Trang chủ Chuyên đề Giá trị văn hóa của Sơn môn Liên Phái

Giá trị văn hóa của Sơn môn Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ths.Thích Nữ Liên Thảo
Tu viện Cát Tường, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

1. Dẫn nhập

Trên tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm gìn giữ truyền thống và phát huy giáo pháp của Đức Phật trong thời đại ngày nay. Với chủ trương nghiên cứu và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam đến quảng đại quần chúng Phật tử, đúng với ý Tổ. Tương truyền, với tinh thần trách nhiệm của từng Sơn môn hệ phái đều phải chung tay hợp tác cùng giáo hội làm nên nền lịch sự sáng đẹp, đầy ý nghĩa của Phật giáo nước nhà. Sơn môn Liên Phái cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, Chư Tôn đức trong Ban lãnh đạo Phật giáo Sơn môn Liên Phái đưa ra những ý tưởng rất phù hợp trong việc nghiên cứu về văn hóa của Liên Phái một cách cụ thể.

Cần lưu ý rằng, muốn duy trì và phát triển tốt nền văn hóa Phật giáo của Liên Phái, chúng ta không thể không biết rõ về giá trị văn hóa của Sơn môn Liên Phái một cách cụ thể, nhằm đánh giá được giá trị và những gì cần duy trì, những gì cần phát triển, và đường hướng phát triển sẽ có kế hoạch, hoạch định như thế nào, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu chính xác về hiện thực của kiến trúc-di sản và sinh hoạt tâm linh thực tế của Sơn môn này.

Mặc dù hiện nay trong Sơn Môn Liên Phái cũng đã có những chủ trương phát triển, nhưng để đạt được mục tiêu cao với yêu cầu của xã hội hiện nay thì công tác quản lý cần phải tiếp tục đổi mới, xuất phát từ những cơ sở lý luận thực tiễn thì mới đưa ra những giải pháp có tính khả thi và cần thiết.

Dsc 0195

Tam quan chùa Liên Phái. Ảnh: Minh Minh

2. Đôi nét về Tổ Liên Phái

Để giới thiệu về Tổ Liên Phái, cần phải biết về tông phong của Tổ Liên Phái từ đâu. Nếu nói đến Phật giáo đời Trần thì một trong những thiền sư nỗi bậc đó là thiền sư Chân Nguyên. Ngài có nhiều đệ tử, thiền sư Như Trừng là một trong những vị đệ tử nổi bật nhất. Tuy thiền sư Như Trừng không tiếp nối y bát của truyền thống Trúc Lâm, nhưng lại có lối rẽ riêng bằng việc lập được một thiền phái lấy tên là Liên Tông hay còn gọi là Liên Phái. Tuy lập tông phái riêng nhưng không có nghĩa là tách biệt mà ngược lại, cả hai phái đều chung sức đóng góp tích cực vào việc phục hồi những tác phẩm đời Trần và truyền thừa mạng mạch Phật pháp trong nhân gian.

2.1. Cuộc đời của Tổ Liên Phái

Tổ Liên Phái chính là Thiền sư Như Trừng (1696-1733)[1]. Theo sách sử[2] ghi lại, Thiền sư Như Trừng Tự là Lân Giác, hiệu là Cứu Sinh thượng sĩ, người vốn là một vị vương công họ Trịnh, tên là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương, quê ở tỉnh Thanh Hóa sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán người có góc hình như chữ nhật. Lớn lên người được vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư cho. Người xây dựng tư dinh tại phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương. Sau tư dinh là một cái đồi rất cao. Chuyện kể rằng; có hôm ông bảo người nhà đào hồ trên ấy để thả cá vàng, người nhà đào được một cọng sen lớn vào trình. Người cho đó là điềm xuất gia, liền “cải gia vi tự”, đặt tên là viện Ly Trần, chùa Liên Tông, bắt đầu ăn chay, học đạo, ngồi thiền. Sau đó người dâng sớ xin xuất gia. Ðược vua chấp nhận, người lên thẳng núi Yên Tử bái Thiền sư Chân Nguyên tại chùa Long Ðộng làm thầy. Lúc đó, ngài Chân Nguyên đã tám mươi tuổi. Thiền sư Như Trừng nỗ lực học tập, sau đó được thụ giới, đắc pháp với Thiền sư Chân Nguyên và trở về tĩnh tu tại chùa Liên Tông. Trong thời gian hoằng hóa, Ngài lập thêm chùa Hộ Quốc ở phường An Xá (cũng tại Thọ Xương) và chùa Hàm Long ở Quế Dương (Bắc Ninh). Hồi còn làm Sa di, pháp hiệu là Như Như tại chùa Long Ðộng, người có viết các bài Ngũ Giới Quốc Âm và Thập Giới Quốc Âm bằng thơ lục bát. Thiền sư Như Trừng tịch năm 1733, lúc mới được ba mươi bảy tuổi, có để lại bài kệ sau đây: Bản tòng vô bản/Trong vô vi lai/Hoàn tòng vô vi khứ/ Ngã bản vô lai khứ/Tử sinh hà tằng lụy?. Nghĩa là: Gốc bắt nguồn từ nơi không gốc/Từ vô vi mà đến/Lại đi về vô vi/Ta không đến không đi/Tử sinh làm sao hệ lụy được?.

Trong Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng có viết: “Ngoài việc tham gia vào công tác xây dựng và trùng tu chùa chiền, có những người trong nhà họ Trịnh không chỉ hoạt động trong tư cách Phật tử mà còn xuất gia, sống cuộc sống của những nhà tu Phật giáo, điển hình dễ thấy nhất, không ai khác hơn là Như Trừng, một cao đệ của Chân Nguyên, người đã viết bài bia cho tháp mộ của Chân Nguyên hiện còn.”[3] Cho thấy, Thiền sư Như Trừng Lân Giác là một đệ tử nổi bậc của Thiền sư Chân Nguyên mà sử sách luôn lưu dấu.

2.2. Sự nghiệp truyền thừa của Tổ

Khi Thiền sư Như Trừng thành lập Liên Tông cho đến lúc viên tịch chỉ vỏn vẹn hơn 10 năm, chính vì thế không có nhiều thời gian truyền bá, lan tỏa phương pháp tu hành của mình. Tuy nhiên, sự nghiệp truyền thừa của Người được lưu truyền từ hàng đệ tử ưu tú,  chẳng hạn Thiền sư Tính Dược được chỉ định trụ trì chùa Liên Tông; Thiền sư Tịnh Ngạn trụ trì chùa Hàm Long. Đó là  hai vị đệ tử lớn, còn có nhiều đệ tử cao tăng khác như:  Thiền sư Tình Tuyền, Thiền sư Tịch Dự, Thiền sư Vũ Hoa, Thiền sư Chính Tâm, Thiền sư Phổ Toán và Thiền sư Thông Vinh. Riêng Thiền sư Tính Tuyền được Người gửi sang Trung Hoa du học và thỉnh kinh. “Thiền sư Tính Tuyền lưu học tại chùa Khánh Vân núi Ðỉnh Hồ ở Quảng Châu sáu năm”[4], khi về có thỉnh theo được ba trăm bộ Kinh và Luật, cả thảy hơn một ngàn cuốn. Gần hai trăm bộ kinh đã được khắc bản và in lại để phổ biến trong xứ. Nhiều bản gỗ còn được chứa cất tại chùa Sùng Phúc và Kiến An.

Chùa Liên Tông sau này cũng được gọi là chùa Liên Phái, trung tâm của hệ phái do Thiền sư Như Trừng thành lập. Các chùa Hộ Quốc, Hàm Long, Sùng Phúc, Nghiêm Xá, Thiên Quang, Phúc Ân, Vân Trai,… đều là những tổ đình thuộc phái này. Đó là những di sản văn hóa rất cao quý của Phật giáo lưu truyền đến hôm nay.

3. Nét văn hóa riêng của Sơn môn Liên Phái trong nền văn hóa Phật giáo

3.1. Một số ngôi chùa thuộc Liên Phái tại Việt Nam

Chùa Liên Phái: Có thể nói, nhắc đến Hà Nội, nhất là việc cúng “trùng tang” đa số mọi người đều nghĩ ngay đến ngôi chùa nổi tiếng đó là chùa Liên Phái. Chùa Liên Phái tọa lạc tại Ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nơi đây là tổ đình của Thiền phái Liên Tông. Liên Phái là tên của chùa từ năm 1840, trước đó chùa có tên là Liên Hoa sau đó đổi thành Liên Tông.

Nhìn chung, chùa Liên Phái là số ít các chùa tại Hà Nội còn giữ nguyên được dáng cổ. Quy mô hiện nay của chùa hầu như thay đổi rất ít so với lần sửa chữa giữa thế kỷ XIX. Hai bên cổng của chùa có hai hồ nước rộng, ngay trước cổng là ngôi tháp Diệu Quang hình lục lăng cao mười tầng. Tiếp đến là nhà bia, có 34 tấm bia ghi lại sự tích của chùa và các lần tu bổ, trên tấm bia còn ghi tên những người đóng góp công đức tu bổ và xây dựng lại chùa. Qua sân rộng là nhà bái đường và chính điện, phía sau đi qua một sân nhỏ là đến nhà tổ. Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có chín ngôi tháp xây thành ba hàng. Hàng đầu tiên có hai ngôi tháp. Hàng thứ hai ở giữa có năm ngôi tháp gồm những ngôi tháp cao, trong đó có ngôi tháp Cửu Sinh xây bằng đá. Hàng thứ ba có hai ngôi tháp. Ngoài ra, trong chùa còn có một ngọn tháp cao chín tầng kiến trúc đẹp xây dựng vào khoảng năm 1890.

Trong chùa Liên Phái, ngoài tượng Phật còn có tượng Thiền sư Như Trừng Lân Giác, một quả chuông có chữ “Liên Tông tục diện”[5] theo thực tế cho thấy nét chữ được đoán có từ thời Lê Trung Hưng.

Chùa Hàm Long: Theo các tài liệu lưu tại chùa hiện có cho biết, chùa Hàm Long tọa lạc tại phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có diện tích đất hơn 9.000m2, vị trí cảnh quan trang nghiêm, hòa hợp với thiên nhiên, được mệnh danh là danh lam cổ tự có lịch sử lâu đời. Công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật. Sở dĩ chùa có tên Hàm Long vì có núi Thần Long như một chiếc án thư che chắn cho ngôi nhà phía trước, bao bọc xung quanh là các ngọn núi Phụng Hoàng, Kỳ Lân, núi Rùa. Theo quan niệm phong thủy dân gian thì chùa nằm ở thế hàm rồng, nghĩa là dưới hàm một con rồng lớn dài 9 khúc, đó chính là cả dãy Lãm Sơn. Đây là trung tâm Phật giáo lớn, Thiền Sư Dương Không Lộ đã hành Đạo nơi đây.

Ngày nay, chùa Hàm Long là trung tâm sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương và thập phương quanh vùng, nơi tôn thờ Phật pháp, lưu giữ nền kiến trúc có quy mô lớn gồm các công trình: cổng Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách, nhà Tăng và các công trình phụ trợ. Tam bảo chùa được làm bằng gỗ lim, kết cấu hình chữ Đinh, gồm tiền đường 7 gian, kết cấu vì nóc chồng rường giá chiêng, vì nách và 3 gian Thượng điện kết cấu vì nách “kẻ ngồi”.

Chùa thờ 7 vị Tổ, thờ Mẫu, thờ ông Đỗ Trọng Vỹ[6] người có công khởi dựng Văn miếu Bắc Ninh. Các công trình kiến trúc trong khuôn viên Chùa được chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật với một diện mạo khang trang.

3.2. Phương tiện cứu độ nhân loại đặc biệt của Sơn môn Liên Phái

Thiền sư Như trừng Lân Giác – Sử tổ của chùa Liên Phái và chùa Hàm Long. Trong quá trình hoằng hóa, Người nhận thấy người dân quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ, dân gian gọi là “trùng tang”. Theo tư tưởng Phật giáo tùy duyên hóa độ, phương tiện đưa đạo vào đời. Người đã tạo ra kinh Thập nguyện cứu sinh, và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu thoát. Chiếu theo Kinh điển Đại thừa Phật giáo thì việc siêu độ vong linh là do Phật hoặc các vị Bồ tát chỉ dạy chứ không phải không có việc này. Chẳng hạn trong kinh Địa Tạng[7] Phật dạy với ngài Phổ Quảng Bồ Tát rằng siêu độ vong linh bằng cách người trong gia quyến của người đã mất lập đàn tụng Kinh cầu siêu hồi hướng cho vong linh thân quyến đã mất, thì khi số biến kinh tụng đủ, vong linh ấy sẽ thoát khỏi ác đạo. Hoặc siêu độ vong qua cách dạy trong kinh Vu Lan, kinh Di Đà, chú Vãng Sinh,… phương tiện cứu độ của Phật giáo đối với hương linh và người thân quyến của hương linh là như vậy.

Từ đó chùa Hàm Long và Chùa Liên Phái trở thành nơi “giữ vong bị trùng tang”, xem trùng tang và cho “bùa” chống trùng. Người miền Bắc nói chung người Hà Nội nói riêng khi có tang khó, đặc biệt trong nhà có nhiều người mất liên tục cách 49 ngày hoặc 100 ngày… là đều đến chùa Liên Phái và Hàm Long để xem người mất có trùng tang không, xem ngày nhập quan, ngày hạ huyệt cho người mới mất. Từ trước đến nay, người ta đồn nhau rằng bùa giải ở chùa Liên Phái và Hàm Long đều được in ở bộ ván in cổ nên việc hóa giải trùng tang rất linh nghiệm.

Thật ra nếu chúng ta đứng trên góc độ khoa học mà nhìn nhận thì sự trùng hợp lặp đi lặp lại sẽ tạo sự hoảng sợ cho người trong cuộc. Theo quan điểm của ngành thống kê học, trùng tang chỉ đơn giản là sự “trùng hợp” mang tính ngẫu nhiên. Sự trùng hợp giữa các sự diễn biến ngẫu nhiên xảy ra thường xuyên hơn sự hình dung của người bình thường. Khi nhìn nhận lại sự việc khiến tư duy tâm linh sẽ trỗi dậy, gây sợ hãi hoặc vui mừng…

Vậy bản chất của sự trùng hợp là gì? “Đó là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản như sau: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra”[8]. Năm 1953, nhà toán học Littlewood cho rằng: “Một hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên khi có xác suất 1/1.000.000 (một trên một triệu)”. Với người phương Đông chúng ta, thì khi gặp sự trùng hợp họ sẽ nghĩ khác ngay, họ hoảng sợ cho người thân trong gia đình nhất là khi có sự chết chóc có vẻ kỳ lạ và trùng hợp. Trước giờ theo quan niệm dân gian; “hiện tượng trùng tang là hiện tượng một gia đình có người nhà mất đúng vào các giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi), sau đó lần lượt những người thân của người đó cũng mất theo cho đến khi số người chết đủ 3, 5, 7 hoặc 9 người”. Dân gian cũng cho rằng nguồn cơn của thảm họa này là do “âm binh” nổi loạn, vì vậy cách duy nhất để hóa giải là phải nhốt “trùng” (nhốt vong).

Trước tình cảnh này, Thiền sư Như trừng Lân Giác sử dụng phương pháp trấn an cho người dân, qua chuyện trùng hợp hay gọi là “trùng tang” này, có thể là học hạnh Quan Âm ban sự “Vô Úy” cho chúng sanh với cách cúng cầu siêu cho vong linh, cúng tụng kinh Thập nguyện cứu sinh vậy. Cách này đã trấn an người sống, siêu độ người chết một cách hiệu quả. Từ đó tin đồn lan nhanh về việc “chùa Liên Phái và Hàm Long đều những là nơi nhốt trùng lớn nhất cả nước”. Từ đó về sau mỗi gia đình khi gửi vong đến đây sẽ được phát bùa để đeo trong vòng ba năm nhằm tránh họa. Thực tế, nhiều những gia đình có người mất đều đi xem vong, và đeo hoặc dán các loại bùa chú này ở nhà để đỡ lo sợ.

Chùa Liên Phái và Hàm Long ngoài việc hoằng truyền Chánh Pháp lợi lạc quần sanh thì việc cúng trùng tang giúp đời bình an là việc rất phổ biến, nỗi tiếng của Sơn Môn Liên Phái này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Kien Truc Chua Lien Phai 2

Tổng thể chùa Liên phái phía trước Tam bảo

4. Giá trị văn hóa của Sơn Môn Liên Phái trong nền Phật giáo nước nhà

4.1. Sơn Môn Liên Phái trong văn hóa Phật giáo

Về mặt kiến trúc xét tượng trưng nổi bật chùa Liên Phái: Chùa Liên Phái hiện nay thực tế cho thấy, chùa lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nỗi bậc như: gồm nhiều hạng mục kiến trúc, trong đó chùa chính có kết cấu hình chữ “đinh”. Phía trước có một nếp nhà ngang nối với tiền đường bằng hệ thống vì kèo “vỏ cua”. Tòa tiền đường gồm năm gian, có bộ khung bằng gỗ với sáu vì kèo đỡ mái theo kiểu “chồng rường” và “quá giang cột trốn” chạm hoa văn tinh xảo. Thượng điện nối với gian giữa tiền đường bằng một nếp nhà dọc ba gian, được trang trí đề tài tứ linh, tứ quý. Những cửa võng từ gian giữa tiền đường đến vì hậu của thượng điện được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Phía sau nhà Tổ là khu vườn tháp, trước kia có 30 ngọn tháp nhưng nay chỉ còn 7 tháp. Đáng chú ý nhất là tòa Cửu phẩm ở trước chùa, có kích thước tương đối lớn cùng những nét kiến trúc độc đáo. Phía sau chùa là ngôi tháp của tổ Cứu Sinh bằng đá xanh, hình tứ giác, cao 5 tầng, được chạm trổ các hoa văn mang nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật thời hậu Lê. Trong lòng tháp có bài vị của tổ Cứu Sinh. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng nét cổ kính về kiến trúc vẫn ít thay đổi, để lưu dấu một thời chư Tổ dày công gầy dựng, cũng là nền kiến trúc đáng quý của nền văn hóa Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng.

Di sản ở Liên Phái: Trong chùa Liên Phái hiện còn lưu giữ nhiều di sản quý như: 22 tấm bia hậu Phật, một pho tượng Phật bằng đá, 22 câu đối gỗ, 10 hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy, 16 bức hoành phi, 4 bức tranh gỗ, 2 cuốn thư, đặc biệt là pho tượng Nguyễn Đăng Giai – một danh thần triều Nguyễn, người có công xây dựng chùa Báo Ân cạnh hồ Hoàn Kiếm (dấu tích còn lại của ngôi chùa hiện là tháp Hòa Phong). Tượng Nguyễn Đăng Giai được đưa về thờ tại chùa Liên Phái khi chùa Báo Ân bị thực dân Pháp phá hủy để xây dựng nhà “Bưu điện và dinh Thống sứ Bắc Kỳ”[9]

Với những giá trị độc đáo về kiến trúc, di sản, nghệ thuật, lịch sử Phật giáo, năm 1962, chùa Liên Phái được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay, chùa Hàm Long vẫn giữ lại nền kiến trúc và di sản có mẫu tương tự chùa Liên Phái. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 28-VH/QĐ, ngày 18/01/1988.

Về mặc tâm linh: Hai ngôi chùa Liên Phái và chùa Hàm Long này với một số ngôi chùa trực thuộc Sơn Môn Liên Phái vẫn còn duy trì nghi thức gửi vong cho các vong linh mất vào các giờ hung, giờ phạm. Để tránh tai ương, gia đình của vong linh thường gửi vong lên chùa Hàm Long để sớm được trì trú, phổ độ, hy vọng các vong linh sớm được vãng sinh, và các gia chủ cũng được yên tâm trong cuộc sống.

Hội chùa tổ chức ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, và các lễ như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, dịp lễ hội truyền thống, Tết nguyên đán,… Giúp bá tánh có nơi để gửi gắm tâm linh nương nhờ cửa Phật, khi còn sống cũng như người đã khuất.

4.2. Đường hướng duy trì, phát triển giá trị văn hóa Sơn Môn Liên Phái

Để tiếp tục duy trì và phát triển giá trị văn hóa của Sơn Môn Liên Phái trong thời gian tới tốt hơn nữa và được lan tỏa lớn mạnh trong nền văn hóa Phật giáo nước nhà, thiết nghĩ hệ thống các cấp Lãnh đạo của Sơn Môn ngoài việc bảo quản tốt các công trình kiến trúc di sản của Sơn Môn, cũng cần đưa ra các mục tiêu phát triển của Sơn Môn, có giải pháp cụ thể trong hệ thống duy trì và phát triển một cách thiết thực. Nên chăng là cần kết hợp phía Ban Văn Hóa Trung Ương, báo đài ghi nhận và đề xuất các khía cạnh riêng về kiến trúc và di sản của Sôn Môn trong nền truyền thông Phật giáo một cách điều đặn có hệ thống logich.

Mở những hội thảo để thảo luận làm rõ các phương tiện mà chư Tổ truyền lại theo ý thức hệ của phương tiện cứu cánh, chứ không để dân gian hiểu theo kiểu mê tín rồi đồn đại theo sự hiểu biết riêng của họ. Để rồi hiểu sai ý Tổ, biến Phật giáo nơi đây thành nơi chuyên về “nhốt vong” như lời đồn.

5. Kết luận

Trên tình thần bảo tồn và phát triển kiến trúc và di sản. Với chủ trương nghiên cứu và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam đến quảng đại quần chúng Phật tử. Nghiên cứu cụ thể về Tổ Như Trừng Lân Giác với sự nghiệp của Người để lại cho hậu thế, quả là một việc làm quan trọng và vô cùng ý nghĩa.

Với xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, nền văn hóa nước nhà nói chung rất có khả năng bị mai một hoặc bị pha lẫn, vì vậy, mở ra các hội thảo để nghiên cứu, để khoanh vùng một cách cụ thể các nền kiến trúc di sản cổ xưa rất cần để bảo tồn, cũng như phát triển là việc làm vô cùng thiết thực.

Với thời gian và bài viết có hạn, trong tham luận này người viết đưa ra một số mấu chốt lịch sử quan trọng của Sơn môn Liên Phái, trong đó chùa Liên Phái và chùa Hàm Long là trọng yếu để thấy rõ kiến trúc và di sản của Sơn môn Liên Phái hiện thời là một đóng góp giá trị trong nền văn hóa Phật giáo nước nhà, đồng thời nêu lên kiến nghị để tìm phương pháp duy trì phát triển và nhất là lan tỏa giá trị văn hóa này đến quảng đại quần chúng.

Đồng thời chấn chỉnh lại tin đồn mang tính mê tín như  hai từ “nhốt trùng” của dân gian nói về ngôi chùa của Sơn môn Liên Phái. Để giúp bá tánh, tín đồ Phật giáo hiểu rõ hơn về phương tiện giáo hóa của Tổ Như Trừng đã làm, và để lại cho đời sự an yên về tâm linh, siêu độ cho người quá cố bằng sự tu hành của mình qua phương tiện hoằng hóa, phổ độ chúng sanh âm dương đồng chung lợi lạc.

Chức năng của Tăng ni là duy trì đạo Phật ở thế gian, lấy Phật pháp để hóa độ chúng sinh, chứ không phải chuyên làm việc siêu độ cho người chết. Nên hướng dẫn cho các gia chủ cùng làm lễ tụng Kinh, bởi công đức của tụng Kinh là nhờ ở lòng tin Phật pháp và tu hành Phật pháp, cho nên không phải chỉ có Tăng ni mới tụng Kinh, lại càng không phải chỉ khi có người chết mới tụng Kinh.

Hơn nữa, thời hạn siêu độ tốt nhất là trong vòng 49 ngày. Bởi vì, Phật giáo quan niệm rằng; chỉ trừ những trường hợp như người có phúc nghiệp lớn, chết thì tái sinh ngay ở sáu cõi trời Dục giới, hay là những người tu định có kết quả, khi chết thì tái sinh ở các cõi trời Thiền định, hay là người có ác nghiệp nặng, chết thì đọa địa ngục lập tức; còn thì đối với người bình thường mà nói, chết xong còn trải qua thời gian 49 ngày chờ đợi cho nghiệp duyên đủ mới quyết định tái sinh ở cõi nào.

Nếu trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng dường Tam bảo, bố thí kẻ nghèo để hồi hướng cầu siêu độ thì người chết, nhờ công đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi thiện (Trời, Người) và được siêu độ. Nếu để qua 49 ngày mới tổ chức cầu siêu thì chỉ có thể tăng thêm phúc đức cho người đó, chứ không thể ảnh hưởng gì đến hướng tái sinh của họ nữa.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, trong trường hợp người thân bị “chết oan”[10], chết thê thảm, do oan trái chưa trả cho nên có thể sinh ở cõi quỷ, và tiếp tục vòi vĩnh, đòi hỏi đối với người.

Trong trường hợp đặc biệt này, thì cần có tụng kinh siêu độ (nghĩa là thuyết Pháp cho quỷ nghe để cho quỷ rõ hướng đi). Nhờ Phật lực giúp cho vong linh tái sinh ở cõi thiện. Phật giáo thường gọi cõi quỷ là “ngã quỷ” (quỷ đói), cho nên thường dùng mật Pháp (như trì chú biến thực, thí thực) để giúp đỡ, tạo ra tác dụng lớn, đặc biệt là đối với loại quỷ lành. Hay còn có thập nhị loại cô hồn…

Tất cả cách siêu độ đều là phương tiện cứu độ cho người còn và người mất chứ không phải là nhốt (ngục) người mất.

Nên ngoài việc bảo tồn và phát triển văn hóa nơi Sơn Môn Liên Phái thì việc cần cấp thiết cũng là làm rõ việc phương tiện cầu siêu mà người đời cho là “nhốt vong”, cúng trùng tang…được hiểu đúng với chánh pháp theo Kinh điển Đại thừa.

Ths.Thích Nữ Liên Thảo
Tu viện Cát Tường, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

***
Chú thích:
[1] Theo: Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, Tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.6
[2] Theo: Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.450, Thiền Uyển Tập Anh- Lê Mạnh Thát
[3] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, Tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 1263
[4] Thiền sư Tính Tuyền sinh năm 1674, xuất gia tại chùa Liên Tông năm 12 tuổi. Qua Trung Hoa năm 22 tuổi, người học Phật và thụ giới với Thiền sư Kim Quang Ðoan tại chùa Khánh Vân. Khi Thiền sư Tính Tuyền về nước thì Thiền sư Như Trừng đã viên tịch. Thiền sư bèn lập đạo tràng tại chùa Càn An, Tăng ni khắp chốn đến xin cầu học và thụ giới. Thiền sư Tính Tuyền có công phục hồi phong thái thiền môn, khích lệ các tự viện chỉnh đốn việc nghiêm trì Giới luật; nhờ đó nếp sống thiền gia trở nên có quy cũ trở lại và đức tin của quần chúng nơi tăng đoàn tăng gia gấp bội. Thiền sư Tính Tuyền tịch năm bảy mươi tuổi, vào năm 1744. Tháp Thiền sư Tính Tuyền được xây tại chùa Sùng Phúc và Hàm Long.
[5] Nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời.
[6] Đỗ Trọng Vỹ nổi tiếng là người thông minh hiếu học và sau trở thành vị quan thanh liêm, nhà giáo, nhà văn hóa, đặc biệt ông là người có công khởi dựng Văn Miếu Bắc Ninh. Sau khi về già ông về chùa Hàm Long tu trì, sau khi ông mất được thờ phụng tại đây.
[7] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Thích Trí Tịnh dịch (tái bản lần thứ 11, năm 2010), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr 92,93
[8] Theo “Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ”
[9] Nay là nhà khách Chính phủ bây giờ.
[10]  “Thứ nhất, nếu những hữu tình, bệnh tuy nhẹ mà không thầy, không thuốc, không người trông nom, hay có gặp thầy, lại cho trái thuốc, thực chẳng đáng chết, mà phải chết uổng;
Thứ hai, lại tin các thầy, tà ma, ngoại đạo, yêu nghiệt thế gian nói nhảm họa phúc, sinh ra sợ hãi, tâm chẳng được yên, xem bói thấy xấu, giết nhiều chúng sinh, khấn vái thần thánh, cầu ma quỷ lên ban cho hạnh phúc muốn mong sống thêm vẫn chẳng thể được;
Thứ ba, ngu si, mê hoặc, mê tín, tà kiến, thành ra chết uổng, đọa vào địa ngục, không có ngày ra, như thế gọi là một thứ chết uổng, hai là kẻ bị vương pháp xử tử, ba là những kẻ săn bắn, chơi bời, say đắm tửu sắc, rông rỡ quá độ, bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí, thành ra chết uổng.
Thứ tư là chết cháy. Thứ năm là chết đuối. Thứ sáu là chết vì các loài ác thú cắn chết, ăn thịt. Thứ bảy là chết vì ngã xuống sườn núi. Thứ tám là chết vì trúng phải thuốc độc, bùa, chú, nguyền rủa, thây ma đứng dậy, các thứ sát hại.
Thứ chín là bị đói, bị khát khốn khổ, chẳng được ăn uống, mà phải chết uổng. Đấy là Như Lai nói qua chín thứ chết uổng như thế, còn nhiều vô số các thứ chết uổng, nói sao cho xiết.” (Lược trích: “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh”. Hán dịch: Đường Huyền Trang, Việt dịch: HT. Thích Tuệ Nhuận)

Tài liệu tham khảo:
1. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (Hán dịch: Đường Huyền Trang, Việt dịch: HT. Thích Tuệ Nhuận), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
2. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Thích Trí Tịnh dịch (tái bản lần thứ 11, năm 2010), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ.
4. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb. Phương Đông, Hà Nội
5. Lê Mạnh Thát (1999),Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh
6. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội
7. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 3, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội
8. Lê Mạnh Thát (tái bản 2002), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường