Tôn giáo có tính quyết định sự phát triển của tất cả sự sống trong càn khôn vũ trụ, mỗi loài chúng đều có thế giới quan của loài ấy, chúng được nuôi dưỡng và hấp thụ bởi năng lượng của vũ trụ quan, yếu tố con người là vượt trội có đầy đủ khả năng hướng thượng...
Tác giả: Thích Quang Hạnh
Theo báo chí và các nhà nghiên cứu khảo cổ học về phật giáo nói riêng và các nhà khảo cổ học khám phá các di tích lịch sử cổ đại nói chung, họ đều là những người góp sức và làm sáng tỏ các giá trị lịch sử cổ đại có mối liên quan mật thiết với nền văn minh hiện đại.
Các công trình tôn giáo có niên đại hàng ngàn năm đến nay đã được các nhà khảo cổ đã tìm thấy, trong đó có các công trình tôn giáo phật giáo, qua đó cho chúng ta thấy được rằng giá trị tư tưởng của Phật giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung là điều tất yếu không thể thiếu trong sự tiến hóa của nhân loại.
Bởi vì muốn có sự tiến hóa thì bắt buộc tất cả muôn loài vạn vật trong càn khôn vũ trụ này phải có tư duy và sự hiểu biết, trong ba giới bốn loài, loài nào có tiến bộ, có tư duy có hiểu biết thì loài ấy được tiến hóa.
Tôn giáo có tính quyết định sự phát triển của tất cả sự sống trong càn khôn vũ trụ, mỗi loài đều có thế giới quan của loài ấy, chúng đều được nuôi dưỡng và hấp thụ bởi năng lượng của vũ trụ quan, yếu tố con người là vượt trội có đầy đủ khả năng hướng thượng cho nên giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan được tương tác mãnh liệt về năng lượng trong đó có vô ngã thức của vũ trụ quan, cho nên tính tư duy đạo đức của con người xuất hiện ở một số con người có tâm "Tàm Quý" đó là con người ấy biết xấu hổ và biết sợ hãi điều xấu ác, những con người này họ sẽ lãnh đạo và giáo dục những giá trị đạo đức mà họ đã hiểu biết cho đồng loại của mình.
Từ đó, đồng loại có niềm tin và phát triển đi vào lối sống, từ đó các tư tưởng hướng thượng được tính thức vô ngã của vũ trụ chuyển hóa làm cho con người có tư tưởng tiến bộ lên tầm cao mới, đó là giáo điều "các người phải như thế này, phải như thế kia, các người phải làm như thế này, các người phải làm như thế kia, các người phải sống như thế này, các người phải sống như thế kia,..".
Các giá trị tư tưởng của một tôn giáo sẽ bắt nguồn từ các giáo điều này, nói như vậy để cho chúng ta thấy rằng tôn giáo đạo Phật cũng bắt nguồn từ sự giáo điều bắt buộc này, vì các hệ tư tưởng giáo điều lúc đầu cũng chỉ mang tinh răn đe để cho bản chất thú tính của con người biết sợ hãi và biết xấu hổ để mà có được đời sống an ổn hơn, thay vào đó là họ phải tranh giành nhau về sự sống.
Qua đó cho chúng ta thấy toàn bộ sự hình thành các giá tư tưởng đạo đức tiến hóa của con người mà các nhà khảo cổ học trong đó có các nhà nghiên cứu lịch sử cổ đại tôn giáo đã tìm thấy trong công cuộc tìm kiếm của mình.
Thời đại của đức Phật, môi trường đã sẵn có tất cả các giá trị tư duy đạo đức mà các bậc đi trước đã vun đắp, khi đức Phật đản sinh thì các tôn giáo đã có mặt và đang hoạt động một cách rầm rộ và sung mãn, những con người được sinh ra từ quốc độ ấy đa phần họ đã được đúc kết và đã được chuyển hóa về mặt tư tưởng đạo đức, họ đã được kiến tạo để có mặt vào tại thời điểm ấy để lặp lại, sắp xếp lại, ổn định lại và cuối cùng để khẳng định lại những gì mà chưa đúng, những gì đã bị làm thay đổi, những gì đã bị làm lệch lạc và cuối cùng những gì đã làm mất đi.
Đức Phật ra đời như ánh hào quang sáng rực làm lóa mắt đi những giá trị hệ tư tưởng chưa được thay đổi nay đã được Thế Tôn làm cho thay đổi, những gì chưa được hiểu biết thì Thế Tôn sẽ cho hiểu biết, những gì chưa được làm sáng tỏ thì Thế Tôn sẽ làm cho sáng tỏ, những gì con người cần giải quyết thì Thế Tôn sẽ giúp cho họ được giải quyết, những gì mà con người cần gỡ bỏ thì Thế Tôn sẽ giúp cho họ gỡ bỏ và cuối cùng những gì con người cần tiến hóa về mặt tư tưởng đạo đức nâng cao trí tuệ tư duy để đạt được bản thể tuyệt đối tương xứng với giá trị vô ngã của vũ trụ quan thì Thế Tôn sẽ giúp cho họ đạt được các giá trị cao thượng ấy.
Song song với những gì mà Thế Tôn muốn giúp đỡ cho họ thì ngay đó có những hệ tư tưởng đạo đức bảo thủ luôn đi ngược lại giá trị đạo đức cao thượng mà Thế Tôn đã dày công trải nghiệm và đang triển khai một cách một cách cặn kẽ, có thứ lớp, e dè, cẩn thận, chu đáo, đầy đủ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Lúc bấy giờ các hệ tư tưởng tiến hóa về mặt đạo đức đang hoạt động song hành trong thời đại của đức Phật. Đó là các hệ tư tưởng đạo đức của bà la môn giáo, họ vẫn luôn theo dõi và cố gắng lượm lặt những gì mà tư tưởng đạo đức của Thế Tôn có thể được họ chấp nhận, họ sẽ áp dụng và cũng có tín đồ của bà la môn giáo từ bỏ truyền thống để theo tư tưởng của Thế Tôn.
Ở đây chúng ta biết rằng trong vô số tín đồ Bà la môn giáo ấy có những vị không bắt kịp tư tưởng đạo đức của Thế Tôn nên tự mình thay đổi làm sao cho giữa tư tưởng đạo đức của Thế Tôn và tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo có sự tương quan, trong đó đa phần các tân tỷ kheo còn non trẻ sống quen thuộc trong đời sống Bà la môn.
Cho nên ngay trong thời đức Phật, đã xuất hiện hai luồng tư tưởng đạo đức trong giáo đoàn của Ngài, một luồng tư tưởng đạo đức hướng đến ly dục, ly bất thiện pháp còn một luồng tư tưởng đạo đức luôn hướng đến sự lợi dưỡng, họ luôn tránh né các giới luật và luôn che giấu sự phạm giới của mình.
Có thể nói trong giáo đoàn của Ngài đã hình thành nên hai hệ tư tưởng mà trong đó hệ tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo đã có mặt trong giáo đoàn của Ngài. Họ âm thầm và có âm mưu sẽ làm cho thay đổi, hay sẽ tiêu diệt hệ tư tưởng đạo đức luôn hướng đến ly dục, ly bất thiện pháp từ đó có sự rạn nứt và sau cùng là sự chia rẽ của tăng đoàn.
Thật sự mà nói các giá trị tư tưởng đạo đức vô ngã mà đức Phật đã chứng đạt được mà cho đến hôm nay vẫn còn ít người biết đến quả thật đó là một điều hy hữu ở thế gian này không thể nghĩ bàn!
Vi giáo lý ấy nó đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc hành trình nguy nan đề được tồn tại, mà đã được tồn tại trong sự đánh tráo, sai lệch và có xu hướng bị thay đổi thay vào đó một lớp vỏ bọc mới trông có vẻ là một tôn giáo của đạo Phật nhưng kỳ thực sau lớp áo ấy là hệ tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo, chúng ta biết rõ rằng đạo Bà la môn giáo đã phát triển và uy lực có sự ảnh hưởng rất lớn đến tầng lớp Sát Đế Lợi được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của các vua chúa thời bấy giờ thì hệ tư tưởng đạo đức giai cấp này không dễ gì chấp nhận có một hệ tư tưởng đạo đức vô ngã của Thế Tôn được tồn tại và song hành trong đời sống lúc bấy giờ.
Không một thủ đoạn xấu ác nào mà không được đem ra để làm suy yếu hay móc nối các tư tưởng đạo đức lợi dưỡng trong giáo đoàn của Phật với mục đích lồng ghép các hệ tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo vào, nếu có cơ hội và có điều kiện thuận lợi thì thế lực Bà la môn giáo này sẽ tự xưng những hệ tư tưởng đạo đức vô ngã của Thế Tôn sau này họ sẽ tự thay đổi trở thành đại ngã trong hệ tư tưởng đạo đức Bà la môn giáo của họ.
Như chúng ta đã biết, giáo lý tư tưởng của Bà la môn giáo không gì khác là phúng tụng, cúng khấn, viếng, nguyện, cầu, tiên đoán, v,v... giáo lý của bà la môn giáo này đã bị tư tưởng đạo đức vô ngã của Thế Tôn đè bẹp, vì nó mang nặng tính cực đoan về phân biệt giai cấp, nặng hình thức dị giáo, không có chân chính, không có thực tế, mơ hồ, ảo tưởng có xu hướng ma mị tư tưởng siêu hình, đức Phật cho đó là hệ tư tưởng của "tưởng tri", còn tư tưởng đạo đức vô ngã của Ngài đang chuyển pháp đó là "liễu tri".
Thời đại hôm nay các tôn giáo ra đời trong đó có tôn giáo đạo Phật, ít nhiều các tôn giáo ấy bên cạnh mặt tích cực, sẽ vẫn đều có yếu tố cực đoan mang tính giáo điều.
Họ luôn bảo thủ cho hệ tư tưởng đạo đức của tôn giáo họ và họ không chấp nhận vô ngã trong hệ tư tưởng chung khi bàn luận về đạo đức, các tôn giáo thường có tính xung đột cũng tại vì hệ tư tưởng đạo đức của họ không có tính vô ngã cho nên khi nói về đạo đức cũng có sự bất bình đẳng trong đó có đạo Phật. Cho nên ngay thời đại của đức Phật cũng đã tồn tại hai tư tưởng đạo đức, "đạo đức vô ngã" và "đạo đức đại ngã", đạo đức vô ngã là đạo đức trí tuệ của liễu tri còn đạo đức đại ngã là đạo đức của tưởng tri.
Qua các dữ liệu suy luận đúc kết cho chúng ta thấy rằng những giá trị tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo là tư tưởng đạo đức của Phật giáo phát triển (đại thừa), nó chỉ khác về hình thức tên gọi những cốt lõi giáo lý, tư tưởng, hành pháp chỉ là một. Đó là một quá trình có tính toán rất thiện xảo trong tôn giáo mà các tư tưởng đạo đức Bà la môn giáo đã chuẩn ý trước lúc Thế Tôn nhập diệt.
Vậy sau khi Thế Tôn nhập diệt thì sao? Câu trả lời mà cả nhân loại này đều phải biết và thấy đó là đất nước Ấn Độ sẽ không còn bóng dáng của tư tưởng đạo đức vô ngã của Thế Tôn, đồng nghĩa rằng đất nước ấy sạch bóng của đạo Phật chân chính theo giá trị vô ngã của nó thay vào đó là đạo Bà la môn được thay cho một lớp áo mới, vỏ bọc mới, tôn giáo mới đó là "Phật giáo phát triển", sau khi Thế Tôn nhập diệt, giáo phái này thừa tự pháp của Bà la môn giáo mà hành pháp một thời gian dài tại đất nước Ấn Độ và bằng mọi cách lan tỏa giáo pháp đại thừa này sang các nước lân bang trong đó có đất nước Trung Hoa.
Nhưng chúng ta biết rằng trong hệ tư tưởng đạo đức Bà la môn giáo lúc bấy giờ cũng không nhất quán về sự thay đổi hình thức mang tên của Thế Tôn và họ muốn tư tưởng đạo đức của họ được bảo tồn và tôn vinh nên nảy sinh ra những tư tưởng cực đoan và đưa đến mâu thuẫn tranh chấp giữa tư tưởng đạo đức Đại thừa giáo và tư tưởng đạo đức của Bà la môn giáo.
Đại thừa giáo lúc bấy giờ tại đất nước Ấn Độ đã bị thế lực Bà la môn giáo chính thống hùng mạnh tiêu diệt, nay theo các nhà khảo cổ phật giáo đã phát hiện các di tích lịch sử về phật giáo Đại thừa tại đất nước Ấn Độ sau khi Thế Tôn nhập diệt là vậy.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo, không phải là một truyền thống, không phải là truyền thuyết, không phải là văn hóa, không phải là học thuyết, không phải là là một sự truyền thừa,v.v...mà Đạo Phật là một nền đạo đức tối thượng để đưa nhân loại đến trí tuệ văn minh của vũ trụ nó vượt ra sự phạm trù hạn hẹp của chúng sinh, nó có tính đột phá, kiến tạo ý thức lực nhân loại hướng đến tầng số vô ngã của vũ trụ, vì tính vô ngã của vũ trụ là nền văn minh chân lý của vũ trụ.
Còn khi nói đến các tôn giáo trên hành tinh này trong đó có tôn giáo của phật giáo đang hiện hữu truyền bá trong nhân loại của hành tinh này nó có tính chủ thuyết của một vị giáo chủ, đã nói đến một vị giáo chủ là nói đến yếu tố chủ quan của một cá thể được sinh ra trong nhân quả, sống trong nhân quả và hủy diệt trở về với nhân quả vì tất cả các chủ thuyết của một vị giáo chủ ấy đều mang tính trừu tượng mơ hồ và mang nặng hình thức áp đặt, tôn giáo có xu hướng ma mị không sự thật.
Lúc đức Phật còn tại thế ngài quán sát tương lai sau này khi ngài diệt độ thì các tôn giáo đua nhau ra đời để nhấn chìm tất cả những giá trị chân lý hiện hữu của vũ trụ mà Ngài đã hống với tiếng hống của sự uy lực của một con sư tử chúa trước 62 luận thuyết của các tôn giáo lúc bấy giờ làm rúng động các bậc tư tưởng lớn và bậc hiền triết lỗi lạc, làm cho các tư tưởng học thuyết các tôn giáo ấy bị chính các tín đồ của họ phải phản đối kịch liệt và họ từ chối tôn giáo ấy.
Thế tôn đã thấy rằng các tôn giáo hay các học thuyết do các giáo chủ tạo dựng nên ở ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai họ đều bị nhân quả chi phối và các học thuyết ấy đều vô thường sinh diệt biến hoại theo thời gian.
Thế tôn nói rằng các tôn giáo ấy là Tưởng tri còn những gì thuộc về chân lý của vũ trụ là sự Liễu tri. Thế Tôn không ngại gì nói lên điều đó và cũng không ngại gì nói lên chân lý sự thật này, Ngài đã cảnh báo cho nhân loại ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai rằng "Này các tỳ kheo các ông phải ghi nhớ lời của Như Lai hôm nay để cho các ông hãy cảnh giác và chớ có vội tin những gì Như Lai cảnh báo:
1. Các ông chớ có tin điều đó là truyền thuyết,
2. Các ông chớ có tin điều đó là truyền thống,
3. Các ông chớ có tin điều đó là sự tuyên truyền,
4. Các ông chớ có tin kinh điển hay sách vở,
5. Các ông chớ có tin lý luận siêu hình,
6. Các ông chớ có tin điều đó phù hợp với lập trường của mình,
7. Các ông chớ có tin trên các dữ liệu hời hợt,
8. Các ông chớ có tin điều đó phù hợp với định kiến của mình,
9. Các ông chớ có tin điều đó là do sự uy quyền ủng hộ,
10. Các ông chớ vội tin một điều gì mà điều ấy các nhà truyền giáo hay vị đạo sư của mình tuyên thuyết".
Qua những lời cảnh báo này của Thế Tôn cho chúng sinh biết rằng ngoài yếu tố chủ quan của một vị giáo chủ nào hay một chủ thuyết nào đều là ngã, đều là tưởng tri, chỉ có chân lý hiện hữu vô ngã vượt qua tầm chi phối của nhân quả, đó là những giá trị trí tuệ văn minh của vũ trụ.
Với trí tuệ vô ngã của Thế Tôn thì Ngài thấy được cái đại ngã phi Thế Tôn, do vậy ngài không muốn Thế Tôn này được trao truyền cho bất cứ một pháp nào mà pháp ấy không có tính vô ngã, nên trước khi Thế Tôn diệt độ, Ngài tuyên bố rằng "Này các tỳ kheo khi ta diệt độ các ông lấy giới luật làm Thầy, các ông không nên nghe bất cứ một vị đạo sư nào, đây là chân lý của Như Lai, đây là giới luật của các ông, các ông phải tự thấp đuốc lên mà đi, các ông phải lấy chính mình làm hòn đảo nương tựa và đi trên chính đôi bàn chân của mình". Hiểu như vậy, biết như vậy, thấy như vậy các ông tự tinh tấn nổ lực giải quyết những gì cần giải quyết thì giải quyết, những gì cần tu tập thì tu tập, những gì cần đoạn diệt thì đoạn diệt, nhờ sự tinh tấn lực, nhờ sự trí tuệ lực, như lực sĩ duỗi cánh tay, các ông sẽ gõ vào cửa bất tử còn như các ông lười biếng giải đãi phạm giới thối đoạ thì các ông chớ có hối hận về sau.
Tác giả: Thích Quang HạnhGhi chú: Những trao đổi, lập luận, quan điểm thể hiện chính kiến, cách hành văn và tư duy riêng của tác giả. Tạp chí NCPH đăng tải để rộng đường trao đổi, mang tính học thuật, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử Phật giáo.
Tiêu đề (*): Do BBT Tạp chí NCPH đặt
Bình luận (0)