Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Giá trị tư tưởng của thiền phái Chúc Thánh trong quá trình phát triển hiện nay

Giá trị tư tưởng của thiền phái Chúc Thánh trong quá trình phát triển hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Chúc Duyên
Học viên Cao học Khóa 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Chúng ta nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam hẳn thấy nổi bật một nét đột phá vô cùng thú vị – một Thiền phái mang đậm dấu ấn Việt Nam ở TK XVII. Đây là một chấm son trên lịch sử môn phái nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh có một vị trí đặc biệt, sự ra đời Thiền phái đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân Quảng Nam nói riền về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Nhưng đồng thời cũng có thể tu chứng trên cơ sở nền tảng giáo giáo Pháp của Phật. Dưới ảnh hưởng lớn lao của Thiền phái Trúc Lâm, các thiền phái song song thiền phái Lâm Tế, Tào Động, Liễu Quán đã theo thời gian lịch sử dần dần xuẩt hiện và phát triển khắp Đàng trong. Về sau, Tổ Minh Hải – Pháp Bảo đã khai mở dòng thiền Chúc Thánh phát triển, đi vào lòng người dân Quảng Nam, một dòng thiền không chỉ tiếp thu tinh hoa quá khứ mà còn tổng hợp được những cống hiến của thời đại mình.

Tổ sư Minh Hải thế danh là Lương Thế Ân, sinh ngày 28 tháng 6 năm Khang Hi thứ 8 (1670), tại làng Thiệu An huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm Mậu Ngọ (1678), Tổ được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Quảng Châu, khi vừa tròn 9 tuổi. Đến năm 20 tuổi, Sư thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Vạn Phong Thời Ủy[1]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc To Dinh Chuc Thanh To Su Minh Hai Phap Bao 1

Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo. Ảnh: St

Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo là người đặt nền móng cho sự ra đời Thiền phái Chúc Thánh. Ngài vừa là một bậc thầy khả kính, một thiền sư lỗi lạc, là vị Tổ khai sáng dòng thiền Chúc Thánh với những nét độc đáo kết hợp hài hòa giữa thiền học Việt Nam và thiền học Trung Hoa. Một dòng thiền mang đậm nét văn hóa dân tộc, tinh thần thiền phái Chúc Thánh đầy ắp sự uyên thâm bác học nhưng rất gần gũi với nhiều tầng lớp xã hội.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là nhập thế phụng sự cho đời sống; giải thoát tâm linh cũng như giải thoát đời sống xã hội là hai phương diện liên quan đến nhau, bổ túc cho nhau. Phật tại tâm của Trúc Lâm Yên Tử là sự phát triển đến trình độ cao gần như hoàn thiện quan niệm Phật tại tâm của Phật giáo.

Chúc Thánh là thiền phái Phật giáo Việt Nam nhờ gạn đục khơi trong, hoà quyện những tinh hoa của hai dòng Tào Động, Lâm Tế của người Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc trên tinh thần giáo lý chỉ như đò đưa khách qua sông, không lệ thuộc văn tự để chống nhau. Điều quan trọng là tốt đời, đẹp đạo.

Tổ sư Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh, Ngài Minh Lượng thì truyền pháp theo bài kệ của Ngài Mộc Trần – Đạo Mân, còn Ngài Minh Hải thì biệt xuất riêng một bài kệ truyền pháp. Từ đó, lịch sử Phật giáo Việt Nam có thêm một dòng thiền mới, đó là thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Sự hoằng hóa của Tổ sư Minh Hải và chư vị tổ sư cao tăng thạc đức không những thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cư dân vùng Quảng Nam cũng như Phật giáo Đàng trong, mà còn đáp ứng yêu cầu trị vì về mặt tinh thần của giai cấp cầm quyền. Sự hình thành thiền phái Chúc thánh góp phần quan trọng cho sự hình thành “bản vị Phật giáo Quảng”, tiếp tục truyền bá, lan tỏa Phật giáo Việt Nam vào vùng đất phương Nam. PGS.TS Trần Thuận cho rằng:

“Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo là một trong những vị thiên sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, chỉ một bài truyền pháp đã toát lên sở tu, sở ngộ của Ngài, vượt thoát cả không gian và thời gian, bao trùm lên tất cả. Chính sự lan tỏa và phát triển mạnh mẻ của chi phái Chúc Thánh khắp cả Đàng Trong và khu vực phái Nam sau này, và cả nước ngoài nữa, đã minh chứng công đức của Ngài. Kế thừa tổ Minh Hải – Pháp Bảo là Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm, Ngài là người Việt đầu tiên đắc pháp với Tổ. Theo phổ hệ truyền thừa, Tổ sư Minh Hải có trên 10 vị đệ tử truyền pháp, trong đó nỗi bật hơn cả là Thiền sư Ân Triêm, cũng từ Tổ Ân Triêm, dòng thiền Chúc Thánh lan rộng khắp các tỉnh thành, và đó cũng là yếu tố căn bản để hun đúc tính chất Việt trong phái Thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở nước ta”[2]

Nhìn từ góc độ sinh hoạt tôn giáo thì Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh là sự dung hợp giữa thiền tông và tịnh độ tông. Đây là đặc điểm nổi bật của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh đối với Phật giáo ở những miền khác trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm lý giải thấu đáo những gì liên quan đến Phật giáo.

Ở cương vị xuất gia tu hành thì có thể nặng về thiền, nhưng đối với phật tử tại gia thì lại nặng về tịnh độ. Tổ sư Minh Hải là một biệt lệ đáng chú ý và nổi bậc trong sinh hoạt thiền ở nước ta. Có thể nói rằng Tổ Minh Hải đã làm sống dậy cái không khí tham cứu công án đầy hứng khởi của sinh hoạt thiền bắt nguồn từ Trung Hoa[3].

Người tịnh độ tông chuộng cái tâm hơn sự học, học thuyết của họ là thành tâm mà niệm Phật A Di Đà thì khi mất sẽ được về nơi cực lạc. Người tu tịnh độ tông không phân biệt xuất gia tu hành hay tu tại gia, không phân biệt kẻ dữ với người hiền, cũng không phân biệt người thông kinh sử với kẻ chẳng ăn học gì, tất cả đều bình đẳng trước Phật. Dốc lòng niệm đến Phật thì đều được giải thoát về thế giới an lành. Người theo tịnh độ tông nhấn mạnh đức tin tuyệt đối nơi Phật A Di Đà mà không cần phải tự cầu khổ tu chứng. Tín tâm là phương tiện duy nhất để giải thoát. Cốt lõi của tín tâm đó thể hiện rõ ở  ba lời nguyện 18, 19, 20 trong 48 lời nguyện của kinh A Di Đà là Tín – Hạnh – Nguyện [4].

Sự ảnh hưởng của tư tưởng Thiền phái còn được biểu hiện qua lối sống, đây chính là giá trị văn hóa tinh thần mà Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo để lại. Sự hướng dẫn tu tập của Tổ sư Minh Hải được chư vị Tổ sư Thiền phái kế thừa và phát triển. Vì lo con người dễ bị mất gốc, dễ lạc vào đường ác nên ông đã kêu gọi “tu theo thập thiện”. Chư vị Tổ sư thiền phái mở lớp thuyết pháp ở nhiều nơi, khuyên mọi người thực hành 10 điều thiện: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không nói lời chia rẽ; 6. Không nói lời độc ác; 7. Không nói lời bẩn thỉu; 8. Không tham lam; 9. Không giận dữ; 10. Không tà kiến. Chư vị Tổ sư Thiền phái tìm cách dẫn dắt người dân Quảng Nam lúc bấy giờ tin vào Phật. Việc làm cụ thể bằng mười điều thiện để xây dựng cho nhân dân nền tảng đạo đức con người. Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo và chư vị Tổ sư Thiền phái luôn giữ nếp sống đạo hạnh, giản dị, trong sáng. Loại bỏ địa vị cao sang tột cùng, chấp nhận cuộc sống tu hành khổ hạnh với ý chí quyết tâm lớn và xây dựng xã hội lấy đạo đức làm nền tảng.

Giá trị tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh còn góp phần hình thành ý thức sống cần thiết cho xã hội văn minh mà chúng ta hướng tới. Bởi thứ nhất, kế thừa văn hóa Thiền tông Việt Nam và sự kết hợp nhuần nhuyễn Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh mà Tổ Minh Hải đã thể hiện nhân sinh quan thực tế. Đó chính là nhập thế, tích cực hoạt động để tạo an lành, hạnh phúc cho xã hội. Với nội dung nhập thế tích cực giúp đời hành đạo – hành đạo giúp đời là điểm nổi bật nói chung của Phật giáo Việt Nam. Thứ hai, thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh thể hiện nhân sinh quan giản dị. Chuyện tu hành đơn giản, thiền giáo song hành, đơn giản nhưng không dễ thực hiện vì con người thường bị phân tán, vương vấn bởi nhiều điều, nhiều mối lo cuộc sống. Khi chú ý tập trung vào hiện tại, vào việc mình đang làm, chính đó là lúc thiền hiển hiện, không cần tìm cầu. Chính sự đơn giản này mà Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh thu hút nhiều người dân ở Quảng Nam lúc bấy giờ. Đó cũng là phù hợp với triết lý sống giản dị, gần gũi với tự nhiên của người Việt. Thứ ba, Pháp môn Thiền phái thể hiện lối sống linh hoạt, lạc quan. Chư vị Tổ sư Thiền phái dạy chúng ta thoát khỏi căng thẳng, hòa mình để thích nghi và lạc quan. Tinh thần như vậy là liệu pháp cần thiết với một dân tộc thường xuyên phải gánh chịu hậu quả từ chiến tranh và thiên tai như dân tộc ta. Thứ tư, Thiền phái thể hiện tư tưởng bao dung, nhân hậu, hòa bình phù hợp với tính cách người Việt. Thiền tông Việt Nam với lối sống phóng khoáng, giàu chất nhân văn là nguồn gốc tạo nên sức mạnh tinh thần của thời đại.

Những giá trị của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh và những hoạt động cụ thể của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh Việt Nam hiện nay giúp con người tự giáo dục bản thân, trở về với chính mình, với thực tại, nhìn đúng thật tướng. Sinh hoạt tự viện trong hệ thống Thiền phái đã thu hút mọi tầng lớp trong xã hội đến tu tập. Thông qua khóa tu, mỗi người nhận ra giá trị cuộc sống, sống hướng thiện và hành thiện trong tinh thần bao dung, nhân hậu, hòa bình, xóa đi khoảng cách giữa các thành phần trong xã hội. Xét dưới góc độ văn hóa thì những giá trị nhân văn, trong hoạt động của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh hiện nay là những giá trị cần thiết, cơ bản, bền vững trong văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức người Việt Nam. Ở góc độ nào đó, chính họ đã trở thành những tế bào tích cực của xã hội, tham gia giữ gìn một “cơ thể” khỏe mạnh cho xã hội, đồng thời tự hoàn thiện và xây dựng nhân cách cho chính mình – một nhân cách Phật giáo. Có thể nói, Thiền phái đã góp phần trong việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại. Đây cũng chính là nét đặc sắc về sự kế thừa của Tổ sư Minh Hải trong quá khứ khi lập ra Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh.

Tiếp cận Lý thuyết cấu trúc – chức năng trong việc tìm ra đặc điểm của Thiền phái Chúc Thánh, tác giả nhận thấy các biểu hiện của Thiền phái dù phong phú và đa dạng, có sự biến đổi và bổ sung theo thời gian nhưng vẫn tồn tại trong một thể nhất định. Chỉnh thể đó được thể hiện thông qua một số đặc điểm. Rất có thể còn nhiều đặc điểm khác cần được làm sáng tỏ trong các nghiên cứu tiếp theo, tuy vậy trong giới hạn và mục đích, tác giả tập trung vào 3 đặc điểm cơ bản sau đây:

Tính dân tộc là ý thức về dân tộc lấy văn hóa dân tộc làm cơ sở trong quá trình hình thành Thiền phái của Tổ sư Minh Hải. Kết quả của sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của dân tộc từ Thiền phái Trúc Lâm cho đến sự kết hợp với Thiền phái Lâm tế. Tính dân tộc là đặc trưng riêng và thể hiện ở nguồn gốc ra đời và trong các biểu hiện như tư tưởng, sinh hoạt thiền, đạo đức, lối sống, văn học, lễ hội, kiến trúc, mỹ thuật… Tính dân tộc còn thể hiện ở chỗ những người kế nghiệp và phục hưng Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh.

Với tư tưởng “Kỳ Quốc Tộ Địa Trường” của Thiền phái, được xem là tư tưởng đề cao tính dân tộc, bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, một đặc trưng mang tính bản sắc của văn hóa Việt Nam. Tư tưởng đó luôn đồng hành cùng dân tộc, được trải nghiệm và chứng minh qua những trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước và mở nước. Tinh thần dân tộc thể hiện đậm nét trong sinh hoạt của chư vị Tổ sư Thiền phái qua việc duy trì truyền thống như lối sống lục hòa, sám hối, thực hành sinh hoạt thiền giản dị mà không giản đơn, giữ tâm thanh tịnh, tự tại nội tâm, cũng giống như người Việt Nam. Quan điểm “ở hiền gặp lành” “báo đáp tứ trọng ân”, “người Phật tử hiếu hạnh”, “hành thiện tránh ác”, “từ bi cứu khổ”, “tôn trọng con người”, “bình đẳng tâm, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn”, “yêu chuộng hòa bình”… đã thấm đậm trong tâm tưởng một bộ phận người dân. Mà ở đó, người ta không còn phân biệt đâu là đạo đức xã hội, đâu là đạo đức tôn giáo.

Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu. Có thể khẳng định rằng ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam, bình đẳng tôn giáo được thực hiện trong khuôn khổ và lý tưởng công bằng xã hội.

Phong trào phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1963 do chư tôn đức môn phái lãnh đạo như trong đó có các thầy: Thích Chân Phát, Thích Trí Minh, Thích Minh Thế, Thích Hành Sơn, Thích Như Vạn và Thầy Thích Long Trí [5]. Cuộc đấu tranh của tăng ni, phật tử Quảng Nam – Đà Nẵng nói chung và chư tôn đức Thiền phái nói riêng cũng như cả miền Nam năm 1963 đã góp thêm một cứ liệu hào hùng chứng minh cho nhận định trên đây.

Tính nhân sinh, thực tế của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh Việt Nam thể hiện qua tinh thần nhập thế, đề cao con người là trung tâm, hành đạo hướng tới con người, vì con người. Qua đó, Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh không chỉ chú trọng giảng kinh sách mà đã đưa kinh sách “bước vào” cuộc sống, hiện thực hóa kinh sách bằng việc làm cụ thể. Nhờ vậy, đạo đức và lối sống Thiền tông phát huy được vai trò tích cực trong đời sống xã hội, góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh luôn có sự chuyển động về hình thức, ngôn ngữ tiếp cận và thâm nhập những vấn đề của cuộc sống, phù hợp với thời đại. Đây cũng chính là biểu hiện của tính nhân sinh, thực tế. Lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Kiến trúc, mỹ thuật gồm các di tích là nơi tiến hành các khóa lễ giản dị nhưng giàu ý nghĩa biểu trưng của tâm linh. Những nơi này trở thành trung tâm Thiền phái, cơ sở văn hóa, nơi giảng pháp, tọa đàm giáo lý, hội thảo, giao lưu văn hóa cộng đồng, trong và ngoài nước.

Nối tiếp truyền thống, thiền phái Chúc Thánh do Tổ Minh Hải – Pháp Bảo sáng lập và phát triển ở đầu thế kỷ XVIII “niềm tin của Tổ đã hiện thực”, vì sau khi Ngài viên tịch, dòng thiền Lâm Tế – Chúc Thánh của Ngài đã phổ cập khắp nơi, rồi cùng đi theo với bước chân của dòng Thiền ấy là vô số những ánh lửa bùng lên thắp sáng cả một miền Nam đất Việt suốt trên ba thế kỷ nay.

Thực tế đã chứng minh, từ khi cắm rễ hình thành, phát triển, Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh đã không chỉ đóng vai trò trong đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam mà đã cùng Phật giáo Việt Nam góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa đa dạng, độc đáo, phong cách, đặc sắc.

Chúng ta cần phải tôn trọng, gìn giữ để bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của nước nhà.

Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, có vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ trong hành trình phát triển lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam và cũng là giá trị tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh Việt Nam.

Thích Chúc Duyên
Học viên Cao học Khóa 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HT.TS Thích Đồng Bổn – PGS.TS Chu Văn Tuấn. (2021). Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh – lịch sử hình thành và phát triển. Hà Nội: Hồng Đức.
2. Đoàn Trung Còn (1995), Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế.
3. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập2, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội.
4. Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517), Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
5. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn.

Chú thích:
[1] https://web.archive.org/web/20150923195019/http://www.buddhistedu.org/viet/index.php/m%C3%B4n-phong/18-lam-te-chuc-thanh/599-bo-chinh-su-lieu-ve-thien-su-minh-hai-phap-bao
[2] HT.TS Thích Đồng Bổn – PGS.TS Chu Văn Tuấn. (2021). Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh – lịch sử hình thành và phát triển. Hà Nội: Hồng Đức.
[3] Đoàn Trung Còn (1995), Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 115-132 . Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517), Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr 315-334.
[4] Đoàn Trung Còn (1995), Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 115-132 . Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517), Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr 315-334.
[5] Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường