Trang chủ Bài viết nổi bật Giá trị các chùa – tháp cổ của người Thái, người Lào ở Tây Bắc

Giá trị các chùa – tháp cổ của người Thái, người Lào ở Tây Bắc

Cùng với các công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Bắc như: Tháp Chiềng sơ, Tháp Mường Luân (tỉnh Điện Biên), Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), thì Chùa Chiền Viện, cũng là một di tích quý hiếm, một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây bắc đã bị đổ nát trên 60 năm.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

Cùng với các công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Bắc như: Tháp Chiềng sơ, Tháp Mường Luân (tỉnh Điện Biên), Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), thì Chùa Chiền Viện, cũng là một di tích quý hiếm, một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây bắc đã bị đổ nát trên 60 năm.

Tác giả: Chu Thuỳ Liên
Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, tỉnh Điện Biên

Người Lào, người Thái là hai trong 54 dân tộc Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2019, người Lào ở Việt Nam có 17.532 người, cư trú 43/63 tỉnh thành. Trong đó nam có: 8991; nữ có: 8541, ở thành thị: 654; ở nông thôn: 16.878. Trong danh mục các dân tộc Việt Nam, người Lào đứng vị trí thứ 37. Người Lào cư trú chính ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

Ở khu vực Tây Bắc người Lào sống tập trung trong 03 tỉnh: Điện Biên có: 5152 người; Lai Châu có: 6922 người; Sơn La có: 4134 người. Ngoài ra ở Hà Tĩnh có: 561 người; ở Đắc Lăk có: 337 người[1].

Theo số liệu thống kê năm 2019, người Thái Việt Nam có: 1.820.950 người, là dân tộc có dân số đứng vị trí thứ 3, người Thái có mặt ở 63 tỉnh thành phố. Nhưng tập trung ở các tỉnh: Sơn La: 669.265 người; ở Điện Biên 213.817 người; Lai Châu: 142.898 người. Ngoài ra ở các tỉnh Nghệ An là: 338.559 người; Thanh Hoá: 247.181 người; Yên Bái: 61.964 người; Hoà Bình: 34.387 người; Đặc Lăk: 34.387 người; Đắk nông: 11.250 người[2]

Một câu hỏi đặt ra là người Lào, người Thái đến Tây Bắc từ khi nào? Điều kiện tự nhiên xã hội của họ ra sao? Lịch sử hình thành các Tháp – Chùa cổ như thế nào? Các tháp – chùa cổ này có giá trị gì trong xã hội đương đại của Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng tôi xin đi vào trả lời các câu hỏi đó

1. Điều kiện tự nhiên, xã hội nơi người Lào, người Thái Tây Bắc sinh sống

1.1. Về mặt địa lý, địa hình cư trú và khí hậu:

Người Lào, người Thái Tây Bắc sống chủ yếu ở khu vực biên giới Việt- Lào, Việt- Trung, tập trung ở các huyện Phong Thổ, Than Uyên, tỉnh Lai Châu; huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La và huyện Điện Biên, Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên. Đây là vùng núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn;

Đồng bào thường cư trú ven các con sông, suối, đất đai khá màu mỡ, thuận lợi cho cả chăn nuôi và trồng trọt. Khí hậu vùng này thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, có gió phơn Tây Nam.

1.2. Về mặt nguồn gốc lịch sử của người Lào:

Theo các học giả Việt Nam thì:

– Người Lào là người bản địa ở Tây Bắc từ lâu đời

– Người Lào từ phía Nam Trung Quốc đến Việt Nam

– Người Lào đến từ nước Ai Lao cổ mà nay là nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Dù từ phía nam Trung Quốc hay Ai Lao cổ đến thì thời điểm người Lào có mặt tại nước ta là vào khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ thứ XIII.

1.2.1. Ý kiến người Lào có mặt ở Tây Bắc từ thửa xa xưa,

Đại diện cho nhóm này là hai tác giả Đặng Nghiêm Vạn và Đinh Xuân Lâm. Trong cuốn: “Điện Biên trong lịch sử”, tại trang 51 hai ông căn cứ vào truyền thuyết “quả bầu mẹ” đã viết đại ý: Từ thời Mường Then (Mường Thanh) bắt đầu hình thành. Khi quả bầu mẹ vỡ ra đã bao gồm rất nhiều tộc người chui ra, trong đó có cả tộc người Lào.

Tại Đông Nam Á qua thống kê có tới 93 huyền thoại liên quan đến “Quả Bầu Mẹ”[3], trong câu chuyện đó có nhắc đến một nhân vật tên là Khun Bô Dôm. Các dân tộc Thái, Lào ở Thái Lan, Lào, Mi An Ma và một số nước Đông Nam Á khác cũng coi Khun Bô Dôm là vị thủ lĩnh đầu tiên và vùng đất cổ của họ là vùng đất Mường Then.

Từ Mường Then Khun Bô Dôm phân các con đi “ăn” các miền đất thuộc Đông Nam Á, như trên đã có đề cập.[4]. Trong khi đó, theo thư tịch cổ Trung Quốc thì Khun Bô Dôm chính là Bì La Các. Một thủ lĩnh lãnh đạo đất nước Nam Chiếu xưa.

1.2.2. Ý kiến người Lào từ phía Nam Trung quốc sang

Trong Hán thư quyển 4 có ghi một huyền thoại rằng: Trong tổ tiên người man Di Ai Lao, có người nữ mang tên Sa Nhất, sống ở vùng núi Lao. Nàng thường đánh bắt cá trong suối, ngày nọ chạm vào một gốc cây trầm hương bỗng động lòng, nhân đó mang thai, mười tháng sau sinh được mười con trai. Sau đó cây trầm kia biến thành con rồng, bay ra khỏi dòng suối. Nàng lặng lẽ ở vậy nuôi con, một ngày nọ Sa Nhất chợt nghe tiếng Rồng nói: “Nàng vì ta mà sanh hạ con cái, hiện chúng ở đâu rồi?”

Chín đứa con thấy Rồng sợ hãi chạy mất, chỉ đứa nhỏ nhất thì không chạy. Rồng vừa đón lấy đứa bé đó đặt lên vai vừa mà nói tiếng của loài Rồng rằng: tọa long bối. Dịch từng chữ thì: tọa là ngồi, long bối là vai Rồng. Cả câu có nghĩa là: Đứa bé ngồi trên vai rồng. Xong, Rồng nhân đó dùng lưỡi liếm con mình. Đứa bé, được Rồng liếm đến đâu vóc dáng cao lớn, phương phi và trông dĩnh ngộ tới đó.

Người mẹ là Sa Nhất không nói tiếng loài Rồng mà nói tiếng loài chim. Tiếng của loài chim, thì gọi “vai là cửu”, “ngồi là long”. Tiếng nói hai bên có khác nhau nhưng rồi cùng một nghĩa là ngồi lên vai.

Rồng và nàng Sa Nhất đặt tên đứa bé là Cửu Long. Đứa bé càng lớn càng thông minh, đến khi trưởng thành, các anh trai thấy Cửu Long tài giỏi thông tuệ bởi đã được cha rồng liếm vào người, bèn rủ nhau cùng nhau tôn ngôi Vương cho em.

Cùng thời đó, dưới chân núi Ai Lao có một đôi vợ chồng, sinh mười người con gái, anh em nhà Cửu Long cùng nhau cưới hết làm vợ, sau dần dần sinh sôi nảy nở đông đúc. Nhóm anh em này bàn với nhau là mình là con bố Rồng nên phải xăm hình bố cho nhớ. Từ đó, tộc người này có tục xăm mình, hình tượng chính là con Rồng, quần áo cũng đính đuôi Rồng.

Riêng người em có tên là Cửu Long, lấy vợ, sinh con, đời đời tiếp nối. Không đủ đất, bèn phân đặt tiểu vương, cấp cho làng ấp sinh sống, phân tán ra nhiều nhánh suối, thung lũng.

Ai Lao thủa ấy là vùng đất hoang sơ, sông núi thâm sâu cách trở, ít người lai vãng. Chưa từng thông giao với Nhà Hán.

Năm Kiến Vũ thứ hai mươi ba (năm 47 SCN), Ai Lao Vương tên Hiền Lật khiển binh cưỡi bè kết bằng gỗ và trúc xuôi xuống phía nam trên sông Trường Giang và sông Hán, đánh vào biên giới bộ tộc Lộc Kỵ là nhóm người Di (ở vùng cuối trời, cuối đất Nhà Hán). Người Lộc Kỵ yếu nhược, vì thế bị bắt giữ. Bỗng nhiên sấm chớp mưa giông dữ dội, gió nam cuốn thổi, sông ngòi đảo dòng, hơn hai trăm dặm Trường Giang nổi sóng cồn, bè mảng chìm hết, người Ai Lao chết đuối mấy ngàn mạng. Hiền Lật lại sai sáu vương gia cùng cả vạn quân đánh Lộc Kỵ một lần nữa, Lộc Kỵ Vương nghênh chiến, giết được sáu vị Vương của Ai Lao. Các già làng Ai Lao mai táng sáu vị vương này, nhưng đêm đến hổ lại xuất hiện ăn hết tử thi, mọi người hoảng sợ dẫn quân về nước. Hiền Lật kinh hoàng, gọi các kỳ lão đến nói: ‘Bọn ta xâm nhập biên giới, từ xưa đến nay mới có chuyện ấy, nay đánh Lộc Kỵ, lần nào cũng bị trời phạt, Lộc Kỵ có thánh đế chăng? Trời giúp như thế, nay đã rõ rồi.”

Năm thứ hai mươi bảy (năm 51 SCN), bọn Hiền Lật bèn đem 2.770 hộ, 11.659 khẩu đến yết kiến đầu hàng thái thú Việt Tây là Trịnh Hồng, xin nội thuộc. Hán Quang Vũ phong Hiền Lật làm quân trưởng, từ đó hằng năm vào triều cống.

Đời Hiển Tông, năm Vĩnh Bình thứ mười hai (năm 70 SCN), Ai Lao Vương tên là Liễu Mạo sai con đem dân chúng nội thuộc, có tất cả 77 ấp Vương, 51.890 hộ, 553.711 khẩu.

Nhà Hán giờ đây từ miền Tây Nam đến vùng Lạc Dương rộng bảy ngàn dặm, thời Hiển Tông Trí đặt hai huyện Ai Lao và Bác Nam, phân đô úy tây bộ quận Ích Châu lĩnh quản sáu huyện, nhập vào quận Vĩnh Xương. Đường thủy thông đến núi Bác Nam, qua sông Lan Thương (đầu nguồn sông Mekong ngày nay), đi lại rất cực khổ.

Người Ai Lao thủa ấy đều xuyên mũi và căng tai, thủ lĩnh tự xưng là Vương, thùy tai rũ xuống ba thốn (tương đương với khoảng 10cm), dân thường thùy tai dài chấm vai. Vùng này, đất đai màu mỡ tươi đẹp, thích hợp với ngũ cốc, trồng dâu nuôi tằm. Họ biết nhuộm vải thêu hoa, biết dùng lông thú làm len cũng như dệt vải từ cây bông, từ đó tạo thành sợi “lan can” và vải gai, vải nhuyễn mịn, lại dệt nên loại gấm, lụa có hoa văn.

Xứ này lại có cây hoa ngô đồng, khi xe, đánh và dệt thành vải, khổ năm thước, trắng ngần không một vết ố bẩn. Trước đây dùng vải này khâm liệm người chết, tuy nhiên về sau cũng dùng may y phục. Ở đây có loại tre đốt dài một trượng, gọi là bộc trúc. Có mỏ quặng sản xuất đồng, sắt, chì, thiếc, vàng, bạc, đá dạ quang, hổ phách, thủy tinh, ngọc lưu li, con trai, con sò, chim công, bích ngọc, tê giác, voi, khỉ vượn và một loại tên mạch thú không biết là con gì, có người nói có thể là gấu trúc?. Ở huyện Vân Nam có con nai thần hai đầu, ăn được cỏ độc. Nhóm Man Ai Lao bao gồm các giống Lào – Thái, Nghiêu – Khiển, Thay Khăm Ti, Ahom…

Ban đầu, tây bộ đô úy người Quảng Hán là Trịnh Thuần thực hành chính trị thanh khiết, triển khai giáo hóa người man di Ai Lao, các tù trưởng cảm mến, đều hiến tặng của ngon vật lạ trong xứ, ca tụng công đức. Nhà vua khen ngợi, liền phong chức thái thú Vĩnh Xương. Trịnh Thuần cùng người Ai Lao thỏa thuận, trưởng làng mỗi năm thu mỗi đầu người hai súc vải, một hộc muối, đây là thuế định kỳ, đã trở thành thông tục và làm hài lòng dân man di Ai Lao. Trịnh Thuần đảm nhận chức đô úy và thái thú được mười năm thì mất. Vương Tầm được phong Thái thú. Nhưng ông này tham lam, đặt ra nhiều loại thuế khóa, mong muốn vơ vét của dân Ai Lao nhiều sản vật. Dân man di Ai Lao ngày càng khổ cực.

Năm Kiến sơ thứ nhất (năm 76 SCN), Ai Lao Vương tên là Loại Lao, thấy dân Ai Lao khổ quá nên tập hợp dân chúng lên huyện tranh chấp dữ dội với quan huyện, rồi giết quan huyện làm phản. Tiếp sau ông ta đánh đến Đường Thành ở Việt Tây. Thái thú Vương Tầm sợ hãi chạy trốn đến Điệp Du. Hơn ba ngàn người Ai Lao đánh phá Bác Nam, đốt phá nhà cửa của dân chúng người Hán. Túc Tông chiêu mộ quân sĩ gồm cả người Hán và người Di được 9000 quân, phát binh đi thảo phạt Việt Tây, Ích Châu, Vĩnh Xương.

Mùa xuân năm sau, người Di Côn Minh là bọn Lỗ Thừa ở huyện Tà Long hưởng ứng, đem người theo quân lính các quận tấn công Loại Lao tại Bác Nam, đại phá và giết được Loại Lao. Đầu Loại Lao được chuyển về Lạc Dương báo công, vua thưởng Lỗ Thừa một vạn xấp vải, tấn phong làm Phá Lỗ Bàng ấp hầu[5].

Sau cuộc đánh phá này người Ai Lao, một phần thuộc dòng giống nhà Vương Loại Lao, một phần là những người theo Loại Lao nổi dậy. Loại Lao thua, họ đành bỏ xứ, trốn tránh sự truy đuổi của nhà Hán. Họ đi bằng nhiều con đường khác nhau. Có nhóm đi bộ, có nhóm đi thủy.

Nhóm đi thủy cũng tách ra thành các nhóm nhỏ theo các con sông Lạn Thương (đầu nguồn sông Mê Kông) xuống vùng Đông Nam Châu Á. Đông nhất là nhóm Lào – Thái. Một nhóm xuôi sông Ly Tiên (Thượng nguồn sông Đà) mà theo hai nhánh là Bả Biên Giang và A Mặc Giang, xuôi dòng tìm cuộc sống mới ở Lạc Việt. Bộ phận Nghiêu, Khiển ngược lên phía bắc ở Mianma lập nên bang Shan, Bộ phận người Thay Khăm Ti, Ahom thiên di xuống phía nam lập nên bang Atssam ở bán đảo Ấn Độ.

Trong dân gian, một số bản người Lào Tây Bắc nói rằng người Lào có quê cũ là đất Ai Lao. Họ cũng nói rằng từ thủa xa xưa, họ tự gọi mình là Thay Thẻn.

1.2.3. Người Lào Tây Bắc từ nước Ai Lao xưa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày nay

Theo cuốn “Ghi chép về lịch sử và dân tộc học nước Lào và người Thay”[6] của tác giả Guignard, một cha cố người Pháp, xuất bản năm 1911 thì người Lào ở bên Lào cũng như ở Việt Nam, là một bộ phận trong các tộc nói tiếng Thái ở Đông Nam Á. Ông gọi nhóm này là “đại chủng tộc Thay”. Một “Đại chủng” từng có một nền văn minh sớm, “là một trong những chủng tộc văn minh nhất thế giới. Ông đánh giá “Dù sao, họ đã thiết lập và tổ chức những vương quốc, trong khi phần lớn những bộ tộc phương Tây còn đang trong tình trạng dã man” (nguyên văn của Guignard).

Theo ông từ khoảng 2000 năm trước công nguyên, người Thái từng chiếm cứ vùng Vân Nam, Lưỡng Quảng. Trong quá trình thiên di xuống phía Nam, họ từng thành lập Vương quốc Nam Chiếu rồi Ba Thục (theo Guignard thì trung tâm của Vương quốc Ba Thục chính là Cao Bằng ở Việt Nam hiện nay).

“Đại chủng tộc Thay” này chia thành rất nhiều ngành, tiến hành nhiều cuộc di cư liên tiếp trong nhiều thế kỷ, xuống phía Nam và chia thành hai luồng rõ rệt. Một luồng về phía Tây dãy Trường Sơn theo các lưu vực sông Mê Kông, còn luồng kia về phía Đông dãy Trường Sơn theo các lưu vực sông Hồng. Luồng di cư về phía Tây dần hình thành các quốc gia Thái Lan, Lào và chiếm cứ một phần Miến Điện ngày nay.

Luồng di cư về phía Đông dần định cư ở hầu hết vùng núi miền Bắc Việt Nam hiện nay. Các nhánh này gồm các tộc Thái đen, Thái trắng… ở phía Tây Bắc Việt Nam; Tày, Nùng… ở phía Đông Bắc Việt Nam. Sau quá trình hàng ngàn năm, các ngành Thái ở phía Tây dãy Trường Sơn và các ngành Thái ở phía Đông dãy Trường Sơn đã định hình những truyền thống văn hóa riêng, khác biệt. Tuy nhiên về mặt chủng tộc và ngôn ngữ vẫn còn nhiều chi tiết gần gũi.

Căn cứ theo tư liệu trên thì người Lào ở Việt Nam hiện nay, một bộ phận là một trong những ngành Thay thuộc luồng di cư sang phía Tây. Do mới di cư tới Việt Nam hoặc mới tách khỏi Lào về Việt Nam khoảng một vài trăm năm trở lại đây nên văn hóa của họ mang nhiều nét đặc trưng của luồng “Thay” phía Tây. Họ đang dần hòa nhập với văn hóa của luồng Thay phía Đông, đặc biệt là với người Thái Đen, tộc người mà họ đang sống ngay cạnh hoặc sống đan xen.

Theo tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Đỗ Thị Thanh Nhàn (cán bộ Viện Âm nhạc) thì chúng tôi thấy người Lào ở Việt Nam hiện nay có một nhóm không hẳn từ luồng Thay[7] phía Tây mà từ một nguồn gốc khác, khá thú vị đó là những người Lào này có nguồn gốc là người Thái ở Việt Nam, tức từ luồng Thay phía Đông. Nhóm này đã từng là người Thái Đen ở Việt Nam, di cư sang đất Lào, sống ở đó nhiều đời, thành người Lào rồi vì một lý do nào đó họ lại trở về Việt Nam từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Khi về Việt Nam, những người này không còn mang tộc danh Thái Đen nữa mà mang tộc danh Lào và thuộc tộc người Lào ở Tây Bắc Việt Nam, trong đó có Điện Biên.

1.3. Người Lào đến Tây Bắc qua lời kể của đồng bào

1.3.1. Người Lào đến Điện Biên

– Người Lào đến Pa Thơm huyện Điện Biên,

Theo Lời kể của anh Lò Văn Pan, (sinh năm 1963), 54 tuổi, công tác khuyến nông xã Pa Thơm; bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên thì ban đầu từ khi ông nội anh sinh ra đã có bản người Lào ở Pa Thơm. Ông nội anh sinh ra năm 1887. Sau đó vào năm 1919 ông Thảu Xén dẫn dắt dân Lào đến bản Pa Xá Lào của Việt Nam từ Mường Mày Phong Sa Lỳ và Luông Pra băng. Đoàn người có năm hộ gồm hộ các ông Thảo Xén, Thảo Nạm Bảo, Thảo Ly, Thảo Tha, Thảu Pỉa – dân bản thời đó gọi ông là Thảu Luông. Đến năm 1929 có 4 nhà nữa chuyển đến đó là nhà Thảo Phăn, Thảo Ut, Thảo Mớ, Thảo É. Tất cả số hộ này đều đến từ Mường Bám (huyện sốp Cộp- Sơn La). Tiếp theo các năm 1939 tiếp đến năm 1949, có thêm 14 hộ do Thạo Khăm Hung dẫn đường sang. Cuối cùng vào khoảng năm 1950 thì có khoảng 7-8 hộ đến bản Pa Xa Lào. Họ đến từ xã Mường Luân và từ Sốp Hủn, Nậm Nga thuộc Huyện Mường Mảy, Phong Sa Ly và một số tỉnh khác của đất nước Lào. Các cụ mất nên không nhớ nhà nào đến từ đâu.

– Người Lào đến Núa Ngam huyện Điện Biên

Theo lời kể của bà Lường Thị Sao May, Bản Na Sang I, xã Núa Ngam, 62 tuổi thì nhóm Lào Cang của bà từ Phong Sa Ly đến Việt Nam cách này 4 đến 5 đời, còn năm nào bà không nhớ. Nhưng ngôi mộ của các ông tổ vẫn ở khu rừng thiêng của bản. Khi dân đã đông bản Na Sang tách thành hai bản là Na Sang 1 và Na Sang 2. Chảu Chẳm (Chủ rừng) hôm nay của bản là cháu đời thứ tư của ông chảu chẳm đầu tiên đến Điện Biên. Nhóm này vẫn giữ được lễ Xên Khảu Hó, Lễ Căm bản căm mường và Lễ Bun Hốt Nặm. Lễ Bun Hốt Nặm được công nhận là di sản quốc gia.

– Người Lào đến Phu Luông

Theo sách Lào còn ghi thì, thủa xưa, người Lào đến Phu Luông từ hai nơi. Nơi thứ nhất là nước Ai Lao, phía nam Trưng Quốc ngày nay, từ thời vua Loại Lao đánh nhau với người Hán thua, con cháu Hoàng tộc và những người đánh nhau với người Hán xuôi về phương nam tìm đất sống. Đã định cư ở đây lâu lắm rồi. Năm nào tháng nào không nhớ.

Một số người thì mới đến Việt nam cách đây 200 đến 300 năm, từ bên nước Lào sang khi quân Xiêm đến định bắt người Lào về Xiêm làm nô lệ. Trên đường áp giải về Xiêm, một số người trốn được, đi ngược đường rừng, lạc sang đất Phu Luông. Thấy đất yên lành thì ở lại.

– Người Lào đến Mường Lói huyện Điện Biên

Nhóm đến Mường Lói rất mới, chỉ mới từ đầu thế kỷ XX đến những năm 50 của thế kỷ XX. Năm 1983, khi nhà nước Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (CHDCND Lào) thực hiện việc thống nhất phân chia ranh giới, cư dân. Chính Phủ hai nước đã có văn bản đồng ý cho người Lào là ai muốn quay lại nước Lào thì quay về, ai muốn ở lại Việt Nam thì chủ động đăng ký với chính quyền xã. Chính phủ hai nước sẽ giúp bà con đi hay ở lại Việt nam. Đồng bào Lào ở Mường Lói đã ở lại định cư tại Điện Biên.

– Người Lào đến Noong Luống, huyện Điện Biên

Người Lào Noong Luống kể rằng: ngày xưa, người Lào từ vùng phía Nam Trung Quốc ngày nay bị dồn ép xuống phương Nam. Họ đến Điện Biên ban đầu là vài nhóm nhỏ. Khi đến Điện Biên, người Lào có một nhóm họ tập trung ở khu vực Noong Luống thành các bản nhỏ men theo các khe sông, suối. Có một nhóm ở bản Ná Lào (tức là ruộng Lào) ở xã Sam Mứn, huyện Điện Biên; một số tụ cư ở bản Ná Láo ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên[8]. Sau đó do nhiều biến động, người Lào tự tìm đến nhau, về dần gần khu vực biên giới nước Lào ngày nay, một số nhỏ vẫn ở Noong Luống.

1.3.2. Người Lào đến Sơn La

Theo Quắm Tố Mướng của người Thái Sơn La thì: Vào khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV một chi nhánh của người Lào do con út vua Lào Pha Nha Nhọt Chom Cằm dẫn đầu đi tìm miền đất mới, qua các vùng Phiêng Luông, Chiềng Đi, Chi Lông, rồi đến các vùng Nà Bó (ngày nay thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) thì họ dừng lại lập bản, lập mường. Từ đó, họ đi lên khu vực huyện Sông Mã, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Quá trình điền dã ở xã Mường Bám, Mường Và thì tổ tiên của họ ở bên nước Lào.

1.3.3. Người Lào đến Lai Châu

Ở Lai Châu, người Lào xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cũng giải thích sự xuất hiện của họ là: Họ đến Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Những người này có nguồn gốc ở Xầm Nưa của nước Ai Lao di cư sang Việt Nam lên định cư ở bản Phiêng Hào xã Mường Khoa, huyện Than Uyên. Năm 1948, một bộ phận chuyển lên ở bản Nà Hiềng, Nà Tăm, Phiêng Rằng.

Như vậy, về nguồn gốc thời điểm người Lào xuất hiện ở vùng Tây Bắc Việt Nam còn cần có những nghiên cứu trong thời gian tới để làm sáng tỏ hơn vấn đề này.

1.4. Khái lược về Văn hóa của người Lào Tây Bắc

Người Lào Tây Bắc nói tiếng Lào, thuộc ngữ hệ Tai- Kadai, chi ngữ Thái. Người Lào Tây Bắc còn bảo tồn phần lớn văn hoá truyền thống như: Phương pháp chữa bệnh, cách dự báo thời tiết, cách xem ngày tốt xấu cũng như lưu giữ nhiều phong tục tập quán, nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, đến vòng đời con người từ việc sinh nở, đặt tên, cưới xin, làm nhà, tang ma…

Người Lào Tây Bắc cũng bảo tồn khá tốt nghề thủ công truyền thống như đan đồ mây, tre dệt thổ cẩm, nấu rượu

Họ cũng bảo lưu khá tốt vốn văn nghệ dân gian là những làn điệu dân ca, dân vũ, truyền thuyết truyện cổ, tục ngữ, dân ca nghi lễ.

Đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người Lào ở vùng Tây Bắc phải kể đến những tín ngưỡng dân gian và những dấu ấn Phật giáo thông qua hệ thống tháp gồm 4 tháp cổ là Tháp Mường Và huyện Sốp Cộp, Tháp Mường Bám, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La; Tháp Chiềng Sơ, Tháp Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên về mặt truyền thuyết của người Lào thì vùng Tây Bắc này đã từng có đến 12 tháp cổ dọc Tây Bắc được xây dựng vào thế kỷ XI. Truyền thuyết này chúng tôi được cụ Lò Văn Pỉn, sinh năm 1944, sinh sống ở khu vực Tháp Mường Luân kể. Nội dung truyền thuyết như sau:

Vào khoảng thế kỷ XI, trong đoàn người Lào chạy nạn từ phía bắc xuống định cư ở Mường Luân, dụng bản, dựng mường bên dòng sông Mã trong xanh, có hai mẹ con, chàng trai tên Chao Phạ, rất thông minh, giỏi giang, có sức mạnh hơn người, chàng luôn tiêu diệt thú dữ, ngăn những kẻ đến cướp bóc dân bản, dân mường. Đến tuổi dựng vợ gả chồng mẹ chàng đánh tiếng tìm vợ cho con trai, có 12 cô gái đến, Chao Phạ không biết chọn ai, đề nghị 12 cô gái làm vợ mình, 12 cô đều vui vẻ đồng ý. Ngày đó, cả vùng Tây Bắc rừng nhiều, người ít nên mẹ Chao Phạ muốn có nhiều cháu. Nên mọt ngày, bà dẫn chàng ra bờ sông Mã, nơi đàn vịt của bà đang kiếm ăn.

Bà nói: “Con thấy không, mẹ chỉ có một con vịt đực, mà cả đàn đến 29 con cái”. Chao Phạ nhìn đàn vịt, hiểu ý mẹ nên nói: “Con sẽ làm vui lòng mẹ ạ”

Sách cổ Lào ghi 544+ 1012=rằng ngày hôm đó là ngày mùng 10 tháng 1 năm1556 Phật Lịch, tức ngày 10 tháng giêng năm 1012, chàng Chao Phạ bắt con vịt đực của đàn vịt ra mổ thịt ăn. Ăn xong, chàng thấy mình rất khoẻ, đêm nào, chàng cũng chiều lòng được đủ 12 bà vợ. Cô nào cũng rất hạnh phúc.

Mẹ chàng hỏi: “Con à, con lấy vợ, có để ai buồn tủi không?”

Chàng trả lời: “Mẹ yên tâm, con lấy vợ, con chiều đủ 12 người, không ai thiệt thòi đâu. Mẹ sớm có đàn cháu thôi”

Vài tháng sau, cả 12 cô đều có mang, bà mẹ vui lắm bảo: “Con mẹ khoẻ quá, mẹ rất vui”

Nói vậy, nhưng bà lại nghi ngờ là các con dâu đi đâu với những người đàn ông khác. Để thử con có thật khoẻ không, một đêm bà yêu cầu một con dâu sang giường bà, bà thế chỗ con dâu. Đêm ấy, Chao Phạ đi uống rượu ở nhà bạn về, say quá rồi, vẫn không quên nhiệm vụ với 12 cô vợ. Đến người vợ cuối cùng xong, người ấy nói: “Con không nhận ra mẹ à”.

Chàng giật mình nhìn kỹ lại, thì đúng là mẹ. Chàng oà lên khóc và nói: “Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con, con say quá. Giờ con làm gì để chuộc lỗi đây”.

Người mẹ bảo: “Thôi, con đừng khóc nữa, mẹ biết con khoẻ thật rồi”

Chao Phạ lại nói: “Con sai quá rồi, giờ làm sao đây, mẹ trừng phạt con đi”

Mẹ chàng bảo: “Người Lào ở đâu, cần có chùa- tháp ở đó, con đi dựng chùa, làm tháp để tạ lỗi với mẹ đi”.

Năm đó chàng Chao Phạ mới 20 tuổi, nghe tin chàng làm chùa dựng Tháp, nhân dân khắp nơi đều đến giúp, chhangf cùng mọi người xây dựng chùa, tháp. Mọi người phong cho Chao Phạ làm người chỉ huy.

Chao Phạ xây dựng hết chùa tháp này, đến chùa tháp kia, bận đến nỗi chàng không có thừi gian thăm mẹ, thăm vợ và các con nữa. Chàng nói với mọi người rằng: “Chúng ta gắng xây dựng 12 chùa và tháp cho ứng với 12 tháng của một năm nhé”. Ai cũng đồng lòng, quyết tâm làm, làm xong cái tháp cuối cùng thì Chao Phạ đã đến 70 tuổi. Năm mươi năm Chao Phạ miệt mài xây chùa dựng tháp, cái chùa tháp cuối cùng chính là Tháp ở Mường Luân. Xây xong cái tháp cuối cùng thì Chao Phạ qua đời.

Những người cùng làm các chùa tháp với Chao Phạ đã hoả táng ông, tro cốt ông được đặt vào tháp Mường Luân.

Họ lại tiếp tục dựng chùa, chùa làm xong, họ lấy vàng, đúc thành tượng Chao Phạ, phong ông làm thần của bản, mường, Thần của 12 tháp. Chùa được đạt tên là Vạt Đooc Bua- Chùa Hoa Sen

Trong chùa có rất nhiều tượng quý là các vị Phật, nhưng nhưng quý nhất là pho tượng bằng vàng đúc Chao Phạ. Ông được phong là vị thần Tháp.

Năm 1964, bom Mỹ đã san phẳng ngôi chùa. Giờ chỉ còn dấu tích nền, tượng cũng mất hết. Người Lào vùng Mường Luân vẫn hy vọng một ngày nào đó được dựng lại chùa, bên tháp và đúc tượng Chao Phạ, để thờ như xưa.

 Chao Phạ có một thanh kiếm rất thiêng, kiếm ấy ban đầu được nhà sư trong chùa Hoa Sen ở Mường Luân đặt lên khán thờ riêng. Nhưng rồi Mường Luân liên miên giặc giã. Kiếm thiêng luôn phải mang ra để bảo vệ bản, mường.

Nhà sư trụ trì chùa đã quyết định trao kiếm cho cụ tổ đời thứ nhất nhà ông Pỉn. Ông Pỉn là đời thứ 5 của dòng họ Lò giữ thanh kiếm thêng đó. Nó đã trên một ngàn tuổi.

Tiếp nối việc của tổ tiên ông Pỉn luôn chăm lo đời sống tinh thần, sức khoẻ cho người dân, không dám lơ là.

Qua lời kể của các nghệ nhân và sử sách ghi lại, chúng ta biết rằng 04 tháp: cổ: Tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân huyện Điện Biên Đông, Tháp Mường Và, xã Mường Và huyện Sốp Cộp; Tháp Mướng Bám, huyện Thuận Châu, và 01 di tích chùa mang tên chùa Chiền Viện (Vặt Hồng- Mộc Châu) thuộc tỉnh Sơn La do nhiều người xây dựng nên chứ không phải hệ thống tháp do Chao Phạ, xây dựng. Vì niên đại Chao Phạ xây dựng là thế kỷ 11, nên đại các tháp cổ này có niên đại khoảng thế kỷ XVI, niên đại chùa Chiền Viên có niên đại khoảng thế kỷ XIII.

1.5. Khái lược về Xã hội Lào, Thái vùng Tây Bắc

1.5.1. Người Lào tại Tây Bắc

Người Lào ở Tây Bắc có 3 nhánh là Lào Bốc (Lào cạn), Lào Nọi (Lảo nhỏ), và Lào Cang (Lào đỏ). Con cái người Lào theo họ cha, đó là các họ: Lò, Lường, Vi,… mỗi họ có kiêng kỵ riêng. Trai gái Lào được phép tự do tìm hiểu, gia đình người Lào là gia đình phụ hệ, một vợ, một chống

Về tang ma, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo. Trong xã hội người Lào, những ông Mo là người rất được cộng đồng kính trọng vì họ giỏi chữ nghĩa, là người bảo tồn văn hoá truyền thống.

Hiện nay, người Lào không thực hành Phật Pháp mà thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Nhưng họ đã để lại những công trình kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn Phật giáo Nam Tông hay tiểu thừa. Hệ thống tháp cổ này rất có giá trị về mặt văn hoá, lịch sử và nghệ thuật

1.5.2. Người Thái ở Tây Bắc

Theo sử sách Việt nam, vào thời lý, đạo Đà Giang, man Ngưu Hống đến từ Vân Nam (chính là tổ tiên người Thái Tây Bắc ngày nay) đã triều cống lần đầu tiên vào năm 1067, đến thế kỷ 13 đã kết hợp với Ai lao chống lại nhà Trần và bị đánh bại, đến năm 1280, lãnh tụ Trịnh Giác Mật đầu hàng, xứ Ngưu Hống đặt dưới sự quản lý của nhà Trần, năm 1337, lãnh tụ Xa Phần bị giết sau một cuộc xung đột. Xứ Ngưu Hống được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, và được đỏi tên thành Mường Lễ. hay Ninh Viễn, giao cho họ Đèo cai quản. Năm 1431, lãnh tụ Đèo Cát Hãn, người thái trắng Mường Lễ lại chống triều đình. Năm 1466, lãnh thổ của người Thái được tổ chức lại thành thừa tuyên Hưng Hoá, gồm 3 phủ: An Tây (tức Phục Lễ); Gia Hưng và Quy Hoá có 4 huyện và 17 châu. Năm 1841 triều đình nhà Nguyễn kết hợp 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo, Lai Châu thành Phủ Điện Biên; Năm 1880, phó lãnh sự Pháp là Auguste Pavie nhân danh triều đình Việt Nam phong Đèo Văn Trì chức tri phủ, đời cha truyền con nối, sau khi giúp người Pháp định biên giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào, cai quản cả một vùng từ Điện Biên Phủ đến Phong Thổ, gọi là xứ Thái. Tháng 3 năm 1848 lãnh thổ này được Pháp tổ chức thành Liên bang Thái tự trị, quy tụ tất cả các sắc tộc nói tiếng Thái chống Việt Minh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ Việt Minh cũng thành lập khu tự trị Thái- Mèo ngày 29 tháng 4 năm 1955, khu tự trị Tày Nùng và khu tự trị Lào Hạ Yên. Tất cả khu tự trị này giải thể sau 1975.

Cúng như người Lào, gia đình người Thái là gia đình phụ hệ, con cái lấy họ cha, người Thái có các họ: Lò, Lường, Quàng, Tòng, Bạc, Cầm… mỗi họ cũng có những có kiêng kỵ riêng. Trai gái Thái cũng được phép tự do tìm hiểu, sau đó báo cáo bố mẹ, bố mẹ tổ chức cưới cho các con.

Về tang ma, người Thái cũng rất coi trọng, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo, đưa lên niết bàn lớn, niết bàn nhỏ.

Cũng là một dân tộc có chữ viết, người Thái bảo tồn, gìn giữ phát huy khá tốt nền văn hoá truyền thống của dân tộc mình, trong đó có truyền thống văn hoá Phật Giáo.

2. Lịch sử kiến trúc Chùa- Tháp

Trong 02 bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến Tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Trong bài này chúng tôi đề cập đến 02 di tích tháp cổ là: Tháp Mường Và, xã Mường Và huyện Sốp Cộp; Tháp Mướng Bám, huyện Thuận Châu, và 01 di tích chùa mang tên chùa Chiền Viện (Vặt Hồng- Mộc Châu) thuộc tỉnh Sơn La để chúng ta thấy được lịch sử, kiến trúc và giá trị của các chùa, tháp này trong giai đoạn hiện nay.

2.1. Tháp Mường Bám

2.1.1. Lịch sử

 Xã Mường Bám (theo nghĩa địa phương là một vùng đất “bám vào con suối”, tức suối Nậm Húa, để sinh sống) là một xã vùng sâu và xa của huyện Thuận Châu, địa hình trải dài theo dòng suối có vị trí nằm trong vùng lòng chảo thượng lưu cả một số khu vực khác. Cách huyện Thuận Châu khoảng 70 km về phía Tây- Nam (trước kia vùng đất này thuộc tỉnh Lai Châu (bây giờ là tỉnh Điện Biên) hiện nay, ở cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 150km về phía Đông Nam. Cư dân sinh sống ở đây chủ yếu dựa vào hai bờ của dòng suối Nậm Húa để làm nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản, khai thác lâm sản…

Xã Mường Bám, huyện Thuận Châu là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của hai dân tộc. Đó là dân tộc Lào và dân tộc Thái. Theo truyền thuyết thì vùng đất Mường Bám có một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi Thiền, theo dáng “Hua táng Keo, eo táng Lào” có nghĩa là: Đầu quay về đất Việt, lưng quay sang đất Lào. Truyền thuyết này nói lên tình đoàn kết keo sơn Việt-Lào.

Từ rất lâu đời, người Lào đã cư trú và sinh sống tại mảnh đất Tây Bắc. Và họ đã trở thành một trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại khu vực bản Lào, xã Mường Bám hiện nay còn lại một cụm tháp cổ do đồng bào dân tộc Lào xây dựng. Tên di tích là Tháp Mường Bám, tên tháp được gọi theo địa danh xã Mường Bám. Tháp còn có tên gọi khác là Thạt Bản Lào nghĩa là Tháp bản Lào). Tháp bản Lào nằm ở vị trí trung tâm, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Lào của xã tập trung sinh sống.

Kiến trúc của Tháp mang đậm nét kiến trúc Phật Giáo tiểu thừa, của dân tộc Lào. Do vậy nhân dân địa phương thường gọi là Tháp bản Lào. Vào thời gian khoảng từ các năm 1569-1594 (tức Phật lịch 2113-2138) với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cư dân bản địa, bà con dân tộc Lào đã dồn công, góp của để xây dựng Tháp Mường Bám.

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, biên soạn và khắc in trong khoảng các năm 1856-1883, đã ghi chép lại sự kiện xây dựng, và sự hiện diện của hệ thống chùa, tháp tại khu vực Tây Bắc. Bao gồm tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp), tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu), tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân (huyện Điện Biên Đông), tỉnh Điện Biên. Và còn mô tả chi tiết những hạng mục công trình trong quần thể di tích Phật giáo ở đây gồm có: Tháp, Chùa. Khu vực nhà ở – nơi sinh hoạt của Sư và Phật Tử.

2.1.2. Khảo tả di tích

Dựa theo thuyết phong thuỷ, đồng bảo dân tộc Lào ở Mường Bám xưa đã chọn đất kỹ lưỡng để xây dựng tháp. Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha. cách bờ suối Nậm Húa (phần đầu nguồn của dòng sông Mã) khoảng 300m, gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt Tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm Húa có núi án ngữ làm bình phong. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Trước mặt tháp là ngã ba suối, uốn khúc chạy lượn “chi huyền thuỷ”. Từ trái sang phải, phía sau Tháp có dẫy núi tựa người đang ngồi “thiền”. Quần thể Tháp có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi.

Về cấu trúc vật liệu: Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu, chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.

Thứ nhất, tháp to: Tháp to còn gọi là Tháp Mẹ, cao 13m, chia làm 4 tầng. Đế tháp hình vuông, mỗi cạnh có chiều dài 2,60m

 – Tầng 1: Tầng 1 là toàn bộ phần chân đế tháp, có chiều cao 1,20m, hình vuông cạnh dài 2,60m. Phần chân tháp được đắp 3 đường gờ nổi chườm ra, vo tròn xung quanh chân đế và cắt vuông góc 30cm xuống tới mặt đất Được trang trí chủ yếu hoa văn hình Voi, Hổ và tượng Vũ Nữ nhảy múa. Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi (có chiều cao 27 cm). Phía trên đế thu nhỏ dần, còn 2,20m, làm phần đế đỡ cho tầng 2.

 – Tầng 2: Tầng 2 cao 4 m, hình chóp cụt, có 8 cạnh được chia làm 5 phần nhỏ, có đường nổi vo tròn chạy xung quanh

 + Phần 1 là đế: Được thu vát dần lên, có chiều cao 0,40m, xung quanh là 8 mô típ hoa văn, trang trí hình lá đề uốn theo hình mây, phía ngoài bao bọc lớp hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu. Lớp hoa văn này có độ rộng là 7 cm, trong là 2 đường kẻ chỉ song song, phía ngoài được chạy chuỗi dây cánh hoa cúc nhô ra. Phía ngoài cùng 2 loại hoa văn này được trang trí hoa văn hình vòi Voi được cuộn sang hai bên. Ở giữa hai vòi Voi có hình “Vô ưu”. Đầu vòi voi nhỏ được cuộn tròn 1,5 vòng. Tiếp đến nửa thân phía trên được uốn hình vòng cung nhẹ, đến giữa thân được cuộn tròn gấp khúc, phía dưới đuôi được phình ra, dáng cong mềm mại. Vòi Voi được vắt cong hình dấu hỏi (?). Hoa văn ở phần đầu vòi voi cuộn tròn gấp khúc đến phần giữa thì có hoa văn hình cánh Hoa chanh. Phần bụng vòi Voi có hoa cúc chạy suốt thành chuỗi, đầu cánh hoa cúc quay về phía lưng vòi voi có độ rộng 9cm. Hoa văn phần đuôi vòi Voi: Từ giữa thân tròn gấp khúc về phía đuôi phình ra, dáng cong mềm mại có độ rộng 12cm, cuối đuôi được vắt cong hình dấu hỏi, phía dưới bụng vòi Voi là một đường chỉ chạy gờ nổi. Từ đường chỉ này được gắn một băng hình “vẩy”, “cánh hoa chanh” chạy tiếp, nối tiếp nhau xung quanh tháp.

 + Phần 2: Có chiều cao 0,40m, phía trên là đường gờ nổi, nhô ra khỏi thân tháp 15cm, phía dưới đường gờ nổi này được tạo hai đường vòm chỉ nổi, phía dưới đường chỉ nổi này được tạo hoa văn hình vòm cửa chạy liên tục quanh thân tháp, đối xứng nhau trên và dưới được đắp bằng vữa, đứng từ xa có cảm nhận như một chuỗi “tràng hạt”.

 + Phần 3: Cao 0,70m, phía trên được đắp gờ nổi, hoa văn phần này giống phần 2

 + Phần 4: cao 0,50m được xoè hình lá sen để đỡ cho phần 5, toàn bộ phần thân không trang trí hoa văn.

 + Phần 5: Cao 1m được xoè hẳn ra, hình lá sen để đỡ cho toàn bộ tầng 3. Phần này không trang trí hoa văn.

 – Tầng 3: Có chiều cao 6 m, trông giống như một hình quả trám thon ở hai đầu phình to ở giữa, phần dưới thon to hơn phần trên. Được chia làm hai phần đế và thân:

 + Phần đế cao 0,60m, chia làm 3 phần trang trí hoa văn khác nhau

 – Phần 1: Là phần dưới của đế, nơi tiếp giáp với tầng 2, được phủ kín quanh tháp bằng một chuỗi hoa văn “tràng hạt”

 – Phần 2: là dải hoa văn có độ rộng 30cm, hình “rắn thần” Naga 5 đầu. Ở đây đầu rắn có hình tam giác, thân uốn lượn, thân rắn được trang trí hoa văn như hoa cúc, hoa chanh, được chạy kín xung quanh tháp. Phía trên hoa văn hình rắn là hoa văn hình “tràng hạt” như phần dưới.

 – Phần 3 được trang trí dải hoa văn lá bồ đề, hình mây, rắn, chạy vòng xung quanh, bên trong là hình dây hoa chanh. Nhìn từ xa ta có cảm nhận tháp được mọc lên từ đài sen, hay là một chiếc “vương miện”

 Những hoa văn hình lá bồ đề và 1/2 lá bồ đề, chất liệu được làm bằng đất nung màu đỏ bên trong được trang trí các hình như:

 Loại hoa văn nguyên hình lá bồ đề: Bên trong lá bồ đề được trang trí hai con rồng nhỏ chạy song song của hai mép lá bồ đề. Đuôi Rồng ở phía dưới cuống đầu Rồng ngóc lên chụm vào ngọn lá đề. Phần bên trong được trang trí hoa văn hình học.

 Loại hoa văn 1/2 lá đề: Bên trong chủ yếu được trang trí hoa văn hình học.

 Gạch hình lá đề (đế rộng 13 cm, trên thu lại 4 cm, cao 27 cm) được dùng chủ yếu vào việc trang trí ở các góc của tầng 3 và tầng 4. Được trang trí hai hàng so le, đứng từ xa ta có cảm giác như búp sen đang hé nở.

 + Phần thân tháp: Thân tháp được thu lại đến 1/3 thân thì phình ra, phần cuối thân lại được thu nhỏ lại vót lên đến đỉnh tầng 3 để tạo thành hình chiếc lọ. Toàn bộ thân tháp được đắp trơn không trang trí hoa văn.

– Tầng 4 có chiều cao 1,80m, được chia làm hai phần đế và thân

 – Phần đế: Cao 0,40m được cuốn thành hình hoa sen cụp xuống, phía trên đắp 3 hình kẻ chỉ nổi.

 – Phần thân: được thu nhỏ dần, gồm 4 cạnh. Đế tầng 4 thu nhỏ lại đến 1/3 thân thì lại phình ra, rồi thu nhỏ lại, vút lên đến đỉnh tháp. Toàn bộ thân không trang trí hoa văn, trông xa như một búp sen đang hé nở.

Screenshot 2

Thứ hai, tháp nhỏ: Còn được gọi là Tháp Con, có chiều cao 3,70m, đế hình vuông, mỗi cạnh 1,20m chia làm 4 tầng Các Tháp nhỏ được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Được xây dựng chiều 4 cạnh của Tháp to theo 4 hướng Đông- Tây- Nam- Bắc, và cách Tháp to 3 mét.

– Tầng 1: Có chiều cao 0,80m, nửa phía dưới cũng là hình vuông, xung quanh được đắp 3 hàng chỉ nổi, nửa phía trên được vát vào, làm đế cho tầng 2. Hoa văn chủ yếu ở tầng này là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. Bốn cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to, ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chìm chạy song song.

 – Tầng 2: Tầng 2 cao 0,80m, phía dưới được thắt nhỏ lại, có hai đường chỉ nổi nhô ra khỏi thân, phía trên được xoè ra giống như một đài sen để đỡ lấy tầng 3. Bốn góc được đắp 4 lá đề nổi (đế rộng 8 cm, phía trên được thắt vào 2 cm, cao 20cm), to ôm gọn 4 cạnh của tầng 2. Mũi lá đề hướng lên phía trên, bên trong lá được trang trí hình vân mây và dây hoa cúc. Thân tháp không trang trí hoa văn.

 – Tầng 3: Có chiều cao 1,40m chia làm hai phần đế và thân. Phần đế hình vuông cao 0,40m, được trang trí 2 đường hoa văn nối nhau.

Đường 1 (giáp tầng 2) hoa văn hình lá bồ đề, hình rắn cuộn tròn đầu ngóc lên hướng tới lá bồ đề, trong lá bồ đề được trang trí hoa văn hình đuôi công ý nghĩa hình đuôi công là để tịnh hoá không gian xung quanh tháp. Bởi con , ở dưới có đường chỉ nổi. Tiếp đến là dải hoa văn hình “tràng hạt” cách nhau bằng những dải vạch đứng, được chạy vòng quanh tháp.

 Đường hoa văn 2 (tiếp giáp với đường hoa văn 1) đường này chủ yếu là hoa văn hình ”Cửa vòm” bên trong được vạch 3 đường chỉ chìm theo hình vòm; đường hoa văn này được trang trí kép (nghĩa là có lớp trong và lớp ngoài). Đứng xa ta có cảm nhận như một đài sen đang nở.

 + Phần thân: Mang hình một chiếc lọ, có 4 cạnh, chân được thu lại đến 1/3 thì loe ra rồi lại thu vát lên hết tầng 3. Toàn bộ thân không trang trí hoa văn (Tất cả những dải băng hoa văn được trang trí tại đây có chiều rộng là 0,10m. Những dải băng cách nhau là 0,25m)

– Tầng 4: Có chiều cao 0,70 m, ở phía dưới chân được trang trí hoàn toàn hoa văn lá đề gắn xếp làm 3 lớp. Phần trên không trang trí hoa văn, được thu nhỏ dần, vút lên nền trời.

 Trong khuôn viên ở quanh khu vực xây tháp, còn lại vết tích chùa và khu vực các sư ở. Nền chùa: Ở cách Tháp to 4m về phía Nam, có diện tích: Rộng 4m, Dài 6m. Theo lời kể của các cụ ở Mường Bám thì xưa kia tại chùa này liên tục có 12 sư túc trực, có hai sư chuyên làm lễ, đánh chuông. Khác với các nơi khác, chùa ở đây được làm bằng gỗ, hai mái chảy. Mái được lợp bằng gianh. Khu vực nhà của các Sư ở có diện tích khoảng 300m2, cách Tháp khoảng 200m về phía Bắc. Nhà ở của sư được dựng theo kiến trúc nhà sàn, chất liệu gỗ, mái gianh. Hằng ngày tại đây có 10 sư ở để thay phiên nhau lên trực trên chùa và trông coi, quét dọn Tháp. Tại đây trước kia có một

 Hiện nay, di tích chỉ còn lại một tháp to (tháp mẹ) và một tháp nhỏ (tháp con). Bên cạnh tháp to, còn có pho tượng “chư thần” ngay dưới chân tháp đã bị vỡ hết (hiện chỉ còn bệ tượng).

Theo các vị quản lý di tích thì ở phía đông (trước mặt tháp) cách khoảng 40m. Phát hiện một một chiếc “cuốc đá” (“lưỡi mài đá”) có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm. Tình trạng hiện vật còn lại ½, từ phần thân đến lưỡi đã bị mất, lưng và hai cạnh của cuốc đã được mài, còn lại độ dài là 21cm, rộng phần lưỡi là 15cm. Đây là một hiện vật quý hiếm. Chứng tỏ sự có mặt của chủ nhân vùng đất này, cách nay 4000 năm.

2.1.3. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích

Theo lời kể của ông, các nghệ nhân vùng Mường Bám thì trước kia, tại khu vực Chùa- Tháp có thực hành một số nội dung như sau:

1. Bun xẳng khạ chạu khạu cằm (Hội cúng các thần linh, tà ma)
2. Bun Khun kháu nay lan (Hội mừng vía lúa về đầy sân),
3. Bun Ma Kha bu xá và bun khậu trì
4. Bun Phạ Vệt
5. Bun Pi May hay bun hốt nậm (Lễ hội năm mới)
6. Bun vĩ xả Kha Bu Xá (Phật Đản)
7. Bun Xăm Hạ (Hội tịnh hoá, cầu an)
8. Bun Khảu Phản xả (Mùa chay)
9. Bun khảu phạ, đắp đin (Lễ hội nhớ ơn tổ tiên)
10. Bun Hò Khảu xạc hay Bun ooc phản xả (cúng các oan hồn hay mãn mùa chay)
11. Bun Kạ Thỉn (Dâng lễ Vật cho sư)
12. Bun Vạt Thạt (Hội lễ Chùa- Tháp)
Trong số các lễ kể trên hiện nay người Lào ở khu vực Mường Bám chỉ còn lưu giữ được các lễ sau, và cũng làm chủ yếu ở cấp bản, hàng năm. Đó là:
1. Lễ căm bản, căm Mương (kiêng bản kiêng mường):
2. Lễ mừng năm mới:
3. Lễ Bun Khậu Phạ đặp đin (Lễ tạ ơn)
4. Thờ cúng tổ tiên
5. Lễ cơm mới

2.1.4. Thời điểm công nhận di tích quốc gia

Tháp được Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 24/10/2012.

2.2. Tháp Mường Và

2.2.1. Lịch sử

 Theo truyền thuyết kể lại thì cách đây khoảng 400 năm (vào Thế kỷ 17) có một thầy địa lý người Hoa đi qua vùng đất này thấy có cảnh đẹp, về địa lý thuận lợi, đằng sau Bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cách đồng rộng lớn, có con suối chảy qua. Dựa theo thuyết phong thuỷ thì đây là một vùng đất đẹp và ổn định. Ông thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (Người đứng đầu trong vùng) để xây dựng chùa và tháp, ngôi chùa hiện nay không còn.

Chẩu Hua đã huy động lực lượng nhân dân trong vùng khởi công đắp quả đồi ngay tại trung tâm bản. Đất đắp đồi được lấy từ hai bên cạnh và đằng sau Tháp (hiện nay xung quang tháp còn dấu tích 3 chiếc hồ lớn). Sau khi đắp đồi xong, Chẩu Hua cho xây Tháp và dựng chùa, đây là nơi sinh hoạt không thể thiếu của cộng đồng, nơi để người dân đến lễ phật, nghe kinh, nơi tập hợp toàn dân vào những ngày lễ hội và bàn bạc đến những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng.

2.2.2. Khảo tả di tích

Tháp Mường Và thuộc loại Di tích kiến trúc Nghệ thuật. Tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao 15m so với mặt bằng xung quanh, xây theo hình bút tháp cao 13 mét, đứng từ xa ta nhìn thấy tháp vút cao lên nền trời xanh với những đường nét sắc sảo, thanh lịch, tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình.

Tòa tháp được chia thành 5 tầng, xây bằng gạch vồ có chiều dài là 35cm, rộng 15cm, dầy 6cm, là loại gạch mầu đỏ được gắn với nhau bằng vôi, cát và mật, tháp được xây đặc.

– Tầng 1: Chân tháp được xây theo hình thể vuông choãi có chiều rộng là 2,85m, thót vát lên 0,50m tạo chân của tầng, có chiều cao là 3,5m phía trên được phình ra như như một đài hoa để đỡ cho tầng 2, tầng 1 không trang trí hoa văn. Mặt thân được trang trí hình lõm (nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt) ở giữa mặt thân được trang trí một rãnh sâu là 10cm, rộng 20cm, 2 mép rãnh này được đắp nổi gờ ra khỏi thân tháp là 5cm (Tầng 1 đã được đổ bê tông tường bao và lát đá để đảm bảo công trình).

– Tầng 2: Có chiều cao 2,60mét, xây theo hình vuông, mặt cạnh của tháp được trang trí theo hình bán nguyệt, chính giữa được trang trí 1 đường lõm, đường gờ 2 bên đường lõm được trang trí gờ nổi ra khỏi thân là 5cm. Cạnh tháp có nhiều đường gờ nổi, chờm ra khỏi thân, chân của tầng 2 được trang trí hai đường hoa văn: Đường hoa văn thứ nhất (nơi tiếp giáp với tầng 1) được trang trí lá đề cách điệu (lá được dựng đứng lên) chạy xung quanh tháp.

Đường hoa văn thứ 2 (nơi tiếp giáp với tầng 3) được trang trí hình voi đi lên núi, chạy xung quanh tháp. Phía trên của tầng hai được trang trí hoa văn dây xoắn điểm xuyết hoa cúc. Hình hoa văn trang trí thoáng, đường nét mạnh mẽ.

– Tầng 3: Được xây theo hình một chiếc lọ, dưới to, trên bé hình vuông, ở giữa được trang trí hình rãnh lõm chạy từ trên xuống, mặt được trang trí hình bán nguyệt, có chiều dài 3,30m, thân tháp không trang trí hoa văn. Phía trên của tầng 3 (nơi tiếp giáp với tầng 4) được trang trí 2 đường hoa văn nổi hình dấu ~ nối tiếp nhau chay quanh tháp.

– Tầng 4: Được trang trí thon nhỏ dần có chiều cao là 2m. Đế của tầng 4 (là nơi tiếp giáp với tầng 3) ở 4 cạnh được trang trí 4 vòi voi ngoắc ngược, đứng từ xa, ta cảm nhận như 4 khuyên tai của người đeo.

– Tầng 5: Được trang trí nổi lên như một búp sen có chiều cao là 1,60m không trang trí hoa văn.

Nét độc đáo của tháp, ngoài hình khối còn phải kể đến nguyên liệu xây dựng tháp. Tháp được xây bằng gạch vồ, liên kết các viên gạch là vôi, cát. Tháp xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng.

Năm 1965 máy bay Mỹ bắn phá đã phá đứt mất 0,60m đỉnh tháp. Động đất năm 1983 làm cho tháp bị nứt dọc, vôi vữa trát xung quanh bị bong lở nhiều, phần chân tháp bị bong lở hoàn toàn. Nhiều hoa văn quanh tháp và các điểm quan trọng bị mất.

2.2.3. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích

Vào các dịp Lễ hội “Xên Mường” và “Khảu hó” của dân tộc Lào hàng năm, nhân dân trong vùng nô nức đến tham quan Tháp, tham dự các lễ hội của đồng bào.

Chảu Sửa: Lò Văn Thoong, kể rằng: Trước đây bên Tháp là Chùa, nhưng rồi Ông Thầy, ông Sư người chuyển sang Lào, người mất đi. Tượng Phật đã được đồng bào chôn vào dưới chân Tháp, saunày qua hai lần tu sửa: lần thứ nhất vào năm 2000, lần thứ 2 năm 2012; năm 2013 thì đã xây dựng Nhà quản lý tháp như hiện nay. Tượng Phật phần bị hỏng, phần bị mất, hiện ông Chảu sửa Lò Văn Thong đang lưu giữ một số và thờ tại gia đình.

2.2.4. Thời điểm công nhận di tích quốc gia

Tháp được công nhận Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

2.3. Di tích lịch sử văn hoá Chùa Chiền Viện xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn la[9].

2.3.1. Lịch sử

Chùa Chiền Viện, còn gọi là chùa Vát Hồng, tọa lạc trên một dải đồi thoai thoải tự nhiên ở trung tâm bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Theo nhà nghiên cứu Thái học Cầm Trọng thì có thể chùa đã được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng, theo tiếng Thái của địa danh nơi xây chùa – “bản Vặt” – chính là âm đọc chệch của từ “Phật” và tên hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là “Chách Vặt, Chách Và”.

Thế kỷ XIII là thời kỳ Phật giáo Việt Nam phát triển hưng thịnh trong cả nước. Ở thời điểm đó, chùa Chiền Viện đã trở thành một công trình Phật giáo quan trọng đối với đồng bào Mộc Châu (Sơn La) và vùng Tây Bắc Việt Nam, với số lượng tượng phật được thờ trong Chùa gồm 1 pho tượng lớn, 8 pho tượng vừa, 50 pho tượng nhỏ đều đúc bằng đồng, ngoài ra còn 2 pho tượng bằng thiếc và 1 pho tượng nhỏ bằng ngà voi. Do điều kiện không thể đặt Tượng tại chùa nên ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu đã quyết định chuyển số pho tượng đến Bảo tàng tỉnh Sơn La và còn lưu giữ được 12 pho tượng[10].

Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Thái vùng Mường Sang đã từng có phong tục tín ngưỡng thờ Phật trong chùa. Việc xây chùa và thờ Phật là theo quan niệm cho rằng: Chùa là nơi sinh hoạt cộng đồng của bản, mường, Các vị Phật trong chùa là những vị nhân từ, giải cứu chúng sinh qua cơn hoạn nạn, ban phước lành cho nhân dân.

2.3.2. Khảo tả di tích

Tài liệu thư tịch quan phương, nói về ngôi chùa này sớm nhất, là sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn. Theo bộ sách viết vào giữa thế kỷ XIX thì chùa Chiền Viện đã là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền Tây Bắc. Kiến trúc của chùa giống với những ngôi Chùa ở miền xuôi, được làm bằng gỗ 3 gian, mái chảy lợp gianh, xung quanh thưng gỗ hình chữ nhật. Chùa có chiều rộng 11,80 m, chiều dài 12,70 m. Phía trước cách chùa 70 m có sân làm lễ rộng 200 m2, tiếp đến là hồ nước.

Dựa theo thuyết phong thủy, khi xây dựng chùa người ta đã tạo ra hồ nước ở trước mặt, với quan niệm hồ nước luôn làm cho vùng đất được mát mẻ, làm điều gì cũng được thuận lợi. Trong hồ được thả Sen, do vậy hồ có tên địa phương là Noong Bua có nghĩa là “Ao Sen”.

Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI (Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc Châu, hưng công xây dựng. Chùa được xây dựng theo giáo pháp tiểu thừa, Chùa Chiền Viện được xây dựng với lối kiến trúc đặc biệt cùng các di vật, cổ vật thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân vùng Châu Mộc và các bộ tộc Bắc Lào thời bấy giờ, đây là trung tâm phật giáo của cả Tây Bắc Việt Nam ngày xưa.

Khi tiến hành sửa chữa về diện tích chùa vẫn được giữ nguyên như ban đầu, tường cũ được giữ nguyên và gia cố thêm, áp dụng kỹ thuật xây luồn tường; hệ thống cửa chùa xây cuốn vòm tạo sự mềm mại nhưng không kém phần vững chắc. Phần đầu đốc và tường hai bên xây bằng đá có màu nâu sẫm, mặt trong được đẽo phẳng, mặt ngoài được đục thành hình lòng máng rộng khoảng 2 cm chạy song song theo chiều dọc của viên đá.

 Bệ đặt tượng được xây bằng gạch chỉ khối đặc, theo hình đế tháp, mặt trên loe ra kiểu hình phễu, sau đó vát xuống và thu vào giữa thân. Ở đoạn này được tạo dáng 5 đường chỉ, trong đó có 2 đường được đắp nổi và 3 đường chỉ chìm. Mặt bệ thờ xây theo hình chữ nhật, hai bên có 2 đường bậc lên xuống, mỗi bên gồm 5 bậc, thông ra cửa hai bên tả, hữu. Phía trước bệ thờ được xây bục làm nơi đặt lễ. Phía trái của bục này còn có một bệ thờ, hình dáng và những đường trang trí bệ này rất giống với bệ đặt tượng xây theo kiểu “giật cấp” phía dưới xây to, phía trên thu nhỏ.

Trong khuôn viên Chùa hiện nay còn một tấm bia ghi danh nhân dân khắp nơi trong vùng Tây Bắc, từ Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có công đức tôn tạo lại chùa

Bia làm bằng phiến đá xanh hình chữ nhật, với kích thước cao 99 cm, rộng 64 cm, dày 14 cm, mặt được mài nhẵn để khắc chữ, Phía trái được khắc dọc 45 dòng chữ Thái- Theo giáo sư dân tộc học Hoàng Lương thì đây là chữ “Thái trắng” ở vùng này, phía phải được khắc dọc 15 dòng chữ Hán nôm.

Nội dung văn bia, cả hai ngữ đều thống nhất nói về việc xây dựng “vắt ni” (chùa này – tiếng Thái), với những người đóng góp tính bằng “công” và “hào” (tiếng Thái), ví dụ có “Đà Bắc tri châu Đinh Công Nội”, “Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa”, “Mai Châu tri châu Hà Công Chính”, “Tạo Tiêng”, “Chiêu Tổn”… phần mặt ghi bằng chữ Thái cổ). Phần Hán ngữ của bia (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm) nói rõ: đây vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị huỷ hoại.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân trong vùng phải sơ tán vào rừng, sư trụ trì, tăng ni, phật tử của chùa li tán nhiều nơi. Đến năm 1947 di tích chùa Chiền Viện đã bị đổ nát. Sau ngày giải phóng Mộc Châu 20/11/1952 đến năm 2005 chùa như bỏ hoang đổ nát. Đến năm 2008, nhân dân bản Vặt khôi phục lại lễ của chùa cầu an cho bản Mường. Năm 2010 chùa Vặt Hồng được ghi vào danh sách 100 ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được Giáo sư nhà sử học Lê Văn Lan thẩm định tính giá trị lịch sử của chùa.

Năm 2016, UBND huyện vận động nhân dân và các phật tử công đức làm nhà bao che để bảo vệ di tích, bảo tồn nguyên trạng giá trị lịch sử các hiện vật còn lại, mở rộng tường bao và khuôn viên của chùađể phục vụ quý khách và phật tử thập phương.

Trải qua thời gian dưới tác động của thiên nhiên và con người, đến nay chùa Chiền Viện chỉ còn lại phế tích với một nền chùa khoảng 100m2, mấy trụ cột và mảng tường xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ.

Trong số những di vật của chùa tản mát, thất tán ở nhiều nơi, đặc biệt đã thu thập lại được nhiều tượng Phật (hiện trữ ở phòng Văn hoá huyện Mộc Châu và bảo tàng tỉnh Sơn La), trong đó – theo PGS.TS. Nguyễn Lệ Thi – có một số pho là tượng Phật của Lào, thuộc phái Tiểu Thừa, niên đại khoảng thế kỷ XVI – XVII và XVIII. Một số pho có thể đã được chế tác ngay tại địa phương, nhưng mô phỏng tượng Phật Lào…

2.3.3. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích

Theo lời kể của các vị nghệ nhân trong vùng thì ngày xưa nhân dân sùng mộ. Một năm 2 lần “chính tiệc” vào tháng 3-4 với lễ cúng “xin nước, cầu mưa” và vào tháng 5-6 với lễ “rửa Tượng, tắm Tượng”.

Ngoài Mó nước chảy vào hồ Sen, ở đây còn có mó nước dùng để tắm riêng cho Tượng tại chùa. Đó là Mó nước “Ta chaư” (nghĩa là nguồn nước từ trái tim). Lễ tắm tượng ở đây còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của cư dân lúa nước. Nhân dân trong vùng đã cẩn thận chọn những cây tre để làm giàn bắc ngang nguồn nước ‘Ta Chaư” và chuyển toàn bộ tượng từ trong Chùa ra, đặt lên giàn tre và dùng gáo múc nước tắm cho tượng và lần lượt xếp hàng, hứng những giọt nước mang về dùng, để được hưởng lộc, cầu may và đón nhận sự che chở của Chư Phật trong cuộc sống của mỗi người, mỗi bản, mường khi ấy.

2.3.4. Thời điểm công nhận di tích

Ngày 27/02/2013 Di tích lịch sử văn hóa Chùa Chiền Viện (Chùa Vặt Hồng) đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ra quyết định số 353/QĐ-UBND công nhận là di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Picture4 Picture5 Picture11

Trên đây là phần lịch sử, kiến trúc của 02 Tháp, một chùa trong cộng đồng hai dân tộc Lào, Thái khu vực Tây Bắc cho chúng ta thấy rằng: Đạo Phật là tôn giáo lớn, triết lý, nhân sinh quan của nó lan tỏa đến nhiều nền văn hóa ở nhiều quốc gia khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam và vùng Tây Bắc Việt Nam. Phật giáo Tiểu thừa là hệ phái ảnh hưởng nhiều nhất đến các cư dân thuộc ngữ hệ Ka Đai, chi Thái. Tư tưởng và giáo lý của nó chi phối căn bản đến sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của người Lào, người Thái Tây Bắc. Nghiên cứu các di tích Chùa- Tháp khu vực Tây Bắc trong hai dân tộc Lào, Thái chúng ta thấy rằng Chùa- Tháp là nơi thờ Phật đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian của dân tộc Lào, Thái nơi xây dựng Chùa- Tháp.

Ngày nay, trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật, tin học hoá, toàn cầu hóa, văn hoá truyền thống đang bị mai một đi nhanh chóng. Nếu chúng ta không nghiên cứu, đi đến khẳng định các giá trị của nền văn hoá, của nét văn hoá mỗi tộc người, của từng khu vực, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ mất đi nguồn cội, đánh mất bản sắc văn hoá.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần trân trọng, giữ gìn từng dấu ấn văn hoá để khẳng định lại nguồn gốc mỗi tộc người, quốc gia, cộng đồng trong cái chung của văn hoá nhân loại. Sau đây chúng ta đi tìm hiểu phần nào giá trị của các chùa tháp cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam

3. Một số giá trị các chùa tháp cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam

3.1. Giá trị về lịch sử

Tây Bắc là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc anh em. Cùng với các dân tộc khác, người Thái, người Lào đã góp phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ, xây dựng và bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc qua hàng ngàn năm, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Những ngôi chùa, những tháp cổ vùng người Thai, người Lào Tây Bắc công trình kiến trúc nghệ thuật đã được cấp Bộ, cấp tỉnh xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương và nhân dân tiếp tục phát huy các giá trị của di tích.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa-tháp có vai trò quan trọng trong đời sống dân tộc Lào, Thái nói riêng và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung.

Giá trị lịch sử của chùa- tháp khu vực người Lào, người Thái là minh chứng cho ước vọng tốt đẹp của nhân dân Thái, Lào nói riêng, nhân dân các tộc Tây Bắc nói chung luôn hướng đến cái đẹp, cái thiện, hướng đến sự an bình, hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Chùa- Tháp vùng đồng bào Lào, Thái là dấu ấn đặc sắc về lịch sử, văn hóa, là một phần không thể thiếu khi tìm hiểu về văn hoá cội nguồn vùng Tây Bắc Việt Nam.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, con người đang có nhu cầu hướng về, tìm lại cái của mình, trở về, tìm lại và khẳng định cái nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hoá của mình trong cái chung của văn hoá nhân loại.

Việc phục dựng bảo tồn phát huy giá trị lịch sử, nghệ thuật của các chùa-tháp trong đời sống là vô cùng cần cần thiết.

Chùa- Tháp là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, ghi dấu ấn văn hóa dân tộc Thái, Lào trên vùng Tây Bắc, là tinh hoa nghệ thuật của vùng Tây Bắc nói chung và đồng bào dân tộc Thái Lào nói riêng. Tìm hiểu về chùa tháp để chúng ta hiểu thêm về lịch sử của cư dân Thái, Lào vùng Tây Bắc, đó là một trong những minh chứng về ảnh hưởng của Phật Giáo trong lịch sử dân tộc Lào, dân tộc Thái và các dân tộc anh em vùng Tây Bắc Việt Nam. Qua ngôn ngữ tạo hình của chùa tháp, chúng ta đã phần nào thấy được những dấu ấn và thông điệp lịch sử in đậm trên đó như năm khởi công, năm trung tu, niên đại chùa- tháp, hoa văn, biểu tượng….

3.2. Giá trị về nghệ thuật

Dân tộc Thái, Lào là hai trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Dấu ấn nghệ thuật của tộc người trên vùng Tây Bắc có những nét tương đồng có riêng biệt khác với các dân tộc ở các vùng khác của Việt Nam.

Kiến trúc nghệ thuật các chùa- tháp cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam đã làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng nghệ thuật chùa tháp Phật giáo ở Việt Nam, tạo nét độc đáo, khác biệt trong nghệ thuật với các dân tộc khác trong vùng, kiến trúc chùa tháp góp phần biểu hiện tư duy thẩm mỹ và trí tuệ sáng tạo của dân tộc Lào, Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Giá trị trong nghệ thuật tạo hình tháp Mường Bám, tháp Mường Và, tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân, chùa Chiền Viên được biểu hiện qua kiến trúc nghệ thuật của các chùa- tháp.

Từ kinh nghiệm của người xưa khi lựa chọn địa điểm xây chùa dựng tháp tiểu thừa đã cho thấy không gian của chùa- tháp Tây Bắc khác với một số chùa tháp Phật giáo Đại thừa ở miền Bắc, hay tháp Chăm ở miền trung Việt Nam. Không gian của chùa-tháp luôn luôn hướng đến sự hài hòa giữa cảnh sắc của núi rừng, sông suối, phù hợp với địa hình, phong tục, tập quán của người dân bản địa. Kkhông gian rừng núi này tương tác với chùa-tháp mang lại giá trị thẩm mỹ, tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân Lào, Thái nói riêng, các dân tộc Tây Bắc nói chung.

Mỗi chua-tháp có vẻ đẹp riêng trong biểu hiện ngôn ngữ tạo hình trên cơ sở những đặc trưng tạo hình truyền thống của chùa- tháp Phật giáo Tiểu thừa.

Việc lựa chọn không gian, cảnh quan với những kinh nghiệm của nghệ nhân xưa cho thấy sự hài hòa giữa nghệ thuật và cảnh quan có mối quan hệ tương tác hài hòa, hữu cơ với nhau. Hình dáng các tháp và chùa cân đối, tỉ lệ giữa các phần hài hòa làm cho tháp thanh thoát, vươn cao hòa nhập với không gian làm cho không gian có ý nghĩa, không gian là nền sinh động căng tràn sức sống hòa nhập vào hình khối của tháp.

Hệ thống phù điêu, họa tiết trang trí trên các tháp và tượng cũng như hoạ tiết trang trí chùa Chiền Viện mang đặc điểm họa tiết trang trí trên chùa tháp Phật giáo Tiểu thừa.

Chúng ta rất tiếc là hệ thống 04 tháp không còn chùa, nếu còn chùa chúng ta sẽ có thể so sánh cách lựa chọn phù điêu họa tiết ở mỗi chùa tháp từ chủ đề đến hình dạng, cách bố cục thì chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn về triết lý Phật Giáo tiểu thừa gửi gắm trong các chùa-tháp cổ.

Nếu tháp ngoài công năng phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo còn mang dáng dấp nghệ thuật của một tác phẩm điêu khắc. Kiến trúc và nghệ thuật trang trí phù điêu họa tiết trên tháp hòa nhập, hỗ trợ, bổ xung lẫn nhau làm đa dạng ngôn ngữ tạo hình của tháp.

Thì chùa, ngoài hình thức là lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính nghệ thuật, biểu trưng đường nét hoa văn dân tộc, dòng phái ra, nó còn có chức năng nuôi dưỡng đời sống tâm linh, giúp con người vươn dần lên sự thánh thiện, đồng thời nó đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngững, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của nhân dân Lào, nhân dân Thái và các dân tộc anh em vùng Tây Bắc.

Màu vết thời gian in hằn trên chùa -tháp gợi tâm tưởng con người như thấy và cảm nhận được quá khứ, hiện tại, vị lai luôn hiện diện linh thiêng trên từng cung bậc ngôn ngữ tạo hình của chùa-tháp. Cũng như cho chúng ta thấy được sự vô thường của vạn vật.

Như vậy, giá trị nghệ thuật của chùa-tháp vùng Tây Bắc không chỉ nằm ở cái vỏ ngoài của ngôn ngữ tạo hình, ẩn sâu thẳm trong đó là ý nghĩa tôn giáo và triết lý hướng con người tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ, dung hòa con người với thiên nhiên và vạn vật.

Do vậy khi tìm hiểu giá trị nghệ thuật hệ thống tháp cổ và chùa cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc ngoài việc chúng ta thấy được nghệ thuật của việc vận dụng các ngôn ngữ tạo hình chúng ta còn thấy cái đẹp sâu xa, tính đa nghĩa, ẩn dụ trong từng biểu tượng như hoa cúc, lá chanh, lá bồ đề, từng tôn tượng Phật

Nghiên cứu về chùa tháp khu vực Tây Bắc, chúng ta không chỉ dừng lại ở mặt tạo hình, cách sử dụng màu sắc, chất liệu xây dựng mà chắc chắn còn nhiều giá trị khác về văn hóa, nghệ thuật cần được tiếp tục nghiên cứu

3.3. Giá trị về Văn hóa

Các chùa-tháp cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, vẫn duy trì tổ chức các nghi lễ thờ cúng như: lễ Xên Mường (Mường Và), lễ cúng bản ở tháp Mường Luân, Chiềng Sơ, tổ chức 02 lần “Chính điện” vào tháng 3 – 4 với lễ cúng “xin nước – cầu mưa” và tháng 5 – 6 lễ “rửa tượng – tắm tượng” ở Chùa Chiền Viện giúp cho nhân dân Thái, Lào và các dân tộc anh em khác hướng về tổ tiên, ông bà, về cội nguồn dân tộc, đất nước, xóm làng, nguồn cội văn hoá: về chư Phật, Bồ tát, cầu mong mùa màng bội thu, đời sống an lành, may mắn. Đây chính là ước vọng từ đời này qua đời kia của cư dân nông nghiệp lúa nước, lúa khô.

Chính vì thế, chùa-tháp bao giờ cũng gắn liền mật thiết với đời sống tinh thần của dân tộc Lào, Thái và các dân tộc anh em vùng Tây Bắc.

Bên cạnh giá trị về tín ngưỡng dân gian, chùa tháp còn hiện hữu trong đời sống tâm linh của đồng bào. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng, cái chân- thiện- mỹ; cái từ bi hỷ xả, cái lý “Thương người rồi mới thương ta” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

 Các di tích chùa- tháp cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc mang nhiều giá trị về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật, văn hoá. Ở đó chứa đựng những dấu ấn lịch sử về sự hình thành cộng đồng dân tộc Lào, dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Bảo tồn và phát huy các giá trị của hệ thống tháp cổ người Lào- chùa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam sẽ góp phần lan tỏa văn hóa của dân tộc Lào, dân tộc Thái đến với các dân tộc anh em, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Việc phát huy các giá trị của di tích tháp- chùa cổ của người Lào, người Thái vùng Tây Bắc đã và đang được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền, nhân dân địa phương ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên. Việc quảng bá, phát huy các giá trị hệ thống tháp Lào và chùa Thái sẽ mang lại nguồn thu về kinh tế, làm cho văn hóa dân tộc Lào, Thái vùng Tây Bắc được lan tỏa rộng.

Tháp Lào vùng Tây Bắc đều đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật, chùa Thái được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp tỉnh là những tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa về với Tây Bắc.

Du lịch tìm đến các cội nguồn văn hóa đang là su hướng và nhu cầu của con người. Đến với tháp Lào, chùa Thái là hành hương về với Phật, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa-tháp, tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử, nghệ thuật và cảm nhận giá trị nghệ thuật, văn hoá của chùa-tháp hiện diện trong đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Lào, Thái vùng Tây Bắc. Với lợi thế nằm giữa không gian thiên nhiên của núi rừng, gần sông, suối, cảnh sắc đẹp tháp cổ người Lào, chùa cổ của người Thái sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách.

Cùng với các công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Bắc như: Tháp Chiềng sơ, Tháp Mường Luân (tỉnh Điện Biên), Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), thì Chùa Chiền Viện, cũng là một di tích quý hiếm, một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây bắc đã bị đổ nát trên 60 năm rồi.

Tâm tư nguyện vọng của bà con các vùng chúng tôi đi qua đều mong được phục dựng lại những ngôi chùa bên Tháp và phục dựng chùa Chiền Viện cũng như các chùa có nền móng ở Điện Biên. Mong các cấp chính quyền, Hội Phật giáo Trung ương và địa phương quan tâm đến đời sống tâm linh của bà con[11].

Chú thích:

[1].https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf

[2].https://vi.wikipedia.org/wiki/.

[3] https://giadinhkhoachi.wordpress.com/2008/08/29/truyen-qu-b-u-m/

[4]. Đặng Nghiên Vạn, Đinh Xuân Lâm, Điện Biên trong lịch sử, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1979, tr 51.

[5] https://truongthaidu.wordpress.com/2017/05/14/lich-su-thuc-dan-cac-bo-toc-ai-lao-cua-nha-han/

[6] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Vụ Văn hóa dân tộc (2010), Văn hóa vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

[7] Hứa Bướng (1999), Ấn tượng Phiêng Hào, NXB Văn hóa các dân tộc (UBDT), số 6, trang 6.

[8]. Hội nghị Thái học lần thứ V (2009), Địa danh và những vấn đề Lịch sử-Văn hoá của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái Việt Nam. Trang 59-60. Nxb Thế giới, Hà Nội.

[9] http://baotangsonla.vn/index.php?module=news&act=view&id=367

[10] https://mocchau.sonla.gov.vn/1306/31791/62168/491027/di-tich-lich-su/di-tich-chua-vat-hong

[11]. Nguồn: Chùa Việt Nam. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nxb Thế giới, in lần thứ tư. 2010 có chỉnh lý bổ sung, tr.294. Ngô Đức Thọ (chủ biên) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, Trang 150. Cầm Trọng: “Người Thái ở Tây bắc ở Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Trang 43

Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (2002), Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục.
2. Bảo tàng tỉnh Điện Biên – Hồ sơ di tích kiến trúc nghệ thuật các tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ.
3. Bảo tàng tỉnh Sơn La – Hồ sơ di tích kiến trúc nghệ thuật các tháp Mường Bám, tháp Mường Và; Chùa Chiền Viện.
4. Di sản Văn hóa Sơn La:
http://dsvh.sonla. gov.vn/index.php?module=hoso_hv&act=view&id=3
http://dsvh.sonla. gov.vn/index.php?module=quangba&act=chitietdisan &id=112
5.https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf
6. https://giadinhkhoachi.wordpress.com/2008/08/29/truyen-qu-b-u-m/
7. Đặng Nghiên Vạn, Đinh Xuân Lâm, Điện Biên trong lịch sử, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1979, tr 51.
8. https://truongthaidu.wordpress.com/2017/05/14/lich-su-thuc-dan-cac-bo-toc-ai-lao-cua-nha-han/
9 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Vụ Văn hóa dân tộc (2010), Văn hóa vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
10. Hứa Bướng (1999), Ấn tượng Phiêng Hào, NXB Văn hóa các dân tộc (UBDT), số 6, trang 6.
11. Hội nghị Thái học lần thứ V (2009), Địa danh và những vấn đề Lịch sử-Văn hoá của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái Việt Nam. Trang 59-60. Nxb Thế giới, Hà Nội.
12. http://baotangsonla.vn/index.php?module=news&act=view&id=367
13. https://mocchau.sonla.gov.vn/1306/31791/62168/491027/di-tich-lich-su/di-tich-chua-vat-hong
14. Chùa Việt Nam. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nxb Thế giới, in lần thứ tư. 2010 có chỉnh lý bổ sung, tr.294.
15. Ngô Đức Thọ (chủ biên) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, Trang 150.
16. Cầm Trọng: “Người Thái ở Tây bắc ở Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Trang 43

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường