Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Tóm tắt: Ngoài những điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học, tác giả chỉ ra những mặt, khía cạnh mà ở đó khoa học gặp khó khăn thì Phật giáo lại phát huy được ưu thế, chẳng hạn như việc đi sâu vào bản chất sự vật hiện tượng; nhận thức sự vật hiện tượng trong trạng thái vận động, chỉnh thể; … Qua đó phần nào chỉ ra đặc điểm nhận thức của Phật giáo. Từ khoá: Hạn chế của khoa học, ưu thế của Phật giáo, khoa học, Phật giáo...

Chủ đề Phật giáo và khoa học cũng như Khoa học và Phật giáo đã được nhiều công trình đề cập đến ở trong nước cũng như trên thế giới. Những điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học cũng đã được chỉ ra, chẳng hạn như quan niệm về thế giới vi mô cũng như vĩ mô; vô thức và Alaida thức; quan niệm về vũ trụ dựa trên khuôn mẫu toàn ký của khoa học và quan niệm của Phật giáo trong kinh Hoa Nghiêm;… Trong bài này tôi còn chỉ ra một số điểm tương đồng khác. Chẳng hạn, cách khảo sát thế giới của đức Phật và của khoa học. Theo Phật, mọi sự vật hiện tượng đều phải xem xét đến cái chân tướng, cái thực tướng của chúng; tránh mọi tưởng tượng, mường tượng; phải như thị kiến (Yathatatha, sự vật hiện tượng như thế nào thì xem xét, quán chiếu nó đúng như thế, không thêm, không bớt, không được đưa tình cảm yêu ghét, thích hay không thích của mình vào đó) và như thực kiến (Yathabhutam, sự vật hiện tượng như thế nào thì nói đúng như thế, không gán cho sự vật hiện tượng cái mà nó không có). Ngài thường khuyên các học trò "Đối với thế gian, quan sát hết thảy một cách như thật, xa lìa tất cả mọi nhiễm trược". Đây chính là quan điểm khách quan hay nguyên tắc khách quan trong khoa học.

Với cách khảo sát này, đức Phật đã phát hiện ra điều gì? Mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh, “các pháp do nhân duyên sinh”. Nhân duyên ở đây chỉ mối liên hệ, điều kiện. Như vậy, mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong các mối liên hệ chằng chịt, không có gì là tồn tại độc lập tuyệt đối; không có sự vật hiện tượng nào hoàn toàn tách rời, cô lập; không có hiện tượng nào hoàn toàn biến mất khi còn nhân duyên. "Có cái này thì có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt". Như vậy, đức Phật đã nhìn ra mối liên hệ chằng chịt lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, tất cả mọi cái đều phải nương tựa vào nhau. Mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong mối liên hệ phức tạp đó, dù Phật có ra đời hay không ra đời, chúng vẫn là như vậy, không thể khác được. Phật chỉ là người chỉ ra, phát hiện, khai quang, cái vốn có đã bị lu mờ, con đường mòn đã bị bỏ quên bằng sự đại giác của mình. Đây chính là quan điểm biện chứng của khoa học hiện đại.

Phật giáo nguyên thuỷ cho thế giới, vạn vật được hình thành là do nhân duyên. Nó sinh ra không nhờ một đấng sáng tạo nào, không nhờ một phép màu nhiệm nào ở ngoài nó cả, mà chỉ do nhân quả nối tiếp nhau mà thành. Cái quả bây giờ là do cái nhân ở trước; cái nhân ở trước lại do cái quả ở trước nữa; cứ như thế ngược lên mãi vô cùng tận. Như vậy, đối với Phật giáo nguyên thuỷ, thế giới là vô thuỷ, không có điểm khởi đầu, vô chung, không có điểm kết thúc. Đây cũng chính là quan điểm của khoa học hiện nay.

Chúng ta có thể chỉ ra rất nhiều điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học. Nhưng trong chuyền đề này, tôi muốn chỉ ra hạn chế của khoa học và ưu thế của Phật giáo, tức chỉ ra thế mạnh của Phật giáo ở những nơi mà khoa học cảm thấy khó khăn.

Nội dung

1. Như trên đã chỉ ra, theo Phật, mọi sự vật hiện tượng đều phải xem xét đến cái chân tướng, cái thực tướng. Vậy “chân tướng”, “thực tướng” là gì? Trong Phật giáo cũng như ở phương Đông không có truyền thống định nghĩa. Ngay chữ “nhân” của Khổng Tử cũng vậy. Trong Luận ngữ có đến 105 chỗ nói về nhân, nhưng mỗi nơi một khác, tuỳ căn cơ người học. Ví dụ, đối với anh học trò kém nhất lớp như Phàn Trì hỏi thày nhân là gì, Khổng Tử trả lời vô cùng đơn giản, “nhân giả ái nhân” (nhân là yêu người, yêu như thế nào, người là ai, Khổng Tử không nói); đối với người giỏi như Nhan Uyên, ông nói khó hơn, “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Nhân là khắc kỷ phục lễ). Thuyết nhân duyên của nhà Phật cũng vậy, đức Phật không đưa ra định nghĩa. Nhân tựa như gieo hạt thóc xuống đất; còn duyên là tất cả những điều kiện như độ ẩm, ánh sáng, không khí, nhiệt độ... để hạt thóc nảy mầm. Vậy “chân tướng”, “thực tướng” là gì? Trong Tây du ký, Đường Huyền Trang nhìn cô gái cứ tưởng là cô gái thật; nhưng dưới mắt Tôn Ngộ Không, đó chỉ là yêu quái. Như vậy, Tôn Ngộ Không mới nhìn ra chân tướng, thực tướng. Từ đó ta thấy khái niệm chân tướng, thực tướng gần với khái niệm bản chất trong khoa học. Qua đó ta thấy, Phật giáo và khoa học đều có chung một hướng, tức đi sâu vào bản chất của sự vật hiện tượng. Nhưng bản chất cũng có nhiều cấp độ, như V.I.Lênin đã chỉ ra, bản chất cấp một, cấp hai, cấp ba… và vô tận. Quá trình nhận thức mỗi sự vật hiện tượng là vô hạn, tức vô tận những lớp vỏ mà chúng ta phải bóc tách ra. Tuy nhiên có một nghịch lý: quá trình nhận thức là vô hạn, trong khi đó cuộc sống của mỗi người chúng ta là hữu hạn. Cái hữu hạn lại muốn vươn tới cái vô hạn, đó là bi kịch của nhận thức con người. Đứng trước nghịch lý này, Lão Tử khuyên con người hãy tri túc, tri chỉ; còn đức Phật cho rằng để nhận thức được chân tướng, thực tướng của sự vật hiện tượng thì phải có trí tuệ Bát Nhã, tức giác ngộ thì mới hiểu được bản chất vạn vật. Và cũng chính nghịch lý này, cái nghịch lý càng đi sâu vào bản chất sự vật hiện tượng càng thấy sự sâu thẩm vô hạn cuả nó mà một số nhà khoa học cuối đời lại đi gần đến tôn giáo. Có một thời người ta ví tôn giáo như bóng tối, khoa học như ánh sáng; ánh sáng lan toả rộng đến đâu thì bóng tối thu hẹp đến đó. Nhưng đó là một sai lầm dựa trên quan niệm cho vũ trụ này là hữu hạn. Thực ra vũ trụ là vô hạn nên ánh sáng toả rộng đến đâu, bóng tối cũng toả rộng đến đó. Mặt khác, tách rời tôn giáo và khoa học; ví tôn giáo tựa bóng tối, khoa học tựa ánh sáng, là hoàn toàn sai lầm, phi lý, siêu hình mà bài này là bằng chứng hùng hồn đánh đổ quan niệm này. Tôn giáo và khoa học, thực ra, liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau; cái này còn, cái kia còn; cái này mất, cái kia cũng không tồn tại.

2. Cả Phật giáo và khoa học đều cho mọi sự vật đều luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng. Phật giáo có học thuyết vô thường; khoa học có tư tưởng biện chứng, phép biện chứng. Trong Tạp chí Tôn giáo số 8 năm 2021, tôi đã viết bài Điểm tương đồng về tư tưởng giữa C.Mác và Phật giáo, tức cái gì có sinh thì có diệt. Từ học thuyết vô thường, Phật giáo đã đi đến học thuyết vô ngã và thuyết tính không. Đây là điểm triệt để, nhất quán của Phật giáo. Còn đối với khoa học, đối với phép biện chứng, khi xem xét vạn vật, bên cạnh thừa nhận vận động là tuyệt đối, lại thừa nhận đứng yên tương đối. Tại sao khoa học lại làm như vậy? Bởi vì nếu không làm như vậy thì khoa học làm sao nhận thức được sự vật hiện tượng đang vận động, cùng một lúc nó vừa là nó, vừa không phải là nó. Muốn nhận thức sự vật hiện tượng, khoa học phải cố định nó lại, từ đó chẻ nhỏ phân tích; sau khi phân tích xong mới tiến hành tổng hợp lại tạo nên hình ảnh mới về nó, cái gọi là khái niệm cụ thể trong tư duy. Đây là cái mà người ta thường gọi là phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể. Cố định lại để phân tích theo V.I.Lênin là chúng ta đã giết chết những cái gì đang sống động, giết chết sự vật hiện tượng. Để đơn giản hoá, ta hãy hình dung có một quả cam mà trên thế giới này không một ai hay biết. Để hiểu quả cam, chúng ta phải bổ nó ra sờ, mó, nếm, ngửi; sau đó chúng ta lại ghép nó lại. Nhưng xin thưa, quả cam sau cùng đã là quả cam chết. Như vậy, để hiểu quả cam, chúng ta đã giết chết quả cam; để hiểu sự vật hiện tượng chúng ta đã giết sự vật hiện tượng. Theo nghĩa này, V.I.Lênin, trong Bút ký triết học, viết: "Chúng ta không thể biểu hiện, thể hiện, đo lường, hình dung sự vận động mà không cắt đứt tính liên tục, không đơn giản hóa, không làm thô lỗ, không tách rời, không làm chết cứng cái đang sống. Việc tư duy (không những tư duy mà cả cảm giác) hình dung sự vận động (không những sự vận động mà tất cả các khái niệm) bao giờ cũng làm thô lỗ, làm chết cứng. Đấy chính là bản chất của phép biện chứng”(1). Phật giáo không chẻ hiện thực thành những mảnh nhỏ, không cố định hiện thực lại, không nhốt hiện thực trong những khái niệm, mà cho rằng để hiểu đúng bản chất hiện thực thì phải có trí tuệ Bát Nhã. Muốn có trí tuệ Bát Nhã thì phải định tâm (thiền định); mà muốn có thiền định một cách có hiệu quả thì phải giữ giới, đó là tam học của nhà Phật. Ba cái này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Đi ngược lại, có giữ giới nghiêm cẩn thì mới có khả năng định tâm được. Một người thân tâm không trong sạch thì không thể định được tâm. Có định được tâm mới dễ đi đến có trí tuệ Bát Nhã. Sở dĩ các nhà bác học là bác học, bởi vì cả cuộc đời họ chỉ tập trung (định tâm) vào một vài vấn đề; còn chúng ta thường suy nghĩ lung tung. Trí tuệ giống như ánh sáng của một ngọn đèn. Bình thường để ánh sáng lan toả tứ phía, vậy nên ánh sáng rất dịu; nhưng nếu tập trung ánh sáng vào một điểm thì nó sẽ trở nên rất mạnh. Lãng phí sắt thép, nguyên vật liệu bên ngoài thì ai cũng thấy; nhưng lãng phí trong tư duy, tinh thần thì không mấy ai nhận ra. Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa thiền của Phật giáo và các nhà khoa học.

3. Đặc điểm của khoa học phản ánh hiện thực bằng những khái niệm. Khi chúng ta đặt tên cho một sự vật hiện tượng thì chúng ta đã dùng ý chí nhốt sự vật hiện tượng này vào trong khái niệm của chúng ta; chứ còn sự vật hiện tượng này trong thực tế vẫn đang sống động. Khái niệm về sự vật hiện tượng và bản thân sự vật hiện tượng là khác nhau, không đồng nhất. Khái niệm thường chỉ là hình ảnh chết của sự vật hiện tượng trong quá khứ. Do đó, đôi khi tranh luận trên những khái niệm, vô hình chung, chúng ta chỉ tranh luận trên cái bóng của hiện thực, chứ không phải bản thân hiện thực. Vả lại người đời đôi khi triết lý viển vông xung quanh khái niệm, chẳng hạn về nuốt đồ ăn: đồ ăn là gì, ăn như thế nào, nhưng lại không ăn. Vậy làm sao mà no được. Bồ Đề Đạt Ma chỉ thẳng: ta biết nuốt hay không biết nuốt, chỉ có thế thôi. Mặt khác, phản ánh hiện thực bằng khái niệm chỉ là một dạng phản ánh. Nó khác với âm nhạc, phản ánh bằng âm thanh; khác với hội hoạ, phản ánh bằng màu sắc, đường nét; khác với kịch câm, múa phản ánh bằng dáng điệu, cử chỉ; … Đến đây, ta lại nhớ trong kinh Kim Cương có một câu rất hay:

Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai

Từ đó ta thấy để nhìn nhận ra (kiến không chỉ tri mà còn hành nữa) bản thể (Như Lai) thì không thể dùng sắc, thanh, ngôn ngữ, văn tự được.

Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. Khoa học hiện đại cho rằng ý thức suy cho cùng chỉ là sự phản ánh hiện thực khách quan, phản ánh thế giới bên ngoài vào trong đầu óc con người. Tất nhiên, phản ánh cũng có nhiều cấp độ khác nhau, chẳng hạn, phản ánh ở con người khác với phản ánh trong các loài sinh vật; phản ánh trong các loài sinh vật bậc cao khác phản ánh trong các loài sinh vật bậc thấp; phản ánh trong các loài sinh vật khác với phản ánh trong giới tự nhiên vô cơ. Phản ánh thì dĩ nhiên có đúng, có sai. Đến đây lại xuất hiện một nghịch lý. Sự vật hiện tượng (tôi lý hiệu là V) và thế giới luôn luôn vận động (do luật vô thường của Phật giáo, do thừa nhận vận động là tuyệt đối của khoa học); do đó khi ý thức phản ánh được V1, thì lập tức V1 đã chuyển sang V2; khi ý thức phản ánh được V2, thì V2 đã chuyển sang V3; … Và cứ như thế, ý thức luôn chạy theo sự vật hiện tượng, cái mà trong Phật giáo gọi là tâm luôn chạy theo cảnh, tâm cứ lăng xăng như con vượn truyền hết từ cành này sang cành khác theo cảnh, như con ngựa chạy lung tung theo cảnh mà không sao mà kìm hãm được; và như vậy, chạy theo còn chưa kịp, chứ chưa nói đến làm sao mà nhận thức được bản chất của nó. Đứng trước nghịch lý này, nghịch lý mà khoa học không giải quyết được, thì Phật giáo đưa ra một cách giải quyết khá độc đáo, lấy tĩnh quán động, tức lấy cái tâm tĩnh lặng để quán chiếu vạn vật đang vận động. Tâm tĩnh tựa như mặt hồ yên lặng không một gợn sóng; nước trong veo tựa như đã gột sạch hết được tham sân si (tam độc); sự vật hiện tượng lúc đó tựa như những viên cuội dưới đáy hồ, chúng hiện lên nguyên hình. Tâm và tam độc liên hệ mật thiết với nhau, cụ thể, tâm hoàn toàn tĩnh lặng khi diệt được tam độc; ngược lại, diệt được tam độc thì tâm sẽ trở nên tĩnh lặng. Và tâm tĩnh cũng là lúc nhìn nhận sự vật hiện tượng một cách khách quan nhất. Trái tim và khối óc xục xôi như ngọn núi lửa bốc lên ngùn ngụt thì tâm tĩnh lặng làm sao được. Chính vì điều này, khi thấy ai đang giận dữ, mặt đỏ bừng bừng, người ta thường hay khuyên “hãy yên tâm, yên tâm”. Và cũng chính cách tiếp cận như vậy, nên Phật giáo không cần cố định sự vật hiện tượng lại như cách làm của khoa học. Điều này càng chứng minh cho luận điểm của học giả Egerton C. Baptist (1915-1983), trong cuốn “Siêu Khoa Học của đức Phật” (Supreme Science of the Buddha) cho rằng Phật giáo bắt đầu ở chỗ khoa học chấm dứt (Buddhism begins where science ends). Còn Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 (1879-1995) cho rằng “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.

Khoa học đi theo con đường tích luỹ, chứa chấp kiến thức theo quy luật tích luỹ về lượng đến một mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất; điều này thể hiện qua những chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp; còn đối với Phật giáo, muốn nhận thức một cách chân thực sự vật hiện tượng, đầu tiên phải gột sạch thân tâm, tức phải tu dưỡng đạo đức có thể nói như vậy. Tu dưỡng đạo đức cũng có thể giúp ta đạt đến trình độ nhận thức nhất định, thậm chí cao hơn. Đầu tiên là giữ giới, phải hiểu mình đã, bởi lẽ, mình không hiểu mình, ta không hiểu ta, thì không thể hiểu cái ngoài mình, ngoài ta một cách chính xác được. Đây là điều mà Phật giáo kế thừa quan niệm truyền thống của người Ấn Độ cổ.

Qua những điều trình bày trên ta thấy, để đi vào bản chất của sự vật hiện tượng có nhiều con đường mà khoa học chỉ là một. Con đường này đã giúp cho nhân loại ngày càng đi sâu tìm hiểu những bí ẩn của giới tự nhiên. Khoa học kết hợp với kỹ thuật, công nghệ đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới, tạo ra bốn cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử (hiện nay đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng 4.0). Đối với C.Mác, khoa học là động lực của lịch sử. Nhưng theo Ph.Ăngghen, con người càng cách xa con vật bao nhiêu thì con người lại càng tự mình làm ra lịchsử của mình mộtcáchcóý thức bấy nhiêu; ảnh hưởng của những hậu quả không dự kiến trước, của những lực lượng không kiểm soát được đối với lịch sử đó, lại càng ít đi bấy nhiêu, do đó kết quả lịch sử lại càng phù hợp một cách chính xác hơn bấy nhiêu với mục đích đã được xác định trước. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng vẫn còn thấy có một sự chênh lệch rất lớn giữa những mục đích đã định trước và những kết quả đã đạt được, ta vẫn thấy những hậu quả không dự kiến trước còn chiếm ưu thế, những lực lượng chưa kiểm soát được vẫn còn mạnh hơn nhiều so với những lực lượng đi theo những chương trình, kế hoạch đã định trước… và chừng nào mục đích mong muốn chỉ được thực hiện trong trường hợp ngoại lệ và cái được thực hiện thường thường lại chính là những kết quả trái ngược hẳn với mục đích ấy. Là một nhà biện chứng vĩ đại, Ph.Ăngghen cho rằng "Trong giới tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả; hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại"(2). Bởi vậy, "chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta"(3). Sự ô nhiễm môi trường, việc cạn kiệt tài nguyên, sự mất cân bằng sinh thái, …trên thế giới là những bằng hùng hồn chứng minh cho luận điểm đó. Ông cho rằng có những hậu quả trước mắt mà chúng ta có thể thấy ngay, nhưng cũng có những hậu quả lâu dài mà trải qua hàng nghìn năm mới đánh giá hết được mức độ nguy hại của nó.

Kết luận

Qua việc trình bày trên ta thấy ở đâu mà khoa học gặp khó khăn thì Phật giáo lại phát huy được ưu thế của mình. Trên khía cạnh này có thể nói Phật giáo bắt đầu ở chỗ khoa học chấm dứt (E.C.Baptist); Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học (A.Einstein).

Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) V.I. Lênin. Toàn tập. Nxb Tiến bộ, M. 1978, t.29, tr.315 (2) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, 1994, tr.652 (3) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, 1994, tr.654

THƯ MỤC THAM KHẢO: 1. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, 1994 2. V.I. Lênin. Toàn tập. Tập. 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978 3. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hoá phương Đông. Tủ sách triết học Đông Tây. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội 2004 4. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996