Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Góc nhìn đạo Phật về mẫu hình tình bạn lý tưởng

Góc nhìn đạo Phật về mẫu hình tình bạn lý tưởng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

DẪN NHẬP

Bạn bè là mối quan giữa tình người với nhau trong cuộc sống, tạo sự sinh động với xã hội cộng đồng. Và mối quan hệ này được thiết lập bình đẳng hay sự bất bình đẳng về giới tính, tuổi tác, sở thích, nguyện vọng, lý tưởng hay ý chí … là những tiêu chí căn bản và quan trọng nhất để khẳng định nhân cách, quan điểm sống của cá nhân con người. Trong Phật giáo, bạn bè có sức ảnh hưởng không hề nhỏ đối với đời sống phạm hạnh dù mặt tích cực hay tiêu cực đi nữa vẫn chịu sự tác động trong đời sống, khả năng thăng tiến trong tâm thức của chúng ta. Sống thì chúng ta cần phải có bạn bè, nếu như không có bạn bè thì xem như một trong năm điều bất hạnh nhất mà đức thế tôn đã từng chỉ dạy trong kinh. Do đó, người viết xin chọn đề tài: “Những giá trị cốt lõi của tình bạn: Tìm kiếm một hình mẫu tình bạn lý tưởng”. Để phần nào nói lên giá trị, ý nghĩa hay đặc tính bền vững của một mẫu hình tình bạn lý tưởng, xem tình bạn ấy được xây dựng cơ sở vững chắc như thế nào. Ngoài những sở thích, cá tính… thì đạo đức, giới hạnh, cũng tạo nên một tình bạn hết sức quan trọng.

NỘI DUNG

1. Giá trị cốt lõi của một tình bạn

1.1. Khái niệm

Tình bạn là mối quan hệ có sự tác động hai chiều giữa con người với nhau, là hình thức liên kết giữa các cá nhân mạnh hơn so với một tổ chức, dĩ nhiên nó được nghiên cứu trong học thuật như: “giao tiếp, xã hội học, tâm lý xã hội, nhân chủng học và triết học. Các lý thuyết hàn lâm khác nhau về tình bạn đã được đề xuất, bao gồm lý thuyết trao đổi xã hội, lý thuyết công bằng, phép biện chứng quan hệ và phong cách gắn bó”[1].

Tuy có nhiều hình thức của tình bạn, với việc thay đổi từ dạng này sang dạng khác, một số đặc điểm chung nhất định có mặt như: “lòng tốt, tình yêu, đức hạnh, sự cảm thông, sự trung thực, lòng vị tha, sự trung thành, rộng lượng, sự hiểu biết lẫn nhau và lòng trắc ẩn, tin tưởng và khả năng là chính mình, thể hiện tình cảm của mình với người khác mà không phải sợ phán xét từ người đó”[2]. Kỹ năng tạo dựng tình bạn chủ yếu thiết lập trên mối quan hệ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Goc nhin cua dao Phat ve tinh ban ly tuong 1

1.2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của mẫu hình tình bạn lý tưởng

Chúng ta căn cứ theo chiều dài lịch sử và trong giáo lý kinh điển của Phật giáo thì sự kiện chuyển pháp luân và bài thuyết giảng đầu tiên cho năm người bạn đầu tiên tu theo khổ hạnh của đức Phật là từ lúc sau ngài thành đạo. Nhưng trước đó, đức Phật đã suy nghĩ về các “vị thầy của mình” nhưng các vị ấy đã không còn thì mới nghĩ đến năm người bạn của mình là năm anh em Kiều Trần Như như sau: “Này các Tỳ kheo, rồi Ta tuần tự đi đến Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển, đi đến chỗ nhóm năm Tỳ kheo ở… Ta nói với nhóm năm Tỳ kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỳ kheo, Như Lai là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỳ kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các ông sẽ an trú”[3]. Ở đây, chúng ta có thể nhận xét như sau tình bạn chỉ đứng sau tình thầy trò. Như vậy, bắt đầu từ thời đức Phật cũng đã cho chúng ta thấy được trong quá trình tu tập một hình mẫu lý tưởng của bạn bè là không thể thiếu. Trong cuộc sống, chúng ta chịu nhiều sự tác động ảnh hưởng từ rất nhiều thứ từ bên ngoài cho đến bên trong như ý chí, sở thích, thói quen, tích cách… dường như chúng được định hình trong nghiệp thức và sự tương tác với xã hội. Đức Phật phát hiện rất sớm lý thuyết về sự huân tập trong tự nhiên và trong xã hội được ghi lại như sau: “Này chư Hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã bay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ”[4]. Qua đoạn kinh trên cho chúng ta thấy được một cá nhân rất dễ bị tác động của các yếu tố từ môi trường xung quanh. Nhưng nếu chúng ta thân cận với người lương thiện thì chúng ta lương thiện và ngược lại. Quan hệ tình bạn cũng nằm trong sự tác động của quy luật này. Cũng là cơ sở tạo nên “làm bạn với thiện”, dấu hiệu đầu tiên của con đường thánh đạo mà đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông (arunuggam); cũng vậy, này các Tỳ kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước sự sinh khởi của Thánh đạo Tám ngành, chính là bạn hữu với thiện. Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn… Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định… hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành”[5]. Bạn bè tốt là sự thành tựu của mọi tiền đề: “Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên, về Mitta-gandhaka, một cư sĩ. Tương truyền, người này là con cháu một dòng họ đã suy tàn ở Sàvatti (Xá-vệ), phải nhờ một người bạn đi cầu hôn một thiếu nữ sang trọng. Nhà kia hỏi thế cậu ấy có bạn bè thân thích nào để có thể giải quyết công việc cần lo liệu chăng? Nhà trai đáp không, chẳng có ai cả. Bên kia bảo thế thì trước tiên phải kiếm bạn đã. Người ấy nghe lời khuyên này đi bầu bạn với bốn người giữ cổng thành. Sau đó chàng dần dần kết bạn với những người giữ thành, những nhà thiên văn, nhiều người quí tộc trong triều; ngay cả vị tướng lãnh và phó vương. Nhờ giao thiệp với đám người này, chàng trở thành bạn thân thiết của vua, rồi sau đó là đạo hữu của tám mươi vị Trưởng lão, và nhờ Trưởng lão Ànanda, chàng đến yết kiến chính đức Như Lai. Lúc ấy bậc Ðạo Sư an trú cả gia đình chàng vào Tam quy và Ngũ giới, vua lại phong cho một chức vụ cao và chàng được biệt danh Mitta-gandhaka hay người kết giao nhiều bằng hữu”[6]. Thông qua hai đoạn kinh trên chúng ta thấy rằng đối với chúng tại gia và chúng xuất gia đức Phật đều có một phương cách thuyết giảng dạy khác nhau về tình bạn từ đó cho chúng ta thấy sự hạnh phúc, thăng hoa hay sự an lạc của một đời đạo đức. Như trong thập đại đệ tử của đức Phật tình bạn giữa tôn giả Sariputta và Moggallana là một minh chứng rất rõ ràng về tình bạn cao thượng không gì chia cắt hay so sánh được rất xứng đáng cho mỗi chúng ta học hỏi và lấy làm mục tiêu để kết giao hay ứng dụng vào đời sống tu tập chính bản thân của mình một mẫu hình tình bạn lý tưởng giá trị cao. Đối với Phật giáo hay ở thế gian, chúng ta cần phải nghiêm túc nhận thức đúng đắn về vai trò của mẫu hình bạn bè để mở ra một phương thức, lối sống tích cực hơn. Đó chính là ý nghĩa và tầm quan trọng của một mẫu hình tình bạn lý tưởng.

2. Những đặc tính của mẫu hình một tình bạn lý tưởng

Sự vận hành của trái đất đã đưa chúng ta đến những mối quan hệ hay sự gặp gỡ khác nhau có lúc bập bền thoáng qua hay có những cuộc gặp gỡ định mệnh, hàn gắn sâu xa. Ở nơi ấy chúng ta bắt gặp được bạn bè và tình bạn xuất hiện trong những cuộc gặp gỡ đó. Bởi do đặc tính khác nhau của từng mối quan hệ nên tình bạn cũng có nhiều dạng thể hiện khác nhau. Từ đó, chúng ta căn cứ về hình thức phương diện chúng ta phân định ra các dạng tình bạn như tri kỷ, tình bạn, tình đồng hương, đồng học, đồng tu, bạn đời… đây là thắc mắc của các vị trời:

“Ai bạn kẻ đi đường?
Ai bạn người ở nhà?
Ai bạn khi cần thiết?
Ai bạn cho đời sau?”[7]

Và đức Phật trả lời như sau:

“Bạn đường, bạn đi đường,
Bạn ở nhà là mẹ,
Bạn bè khi cần thiết,
Mới là bạn thường xuyên,
Công đức tự mình làm,
Là bạn cho đời sau”[8].

Chúng ta xét về tính chất- giá trị thì tình bạn có thể chia làm hai loại đó là bạn xấu- bạn tốt và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, thành công cho một mối quan hệ. Trong “Kinh Tăng Chi và Kinh Trường Bộ” thì có bốn loại tình bạn chúng ta có thể thấy được trong cuộc sống. Thứ nhất: “Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật”[9]. Chúng ta ai trong đời mà không có lúc rơi vào cảnh éo le, đơn lẻ, thất bại, bước vào đường cùng, mất kiểm soát, sơ xuất… chúng ta sống có đôi lúc không làm chủ được tất cả mọi việc, buông lung tâm ý sa đà vào các cuộc vui thế gian bị các cám dỗ làm mờ đi lý trí, cũng có khi đứng trước nguy cơ của sự tồn vong tính mạng. Sự có mặt của một bạn tốt vào trong tình thế như thế này có thể giúp chúng ta vượt ra khỏi tâm cảnh u tối như trên thật là một điều đáng trân trọng. Cũng giống như trong Kinh Tiểu Bộ kể về câu chuyện: “Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ tát sinh làm con nai núi, sống tại một bụi cây ở trong rừng không xa một cái hồ bao nhiêu. Trên một ngọn cây gần hồ ấy có một con chim gõ mõ làm tổ. Trong hồ lại có một con rùa. Như vậy ba con vật làm bạn với nhau, và sống chung trong tình thương yêu nhau. Một người thợ đặt một cái bẫy thòng lọng bằng da vững chắc như sợi dây bằng sắt, rồi bỏ đi. Bồ-tát đi đến uống nước trong canh một, bị mắc vào bẫy, liền lớn tiếng kêu cứu. Nghe tiếng kêu của Bồ-tát, lập tức chim gõ mõ từ ngọn cây bay xuống và con rùa từ dưới nước bò lên và bàn bạc chuyện phải làm. Con chim gõ mõ nói với con rùa này bạn, bạn có răng, hãy cắn đứt cái bẫy này. Còn tôi sẽ đi lập kế làm thế nào cho người thợ săn không thể đến đây được. Như vậy, hai chúng ta nỗ lực tối đa để bạn chúng ta khỏi mất mạng”[10]. Ngoài vấn đề như trên ra thì có cái loại gọi là sự sợ hãi, bởi rằng khi chúng ta sinh ra trên cuộc đời này thì ai cũng một lần phạm lỗi, sai lầm không dám đối diện với sự thật vì sợ sự thật, sợ không được yêu thương như thuở ban đầu, sợ mất danh tín, sợ bội bạc, sợ xấu, sợ chết… có rất nhiều nỗi sợ. Nhưng nếu chúng ta có một chỗ dựa tin thần vững chắc biết lắng nghe và cảm thông thì giúp chúng ta vượt qua một cách cụ thể về từng nỗi sợ đó. Thứ hai: “Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật”[11]. Một tình bạn tốt thì sẽ thử thách qua rất nhiều hoàn cảnh, điều kiện. Như khi giàu sang hay nghèo hèn, danh vọng, thành công hay sự thất bạo đều có nhau một cách keo sơn gắn liền không bị các cám dỗ làm lay động thế nên đức Phật cũng đã khẳng định: “chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể không khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ”[12]. Bởi sự hào nhoáng của thế gian rất dễ làm thay đổi con người vì thế chúng ta cần phải trong một thời gian lâu mới cảm nhận được, nội hàm câu trên chính là như vậy. Đức tính thủy chung chân thành là nền tảng căn bản cần có ở một tình bạn, khi cuộc sống có những điều gọi là bí mật thì chúng ta đôi khi cần sẻ chia với bạn, người bạn đó giữ gìn kín đáo thì cũng là một cách sống hay, một phương pháp hữu ích đáng trân quý. Vì việc giữ bí mật cũng tức là việc bảo vệ thanh danh cho người đó. Chúng ta dần tiến gần với giáo lý chân quý sự bình đẳng, dẹp đi cái chấp vào cái ngã của ta. Đời sống hiện nay hay trong những bộ phim chúng ta xem được sự hy sinh vì bạn là có thật, đúc kết từ cuộc sống hằng ngày mà hình thành, luôn được người đời tán thán, khen ngợi về sự hy sinh vốn có này. Thứ ba: “Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật”[13]. Trong lối sống của nhân dân Việt Nam chúng ta ngoài việc học làm người ra thì còn phải học làm người có đạo đức, làm người tốt. Bạn bè cũng không ngoại lệ, bạn tốt với bạn xã giao, bạn bình thường ở chỗ là chúng ta thường xuyên khuyên bạn thường làm các điều lành, tránh làm các việc dữ, thường xuyên tiếp xúc với người lành:

“Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chỉ tốt hơn, không xấu.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Được tuệ, không gì khác”[14].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Goc nhin cua dao Phat ve tinh ban ly tuong 2

Chúng ta có sự hỗ tương với nhau trong cuộc sống cùng nhau thăng tiến, dìu dắt nhau trong lối sống tu tập hằng ngày để tạo quả lành ngay hiện tại. Trong Kinh Dhananjani có đoạn: “Này Dhānañjāni, ông nghĩ thế nào? Một người vì bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chính; hay là người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, ai tốt đẹp hơn? Thưa Tôn giả Sāriputta, người vị bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chính, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sāriputta, người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, người ấy tốt đẹp hơn”[15]. Dù ở phương diện vật chất hay tinh thần chúng ta cần chia sẻ với nhau, để cùng nhau thăng tiến. Về mặt tri thức thì càng học hỏi lẫn nhau như dân gian Việt Nam chúng ta có câu học “thầy không tầy học bạn” bởi không phải lúc nào chúng ta cũng được gặp thầy trực tiếp hay chỉ dẫn riêng nhiều, chỉ có bạn bè là sự gần gũi mới dễ dàng học với nhau, và kịp thời đưa ra những phương hướng chính xác để đường đi nước bước dễ dàng không bị gặp quá khó khăn, đau khổ giảm đi nhưng đặc tính xấu khác. Chính là giá trị của mọi câu nói hay nhất vẫn là: “ta sẽ nói hợp thời, không phải sái thời; ta sẽ nói với sự thật, không phải với sự sai trái; ta sẽ nói với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ; ta sẽ nói có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích; ta sẽ nói với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận”[16]. Đúng lúc đúng thời là giá trị câu nói không bị lỗi thời của mọi sự đại. Lấy chuẩn mực là cùng nhau hướng thượng và cùng nhau xây dựng chuẩn mực:

“Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Đảnh lễ người đáng lễ,
Là điềm lành tối thượng”[17].

Thứ tư: “Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật”[18]. Hạnh phúc với niền vui của bạn và không vui với nỗi buồn của bạn là một trong những thái độ để chia sẻ với nhau. Một mẫu hình tình bạn lý tưởng là luôn hết mình khi đối phương gặp nguy hiểm, tận tình với nhau dù tốt hay xấu. Nhưng cuộc sống chúng ta mỗi chúng ta đều đối diện với tám ngọn lửa thế gian: “Tám pháp thế gian này, này các Tỳ kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám? Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, lạc và khổ. Tám pháp thế gian này, này các Tỳ kheo, tùy chuyển thế giới và thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này”[19]. Tám ngọn lửa này là những cặp phạm trù đối nghịch nhau làm đảo lộn cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta ngăn những ai nói xấu bạn hay khen ai đó tán thán bạn mình là minh chứng cho một tình bạn đầy lý tưởng.

3. Nhận định bản thân về một tình bạn vững bền

Nếu chúng ta may mắn có được một tình bạn tốt thì đó là niềm hạnh phúc trong cuộc sống chính chúng ta. Còn ngược lại, chúng ta không may mắn như bao nguời khác thì chúng ta sống một mình, mặc dù rất thua thiệt, bất tiện nhưng vẫn tốt hơn sống chung với người không tốt:

“Nếu không được bạn lành,
Thận trọng và sáng suốt,
Bạn đồng hành chung sống,
Bạn thiện trú Hiền trí.
Hãy như vua từ bỏ,
Ðất nước bị bại vong,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng”[20].

Mặt khác, khi chúng ta sống như vậy có rất nhiều thời gian để trải nghiệm sự tự do, tự chủ, rất hoang dã và đầy bình yên như con tê ngưu một sừng. Tiếp đến, khi chúng ta tạo dựng một tình bạn là điều vô cùng khó khăn huống chi nói đến vấn đề là chia sẻ hay cảm thông càng huống hồ là đặt niềm tin. Tình bạn hay mẫu hình tình bạn lý tưởng nói một cách đúng nghĩa chính là chúng ta vứt bỏ đi sự hào nhoáng bởi hình thức bên ngoài không thể lột tả hết được giá trị của một con người. Từ việc quen cho đến kết bạn là một hành trình dài, giá trị cốt lõi ở mẫu hình tình bạn là yếu tố niềm tin, đạo đức, bởi có đầy đủ hai yếu tố đó thì tình bạn mới vững bền, nhưng chúng ta cần phải lưu ý là đặt đúng nơi, cần có trí tuệ quan sát.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mot so phuong phap tam ly tri lieu Phat giao 3

Cuối cùng, sự chọn bạn để kết giao, để chia sẻ là chuyện thường tình trong cuộc sống vốn có. Dân gian có câu: “chọn bạn mà chơi”, câu nói ấy trong kinh được xem như ánh sánh của tuệ giác:

“Người gần kẻ hạ liệt,
Rồi cũng bị hạ liệt,
Thân cận người đồng đẳng,
Được khỏi bị thối đọa,
Ai gần bậc thù thắng,
Mau chóng được thăng tấn,
Do vậy hãy sống chung,
Bậc ưu thắng hơn mình!”[21]

Bạn bè cần sự đồng điệu với nhau mới cùng nhau tăng trưởng trong cuộc sống, nếu người hoàn hảo chọn người hoàn hảo hơn mình thì chắc gì người hơn mình đó chịu kết giao và người thấp kém hơn sẽ như thế nào nếu không ai kết giao thì sao thăng tiến. Bởi vậy chúng ta chọn bạn cần có sự đồng điệu với nhau thì cuộc sống mới muôn màu tốt đẹp.

KẾT LUẬN

Qua đó, chúng ta có thể đúc kết rằng trong cuộc sống rất nhiều mẫu hình tình bạn lý tưởng nhưng tốt hay xấu đều do sự lựa chọn của chúng ta về phương diện góc độ nào thôi. Giá trị cốt lõi của tình bạn sẽ được đánh giá qua quá trình xây dựng một mẫu hình tình bạn lý tưởng có đạo đức, thanh danh, hoặc người bạn đó có thật lòng bảo vệ, chia sẻ, gìn gữ những điều bí mật cho mình hay không rất quan trọng nên chúng ta cần lưu ý. Từ đó, chúng ta áp dụng vào cuộc sống từ hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa chúng ta phải nỗ lực tinh tấn cùng nhau tăng trưởng, thân cận với những người thiện, người tri thức để cùng nhau tiến tới cung trời hạnh phúc đời này và cả đời sau một tâm niệm tốt lành. Cuộc sống hiện tại tràn đầy hạnh phúc, an lạc xuất phát từ tâm từ, không còn bị dày vò, khó khăn của những điều không bổ ích, giúp nhau tiến lên sự cao trào của hạnh phúc. Đó chính là “Những giá trị cốt lõi của tình bạn: Tìm kiếm một hình mẫu tình bạn lý tưởng”.

Thích Chúc Hòa – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

——————-

CHÚ THÍCH:

[1] Nguồn: http://oxforddictionaries.com/definition/friend
Truy cập: 7/3/2021.
[2] Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_b%E1%BA%A1n
Truy cập: 7/3/2021.
[3] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 1, 26. Kinh Thánh Cầu”, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 223.
[4] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa IV. Phẩm Trưởng Lão”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 237.
[5] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương I Tương Ưng Đạo IV. Phẩm Về Hạnh (Patipattivagga)”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 51.
[6] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XIV. Tạp Phẩm 486. Chuyện Chúa Chim Ưng”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 181.
[7] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên VI. Phẩm Già”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 84.
[8] Ctsđd, tr. 84.
[9] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 539.
[10] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 5, chương II. (Hai Bài Kệ) Phẩm Natamdaiha”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 437.
[11] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 539.
[12] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương III Tương Ưng Kosala II. Phẩm Thứ Hai”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 181.
[13] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 540.
[14] Nguyên Bản: Pāli – Việt Dịch: Thích Minh Châu, “Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập I, III. Phẩm Các Ngoại Đạo”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 117.
[15] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 2, 97. Kinh Dhānañjāni”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 229.
[16] Tỳ Khưu INDACANDA, “Tiểu Phẩm Tập 2, Phẩm Tụng Thứ Nhì”, Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, 2014, tr. 334.
[17] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 1, Tiểu Tụng”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 12.
[18] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 540.
[19] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp I. Phẩm Từ”, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 497.
[20] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập – Chương Một: Phẩm Rắn Uragavagga”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 475.
[21] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp III. Phẩm Người”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 227.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguồn: http://oxforddictionaries.com/definition/friend
Truy cập: 7/3/2021.
2. Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_b%E1%BA%A1n
Truy cập: 7/3/2021.
3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 26. Kinh Thánh Cầu, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa IV. Phẩm Trưởng Lão, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương I Tương Ưng Đạo IV. Phẩm Về Hạnh (Patipattivagga), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XIV. Tạp Phẩm 486. Chuyện Chúa Chim Ưng, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2003.
7. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên VI. Phẩm Già, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
9. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 5, chương II. (Hai Bài Kệ) Phẩm Natamdaiha, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001.
10. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương III Tương Ưng Kosala II. Phẩm Thứ Hai, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
11. Nguyên Bản: Pāli – Việt Dịch: Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập I, III. Phẩm Các Ngoại Đạo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
12. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, 97. Kinh Dhānañjāni, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
13. Tỳ Khưu INDACANDA, Tiểu Phẩm Tập 2, Phẩm Tụng Thứ Nhì, Nxb. Tôn Giáo – Hà Nội, 2014.
14. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Tiểu Tụng, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999.
15. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp I. Phẩm Từ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
16. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập – Chương Một: Phẩm Rắn Uragavagga, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999.
17. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp III. Phẩm Người, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường