Trang chủ Chuyên đề Giá trị tu hành Phật đạo của Tổ Như Trừng Lân Giác

Giá trị tu hành Phật đạo của Tổ Như Trừng Lân Giác

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS.Nguyễn Thị Thanh Mai
Khoa Đông phương học, Trường KHXH & NV, Tp.HCM

1. Dẫn nhập

Chư vị thiền sư khi đến thế gian này không nói một lời nào; khi rời khỏi thế gian chư vị cũng không để lại dấu vết. Vì bởi đạo vốn dĩ không lời, có lời là trái với đạo. Tuy nhiên, vì thấy giá trị tu hành của Tổ sư Như Trừng có lợi ích thiết thực cho hậu thế, cuộc sống nhân sinh ở thế gian được bình an, hạnh phúc và có giá trị. Cho nên, hàng đệ tử và tín đồ Phật tử của ngài đã phương tiện, cố gắng ghi lại lời dạy của Tổ; nên hiện nay chúng ta mới có được một ít tư liệu về hành trạng tu hành, giáo hóa độ sinh của ngài; theo đó chúng ta có thể học hỏi và noi theo các giá trị tu hành của ngài còn lưu lại.

Giá trị của người tu không phải là quyết định ở thời gian tu hành là bao lâu; trụ thế thời gian dài là kết quả; mà là trên công phu tu tập, hành giả phải đi đến giác ngộ, giải thoát và hóa độ chúng sinh. Đây là mục đích chính của đạo Phật. Là giá trị lớn nhất trong cuộc đời tu hành của Tổ sư Như Trừng; là tiêu chí đánh giá và xác định rõ mục đích tu hành của Tổ. Việc nhận thức đúng những giá trị tu hành, nên tổ sư Như Trừng có một bước quyết định đúng đắn và dứt khoát. Đây cũng là giá trị có thể thấy được ở Tổ sư Như Trừng Lân Giác trong thời ngài còn tại thế.

2. Thân thế của Tổ Như Trừng Lân Giác

Thời điểm thị hiện của Tổ Như Trừng Lân Giác, vào lúc đất nước đang trong giai đoạn đình chiến, phân chia ranh giới Bắc Nam; đàng trong và đàng ngoài do cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn. Khi Tổ rời khỏi thế gian, cũng là lúc chiến tranh Trịnh Nguyễn sắp bắt đầu, vì thế việc xuất gia tu hành của Tổ sư tương đối đang ở trong thời kỳ thịnh trị nhân dân yên ổn; và có thể làm sống lại mạch nguồn Thiền trong Phật giáo Việt Nam.

Tổ Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733), là con trai thứ 11 của Phổ Quang Vương; sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 17 thời vua Lê Hy Tông. Thế danh là Trịnh Linh, sau khi trưởng thành gia tộc đổi tên là Trịnh Thập, ngài thuộc dòng dõi quý tộc. Một điểm khác biệt hơn người bình thường là trán ngài vuông góc như hình chữ nhật (日). Tổ rất thông minh, tài đức vẹn toàn học rộng hiểu sâu; kết duyên cùng công chúa thứ tư con của vua Lê Hy Tông. Tư dinh của ngài là khu đất vườn ao được sáu mẫu tại huyện Thọ Xương, phường Bạch Mai – Hà Nội. Phía sau có vườn gò đất cao bảy, tám thước. Tổ sư Như Trừng là dòng dõi hoàng tộc, tuy sống trong cảnh giàu sang quyền quý nhưng Tổ luôn hướng về tu hành, không màng đến mọi thứ vật chất sang hèn ở thế gian[1].

Thân thế của ngài nếu là ở vị trí người phàm tục như chúng ta, thì là một nghịch duyên đối với đạo, nếu là người muốn tu cũng rất khó vì quá cao sang. Trong ngôi vị cao sang quyền quý, thọ hưởng đầy đủ, thì rất ít ai nghĩ đến đạo và muốn tu hành; dù có muốn tu cũng không dễ dàng vượt qua được tham dục thế gian. Thế nhưng đối với ngài lại khác, không kể thắng duyên hay nghịch duyên; dù là dòng dõi hoàng tộc mà ngài không tham đắm luôn hướng tâm đến cửa thiền. Đây là điểm đặc biệt khác hẳn người bình thường.

Một hôm tại tư dinh, Tổ Như Trừng sai người đến gò đất đào sâu xuống làm thành ao thả cá vàng; trong khi đang đào họ thấy một cọng sen lớn rồi đem trình lên ngài xem. Ngài thấy lạ và đoán rằng điềm lành để có cơ duyên được xuất gia; vì thế ngài đổi tư dinh chuyển thành chùa đặt tên là Liên Tông, viện Ly Trần. Kể từ lúc này Tổ Như Trừng chuyên tâm tu hành học Phật tham thiền. Sau đó Tổ dâng sớ xin phép chúa Trịnh được xuất gia đầu Phật được chúa Trịnh đồng ý. Tổ hướng thẳng lên chùa Long Động huyện Đông Triều trên núi Yên Tử; đảnh lễ thiền sư Chân Nguyên xin xuất gia. Thời điểm này thiền sư Chân Nguyên đã tám mươi tuổi.

Thời vua Lê Hy Tông tuy là một vị vua hiền đức, nhưng vào thời kỳ này Phật giáo không còn ở vị trí như thời Lý, Trần do Nho giáo phát triển. Có lần, vua Lê Hy Tông đuổi hết các tăng ni tu hành trong chùa lên núi; vì nghe lời sằng tấu của các quan trong triều đánh giá xấu về Phật giáo không có lợi ích. Sau này, khi thiền sư Tông Diễn khuyên can nên vua tỉnh ngộ; từ đó thời Lê rất tôn sùng Phật pháp, kính phật trọng tăng[2]. Vì thế, khi Tổ dâng sớ xin xuất gia chúa Trịnh và vua rất hoan hỷ; dù đang là phò mã của công chúa, và ở địa vị Phó tướng tước Thân quận công nắm giữ binh quyền để giúp đỡ triều đình[3]. Ở ngôi vị hoàng tộc cao sang mà Tổ đã vượt qua được tham đắm thế gian quyết chí tu hành; Tổ đã giác ngộ được mọi thứ trên thế gian đều là vô thường, khổ, không, vô ngã như lời Phật đã dạy. Cho nên, Tổ Như Trừng Lân Giác đã nhận định đúng từ chánh kiến; nên quyết định đúng đắn và dứt khoát. Khi thấy điềm lành xuất gia đã đến Tổ sư lập tức cải gia vi tự, lập nên chùa để chuyên tâm tu hành. Đây cũng có thể nói là Tổ một bước thẳng vào đất Như Lai.

Thiền sư Chân Nguyên lần đầu tiên khi gặp Tổ Như Trừng đã biết ngài là bậc pháp khí nên nói: “Sau này trùng hưng Phật Tổ là giao lại cho ngươi.”. Từ đó, Tổ Như Trừng nghiên cứu kinh điển đêm ngày đều được sáng tỏ. Đến một hôm Tổ sư y áo oai nghi tề chỉnh, xin phép Thiền sư Chân Nguyên thọ giới Cụ túc. Sau khi thọ giới xong và được Thiền sư Chân Nguyên truyền tâm pháp; Tổ Như Trừng trở về lại ngôi cải gia vi tự của ngài và trụ trì tại đó. Tại Liên Tông, Tổ Như Trừng giáo hóa rất thịnh hành, đồ chúng đến tham học càng ngày càng đông. Thời đó, Tổ Như Trừng xây dựng thêm ngôi chùa Hộ Quốc ở phường An Xá. Về sau Tổ sư đến Quế Dương dựng một ngôi già lam rất lớn lấy tên chùa là Hàm Long. Khi Tổ tịch, đệ tử là Tính Ngạn làm trụ trì; chùa Liên Tông là đệ tử Tính Dược trụ trì. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 476)

Tổ Như Trừng khi xuất gia tu hành giáo hóa độ sinh ở thế gian thời gian rất ngắn; nhưng Tổ sư làm bấy nhiêu việc đó thật sự giá trị rất lớn vô cùng đối với hậu thế. Vinh hoa phú quý giàu sang, quyền cao chức trọng,…thế gian phần nhiều ai ai cũng ham thích, và đấu tranh để giành cho bằng được mọi thứ về mình. Thế nhưng, Tổ một bước đã buông sạch, chỉ cái việc cọng sen ở gò đất, mà Tổ tin chắc rằng là điềm lành để ngài tu hành. Đây là chỗ mà đạo vô ngôn. Do đạo không có lời, nên cọng sen đơn giản, cũng có thể thuyết pháp. Tổ Như Trừng nhận ra yếu chỉ phải làm gì; làm thế nào để tu hành và giúp ích được gì cho tha nhân.

Đạo vốn dĩ vô ngôn, có ngôn từ nhiều trong kinh điển, là do chúng ta quá ư là mê chấp; nên Phật Tổ mới phương tiện lập nhiều ngôn thuyết để giáo hóa. Khi Tổ Như Trừng xuất gia, thiền sư Chân Nguyên đâu có dạy gì nhiều, khi đó thiền sư Chân Nguyên đã 80 tuổi gần[4]. Khi nhìn thấy Tổ là thiền sư Chân Nguyên biết Tổ có thể gánh vác Phật pháp cho tương lai.

Khi Tổ Như Trừng nhận ra được lời Phật dạy các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã bằng trí tuệ chân thật của chính ngài, thì một bước buông sạch sành sanh; một bước thẳng vào đất Như Lai. Giá trị này hàng hậu học chúng ta có thể đi theo dấu chân của Tổ không cần phải đắn đo. Chỉ cần chúng ta làm thế nào, để có cái nhìn bằng trí tuệ của chính mình, thì sẽ buông được cho dù tập khí chúng ta có sâu dày. Một khi có cái nhìn đúng đắn bằng chánh kiến, thì mình sẽ có ý chí để buông; buông một lần không được thì buông nhiều lần, cố gắng sẽ buông được.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Gia Tri Tu Hanh Phat Dao 1

Một hôm Tổ Như Trừng cười hiền từ trong sự an lạc của tự tánh, nói chậm rãi những âm vang pháp sâu vào mỗi Phật tử kết hợp với hình ảnh của ngài luôn sống giản dị trong chiếc áo nâu sòng thân quen, toát lên vẻ thanh cao, trí tuệ, từ bi, thoát tục. Tổ Như Trừng đã cống hiến, hy sinh, chẳng quản gian lao, giáo huấn đệ tử của ngài từng bước trên con đường đạo qua các bài kệ. Trước khi rời khỏi trần thế ở tuổi 37, giờ quy tịch của ta sắp đến. Thân tứ đại khổ này không thể giữ được lâu. Khi sắp tịch Tổ nói: Tổ đã được Hòa thượng Chân Nguyên truyền pháp, nay Tổ quy tịch trao lại cho đệ tử và nói kệ:

Vốn từ  không gốc

Từ không mà đến

Lại từ không mà đi

Ta vốn không đến đi

Tử sanh làm gì lụy.

Nói xong, Tổ ngồi an nhiên mà tịch. Tổ tịch vào niên hiệu Long Đức thứ hai 1733. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 477).

Ở thế gian, nếu chúng ta chưa biết hay không biết tu hành, thì khi sắp chết chúng ta rất sợ sệt và hoang mang, không biết khi mình chết sẽ đi về đâu. Nhưng Tổ Như Trừng khi sắp tịch chẳng những không sợ hãi mà rất nhẹ nhàng, an nhiên, tự tại, sáng ngời biết trước giờ ra đi của mình rồi dặn dò đệ tử. Đây mới thật sự là giá trị cao quý của một hành giả tu hành nói riêng, và tất cả chúng ta nói chung.

Lời Phật dạy thế gian mọi thứ đều vô thường; mạng sống chỉ ngay trong hơi thở; thở ra mà không hít vào thì mạng mất. Thật sự là vậy, không có thứ gì tồn tại mãi mãi, mà luôn theo chiều hướng thay đổi, lại thay đổi rất nhanh. Nếu chúng ta không ý thức được cuộc sống vô thường ngắn ngủi; không trân trọng những gì mình đang có ngay trong hiện tại; không biết làm gì lợi ích cho tha nhân; không có tình yêu thương tử tế với đồng loại,… Hằng ngày chuyên làm những việc tổn người hại vật, không có việc nào là việc Phật mà toàn là việc ma. Cho nên, đến cuối cuộc đời khi sắp nhắm mắt ra đi chúng ta mới thấy sợ hãi; và nhận ra rằng mình không tích lũy một chút gì có thể làm hành trang cho đoạn đường sắp tới; nên mới hoang mang lo sợ không biết mình sẽ đi đâu.

Cuộc đời Tổ Như Trừng là sống trong trọng vọng cao sang, quyền thế; nhưng Tổ sư đã không tham đắm mà lo tu hành có lợi lạc cho bản thân, làm rất nhiều việc lợi ích cho tha nhân; đem lại lợi ích thiết thực cho Phật giáo và nhân loại. Tuy Tổ sư trụ thế rất ngắn, nhưng trong thời gian tại thế Tổ đã làm quá nhiều việc có giá trị không nhỏ cho đạo pháp cho chúng sinh. Nếu chúng ta trong cuộc sống người người đều có cuộc sống tương đối thiện lương; thì cuộc sống của chính mình ngay hiện tại đã là có giá trị. Huống nữa bước thêm một bước xa hơn, là biết tu hành thì lại càng đem lại lợi lạc cho tha nhân rất nhiều; và khi xuôi tay nhắm mắt không phải lo sợ điều gì, vẫn vui vẻ an nhiên mĩm miệng cười ra đi như Tổ sư Như Trừng Lân Giác.

3. Giá trị tu hành Phật đạo của Tổ Như Trừng Lân Giác

Giá trị cao quý nhất của đạo Phật là đạo đức, trí tuệ, từ bi. Vì vậy nếu chúng ta chịu khó suy ngẫm và nhìn lại quá khứ hãy tự đặt câu hỏi thử xem: Tại sao khi xưa đức Phật sống trong nhung lụa quyền quý tột bực, mà ngài không màng đến, bỏ đi tu và đạt đến chỗ cao quý của Phật đạo?. Tại sao trong lịch sử có vua Trần Nhân Tông, khi còn là Thái tử mà ngài có ý định muốn đi tu?. Nhưng về sau, khi làm tròn bổn phận vì nước vì dân; ngài mới thực hiện được ý định của mình, và tu hành đạt đến cái giá trị cao quý của Phật đạo. Tại sao Tổ sư Như Trừng là dòng dõi quý tộc, mà Tổ cũng không tham đắm danh vọng lại muốn đi tu; và tu hành cũng đi đến cái giá trị cao quý đó. Tại sao xã hội càng ngày càng phát triển thì người ta càng tu nhiều hơn. Không ai hiểu tại sao; và chỉ có tin sâu vào chư vị đi trước; tin sâu vào nhân quả; vào thực tế mọi thứ là vô thường; mà đi đến trải nghiệm cho chính mình thì mới có kết luận.

Tổ Như Trừng cuộc đời tu hành và trụ thế rất ngắn; nhưng để lại lợi ích cho hàng hậu học một giá trị rất lớn. Trong cuộc sống của Tổ sư từ ngôi vị danh gia vọng tộc mà đi tu; là Tổ đã nói cho chúng ta biết rằng mọi thứ đều là vô thường không thể bám víu được nó. Cuộc đời của Tổ Như Trừng học đạo tu hành rồi giáo hóa tha nhân cũng ít; cũng nói cho chúng ta biết rằng đạo không có lời, vì đạo không có lời để nói nhiều nên Tổ cũng trụ thế không lâu. Vì đạo không có lời nên chúng ta hãy nhìn vào thân giáo của Tổ sư thì sẽ học được rất nhiều điều lợi ích. Tổ sư Như Trừng đã cho chúng ta thấy được cái giá trị của thân giáo để làm kim chỉ nam vô cùng bổ ích và đậm vị pháp thân; từng ngày tưới tẩm tâm hồn, nuôi lớn đạo tâm của chúng ta hiện tại và tương lai bằng dưỡng chất của đạo pháp.

Đạo không có lời nên việc thấy hay nghe nhìn đều cũng có thể thuyết pháp, không phải chỉ nói mới là thuyết pháp. Đạo không có lời, mà kinh điển thì rất nhiều lời là để cho hàng sơ cơ kém cõi như chúng ta học hỏi; nương nơi kinh điển để thực hành thì mới có thể đi đến chỗ không lời của đạo. Đạo không có lời là chỉ cho chúng ta buông những niệm lăng xăng loạn tưởng của ý thức; để cho cái thức nó ngủ thì trí mới sáng; ý thức vọng động hoài thì trí tuệ sẽ không mở ra được. Đạo không có lời, vì chúng ta thường hay bị kẹt vào ngôn ngữ văn tự, trí không thể sáng nên khi giáo hóa chư vị mới không lời để phá cái chấp của chúng ta. Đạo không có lời vì nó nằm ngoài cái tri thức phân biệt của thế gian. Vì vậy, chư vị thiền sư ngày xưa thường dùng những lời khai thị; khiến cho đồ chúng dừng hết mọi suy tưởng kiến giải; đến lúc buông hết những cái sở tri thì trí lặng lẽ; lúc đó mới nhận được cái chỗ của đạo vô ngôn. Cho nên ý nghĩ thức tưởng là chỗ rất xa với đạo, nếu không muốn nói là cội gốc của sanh tử. Đạo không có lời nên trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói: “Trong bốn mươi chín năm ta chưa hề thuyết pháp”,…

Mọi thứ trên thế gian đều là nhân duyên sinh; ngôn ngữ cũng là nhân duyên hòa hợp lại mới thành; nên không thể diễn tả hết chân lý của đạo, cho nên mới nói đạo vô ngôn. Khi học kinh điển chúng ta cần hiểu rõ ràng lý và sự, nói cách khác là tánh và tướng. Khi nhìn một sự vật hay sự việc gì, chúng ta phải có cái nhìn tổng thể bao quát mọi hiện tượng; thì mới không bị kẹt một bên, mới có thể viên dung được. Vì chúng ta chỉ nhìn ở một bên tướng rồi quên mất đi mặt tánh của pháp, nên các pháp mới sanh ra đối đãi. Cho nên, mới hiểu vì sao Phật dạy chúng ta phải đi trên con đường trung đạo là vậy.

Trong kinh điển, sách vở là tướng duyên hợp của ngôn từ; chúng ta nương theo những lời dạy của Phật Tổ để thấy được tánh của đạo. Muốn thấy được tánh của đạo, chúng ta phải có chiều sâu của nội tâm. Muốn có chiều sâu của nội tâm, chúng ta phải thanh lọc thân tâm, buông bỏ những thứ ô nhiễm làm chướng ngại cho việc tu hành, mà trong kinh điển Phật Tổ đã dạy. Khi thấy tánh rồi cũng chưa xong, chúng ta cần phải giữ gìn tu hành dần dần để gạn lọc tập khí thì nó mới sạch mới thấy tánh trọn vẹn.

Qua những chứng minh trên chúng ta cũng hiểu được vì sao Tổ Như Trừng Lân Giác thị hiện thế gian rất ngắn. Tuy ngắn nhưng Tổ sư đã để lại cho hàng hậu học một giá trị thật siêu việt. Tổ Như Trừng Lân Giác thuộc dòng tông Lâm Tế; và nối pháp đời thứ 37 của tông Lâm Tế. Ngài đến thế gian này không có gì cả; khi ra đi ngài lại từ hai bàn tay trắng mà đi. Cho nên bài kệ khi sắp tịch Tổ sư nói:

Vốn từ  không gốc

Từ không mà đến

Lại từ không mà đi

Ta vốn không đến đi

Tử sanh làm gì lụy.

HT.Tuyên Hóa trước khi sắp tịch đã dặn dò đệ tử: “Khi tôi đến, tôi không có gì cả; khi tôi đi, tôi vẫn không có gì cả. Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian. Tôi từ hư không đến. Tôi sẽ trở về hư không!”[5].

Chư vị thánh hiền khi tu hành đạt đạo, lời nói của chư vị đều không khác nhau; chỉ là mỗi vị đều có một cách riêng để diễn đạt chỗ sở ngộ của các ngài. Mỗi vị cũng đều có những nguyện lực khác nhau; nhưng mục đích chung của chư vị là tu hành giác ngộ, giải thoát và hóa độ chúng sinh.

Tổ Như Trừng Lân Giác đã tương đối hoàn thành trách nhiệm với đạo pháp và  tha nhân; đạt được giá trị đích thực của một hành giả tu hành Phật đạo. Để lại một giá trị hữu dụng cho tương lai thế hệ sau này. Từ một ngôi vị dòng dõi hoàng tộc, mà Tổ sư đã buông hết tất cả để tạo dựng một sự nghiệp trí tuệ xuất thế gian, đem lại lợi ích cho bản thân, cho đạo pháp và cho tha nhân mãi mãi về sau. Tổ sư đã nhận ra được mọi thứ trên thế gian này không có gì là thật cả; chỉ có nghiệp do mình tạo ra mà thôi; dù là nghiệp thiện hay ác đều đi trong sáu nẻo luân hồi sinh tử.

Cho nên với Tổ Như Trừng, bằng trí tuệ sáng suốt Tổ buông bỏ tất cả; vượt trên cả thiện và ác để thoát ra cái vòng luân hồi sinh tử ấy. Chuyên tâm tu hành với một hạnh nguyện cao cả, là đem giá trị siêu việt tu hành của mình để lại cho hậu thế, họ nương theo đó mà học hỏi sẽ có ích lợi hơn nhiều. Người thế gian thì lại mê đắm chấp trước trên tài, sắc, danh, thực, thùy; luôn chạy theo ngũ dục mãi không có điểm dừng; vì vậy cho nên chúng sinh mới luôn trầm luân trong bể khổ. Vì chúng sinh cứ mãi trầm luân trong biển khổ ái dục; nên mới có chư Bồ-tát thị hiện để cứu giúp chúng sinh.

Cái gốc rễ của việc tu hành là buông bỏ những tham muốn ngũ dục của thế gian; huân tập cho mình một lối sống đơn giản, nói cách khác là “thiểu dục tri túc”; làm chủ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần. Cũng chính là dẹp trừ vọng tưởng; nếu khi không vọng tưởng thì sẽ đến được chỗ đạo không lời. Đó chính là “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Nghĩa là điều phục tâm một chỗ thì mọi việc sẽ được yên ổn.

Không phải chỉ có Phật mới dạy chúng ta chế ngự tâm một chỗ; mà Tổ sư Như Trừng Lân Giác đã chỉ cho chúng ta thấy điều đó; từ khi Tổ sư đã nhận ra cọng sen ở gò đất. Tuy Tổ sư trụ thế không lâu, nhưng mỗi mỗi hành động xuất phát từ thân giáo; Tổ đã dạy chúng ta rất nhiều điều lợi ích cho việc tu hành. Không cần phải nói hay giảng nhiều lời. Cho nên, là hàng đệ tử học Phật thì khi học, phải học ở chư vị thiện tri thức tất cả trong bốn oai nghi, thì sẽ thấy được những điều chư vị đã chỉ dạy cho hàng hậu sinh ở đó.

Điều phục sáu căn là bổn phận của người tu; vì nơi sáu căn là nơi tạo ra nghiệp để chúng ta luân hồi sinh tử; nhưng cũng là nơi giúp chúng ta giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Điều này chúng ta cũng đã thấy rõ ràng nơi Tổ sư Như Trừng Lân Giác.

Tổ Như Trừng Lân Giác từ xưa cho đến nay; là một vị ân sư tế độ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, cũng chính là hóa thân của một vị bồ tát; là ngọn đèn soi sáng dưới ánh từ quang che mát; đồng thời cũng là điểm tựa tinh thần vững chắc và nuôi lớn đạo tâm cho hàng hậu học. Dẫu biết rằng, trăm ngôn ngữ cũng không thể diễn thuyết hết những lời về Tổ sư Như Trừng Lân Giác. Nhưng nhờ những bài kệ được viết bằng chính tấm lòng và trí tuệ của ngài. Tổ sư Như Trừng Lân Giác  vẫn sống mãi trong lòng người dân tộc Việt Nam về từ bi – trí tuệ của ngài.

4. Kết luận

Chư vị Tổ sư khi đến và đi ở thế gian, chư vị đều không đem theo gì cả. Chỉ có một nguyện lực, là thấy chúng sinh còn trong mê chấp, nên có tâm nguyện muốn cứu giúp chúng sinh ra khỏi bờ mê, đưa họ về nguồn gốc tâm chân thật của chính mình. Đây là bổn phận và trách nhiệm của Phật giáo nói chung và hành giả nói riêng.

Giá trị tu đạo của Tổ Như Trừng Lân Giác, đã để lại cho Phật giáo và hàng hậu thế một giá trị nhân văn siêu việt. Nghiên cứu về giá trị tu hành của chư Tổ sư, chúng ta hãy tìm hiểu tỉ mỉ chẳng những về khẩu giáo; mà còn phải nghiên cứu sâu sắc ở nơi thân giáo. Chúng ta thường không xem trọng về thân giáo, nhưng giới hạnh đạo đức được toát ra từ trên thân giáo, khẩu giáo thì ai nói ai giảng cũng được; chỉ là hạnh và giải nó có tương ưng hay không mới là vấn đề. Hơn nữa, để đi đến được đạo thì lời nói sẽ không diễn đạt được hết giá trị của đạo; vì giá trị của đạo vượt trên ngôn ngữ của thế gian phàm tình, cho nên mới nói là siêu việt. Thân giáo trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi; bài viết này vẫn chưa nghiên cứu hết bốn oai nghi, phần còn lại xin dành cho học giả nào hữu duyên, có hứng thú trong việc nghiên cứu về Tổ sư Như Trừng Lân Giác, để đem lợi ích cho hàng hậu học về sau.

TS.Nguyễn Thị Thanh Mai
Khoa Đông phương học, Trường KHXH & NV, Tp.HCM

***
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, N Tổng hợp TP. HCM
2. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, N Tổng hợp TP. HCM
3. https://phatgiao.org.vn/truyen-ky-ve-thien-su-nhu-trung-lan-giac–vi-hoa-thuong
4. https://www.phattuvietnam.net/doc-nhat-pho-tuong-sam-hoi-vua-le-cong-phat
5. http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&TinTuc

Chú thích:
[1] https://phatgiao.org.vn/truyen-ky-ve-thien-su-nhu-trung-lan-giac–vi-hoa-thuong-viet-bo-kinh-thap-nguyen-cuu-sinh-d35250.html. Truy cập ngày 29/05/2019
[2] https://www.phattuvietnam.net/doc-nhat-pho-tuong-sam-hoi-vua-le-cong-phat-thich-ca/. Truy cập ngày 11/09/2020
[3] http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&TinTucID=34. Truy cập ngày 03/27/2013
[4] Thiền sư Chân Nguyên tịch lúc 80 tuổi. Thiền Tông Bản Hạnh
[5] Tiểu sử Hòa thượng Tuyên Hóa

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường