Trang chủ Chuyên đề Hai nhân tố quan trọng trong cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất

Hai nhân tố quan trọng trong cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS Bùi Thị Ánh Vân
Giảng viên bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:

Trên hành trình xây dựng ngôi nhà chung, các Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động chấn hưng Phật giáo. Trong cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1951) và Giáo hội Tăng già Việt Nam (1952) được thành lập. Đây là hai nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thống nhất các hoạt động của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này. Những diễn biến lịch sử đó đã để lại bài học quý báu cho các cuộc vận động thống nhất Phật giáo ở giai đoạn sau. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Việt Nam.

Từ khóa: Vận động thống nhất, Phật giáo Việt Nam, Lần thứ nhất, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Việt Nam.

DẪN NHẬP

Sau một thời gian suy thoái, bước sang thế kỷ XX, ở Việt Nam đã diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo. Nhiều Tăng đoàn, hội nhóm Phật giáo đương thời được thành lập đã đặt nền móng cho các cuộc vận động Phật giáo diễn ra suốt ba mươi năm, từ thập niên 1950 đến thập niên 1980. Sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Việt Nam từ cuộc vận động Phật giáo lần thứ nhất có ý nghĩa to lớn trong hành trình này.

I. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1.1.  Bối cảnh lịch sử

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, nhờ sự nỗ lực của các Tăng, Ni, Phật tử, cư sĩ cùng những người có tâm hướng đạo, Phật giáo Việt Nam bước đầu được phát triển trở lại. Trong thập niên 1920-1930, nhiều hội đoàn Phật giáo được thành lập trong cả nước. Tại Nam kỳ, các tổ chức lần lượt ra đời: Hội Lục hòa Liên hiệp (1923); Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931); Lưỡng Xuyên Phật học (1934); Phật học Kiêm Tế hội. Tại Bắc kỳ, có tổ chức Lục hòa Tịnh Lữ (1929); Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934), Hội Bắc kỳ Phật giáo Cổ Sơn môn (1935) thành lập. Tại Trung kỳ, Hội An Nam Phật học được thành lập (1932).

Đến thập niên 1940-1950, hoạt động của các tổ chức Phật giáo trở nên sôi động hơn. Trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều Hội Phật giáo, Hội Phật học của Tăng sĩ và cư sĩ. “Có sáu tổ chức quan trọng nhất của Phật giáo đã định hình: Ở Bắc bộ có Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, Tăng già Bắc Việt; Ở Trung Bộ có Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt, Tăng già Trung Việt; ở Nam bộ có Hội Việt Nam Phật giáo Việt Nam, Tăng già Nam Việt.1 Trụ sở những tổ chức này đều được lựa chọn làm trụ sở trung tâm của các tổ chức Phật giáo Việt Nam sau này; Đồng thời, các vị Tăng sĩ lãnh đạo đóng vai trò sáng lập cũng đều là bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở giai đoạn sau.

Tuy nhiên, hoạt động của những hội đoàn Phật giáo trên mới chỉ dừng lại trong phạm vi địa phương, vùng/miền. Những khó khăn về khách quan và chủ quan đem lại, khiến cho việc thống nhất về tổ chức cho Phật giáo Việt Nam vẫn chưa được thực hiện. Mặc dù vậy, phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX với sự ra đời của các hội đoàn Phật giáo đã đặt cơ sở cho việc hướng tới xây dựng một tổ chức Phật giáo thống nhất trong cả nước.

1.2.  Đại hội thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam

Thống nhất Phật giáo là mong muốn của tất cả Tăng, Ni, Phật tử ở Việt Nam. Các phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra suốt nửa đầu thế kỷ XX là minh chứng sống động cho nhận định này. Ngày 10-04-1951 (Phật lịch 2514), lãnh đạo của các Tăng đoàn, hội nhóm, sơn môn của ba miền đã ký vào lời Hiệu triệu Thống nhất Phật giáo. Trong văn kiện này có đoạn: “Chúng tôi tha thiết yêu cầu các đoàn thể hãy cử các đại biểu (đoàn thể Tăng 7 đại biểu, cư sĩ 8 đại biểu, kể theo kỳ bộ) về họp hội đồng ấy tại chùa Từ Đàm, Huế vào các ngày 1, 2, 3 và 4 tháng 4 Âm lịch tức ngày 6, 7, 8 và 9 tháng 5 năm 1951.2

Theo đúng thời gian nêu trong Lời Hiệu triệu, 51 đại biểu đại diện cho 6 tổ chức Phật giáo ở Việt Nam (thuộc 3 tập đoàn Tăng già và 3 tập đoàn cư sĩ) đã tề tựu tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa, nay là Thừa Thiên Huế), tham gia Đại hội.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hai nhan to quan tron trong qua trinh thong nhat Phat giao lan thu nhat 1

Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế

* Nội dung Đại hội

Sáu tập đoàn Phật giáo của ba miền đã nhất trí đặt tên cho tổ chức Phật giáo thống nhất là Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (gọi tắt là Tổng hội).

– Mục đích của Tổng hội

Đại hội xác định mục đích của Tổng hội: Thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật tử Việt Nam; Hướng dẫn Phật tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật pháp; Đào tạo Tăng tài có đủ khả năng để hoằng dương Phật pháp; Sách lệ và hộ trì Tăng, Ni nghiêm trì Giới luật; Tu tạo và bảo tồn các tu viện, các cơ quan văn hóa, xã hội, giáo dục của Phật giáo; Giao thiệp hay liên lạc với tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới nếu tổ chức ấy theo đúng chính pháp.3

– Nhiệm vụ của Tổng hội

Để đạt được mục đích trên, Tổng hội đã đưa ra những nhiệm vụ mà các thành viên tham gia Tổng hội cần phải thực hiện:

+ Bỏ dần những bản vị có thể chướng ngại cho công cuộc thống nhất Phật giáo.

+ Triệt để tôn trọng uy quyền Viện Tăng thống để giữ quyền tối cao thực hiện quy chế Phật giáo Việt Nam.

+ Liên kết các hội trí thức để thiết lập những cơ quan nghiên cứu, dịch giải kinh điển ra quốc ngữ, san định lại những bản đã dịch rồi, thanh minh những bản xuyên tạc sai giáo lý.

+ Thiết lập và chỉnh đốn các Đạo tràng theo chương trình tu học sâu rộng và duy nhất.

+ Khuếch trương các ngành văn hóa Phật giáo.

+ Thiết lập và bảo tồn các trường học tư thục, các cơ sở cứu tế xã hội của Phật giáo.

+ Tổ chức các đoàn thể thanh, thiếu niên, đồng niên nam nữ Phật tử sống theo tinh thần Phật giáo.

+ Hội hữu hóa những cơ sở hiện hữu để thiết lập các cơ quan truyền bá của Hội.

+ Bài trừ, gạt bỏ tất cả những gì không phải của Phật giáo mà bên ngoài đã pha trộn vào như mê tín dị đoan, v.v… 4

Đại hội thông qua Điều lệ và Nội quy của Tổng hội.

Đại hội quyết định Đạo ca, Giáo kỳ Phật giáo Việt Nam.

Trong lễ bế mạc Đại hội, bài hát “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan (1923-2014) trầm hùng vang lên. “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ nay, một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam…” Những ca từ sâu lắng cất lên làm mọi con tim một lòng vì đạo của Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam thêm hân hoan. Nhạc phẩm “Phật giáo Việt Nam” đã được Đại hội biểu quyết làm Đạo ca của Tổng giáo hội Phật giáo Việt Nam và sẽ được cử lên khi chào Giáo kỳ.

Tại Đại hội, các đại biểu đã đã biểu quyết thông qua việc lấy lá cờ ngũ sắc của Giáo kỳ Phật giáo thế giới làm Giáo kỳ Phật giáo Việt Nam. Lá cờ ngũ sắc của Phật giáo sắc tượng trưng cho năm sức mạnh – Trong quan niệm Phật giáo, “ngũ lực” bao gồm: Tín (lòng tin), Tấn (sự cần mẫn), Niệm (phép quán niệm), Định (sự tập trung tâm ý) và Tuệ (ánh sáng giác ngộ). Vượt qua những giá trị biểu tượng tôn giáo, đối với các tín đồ Phật giáo Việt Nam lúc này, lá cờ ngũ sắc còn tượng trưng cho con đường Phật giáo, mang lại cho họ niềm tin ở Phật pháp, niềm tin vào sự khoan dung và ước nguyện về hòa bình.

– Đại hội thông qua bản “Quyết nghị” với nội dung:

+ Thống nhất tất cả các tập đoàn Tăng sĩ và Cư sĩ Bắc, Trung, Nam để hình thành nên một Tổng Hội duy nhất là Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

+ Suy cử một Ban Đại Chứng minh, tôn thỉnh đức Hội chủ Tổng hội và bầu cử một Ban Quản Trị Trung ương, cơ cấu Giáo quyền thống nhất đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

+ Quyết nghị chấp thuận và công bố Giáo kỳ, Giáo ca Phật giáo Việt Nam.

+ Quyết nghị thông qua bản Điều lệ Hội Phật giáo Việt Nam.

+ Quyết định gia nhập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, cử Phái Đoàn Đại diện và chỉ thị cho Phái Đoàn ấy do Ban Quản Trị Trung ương định5.

– Đại hội bầu Ban Quản trị Trung ương

Trong bầu không khí thân thiện với tâm nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam, sau bốn ngày thảo luận Đại hội tiến hành bầu Ban Quản trị Trung ương – tức là Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Ban này có nhiệm kỳ 3 năm. Thiền sư Tịnh Khiết chùa Tường Vân được suy tôn làm Hội chủ, Thượng tọa Thích Trí Hải làm Phó Hội chủ. Ban Quản trị Trung ương đặt tr ụ sở tại Thuận Hóa, Huế để thực hiện nhanh chóng chương trình thống nhất mà Hội nghị đã dự thảo.

– Đại hội thông qua Bản Tuyên ngôn thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam

Tại Đại hội, đại biểu các tập đoàn Phật giáo của ba miền thông qua Bản Tuyên ngôn, bày tỏ ý chí về một đường lối chung trong tinh thần cởi mở. Văn kiện đã đề cập đến sự đồng hành của Phật giáo trong lịch sử dân tộc Việt Nam và những khó khăn vấp phải do sự chia rẽ của các Tăng đoàn, hội nhóm Phật giáo gây nên. Tuyên ngôn khẳng định: Cơ duyên để thống nhất Phật giáo Việt Nam đã đến và 51 đại biểu Phật giáo ba miền đất nước đã hội tụ về chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày mồng Một tháng Tư năm 2495 Phật lịch (tức là ngày 06-05-1951 Dương lịch) để thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất với tên gọi: Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.6

1.3.  Cơ cấu tổ chức

Ban Quản trị Trung ương (tức là Ban Quản trị) là bộ phận lãnh đạo cao nhất của Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Tịnh Khiết được suy tôn là Hội chủ, Thượng tọa Thích Trí Hải và Đạo hữu Lê Văn Định là Phó Hội chủ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hai nhan to quan tron trong qua trinh thong nhat Phat giao lan thu nhat 2 1

Cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết

Bên dưới là Viện Tăng thống. Viện giữ quyền tối cao về Đạo pháp. Người có quyền cao nhất lãnh đạo Viện là Đức Tăng thống – Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Viện Tăng thống có 7 văn phòng: Văn phòng Trị sự, Văn phòng Nghi lễ, Văn phòng Duyệt tạng, Văn phòng Giáo thụ, Văn phòng Đạo hạnh, Văn phòng Giám luật và Văn phòng Giao thiệp.

Hội đồng Quản trị Trung ương (Hội đồng Trung ương) là cơ quan liên hiệp cả hai giới xuất gia và tại gia, có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo cấp Trị sự thực hiện nội dung nghị quyết đã được thông qua bởi Hội đồng Trung ương. Thành phần của Hội đồng Quản trị Trung ương gồm: Một Hội chủ, hai Hội phó; Một Tổng Thư ký, hai Phó Thư ký; Một Thủ quỹ, hai Phó Thủ quỹ; Một Kiểm lý Ngân sách, cùng các Ủy viên lãnh đạo các chuyên ban. Ban Tổng Trị sự cùng các Ủy viên đều do Ban Trị sự Đại hội đồng bầu ra, làm việc trong một nhiệm kỳ ba năm. Tuy nhiên sau khi kết thúc nhiệm kỳ, người có năng lực và được tín nhiệm vẫn được tái cử7. Các cuộc họp của Hội đồng thường xoay quanh các vấn đề: Nguyện vọng của tín đồ Phật giáo, những kế hoạch của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị Trung ương:

– Xin duyệt y Điều lệ và trực tiếp chỉ đạo Tổng Trị sự các Tập đoàn của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

– Chuẩn bị các công tác để mau chóng tiến hành tổng tuyển cử bầu Hội đồng chính thức của Tổng hội.

Ngoài ra, còn có một số ban khác, như Ban Chứng minh Đạo sư. Ban này được Hội thỉnh và suy tôn vĩnh viễn. Ban Chứng minh Đạo sư có nhiệm vụ chỉ đạo phần Đạo pháp cho Tổng hội, phụ trách các đại lễ và sách báo của Tổng hội. Thành viên của Ban: Hòa thượng Thích Mật Ứng, Hòa thượng Thích Tuệ Tạng (Đại diện của Bắc Việt) Hòa thượng Thích Giác Nhiên; Hòa thượng Thích Giác

Nguyên (Đại diện của Trung Việt gồm); Hòa thượng Thích Tuệ Chân, Hòa thượng Thích Đạt Thanh (Đại diện của Nam Việt).

1.4.  Tổ chức Đại hội kỳ II (1956), Đại hội kỳ III (1957) của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam

Từ sau Đại hội Thống nhất Phật giáo năm 1951 đến trước khi diễn ra cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ hai (1958), Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành thêm hai kỳ Đại hội: Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần II – ngày 21-04-1956 và Đại hội Phật giáo Toàn quốc thứ III – ngày 17-08-1957.

Trong Đại hội lần thứ II (1956), các đại biểu bầu lại Ban Chấp hành của Tổng hội. Cụ thể:

– Hội chủ: Thiền sư Tịnh Khiết.

– Phó hội chủ: Thiền sư Huệ Quang và cư sĩ Chơn An Lê Văn Định.

– Tổng thư ký: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

– Ủy viên Hoằng pháp: Thiền sư Thiện Hoa.

– Ủy viên Nghi lễ: Thiền sư Tâm Châu.

– Ủy viên Giáo dục: Thiền sư Trí Thủ.8 Tại Đại hội này, các đại biểu tán thành việc chuyển trụ sở của Tổng hội từ chùa Từ Đàm về chùa Ấn Qua

Ngày 17-08-1957, Đại hội Phật giáo Toàn quốc thứ III tổ chức tại Sài Gòn với mục đích tăng cường hơn nữa các hoạt động của Tổng hội trước những diễn biến mới do tác động của chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên đến Đại hội này, bản vị các tập đoàn vẫn không thể xóa bỏ. Nội dung của Đại hội chỉ đề cập hoạt động của một số ban, như: Hoằng pháp, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Kiến thiết; từ đó yêu cầu Ủy viên các Ban này cần đẩy mạnh hoạt động để thống nhất lề lối sinh hoạt nằm trong trọng trách của mình. Tuy nhiên, đến Đại hội lần III của Tổng Hội, Ban Quản trị Trung ương vẫn không đạt được thực quyền lãnh đạo.

Để thể hiện đường lối chung và phương tiện của Phật giáo Việt Nam, tại Đại hội lần II, các đại biểu nhất trí lập ra Tạp chí Phật giáo Việt Nam là cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng Hội. Tạp chí ra đời vào ngày Rằm tháng Tám năm 1956, chủ nhiệm là thiền Sư Huệ Quang và chủ bút là thiền Sư Nhất Hạnh.

II. GIÁO HỘI TĂNG GIÀ VIỆT NAM (1952)

2.1.  Bối cảnh lịch sử

Ra đời chưa được bao lâu thì đất nước bị chia cắt, nên hoạt động của Tổng hội Phật giáo Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sự thống nhất trong một số hoạt động Phật giáo mới chỉ dừng lại ở cộng đồng người Kinh, còn thiếu sự góp mặt của cộng đồng các dân tộc thiểu số và những tổ chức Phật giáo khác. Đó là sự thiếu vắng của các thành phần: Phật giáo Khmer, Phật giáo Nam tông người Việt, Phật giáo người Hoa, Phật giáo Khất sĩ và Phật giáo Cứu quốc ở vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm trên cả ba miền.

Đồng thời, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam hoạt động cơ bản ở Trung kỳ và Nam kỳ. Trong bối cảnh đó, những thành phần cấp tiến trong Tổng Hội ở Bắc kỳ nhận thấy cần phải xúc tiến sự nghiệp thống nhất mạnh mẽ hơn nữa. Điều này không chỉ có ý nghĩa với công cuộc chấn hưng Phật giáo, mà còn đóng góp tích cực vào nền hòa bình và hòa giải dân tộc. Để thực hiện mục đích này, từ ngày 25-29-05-1952, Hòa thượng Tố Liên đã từ Bắc vào Huế tham gia thảo luận tình hình Phật giáo Việt Nam với Ban Trị sự Tăng già Trung Việt (cuộc họp trù bị có sự tham dự của Hòa thượng Quảng Minh từ miền Nam ra). Sau bốn ngày làm việc, một chương trình hành động hướng tới thành lập Giáo hội Tăng già chung ở Việt Nam đã được các đại diện của Phật giáo hai miền thông Thông tin về chương trình này được đăng trong mục “Tin tức” trên Từ Quang Phật học năm 1952: “Ba vị Pháp chủ và ba vị Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già ở Bắc, Trung, Nam sẽ tiến hành nhóm họp hội đồng; Sau khi Giáo hội Tăng già Nam Việt chấp thuận việc tổ chức đại hội toàn quốc thì Giáo hội Tăng già ở Bắc và Trung sẽ tiến hành triệu tập đại biểu tham dự; đồng thời, xây dựng dự thảo về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động cho sự ra đời của Giáo hội Tăng già Việt Nam; Giáo hội Tăng già ở miền Trung sẽ mời các đại biểu của Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam và đại biểu 3 ban Trị sự của 3 Hội Phật học ở Bắc, Trung, Nam cùng tham dự công cuộc thống nhất để góp thêm ý kiến; Dự kiến đại hội để tiến tới thống nhất Tăng già trong cả nước sẽ diễn ra tại chùa Quán sứ Hà Nội vào ngày 07-09-1952 (tức ngày 19-07 Âm lịch).”9

Sau cuộc họp trù bị của đại diện Tăng già 2 miền Bắc – Trung ở Huế, Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt đã nhóm họp tại chùa Ấn Quang (29-05-1952) và quyết định chấp nhận nội dung của hội nghị trù bị Tăng già ở Huế.

2.2.  Đại hội thành lập

Thời gian diễn ra Đại hội thành lập một Giáo hội Tăng già thống nhất toàn quốc trong các nghiên cứu đã có một số thông tin chưa thống nhất. Trong bài viết bày, tác giả theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đại Đồng: “Từ ngày 08 đến ngày 14-09-1952, các đại biểu của Tăng già Bắc, Trung, Nam đã tề tựu tại chùa Quán Sứ để họp Đại hội đồng thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc.10

* Nội dung Đại hội

– Thông qua Quyết nghị của Đại hội

Đại hội đã thông qua những Quyết nghị quan trọng về: Nghi lễ; Hoằng pháp, kiểm duyệt tài liệu; Biên – phiên dịch; Giáo dục. Cụ thể:

Về nghi lễ: Tiến hành chỉnh đốn các nghi thức tụng niệm và lễ phục trong khi hành lễ. Đồng thời, chỉnh đốn những cơ sở thờ tự, cúng lễ. Các đại biểu nhất trí biểu quyết thời gian để thực hiện kế hoạch này là 6 tháng.

Về hoạt động hoằng pháp và kiểm duyệt. Đại hội xác định, hoạt động chính của Giáo hội Tăng già là hoằng pháp. Đồng thời, đẩy mạnh xuất bản các kinh sách, báo chí của Giáo hội. Để mở mang, bồi tụ thêm kiến thức về Phật pháp cho các Tăng già, Giáo hội sẽ mở một số Phật học đường, tịnh xá, nhiều lớp chuyên tu Phật học. Sau khi hoàn thành khóa học, mỗi chư Tăng tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận.

Về công tác biên, phiên dịch.

– Tiến hành thống kê và kiểm duyệt những kinh sách đã được dịch.

– Triển khai các hoạt động dịch kinh sách còn lại.

– Thành lập cơ quan có nhiệm vụ phát hành và tuyên truyền những kinh sách do Giáo hội ấn tống.

Về giáo dục.

Giáo dục là một trong những vấn đề được Giáo hội Tăng già quan tâm hàng đầu. Do đó, Giáo hội quyết định mở mỗi năm một khóa lớp nghiên cứu giáo lý cho Tăng, Ni, cư sĩ trong thời gian ba tháng an cư. Để thực hiện được điều này, song song với việc chỉnh đốn các Phật học đường, Giáo hội tán thành việc sáng lập một Phật học viện có quy mô toàn quốc.11

Chất lượng đào tạo Tăng, Ni sinh luôn cần phải được nâng cao. Do đó, Giáo hội xây dựng một chương trình đào tạo chung nhất cho các Phật học đường. Hoàn thành khóa học, Tăng, Ni sinh phải đạt được trình độ tương đương với học viên tốt nghiệp bậc tiểu học của các trường Phật học. Sau khi vượt qua những kì thi khảo hạch, họ mới được thọ giới Sa-di và được Giáo hội cấp giấy chứng nhận.

Thống nhất tên gọi và mục đích của Giáo hội

Giáo hội lấy tên là Giáo hội Tăng già Việt Nam, trụ sở đặt khắp Bắc, Trung, Nam tùy theo nơi vị Thượng thủ đang tiến hành hoạt động Phật sự.

Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập nhằm triển khai thống nhất những hoạt động Phật sự đến các tỉnh thành, đồng thời thuận lợi trong việc kết nối với Phật giáo thế giới. Viết về mục đích của Giáo hội, nghiên cứu của Nguyễn Đại Đồng cho biết: “Thiết lập một cơ chế lãnh đạo nhất quán để hoạt động Phật sự hữu hiệu hơn; Trên cơ sở đó tạo mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhất là đối với Hội Liên hữu Phật giáo thế giới mà Phật giáo Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập tổ chức này.”12

– Đại hội thông qua quy chế của Giáo hội.

– Đại hội đồng đã thông qua bản Quy chế của Giáo hội.

– Bầu Hội đồng Pháp chủ, Tổng Trị sự và các cơ quan khác.

2.3. Cơ cấu tổ chức

Vị trí lãnh đạo Giáo hội cao nhất là Thượng thủ. Trong đại hội thành lập Giáo hội, các đại biểu thống nhất suy tôn vị Thượng thủ đứng đầu Giáo hội Tăng già Việt Nam là Hòa thượng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi. Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận cho biết: “Đại hội này đã bầu cử một Tổng Trị sự và suy tôn thiền sư Tuệ Tạng làm Thượng thủ.13

Dưới Thượng thủ là Tổng Trị sự có nhiệm kỳ 2 năm. Tổng Trị sự có nhiệm vụ cùng các chuyên ban để thực hành những công việc của Giáo hội. Trong kỳ đại hội này, Thượng tọa Trí Hải được bầu vào vị trí Tổng Trị sự.

Đại hội đã thống nhất bầu ra Hội đồng Pháp chủ gồm ba vị Pháp chủ ở ba miền. Mỗi Pháp chủ phải có nhiệm vụ chứng minh và ủng hộ mọi công việc do vị Thượng thủ cùng Tổng Trị sự đảm nhiệm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hai nhan to quan tron trong qua trinh thong nhat Phat giao lan thu nhat 3

Danh sách Ban Trị sự được bầu trong Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam năm 1952, bao gồm:

– Trưởng Ban Trị sự: Hòa thượng Trí Hải.

– Phó Ban Trị sự: Hòa thượng Tâm Châu.

– Ban Thư ký: Hòa thượng Tố Liên – Tổng Thư ký, Đại đức Hải Minh – Phó Tổng Thư ký.

– Thủ quỹ: Đại đức Viên Tu.

– Trưởng ban Giám luật kiêm Nghi lễ: Hòa thượng Đôn Hậu.

– Trưởng ban Giáo thọ: Hòa thượng Thiện Hòa.

– Trưởng ban Hoằng pháp: Hòa thượng Thiện Siêu.

– Trưởng ban Hộ tịch: Đại đức Thanh Tùng.

2.4. Hoạt động

Sau khi ra đời, Giáo hội Tăng già Việt Nam đã triển khai các hoạt động được đề cập trong bản Quyết nghị của Đại hội thành lập Giáo hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc kháng chiến của dân tộc ngày càng khốc liệt, sự thống nhất trong hoạt động Phật sự không thuận lợi, thêm vào đó là tư tưởng ly tán vẫn luôn tồn tại trong thành viên của Giáo hội. Do đó, sự thống nhất mới chỉ dừng lại trên phương diện hành chính. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Bởi vậy, Giáo hội tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các chư Tăng, cư sĩ và Phật tử đối với sự nghiệp chung. “Năm 1953, với tư cách thượng thủ ông (Thiền sư Tuệ Tạng – TG) đã cho ra đời một “Lá Tâm Thư” lời lẽ thống thiết, kêu gọi Tăng sĩ và cư sĩ góp sức trùng hưng Phật giáo.14

Sau đó không lâu, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954), Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền. Đây là một thách thức lớn đối với một tổ chức mới thành lập như Giáo hội Tăng già Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các vị lãnh đạo của Giáo hội đã cùng Tăng sĩ, cư sĩ và Phật tử đã nhất tâm, kiên trì vệ cơ sở của Phật giáo tại miền Bắc. Đi đầu trong các hoạt động này là hình ảnh của Thiền sư Trí Hải, Tố Liên, Vĩnh Tường và nhiều cột trụ vững vàng khác của hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt.

Sau khi Hà Nội được giải phóng và hoà bình lập lại trên toàn miền Bắc (1954), các hoạt động của Giáo hội Tăng già Việt Nam trên nửa phần này của đất nước đã thuận lợi hơn rất nhiều. Với sự trợ duyên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các hội viên của Giáo hội ở miền Bắc đã tiến hành tổ chức lại Giáo hội Tăng già Việt Nam để lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới.

Có thể thấy, sự ra đời của Giáo hội Tăng già Việt Nam có ý nghĩa nhất định trong việc hướng tới thiết lập cơ chế lãnh đạo nhất quán của Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn sau, giúp cho hoạt động Phật sự hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, tổ chức Phật giáo này vẫn còn hạn chế bởi không có sự tham gia của nhiều hệ phái, tổ chức Phật giáo.

III. KẾT LUẬN

Như vậy, bước vào thập niên 50 của thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện hai tổ chức Phật giáo lớn: Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1951) và Giáo hội Tăng già Việt Nam (1952). Đây là sự kiện quan trọng trong cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất. Cho dù vẫn còn có những hạn chế, nhưng sự ra đời của hai tổ chức Phật giáo này bước đầu đáp ứng nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước và đồng thời đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của quần chúng cũng như dư luận xã hội. Đồng thời, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập còn đặt nền tảng cho cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn sau này.

TS Bùi Thị Ánh Vân
Giảng viên bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1. Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 12.
2. Quang Mai (2021), Lời Hiệu triệu “Thống nhất Phật giáo” (1951), nguồn: https://thuvi- engdpt.info/, ngày đăng tải: 06-05-2021, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
3. Quang Mai, Đại cương mục đích & Hệ thống tổ chức của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, nguồn: https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 10-05-2021, ngày tải tài liệu: 7-6-2021.
4. Tlđd.
5. Quang Mai (2021), Quyết nghị của Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1951), nguồn: https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 07-05-2021, ngày tải tài liệu: 7-6- 2021.
6. Quang Mai (2021), Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951), nguồn: https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 06-05-2021, ngày tải tài liệu: 7-6-2021.
7. Quang Mai (2021), Quyết nghị của Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1951), nguồn: Đã dẫn.
8. Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Lá Bối, Sài gòn, tr. 751.
9. Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 7/ năm 1952, tr. 39-42.
10. Nguyễn Đại Đồng (2021), Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, nguồn: https://phatgiaohanoi.vn/, Cổng Thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, ngày đăng tải: 3-01-2019, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
11. Hội Phật học Nam Việt (1952), Tlđd, tr. 38-41.
12. Nguyễn Đại Đồng (2021), Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, nguồn: Đã dẫn.
13. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr. 739.
14. Nguyễn Lang (1973), sđd, tr. 739.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dương Thanh Mừng, Góp thêm một vài tư liệu về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo miền Nam, giai đoạn 1951- 1954, http://chuax- aloi.vn/, ngày tải tài liệu: 26-7-2021.
Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 7/ năm 1952.
Nguyễn Đại Đồng (2021), Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, https://phatgiaohanoi.vn/, Cổng Thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, ngày đăng tải: 03-01-2019, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Lá Bối, Sài Gòn.
Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Quang Mai (2021), Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (1951), https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 06-5-2021, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
Quang Mai (2021), Đại cương mục đích & Hệ thống tổ chức của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 10-5-2021, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
Quang Mai (2021), Lời Hiệu triệu “Thống nhất Phật giáo” (1951), https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 06-5-2021, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
Quang Mai (2021), Quyết nghị của Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1951), https://thuviengdpt.info/, ngày đăng tải: 07- 5- 2021, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.
Thích Thiện Thống (2011), “30 năm GHPGVN những thành tựu và giải pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2011), Nxb Tôn giáo, số Xb: 817- 2012/CXB/15-85/TG, Hà Nội.
Vai trò và ảnh hưởng của đức Đệ Nhất Pháp chủ trong sự nghiệp xây dựng GHPGVN, https://nguoiphattu.com/, ngày đăng tải: 10- 12-2013, ngày tải tài liệu: 07-6-2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường