Cả hai triều đại Lý- Trần, Phật giáo đã trở tôn giáo ưa chuộng nhất. Lúc bấy giờ cả nước từ vua quan đến thứ dân đều quy y theo Phật, giữ gìn giới luật, tu trì thiền định. Bởi thâm nhập giáo lý Phật Đà qua chính sách an dân trị quốc nên các vua Lý- Trần đã chinh phục được bao con tim và khối óc của con người bằng đức trị thay pháp trị.
Tác giả: Thích Đồng Niệm
DẪN NHẬP
Trải qua gần 1.000 năm lịch sử với những biến chuyển dữ dội, với những cuộc chiến tranh thần khốc chống những đoàn quân xâm lược. Vì thế, từ trước đến nay người ta nhìn về Phật giáo thời Lý- Trần thường căn cứ trên những tác phẩm thơ văn nổi tiếng còn lưu lại trong sử sách, đặc biệt là tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh. Do đó, qua những trang sử còn lưu đậm dấu ấn son sắc về trí tuệ sáng ngời và những thành quả lớn lao mà Phật giáo thời Lý- Trần đã đóng góp rất đáng kể cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Phật giáo thời Lý – Trần được đánh giá là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, ít có người để tâm tìm về nguyên nhân sâu xa để thấy được cái bí ẩn chứa đựng bên trong đã tạo nên sự thành công mỹ mãn của vua quan và thiền sư thời Lý – Trần. Đây là giai đoạn đặc thù của Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã từng bước Việt hóa để xây dựng một nhà nước hưng thịnh thời Lý- Trần.
Trong đó văn học Lý - Trần được xem là di sản văn học cổ. Trải qua gần ngàn năm lịch sử với những biến chuyển dữ dội của thời gian, và những cuộc chiến tranh tàn khốc chống lại âm mưu đen tối của giặc ngoại xâm. Thế nhưng những di sản của nền văn học Lý- Trần ấy chắc chắn bị biến dạng và tiêu huỷ phần nào, ngay cả những phần còn lưu tồn và cất giữ cẩn thận cũng không thể chắc rằng nó còn nguyên vẹn.
Do vậy, khôi phục lại đường nét để hình đại cương nền văn học Phật giáo trong thời đại Lý -Trần là góp phần làm sống lại nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm sống lại tinh thần vị tha vô ngã của Phật giáo.
NỘI DUNG
1. Khuynh hướng văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý- Trần
Trên đời này ngoài con người ra, còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng. Đó là tình yêu và văn học. Có ai dám nói rằng mình hiểu tình yêu và cũng có ai dám nói rằng mình định nghĩa được văn học. Văn học cũng như tình yêu có rất nhiều màu sắc. Chính vì thế nó không phải là một vật thể nắm bắt được. Người ta nói văn học rất nhiều.
Còn Maxim Gorky thì “văn học là nhân học”, xúc tích như bản chất của văn học. Nhân vật văn học không ai khác chính là những con người của cuộc sống. Là một đối tượng phản ảnh văn học, con người hiện ra sinh động trong mỗi tác phẩm.
Còn Trần Thái Tông cũng đưa tư tưởng văn học của mình vào đời thông qua bài kệ của Khóa Hư Lục.
“Chân thể duyên sinh đúc vạn hình
Vốn không triệu chứng chẳng mầm xanh
Sai vì hữu niệm quên vô niệm
Trái với vô sinh, hướng hữu sinh.
Mũi lưỡi tham lam hương lẫn vị
Mắt tai mê mẫn sắc cùng thanh
Phong trần thất thểu làm thân khách
Muôn dặm xa quê cuộc viễn trình”.[1]
Về mặt văn chương, chúng ta có thể thấy đây là một áng văn chương đẹp. Một nhà vua một thi sĩ thông suốt giáo lý đạo Phật, diễn tả tướng sinh vượt ngoài thông lệ. “Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng, muôn dặm phong quang, chốn chôn oanh ca, bướm múa”. Một con người sinh ra có mặt trong cuộc đời tươi đẹp như phong cảnh trời mùa Xuân. Trần Thái Tông đã chuyển hóa đến cái độ thanh thóat tột cùng khiến người nghe, người đọc không còn nhận ra sự khổ của tướng sinh và sự khó khăn của ngọn núi thứ nhất mà nhà vua đã hình tượng hóa.
Quan niệm của Trần Thái Tông sự có mặt của con người trên cuộc đời này là một buổi bình minh tốt đẹp như mùa Xuân. Chính đây mới là tinh thần nhân bản sâu sắc nhất trong văn học Trần Thái Tông. Thiền sư là người tiên phong đầu tiên mở ra nền văn học Phật giáo vào trong văn học đời thường. Quan niệm của Trần Thái Tông là muốn đưa tư tưởng nhân loại vượt ra khỏi tinh thần yểm thế, bi quan mà trong các thơ ca thường nhắc tới như:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
Chúng la nhìn nhận rằng Văn học Lý –Trần là thời kỳ văn học chính thức mở đầu, có nhiệm vụ khai phá, mở đường cho văn học viết Việt Nam từ xưa khi đất nước giành lại độc lập vào thế kỷ X. Nói như thế không có nghĩa là văn học Lý- Trần không có một tiền đề nào từ trước mà nó đã kế thừa những gì đã có của văn học thai nghén thời Bắc thuộc. Thế nhưng, những gì đã có chưa thể coi là chính thức mở đầu của văn học thành văn Việt Nam, mà chỉ có thể coi là mầm móng phôi thai tạo tiền đề cho văn học Lý- Trần phát triển. Có thể nói văn học thời kỳ này một mặt chịu tác động của thời đại, mặc khác nó cũng tự xác định một trách nhiệm cao cả mà lịch sử giao phó đó là góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Rồi khi đã giành được độc lập, văn học Lý- Trần đã chịu ảnh hưởng nặng nề những yếu tố của văn hóa nhà Hán trên các phương diện như: ngôn ngữ văn tự, hệ thống thể loại và cả những tư tưởng tôn giáo.
Về ngôn ngữ văn tự, văn học Lý- Trần chủ yếu vay mượn văn tự Hán để sáng tác. Bên cạch việc vay mượn văn tự, văn học Lý- Trần còn vay mượn thi liệu, điển cố, điểu tích lấy từ sử sách, thánh kinh hiền truyện…
Về thể loại văn học Lý – Trần mượn những thể loại văn học Trung Quốc để sáng tác bao gồm vận văn, biền văn và tản vần. Vận văn có các thể thơ cổ phong, thơ đường luật, từ khúc, ca, ngâm; biền văn thì mượn các thể như hịch, phú, cáo; tản văn thì mượn các thể loại chiếu chế, biểu, tấu, tự, bạt, bi ký, sử ký… khi vay mượn để sáng tác các tác giả đã tuân thủ nghiêm ngặt theo những yêu cầu có tính quy phạm của từng thể loại. Ngoài ra văn học Lý- Trần còn chịu ảnh hưởng sâu đậm những tư tưởng tôn giáo, những học thuyết của nước ngoài như Phật, Nho, Lão. Nhưng không vì thế mà đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trên bước đường hình thành và phát triển, cùng với việc tiếp thu những cái hay cái đẹp của văn hóa nước ngoài, văn học Lý- Trần phải trừ bỏ và chống lại sự lấn áp, áp đảo của ngoại lai. Quá trình vận động và phát triển theo hướng dân tộc hóa không chỉ biểu hiện ở hình thức mà còn ở nội dung văn học. Trên phương diện hình thức, biểu hiện đó trước hết là văn tự. Nếu lúc đầu văn học Lý- Trần dùng chữ Hán trong việc sáng tác thì đến thế kỷ XIII chữ Hán dần dần được thay thế bằng chữ Nôm. Việc chữ Nôm ra đời và được sử dụng chứng tỏ ý thức độc lập ngày càng được khẳng định, nâng cao sự phát triển của văn hóa văn hiến, cố gắng thóat khỏi sự lệ thuộc văn hóa phương Bắc. Đồng thời sự ra đời của chữ Nôm đã tạo bước ngoặc cho sự phát triển văn học và lấy đó làm tiền đề cho sự kết tinh của giai đoạn sau.
Tóm lại, văn học Việt Nam trong giai đoạn này là một kho tàng quý giá, những thi văn của các nhà sư đã mở ra một cách nhìn mới, một không khí lạc quan yêu đời. Đã cho nhân loại nhìn rõ nội tâm của mình. Các thiền sư thời Lý- Trần là những nhà văn uyên bác đã vận dụng được tinh thần “vận hành vô hành” tạo cho con người một lối sống mới đầy chất liệu nhân bản. Bởi vì các ngài đã hiện thực trong cuộc sống bằng huệ đức và từ bi. Tất cả từ vua chúa đến quan, dân đều thấm nhuần giáo lý Phật giáo. Vì thế, đã đưa đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Thơ văn của các thiền sư đã mang chất liệu Phật hóa đã hoà nhập vào dòng máu của người dân trong thời đại này.
Hình ảnh của các thiền sư được thể hiện qua dáng vẻ ung dung tự tại. Do đó, những áng văn của các ngài rất sống động. Nội dung rất phong phú, nhiều lĩnh vực, những lĩnh vực nào cũng có hai khuynh hướng: sống cho mình và sống cho người.
2. Giá trị tư tưởng nghệ thuật
Theo quan điểm của Phật giáo, một người được coi toàn diện là con người phải có đầy đủ hai đức tính từ bi và trí tuệ. Đó là một chỉnh thể thống nhất không thể phân ly. Nếu từ bi mà không có trí tuệ thì chẳng khác nào người ngu tốt bụng, nếu có trí tuệ mà không mang yếu tính của từ bi thì chỉ là những người mưu mô xảo trá, luôn đem lại sầu đau cho nhân thế. Cũng vậy một áng văn thơ được gọi là đẹp thì nó phải chứa đựng một nội dung hay giá trị thẩm mỹ phải bao hàm cả giá trị nội dung.
Cũng vậy giá trị Phật giáo trong văn học Lý -Trần là tiêu chuẩn khiến con người được thư thái nhẹ nhàn, xa rời dục lạc, đưa con người đến với cuộc sống an lạc giải thóat. Đó là cái đẹp tuyệt đối, là giá trị đích thực của Phật giáo. Phật giáo chấp nhận những tiêu chuẩn cơ bản về giá trị thẩm mỹ của văn học nói chung. Từ đó ta thấy những sáng tác thơ văn của các vị thiền sư đã dùng một số chất liệu trùng với rất nhiều tác giả không phải Phật giáo nhưng vẫn thể hiện giàu từ ngữ, giàu hình ảnh và âm điệu. Thẩm mỹ là cái cao cả được nhìn từ gốc độ chủ thể, cảm nhận nhân cách xuất phát từ tâm của đức Phật và hàng thánh chúng đệ tử. Nhân cách cao cả ấy hiện hữu rất gần gũi trong cuộc đời, và ta có thể tìm thấy nó trong hai câu đối của ngài Pháp Thuận trong một lần thị hiện người lái đò tiếp sứ thần Lý Giác.
“Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi thanh ba”.
Do đó, ngoài những ánh văn thơ nhuốm màu triết lý đạo đức. Để trở về với thực tại, xa lìa ngôn ngữ, tư duy Thiền sư Viên Chứng đã đưa chúng ta đến với thiên nhiên với những cảnh của núi, sông, trăng, gió…
Gió thổi tiếng còn xuyên trúc đến
Đều non mang nguyệt vượt tường sang
Cũng cảnh ấy vật này Tuệ Trung Thượng Sĩ đã thể hiện thái độ tự tại không chấp trước không phân biệt qua bút pháp miêu tả của mình.
Gió thổi ngại gì đám hoa râm
Trăng tà đâu quản đáy khe sâu
Với tâm hồn sáng trong bình dị, cốt cách thóat tục của các thiền sư còn được thể hiện rõ nét qua cách hành văn. Cái đẹp ở đây mang tính giải thóat tự tại trong việc đề xuất chất liệu của thực tại, phóng túng trong việc dùng từ, dùng câu, bằng ngôn ngữ văn tự. Giá trị giải thóat điềm nhiên ấy cái khung cảnh vắng lặng thanh tịnh của núi rừng và sự biến chuyển vô thường của kiếp sống cũng được tìm thấy qua các bài ca, phú, kệ…
3. Thể loại nghệ thuật
Có thể nói văn học Phật giáo Lý – Trần phần nhiều là thể loại văn học trung đại. Nhưng mang tính nghệ thuật cao như: Thể thơ, thể luận thuyết tôn giáo và truyện.
3.1. Thể thơ
Thơ là một thể loại văn học trung đại ưa chuộng, cũng như văn học Phật giáo Lý- Trần. Đa số văn học Lý- Trần là thể thơ. Thường sử dụng thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn hoặc thất ngôn, bát cú đôi khi cũng có trường thiên cổ phong…
Có thể nói nghệ thuật chủ yếu của thơ thiền Lý- Trần là thơ tứ tuyệt và bát cú, cả ngụ ngôn và thất ngôn. Đôi khi cũng có tứ ngôn, nhất là trong các bài minh hay bài kệ trong văn bia. Nhưng phổ biến nhất là tứ tuyệt mà các thiền sư thường sử dụng.
3.2. Thể luận thuyết tôn giáo
Thể luận thuyết tôn giáo có những đóng góp lớn không chỉ về nội dung mà còn về hình thức nghệ thuật. Luận thuyết tôn giáo thuộc loại tạp văn vì nó tiếp thu cả thơ và tản văn, nhưng tạo nét đặt sắc riêng. Nó vừa có tự sự, vừa có triết lý, vừa trình bày, vừa lý giải, vừa cảm xúc trữ tình. Trong thể loại tác phẩm nổi bậc nhất trong nền văn học Lý- Trần là “Khóa Hư Lục” của Trần Thái Tông. Tác giả đã sử dụng bút pháp linh hoạt, câu văn giàu hình ảnh, mà bài “Phổ Thuyết Tứ Sơn” là một trong những minh chứng, đã sử dụng phép so sánh về bốn giai đoạn kiếp người (sinh, già, bệnh, chết) bằng hình ảnh bốn quả núi theo bốn mùa. Gợi lên hình ảnh nghệ thuật trong văn học Lý -Trần.
3.3. Thể truyện kể
Khi nói đến truyện kể có ba thể loại truyện: sử- bi- ký, “có thể xem truyện kể là hình thức vừa nhảy vọt lại vừa kế thừa thủ pháp nghệ thuật của cả bốn loại hình (thơ ca, biền văn, tản văn, tạp văn) nói trên. Chỗ đặc biệt của thể loại hình này là bắt đầu hình thành một cốt truyện. Và xoay quanh cốt truyện là những nhân vật được khắc hoạ nhiều khi rất sinh sắc”.[2]
Những tác phẩm trong văn học Lý- Trần thường được viết theo dạng: Thực lục, hành trạng, truyền đăng… Nhất là bút pháp chép truyện trong Thiền Uyển Tập Anh và Tam Tổ Thực Lục.
4. Ngôn ngữ nghệ thuật
Mỗi thời đại đều có những đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật riêng như Văn học Phật giáo thời Lý- Trần có đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật mang bản sắc văn học trong thời kỳ này. Cho nên, người đọc dễ nhận thấy sự khác biệt của văn học này đối với các bộ phận văn học khác. Vì nó thuộc văn học trung đại, nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính hàm súc, đa nghĩa và thường sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật tượng trưng, ẩn dụ, điển cố. Nói chung, ngôn ngữ nghệ thuật văn học Lý- Trần được thể hiện với các đặc điểm sau:
- Văn học Phật giáo Lý- Trần thường sử dụng khái niệm, phạm trù triết lý thiền, mỹ học thiền…
- Văn học Phật giáo Lý- Trần thường sử dụng những ẩn dụ với tính ước lệ hóa.
- Văn học Phật giáo Lý- Trần thường dùng những từ ngữ, hình ảnh mang tính nghịch ngữ, phi logic
- Văn học Phật giáo Lý- Trần thường ưa sử dụng điển cố.
KẾT LUẬN
Phật giáo có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua, nó có vai trò và vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc mà đỉnh cao là Phật giáo thời Lý- Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động, và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc. Cả hai triều đại Lý- Trần, Phật giáo đã trở tôn giáo ưa chuộng nhất. Lúc bấy giờ cả nước từ vua quan đến thứ dân đều quy y theo Phật, giữ gìn giới luật, tu trì thiền định. Bởi thâm nhập giáo lý Phật Đà qua chính sách an dân trị quốc nên các vua Lý- Trần đã chinh phục bao con tim và khối óc của con người bằng đức trị thay pháp trị. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam và cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong lịch sử nước nhà.
Chú thích:
[1] . Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý - Trần- Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, tr.45
[2]. Nguyễn Công Lý(2003), Văn Học Phật giáo Thời Lý Trần Diện Mạo Và Đặc Điểm, NXB Đại Học Quốc Gia Tp.HCM,tr.258.
Tài liệu tham khảo:
1. Trương Văn Chung(1998), Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, Nxb. Chính trị Quốc gia.
2. Thích Phước Đạt(2019), Trần Thái Tông- Khóa Hư Lục Nhìn Từ Góc Độ Văn Học, Nxb. Hồng Đức.
3. Thích Phước Đạt(2016), Giá Trị Văn Học Trong Tác Phẩm Của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
4. Viện Văn học(1989), Thơ văn Lý - Trần (Tập1- 2), Nxb. Khoa học xã hội
5. Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nxb. La Bối.
6. Nguyễn Công Lý(2002), Văn Học Phật giáo Thời Lý-Trần Diện Mạo Và Đặc Điểm, Nxb. Đại Học Quốc Gia TP.HCM.
7. Thích Phước Sơn(1995), Tam Tổ Thực Lục (dịch), Viện NCPH.
8. Ngô Tất Tố(1960), Văn Học Thời Trần(dịch), Nxb. Khai Trí.
9. Thích Giác Toàn(2006), Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý Trần qua văn chương, Nxb. Tổng Hợp Tp.Hcm.
10. Quảng Thảo(2007), Chân dung con người trong thơ thiền Lý- Trần, NXB Tôn Giáo.
11. Lê Mạnh Thát(2006), Trần Nhân Tông (Toàn Tập), Nxb. Tổng Hợp Tp.HCM.
12. Lê Mạnh Thát(2002), Văn học Phật giáo Việt Nam (Tổng Tập), Nxb Tổng Hợp Tp.Hcm.
13. Lê Mạnh Thát(2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Tập III), Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
14. Lê Mạnh Thát (1999), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Tp.HCM.
15. Lê Mạnh Thát(2004), Trần Thái Tông (Toàn Tập), Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2004
16. Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo Sử, Thuận hóa,1996.
17. Thích Thiện Trí(2000), Lược sử văn học Phật giáo thời Lý- Trần, Lưu Hành Nội Bộ.
Tác giả: Thích Đồng NiệmĐể cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)