gian.

“Ngày Phật Đản thấy lòng mình da diết

Cũng vì ai có mặt Bụt – Như Lai

Xin Người về mang lại ánh ban mai

ình minh sáng, soi tâm hồn đen tối”.

Tác giả: Tuệ An
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 5/2018

 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường