Khi phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 bùng nổ, chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã tham gia ngay từ đầu. Ở Huế, sáng ngày 7-5-1963, Tỳ-khưu Hộ Nhẫn, đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam hội kiến với viên tỉnh trưởng, cố vấn Ngô Đình Cẩn. Từ Huế, Đà Nẵng, đến Sài Gòn đều không thiếu sự có mặt của chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai Giảng viên Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Hùng Giáo viên trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP. Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
Tóm tắt:
Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu khái quát vai trò đóng góp của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trong phong trào thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1963). Để có được thành tựu 25 năm (1938-1963) du nhập, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam phải chịu xiết bao tổn thất và mất mát hy sinh về nhân lực, vật lực trong tiến trình thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thay vì yên vị chốn thiền môn thanh tịnh tu hành kể từ khi thành lập hai tổ chức: Phật tử hộ Tăng và Giáo hội ở Đà Nẵng và Sài Gòn năm 1958.
Từ khóa: Theravāda, phong trào, thành lập, Giáo hội, 1963.
DẪN NHẬP
“Ngày 1-11-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị quân đội lật đổ sau 9 năm thống trị miền Nam Việt Nam (1954 – 1963)1. Cuộc vận động trong pháp nạn Phật giáo miền Nam Việt Nam chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo kết thúc. Từ ngày 31-12-1963 đến ngày 4-1-1964, tại chùa Xá Lợi, các đại diện 11 đoàn thể Phật giáo cùng hai hệ phái Bắc tông, Nam tông họp thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và soạn thảo Hiến chương. Nhìn chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử Phật giáo Theravāda Việt Nam đã được viết như chính những gì nó đã diễn ra: trước và sau 1963.
Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống và Hòa thượng Tối Thắng, Phó Tăng Thống.2 Đề cử Hòa thượng Trí Quang nhiệm vụ Chánh thư ký Viện Tăng Thống, Thượng tọa Giới Nghiêm, Phó thư ký. Hòa thượng Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Tỳ-khưu Pháp Tri, Phó Viện trưởng. Tỳ-khưu Hộ Giác, Ủy viên truyền bá vụ, Tổng vụ hoằng pháp.
Ngày 4-1-1964, Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được công bố”.3 Để có được thành tựu đồng hành cùng dân tộc trên, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã “đánh đổi” không hề nhỏ vì vận động tích cực kể từ khi du nhập 1938 cho đến khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Th g nhất đầu 1964. Thành tựu này chúng ta có thể điểm qua vài nguyên nhân của bối cảnh lịch sử bấy giờ cũng như tính chất, vai trò, ý nghĩa lịch sử và đặc điểm phong trào Pháp nạn 1963 mà Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã tham gia với vai trò không thể nghĩ bàn.
I. KHÁI LƯỢC BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ PHONG TRÀO
Sau Hiệp định Genève (1954), Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về miền Nam Việt Nam giữ chức vụ thủ tướng tay sai, bù nhìn. Chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai nhiều sách lược đi ngược quyền lợi dân tộc và nhân dân cả nước như năm 1956, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc, truy lùng bắt giam người từng tham gia kháng chiến giai đoạn 1945-1954 và những người đòi hòa bình, thực thi Hiệp định Genève (1954). Thanh trừng các tổ chức cá nhân không theo Diệm như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên… Tổ chức tuyển cử riêng rẽ, bầu cử quốc hội lập hiến, ban hành hiến pháp. Lập Đảng Cần Lao Nhân Vị. Ban hành luật phát xít 10/59 (5-1959) lê máy chém khắp miền Nam…
Với các sách lược và biện pháp củng cố quyền lực trên, chính quyền Ngô Đình Diệm quyết tâm chống lại khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất hai miền của nhân dân Việt Nam.
Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền thủ tướng miền Nam đã thực hiện đường lối độc tài và bài bác Phật giáo trên hầu hết các mặt về đời sống tinh thần và vật chất như triết học và tư tưởng, kinh tế chính trị đến văn hóa xã hội và giáo dục từ năm 1955 khi nắm quyền lực. Trong đó, năm 1938, Phật giáo Nguyên thủy du nhập cũng nằm chung số phận.
- Về triết học tư tưởng - chính trị. Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) lấy chủ nghĩa Nhân vị làm hệ tư tưởng nhằm đẩy lui chủ nghĩa Mác-xít. Bộ máy cai trị của chế độ Đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) hiện lộ chính sách tôn giáo xem thường, hạ bệ tôn giáo khác và coi trọng Công giáo nhằm âm mưu độc tôn đưa Công giáo lên hàng Quốc giáo.4 Chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam. Các chức vụ chỉ huy, lãnh đạo cốt cán đều nằm trong tay tín đồ Công giáo hay của đảng Cần Lao từ trung ương đến cấp quận kể cả ở nông thôn cũng không loại trừ.
Chính quyền Ngô Đình Diệm muốn đưa Công giáo lên vị trí quốc giáo độc tôn trên tất cả lãnh vực của đời sống xã hội miền Nam nên đã thực hiện đường lối, nhiều biện pháp, kể cả không từ một thủ đoạn dã man, tàn bạo nào. Đối tượng khủng bố và áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm không ngoài ai khác chính là Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng và những quần chúng tín đồ, Phật tử cùng chịu chung số phận.
Tại Vĩnh Long, Trung tâm Huấn luyện của Đảng Cần Lao Nhân Vị các linh mục đứng lớp đã dùng lời lẽ không đúng sự thật, bôi nhọ có chủ ý về tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo truyền thống Nam tông), tài liệu viết:
“Theo Phật giáo Nguyên thủy, thì đức Phật không bàn đến nguồn gốc vũ trụ. Ngài cho rằng vũ trụ biến chuyển, có có không không mà hồn vũ trụ là Brahman (Phạm Thiên) cũng bị lôi cuốn trong vòng biến chuyển ấy.
Tư tưởng này của đức Thích Ca, được phái tiểu thừa nhất loạt tuân theo.
Nhưng vì thấy quan điểm này quá hẹp hòi, phản tiến hóa nên đạo sĩ Ashvagosha mới lập ra phái Đại thừa”.5
Ngô Đình Diệm dựa vào Công giáo, o ép những người không theo đạo Thiên Chúa, buộc người chưa theo đạo nào hay tra tấn tín đồ Phật giáo nếu từ chối theo đạo Công giáo; mua chuộc bằng tiền hay chức vụ nếu cải đạo hay cấm tín đồ đi chùa vào các ngày lễ, lôi kéo người Công giáo chống cộng bằng mọi thủ đoạn,…6 Trong phiếu trình của Bộ Công dân Vụ Việt Nam Cộng hòa gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa viết: “… Trong khuôn khổ kế hoạch Miên vận, gần đây tôi đã hội ý cùng Bộ Nội vụ để đi tới việc tổ chức thống nhất Phật giáo Nguyên thủy, bằng cách thành lập giáo hội tại Sài Gòn, nhằm cắt đứt liên lạc giữa sư sãi Việt gốc Miên với Giáo hội Nam Vang… Theo dõi, kiểm soát mọi hành vi cũng như về chính trị của sư sãi người Việt gốc Miên. Thu hút các sư sãi Việt gốc Miên gia nhập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam”.7 Như vậy, Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) âm mưu kiểm soát chặt chẽ và khuynh đảo đối với Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam và chư Tăng Khmer trong nước và nước ngoài.
Về kinh tế - xã hội, Ngô Đình Diệm cưỡng ép, dụ dỗ tín đồ Công giáo miền Bắc di cư vào miền Nam với chiêu bài “Đức Mẹ và con trai là Chúa Giê-su đã vào Nam”; tới tháng 9-1955, trong 286 làng định cư đã được thành lập thì có đến 265 làng Công giáo và do một linh mục đứng đầu.
Năm 1954, có đến 754.710 tín đồ Công giáo di cư vào Nam, chiếm 85%, trong tổng số 887.895 người, số linh mục, giám mục di cư là 809 chiếm 72%.
Trong lúc đó, tín đồ Phật giáo bị vu khống, trù dập do buôn bán kinh tế khá giả. Nổi bật nhất là việc Ngô Đình Cẩn giả tạo dàn dựng “Vụ án gián điệp miền Trung”. Hoặc ngày 6-11-1961, Bộ Kinh tế ban hành nghị định cấm nhân dân miền Nam (nhằm mục đích?) thực hiện những tín điều Công giáo: “Cấm hạ và bán thịt heo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, 3 ngày trong tuần lễ: thứ Ba, thứ Sáu và Chúa nhật, cho đến khi có lệnh mới,...” Nghị định quy định rõ là: “Trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ dù dưới hình thức nào, ngoại trừ lạp xưởng và thịt phơi khô đã làm xong từ trước. Tuy nhiên, có thể hạ thịt và bán các thứ thịt khác như: thịt trâu, thịt bò, thịt cừu, thịt dê, thịt thỏ...”.
Với âm mưu kìm hãm tín đồ Phật giáo làm kinh tế, Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) đã vu khống họ hoạt động chính trị. Nạn nhân bị giam cầm và tra tấn dã man hoặc bị giết, thậm chí bị tịch thu gia sản, kết án khổ sai. Đơn cử như ngày 28-8- 1956, Tòa Đại hình sơ thẩm Đà Nẵng của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) tịch thu sản nghiệp một thương gia giàu có buôn bán gạo và kết án 10 năm khổ sai ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tại Đà Nẵng.8 Hoặc ngày 12- 10-1961, tại Đà Nẵng, Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam xin mở cuộc lạc quyên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nhận được công văn đề nghị từ chối của Đại biểu Chánh phủ tại Trung Nguyên Trung Phần gửi về.9 Về văn hóa xã hội và giáo dục, chính sách thị hiện rất đậm nét. Ngày 9-1-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phép học sinh - sinh viên, công chức và binh sĩ được nghỉ trong ngày lễ Phật đản bằng Dụ số 4 (được hủy bỏ) nhưng ngày lễ Noel vẫn giữ nguyên, vẫn được nghỉ đến 15 ngày. Rồi những tín đồ Phật giáo nhiệt thành, bị chính quyền Ngô Đình Diệm theo dõi, có khi bị ám sát…
Về Công giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm ưu tiên và xem nhẹ Phật giáo hướng, buộc họ phải theo Công giáo và không có quyền từ chối, thậm chí buộc phải cải đạo nếu muốn học trong các trường này. “Từ năm 1953 đến năm 1963, Diệm đã xây dựng 145 trường cấp II và cấp III, riêng ở Sài Gòn có 30 trường với tổng số 62.324 học sinh. Trong cùng thời gian, Giáo hội Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3 trường cấp II và III trong năm 1953, đến năm 1963 đã lên tới 1.060 trường”. (Ảnh hưởng chính trị tôn giáo đối với nền Việt Nam Cộng Hòa, 2019).
Chính chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm cầm quyền ở miền Nam trong suốt 9 năm đã phân biệt đạo Phật với Công giáo. Công điện 9195 ngày 6-5-1963, tuyên chiến Phật giáo miền Nam, cấm treo cờ nhân dịp Đại lễ Phật đản 1963 là giọt nước làm tràn ly nước quá đầy, là duyên cớ của phong trào, cũng là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu trong phong trào Phật giáo năm 1963.
Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam bùng nổ mạnh mẽ, trong đó Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam nói riêng là một bộ phận tranh đấu quyết liệt.
Tóm lại, Chính sách một chiều cao độ như trên trình bày khái quát, đã làm mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp hiển lộ qua “lăng kính” tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm là cực kỳ căng thẳng. “Chính sách kỳ thị Phật giáo của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) đã tạo ra Pháp nạn cho Phật giáo Việt Nam, tạo ra nỗi đau mất mát về vật chất lẫn tinh thần, đối nghịch lại lợi ích dân tộc, lợi ích toàn thể nhân dân Việt Nam, đối đầu đường lối Đạo pháp và Dân tộc của Phật giáo, buộc Phật giáo miền Nam Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng nhập cuộc chính sự nhưng hoàn toàn không có ý bạo động lật đổ chính phủ nhà Ngô nhằm tham chính, tranh đấu chống Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963”.10
II. VỀ TÍNH CHẤT
Năm 1963, phong trào Phật giáo tranh đấu chống chính sách của Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa là tính chất bất bạo động, nhằm đòi thay đổi chính sách nhưng không nhằm ý định lật đổ chính phủ (nhưng chính phủ bị lật đổ từ chính phong trào Phật giáo ấy), đòi quyền các tôn giáo phải bình đẳng và xã hội công bằng. Kể từ các thời Đinh - Lê - Lý - Trần đến nay Phật giáo tham chính giúp vua, khi nước nhà bình yên, Phật giáo lui về chốn thiền môn thanh tịnh. Các văn bản của giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 thể hiện đậm nét nhất tính chất tranh đấu bất bạo động ấy. Sau đó là các cuộc biểu tình, tuyệt thực và hành động tự thiêu bảo vệ Đạo pháp, bảo vệ công bằng và bình đẳng tôn giáo. Phong trào tranh đấu 1963 của Phật giáo ở Việt Nam là tinh thần đối kháng lại đường lối của nhà cầm quyền của những những giai tầng xã hội không loại trừ ai và tùy theo năng lực và trí tuệ hay sức khỏe của mình như rải truyền đơn, họp báo, kiến nghị,… Phật giáo tranh đấu với ý chí, niềm tin, với cái đúng, với chân lý không gì thay đổi của ngàn đời nay, cái xấu phải bị đẩy lùi thay vào đó là ánh sánh của bình minh cho dù cái xấu đang lấn át, vì thế không cần sử dụng bất kỳ vũ khí gì chống lại bộ máy của chính phủ và quân đội vũ trang.
Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 mang tầm lịch sử vô cùng to lớn, là một phong trào dân tộc dân chủ bao trùm từ Huế đến Sài Gòn nhằm phản đối Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954-1963) đòi tự do và bình đẳng tôn giáo; phản đối chế độ phản bội nhân dân gây hận thù và chia rẽ dân tộc thay vì thống nhất hai miền theo Hiệp định Gioneve, phi dân chủ thay vì dân chủ hóa xã hội miền Nam, nói rộng ra toàn diện là phi văn hóa của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tập hợp gần như không thiếu giai cấp, tầng lớp, tôn giáo nào. Đặc biệt có cả những thành phần xã hội tưởng chừng như đứng ngoài nhìn như: công chức, binh lính, trí thức và tín đồ Công giáo. Có cả tướng tá binh sĩ, chính khách, sinh viên, giảng viên và các nhà tư sản… Tất cả đều ủng hộ phong trào Phật giáo bằng mọi hình thức phù hợp, phương tiện. Phong trào diễn ra trong nhiều tháng bắt đầu từ 6-5 đến 1-11-1963 nhưng diễn ra nhiều đợt tranh đấu, làm rúng động toàn bộ xã hội bấy giờ, khuấy động cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân miền Nam. Phản kháng của họ là sự đối kháng bằng tinh thần của những con người có lương tri, dù số đông ấy không là Phật tử, là quần chúng tín đồ mà thôi, tay không chống lại vũ khí, bằng ý chí mạnh mẽ của giáo pháp vào cái đúng, cái chân chính, sự bình đẳng của thực tiễn cuộc sống và chân lý đã được chứng minh qua trải nghiệm. Từ nhận thức như vậy, những người con Phật đã sẵn lòng vị tha, từ bi, hành thiện để thuần phục cái bất thiện trong hành xử, không ngại hy sinh mất mát trước họng súng bạo tàn.
Cuộc vận động Phật giáo miền Nam 1963 cũng chỉ nhằm giữ gìn văn hóa, tín ngưỡng dân tộc hàng ngàn năm, chống xâm nhập văn hóa lai căng nước ngoài; gìn giữ sự hòa hợp của Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Với truyền thống ngàn năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo miền Nam thật xứng đáng với bản sắc văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy và gián tiếp cùng tham gia vào cuộc kháng chiến thống nhất hai miền Nam - Bắc, thể hiện rõ nét nhất là chư Tăng Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tham gia phong trào 1963.
III. VỀ VAI TRÒ
Ngay từ năm 1963 khi phong trào Phật giáo bùng nổ, sáng ngày 8-5-1963, chư Tăng Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam như Tỳ-khưu Hộ Nhẫn, Tỳ-khưu Pháp Quang, Tỳ-khưu Tịnh Sự… nhanh chóng tham gia phong trào, dự lễ Bồ-tát đản sinh được tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) và lễ công bố năm nguyện vọng sáng ngày 10-5-1963. Chư Tăng Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam cũng có mặt tham gia và ủng hộ bản Tuyên ngôn của Tổng hội Phật giáo.11 Trong đấu tranh của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đều nhiệt tình tham gia tất cả các hoạt động như ngày 15-5-1963, Tỳ-khưu Dũng Chí, đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam và cùng phái đoàn Phật giáo tại Sài Gòn hội kiến với Tổng thống Ngô Đình Diệm.12 Không dừng lại ở đó, ngày 16-5-1963, bản “Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10-5-1963” được công bố chính thức bởi đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam: Tỳ-khưu Bửu Chơn. Thậm chí trong hồi ký của ông Nguyễn Văn Hiểu, (Hội Trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam) viết: Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đứng lên lãnh đạo quần chúng chống lại sự đàn áp dã man của Ngô triều: “… Pháp nạn lan tràn tới Sài Gòn, Ủy Ban Liên Phái nói trên đổi lại thành ‘Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo’”.13 Chưa xong, Tỳ-khưu Pháp Tri sang Campuchia vận động Chính phủ, nhân dân và Phật giáo Campuchia ủng hộ phong trào tranh đấu đòi tự do tín ngưỡng của Tăng, Ni, Phật tử, Phật giáo Việt Nam. Trong các cuộc biểu tình tranh đấu, Tỳ-khưu Bửu Phương luôn tiên phong đi đầu, tay cầm cờ Phật giáo dẫn đầu đoàn gần 200 Tăng, Ni biểu tình trước tư dinh Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vào chiều ngày 16-7-1963.14 “Pháp nạn năm 1963, Phật giáo Nam tông Việt Nam đóng góp rất tích cực cho Đạo pháp”. Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo khi đánh giá về vai trò của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
Có thể nói Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã chung vai gánh vác trách nhiệm là vô cùng cần thiết, trong đó kiến tạo bảo tháp Thích Ca Phật Đài và thành lập Ủy ban liên phái tổ chức lễ khánh thành Thích Ca Phật Đài rồi đổi tên gọi thành Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.
Không có Thích Ca Phật Đài chắc chắn sẽ không có Ủy Ban Liên phái tổ chức lễ khánh thành Thích Ca Phật Đài và Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo liệu thành lập được dễ dàng không khi nền tảng của Ủy ban liên phái tổ chức lễ khánh thành Thích Ca Phật Đài đã có sự chuẩn bị sẵn? Câu trả lời cho hậu thế tỏ tường xin dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử!15 “Như vậy, ta có thể đưa ra khẳng định rằng Phật giáo đã làm tốt và trọn vẹn phận sự đối với tổ quốc và dân tộc...”.16 Trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã tỏ rõ là một tôn giáo nhập thế vừa sâu vừa rộng. Cuộc tranh đấu bảo vệ đạo pháp, bảo vệ Phật tử, quần chúng tín đồ của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, mặc nhiên trở thành một bộ phận độc lập tham gia phong trào dân tộc dân chủ cùng với các phong trào yêu nước khác và không bị phụ thuộc vào bất kỳ ai như phong trào sinh viên - học sinh, phong trào nông dân, phong trào công nhân một cách tích cực. Cuộc đấu tranh của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã góp phần đoàn kết các đoàn thể yêu hòa bình, hiển lộ tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của toàn thể Phật tử, sinh viên - học sinh, các giai tầng xã hội cùng một lòng một dạ tranh đấu.
Phong trào Phật giáo 1963 đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân từ Huế đến Sài Gòn, là bộ phận, một phần của cục diện chính trị miền Nam nhưng khác với giai cấp công nông, không phất cao ngọn cờ dân tộc lãnh đạo chống đế quốc và chiến tranh thực dân mới, nhưng chắc chắn góp phần thuận lợi cho phong trào giải phóng miền Nam thống nhất hai miền Tổ quốc. Đây chính là phong trào nhập thế xưa nay kể từ khi du nhập Việt Nam, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng không những tồn tại mà còn hòa nhập vào cuộc sống của người Việt, đồng hành cùng dân tộc, vì tự do tôn giáo và công bằng xã hội. Xu hướng nhập thế của Phật giáo Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau thì khác nhau vì văn hóa, tôn giáo của một tộc người đóng một vai trò quyết định trong giai đoạn lịch sử đó và là một trong nhiều nhân tố góp phần tạo nên tính đa dạng và phong phú về văn hóa tôn giáo của một tộc người nhất định, mà không phải là hoàn toàn trong đó Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng là một bộ phận.
Như vậy, về vai trò của mình, Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã được minh chứng trong thực tiễn lịch sử dân tộc góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, khẳng định vai trò của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc là bảo vệ Tổ quốc và cùng với các hệ phái Phật giáo khác xây dựng Phật giáo Việt Nam tốt đời đẹp Đạo.
Những vai trò tích cực của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam kể từ khi du nhập Việt Nam 1938 đến 1963 là không thể nghĩ bàn và phủ nhận. Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam vẫn là lực lượng có vai trò cần thiết trong chăm lo đời sống tâm linh cho đồng bào, quần chúng tín đồ, Phật tử, bảo vệ quyền tín ngưỡng và Đạo pháp. Chính sự cần thiết về tâm linh và xã hội, Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã cùng với Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện điều dường như không thể, làm các triều đại tay sai bất ổn nội bộ và phải thay ngựa giữa dòng, góp phần trong phong trào yêu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đóng vai trò thiết yếu về vấn đề cùng tranh đấu và thống nhất Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn Phật giáo năm 1963. Một Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo thành lập, Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thể hiện sự thống nhất với Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đã được minh chứng qua phong trào 1963, không phải là vấn đề hình thức mà là bản chất đồng lòng cùng chung tay gánh vác.
Vì lẽ đó, chúng ta nên có cái nhìn nghiêm túc, khách quan, sáng suốt, chính xác và toàn diện hơn về Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam để tìm ra giải pháp thỏa đáng về vấn đề mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc, vấn đề mối liên hệ giữa Thánh tích Thích Ca Phật Đài và Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, tránh những đánh giá sai lầm, lệch lạc, không toàn diện, không khách quan, phát huy những yếu tố tích cực và triệt tiêu những cái nhìn tiêu cực do giấu giếm che đậy, không đủ thông tin về vai trò cực kỳ quan trọng và cần thiết của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam trong Pháp nạn năm 1963. Chư Tăng Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam vẫn một lòng từ, bi, hỷ, xả, truyền bá Chánh pháp Thích Ca dù trong xã hội phồn vinh thế nào thì vấn đề tâm linh vẫn là cần thiết với họ, nhà chùa vẫn là ngôi trường, mái nhà văn hóa, trong cộng đồng các tộc người cùng sinh sống. Các nhà sư vẫn luôn được tôn kính bởi đức hạnh bởi còn là người thầy giáo dục truyền thống, văn hóa Phật giáo cho thế hệ trẻ kế thừa. Họ tích cực các hoạt động từ thiện xã hội, làm sứ giả hòa bình. Họ mãi mãi vẫn xứng đáng là Sa-môn đáng kính, ngưỡng mộ, Đạo pháp và Dân tộc cùng phát triển.
IV. Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã “đồng hành cùng dân tộc” góp thêm “tiếng nói trọng lượng” cho ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam thêm khởi sắc và phong phú. Phong trào minh chứng truyền thống tranh đấu hàng ngàn năm của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong tinh thần đấu tranh của dân tộc; phong trào góp phần quan trọng trong ngọn cờ tranh đấu chống chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm, mở ra thêm cơ hội, điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển; phong trào tạo tiền đề trực tiếp cho sự thống nhất 13 đoàn thể Phật giáo miền Nam. Phong trào đã quy tụ được hầu hết các tổ chức, các đoàn thể Phật giáo, trong đó Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam là một thành phần cùng nhiều tầng lớp xã hội dù không cùng màu da, chính kiến, quốc tịch và giới tính vào cùng một tổ chức tranh đấu vì sự bình đẳng xã hội. Tăng, Ni, Phật tử là lực lượng chủ chốt cùng thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia tích cực, có mặt ở mọi thời điểm khó khăn nhất của phong trào, như cuộc tổng bãi khóa của sinh viên Huế (17- 8-1963); rồi đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, trong “Kế hoạch nước lũ” cùng với Tăng, Ni, Phật tử xuống đường rầm rộ của sinh viên và học sinh Sài Gòn, chống trả quyết liệt lực lượng Ngô Đình Diệm tấn công đồng loạt các tự viện. Sĩ quan, binh sĩ tuy không biểu lộ chống Diệm rõ rệt, nhưng từ đầu họ đã đứng về phía Phật giáo, nhiều sĩ quan đều bằng nhiều cách như công khai hoặc bí mật ủng hộ phong trào tranh đấu của Phật giáo chống đối chính phủ. Có cả hàng giáo phẩm, giáo dân Công giáo cấp tiến lên tiếng công kích chế độ Ngô Đình Diệm, thể hiện sự ủng hộ phong trào, như Linh mục Lê Quang Oánh cùng 9 linh mục và giáo dân gởi “Huyết lệ thư” cho giới lãnh đạo Phật giáo (12-5-1963) lên án chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trên bình diện quốc tế đã vạch trần sự bạo ngược tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Khắp thế giới, từ các cơ quan thông tấn, báo chí, các tổ chức và đoàn thể tôn giáo, nhiều quốc gia và cả Liên Hiệp Quốc, đều chia sẻ sự mất mát của Phật giáo miền Nam. Ngay cả Mỹ, từ người dân bình thường cho đến người đứng đầu Nhà Trắng đều lên tiếng công kích và cuối cùng phải “bật đèn xanh” cho nhóm đảo chính lật đổ Diệm - Nhu.
Sự ủng hộ của các quốc gia Phật giáo và cộng đồng quốc tế đã tạo thêm sự hoan hỷ và phấn khởi giúp cho phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đi đến thắng lợi, mặc cho chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố, trấn áp quyết liệt. Lần đầu tiên trong lịch sử “đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo”, ý nghĩa thực tiễn của phương pháp “bất bạo động” đã được khẳng định và thể hiện. Đối với Phật giáo từ, bi, hỷ, xả là đem lại cho chúng sinh sự yên ổn về tâm hồn, nhưng từ bi của Phật giáo là không nên tạo oan trái với nhau nhưng phải biết bảo vệ lấy mình chống lại bạo tàn nhân danh tôn giáo và tôn thờ tôn giáo cực đoan. Đó là ý nghĩa của “bất bạo động”. “Bất bạo động” là “không hợp tác” được thị hiện qua hình thức bãi công không đi làm, bãi thị không họp chợ, bãi khóa không học hành, công chức từ chối mọi chức vụ, không làm việc, nông dân không nộp thuế, tẩy chay hàng hóa, quần chúng nhân dân biểu tình không mang vũ khí… hình thức tự thiêu gây chấn động toàn cầu. Sức mạnh “bất bạo động” trong phong trào Phật giáo 1963, là sức mạnh làm rung chuyển, sụp đổ cả một chế độ, bài học nhân quả cho thế gian đầy bạo lực được nhìn thấy nhãn tiền.
Dù cho chính quyền Ngô Đình Diệm vừa tiến hành những cuộc tra tấn, đánh đập, giết hại dã man; vừa kết hợp với mọi thủ đoạn gian manh để trả lời những đòi hỏi hợp lý, hòa bình, “bất bạo động” của Tăng, Ni, Phật tử; song từ đầu đến cuối phong trào, giới lãnh đạo Phật giáo trước sau vẫn tuân thủ chủ trương như đã vạch ra. Điều này không chỉ thể hiện ở nội dung của những văn bản tuyên ngôn, nghiêm lệnh, thông bạch, kiến nghị, thông cáo..., cao hơn nữa là bằng chính hành động cụ thể của Tăng, Ni, Phật tử miền Nam, nổi bật là 7 cuộc tự thiêu, từ cuộc tự thiêu Thích Quảng Đức (11-6-1963) đến cuộc tự thiêu của Thích Thiện Mỹ (27-10- 1963).
Trên thực tế, “bất bạo động” trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đã làm kinh động lòng dân sâu sắc và rộng lớn kể cả những người không theo đạo Phật, đã trở thành một niềm tin, một ý chí sắt đá hướng quần chúng, tín đồ cùng tham gia đấu tranh. Chọn “bất bạo động” làm đường lối cho cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền Ngô Đình Diệm, Tăng, Ni và Phật tử miền Nam biết trước, chấp nhận sự hy sinh sống còn và họ tin tưởng sự chia sẻ ấy sẽ làm lay động lòng người về chính sách kỳ thị.
Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đóng góp to lớn cho sự thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam (1954- 1975) về cả chính trị và quân sự. Về chính trị, trong 9 năm thống trị miền Nam, tay chân họ Ngô bằng mọi phương tiện hết lời ca ngợi Ngô Đình Diệm, nào “anh minh”, “chí sĩ”; rồi những 13 hội đoàn người với những đầu trọc, tay không quyết đương đầu với bạo lực; rồi những nhà sư tự nguyện hy sinh thân mình ngồi yên trong lửa đỏ,...; “Chủ nghĩa Nhân vị”, “Cần Lao”, “Cộng đồng, đồng tiến”, ... của chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị lộ mặt thật của chính nó. Nhân dân ở các đô thị miền Nam nhận thức rõ bản chất phản bội dân tộc, không chính nghĩa của gia đình nhà Ngô, đồng thời sáng tỏ về tính chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kết quả cuộc vận động phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đã phá bỏ, cứu nguy cho Phật giáo khổ nạn 9 năm tròng vào cổ nhân dân miền Nam Việt Nam dưới chế độ độc tài giáo trị Ngô Đình Diệm. Phong trào 1963 được xuất phát từ thiền môn thanh tịnh và vượt qua giới hạn Đời - Đạo nhập vào phong trào yêu nước, thu hút gần như mọi giai tầng xã hội nhập cuộc bất đắc dĩ, được dư luận thế giới đồng tình tạo nên sức ép khủng khiếp đẩy triều đại Ngô Đình Diệm phải đặt dấu chấm hết. Từ xưa đến nay trong lịch sử vận động Phật giáo Việt Nam, đường lối “bất bạo động” được giới lãnh đạo Phật giáo chọn để đấu tranh nhằm lấy từ bi đối trị hận thù nên không đáp trả kẻ đánh mình, đem chính thân tứ đại và rải tâm từ với kẻ tấn công mình để cho kẻ ấy phải tự hổ thẹn với lương tâm và từ bỏ hành vi bạo tàn ấy. Chính đường lối “bất bạo động” đã làm cho chế độ giáo trị, độc tài Ngô Đình Diệm bị đánh đổ gián tiếp từ chính bàn tay của Phật giáo.
Lịch sử thế giới và lịch sử Phật giáo thế giới nói chung đã phải bất đắc dĩ ghi thêm trang sử dòng sự kiện - văn hóa ảnh hưởng toàn cầu sự kiện - văn hóa về cuộc Pháp nạn và vận động của Phật giáo Việt Nam 1963. Riêng Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng từ sau thế kỷ II, sau Tây lịch Phật giáo du nhập Việt Nam trải qua các triều đại Đinh Lê - Lý - Trần… đến năm 1963, cửa thiền thanh tịnh của Phật giáo đã không còn khép mình sau cánh cửa ấy nữa. Thế giới đã ghi nhận, Phật giáo Việt Nam đã có tiếng vang rộng toàn cầu. Riêng với quốc gia dân tộc, cuộc vận động 1963 đã gián tiếp đóng góp phần nào sự thất bại của chính sách ý thức hệ toàn cầu của Mỹ áp đặt tại Việt Nam, tạo thêm đà thuận lợi cho cách mạng Việt Nam thắng lợi Xuân 1975. Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, chính trường và chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi rõ rệt minh chứng cho nhận định này là hoàn toàn đúng. Do vậy, năm 1963, sử thi đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam và lịch sử Phật giáo nói riêng đã ghi đậm nét trong trang sử của mình là điều dễ hiểu, không có gì ngạc nhiên, suy nghĩ hay băn khoăn.
Ý nghĩa phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đã được viết vào Giáo trình Lịch sử Việt Nam (1954-1975) ở bậc đại học và cao đẳng, giảng dạy chuyên đề ở nhiều trường đại học trong nước.
V. VỀ ĐẶC ĐIỂM
Đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam không kém phần quan trọng, đặc biệt phương thức hoằng dương chánh pháp mang tính “khế lý, khế cơ” linh hoạt trước chính sách kỳ thị Phật giáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963). Năm 1961, không khó để chúng ta nhìn thấy Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam chủ trương xây dựng Thích Ca Phật Đài tại Núi Lớn Vũng Tàu đâu phải chỉ để mang tính tín ngưỡng, tôn giáo mà còn nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất 13 đoàn thể Phật giáo Việt Nam, đồng thời tranh đấu kiềm chế sự lấn át bạo ngược, đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm thể hiện sự tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo.
Khi phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 bùng nổ, chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã tham gia ngay từ đầu. Ở Huế, sáng ngày 7-5-1963, Tỳ-khưu Hộ Nhẫn, đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam hội kiến với viên tỉnh trưởng, cố vấn Ngô Đình Cẩn. Từ Huế, Đà Nẵng, đến Sài Gòn đều không thiếu sự có mặt của chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam như Tỳ-khưu Pháp Tri, Tỳ-khưu Hộ Giác,... Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo luôn có đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam thường trực. Ngày 16-6-1963, ký kết Thông Cáo chung với Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) họ cũng có mặt. Ngay cả khi Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) thực hiện “Kế hoạch nước lũ” (đêm 20 rạng ngày 21-8-1963), chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tại Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng đều cùng bị bắt đưa vào trại giam.17 Ngày 1-11- 1963, khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Đại hội thống nhất Phật giáo tổ chức tại chùa Xá Lợi từ ngày 31- 12-1963 đến ngày 4-1-1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời trong bối cảnh này, cơ cấu đội ngũ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều bố trí chư Tăng Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam ở vị trí như chúng ta thấy như Hòa thượng Tối Thắng…
Như vậy, nhìn qua vài nét tiêu biểu về đặc điểm, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã tỏ rõ vai trò, vị trí đóng góp vô cùng cần thiết và quan trọng trong xã hội và trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Những đặc điểm của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam khẳng định được chính mình, minh chứng được bản lĩnh tay chèo trong cơn sóng cả tưởng chừng như không thể trước tà kiến và họng súng bạo tàn. Lịch sử đã minh chứng bằng một Ủy ban Liên phái khánh thành Thích Ca Phật Đài (9,10-3-1963), sau đó, ngày 4-6-1963, đổi tên thành Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cho phù hợp với tình hình tranh đấu mới. Ngày 4-1-1964, một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập từ hai truyền thống mạnh nhất: Nam tông và Bắc tông.
Những đặc điểm của Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã hòa vào xã hội Việt Nam và trở thành một phần, không thể thiếu trong nền văn hóa Việt Nam. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam luôn hướng tín đồ nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà,… Ứng xử nhau bằng cái tâm từ, bi, hỷ, xả trong cõi Ta-bà này dù cho quá khứ, hiện tại và tương lai thế nào. Theravāda - Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam luôn đồng hành bền chặt và không dễ gì có thể tách rời với nền văn hóa, với nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân Việt Nam.
Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam bất đắc dĩ tranh đấu bất bạo động chống chính sách bạo ngược là nhằm làm sao cho dân bớt đọa đầy khổ ải bởi thế lực tà kiến. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã đồng hành cùng tất cả những ai có cùng ý chí, tỏ rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với Dân tộc và Đạo pháp. Dung hòa giữa các tông phái, đoàn thể, giữa tín ngưỡng bản địa và ngoại lai, mọi bất đồng về giáo lý, về đường lối hành trì đều tự nó vận động, cùng nhau một ý chí và hành động tranh đấu trên cơ sở bất bạo động, đòi công bằng, tự do tín ngưỡng.18
KẾT LUẬN
Cuộc tranh đấu của Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963 là sự đấu tranh của chư Tăng, Ni, Phật tử trên khắp nước từ Huế trở vào Nam, cần nhấn mạnh về sự đóng góp của Phật giáo Tăng già Nguyên thủy cho nền Phật giáo nước nhà để tồn tại đến nay đã phải hy sinh và tranh đấu đến cùng vì chính nghĩa và làm thức tỉnh toàn thế giới về sự hy sinh của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam. Sự đàn áp Phật giáo dưới thời Ngô Đình Diệm không chỉ tạo nên một đội ngũ hùng mạnh tranh đấu trong hàng ngũ Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam mà cũng khiến toàn bộ dân tộc không phải là tín đồ Phật giáo cũng thức tỉnh và đặc biệt quan tâm về giá trị cao cả của Phật pháp nhất là sự hy sinh của Tỳ-kheo Thích Quảng Đức đã làm chấn động toàn nhân loại bởi từ bi trí tuệ của Phật giáo, để chứng minh được Phật giáo là một tôn giáo vượt thời gian và không gian về sự hy sinh của chư Tăng, Ni vì đạo pháp và không màng đến sự sống còn của bản thân mà vì Phật giáo miền Nam Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử Phật giáo vẫn trở thành tôn giáo phổ biến tại Việt Nam. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo đã đem lại những đóng góp quan trọng cho văn hóa dân tộc, kinh tế - chính trị, giáo dục,… trong tiến trình lịch sử của Việt Nam. Trong xu thế phát triển từ mốc lịch sử này cho đến nay người Việt Nam ngày càng tìm hiểu sâu về điểm tựa tinh thần của Phật giáo cho người dân Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai Giảng viên Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Hùng Giáo viên trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP. Hồ Chí Minh. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM ***CHÚ THÍCH
1 Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam 1938-1963, Nxb Hồng Đức, tr. 99. 2 Thiện Hậu (2017), Sđd, tr. 100. 3 Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 81. 4 Lê Cung (2008), “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”, Nxb Thuận Hóa, Huế. 5 Lê Cung (2008), “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”, Nxb Thuận Hóa, Huế). 6 Sđd. 7 Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ I Cộng Hòa - 22430 8 Lê Cung (2008), “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”, Nxb Thuận Hóa, Huế). 9 Thiện Hậu (2017), Sđd. 10 Thiện Hậu (2017), Sđd. 11 Lan Đình, Phương Anh (1963), Lửa thiên đạo màu, Tác giả xuất bản, Sài Gòn. 12 Phỏng vấn sư Dũng Chí tại nhà riêng, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. 13 Nguyễn Văn Hiểu (1979), Tiểu sử cố Hội trưởng Tổng hội cư sĩ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, bản viết tay, phổ biến nội bộ. 14 Nam Thanh (1964), Cuộc đấu tranh Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa đạo, Sài Gòn, tr. 30. 15 Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam 1938-1963, Nxb Hồng Đức. 16 Nguyễn Quốc Tuấn (2006), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Bách Khoa Hà Nội, tr. 252. 17 Phỏng vấn sư Dũng Chí tại nhà riêng, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. 18 Thiện Hậu (2017), Sđd, tr. 161. TÀI LIỆU THAM KHẢOThích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 81. Lê Cung (2008), “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”, Nxb Thuận Hóa, Huế. Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam 1938-1963, Nxb Hồng Đức, tr 161 Lan Đình, Phương Anh (1963), Lửa thiên đạo màu, Tác giả xuất bản, Sài Gòn. Nguyễn Văn Hiểu (1979), Tiểu sử cố Hội trưởng Tổng hội cư sĩ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, bản viết tay, phổ biến nội bộ. Nam Thanh (1964), Cuộc đấu tranh Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa đạo, Sài Gòn, tr. 30. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo, tập I, Viện Hóa đạo xuất bản, Sài Gòn, tr. 64. Nguyễn Quốc Tuấn (2006), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Bách Khoa Hà Nội, tr. 252. http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_ l ibrar y/ get_ f i l e? uuid= cc 062767 - 3 cf 7 - 43 d 9 - 9953 - 4d205f2d7d48&groupId=13025. Truy xuất 1-7-2021. https://tuoitre.vn/co-thoi-ky-thit-heo-bi-cam-ban-20190616144428734.htm. Truy xuất 16-6-2019. https://gocnhin24h.com/anh-huong-chinh-tri-ton-giao-doi-voi- nen-giao-duc-viet-nam-cong-hoa/. Truy xuất 7-9-2019.
Bình luận (0)