Trang chủ Đời sống Góc nhìn Phật giáo về nạn bạo lực gia đình, phương thức đối trị và cách hóa giải

Góc nhìn Phật giáo về nạn bạo lực gia đình, phương thức đối trị và cách hóa giải

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Dẫn nhập

Bạo lực gia đình là một vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Tại Việt Nam, được sự quan tâm của nhà nước nên đã ban hành những bộ luật để phòng và chống bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật về việc vi phạm và xử phạt, nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời để giải quyết chứ không chấm dứt triệt để được. Ngày nay, có nhiều cặp gia đình đang dần hướng đến Phật giáo, không những vợ chồng con cái mà có cả những người thân thuộc, ngoài ra còn có các cặp vợ chồng trẻ đã đến chùa làm lễ hằng thuận, nhờ vậy mà hiểu được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với người bạn đời và nương theo đó mà tu tập và thực hành, nuôi dưỡng tâm từ, phát triển hạnh lành.

Mục đích đức Phật ra đời là khơi nguồn tuệ giác của chúng sinh trong đời sống nhân gian đó là nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi, trí tuệ, luật nhân quả, lý duyên sinh, tinh thần vô ngã vị tha giúp chúng sinh hướng thượng và vượt thoát, kiến tạo một thế giới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng. Do đó, giáo lý đức Phật đã xoa dịu những lỗi đau, mất mát của chúng sinh, dần hướng dẫn chúng sinh vào con đường hướng thiện và nhờ đó mà nuôi dưỡng được lòng bi tâm từ. Để giải quyết các vấn đề nhức nhối trong xã hội ngày nay, Phật giáo đã dần đi vào xã hội để đưa ra những phương pháp để giải quyết những vấn đề đó một cách triệt để, bởi vì các vấn nạn xã hội ngày nay đang dần trở thành một xu hướng làm cho con người quay cuồng, luẩn quẩn không biết ngõ ra.

Bài viết, phác thảo tầm quan trọng của Phật giáo đối với các vấn đề xã hội ngày nay, điển hình như vấn đề bạo lực gia đình.

Tag: gia đình, giáo lý Phật giáo, ứng dụng, bạo lực gia đình, cuộc sống hiện đại, xã hội, đức Phật, kinh sách,…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung Giao ly Phat giao giai quyet van nan bao luc trong gia dinh 2

Nội dung

1. Khái niệm về bạo lực gia đình

Như chúng ta đã biết, theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 đã định nghĩa về bạo lực gia đình như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”[1].

“Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua)”[2].

Qua những số liệu thống kê trên và những việc bạo hành của con cái với cha mẹ, chồng với vợ và con cái thì chúng ta có thể thấy sự việc đáng báo động trong đời sống hôn nhân và gia đình ngày nay, “theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ nhập viện vì bị ngược đãi, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hàng năm. Còn theo báo cáo của Bộ Công an thì trên cả nước, cứ khoảng hai ba ngày lại có một người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình”[3]. Có thể nói, để giải quyết vấn đề này một cách triệt để không phải đơn giản, vậy vì đâu mà dẫn tới những tình trạng này thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân và lý do.

2. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực

Bạo lực gia đình thường diễn ra trong các thành viên trong gia đình, cho đến nay hiện tượng này khá là phổ biến. Có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân gây ra việc này, nhưng chủ yếu có những nguyên nhân phổ biến như sau:

2.1. Nghiện rượu, bia, ma túy

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 31% vụ án gây thương vong, 33% vụ hiếp dâm tại Việt Nam. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia[4]. Một khi đã uống rượu vào thì không thể kiểm soát được hành vi, lời nói và nhận thức của bản thân dẫn đến càm ràm, chửi bới, quậy phá gia đình, ảnh hưởng đến những người xung quanh, không những thế có khi thấy vợ con, cha mẹ thì lao tới đánh đạp. Qua những biểu hiện trên thì những người trong gia đình khuyên răn, phân tích thì lại cho rằng lấy đạo nghĩa ra dạy đời lúc đó bản ngã, tâm sân (nóng giận) nổi nên rồi đập phá đồ đạc, đánh đập.

Nếu im lặng nhường nhịn thì tưởng sợ hãi nên cứ làm tới, chửi bới và chì chiết thêm. Nhưng tức nước thì vỡ bờ, sự chịu đựng của con người có giới hạn nếu những ai chưa hiểu, học và thực hành giáo lý đức Phật thì khó mà kiềm chế được cảm xúc, rồi lời qua tiếng lại dẫn đến chửi bới nhau, đánh đập nhau, có khi xảy ra án mạng nếu đối phương không biết tránh né và nhường nhịn. Không những thế, ngày này qua ngày khác cuộc sống cứ như vậy còn hơn là cơm bữa, sức chịu đựng của người phụ nữ và con cái sao chịu đựng được, khi con cái phải chứng kiến cảnh cha đánh đập chửi bới mẹ,…gieo rắc vào tâm trí con cái những câu chửi bới vô văn hóa, những hành vi xấu,…làm cho con cái có mặc cảm với mọi người xung quanh về cuộc sống gia đình, có khi phải chịu đựng những lời xỉa xói của bạn bè như: cha mày thế này thế kia, làm cho bạn bè xa lánh, tinh thần của con cái giảm sút và kinh tế gia đình cũng từ đó mà đi xuống.

Đó là nói sơ lược về những hành vi biểu hiện qua lời nói và hành vi, ngoài ra say mê rượu chè, cờ bạc, ma túy có thể gây đến án mạng, như ông chồng hằng ngày chỉ say xưa rượu chè, cờ bạc,… đàn đúm với bạn bè, không phụ giúp được gia đình, mọi gánh nặng của gia đình đè nên đôi vai của vợ, đã vậy về nhà gặp phải ông chồng như vậy không chia sẻ với nhau mà còn sinh tật chửi bới đánh đập, đòi tiền để đổ vào thú vui đó, khi sức chịu đựng nhẫn nhịn của vợ đã nên tới đỉnh điểm thì lời qua tiếng lại đã vô tình người vợ đã đánh ông chồng và dẫn đến tử vong, hoàn cảnh gia đình rơi vào bi đát cha chết, mẹ đi tù vì tội giết người, con cái thì bơ vơ không được sự dạy dỗ và tình cảm của cha mẹ, dẫn đến chán nản, theo sự rủ rê của bạn bè xấu, vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, không có chánh kiến thì nghe lời bạn rượu xúi giục, nói cha mẹ thế này thế kia, vợ con thế này, vợ con thế kia, rồi so bì với người ta về nhà đay ghiến cha me, vợ con,…có rất nhiều kiểu bạo lực đối với gia đình khi người chồng nghiện rượu, cờ bạc, ma túy,… do đó cũng chỉ vì tình thương cha mẹ, con cái nên phải nhẫn nhịn, sống chúng để êm cửa êm nhà. Nhưng hậu quả để lại cho gia đình không những tổn hại về kinh tế mà còn về mặt tinh thần của những người trong gia đình.

2.2. Khó khăn về kinh tế

Với vấn đề gia đình khó khăn về kinh tế gây ra bạo lực cũng không ngoại lệ, ông bà ta có câu “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Thật vậy, ông cha ta nói không sai, dù bất cứ chuyện gia đình, vợ chồng biết cách san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thì gia đình sẽ êm ấm, với áp lực công việc của vợ hay chồng mà chúng ta biết chia sẻ cho nhau thì còn gì bằng tình nghĩa vợ chồng, cùng nhau làm nụng, cùng nhau vun đắp kinh tế, nuôi dạy con cái. Nhưng mấy khi gia đình nào được như thế, thời nay làm nụng khó khăn, lo cơm áo gạo tiền, đủ thứ phải lo, áp lực công việc, …đó là nói gia đình nào có được công việc ổn định, còn gia đình nào công việc bấp bênh, lo ăn từng bữa, con cái học hành,… chắc chắn khó tránh khỏi gia đình không lục đục, những bất hòa khi không được chia sẻ, dồn nén lâu ngày dễ sinh ra cãi vã. Theo thống kê xã hội học cho thấy 60 đến 65% bạo hành gia đình do sức ép của kinh tế gây ra[5]. Điều kiện kinh tế khó khăn dễ dẫn đến làm cho bản thân mất bình tĩnh, hành xử không được khôn khéo, gây mất hòa khí gia đình, lời qua tiếng lại dẫn đến xung đột.

Bởi vì, kinh tế gia đình luôn là gánh nặng của người đàn ông, có những lúc làm ăn thuận lợi, có khi thất bại dẫn đến căng thẳng, áp lực nếu một người đàn ông biết chia sẻ với cha mẹ, vợ hay anh em nhận được sự động viên, an ủi hoặc biết chuyển hóa và bình tâm thì sẽ giữ được gia đình êm ấm, còn nếu một người cố chấp, luôn cho mình là đúng, là quan trọng, rơi vào trạng thái bất mãn và dễ dàng về chút giận nên gia đình. Bạo lực gia đình cũng từ đây mà có mặt. Và đức Phật dạy sáu nguyên nhân phung phí tài sản mà mỗi người vợ hay chồng phải tránh xa: “Đam mê các loại rượu; Du hành đường phố phi thời; Là cà đình đám hý viện; Đam mê cờ bạc; Giao du hữu ác và quen thói lười biếng”[6].

2.3. Chán cơm thèm phở

Hiện nay, một vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hạnh phúc gia đình và là điều khá nhức nhối trong xã hội, đó là vấn đề ngoại tình. Theo một thống kê của tỉnh Bến Tre về vấn đề này như sau:

“Theo thống kê từ Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, số vụ ly hôn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2014, tòa án thụ lý khoảng 3.900 vụ; năm 2015 thụ lý 4.300 vụ; năm 2016 là 4.500 vụ; năm 2017: 4.700 vụ và năm 2019 con số này tăng lên gần 5.200 vụ. Độ tuổi bình quân của các cặp vợ chồng trong các vụ ly hôn ở Bến Tre phổ biến nhất là từ 20 – 40”[7].

Với số liệu trên thì vấn đề ngoại tình là một con số báo động, không riêng gì tỉnh Bến Tre, nhưng đó là con số ly hôn. Nguyên nhân dẫn đến ngoại tình là bản thân không làm chủ được cảm xúc, vợ chồng không có thời gian dành cho nhau vì tính chất công việc, mỗi người một công việc khác nhau, không có thời gian quan tâm tới nhau dẫn đến hơi ấm dành cho nhau không còn mặn nồng và ấm áp như trước nữa. Ngoài ra, gánh nặng về kinh tế, tiền bạc khiến cho các cặp vợ chồng không thể ngồi gần nhau vô tình đã tạo ra khoảng cách với nhau và khi gặp bế tắc về kinh tế hay công việc, stress thì họ thường tìm cách giải pháp tạm thời như hút thuốc, uống rượu hay tìm một mối quan hệ bên ngoài để quên đi khó khăn,… cũng có thể chuyện chăn gối của vợ chồng không được như ý cũng rất dễ sinh ra vấn đề “chán cơm thèm phở”, khi vợ hay chồng ngoại tình thì đối phương cảm thấy bị phản bội, lòng tự trọng bị tổn thương, tình nghĩa trung thủy không còn nữa,… khi lòng ghen nổi lên thì bất chấp và dẫn đến đánh đập và có khi chồng giết vợ, giết con rồi tự tử vì chuyện ngoại tình. Khi lòng ghen của con người nổi nên thì người ta khó có thể kiềm chế và bất chấp làm mọi việc, dẫn đến nhà cửa tan nát, con cái chia lìa, gây thù oán cho hai bên nội, ngoại,…

Có nhiều trường hợp vì không chịu được cảnh bạo lực gia đình nên họ đã tìm cách giải thoát cho bản thân mình bằng cách ly hôn, bỏ trốn, nhưng có một số trường hợp thì nghĩ rằng “một điều nhịn chín điều lành” vì con cái, vì cha mẹ, giữ thể diện cho nhau, cho con cái nên họ chấp nhận chịu đựng. Và còn rất nhiều lý do khác dẫn đến vợ hay chồng ngoại tình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung Giao ly Phat giao giai quyet van nan bao luc trong gia dinh 1

2.4. Trọng nam, khinh nữ

Hiện nay nền văn minh nhân loại đang hướng tới quyền bình đẳng giới tính, nghĩa là nữ giới sẽ được hưởng mọi quyền lợi giống nam giới. Nhưng quyền bình đẳng này chỉ xảy ra ở những nước văn minh và phát triển, còn ở một nước và các tỉnh lân cận với trình độ dân trí thấp thì vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn còn kỳ thị rất gay gắt và đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bạo lực gia đình. Tại Việt Nam chỉ số bất bình đẳng giới là 0.337, xếp thứ 71/195 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ[8]. Do xã hội Việt Nam tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào đời sống của con người nên khó mà có thể bỏ qua, bởi vì con trai là người nối dõi nếu không có con trai thì được xem là gia đình đó tuyệt tự như người xưa có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nghĩa là gia đình có một người con trai thì rất được xem trọng và có người nối dõi tông đường, còn có mười người con gái thì cũng coi như không có con vậy. Do đó, áp lực đối với người phụ nữ về việc sinh con để cái là rất lớn từ phía gia đình chồng và chồng, nên họ cố gắng làm sao phải sinh bằng được con trai, nếu không có con trai thì người phụ nữ phải chịu những lời mỉa mai, chửi bới thậm chí là đánh đập, như vậy họ coi người phụ nữ như là một máy đẻ và đẻ phải như ý muốn.

Nếu gặp phải một gia đình chồng gia trưởng thì số phận của người phụ nữ không sinh được con trai lại càng khổ hơn, nhân quyền không được coi trọng, nhân phẩm bị chà đạp và đây cũng là cái cớ để người chồng đi ngoại tình với lý do là có vợ mà không biết đẻ con trai. Không những trong gia đình, sự phân biệt trọng nam khinh nữ ngoài xã hội cũng không ngoại lệ như tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam. Cùng trình độ, công việc, lao động nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn, kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn[9]. Do đó, với thân phận của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội họ rất là thiệt thòi.

Qua những vấn đề trên thì đức Phật có dạy năm sự bất hạnh của người nữ và không khả ý với người đàn ông dẫn đến bị bạo lực: “Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, lười biếng, không sinh con”[10], không những thế người phụ nữ phải chịu đựng năm nỗi khổ riêng biệt mà người đàn ông không có đó là: “Người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Người đàn bà có kinh nguyệt. Người đàn bà phải mang thai. Một người đàn bà phải sinh con và người đàn bà hầu hạ đàn ông. Này các Tỳ kheo, đây là năm đau khổ riêng biệt, này các Tỳ kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông”[11], do đó thân phận người phụ nữ rất là cực khổ, phải chịu đựng những những nỗi khổ mà người đàn ông không có, nếu một người phụ nữ có phước lấy phải ông chồng biết quan tâm, thương yêu thì rất là may mắn, ngược lại thì người phụ nữ luôn bị chồng đánh đập, chửi bới, hành hạ, …thì quả là bạc phước.

3. Các hình thức bạo lực

Như chúng ta đã biết, ngoài nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình thì còn có các hình thức bạo lực, có thể nói các hình thức này khá là phổ biến trong gia đình và tỷ lệ của các hình thức này chênh lệch nhau không bao nhiêu đó là: bạo lực về thể xác, tinh thần và tình dục, với số liệu thống kê như sau:

Có 41,8% số cha/mẹ sử dụng hình thức quát mắng và 14% sử dụng hình thức đánh đòn khi vị thành niên nam có hành vi mắc lỗi, 58% phụ nữ từng kết hôn đã từng bị một trong ba loại bạo lực bởi người chồng. Trong đó:

Bạo lực tinh thần: 54%

Bạo lực thể xác: 32%

Bạo lực tình dục: 10%[12].

3.1. Bạo lực về thể xác

Bạo lực về thể xác là đánh đập, hành hạ, ngược đãi ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể. Theo số liệu thống kê trên thì bạo lực về thể xác chiếm không phải là ít, với sự can thiệp của pháp luật và hình phạt nên số liệu đã có phần giảm. Nhưng đa số đối với các vùng nông thôn kém phát triển, đối tượng bình dân thì bạo lực về thể xác là chiếm đa số và có thể gây ra án mạng, còn đối với con cái thì có nhiều trường hợp ba mẹ đánh đập dẫn đến thương tích và tàn tật hay những cặp vợ chồng sống chung mà có co riêng như ba dượng không thương con riêng của vợ và ngược lại, dẫn đến kết cục quá thương tâm. Ngày nay, xã hội cũng đang lên án cha mẹ bạo lực với con cái, sức lao động của con cái dưới nhiều hình thức khác nhau.

3.2. Bạo lực về tinh thần

Với hình thức này thì dùng những lời chửi bới, lăng mạ, đay nghiến, chỉ trích xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của vợ hay con cái, làm cho đối tượng buồn phiền, ức chế về cảm xúc khi không được chia sẻ và cảm thông dễ dẫn đến tự kỷ, trầm cảm và có khi uất ức họ sẽ tìm đến cái chết. Hình thức này thường xảy ra với tầng lớp trí thức, vùng thành thị với sự tác động về kinh tế gia đình nên dễ xảy ra, với số lượng thống kê lên tới 54% thì đây là con số không hề nhỏ. Đối với con cái thì đang tuổi lớn và phát triển nếu bậc làm cha mẹ dùng những lời khó nghe, chửi bới, …thì sẽ tạo áp lực cho con cái, làm cho tình cảm giữa ba mẹ con cái trở lên lạnh nhạt, không có sự gần gũi và cảm thông cho nhau dẫn đến thờ ơ và sinh ra trầm cảm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung Giao ly Phat giao giai quyet van nan bao luc trong gia dinh 3

3.3. Bạo lực về tình dục

Chuyện chăn gối vợ chồng là đồng thuận giữa hai bên, đây là một việc rất tế nhị nên chúng ta khó có thể đề cập đến vấn đề này. Bởi vì, bất kỳ người phụ nữ nào cũng xấu hổ, ngại ngùng,… khi đề cập đến việc này. Khi chuyện chăn gối không được sự chấp nhận của người vợ mà người chồng ức hiếp, cưỡng ép để làm thỏa mãn sự ham muốn sẽ làm cho người vợ bị tổn thương, nhưng thường thì im lặng chịu đựng, sống trong sợ hãi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Bạo lực này không chỉ xảy ra với người lớn mà còn xảy ra với trẻ em, có những trường hợp để thỏa mãn ham muốn mà xảy ra những trường hợp rất thương tâm, loạn luân trong gia đình.

4. Cách giải quyết bạo lực gia đình của Phật giáo

Với vấn đề về bạo lực gia đình thì sự can thiệp của pháp luật chỉ là phương pháp tạm thời, sau khi vi phạm thì chịu mọi hình phật của pháp luật nhưng xong rồi thì “đâu lại đóng đấy”, phạt thì cứ phạt mà vi phạm thì cứ vi phạm, nên ông cha ta có câu “giang sơn khó đổi, bản tính khó lường”. Khi mới yêu nhau thì toàn là màu hồng, mơ mộng cao sang, đẹp đẽ, thề non hẹn biển, đến khi nên duyên với nhau thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không thương tiếc. Để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình theo quan điểm Phật giáo thì người viết dựa vào giáo lý, những lời dạy của đức Phật đưa ra một vài ý kiến, phương pháp để giải quyết vấn đề trên.

4.1. Đức tính kiên nhẫn

Để có một đức tính kiên nhẫn thì mỗi chúng ta phải thực hành và tu tập theo những lời dạy của đức Phật, hằng làm cho ba nghiệp thân, miệng và ý được thanh tịnh. Khi trong gia đình xảy ra xung đột hay bất hòa thì vợ chồng mỗi người hạ cái tôi xuống, nhịn đi vài câu, chồng nóng thì vợ bớt lời, hay vợ nóng thì chồng bớt lời, khi vợ hay chồng nguôi cơn giận thì ngồi lại với nhau nói chuyện, giải thích cho nhau, nếu ai cũng cương lên thì khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng mấy ai có thể làm được như vậy, vì ai cũng cho mình là hơn, là đúng, khi cơn giận nổi lên thì khó mà kiềm chế được tính sân, dẫn đến mất kiểm soát gây ra xung đột. Do đó, chúng ta hay tu tập và thực hành lời Phật dạy để điều phục thân, tâm và ý, như đức Phật đã dạy:

Thường cẩn thận giữ mình
Đừng để nổi giận hờn
Thân từ bỏ việc ác
Tiến tu đức hạnh lành.
Thường cẩn thận lời nói
Giữ gìn, chớ nổi sân
Từ bỏ lời nói ác
Thường tụng tập pháp lành.
Thường giữ tâm cẩn thận
Bảo hộ nó đừng sân
Từ bỏ tâm niệm ác
Chỉ tư duy niệm lành[13].

Hãy học cách lắng nghe và chia sẻ với nhau trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta có cuộc sống, hướng dẫn gia đình con cái quy y Tam bảo, tập ngồi Thiền để định tâm và làm chủ được cảm xúc và hành vi khi có nghịch cảnh, đó là cách sống của người có trí:

“Người có trí tuệ chân thật, họ không bao giờ tức giận. Khi có xung đột với ai, họ rộng lượng nhường một bước. Khi gặp phải điều oan trái, họ yên tĩnh suy nghĩ. Khi gặp điều bất mãn, họ tự biết cách lặng lẽ. Không tranh hơn thua, là một người khoan dung. Không tranh chấp, là người thoát tục. Không tức giận, đề phòng sự mâu thuẫn lên cao. Không tức giận, giảm thiểu phiền não phát sinh. Không tức giận, đối với người khoan dung. Không tức giận, đối với người chịu trách nhiệm. Không tức giận bất luận là làm việc gì, đối với ai”[14].

Do đó, một người có trí tuệ thì sẽ xây dựng một gia đình êm ấm, có văn hóa, hướng mọi người trong gia đình đến với Phật pháp, tu nhân tích đức và góp phần xây dựng một xã hội ngày một thịnh vượng và phát triển.

4.2. Cảm thông và chia sẻ

Đối với các cặp vợ chồng, chuyện lục đục trong gia đình khó mà tránh khỏi, con người không ai là không có lỗi, nhưng chúng ta biết đặt vị trí vào nhau thì cuộc sống gia đình sẽ được êm ấm hơn, sự sân giận của vợ hay chồng sẽ làm hư bột hư đường nhưng không giải quyết được vấn đề và càng làm cho nghiêm trọng hơn.

“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu”[15].

Qua lời dạy trên thì chúng ta thấy rằng, lòng sân giận không thể hóa giải được lòng sân giận, chỉ có tình thương, bao dung và tha thứ, quan trọng hơn đó là cách chúng ta hành xử với nhau. Nếu trong gia đình, vợ chồng không có sự quan tâm chia sẻ với nhau, mệnh ai lấy làm, tiền ai lấy giữ, … ai cũng lo cho bản thân mình mà bỏ mặc người bạn đời thì trước sau gì hôn nhân gia đình cũng không bền lâu. Ngoài ra, phải tạo thời gian cho nhau, nhưng cũng đừng quá gò bó người bạn đời, tạo chỗ dựa vững chắc và niềm tin với nhau, sống phải biết kính trên nhường dưới, hỗ trợ với nhau trong việc dạy dỗ con cái và đó là nghệ thuật sống để giữ mái ấm gia đình hạnh phúc, “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.

4.3. Bổn phận và trách nhiệm đối với nhau của các thành viên trong gia đình

Có rất nhiều lý do xã hội, gia đình, cá nhân sẽ là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hôn nhân gia đình. Do đó, điều quan trọng để giữ tổ ấm là bổn phận và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình với nhau, như trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt đức Phật dạy về trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ, con cái đối với nhau:

“Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời, (…) ngăn chặn con làm ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con”[16].

Với lời dạy trên, mỗi gia đình đều áp dụng được những lời dạy đó thì gia đình sẽ hoà thuận, nhưng thời đại ngày nay khó có thể mà áp dụng hoàn toàn được bởi vì có một số thành phần cha mẹ qua đời chưa bao lâu, thậm chí ba mẹ vừa nhắm mắt xuôi tay thì con cái đã tranh giành tài sản, tị lạnh nhau về việc lo đám hay cha mẹ già yếu không ai chịu chăm sóc, có những hoàn cảnh rất thương tâm như con cái thì đông nhưng ba mẹ phải lủi thủi sống một mình hoặc sợ ba mẹ là gánh nặng thêm về kinh tế trong gia đình thì đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão. Cha mẹ có thể nuôi con khôn lớn nhưng con cái có mấy ai nuôi được cha mẹ,…

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2020 Bao ve moi truong la bao ve cuoc song 3

Hay đức Phật dạy về công ơn cha mẹ trong kinh Tăng Chi như sau:

“Này các Tỳ kheo, những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với Phạm Thiên. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc đạo sư thời xưa cổ. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với chư Thiên thời cổ xưa. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc thánh. Này các Tỳ-kheo, “Phạm thiên” là từ dùng để chỉ cho cha mẹ. “Các bậc đạo sư xưa cổ” là từ dùng để chỉ cho cha mẹ. “Chư thiên thời cổ xưa” là từ dùng để chỉ cho cha mẹ. “Các bậc thánh” là từ dùng để chỉ cho cha mẹ. Vì sao? Vì công ơn cha mẹ thật vĩ đại; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn và dạy cho con biết về cuộc đời”[17].

Ông bà ta có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, thật vậy phận làm cha mẹ ai cũng muốn con cái học hành tới nơi tới trốn, có công ăn việc làm, rồi dựng vợ gả chồng, nhưng con cái ngỗ nghịch bất hiếu thì biết làm sao trong khi đó cha mẹ dạy dỗ không được, cha mẹ nói một mà con cái cãi lại mười. Có những hoàn cảnh nói ra thật đáng thương thay.

Ngoài ra, đức Phật dạy năm bổn phận vợ chồng đối với nhau cũng không thể bỏ qua như: “Kính trọng vợ, không xem thường vợ, chung thủy với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ, (…) thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, chung thủy với vợ, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc”[18]. Nếu mỗi cặp vợ chồng làm tròn bổn phận của mình như trong kinh đức Phật dạy như nước hòa với sữa thì gia đình đó đang xây dựng một cảnh giới đầy an lạc và hạnh phúc, không những thế họ còn có thể hướng dẫn những thân bằng quyến thuộc theo đó để thực hành, là mẫu hình gia đình lý tưởng để mọi người noi theo. Như ông bà ta có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”, trong gia đình người vợ có trách nhiệm vun vén hạnh phúc cho gia đình, bên cạnh đó bổn phận của người chồng phải đối đãi với người bạn đời của mình tử tế và biết yêu thương, người phụ nữ đã cả đời hy sinh cho gia đình, chịu biết bao tủi nhục và thiệt thòi nên “phụ nữ là để yêu thương” nếu không đủ yêu thương và tha thứ thì đừng làm khổ cho nhau, đâu cũng là cái duyên vợ chồng. Bên cạnh đó, đức Phật dạy cho Sujātā có bảy loại vợ:

“Bạch Thế Tôn, có nàng dâu Sujātā giàu có đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, cũng không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn. (…). Này Sujātā, có bảy loại vợ này cho người đàn ông. Thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn và vợ như người tỳ nữ”[19].

Qua đó, loại vợ như người sát nhân, như người ăn trộm và như người chủ nhân thì sớm muộn gì gia đình cũng xảy ra chiến tranh bạo lực, còn bốn loại sau thì được đức Phật khen ngợi, từ bảy loại vợ như đức Phật đã dạy thì chúng ta cũng hiểu được sẽ có bảy loại chồng.

4.4. Nhận định

Như chúng ta đã biết, đức Phật là bậc đại y vương, tùy bệnh của chúng sinh mà cho thuốc, cũng vậy ngày nay chúng sinh cang cường, khó dạy khó sửa, với trong thời đại xã hội phát triển, cuộc sống xô bồ làm cho con người cũng không có thời gian dành cho nhau, chỉ vì cơm áo gạo tiền, áp lực về kinh tế, cuộc sống nên các cặp gia đình khó có thể tránh khỏi những xung đột. Ngoài những ý kiến trên thì còn có rất nhiều các phương pháp tu tập và thực hành để cho các gia đình áp dụng để hạn chế vấn đề về bạo lực gia đình và góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Một số sự hạn chế vẫn còn ở các vùng sâu vùng xa như trình độ dân trí còn thấp, chưa tiếp xúc với Phật giáo, không có người hướng dẫn nên các hàng Tăng ni sinh trẻ vì đạo pháp và phụng sự hãy dấn thân đến các vùng sâu vùng xa hoằng pháp lợi sinh, hướng dẫn mọi người biết đến Phật pháp, đồng thời xây dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc.

Kết luận

Những lời Phật dạy về vấn đề hôn nhân gia đình không chỉ cho người nữa mà dành cho cả người nam và bậc làm con, qua đó chỉ cho chúng ta biết rằng bổn phận và trách nhiệm của mình đối với những người trong gia đình. Để giữ được hơi ấm của gia đình thì mỗi thành viên phải biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc và duy trì cho hơi ấm này. Khi ứng dụng được những lời dạy của đức Phật trong đời sống thường nhật thì sẽ mang lại cho chúng ta sự lắng dịu, bình lặng nội tâm, an lạc giữa đời sống náo động, góp phần quan trọng của Phật giáo cho cuộc sống được khỏe mạnh của nhân loại trong thế giới bất an này.

Có thể nói, đời sống gia trình là nền tảng, là điểm tựa quan trọng và vững chãi cho bất kỳ ai sống đời sống có gia đình. Là nơi giúp cho các thành viên hướng đến một đời sống cao thượng, thánh thiện trên cuộc đời này và tạo nên sự bình an và hạnh phúc cho nhân loại. Gia đình là nơi nuôi dưỡng các thế hệ trẻ cho tương lai đất nước, là nơi chúng ta đi để trở về, do đó chúng ta hãy trân trọng, nuôi dưỡng lòng từ bằng cách làm tròn bổn phận của con cái, tròn nghĩa đạo vợ chồng.

Nhờ những giáo lý, những lời dạy của đức Phật đã giúp cho chúng ta hướng thiện, bỏ ác làm lành, trân trọng gia đình thể hiện qua tình thương và sự tôn kính. Nhưng ngày nay, để áp dụng và thực hành lời Phật dạy vẫn còn bị hạn chế ở các vùng sâu vùng xa, nên vấn đề về bạo lực gia đình vẫn chưa được giải quyết theo cách nhìn của Phật giáo.

Thích Tâm Ý – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

——————-

CHÚ THÍCH

[1] https://luatminhkhue.vn/hanh-vi-bao-luc-trong-gia-dinh-se-bi-xu-phat-the-nao–.aspx. Truy cập: 09/03/2021.
[2] https://vietnam.unfpa.org/vi/publications. Truy cập: 09/03/2021.
[3] https://giacngo.vn/giai-quyet-bao-hanh-theo-cach-nhin-phat-giao-post31987.html. Truy cập: 13/03/2021.
[4] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/ma-men-gay-ra-hon-30-cac-vu-bao-luc-gia-dinh-344156. Truy cập: 10/03/2021.
[5] https://thuvienhoasen.org/a9160/chuong-7-bao-luc-gia-dinh-nguyen-nhan-va-giai-phap. Truy cập: 10/03/2021.
[6] HT.Thích Minh Châu, Trường bộ kinh, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016, tr.622.
[7] https://vovgiaothong.vn/ly-hon-tang-vot-ngam-ve-van-hoa-ung-xu-gia-dinh-bai-2-do-vo-do-bat-dong-quan-diem-hay-thieu-ky-nang-song. Truy cập 10/03/2021.
[8] http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/88481/bat-binh-dang-gioi-nguyen-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh. Truy cập: 11/3/2021.
[9] http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/88481/bat-binh-dang-gioi-nguyen-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh. Truy cập: 11/3/2021.
[10] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần I, Phẩm Trung Lược, Viện NCPHVN, TP.HCM, 1991, tr 383.
[11] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần I, Phẩm Trung Lược, Viện NCPHVN, TP.HCM, 1991, tr 385.
[12] http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/47724/cac-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh. Truy cập: 13/3/2021.
[13]Tôn giả Pháp Cứu soạn, Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan: Hán dịch, Thích Đồng Ngộ – Thích Nguyên Hùng: Việt dịch, “Kinh Pháp Cú Bắc Truyền”, phẩm 25- Giận Hờn, Nxb.Ananda Viet Foundation, 2019, tr.18-19.
[14] Vạn Lợi Quán Như (bs), 365 Ngày Tâm An, Nxb.Lao Động, 2020, tr.210-211.
[15] Kinh Pháp Cú số 5.
[16] HT.Thích Minh Châu, Trường bộ kinh, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016, tr.627-628.
[17] Tăng Chi Bộ kinh I – Ch.IV (III):63, tr.684-685.
[18] HT.Thích Minh Châu, Trường bộ kinh, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016, tr.628.
[19] HT.Thích Minh Châu, Tăng chi bộ kinh, chương VII Bảy Pháp VI. Phẩm Không Tuyên Bố, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016, tr.244-245.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu, Trường bộ kinh, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016.
2. Thích Minh Châu, Tăng Chi bộ kinh, chương VII Bảy Pháp VI. Phẩm Không Tuyên Bố, Nxb.Tôn giáo, HN, 2016.
3. Vạn Lợi Quán Như (bs), 365 Ngày Tâm An, Nxb.Lao Động, 2020.
4. Tôn giả Pháp Cứu soạn, Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan: Hán dịch, Thích Đồng Ngộ – Thích Nguyên Hùng: Việt dịch, “Kinh Pháp Cú Bắc Truyền”, phẩm 25- Giận Hờn, Nxb.Ananda Viet Foundation, 2019.
5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần I, Phẩm Trung Lược, Viện NCPHVN, TP.HCM, 1991.
6. Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch, Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xa hội hợp tuyển từ kinh tạng Pāli, Nxb.Hồng Đức, HN, 2018.
7. http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/47724/cac-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh. Truy cập: 13/3/2021.
8.http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/88481/bat-binh-dang-gioi-nguyen-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh. Truy cập: 11/3/2021.
9.https://vovgiaothong.vn/ly-hon-tang-vot-ngam-ve-van-hoa-ung-xu-gia-dinh-bai-2-do-vo-do-bat-dong-quan-diem-hay-thieu-ky-nang-song. Truy cập 10/03/2021.
10. https://thuvienhoasen.org/a9160/chuong-7-bao-luc-gia-dinh-nguyen-nhan-va-giai-phap. Truy cập: 10/03/2021.
11. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/ma-men-gay-ra-hon-30-cac-vu-bao-luc-gia-dinh-344156. Truy cập: 10/03/2021.
12. https://giacngo.vn/giai-quyet-bao-hanh-theo-cach-nhin-phat-giao-post31987.html. Truy cập: 13/03/2021.
13. https://vietnam.unfpa.org/vi/publications. Truy cập: 09/03/2021.
14. https://luatminhkhue.vn/hanh-vi-bao-luc-trong-gia-dinh-se-bi-xu-phat-the-nao–.aspx. Truy cập: 09/03/2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường