Tác giả: Thích Minh Kính Khoa Đào tạo từ xa Khóa VII, Học viện  PGVN tại Tp.HCM

Kinh Thanh Tịnh được đức Phật dạy cho hàng Tỳ kheo trong cái hiểu sai lệch về Pháp của các Ni Kiền Tử trong sự tu hành sai lầm, tà kiến, họ sống và tu học dưới sự chỉ dạy mù quáng của “bậc đạo sư”, mang đầy kiến chấp sai lầm, nên người thầy dạy đạo sau khi viên tịch các học trò sinh tâm đố kị nhau, đấu tranh với nhau bằng binh khí miệng lưỡi…

Kinh Thanh Tịnh1 số 17 này thuộc về Kinh Trường A Hàm, do ngài Tuệ Sỹ dịch thuật và trước tác. Phẩm Kinh này tương đương bài kinh Thanh tịnh số 29 trong Trường Bộ Kinh do ngài Minh Châu phiên dịch. Người viết xin trình bày góc nhìn mới trong Kinh Thanh Tịnh trên hai nền tảng chính yếu trong lời đức Phật dạy về đạo Ni Kiền Tử qua hai vấn đề:

Thứ nhất là cơ sở để chính pháp được an trụ trong lời Phật dạy.

Thứ hai là nói đến những hạnh chi nào góp phần cho phạm hạnh được thành tựu Kinh Thanh Tịnh.

Chính đức Phật ban những lời huấn từ qua cái nhìn đầy trí tuệ, và sự giác ngộ của Ngài để chỉ dạy cho chư Tỳ Kheo và hàng cư sĩ thấy rõ những giá trị chân thực về sự tu tập trong Pháp và luật của ngài để từ bỏ các quan niệm sai lầm, đoạn trừ tâm tà kiến, đoạn trừ các ác pháp trong tâm của mỗi người con học Phật. Chính yếu của sự học Phật là sự giác ngộ giáo lý vô thường, duyên sinh, vô ngã qua kinh Thanh tịnh. Từ đó, người hành giả nhận chân được giá trị của đời sống phạm hạnh cao viễn, dứt trừ các lậu hoặc phiền não đang ngủ ngầm trong tâm mỗi chúng ta.

Đức Phật dạy thêm cho hàng tăng, ni, cư sĩ về đời sống vật chất đủ đầy và phóng dật là nguyên nhân của mọi sự khổ trên cuộc đời. Từ đó, những người con Phật sẽ nhận thức giá trị tuyệt vời, sự hạnh phúc, sự an lạc, đẹp lạ của giáo pháp, chính là “đến để mà thấy, thiết thực ngay hiện tại, dành cho người có trí chứng hiểu…”. Đức Phật dạy về 4 trường hợp: “phi thiện thuyết không thiện hành, thiện thuyết không thiện hành, phi thiện thuyết thiện hạnh, thiện thuyết thiện hành”2. Đây chính là lời dạy mang đầy tính nhân văn sâu sắc mà đức Phật muốn nhắc nhở cho hai chúng đệ tử cân nhắc trong sự tu học của chính mình trên lộ trình nhận diện bản tâm và xoay lại chính mình về việc chọn thầy để tu học về lý tưởng. Người học đạo cần đề cao tinh thần hòa hợp trong huynh đệ và cốt yếu chính là đức Phật nhắc nhở về sự tu hành tinh tấn trên nền tảng 37 phẩm trợ đạo, và sự chứng ngộ 4 thiền sắc giới, đặc biệt hơn nữa là ngài nhấn mạnh đến Tứ Thánh Quả mà người con Phật cần chứng ngộ trên lộ trình tu học và chuyển hóa các phiền não khổ đau. Từ đó, người học Phật sẽ nhận diện mục tiêu của đời sống phạm hạnh tròn đầy và mang ý nghĩa rốt ráo cao thượng. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu giá trị và sự nhận thức qua lời dạy của bậc đạo sư khả kính, về những lời dạy thiết thực và đầy đủ trí tuệ về pháp mà Ngài đã dày công tu tập, sự hoằng Pháp không biết mệt mỏi trong 49 năm hành đạo cho đến khi ngài nhập Niết Bàn.

Duyên khởi kinh

Sa di Châu Na ở nước Ba-ba, đến gặp ngài khi mùa an cư kết thúc, sa di đã vấn an và hỏi thăm giáo Pháp với Ngài A nan ở nước Ca-duy-la-vệ và trình bày về Ni- kiền tử trong thành này mất, các đệ tử ông này sinh tâm đấu tranh về miệng lưỡi, khuyết điểm, phân biệt cao thấp, ganh đua kiến thức với nhau… Từ đó, đức Phật dạy về bốn pháp hoàn hảo dành cho người hành trì và không hành trì, về sự hòa hợp hay tranh chấp của các vị đệ tử của phái Ni Kiền Tử và trong nội bộ của Tăng đoàn do họ không nhận rõ giá trị của pháp học và pháp hành mới xảy ra cơ sự tranh chấp, hơn thua, đấu đá, ghanh ghét,…

Nội dung kinh

I. TRANH CHẤP CỦA NỘI BỘ NI KIỀN TỬ (Niganthaputta)

Sau khi người thầy chết không bao lâu, thì nội bộ các đệ tử của ông xảy ra tranh chấp, mắng chửi nhau, tìm tòi khuyết điểm của nhau, họ chia làm hai phe như trong hai nhóm Luật tạng và Luận tạng đấu khẩu và biện minh cho cái sai của mình, bên nào cũng cho mình là đúng, không chịu nhường nhịn và thiếu sự hòa hợp trong tăng đoàn. Cũng vậy, các người đệ tử Phái này sau khi người thầy mất đi không lâu sau đó, họ chia phe phái, tranh chấp, mâu thuẫn, tà kiến, xem mình luôn đúng, họ không nhường nhau như: “hành động của ta là chân chính, còn ngươi không chân chính, còn ngươi là tà kiến; những điều ta làm là vi diệu…”1. Họ đấu tranh bằng miệng lưỡi, tranh chấp, mắng chửi nhau, tìm tòi khuyết điểm của nhau như cái trước đặt ra sau, cái sau đặt tra cái trước, điên đảo, thác loạn không có phép tắc, rồi họ sinh ra những chán ghét, bùn phiền, sau đó họ đưa ra nhận định: “Những điều ta làm thật là vi diệu, hay những điều ngươi nói thì sai lầm”. Dần dần họ đánh mất giá trị của lời thầy dạy, họ mù quáng, mê lầm, sống và tu học trong sự tà kiến, thối đọa về tâm thức và trí tuệ. đã sai lầm họ còn thêm chấp mắc, dính chặt tư kiến mù quáng, những người học trò này quên đi việc học đạo không phải là tranh đấu, hơn thua. Cốt yếu việc tu đạo là sự chuyển hóa tâm thức, đoạn trừ lỗi lầm trong tâm của chính mình là trọng tâm của việc tu học.

Trong Kinh Trung Bộ: bài Kinh Thừa Tự Pháp đức Phật khẳng định: “Và này các Tỳ kheo, nếu các Người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Người trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”2. Nếu vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni chỉ xem tài vật là quan trọng thì đang làm cho giáo Pháp trở nên tăm tối, người thế gian họ sẽ chê cười cả thầy lẫn trò. Tức đồng quan điểm của các người đệ tử của Ni kiền Tử, đã sai lầm càng làm trầm trọng thêm. Thế nên, người đệ tử cần nỗ lực tu tập và hành trì pháp chứ không phải xem tài vật là trên hết hay vì nó sinh tâm đấu tranh, vì chút danh dự hay lợi dưỡng mà quên đi việc học đạo cao thượng cả vật chất phù phiếm cúa thế gian.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Truong A Ham Kinh 1

Quan điểm của phái Ni Kiền Tử họ luôn sống và tu học trên lập trường mê lầm, luôn tự mình thỏa mãn, hoan lạc trong tư tưởng tà kiến, đoạn kiến, thêm đó là quan niệm sai lầm khi chọn thầy học đạo. Đức Thế Tôn đã ví họ như là người thầy mù, không có giới hạnh, phạm hạnh, trí tuệ, thiếu chính tri kiến như thực về sự thực hành và tu tập, lại đi dẫn dắt các đệ tử đi lầm đường lạc lối, mà người thầy hướng đạo không nhận ra sự mê muội của chính mình. Nếu các vị này có chính kiến, thì lúc tầm thầy học đạo họ sẽ nhận ra cái sai lầm của người thầy và từ bỏ, đi tìm vị thầy có đủ tri kiến, và sự chân chính cả trong sự hành trì lẫn đức hạnh để tu tập. Từ đó, họ sẽ chuyển hóa hết tất cả khổ đau cho mình và cho những người khác đồng hưởng phước báu an vui. Chính đức Phật đã phủ nhận những quan niệm sai lầm của các Ni kiền Tử và răn dạy chúng tăng về giá trị chọn thầy học đạo dưới kinh nghiệm tu tập và sự học đạo của chính Ngài.

Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng tăng, chính ta chưa bao nói ta đúng, ngươi không đúng, Ngài chỉ dạy cho chúng tăng và các cư sĩ về các quan điểm qua giáo lý Tứ đế3 khổ tức là chấp níu vào sinh, lão, bệnh, tử, sự bám víu vào 5 uẩn, khổ chồng thêm khổ tức về thân và tâm. Thứ hai, nguyên nhân của khổ tức là do tham ái, sân hận, si mê và tà kiến; thứ ba là sự chấm dứt hoàn toàn khổ do sự tu tập, thiền định và thiền quán song tu, hay chỉ và quán song tu và sự chứng đắc lộ trình giải thoát, cho đến thâm nhập Niết Bàn; thứ tư là con đường chấm dứt mọi sự khổ chính là tu tập về Bát Chính Đạo. Đức Phật dạy về sự đoạn tận hết sạch mọi khổ đau trong thân và tâm chính là tu tập và hành trì, chiêm nghiệm về tám sự thật trong Bát Thánh đạo. Đức Phật nhấn mạnh giáo lý như thực tuệ tri về Tứ Diệu Đế, ngài đã thuyết pháp cho năm hiền giả cùng tu khổ hạnh lâm với ngài và độ họ trong kinh Chuyển Pháp Luân. Ngài nhấn mạnh sự thể nhập giáo pháp trong sự tu hành và thiền minh sát trí để từ đó hàng Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, và các cận sự cần nỗ lực, tinh tấn hành thiền, đó là mục đích, cũng là quan điểm của đức Phật.

Đức Phật dạy cho sa di Châu Na: Chính yếu những quan điểm phi pháp, phi luật không chân chính, không thể đưa đến mục tiêu trong đời sống Phạm hạnh không cần nghe, vì quan điểm của Ni kiền luôn cho rằng: “ta đúng, ngươi sai, hay những điều ta làm vi diệu, những điều ngươi nói là không chân thực, luôn chủ trương ta là trên hết, ta làm được, ngươi không làm được,” họ chủ trương sâu sắc về ngã, tôn trọng cái gọi là tự ngã ta luôn đúng, rồi ôm chặt cái tư tưởng thường kiến về cả người thầy lẫn người học trò và tất cả các quan điểm không có rốt ráo, luôn dẫn dắt họ đến sai lầm này đến sai lầm khác, đức Phật ví họ như ngôi tháp đỗ nát khó có thể tô màu sắc như người ta mong muốn.

Kinh Đa giới4 đức Phật dạy cho chư Tỳ kheo về tất cả những sự sợ hãi, thất vọng khởi lên do vị ấy không thấu hiểu tột cùng và không đầy đủ trí tuệ thiện xảo để học và thực hành các giáo lý: giới; xứ ở đây là sáu nội xứ và sáu ngoại xứ; lý duyên khởi, xứ phi xứ tức vị tỳ kheo hay kẻ phàm phu xem các hành là thường còn, là ý niệm lạc thọ, ý niệm tự ngã. Đức Phật xem những người này là kẻ thiếu trí tuệ trong sự học và thực hành Pháp nên khởi lên tư tưởng: “Phàm có những sợ hãi, tất cả hoạn nạn, tất cả thất vọng gì sinh khởi, này các Tỳ kheo, tất cả những sợ hãi ấy sinh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí (pandita).” Chính những yếu tố này nên người học đạo cần thấy rõ sự nguy hại của các yếu tố này mà tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các ác nhiễm này.

Thật vậy, đức Phật nhấn mạnh những người đệ tử khác trong phái Ni kiền tử do thấy những người trong đó sai lầm, sợ hãi như vậy nên họ chán nản, họ quyết tâm xa rời những tư tưởng tà kiến, không chấp nhận lối tư duy, suy nghĩ này nên họ không thuận theo rồi tự mình tu tập trong chính kiến, chính chính kiến giúp họ nhận thức được giá trị chân chính khi học đạo và hành đạo. Đức Phật đưa ra câu hỏi cho sa di nếu có người nào đến hỏi ông: “người thầy ông là chân chính, pháp của ông là chân chính, sao ông không nỗ lực tu học trong giáo pháp ấy…lại bỏ đi?”, nếu kẻ thiếu trí mà tin và thực hành theo lời ấy thì người đệ tử lẫn cả ông thầy đều là thất đạo, sẽ mắc vô lượng tội lỗi, như người mù sờ voi vậy.

Đức Phật đưa ra quan điểm: vị đạo sư như thế nào luôn sống đúng với chính pháp, truyền bá những gì phù hợp trong chính pháp tức sự an tịnh trong giới, định, tuệ đều viên mãn. Người Thầy trước cần phải thông hiểu Kinh Luật. sau đó, nói pháp luôn khế hợp chân lí, dẫn dắt người đệ tử mình tu học và thực hành đúng con đường mà người thầy đã chứng nghiệm trên sự thực chứng trong Pháp. Từ đó, giúp cho cả thầy và trò đều an yên, đoạn tận hết sầu ưu, khổ não, dần dần chấm dứt hết khổ đau trong lục đạo qua sự chuyển hóa tham, sân, si, nghi não của chính mình. Lộ trình ấy, đức Phật trình bày và giảng thuyết cho chư đệ tử về 4 yếu tố để khẳng định rằng người thầy và dạy cho người đệ tử như thế nào biết rõ con đường chân chính, toát yếu qua các pháp thực hành trong ngay đời sống xuất gia của Ni kiền tử nói riêng và của bậc xuất gia nói chung.

II. CỞ SỞ GIÁO ĐOÀN TỒN TẠI

Trong bài kinh này đức Phật dạy cho chúng tăng bốn trường hợp bậc đạo sư tu đạo, hành pháp, truyền pháp, người đệ tử học pháp, hành pháp.

1. Bốn Pháp thanh tịnh

Những giáo pháp giúp người đệ tử học và thực hành giáo pháp này đạt đến sự thành tựu không thể nghĩ bàn, có đưa đến xuất ly không, có an tịnh hay không do chính sự chọn lựa và sự hướng dẫn trong sự tu hành của vị thầy, người vĩ đại hay thất bại cũng do chính ông thầy đã tròn đầy giới đức, định và tuệ đức hay không. Đức Phật dạy 4 yếu tố để thành tựu cho người thầy và học trò như thế nào để được thành tựu, thứ nhất là tức người thầy truyền dạy giáo pháp đó có đưa đến an lạc, rốt ráo hay nói xuông trên cho xong, chứ chính mình còn mê mờ, thực hành khổ hạnh, mê tín cả về chất lẫn trong sự tu hằng ngày của mình để rồi cả hai sa đọa, chôn mình trong hố sâu của ái dục, tham lam, si mê, sân nhuế…

a. Phi thiện thuyết không thiện hành

Phi thiện thuyết chính là sự biện thuyết trên lí thuyết mơ hồ, chưa chứng đắc của người thầy, vốn dĩ ông thầy phải là người chân chính thọ trì, thực hành miên mật, tỉnh giác với tri kiến về Pháp sau đó mới hướng dẫn đồ chúng cùng chư đệ tử, nhưng điều đó không thể xảy ra. Bởi lẽ, tham, sân, u mê, sự chính kiến và trạch pháp trong vị người thầy hướng dẫn đạo vẫn chưa thành tựu. Người thầy trí tuệ sẽ làm cho mình an yên, không thiên lòng mình trong dục, sân, si, tà kiến và vị ấy có đủ trí tuệ nhạy bén để nhận ra các Pháp vô thường, hữu vi sinh diệt. Vì vậy, chúng ta hãy xem lại bậc đạo sư có tự thực hành không, người thầy có dạy giáo pháp cho ta được an lạc không, có chính kiến, có đầy đủ trạch pháp, đoạn trừ hết tham muốn từ thô đến tế hay không. Ông thầy có thể nghiệm giáo pháp chưa hay còn đầy những mê tối không đáng có, hay người thầy dạy đạo có an lạc thật sự chưa hay chỉ dùng lời nói suông, qua loa biện minh cho cách sống và tu học của bản thân. Nếu cả hai thầy trò cùng thực hành giáo pháp thì đó là nhân tố vô cùng sâu rộng, góp phần trang ngiêm giáo hội và hình ảnh sáng cho xã hội. Thực ra, thầy trò trong phái Ni kiền tử sống trong tự ngã, luôn cho phái ta là đúng, chê đè phái khác, đó là phi thiện thuyết không thiện hạnh.

Thật vậy, theo quan điểm cái học và cái hành trên đời là không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho hết, vì vậy Tổ Sư trong Chơn Lý Đi Học5, ngài chỉ rõ hướng đến giá trị của việc học đạo lí vô cùng quan trọng trong sự sửa đổi tâm tính của Thầy và trò: “Thế nên cõi đời là trường học, pháp giác là bài học, chúng sinh là học trò, thời gian trôi qua là đi tới, tất cả ai ai cũng là đang đi học hết thảy…, cho đến khi nào hoàn toàn không còn sự học tu nữa, thì tức là không còn luân hồi sinh tử nữa. Chừng ấy mới gọi là cái sống yên vui, không còn chết rối khổ.” Chính yếu của sự học đạo và sự giảng dạy của người thầy là nền đạo đức xã hội, cũng là nét văn hóa của một gia đình nên trong Chân Lý Đời Đạo Đức6 dưới cái nhìn về nhân cách cao thượng chứ không phải phi thiện thuyết thiếu hạnh đức, tri thức và đạo đức của người thầy, Tổ sư đã trình bày quan điểm người thầy phải đủ đạo hạnh, trí tuệ thì học trò sẽ học được những giá trị cao viễn, từ bỏ những tà kiến lệch lạc, rõ ràng điều ấy Ngài đã nói: “Còn người trong trường đạo đức đó đi ra là ai cũng thỉnh cầu tôn trọng. Tiếng đạo đức của người vang lừng thơm nức, sáng choang bay ra cùng khắp. Còn danh lợi thúi dơ trần bụi thì không có ai đem vào trong miếng đất đó quyến rũ ai được, nên không bao giờ có sự sợ lo cắp trộm.” Người thầy trí tuệ sẽ sáng suốt nhận ra bản thể của tâm mình và luôn sống trong đạo đức, sau đó hướng dẫn người học trò và quần chúng thực hành nề nếp đạo đạt đến an tịnh, và làm trang nghiêm đời sống xã hội, ổn định và phát triển.

b. Thiện thuyết không thiện hành

Thiện thuyết không thiện hành tức người học Phật có thực hành theo chính pháp hay không. Như hình ảnh bậc đạo sư khả kính, chính đức Phật lần đến học đạo với hai với vị thầy: thứ nhất học đạo với Alara Kalama về pháp môn Vô-sở-hữu-xứ, thứ hai ngài học đạo với Uddaka Ramaputta về pháp môn Phi-tưởng Phi-phi-tưởng- xứ. Hai pháp môn Thiền ngoại đạo, Ngài học, Ngài hành, Ngài chứng và được hai vị ngoại đạo sư xác nhận là đã thật chứng. Nhưng đức Phật nhận ra hai pháp này chỉ thõa mãn dục ái, chưa dứt sạch tận khổ đau, nên đã đi vào rừng thực hành 6 năm khổ hạnh lâm, tầm cầu chân lý như thực nhưng rồi ngài không thể nhận được nên ngài từ giã lối tu sai lầm đó, trở về với con đường chân chính là Trung đạo tức Bát Chính Đạo. Sau đó, dưới cội cây Bồ Đề ngài đã tự thân tìm được chân lí và truyền bá giáo Pháp chứng đắc ở ba chặng không biết mệt cho chư đệ tử. Ngài xứng đáng danh hiệu vị thầy thiện thuyết thiện hạnh. Nhưng vị đạo sư phái Ni kiền Tử thì lại hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của đức Phật, người này sống với thiện thuyết và dạy cho đệ tử về tà kiến, si mê về pháp tu khổ hạnh cực đoan như trong Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) bài Tiểu Kinh Khổ Uẩn7: “Này các Nigantha, Nếu xưa kia ngươi có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này.... Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp trong quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, do vậy không có sự tiếp tục trong tương lai.........”. tức các vị này sống và quan niệm tu học dưới hình thức thiện thuyết, khéo đưa ra pháp hành nhưng lại quên đi căn bổn gốc rễ là giới, chính giới (Sila) là nền tảng tất yếu để điều phục tâm, ngăn ngừa các tư tưởng ác xấu khởi. Người thầy này nếu đủ trí tuệ, sẽ là bậc sáng trong giới đức, tinh tấn và chính niệm đoạn trừ các ác niệm, ác pháp ngủ ngầm, làm thiện pháp sinh khởi, phá vỡ các tư kiến, kiến hoặc sai lầm rồi mới dẫn dắt hàng đệ tử thì mới xứng danh bậc thầy, nhưng họ không làm như vậy. Điều tất yếu, dẫn đến người thầy Ni Kiền Tử sau khi mất, chúng đệ tử chia phe, sẻ nhánh để đấu đá, hơn thua từ miệng lưỡi, về cả thân lẫn ý nghĩ đầy lòng thù hận, thiếu chính niệm tỉnh giác và giới luật chân chính để họ phòng hộ thân và tâm.

Với tuệ giác viên mãn đức Phật, Ngài đã khéo thiện thuyết, truyền bá giáo lý và muốn cho chúng sinh thấy rõ biết về bản chất con người: Sinh, lão, bệnh tử là sự thật, cả nhân loại vì 4 điều này mà đi tìm hạnh phúc cho chính mình, rồi quần quật trong bể khổ trong nhiều kiếp nhưng họ đâu rõ biết điều đó không xa đâu, ngay trên chính thân và tâm của mình, tại vì một chữ si mê, u tối nên không thể nhận chân được, đến khi Ngài xuất hiện thì sự thật được trình bày ra. Còn thầy trò phái Ni kiền tử vẫn sống và tu học trong lễ giáo, điều lệ, chỉ khéo thiện thuyết nhưng lại thiếu trí tuệ, văn tư tuệ để hướng dẫn người học trò tu tập và chuyển hóa nhưng người thầy này không biết. Đức Phật ví họ như con ếch dưới đáy giếng, chỉ nhìn bầu trời và cảnh đẹp thế gian qua cái miệng giếng mà thôi, bởi nó chưa từng bước ra khỏi cái miệng giếng.

Chính là họ chủ quan, tà kiến, cái biết, chủ kiến về việc sống và tu học dưới quan điểm mù mịt của trí tuệ nhận thức và không được hỗ trợ bởi giới. Cũng vậy, Chân Lý Học Để Tu8 Tổ Sư chỉ giá trị khéo học khéo tu chính yếu cho Ông Ananda vì ỷ lại là thị giả không lo tu học, đã vậy còn tự cao, cho mình thông minh không chuyển hóa tâm thức nên đã bị quở trách, sau đó ông nhận ra bản chất của đạo Phật: “sự thật trong đời đúng y như vậy, lòng tự cao sóng nước dợn, khói bốc phừng thì con người không thể chứng đắc trí huệ, thánh đức an vui đâu, mà là trong thánh đức... kêu là thật học, học bên trong.” Rõ ràng Ngài đang nhấn mạnh đến sự học đạo vào tâm không phải bên ngoài cái tri thức giả dối mà sự học cả trăm thầy đi nữa thì cần phải nỗ lực tu tập, chuyển hóa bên trong, nội tại tức là quán xét tâm, ý, các dục bên trong chứ người tu đừng móng trông gì đó không có ngay thực tại. Lục Tổ Huệ Năng9 có dạy:

“Ðâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh,

Ðâu ngờ tự tính vốn chẳng sinh diệt,

Ðâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ,

Ðâu ngờ tự tính vốn chẳng lay động,

Ðâu ngờ tự tính hay sinh vạn pháp!”

Tư tưởng trường Phái Ni kiền tử cả thầy trò ăn sâu trong tiềm thức, và nguyên nhân sâu xa hơn do họ không thực hành và không bao giờ mở tâm trí học hỏi với bậc toàn giác Như Lai, cùng với đó ác kiến sâu mục làm họ mù quáng không thể nhận và nỗ lực trong chính pháp. chính điều đó, nên mang đến tranh cải, tà kiến, về nhiều vấn đề phi pháp, phi luật chỉ đem lại khổ đau và con đường luân hồi trong sinh tử, nên ta cần thấy rõ những pháp này.

Trách nhiệm của ta chính yếu về sự hiểu biết với trí tuệ để nhận thấy giá trị phật pháp ngay trong đời sống tu học của chính mình. Như Kinh Du hành Thế Tôn dạy cho bậc xuất trần thượng sĩ 7 pháp Bất thối9 về “giá trị về cách sống hòa hợp, sống với nhau cặp mắt ái kính, đó là sống trong pháp và luật”. Chính ta không nên khởi niệm sai lầm, gây đến tệ hại cho mọi người. vậy ta nên, cần gần gũi người sống phạm hạnh, ta sẽ an lạc, an yên, dứt trừ hết sạch các pháp lậu trong tâm hằng ngày dần dần.

Nếu chính ta tu hành rốt ráo, luôn tinh tấn và nỗ lực sẽ ảnh hưởng bạn tu học chung với ta cùng đạo tràng, bởi nghiệp lực mỗi người khác nhau, nên nhận rõ bản chất của vật chất, tài tiền, danh lợi là phương tiện tạm thời cho ta sử dụng để tu học, chứ đừng để nó dìm ta xuống hố sâu của dục vọng, danh lợi. Vì bản chất của vật chất hay danh lợi là hư huyễn, không thật tại chúng ta thấy nó, mắt liền sáng, dẫn đến tâm tham sinh khởi, dục vọng tăng trưởng, nên các chư Thiền sư Mãn Giác10 hay ví nó như hư không, huyễn ảo, mộng mơ, có rồi tan mất, cuộc đời không có gì phải nặng về trần gian và cái ảo của danh lợi:

“Đường về khép bóng trần gian

Lợi danh gói một hành trang vô thường,

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng,

Được mất bại thành bỗng hóa hư không”

Người học Phật cần thắng phục nó, không nên khởi niệm sợ hãi, ta cần hàng phục ác pháp đó, chính là thắng phục cái gian tham, sân, si dốt nát của mình. Từ đó, ta mới hướng tâm đến các thiện pháp, thiện lành, an ổn, xa rời các ách phược, khổ đau phiền lụy của cuộc đời.

c. Phi thiện thuyết thiện hạnh

Trong Kinh thì đức Phật dạy Châu-na, “kia tuy có thầy nhưng vẫn giữ tà kiến. Tuy cũng có pháp, nhưng thảy đều không chân chính, không có khả năng xuất yếu, không phải là pháp được thuyết bởi bậc Chính Biến Tri.” Tức là vị đạo sư ôm chặt cái tà kiến, hồ đồ, không rõ nhân quả, duyên khởi và cả giới hạnh cũng không tròn vẹn, dạy đệ tử những điều đó, cả hai thầy trò đều là phi thiện. Cũng tức là vị thầy có pháp nhưng không chân chính, đều hư vọng, không đưa đến cho người học và tu đạt đến con đường đoạn tận khổ đau trong Tam giới và chịu luân hồi bất tận.

Tà kiến ở đây chính là nhận biết sai lệch, tuy họ có tu tập, nhưng giáo pháp đó không rốt ráo, không thanh tịnh, không như thật, như nhiên, nên vị đạo sư đáng bị quở trách, người thực hành pháp này không chuyển hóa được thân và tâm, họ bị chìm trói buộc bởi các phiền não nhiễm ô như: tham dục, sân, tà mạn, kiến hoặc… Và giáo Pháp người thầy truyền bá không chân chính, không giúp đoạn tận các hữu lậu, mà chỉ đưa đến người học đạo si mê, không đạt đến phá trừ chướng nạn trong tâm một cách tự nhiên trong Pháp được.

Phi thiện thuyết ngụ ý là phái Ni kiền tử sống trong tự ngã: “phái ta là đúng, chê đè phái khác”, quan điểm của họ ăn sâu vào tiềm thức dẫn đến những sai lạc tất yếu, cả thầy và trò chỉ dùng sự học và nghiên cứu, và sự thông minh về tri thức qua các Kinh Vệ Đà, triết thuyết sâu về Atman, xem ngã là tự thể, thực hành thiền định (Samadhi) dựa vào các duyên, đối tượng mà tu tập. Người thầy Nigantha này chỉ nhìn nhận giáo Pháp trên quan điểm Atman và Ratman như là mặt trăng, họ nhận thức các pháp trong vô minh, ngã ái là ta, hay chìm đắm trong ba bài kinh làm tông chỉ như: Áo nghĩa thư, Tôn ca… Từ đó, ông thầy chứng đạo và đi truyền bá pháp này, dẫn dắt các đồ chúng đông đảo, đặc biệt: “Thậm chí có những tu sĩ đạo Jain cực đoan, sống trần truồng, không mặc quần áo. Có một só khác nhịn ăn cho đến chết.”9 Vì vậy, đức Phật bác bỏ tư tưởng về tự ngã, những quan điểm sai lệch của họ, Ngài khẳng định về Bậc đạo sư đã dạy phải chân chính, hành đúng pháp, được chứng quả và tuyên thuyết khéo léo, người học trò khi thực hành đạt được kết quả và hướng đến tâm an tịnh, đoạn tận tất cả uế nhiễm, tạp nhiễm trong tâm, đó chính là hai thầy trò thiện hạnh, nhưng không phi thiện thuyết.

Người đệ tử trong khả năng học đạo, sau đó tự mình hằng ngày hành Pháp với chính yếu trong giới và luật với tâm thiện chí, thiện đạo. Nếu vị thầy chân chính, pháp nói ra không vụng về, sẽ đem đến kết quả và sự an tịnh, thấu đạt đến giải thoát trong hiện tại đời sống thì đắc đạo như đức Phật, chứ không riêng Ngài: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Người đệ tử cần sống và tu học thành tựu, an trú pháp, tùy pháp, sống thuận trên pháp. Nhờ yếu tố này, cả thầy và trò học đạo vào tâm thì con đường đạo đức dễ thành tựu. Thật vậy, qua chơn lý Đời Đạo Đức10: “Người đó cũng đã thành công bằng đạo đức, lấy đạo đức tiếp rước người thì sao không kết quả được. Hai hạng người trên đây mới thật gọi là biết tự chủ, và làm chủ chúng sinh vạn vật bằng cách không tham, nên không bao giờ thất bại hay khổ chết chi cả.” Tổ sư dạy về chân lý đời không xa nền tảng căn bản của người thầy lẫn học trò nhỏ luôn công bằng dưới tiếng thơm ấy sẽ đạt đến chân thiện mỹ của pháp an yên, đạo đức người tu lẫn người cư sĩ. nếu biết giá trị ấy không phải trên ảo vọng, mà ngay trong cái gọi là Nhân duyên, chuyển hóa phiền não, khổ đau trên nền tảng của chân lí như thật không thể nào dị biệt được. Cũng vậy, Kinh Pháp cú 15111 đức Phật dạy:

“Hương các loài hoa thơm,

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay.

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay.”

Thật vậy, đức Phật dạy: “giáo pháp của ta đến để mà thấy”, thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân của mọi sự khổ đó không ai mang đến cho ta cả, chính ta chìm đắm trong bể ái dục, tham dục, sân dục. Dục ở đây là sự tầm tòi, tìm kiếm cái để thõa mãn thân, về tâm lý, chỉ có sự quán chiếu trong thiền định ngay thực tại, trở về an tịnh tâm ý mình nhìn thẳng vào dục của thân, hay người đó nỗ lực quán chiếu về 32 thể trược12: “20 Phần đất trong thân: Tóc, lông, Răng, Móng, Da, Thịt, Gân, Xương, Tủy, Thận, Tim, Gan, Màng bao ruột, Dạ dày, Phổi Ruột già, Ruột non, Đồ ăn mới Phẩn, Óc….” Ta cần thấy và ứng dụng vào ngay trong đời sống chính mình từ đó đoạn tận sự tham dục hoặc có thể thực hành thể nghiệm với Quán tử thi với 11 thể Tổ sư đã vạch sẵn cho chúng ta tập nhận diện về khổ đế, bất tịnh trong thân của một tử thi: 11. Hoặc đem trí huệ quán xét khắp cả tử thi, cho đều đủ, nếu chỗ nào phát sinh ra rõ rệt, phải ghi nhớ chỗ ấy.” Người thực tập thiền quán sẽ chuyển hóa tâm thức hằng ngày trong từng cử chỉ, và họ sẽ nhận ra giáo pháp sẽ làm nơi nương tựa tâm và tinh thần vững chắc, cũng chính là lời dạy chân chính của bậc đạo sư: “Này các Tỳ kheo, các ngươi hãy tự thắp sáng. Thắp sáng trong Pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác. Hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác”13. Đức Phật đã khẳng định giáo pháp luôn chân thực nếu người học, tu nỗ lực thiền định và thiền quán, hay chỉ- quán song tu thì sẽ nhận chân được và tự mình thắp sáng cái u mê tăm tối cho mình không nương nhờ vào tha lực bên ngoài.

Phái Ni Kiền Tử sống và tu học trong tự ngã, cho ta là, thầy ta như thế này nọ, họ chấp nhận cái nhìn mê lầm, luôn cho thường kiến về thế giới tức vô thường là thường, vô ngã là ngã. Đoạn kiến tức chết là hết, nhiều lần các vị này đã đến vấn hỏi đức Phật nhưng Ngài im lặng, không bài bác, vì nó không đưa đến mục tiêu của phạm hạnh, sự tinh tấn trong tu tập, hay đem đến cho người học Phật giá trị chân thực của Pháp.

Điều kiện đạt đến thiện hành hay phi thiện hạnh quyết định về sự tu học trên 3 yếu tố: Bậc đạo sư, giáo Pháp, và người đó có thực hành hay không, chính nằm ở nơi 3 hạng này; họ lắng nghe và suy tư pháp tột cùng. Sau đó, nỗ lực thực hành thì họ sẽ thăng tiến, giúp được họ ích lợi thiết thực, còn nếu họ không chú tâm, nghe pháp với tâm phân tán không tu tập thì họ sẽ kn có ích lợi dù ở trong pháp.

d. Thiện thuyết thiện hạnh

Trong Kinh văn thì đức Phật dạy Sa di Châu-na về: “nếu bậc thầy không tà kiến; Pháp của vị ấy chân chính có thể khéo léo nge theo, …tùy thuận tu hành mà sinh chính kiến.” Thật sự, nếu người thầy đã hiểu chân lý và sống được với nó thì người đệ tử nên y chỉ thực hành, dầu người ta dèm pha đi nữa, cũng nên y lời dạy thực hành pháp đó, vì nó đưa đến thiện hạnh, an lạc, hạnh phúc đích thực ngay trong đời sống này. tức là không chấp mắc, người thầy không tà kiến, pháp vị ấy là chân chính, nên vị thầy chân chính, truyền đạt lại cái chân chính, đưa người đệ tử được an lạc, thành tựu rốt ráo, và người đệ tử khéo nghe, người thầy khéo thuyết và chia sẻ những ích lợi, an lạc, thanh thoát thì cả thầy lẫn trò đạt thành nên ích lợi trong sự tu hành và chuyển hóa tâm thức.

Ngài dạy cho người tu chúng ta nên thực tập: quán đất, nước, gió, lửa… để thấy rõ các pháp này như thật, viên tròn tự tại, đủ duyên tụ lại, hết duyên lại tan, nhằm mục đích phá vỡ chấp trước, nghi hoặc, mê lầm về 4 đại, Thầy Nhất Hạnh xem sự thực tập, quán chiếu về tứ đại như cốt yếu trong việc chuyển hóa thân tâm một cách nhẹ nhàng: “Thở vào, tôi thấy không gian chứa đựng nước, lửa, không khí, đất và tâm thức; Không gian chứa đựng nước, lửa, không khí, đất và tâm thức. Thở ra, tôi thấy không gian là nước, lửa, không khí, đất và tâm thức; Không gian là nước, lửa, không khí, đất và tâm thức.”14 Mỗi mỗi đều giúp chúng ta, vì nó liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho ta trong cuộc sống, hãy mỉm cười, nhẫn nhịn, vị tha, bao dung như tính của đất, nước, lửa, gió. Tất yếu, người thầy và học trò nỗ lực hành thiền chỉ với sức định tâm kiên cố, sẽ tự mình thấy pháp và thấy rõ con đường chân chính, không bị lu mờ, dần thoát ra khỏi các ác kiến sai lầm, sau đó hướng dẫn người khác cũng đạt đến hạnh phúc an lạc thật sự.

Cũng vậy, đức Phật dạy: người có đầy đủ đức tàm quý, luôn biết xấu hổ và sám hối lỗi lầm của mình. Người mà xuất gia mà sống lệch lạc, phi pháp thì như tử thi, mà biển cả không chứa tử thi tức pháp của Phật viên minh, chân thật. Người nào chú tâm suy tư, nghiền ngẫm, thực tập đều đạt đến sự giải thoát, đoạn ly các phi pháp, đưa người qua cơn mê, đến chính tri kiến, và sự tỉnh giác. Do đó, chính niệm nó là điều kiện để tâm người tu vượt qua thăng trầm, giúp hành giả nhìn rõ bản chất của từng sự vật qua công phu của chính họ.

Người xuất gia không nên thọ hưởng dục lạc, tài vật, một Tỳ kheo phải thuần thục và thực hành giáo pháp và khéo hành trì, sau đó hướng dẫn lại cho bá tính. Ta cần nghe, suy tư lời dạy của ngài, ta từng bước tu học và làm cho thân, khẩu, ý thanh tịnh rốt ráo mỗi ngày, dần dần người thực hành sẽ đạt đến con đường đạo quả cuối cùng họ đang hướng tâm đến. Cũng vậy, trong Chơn Lý Trên Mặt Nước15 Tổ Sư nhấn mạnh giá trị của người thầy và người trò trong sự truyền bá giáo lý, hướng dẫn kẻ sau đi tới với đạo đức chân thật, chứ không phải nương dựa vào vật chất: “Người đã hoàn toàn giải thoát, giải thoát với luật tự do tín ngưỡng, với lẽ sống chung, ai nấy cũng như nhau. Đối với những kẻ đã hiền lương y theo chân lý, giải thoát từ lúc bước chân ra khỏi gia đình, xã hội thấp kém lạc lầm, để đi tu theo Phật, giữ y giới luật 250 điều của Phật, là xin học, khất sĩ y theo chân lý. Người khất sĩ cũng không còn có thân sống cho riêng mình mà là sống cho chúng sinh, cho đời cho đạo.” Đạo đức của người thầy và người học trò chính yếu là trên sự giác ngộ trần thế, như sen kia vượt lên khỏi mặt nước, để mang lại mùi thơm cho đời, họ tôn trọng hoa sen như hình ảnh đức Phật, người thầy đã đoạn tận mọi ái dục, tham, sân, tà kiến và ngài đủ lòng Đại Bi hướng dẫn đồ chúng tu học. Điều đó, cho ta thấy rằng, đức Phật đầy đủ phạm hạnh về cả giới đức, định đức lẫn tuệ đức, Ngài đã viên dung vô ngại các pháp.

Trong Kinh Tăng Chi16, chương 3 pháp, đức Phật dạy về: “những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, sân, si, pháp có được các vị ấy khéo thuyết hay không, pháp ấy được khéo thuyết.” Chính yếu Ngài nhấn mạnh vai trò người thầy dạy đạo trước hãy đoạn tận tham, sân, si, phiền não ngủ ngầm và với đầy đủ tri kiến thiện thuyết, khéo hướng dẫn cho các học trò tu học, mục đích cho chúng ta thấy rõ một cách viên tròn trong nhà đạo. Lại nữa, đức Phật ví người thầy thuyết pháp đưa đến đoạn tận tham, sân… như người chặt đức gốc rễ cây sa la, không cho nó sinh khởi, tức các ác bất thiện này không có chỗ nương náu. Người thầy và các đệ tử đoạn tận nó với chính trí tuệ, với sự chính niệm tỉnh giác nhận thấy rõ ác pháp san trưởng ngăn chặn, trước là không hại tâm của mình, sau đó chuyển hóa nó thành sự tinh tấn, tăng tiến, sách tâm tu tập hăng say trong giáo pháp. Từ đó, chính lời người thầy thuyết pháp giúp cho các đệ tử không phóng túng khi nghe Kinh, học Pháp mà còn tự mình nỗ lực thực hành, tinh chuyên tu tập thiền chỉ- quán, tự mình chấm dứt khổ sau đó giúp người nỗ lực tu tập theo sự chân chính đó.

Bốn pháp thanh tịnh đó đưa đến cho chúng ta nhận thấy người thầy dạy đạo có một sự quan trọng vô cùng to lớn, chính người thầy là nơi xuất phát, nơi khởi điểm cho niềm tin và sự tôn trọng nền đạo đức, nền luân lý và cả sự học hỏi trên lộ trình tu học cho thế hệ hàng đệ tử tiếp nối, xa rời các tà kiến, những kiến chấp sai lầm. Cuối cùng là giúp người đệ tử nhận được giá trị chân thực trên con đường tu học của chính mình. Nếu người thầy không chân chính, dạy đạo lí không chân thực, sẽ đem đến cho hàng đệ tử sự bất an. Vì giáo pháp đó vẫn còn hữu lậu, đưa đến cho người thực hành nó không đạt đến cứu cánh của con đường phạm hạnh viên mãn. Nếu người học trò đủ chính kiến, tri kiến thanh tịnh sẽ nhận thấy sai lệch cũng nên từ bỏ sự học Pháp ngay đó. Sau đó, người học trò tinh tấn, chuyên tâm tu tập và thực hành giáo pháp với tri kiến chân chính đoạn tận sạch mọi phiền não, cấu uế ô nhiễm. Lúc đó, vị học trò sẽ giúp họ nhận ra các giá trị cốt lõi trong lời dạy của đức Phật, rồi họ từ bỏ những quan kiến sai lệch, mù mịt, tăm tối của người thầy kia. Cũng vậy, đức Phật cũng dạy cho chúng ta, nơi nào có pháp, có thầy chân chính thì ta nên nỗ lực học và tu tập, dù bị đuổi, bị hất hủi đi chăng nữa. Hãy tinh tấn lên các hiền giả, Học và tu là con đường duy nhất đem đến sự an lạc không những đời này mà còn nhiều đời sau.

Trong giáo lý nhà Phật thì người thầy cũng tượng trưng cho bậc thiện tri thức, chính điều này nâng cao phẩm hạnh cao quý, đạo đức cho một vị thầy. Thật vậy qua bài kinh này cho chúng ta thấy giá trị chân thực trên nền tảng chính yếu của 4 pháp thanh tịnh, thiện thuyết, diệu hòa, an ổn giúp người học Phật thấy rõ được chân lý một cách rốt ráo nhất. Nhưng 4 pháp này không phải nằm trên lý thuyết, mà phải trải nghiêm trên sự tu chứng, sự nỗ lực tu tập của một hành giả mới thấu suốt được lời dạy của bậc đạo sư khả kính là đức Phật đã tinh tấn tu tập. Chính ngài đã thể nghiệm những pháp này, sau đó mới truyền tải lại cho chúng ta, hàng hậu hãy nỗ lực, suy gẫm, quán chiếu trong chính sự tu tập của chính mình. Hãy nương tựa Pháp, không cần nương tựa ai cả!

2. Đạo sư và đệ tử

Đệ tử ưu sầu và không ưu sầu:

Tức là người đệ tử buồn rầu, vì bản thân chưa hề tinh chuyên về tu tập, học pháp, nghe pháp, cùng thiếu thấy biết, thiếu quán chiếu, chấp tướng sinh diệt của Như lai như 32 Tướng tốt. Quan trọng là do người đệ tử không thực hành pháp, chỉ nói xuông, hiểu xuông, dẫn đến các ưu sầu.

“Này châu na: hai yếu tố khiến đệ tử không buồn rầu và buồn rầu”. phần đông họ tưởng rằng các thứ đều là thật, bị chi phối, các pháp vốn vô thường, vô số các điều khổ đều do ái thủ như: tài sản, con cái, … nên ta chạy theo, tìm kiếm, giữ gìn, bảo thủ nên ta bị dẫn dắt. vì ta không nhận thấy sự vận hành của các pháp, tất cả đều do duyên sinh khởi, tức “cái này có mặt, cái kia có mặt” và nếu đoạn một duyên thì những nhân duyên khác không thể thành tựu.

Đức Phật dạy về sự quán sát và chiêm nghiệm về sắc pháp vốn không phải của mình, không cái gì là mình, ngay đó xa lìa tham ái, chấp thủ, thủ kiến sai lầm trong tâm, tức đối diện các duyên bên ngoài của 6 căn cùng 6 trần, không bị ô nhiễm, sinh tâm, không vọng tưởng, ôm sau vào tâm thức. Vì tâm mình như máy ảnh siêu mượt, nó sẽ ghi lại tất cả các hình ảnh tốt xấu, chính ngay khi đối diện các duyên ta không bị lay chuyển, và chính niệm nhận diện ngay đó, thì không bị ưu sầu, khổ não, chấp ta, cho là ta thấy, ta biết. Cũng không khởi niệm trên thức phân biệt, cao- thấp, nhỏ- to, đẹp-xấu… Ngay đó, ta sẽ nhận diện tất cả pháp vốn dĩ đang là. Và tâm có đầy đủ chính niệm, tri giác về các Pháp.

Chúng ta cần cẩn trọng về pháp và sự thực hành, vô số những gì ta gặp hằng ngày, quan sát các ý pháp, không được mờ mịt, mông lung. Do ta hằng ngày học, được nghe, ta cần nếm trải để được lợi lạc trên pháp, dần dần xa lìa tham ái, chấp thủ, hay hý luận các luận điểm, hay không còn phân nhân ngã. Ngay đó, ta không còn ưu sầu, nhiễm ô, khổ não, không chấp tướng ta làm, ta nghĩ, ta thấy, ta học thì ngay đó đoạn trừ cái tự ngã si mê, tà mạn, mạn quá mạn.

Hằng ngày ta thực hành và sống với “Tùy pháp”, sau khi hiểu ý nghĩa và thọ trì pháp, tâm ta tùy thuận với lời dạy chân chính, tùy duyên nhân ngã, bỉ thử, thì ngay đó ta an nhiên, không bị phiền não quấy nhiễu và tự mình luôn đủ sức chính niệm, tri kiến cùng tinh tiến thực hành Pháp. Ta thực hành để thấy được lợi lạc của pháp trong đời sống, cũng vậy qua Chơn lý Nhập định Tổ sư dạy: “Có CHÍNH KIẾN thấy rõ lẽ chính mới phát sinh được những điều suy gẫm về lẽ chính chân như mà thấu rõ đạo lý các pháp. Có thấu đạo lý do CHÍNH TƯ DUY mới năng nói lời chân chính. Từ nơi CHÍNH NGỮ mới có thật hành CHÍNH NGHIỆP, là việc làm đúng theo đạo lý. Có làm việc phải mới được nuôi thân mạng bằng cách trong sạch thiện lành, hưởng sự yên vui. Có được CHÍNH MẠNG mới biết mừng vui siêng năng giữ đạo đi tới…”. Yếu chỉ của tùy duyên tương ứng pháp, và sự chính chân qua Bát chính đạo, Hay tám con đường thù thắng mà luôn thuận pháp.

Như Câu chuyện con rắn: con rắn đi phơi nắng, đuôi rắn nghe theo đầu rắn, hễ đầu làm gì thì đuôi làm theo, hai bên cải nhau, vì thế đuôi nó bò đi, rồi đụng phải đá nó bị trầy da, đến lúc đi tới hố lửa vì không có mắt nó phải rơi xuống và mất mạng, qua đây ta nhận ra giá trị của sự học trăm thầy, cùng nghe pháp, sự thực tập pháp mới đem lại an lạc cho mình cùng người khác.

Không nên nhận lầm và sống trong tự ngã, vì có người học thì người thầy mới nghiên cứu và sửa mình. Chính có sự hỗ tương lẫn nhau trong đời sống tu học của người thầy và huynh đệ, nền tảng thúc đẩy con đường tu tập tâm linh của chúng ta ngày càng hoàn thiện, chân chính và sẽ đạt được giải thoát như Pháp. Trong Luật nghi Khất sĩ, kệ “Lục Hòa” tinh thần lục hòa cộng trụ: “Thân cùng nhau hòa hợp ở chung, miệng không tranh đua cãi lẫy…” tinh thần lục hòa cùng nhau tu học của một tăng đoàn đóng góp sâu sắc cho sự thanh tịnh hòa hợp.

III. PHẠM HẠNH THÀNH TỰU

Phạm hạnh: là bậc xuất gia đầy đủ giới đức và phạm hạnh viên mãn, mới thành tựu con đường tu tập. chúng ta cần thấu triệt và hiểu rõ, chúng ta cần phấn đấu miên mật trên nền tảng của giới luật(Vinaya). Tự mình áp dụng luật và giáo pháp ngay trong đời sống của chính chúng ta.

Người xuất gia nên trang bị về tinh thần tự giác, giác tha, sau đó hướng dẫn lại cho đồ chúng tu học. Như trong Kinh Pháp Hoa, vị Bồ tát phát nguyện: tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều thành Phật, dù bị chê, mắng, ném đá… vị bồ tát này đã thực hành hạnh nguyện này để độ sinh.  Con đường thành tựu rốt ráo tối thượng chính là sự giải thoát.

Qua những hành động, lời nói, ý nghĩ cần có giới luật, phẩm hạnh khiêm cung, cần phẩm đức bên ngoài và bên trong nữa tức là sự trau dồi đức hạnh, làm tráng nghiêm. Nếu không như thế thì sẽ dễ phóng tâm, buông lung. Kinh Ví dụ lõi cây20 đức Phật dạy chúng ta: Phạm hạnh cành lá là ng xuất gia vì lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng nên tự mãn khen mình chê người. người xuất gia, không nên dùng ở những thứ này, ta sinh tâm tự mãn thì rất nguy hiểm, dễ phóng túng…, đưa đến đọa lạc.

Tu phạm hạnh vỏ ngoài: người xuất gia hướng đến phạm hạnh, người kia thế này thế kia thế nọ, khởi niệm kiêu mạn, dẫn đến phóng túng. Cũng vậy, Phạm hạnh vỏ trong: hạng người xuất gia có tâm định tĩnh về thân, khẩu, ý thanh tịnh, mà lại khởi ý tự mãn thì dẫn ta đến đọa lạc. ví như người đi tìm lõi cây, lấy giác cây từ bỏ võ, nhánh, lá, thân, nhưng rồi sinh tâm tự mãn, chấp thủ giới, định, và cho mình tinh tấn hơn người khác, dẫn đến đọa lạc. Phạm hạnh giác cây: do vị này cho mình có đủ tri kiến, tri giác, thiền định, khởi niệm khinh người, khen mình, nên sống và tu học trong tâm đầy tự mãn, dẫn đến đọa lạc. Phạm hạnh lõi cây: đó là sự thành tựu tâm giải thoát bất động với sự nỗ lực tu tập của mình, tự tâm vị ấy giải thoát, giải thoát tri kiến, đoạn tận gần như sạch hết phiền não, nhiễm ô, trần bụi của thế gian. Ngay đó, vị ấy lấy được lõi cây, tức thành tựu đạo quả viên mãn.

Đức Phật đang trang bị cho chúng ta về giới đức, định, tri kiến, giải thoát hay giải thoát bất động là yếu tố quan trọng của người tu tập. từ đó, chúng ta cần gạn lọc và trang bị đầy đủ phạm hạnh để thành tựu viên mãn trong sự tu tập.

Tóm lại, người viết muốn nói về 4 pháp để hoàn hảo qua kinh Thanh Tịnh, chính những yếu tố này thúc đẩy vai trò học và tu cho người đang, đã trên lộ trình tìm hiểu, học hỏi các giá trị đặc biệt mà Bậc đạo sư đại từ bi đã dạy trong suốt 49 năm. Ngài vì lòng thương tưởng đến chúng sinh, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì hạnh phúc cho số đông mà ngài tuyên thuyết giáo pháp. Dù ở chặng đường gian khổ, chúng ta cần học và nghiên cứu, suy tư giáo pháp tất cả ở chặng đầu, chặng giữa hay chặng cuối. Vốn dĩ, Giáo pháp đức Phật nói ra với mục đích đưa đến an lạc, giải thoát, đoạn tận hết khổ sầu cho chúng ta.

Cuối chót, đức Phật nhắc nhở chúng ta cần nhiệt tâm, nỗ lực hành trì pháp, sau đó truyền bá giáo lý thậm thâm đến cho hàng phật tử tham cứu và học hỏi, tu học, nhằm mục đích soi sáng vào nơi u tối của thế gian. Vì người chưa học Phật nếu chưa giác ngộ thì họ luôn mê mờ trong vật chất giả dối, từ đó Ngài đã chỉ rõ phương hướng giúp họ nhìn thấy sự an vui, thanh tịnh trong sự tu học. Nhờ đó, ta sẽ sớm tìm được giá trị tu học và sự nỗ lực thực hành giáo pháp, cũng giúp cho trang nghiêm đời sống cá nhân và nhân loại ngày càng an lạc, hòa bình, tự do, hạnh phúc, an nhiên và tùy duyên, thuận pháp.

Tác giả: Thích Minh Kính Khoa Đào tạo từ xa Khóa VII, Học viện  PGVN tại Tp.HCM ***

Tài liệu tham khảo 1. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trường A Hàm, 2021, NXB. Phương Đông, tr. 248-257. 2. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Thừa Tự Pháp, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 13. 3. Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ, 2020, NXB. Hồng Đức- Hà Nội, tr.1296-98. 4. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Đa giới số 115, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 895. 5. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Đi Học số 36, 2016, NXB. Tổng Hợp. HCM, tr. 488. 6. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Đời Đạo Đức số 37, 2016, NXB. Tổng Hợp. HCM, tr. 490. 7. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Tiểu Kinh Khổ Uẩn số 14, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 112. 8. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Học Để Tu số 42, 2016, NXB. Tổng Hợp. HCM, tr. 542. 9. Thích Duy Lực dịch, Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Tựa thứ nhất, 1992, NXB. Santa Ana, tr. 9. 10. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trường A Hàm, Kinh Du Hành số 2, 2021, NXB. Phương Đông, tr. 9. 11. http:// www.buctranh vancau.com, truy cập ngày: 12/1/2022. 12. https://vuonhoaphatgiao.com/tu-dien-phat-hoc/ni-kien-tu/, Truy cập: Ngày 30/11/2022. 13. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Đời Đạo Đức số 37, 2016, NXB. Tổng Hợp. HCM, tr. 490. 14. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Phẩm Hoa câu 151, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 36. 15. Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Pháp Học Vi Tế, 2016, NXB. Tổng Hợp. HCM, tr. 16. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trường A Hàm, Bài Kinh Chuyển Luân Thánh vương Tu Hành số 6, 2021, NXB. Phương Đông, tr.141. 17. https://langmai.org/thien-duong/sen-bup-tung-canh-he/bai-9-quan-chieu/, truy cập ngày 12/1/2022/. 18. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi, Chương 3 pháp, Phẩm Ananda, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 198. 19. Thích Nữ Nguyện Liên, Giáo trình Kinh Trường A Hàm HVPGVN-Khoa đào tạo từ xa, 2022. 20. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh thí Dụ Lõi cây, số 30, 2020, NXB. Hồng Đức-Hà Nội, tr. 223-229.