Đạo Phật phê phán hành vi tự sát dù vì bất cứ lý do gì. Người tự sát sẽ phải chịu nỗi thống khổ nơi địa ngục của tâm bởi phạm vào 3 tội: bất hiếu, giết người (giết hại chính bản thân mình) và sân si.
Cầu Thạch Bản Pha - Trùng Khánh, Trung Quốc
“Mèo Béo”, chàng trai người Trung Quốc tự tử vì thất tình ở độ tuổi 21 trở thành một hiện tượng hot trên mạng xã hội thời gian gần đây. Tràn lan các hình ảnh hàng loạt đồ ăn, đồ dung cá nhân được các nam nữ thanh niên Trung Quốc mang đến nơi chàng trai tự sát làm tắc nghẽn ảnh hưởng giao thông khu vực cầu Thạch Bản Pha sông Dương Tử ở Trùng Khánh, Trung Quốc để tưởng nhớ cậu, xót thương cho cậu vì câu chuyện tình yêu cảm động không được đền đáp.
Thực chất hình ảnh này rất phản cảm, không nên lãng phí đồ ăn như vậy. Vì đồ ăn được ví như là báu vật trời ban, coi hạt gạo là ngọc thực. Trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, họ cũng chẳng mong gì hơn ngoài những bữa cơm nóng có thịt, có canh, những chiếc áo không cần đẹp nhưng lành lặn.
Chưa kể đến, việc tự sát vì thất tình có thực sự đáng và đúng đắn hay không? Hay nó thể hiện một năng lực yếu kém khi xử lý những điều bất như ý, một con người sống thiển cận, ích kỷ.
Trong cuộc sống thực ra có rất nhiều điều bất như ý, không chỉ riêng chuyện tình cảm nam nữ. Thậm chí một người tại một thời điểm có thể gặp vài biến cố một lúc. Có những người họ rèn luyện được khả năng chịu đựng và chấp nhận thực tại, chấp nhận mọi bất như ý đến và đối diện với chúng. Bên cạnh đó sẽ có những người chưa rèn luyện được sức mạnh nội tại vượt lên chính bản ngã của mình để trở thành người bản lĩnh bước qua mọi chông gai trong đời.
Trong đạo Phật, mỗi người khi đến với nhân gian đều có phước và nghiệp riêng, “phước ai nấy hưởng, nghiệp ai nấy mang”. Vậy thì không thể nào chúng ta chỉ muốn tận hưởng phước mà không phải trả nghiệp, vì 2 cái này luôn song hành. Khi phước hết thì nghiệp sinh mà nghiệp tan thì phước khởi.
Có câu: “Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận được những bất như ý thì những điều như ý mới đến.” Ngược lại, nếu như ta luôn khao khát và nghĩ tới những việc mưu cầu như ý quá nhiều mà lại không đáp ứng được, lúc đó chính chúng ta thọ khổ.
Bản thân mỗi người cần tu tâm dưỡng tính, sửa đổi mình mỗi ngày, sống tử tế đạo đức, có kiến thức, phương pháp đúng chuẩn để chèo lái cuộc đời mình, để tự lập tự chủ không phụ thuộc vào bất kì ai, hay bất kỳ điều gì ta vẫn có khả năng làm việc, sinh sống mỗi ngày mà không vướng mắc.
Chúng ta cần kết nối với con người, với các mối quan hệ, với các sự vật hiên tượng, nhưng hãy luôn giữ thái độ quân bình không vướng mắc để có hay không có sự xuất hiện của sự vật hiện tượng, một con người khác theo ý chủ quan của ta thì ta vẫn ổn.
Cha mẹ cho ta hình hài thân xác, Trời Phật cho ta phần linh hồn, tâm thức. Cha mẹ yêu thương nuôi nấng chúng ta và mong chúng ta luôn gặp những điều tốt lành, trở thành người có bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Chứ không phải để thoái lui, lùi bước khi khó khăn ập đến.
Phật giáo hay bất kỳ một đạo giáo nào cũng luôn hướng con người tới điều tốt đẹp, lòng hiếu đạo bao dung vị tha buông xả tham sân si. Chúng ta không nên quá bám chấp vào những thói quen, những thứ quen thuộc mà không chịu thay đổi trong khi thứ đó cứ mãi khiến ta đau khổ.
Đạo Phật cực kỳ phê phán hành vi tự sát dù vì bất cứ lý do gì. Người tự sát sẽ phải chịu nỗi thống khổ nơi địa ngục bởi phạm vào 3 tội: bất hiếu, giết người (giết hính bản thân mình) và sân si.
Trong mười đại tội theo quan niệm của Phật giáo thì tội bất hiếu đứng đầu. Trong điển tích Phật giáo có rất nhiều câu chuyện kể về những quả báo thảm khốc phải chịu khi bất hiếu. Theo một số chứng tích của Phật giáo Đại thừa, có câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên trong một tiền kiếp trước đã bất hiếu với mẹ và phải chịu quả báo 499 kiếp bị đánh, bị giết. Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, có ghi:
“Điều tốt cùng tột không gì hơn hạnh hiếu, điều ác lớn nhất không gì hơn bất hiếu mẹ cha. Người phạm tội bất hiếu hiện đời bị sét đánh, sau khi chết đọa vào đại địa ngục A Tỳ. (Một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ bằng 6.000.000 năm ở nhân gian)”.
Quả báo của việc giết người, coi thường sinh mạng của mình và người khác là đời đời sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khổ, lang thang ít học. Chưa hết, khi giết một người tức là làm đổ vỡ những sự nghiệp của người đó đang ôm ấp xây dựng, khi đó người phạm tội này sẽ luôn gặp thất bại ở những kiếp sau.
Thân mạng rất quý giá, có những người sinh ra sáu căn không được lành lặn còn khao khát được sống và vươn lên chính mình, được cộng hiến cho cộng đồng, cớ sao chúng ta lại nghĩ tới cái chết, không biết trân quý sự sống? Để có được thân người là một điều rất khó, phải có nhiều phước báu lắm mới được sinh làm thân người ở kiếp này, đó là một diễm phúc lớn lao và vô cùng hy hữu.
Lối sống "ít ham muốn, biết vừa đủ" hay còn gọi là “thiểu dục tri túc” trong đạo Phật cũng là một phương pháp tích cực để ngăn ngừa các tác nhân dẫn đến nguy cơ tự tử. Một khi con người biết áp dụng lối sống ít ham muốn, biết vừa đủ thì sẽ ít mong cầu, không quá chạy theo những thú vui trần tục, không bị những khoái cảm của các giác quan sai khiến làm ta bị lệ thuộc nó quá nhiều, nhờ vậy mà cuộc sống được thăng bằng hơn, ít đau khổ hơn. Càng nhiều ham muốn thì càng đau khổ nhiều, ít ham muốn thì sẽ ít khổ đau.
Chúng ta cần phải biết quý trọng thân thể, mạng sống của chính mình để tạo nên những giá trị tốt đẹp cho mình, cho người thân, báo đáp công ơn cha mẹ và to lớn hơn là mang lại lợi ích cho xã hội nếu có khả năng. Chúng ta nên cố gắng tu tập tinh tấn mỗi ngày các giáo lý nhà Phật để tôi luyện ý chí, thân tâm được cứng cỏi, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Tác giả: Ngọc Thắng
Bình luận (0)