Tác giả: Pháp Vương Tử

Giáo pháp Tứ y trong đạo Phật là giáo pháp nói về bốn phương pháp thực tập sự nương tựa (y cứ), là hành trang không thể thiếu đối với người học Phật, tu Phật.

Sự nương tựa ở đây không phải là sự dựa dẫm, mà là một nhu cầu đặc biệt, thiết yếu trong đời sống thường nhật cũng như sự phát triển đời sống tinh thần và tâm linh (đời sống tâm linh không hẳn có yếu tố tôn giáo), như: Trời mưa gió cần nương tựa một mái che, đói khát cần nương tựa một quán hàng. Tâm vô minh cần nương tựa một minh sư khai ngộ để sáng mắt, sáng lòng. Việc đạo việc đời cũng vậy: Đời không có đạo, không nương tựa đạo thì xã hội xuống cấp bởi nền tảng đạo đức hỏng. Còn đạo đi vào đời để thể hiện giá trị đạo đức căn bản, tô đẹp cuộc sống bình yên trong xã hội... Thế nên giáo pháp Tứ y của đạo Phật là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức, trí tuệ, đem đến sự an lạc thân tâm, đồng thời lan tỏa niềm vui trong cộng đồng, xã hội.

Ý nghĩa căn bản trong giáo pháp Tứ y, đó là:

Thứ nhất: Y pháp bất y nhân: nghĩa là chỉ nương tựa Pháp (Giáo pháp) chứ không nương tựa y cứ vào người giảng Pháp.

Kinh Pháp Hoa, bộ kinh căn bản của Phật Giáo Đại thừa có câu: "Thế gian tướng thường trụ". Vậy thường trụ ở đâu? Phật dạy: Thường trụ trong mỗi con người vì vậy mỗi người hãy tự xây ngôi chùa tâm linh cho chính mình, đó mới là ngôi chùa "bất hoại". Xây chùa tâm linh cho mình bằng việc nghe pháp, từng bước ứng dụng cốt lõi Phật dạy. Diệu dụng của Giáo Pháp có lực oai thần hàng phục được cả yêu ma, khiến tượng đá phải gật đầu được thể hiện trong câu đối nhà chùa là:

"Pháp lực oai thần - thiền định phóng quang ma khấu thủ Sư đăng bảo tọa - Đàm kinh nhập diệu thạch đê đầu"

Chúng ta thu nhận Pháp qua thầy, cho dù đời sống thật của người thầy ấy còn chưa được mẫu mực, ta cũng không định kiến, cố chấp, đánh mất một cơ hội nghe Pháp, bởi Pháp chính là đạo - giảng Pháp là giảng đạo. Đức Phật Thích Ca từng để lại lời căn dặn cuối cùng: "Hãy nương tựa Pháp! Pháp Lãnh đạo" (Kinh Di Giáo). Như vậy việc nương tựa Pháp là điều chúng ta phải ghi nhớ và thực hành.

Thứ hai: Y liễu nghĩa kinh và bất y liễu nghĩa kinh: vậy thế nào là liễu nghĩa, thế nào là không liễu nghĩa.

Kinh liễu nghĩa là kinh nói về chân lý tuyệt đối, cũng gọi là Khế lý, là chân tính, bất biến bởi đó là căn bản của sự vật. Tu hành nhằm đạt sự bất biến, tức khế lý, liễu nghĩa. Bất biến không phải là bảo thủ, cố chấp bởi từ liễu nghĩa, bất biến để ứng vạn biến gọi là tùy duyên. Còn kinh bất liễu nghĩa là kinh phương tiện, nói về chân lý tương đối gọi là khế cơ. Vì là kinh phương tiện nên dễ hiểu, đánh thức người học người tu thấy rõ nguồn gốc của khổ đau, phiền não, thiện ác, lời kinh được thể hiện bằng ngôn ngữ thế gian, có tính "phàm tuệ". Và dù vậy, kinh liẽu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa, cả hai đều là sự thật căn bản nên gọi là NHỊ ĐẾ.

Giáo lý nhà Phật thường được biểu thị lý "Sắc - Không". Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1115) thời Lý còn được gọi là Đức Thánh Láng qua Kệ đáp tăng chúng, đã nói rõ ý này: "Tác hữu trần sa hữu/Vi không nhất thiết không"...Có thì có tự mảy may/Không thì có thế giới này cũng không. Cái "có" của vật chất hữu hình cho dù nhỏ như "vi trần" cũng là "có", đó chỉ là sự thật tương đối thôi, là tục đế, bất liễu nghĩa - khế cơ. Còn sự thật tuyệt đối: Liễu nghĩa là khế lý (Chân Đế) là sự thật "muôn pháp do nhân duyên sinh" là vô thường, hoại diệt. Chữ "không" nằm trong dòng chảy vô thường của giáo lý Duyên sinh, chỉ cho mọi vật luôn biến hoại trong sinh - diệt.

Ý này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa vào ca từ của ông "Tôi nay ở trọ trần gian". Con người đang sống cũng chỉ là "sống" tạm bợ, là ở trọ trần gian qua cái nhìn của Duyên sinh mà thôi. Thế nên cái "không" trong câu kệ chính là liễu nghĩa, là chân đế: Sự thật tuyệt đối.

Mới hay muôn sự muôn vật ở đời rồi cũng "để gió cuốn đi". Một chữ "xả" trong Tứ vô lượng tâm cũng hàm chưa ý này. Nhưng dẫu sao cũng phải dán nhãn, tạo một cái "danh" để thấy tục và chân nhằm quán chiếu được thực tướng của các Pháp "như nó là!"

Thứ ba: Y nghĩa bất y ngữ: Nghĩa là căn cứ vào nghĩa lý, chứ không hẳn là câu, chữ. Ngôn từ câu chữ chỉ là phương tiện để đánh thức tuệ giác chứ nó không phải là tuệ giác, là ngón tay chỉ trăng, chứ không phải ánh ngời của Vừng Nguyệt. Thiền của Tổ Đạt Ma "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền..." cho nên chấp nhận ngôn ngữ chỉ ở cấp tục đế.

Ngay cả Kim ngôn của đức Phật, Ngài cũng bảo: Đừng vội tin chỉ vì tôn kính Ngài. Thi hào Nguyễn Du quan niệm "Linh văn bất tại ngữ ngôn khoa". Cái hay trong ngôn từ câu chữ đều vượt thoát mọi ràng buộc, là siêu ngữ nghĩa: Mượn lời để tỏ ý, được ý thì quên lời. Dẫu vậy cũng không thể bỏ tục về chân được: nghĩa phải nương tựa ngữ mới sáng tỏ.

Thứ tư: Y trí bất y thức: nghĩa là nương tựa vào trí tuệ, không nương tựa vào kiến thức. Phật giáo luôn chú trọng và đề cao chữ tuệ, hiểu theo nghĩa tri thức liên quan đến sự nhận biết về nguyên nhân của những nỗi khổ đau và cách thức vượt thoát của con người. Hiện thực cuộc sống luôn cần đến tri thức là vậy. Trong Phật giáo chữ Trí, có nhiều loại, như chính trí, tài trí, thế gian trí... Nghĩa thông thường của trí là năng lực nhận biết của con người với sự vật và hiện tượng; khả năng đoán định phải trái, đúng sai, chính là trí... Là sự tướng hữu vi. Khác với chữ TUỆ chỉ cho năng lực nhận thức không phải do suy luận hay khảo nghiệm mà có. Trong Luận Duy thức - quyển 9 viết: "Quán trong cảnh được và mất đều là "không" thì chỉ có tuệ mới đạt được, mới quyết định được", bởi nó là "thật tướng, vô tướng" cho nên nó đáng được nương tựa, y cứ để học hiểu, tăng ích trí tuệ.

Bất y thức - tức không nương tựa vào kiến thức hoặc đối tượng của nhận thức. Chức năng của KIẾN THỨC là thông qua các giác quan: mắt, tai, mũi... gọi là Lục căn (6 cái gốc) làm trung gian suy luận và khái niệm nên có tính chủ quan với cái Ngã (cái tôi). Nó khác với trí tuệ là trực giác, khách quan nên vô ngã, không có cái tôi chủ quan, nên không có tam độc Tham - Sân - Si.

Tóm lại, trong Giáo pháp Tứ y, đức Phật đưa ra bốn cặp phạm trù, mỗi cặp có hai đối tượng để tìm hiểu là "y" "bất y" nhưng cả 2 đều có tính căn bản, bất khả phân nên được gọi là Nhị đế. Điều này gợi nhắc sự tu với mỗi người chúng ta là: Tu trong ngũ uẩn, tu trong khổ đau, phiền não... Ta tu từ những thị phi cuộc đời. Hột giống Bồ đề chỉ nở nơi ấy, như sen báu vươn từ bùn nhơ mà tỏa ngát hương cho đời, khi mà nỗi khổ niềm đau vẫn đang còn là ẩn số.

Tác giả: Pháp Vương Tử