Trang chủ Chuyên đề Giải pháp phát huy giá trị di sản Sơn môn Liên Phái trong thời đại hiện nay

Giải pháp phát huy giá trị di sản Sơn môn Liên Phái trong thời đại hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Võ Quang Vinh
Phòng An ninh Nội địa, Công an Tỉnh Quảng Nam

Sơn môn Liên Phái (dòng Hoa Sen), một trong những Thiền phái của Phật giáo nước ta và xuất hiện từ cuối thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Dòng phái do Thượng sĩ Cứu Sinh, tức Như Trừng Lân Giác, tên chữ Trịnh Thập, sinh năm 1696 sáng lập. Với gần 300 năm hình thành và phát triển, Sơn môn Liên Phái đã để lại những di sản to lớn cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Trong thời đại hiện nay, để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị di sản Sơn môn Liên Phái thì cần có một số chiến lược như: thứ nhất là bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc liên quan để giữ nguyên giá trị lịch sử – văn hóa của di tích; thứ hai tổ chức các hoạt động như lễ hội, tu học, và chương trình giáo dục để gìn giữ và phát triển giá trị của môn phái; thứ ba là tổ chức các hoạt động giới thiệu về môn phái Phật giáo để nâng cao nhận thức và khơi dậy tình yêu đối với Phật giáo; thứ tư là tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, phát triển di sản và hỗ trợ các hoạt động khác của Sơn môn Liên Phái; Và thứ năm là việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc số hóa và ứng dụng nền tảng số trong việc quảng bá giá trị di sản Sơn môn Liên Phái trong nước và trên thế giới.

1. Các giá trị di sản Sơn môn Liên Phái

1.1. Giá trị thể hiện trong giáo lý và đạo đức Phật giáo

Đây là giá trị của đạo Phật trên toàn thế giới nói chung và của Sơn môn Liên Phái nói riêng. Văn hóa Phật giáo là nền văn hóa giàu tính nhân văn, bác ái, vị tha và hướng thiện. Lý tưởng của Phật giáo là giúp con người thoát khổ, giáo dục tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người và môi trường thiên nhiên. Đạo đức Phật giáo thể hiện ở mục tiêu muốn đưa lại hạnh phúc và an lạc cho nhân sinh. Nguyên tắc đạo đức mà đức Phật dạy cho chúng sinh là phải tự lực phấn đấu, đề cao lòng từ bi, vô ngã – vị tha, làm điều thiện, ngừa điều ác. Bản chất của đạo đức Phật giáo thể hiện qua hành vi gương mẫu của Phật tử. Phật giáo luôn khuyến khích chúng sinh “tự độ độ tha, tự giác giác tha”, không phân biệt giữa ngã nhân (ta) và tha nhân (người khác)[1]. Đây là những giá trị to lớn để đạo Phật phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới trong hơn hai ngàn năm qua.

Hòa thượng Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược cho biết: Sơn môn Liên Phái (Thiền phái Liên tông) được hình thành khoảng đời vào khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705), ở miền Bắc có phái gọi là phái Liên Tông, do một vị vương công họ Trịnh là Lân Giác thiền sư lập ra chùa Liên Phái (Bạch Mai, Hà Nội)[2].

Đến giữa thế kỉ XIX, phái Liên Tông đã phát triển rộng khắp Bắc Hà với các chùa Liên Phái (Hà Nội), Hộ Quốc, Hàm Long, Sùng Phúc (Cao Bằng), Nghiêm Xá, Thiên Quang, Phúc Ân, Vân Trai. Các thiền sư của tông phái cũng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam giai đoạn này như thiền sư Chiếu Khoan – Tường Quang, Phổ Tịnh – Từ Tánh, thiền sư Thông Vinh, thiền sư Phúc Điền…[3]

Đối với Liên Phái, ngoài những kinh sách, giáo lý truyền thống của Đạo Phật, Mùa Hạ năm Mậu Thân (1728), Hòa thượng Trịnh Thập phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì[4]. Tại chùa Hàm Long sau khi sư tổ viên tịch đã để lại 2 ngọn tháp, ngọn tháp xây bằng gạch chứa xá lợi, còn ngọn tháp bằng đá cao nhất gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh), có chứa công phu tu tập cả đời của ngài. Theo đó lúc sinh thời, sư tổ thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết đột ngột và xảy ra liên tiếp trong những gia đình, dòng tộc; mà nay chúng ta vẫn thường gọi là “trùng tang”, ngài đã tạo ra kinh “thập nguyện” và bộ ván in khắc phù giải nhằm giúp cho các vong hồn được siêu thoát.

Chính bởi những bí mật cũng như những bài kinh của các vị sư tổ ở chùa Hàm Long nên theo khuyên nhủ của các bậc cao niên thì khi nhà có nhiều người “chết trùng” hoặc có người chết vào giờ xấu, người nhà ngay lập tức phải gửi “vong” lên chùa. Nếu theo tính toán mà “trùng nhẹ” thì có thể gửi “vong” lên bất cứ ngôi chùa nào, còn nếu “trùng nặng” thì buộc phải gửi “vong” lên chùa Hàm Long để được các vị Hòa thượng cao tay tụng kinh niệm phật giúp “vong” được siêu thoát.

1.2. Giá trị từ không gian văn hóa, cảnh quan và kiến trúc các ngôi chùa cổ của giáo phái

Từ nhiều thế kỷ trước, cùng với quá trình truyền giáo thì các ngôi chùa cũng lần lượt được xây dựng và chiếm giữ một vai trò, vị trí quan trọng không thể thay thế trong đời sống văn hóa xã hội của người dân địa phương. Ngôi chùa không thuần túy là một cơ sở thờ tự Phật, Bồ tát, nơi để tín hữu tu trì thực hành giáo lí nhà Phật, mà còn là nơi để gửi gắm biết bao ước nguyện về tài lộc, sức khỏe, sự an vui…; là nơi dân làng muốn nương tựa sức mạnh siêu trần để giải quyết các vấn đề rất đời thường nơi trần thế. Sơn môn Liên phái trong quá trình thực hành Phật pháp đã xây dựng và để lại cho hậu thế nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quan trọng, di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia hiện nay như chùa Liên Phái, chùa Hàm Long,…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Mot Vai De Xuat Bao Ton Phat Huy Gia Tri Di San Son Mon Lien Phai 2

Tam bảo chùa Liên Phái. Ảnh: St

Chùa Liên Phái là số ít các chùa tại Hà Nội còn giữ nguyên được dáng cổ. Chùa xây năm 1726, là tổ đình của Thiền phái Liên Tông (dòng hoa sen) – một trong những phái thiền của Phật giáo bản địa Việt Nam – xuất hiện cuối thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Theo tấm bia ở đây, chùa được xây dựng thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) có tên là Liên Hoa, đến năm 1733, đổi tên là Liên Tông. Năm 1841, vì phải kiêng tên Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Thiệu Trị nên chùa mang tên Liên Phái.

Chùa còn lưu giữ được tòa Tam quan duy nhất của miền Bắc theo kiểu “Tam sơn – Tứ trụ”. Kiến trúc nghệ thuật ngôi chùa nằm trong nền nghệ thuật hoàn chỉnh thời Lê Trịnh, phản ánh quá trình lịch sử nghệ thuật dân tộc.

Chùa chính có hình chữ “đinh”, phía trước có một nếp nhà ngang nằm song song, nối với tiền đường bằng hệ thống vì kèo “Vỏ cua”. Loại kết cấu này thường thấy trong kiến trúc truyền thống ở các tỉnh phương Nam và một số kiến trúc muộn ở Bắc Bộ. Tòa tiền đường có năm gian, bộ khung nhà bằng gỗ với sáu vì kèo đỡ mái, được làm theo kiểu “chồng rường” và kiểu “quá giang cột trốn”. Trên các kiến trúc gỗ, ở đầu các thanh rường, quá giang có các hoa văn thực vật được chạm nổi, tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát nơi cửa thiền. Thượng điện nối với gian giữa tiền đường bằng một nếp nhà dọc ba gian. Các bộ vì kèo ở đây có kết cấu tương tự như ở tiền đường, các cột cái được kê trên chân tảng đá xanh hình trụ tròn.

Trang trí trên các kiến trúc chủ yếu là các đề tài tứ linh và tứ quý. Nét nổi bật ở chùa chính là những cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Cửa võng được bài trí từ gian giữa tiền đường đến tận vì hậu của thượng điện. Những nghệ nhân ngày xưa đã chạm trổ các cửa võng rất công phu, tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng với các đề tài tứ linh, đan xen hoa lá mang tính nghệ thuật cao.

Phía sau nhà Tổ có một nền đất cao là vườn tháp. Theo bản vẽ của một người Pháp tên là Louis Bracier thì trước đây ở quanh chùa Liên Phái có 30 ngọn tháp, đến nay chỉ còn 7 ngọn tháp xếp thành hai hàng. Đáng chú ý nhất là tòa Cửu phẩm ở trước chùa. Đó là một ngọn tháp tương đối lớn, có đường nét chạm trổ khá mạnh mẽ. Tòa Cửu phẩm này là kiến trúc quý hiếm vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Sau chùa có một ngọn tháp bằng đá xanh cao 5 tầng, hình tứ giác. Đây là tháp của Tổ Cứu Sinh. Trên cùng có bầu nước cam lộ, dưới có diềm cánh sen nhọn. Viền chân tháp là hình hoa sen, chạm nổi, cánh hoa to, nhọn, thân cánh sen hai lớp, giữa có hoa văn xoắn hình đao lửa, đó là đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê ở nước ta. Trong lòng tháp có bài vị của Tổ Cứu Sinh, trên trần viền khối hình bát quái, bao quanh vòng tròn âm dương. Ở chân tháp tầng một có hình lân chầu, hoa sen nở xen kẽ lá lật ở ô phía trước. Hai bên tháp cũng chạm lân chầu và xen kẽ lá lật rất mềm mại.

Tấm bia Gia phả ký hiện còn lưu giữ ở chùa cho biết: Thượng sĩ Cứu Sinh tên thật là Trịnh Thập, là vị sư tổ nơi đây được triều Lê phong làm hòa thượng. Trịnh Thập là em ruột của chúa Trịnh Cương (1709 – 1729), năm 1696 kết hôn với công chúa thứ tư của vua Lê Hy Tông (1675 – 1705). Ông là người sùng đạo Phật, có một khu nhà và đất rộng tới 6 mẫu 2 sào ở phường Hồng Mai (sau đổi là Bạch Mai), huyện Thọ Xương. Khi người nhà ông đào đất ở chân gò cao trong vườn để làm bể nuôi cá vàng, ông thấy một ngó sen to. Cho đó là điềm xuất gia nên ông cho dựng một tòa nhà gọi là Ly trần viện (viện tách rời bụi bặm) làm nơi học đạo Phật và xây cạnh đó một ngôi chùa lấy tên là Liên Tông. Ít lâu sau, ông dâng sớ xin đi tu. Được vua đồng ý, ông đến Yên Tử (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) làm học trò của sư Chân Nguyên. Học xong, ông trở về trụ trì ở chùa Liên Tông và là tổ thứ nhất phái thiền Liên Tông.

Trong chùa Liên Phái, bên cạnh các tượng Phật còn có tượng Nguyễn Đăng Giai, một danh thần triều Nguyễn quê ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong một gia đình quí tộc, ông là con trai Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân, là bố của tiến sỹ Nguyễn Đăng Hoành. Năm 1825, Nguyễn Đăng Giai đỗ cử nhân, rồi làm quan, từng giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Bắc Ninh), Thượng thư bộ Hình, Kinh lược sứ Bắc Kỳ,… Ở chức vụ nào, ông cũng hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang, được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức hết lời khen ngợi. Năm 1854, khi là Kinh lược sứ Bắc Kỳ, giặc Tống sang quấy nhiễu, cướp bóc ở Cao Bằng, ông chỉ huy quân sĩ đánh dẹp. Đang ở trận địa, ông bị bệnh phải về Hà Nội điều trị, rồi mất vào mùa thu năm ấy. Trước đó, từ năm 1842 đến 1848, Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đã bỏ tiền của và quyên thêm tiền thập phương xây chùa Báo Ân gồm 36 tòa nhà, 108 gian, nhiều tháp, cầu đá, hồ sen. Năm 1882 trong chiến dịch đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, giặc Pháp biến chùa thành cơ sở hậu cần, bọn sĩ quan, binh lính hủy hoại điện thờ, cướp tượng Phật. Năm 1889, chính quyền Pháp triệt phá chùa, lấy đất xây nhà Bưu điện và dinh thống sứ Bắc Kỳ (nhà khách Chính phủ bây giờ). Dấu tích của chùa Báo Ân còn lại là tháp Hòa Phong đứng bên hồ Hoàn Kiếm. Sau khi không còn chùa, tượng Nguyễn Đăng Giai được đưa về chùa Liên Phái, thờ trong nhà Tổ. Chùa Liên Phái là một công trình tôn giáo có giá trị về kiến trúc, điêu khắc, lịch sử Phật giáo. Vì thế chùa đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên, từ năm 1962. Ngôi chùa quý giá này xứng đáng được bảo tồn cho hôm nay và mai sau.

Đánh giá được giá trị to lớn của chùa, năm 1962, chùa Liên Phái là 1 trong 12 di tích đầu tiên trên cả nước được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Chùa Hàm Long: Theo một số bảng giới thiệu tại chùa hiện nay thì chùa được khởi lập năm 1158 bởi Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không dưới triều vua Lý Anh Tông. Thời phong kiến chùa nằm ở xã Lãm Sơn Dương, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đến đầu thế kỷ XVIII thời Lê Trung Hưng, xuất hiện vị Trịnh Hòa thượng là con trai của Tấn Quang vương Trịnh Bính đến tu hành tại chùa, ngài có thế danh là Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng tự Lân Giác hiệu là Cứu Sinh, ngài là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên ở núi Yên Tử. Vốn dĩ ngài là em trai của chúa Trịnh Cương và là phò mã của Thái thượng hoàng Lê Hy Tông. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa Thiền. Sau đó ngài xin triều đình cho thoát tục xuất gia, chuyển tư dinh ở huyện Thọ Xương thành chùa Liên Tông để tu hành (tức là chùa Liên Phái hiện nay. Sau đó ngài cũng đến tu hành tại chùa Hàm Long, trong giai đoạn này chùa được trùng tu xây dựng quy mô lớn với nhiều công trình: tiền đường, tam bảo, tổ đường (nhà tổ), nhà tăng, vườn tháp,… Sinh thời, ngài sáng lập ra chi phái Liên Tông thuộc phái Thiền Trúc Lâm. Trước khi viên tịch, ngài chỉ định Thiền sư Tính Ngạn làm trụ trì chùa Hàm Long. Sau khi niết bàn (viên tịch) thì Thiền sư Như Trừng Lân Giác là vị Tổ sư thứ nhất trong số 18 vị tổ sư của chi phái Liên Tông được thờ tại chùa.

Tháng 2 năm 1928 (niên hiệu Bảo Đại năm thứ 2), chùa được trùng tu với công sức đóng góp của tăng ni, phật tử đến từ 21 tỉnh trong cả nước. Điều này được ghi lại trong văn bia “Trùng tu Long Hạm tự bi” dựng vào ngày tốt tháng trọng xuân (仲春) tức tháng 2 năm Mậu Thìn.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một số tượng Phật cổ và 14 tháp mộ cổ từ thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Trong đó có bốn pho tượng bằng đồng đặc sắc về cả thủ pháp nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng: tượng đức Phật Thích Ca cao 2,10 m; tượng A-nan và Ca-diếp cao 1,86 m (2 người trong số Thập đại đệ tử nổi tiếng của đức Phật); tượng Hoàng hậu Maya cao 1,58 m (mẹ của đức Phật). Các pho tượng đều được đúc đồng tại địa phương, mang thần thái rất ung dung tự tại, khiến cho mọi du khách đều cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản mỗi khi thăm viếng cảnh chùa[5].

Ngoài ra, một số cặp câu đối còn lưu giữ tại chùa có thể phản ánh tâm thức Phật giáo của người dân vùng Bắc Ninh và phần nào hiểu được hành trình lịch sử mà chùa đã trải qua.

Nhìn từ góc độ mỹ thuật Phật giáo, ngôi chùa như một bảo tàng nghệ thuật từ kiến trúc chung tổng thể, cảnh quan đến những tác phẩm điêu khắc được sắp xếp trật tự trên chính điện. Theo đó, đứng trước Phật điện, mọi tính đồ vừa có thể chiêm bái, vừa được tiếp thu nhiều tri thức về đạo Phật.

Chùa được xây dựng ở không gian thoáng đãng, rộng rãi, hài hòa với môi trường xung quanh. Từ đó, tạo nên môi trường thuận lợi cho du khách vãn cảnh chùa hay tổ chức các hoạt động từ thiện, hoạt động trải nghiệm trong khuôn viên chùa.

1.3. Giá trị từ các nghi lễ văn hóa truyền thống

Ở các chùa Sơn môn Liên Phái đã và đang thực hiện tốt công tác tổ chức tốt hoạt động công tác nghi lễ của đạo Phật. Những nghi lễ văn hóa truyền thống được tổ chức thành kính, trang nghiêm, mang đậm nét bản sắc tôn giáo nên đã thu hút được một lượng lớn du khách, quý Phật tử trong và ngoài tỉnh cùng tham gia. Hằng năm, vào những ngày lễ lớn như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ vía Phật A Di Đà, lễ vía Bồ Tát Quan Âm, lễ vía Phật Dược Sư, lễ tết nguyên đán… Hòa thượng đã hướng dẫn nhân dân Phật tử sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng phù hợp với chính Pháp và truyền thống văn hóa dân tộc. Cụ thể:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Le Vu Lan Tai Chua Lien Phai 1

Lễ Vu Lan báo hiếu: với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, với đạo hiếu của người con Phật “tri ân và báo ân” hàng năm các chùa tổ chức trang nghiêm, trọng thể lễ Vu Lan báo hiếu “theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo” đáp ứng nhu cầu nguyện vọng tâm linh của quần chúng nhân dân cùng các tín đồ Phật tử. HT. Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Liên Phái đã giảng giải về ý nghĩa, nguồn gốc và thông điệp của Đại lễ Vu Lan. Trong cung bậc tri ân và báo ân của dân tộc, Phật giáo đã từ lâu luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Cũng qua đây, Hòa thượng cũng muốn nhắn nhủ tới quý Phật tử hãy cùng lan tỏa thông điệp tốt đẹp, nhân văn của Đại lễ Vu Lan tới con cháu, các bạn trẻ…từ đó sẽ góp phần giúp cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn. Các Phật tử và những người được tham dự các chương trình đã vô cùng hoan hỷ khi được nghe những lời Pháp nhũ từ Hoà thượng.

Chùa Liên Phái cũng thường xuyên tổ chức lễ Tết Thượng Nguyên – Mừng thọ đầu xuân. Mừng thọ đầu Xuân là nét đẹp truyền thống nhiều năm qua tại các vùng quê Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, diễn ra tưng bừng, trang trọng lễ mừng thọ các bậc cao niên. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm giáo dục con cháu quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi để các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích… Hằng năm, HT Thích Gia Quang, Chư tôn đức Tăng chùa Liên Phái cùng đông đảo các Đạo tràng  và Phật tử gần xa tổ chức chúc thọ các Cụ trên đia bàn.

Chùa cũng thường xuyên tổ chức thời Pháp thoại chia sẻ với Phật tử về những Giáo lý căn bản trong Phật giáo như Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo,…và giảng giải cho đại chúng hiểu sâu để áp dụng trong cuộc sống, công việc. Phật giáo không phải chỉ là lý thuyết, người học Phật cần phải biết thực hành, áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày để luôn được an lạc, tránh khỏi phiền não, áp lực trong công việc.

Và cùng với việc thực hiện các đại lễ, các chương trình hoạt động, chùa Liên Phái cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện như giúp đỡ những người khó khăn, người già, trao tặng nhiều phần quà cho các trẻ em khuyết tật phường cầu Dền.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Sơn môn Liên Phái trong bối cảnh hiện nay

2.1. Định hướng

Trước hết cần xác định khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa Sơn môn Liên Phái không phải là hoạt động kinh tế, kinh doanh. Và mục đích của nó phải đặt mục đích thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân và khách tham quan khi đến cửa Phật. Việc bảo tồn và phát huy giá trị không đặt nặng tới mục tiêu thu hút lượng khách lớn tới chùa mà đặt mục tiêu mọi người có nhận thức đúng hiểu biết hơn về Sơn môn Liên phái nói riêng và đạo Phật nói chung.

Thứ hai, trước khi tiến hành quy hoạch, cải tạo, nâng cấp mọi công trình trong khuôn viên chùa cần tính toán đến việc tác động đến yếu tố gốc và phải lấy giá trị văn hóa Phật giáo là yếu tố trung tâm, yếu tố hấp dẫn chính của quy hoạch; xác định đúng mục đích chính, cốt lõi phát triển gắn với văn hóa tâm linh Phật giáo. Mọi cải tạo, xây dựng ở các chùa đều phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa, Nghị định 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn nhằm bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

2.2. Giải pháp

Di sản văn hóa của Sơn môn Liên Phái nói riêng và Phật giáo nói chung hiện nay có thể được khai thác trở thành một nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển trong xã hội đương đại. Tuy nhiên, Di sản văn hóa Phật giáo gắn liền với hệ tư tưởng và niềm tin của cộng đồng và các tín đồ,… chính vì vậy, khi đưa vào khai thác trong thực tế, các nhà quản lý cần phân tích, xác định tính chất của từng yếu tố cấu thành thuộc hệ thống di sản; hài hòa quyền lợi của các bên liên quan như vai trò của sư trụ trì, cộng đồng địa phương, chính quyền sở tại. Mà để làm được điều đó thì cần phải tiến hành những giải pháp cơ bản như:

Trước tiên, phải tiến hành hoạt động kiểm kê, nghiên cứu và đánh giá giá trị của Sơn môn Liên Phái. Đây là nền tảng cơ bản, quan trọng nhất để tiến hành các bước tiếp theo như: kế hoạch về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị, xây dựng chương trình hoạt động phù hợp,…

Kiểm kê tài nguyên: Mục đích của công việc này là nghiên cứu và xác định một cách toàn diện và đầy đủ nhất các giá trị và các thành tố cấu thành của sản phẩm văn hóa nhằm làm cơ sở cho việc xác định đối tượng hướng tới và việc đánh giá khả năng khai thác cho hoạt động du lịch cũng như cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của sản phẩm văn hóa một cách bền vững. Quá trình kiểm kê một cách kỹ lưỡng giá trị của môn phái có thể là cơ sở để xuất bản các công trình như sách, tập gấp, tờ thông tin,… giới thiệu về di sản Sơn môn Liên Phái.

Thứ hai: Sau khi kiểm kê, nghiên cứu kỹ về các di sản Sơn môn Liên Phái thì cần có sự đầu tư­, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, khôi phục các nghi lễ truyền thống đúng với giá trị mà những di sản này đã mang lại suốt chiều dài lịch sử. Quá trình đầu tư, tôn tạo phải đảm bảo giữ được yếu tố gốc của di tích, di vật và đảm bảo hài hòa giữa cái cũ và cái mới.

Thứ ba tổ chức các hoạt động như lễ hội, tu học, và chương trình giáo dục để gìn giữ và phát triển giá trị của môn phái. Như đã nêu ở phần trên, các hoạt động lễ hội, tu học và các chương trình giáo dục thực ra đã được chùa triển khai trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, trong các chương trình phần lớn tập trung vào giảng giải đạo lý chung của Phật, chưa có nhiều chương trình giáo dục cho phật tử và nhân dân về lịch sử của môn phái, lịch sử chùa và lịch sử của các vị tổ sư,…

Thứ tư là tổ chức các hoạt động giới thiệu về môn phái Phật giáo để nâng cao nhận thức. Để làm được điều này trước hết ở các cơ sở tôn giáo cần có bộ phận hướng dẫn, giới thiệu cho du khách và những người dân khi đến chùa tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan trong không gian văn hóa khu vực chùa và phụ cận, tìm hiểu lịch sử các ngôi chùa, lịch sử của Sơn môn Liên Phái và vai trò của môn phái trong lịch sử Phật giáo dân tộc. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp khơi dậy tình yêu đối với Phật giáo, tình yêu đối với môn phái và giúp cho môn phái ngày càng phát triển, có sự ảnh hưởng sâu đậm trong lòng những người từng được đến chùa.

Các dịch vụ cung cấp tư liệu cho du khách hiểu rõ hơn về lịch sử giáo phái, các bộ kinh Phật, lịch sử của các chùa, hay các hoạt động khác gắn với Phật giáo như thiền, yoga, ăn chay…cũng góp phần để lại dấu ấn cho du khách khi đến cửa Phật. Đồng thời, những dịch vụ này cũng giúp hoạt động cúng tế, các nghi lễ được diễn ra linh thiêng, trang trọng và mang lại ý nghĩa lớn trong tâm thức du khách.

Các dịch vụ phục vụ cúng bái, tế lễ, cầu siêu, cúng vong là hoạt động dịch vụ quan trọng ở chùa đặc biệt là ở Sơn môn Liên Phái vốn là môn phái nổi tiếng với việc cúng vong, nhốt trùng. Hiện nay, các chùa cần tăng cường hoạt động của ban phụ trách chuyên trách đặc biệt vào các dịp ngày rằm, ngày mùng một, tết Nguyên Đán các dịp lễ lớn. Những hoạt động này được tổ chức tốt, chuyên nghiệp giúp người dân, Phật tử và khách tham quan, viếng chùa thực hiện các hoạt động một cách trang nghiêm, trật tự, đúng tính chất đến với cửa Phật để được giải tỏa những lo toan, bộn bề, giúp tâm thanh tịnh.

Thứ năm là tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, phát triển di sản và hỗ trợ các hoạt động khác của Sơn môn Liên Phái; Hợp tác với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng gần gũi giúp tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ cho việc bảo tồn giá trị của các ngôi chùa cổ quan trọng này.

Và cuối cùng là việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc số hóa và ứng dụng nền tảng số trong việc quảng bá giá trị di sản Sơn môn Liên Phái trong nước và trên thế giới. Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử hiện nay chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục lịch sử văn hóa. Việc hướng dẫn cho từng người khách khi đến tham quan, chiêm bái tại chùa là một việc làm bất khả thi. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiến hành mã hóa các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, các giá trị của từng kiến trúc, hiện vật bằng các mã QR code thì mọi người sẽ dễ dàng truy cập, tìm hiểu và biết được ý nghĩa của chúng.

Ngoài ra, trong thời đại hiện nay, có rất nhiều nền tảng số giúp chúng ta có thể giới thiệu, quảng bá di sản một cách nhanh chóng, dễ dàng đến công chúng trong nước và trên thế giới. Một trong số những nền tảng đang phát triển và đạt được hiệu quả lớn là nền tảng Google art & Culture. Đối với những môn phái có giá trị lịch sử – nghệ thuật – văn hóa to lớn như Sơn môn Liên Phái thì chúng ta có thể liên kết với những nền tảng số này để trình diễn, trưng bày, lưu giữ giá trị các di sản một cách khoa học và hiện đại.

3. Kết luận

Sơn môn Liên Phái đã để lại hậu thế một trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo đặc sắc và hấp dẫn du lịch. Hàng năm, du khách đến với cửa Phật ngày càng đông; nhiều hoạt động đón tiếp và phục vụ du khách ngày càng càng chuyên nghiệp, chu đáo hơn, các hoạt động trong chùa được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và có tầm ảnh hưởng sâu đậm đến công chúng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa giá trị di sản Sơn môn Liên Phái thì cần có những chủ trương, định hướng đầu tư cho việc nghiên cứu những giá trị của môn phái, giá trị của các công trình kiến trúc gắn với môn phái và giá trị của các vị tổ sư từ nhiều đời đến nay. Và những hội thảo như hội thảo này là nền tảng để có nguồn tư liệu cơ bản, từ đó có thể mở rộng các nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Sơn môn Liên Phái.

Võ Quang Vinh
Phòng An ninh Nội địa, Công an Tỉnh Quảng Nam

***

Chú thích:
[1] Đặng Văn Bài (2008), “Nhận diện để phát huy giá trị di sản Phật giáo ở Việt Nam”, Tạp chí Di sản Văn hóa số 02 (23), tr8.
[2] Thích Mật Thể (1961), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng, tr.181.
[3] Nguyễn Duy Phương (2015), “Đặc điểm truyền thừa của các thiền phái Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820-1840)”.  Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 1 (2015),56-60
[4] Nguyễn Quang Khải (2011). Tìm hiểu hòa thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long. Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.713-718
[5] Nguyễn Thị Nga (2015). “Danh sách di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Ninh”. tpbacninh.bacninh.gov.vn. Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Ninh. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2019.

Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Văn Bài (2008), “Nhận diện để phát huy giá trị di sản Phật giáo ở Việt Nam”, Tạp chí Di sản Văn hóa số 02 (23).
2. Nguyễn Duy Phương (2015), Đặc điểm truyền thừa của các thiền phái Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820-1840), Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, tập 5, số 1 (2015)
3. Nguyễn Quang Khải (2011). Tìm hiểu hòa thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long. Thông báo Hán Nôm học
4. Nguyễn Thị Nga (2015). “Danh sách di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Ninh”. tpbacninh.bacninh.gov.vn. Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Ninh. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2019.
5. Thích Mật Thể (1961), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường