PGS.TS.Nguyễn Đức Nhuệ Viện Sử học Việt Nam
1. Gia thế
Tổ Như Trừng Lân Giác, nguyên tên huý là Trịnh Linh, sau đổi là Trịnh Thập. Ngài là Vương tử, thuộc đời thứ 12 dòng họ Trịnh ở Sóc Sơn (hay Sáo Sơn) nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Thuỷ tổ họ Trịnh là Trịnh Kỷ, trải đến đời thứ năm thì bắt đầu trở thành một dòng họ lớn gắn với tên tuổi của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm.
Góp phần vào sự nghiệp trung hưng của nhà Lê (thế kỷ XVI) ở xứ Thanh tiếp theo sau dòng họ Nguyễn (khởi đầu là Nguyễn Kim), dòng họ Trịnh có công lao rất lớn. Cùng với thời gian, thế lực của họ Trịnh bên cạnh vua Lê ngày càng được củng cố và khẳng định một cách vững chắc.
Trịnh Kiểm là con rể Nguyễn Kim, từng theo Nguyễn Kim chinh chiến nhiều năm và có nhiều huân công. Năm 1545, Nguyễn Kim qua đời, binh quyền được truyền lại cho Trịnh Kiểm. Từ đây, ông một lòng phò tá vua Lê, tiếp tục sự nghiệp trung hung nhà Lê. Năm 1570, Trịnh Kiểm qua đời, con trưởng là Trịnh Cối thay cha nắm giữ binh quyền nhưng không được tướng sĩ tin phục nên trong nội bộ Nam triều diễn ra mâu thuẫn, xung đột. Vua Lê tiến phong người con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng nắm giữ binh quyền, phò tá nhà Lê, hoàn thành sự nghiệp trung hung, giành lại Thăng Long và quyền kiểm soát đất nước vào năm 1593.
Do có công lao đặc biệt trong sự nghiệp trung hung nhà Lê nên ngày mùng 7 tháng Tư năm Kỷ Hợi niên hiệu Quang Hưng thứ 22 (1599) vua Lê Thế Tông đặc sai Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái đem kim sách phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương. Từ đây, họ Trịnh được thế tập tước vương, gọi là Chúa Trịnh. Trong gần hai thế kỷ, từ năm 1599 (Trịnh Tùng được phong là Bình An Vương) đến năm 1786 sau cái chết của Đoan Nam vương Trịnh Khải, thì quyền cai trị đất nước (chủ yếu ở Đàng Ngoài) nằm trong tay 10 vị Chúa Trịnh, tương ứng với thời kỳ tại vị của 12 vua Lê.
Với chức tước được phong là Đại nguyên súy Tổng quốc chính... trên thực tế, các Chúa Trịnh đã thâu tóm phần lớn quyền lực về quân sự, chính trị của cả nước. Công lao của các Chúa Trịnh được sử gia đương thời ca tụng hết mực, đặc biệt là trong các bài văn sách tiến phong tước vương cho Chúa Trịnh hay trong nội dung văn bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu Quốc tử giám (Hà Nội) từ khoa thi Chế khoa năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 6 (1554) trở về sau. Nội dung bài ký bao giờ cũng có đoạn tán dương công đức của Chúa Trịnh như: "Thực nhờ Đại nguyên soái Thống quốc chính Thái thượng sư phụ công cao nhân thánh Thanh vương tự mình gánh vác thiên hạ, gắng sức sắp xếp đất trời cho nên kẻ sĩ bốn phương kéo về đông như mây họp... hay "Thực nhờ Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương dốc lòng tôn phù, ra công tham tán v.v...".
Từ năm Cảnh Trị thứ hai triều vua Lê Huyền tông (1664) trở đi, các Chúa Trịnh, bắt đầu là Trịnh Tạc được ban thêm nhiều ân điển : "Vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt chỗ ngồi bên tả chỗ ngồi của vua". Năm 1683 vua Lê xuống chiếu tôn Chúa Trịnh Căn với lễ đặc biệt: "Không phải viết tên vào tấu sớ, không phải lạy khi làm lễ bái yết, đặt chỗ ngồi bên tả điện Thị Triều..., còn đối với Trịnh Cương thì "từ nay, trong các biểu chương, tấu sớ chỉ xưng vương, chứ không cần xưng tên, khi vào chầu yết không phải lạy để biểu thị sự tôn quý”. Đến lúc này thì quyền uy cũng như vai trò quản lý đất nước của Chúa Trịnh đã được khẳng định trên thực tế.
Như vậy, từ năm 1600 trở đi trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt, đó là tình trạng "Vua Lê" - "Chúa Trịnh". Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của triều đường và phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước.
Thời điểm Trịnh Tùng được vua Lê tiến phong làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương, Sử nhà Nguyễn chép: "Từ đấy chính sự quyền bính nhà vua đều do Tùng tự quyết đoán, của cải thuế khóa quân lính và nhân dân hết thảy đều về phủ Chúa cả. Về phần vua Lê thì chế độ bổng lộc chỉ để một ngàn xã làm lộc Thượng tiến (bổng lộc dâng lên vua) quân lính túc trực và hộ vệ thì trong nội điện có 5000 lính, 7 thớt voi và 20 chiếc thuyền rồng"[1]. Thực ra từ thời điểm này cho đến khi chính quyền Lê-Trịnh sụp đổ trước cơn bão táp của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, Chúa Trịnh chưa bao giờ thâu tóm toàn bộ quyền hành của vua Lê mà giữa Chúa Trịnh và Vua Lê cũng như giữa Phủ đường và Triều đường chỉ diễn ra sự phân chia quyền lực với mức độ ngày càng gay gắt nhưng rốt cục vua Lê bao giờ cũng ở vị trí yếu thế hơn.
Vương tử Trịnh Thập là con trai thứ 11 của Tấn Quang vương Trịnh Bính, là tằng tôn của Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn. Tính từ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng trở đi thì Trịnh Căn là vị chúa thứ tư, kế vị khi đã 50 tuổi, ở ngôi từ năm 1682, mất năm 1709, hưởng thọ 77 tuổi. Trịnh Căn có hai người con trai, trưởng nam là Trịnh Vĩnh sinh năm Tân Mão (1651), mất năm Mậu Ngọ (1678), hưởng thọ 28 tuổi. Trịnh Vĩnh có 5 người con trai, trưởng nam là Trịnh Bính sinh năm Canh Tuất (1670), mất năm Nhâm Ngọ (1702), hưởng thọ 33 tuổi. Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính qua đời khi Trịnh Căn còn tại vị, do đó để chọn người kế nghiệp, năm Quý Mùi (1703), Trịnh Căn cho vời Tham tụng Nguyễn Quý Đức vào hỏi ý kiến. Quý Đức đáp rằng: "Việc giữ nước, vỗ về dân là trách nhiệm nặng nề, nên cho thuộc về tằng tôn (chắt) là dòng đích, điển lễ đã rõ ràng như vậy. Xin hãy sớm định phận để chấm dứt sự ngấp nghé, dòm nom". Trịnh Căn lại hỏi Đặng Đình Tướng. Đình Tướng cũng trả lời như vậy. Do đó Chúa mới quyết định chọn Trịnh Cương (con trưởng của Tấn Quang vương Trịnh Bính) khi ấy mới 18 tuổi làm Thế tử. Trịnh Cương "thông minh sáng suốt, ham học hỏi. Khi đã được nối ngôi Chính phủ, quần thần đều bằng lòng".
Năm Kỷ Tỵ (1709) Chúa Trịnh Căn mất, thọ 77 tuổi, theo chế độ "đích tôn thừa trọng" Trịnh Cương được lập làm Chúa. Từ thời Trịnh Cương trở về trước việc kế vị ngôi Chúa trong dòng họ Trịnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, ngôi vị luôn thuộc về ngành trưởng (con trưởng hoặc cháu trưởng) trừ những trường hợp bất khả kháng.
Thế thứ trong phả hệ họ Trịnh cho thấy: Tấn Quang vương Trịnh Bính thuộc đời thứ 11 (kể từ thuỷ tổ Trịnh Kỷ). Ông sinh được 17 người con trai và 14 người con gái. Trưởng nam là Hy tổ Nhân vương Trịnh Cương, ở ngôi vị từ năm 1709 đến 1729, là nhà cải cách nổi tiếng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
Trịnh Thập là con trai thứ 11 của Tấn Quang vương Trịnh Bính và là em ruột của Hi Tổ Nhân vương Trịnh Cương. Ông từng được phong chức Phó tướng, tước Thân quận công[2], là Phò mã nhà Lê.
2. Thời đại
Trịnh Thập sinh năm Bính Tý (1696), kém Hi Tổ nhân vương Trịnh Cương 10 tuổi. Có thể khẳng định những thập niên cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là giai đoạn phát triển cực thịnh của triều Lê Trung hưng. Từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi, tình hình xã hội Đàng Ngoài bước vào một thời kỳ tương đối ổn định. Ở phía Bắc, nhà Mạc sau khi bị đánh bật khỏi Thăng Long, chạy lên Cao Bằng cát cứ được hơn 7 thập niên và đến năm 1677 thì cơ bản bị đánh bại, dư đảng còn sót lại cũng bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1683.
Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài dai dẳng gần 50 năm (1627-1672) cũng đã đến lúc phải chấm dứt. Năm 1672, chúa Trịnh Tạc huy động 18 vạn quân quyết định mở cuộc Nam chinh lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng nhưng không thành công, đành phải rước xa giá vua Lê về Thăng Long để Lê Thời Hiến ở lại trấn thủ xứ Nghệ An kiêm Trấn thủ châu Bố Chính; Binh bộ Tả thị lang Bồi tụng Lê Sĩ Triệt làm Đốc thị; Tả thị lang Nguyễn Danh Thực làm Phó đốc thị, khống chế biên cương, giữ gìn an ninh cho dân địa phương. Hai bên Trịnh - Nguyễn lấy Đại Linh giang (sông Gianh) làm phân giới. "Tự đấy Nam Bắc không đánh nhau nữa".
Trong khoảng 3 thập niên cuối thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài nổ ra rải rác một số cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương vùng cao biên giới phía Bắc và của hậu duệ Gia Quốc công Vũ Văn Mật nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội Đàng Ngoài.
Thời điểm này, nền kinh tế Đàng Ngoài đang dần được phục hồi và có những biểu hiện phát triển khá rõ nét, nhất là trên lĩnh vực: sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp... Mặc dù ở một số địa phương, đời sống kinh tế của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan đưa lại (lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... dẫn đến mất mùa đói kém) nhưng xét trên đại thể thực trạng kinh tế ở Đàng Ngoài bộc lộ những dấu hiệu tiến bộ, trật tự xã hội đang dần đi vào nền nếp. Đây chính là thời kỳ "kỷ cương được chấn hưng... quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn".
Để đạt được sự hưng thịnh của Đàng Ngoài giai đoạn này trước hết phải ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các chúa Trịnh, trong đó tiêu biểu là Trịnh Căn và Trịnh Cương.
Trịnh Căn là người năng nổ, quyết đoán và rất mực chăm lo đến chính sự. Trong hơn 50 năm tham chính với 27 năm giữ cương vị là người đứng đầu bộ máy chính quyền phong kiến Đàng Ngoài, Trịnh Căn đã tỏ rõ tài năng quản lý đất nước của mình thông qua hàng loạt chính sách kinh tế - chính trị - xã hội được ông vạch ra và từng bước thực hiện có kết quả.
Một trong những việc làm đầu tiên của Trịnh Căn ngay sau khi nắm quyền chính là cho ban bố rộng rãi 6 điều răn dạy bề tôi và dân chúng ở kinh đô và ngoài các trấn[3].
Răn dạy là để phòng ngừa, ngăn chặn nhưng rõ ràng qua nội dung của các điều trên đã phản ánh phần nào hiện trạng chính sự thời kỳ này còn tồn đọng nhiều vấn đề tiêu cực cần giải quyết. Có lẽ chính vì vậy mà chỉ một năm sau đó Trịnh Căn bắt đầu tiến hành kiểm tra, rà soát lại năng lực làm việc của đội ngũ quan lại trong bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương bằng biện pháp khảo xét công trạng nghiêm ngặt, trên cơ sở đó mới định ra chế độ tuyển bổ, thăng giáng, xếp đặt chức quan cho đúng người xứng việc.
Nhờ có việc khảo sát thành tích quan lại rất nghiêm cẩn, ai có thành tích cao về chính sự thì được thăng trật cao và điều đến trị nhậm ở những nơi nhiều việc và phức tạp, ai vào hạng kém cỏi thì bị truất giáng, không sót một người nào, do đó "các sĩ đại phu đều lấy việc giữ gìn phong cách tiết tháo để tự cổ lệ mình. Việc thỉnh thác cầu cạnh không còn. [Việc làm này] được khen là trong sáng".
Thời Trịnh Căn trị vì (1682-1709), nhân tài nở rộ. Không những "các công khanh phần nhiều đều xứng chức" mà còn xuất hiện nhiều danh thần lương tướng được sử cũ khen hết lời. Dĩnh quận công Ngô Hữu Dụng (trấn thủ Thanh Hoa) "khi ở trấn (hơn 30 năm), ban lệnh gì thì lệnh ấy được thi hành, cấm việc gì thì việc ấy phải thôi hẳn. Bọn trộm cướp phải im hơi"; Thiếu bảo Lộc quận công Đinh Văn Tả "là danh tướng một thời"; Tham tụng Nguyễn Mậu Tài là người "kỳ cựu vững vàng... trong sạch trung hậu chưa từng bị ai oán ghét"; Liêm quận công Trần Đăng Doanh "nói năng, bàn luận rõ ràng dứt khoát"; Thượng thư Đồng Tồn Trạch "cầm quyền chính trong tay chín năm mà trong nhà không chứa của thừa, được người ta khen là thanh liêm"; Đô ngự sử Nguyễn Công Vọng, Tham tụng Nguyễn Viết Thứ "là danh thần đương thời"; Nguyễn Quán Nho làm Tể tướng thì "thiên hạ âu ca"; Yên quận công Trịnh Liễu "là người khiêm nhường, cung kính khoan hậu, thận trọng, kín đáo. Cai trị ở trấn 24 năm biên cương vô sự"; Thiếu bảo quận công Lê Đình Kiên "giữ lòng trung chính... xem dân như con, xử kiện công bằng"... "làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc cứng rắn, vì vậy trộm cướp nằm im không dám hoạt động",... Ngoài ra nhiều bậc khoa bảng đỗ đạt dưới thời Trịnh Căn như Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn v.v... sau này đều trở thành những bậc lương đống của triều đình Lê - Trịnh.
Trên lĩnh vực kinh tế, thực ra thời Trịnh Căn chưa có những chính sách lớn, thực sự tạo nên quá trình chuyển biến mạnh mẽ trong toàn bộ cơ cấu nền sản xuất đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhà nước Lê-Trịnh đã tiến hành thực hiện hàng loạt biện pháp thiết thực (như sửa đắp đê điều, công tác thủy lợi, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất; bằng các chính sách xã hội: tha giảm tô thuế, lực dịch v.v...), nhưng mới chỉ nhằm mục đích khôi phục, tiến tới ổn định nền sản xuất, lập lại trật tự xã hội, củng cố mối quan hệ giữa nhà nước trung ương với làng xã... sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá hủy hoại. Sản xuất nông nghiệp mặc dù có phát triển hơn trước nhưng bước đi vẫn còn khá chật vật.
Trịnh Cương là tằng tôn của chúa Trịnh Căn. Ông sinh ngày 19 tháng Năm năm Bính Dần, niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (tức ngày 9-7-1686).
Trịnh Cương là người đầy tâm huyết, có trách nhiệm cao đối với sự hưng vong của quốc gia. Ông rất quan tâm đến chính sự "sớm đã thay áo, khuya mới ăn cơm, canh cánh lo lắng, siêng năng càng hơn. Một ngày muôn việc thế nào cũng cẩn thận giữ gìn.... Mặc dù đây là những lời tán tụng của quần thần đối với ông nhưng ít nhiều cũng phản ánh phần nào sự thật. Trong bài "Phong niên vịnh" (bài vịnh về năm được mùa), chính ông từng bộc bạch tâm sự :
"Ta được nối nghiệp lớn
Ngày ngày gìn giữ, trong lòng lúc nào cũng canh cánh lo âu
Thay trời gánh trách nhiệm, vỗ yên muôn dân...".
Đánh giá về Trịnh Cương, sử thần triều Nguyễn cũng phải thừa nhận: "Lúc ấy Trịnh Cương đang hăng hái lo toan việc trị nước, tham tụng Nguyễn Công Hãng ngày đêm mưu tính, nên những chế độ về việc binh, việc dân, việc tài sản và thuế khóa, phần nhiều được xây dựng xếp đặt...".
Thời Trịnh Cương cầm quyền chính, ông luôn giữ thái độ đúng mực đối với vua Lê trong vị trí là một nguyên thần. Năm 1720, ông đích thân soạn chỉ dụ, lại tự diễn ra quốc âm rồi triệu các quan văn võ vào Nội các tuyên bố, dụ bảo ân cần mọi điều để tỏ ý răn đe, hoặc khích lệ họ. Mở đầu chỉ dụ, ông nhấn mạnh : "Người bề tôi phải có lòng trung thờ vua, liêm khiết sửa mình..." và chính ông là người rất nghiêm cẩn giữ đạo thần tử đối với vua Lê. Năm Bảo Thái thứ hai (1721) nhân dịp Chúa ban ân cho bá quan văn võ từ tứ phẩm trở lên khi vào chầu hầu được dùng áo sa hoặc áo đoạn, các đại thần là Trịnh Quán, Nguyễn Công Hãng bàn xin với Trịnh Cương khi tiếp kiến quần thần nên dùng y phục màu vàng. Ông từ chối và dụ rằng: “Ta từ khi lên nối cơ nghiệp nhà Chúa, giúp rập nhà vua thường vẫn giữ lòng tôn kính. Màu vàng là đồ mặc của Thiên tử, để suy tôn Hoàng thượng ta hợp với nghĩa của Lễ. Từ nay những lúc trông coi việc chính sự, hội họp ở triều và những lúc bình thường yến tiệc, tiếp kiến quần thần, ta chỉ dùng y phục màu tía, ngõ hầu để phân biệt với các ông mà thôi”.
Năm Bảo Thái thứ 5 (1724) vua Lê Dụ tông đau chân, không đứng chủ tế đàn Nam Giao được, Trịnh Cương đi làm lễ bái yết thay vua. Lúc ấy "các bề tôi phò tá xin Chúa theo nghi lễ như vua, đích thân đi tế nhưng Chúa không nghe, đặc cách sai đặt nơi dâng hương và bái vị ở sân điện Chiêu sự, tạm làm lễ tế. Trong kinh ngoài trấn đều vui mừng cảm kích, khen Chúa là người có lòng tôn phù, có đức tốt..."
Trịnh Cương có 7 người con trai, con trưởng là Trịnh Giang sinh năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711), năm 17 tuổi (1727) được phong là Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm nắm các việc chính sự cơ mật, chức Thái úy Thịnh quốc công và cho mở phủ Điện Quốc. Trịnh Cương đích thân làm bài "Bảo huấn" ban cho đại lược nói: “Nhiệm vụ của người trưởng nam phải gánh vác không phải là nhẹ, nên lấy lời dạy của hoàng cực làm khuôn phép. Kính sợ, lo lắng (để trau dồi) đạo đức của mình, sớm lo vào đó tối lo vào đó, bất cứ một cử động gì cũng lại để ý vào đó. Thành tín, thật thà chứa đầy ở trong lòng, khi ở nơi cung đình phải như thế, khi làm chính sự to tát cũng lại như thế. Tu dưỡng đầy đủ các mặt "thể" lẫn mặt "dụng" suy ra làm quy mô để trị nước bình thiên hạ, để phỉ lòng giao phó gửi gắm của quân vương, sao cho rạng rỡ cơ nghiệp mà tổ tông gây dựng vun đắp. Người con biết nối chí hướng của cha ông, làm theo công việc của cha ông để lại, sự hiếu thảo đó còn gì lớn hơn nữa”.
Trong thời kỳ cầm quyền chính không phải Trịnh Cương không có những hạn chế nhất định. Việc ông cho xây dựng nhiều chùa quán như chùa Phúc Long, hành cung Cổ Bi (Gia Lâm) (trong đó chùa Phúc Long xây dựng ròng rã trong 6 năm) và thường xuyên tổ chức những cuộc tuần du... đã gây ảnh hưởng lớn đến nền tài chính quốc gia, nhân dân phải gánh chịu lao dịch rất vất vả. Tuy nhiên có thể ghi nhận thời vua Lê Dụ tông (1705-1729) trị vì và Trịnh Cương nắm giữ chính quyền (1709-1729) là một giai đoạn trong nội bộ triều chính yên bình, hòa hợp tạo nên những điều kiện khá thuận lợi để Trịnh Cương thực hiện các cải cách trên lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Khái quát về thời kỳ này, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: "Bấy giờ, vua nối nghiệp thái bình, không biết việc binh đao, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều pháp độ kỷ cương rất hẳn hoi, đầy đủ. Các phương xa đến cống và Trung Quốc trả lại đất đai, thực là đời rất thịnh"
Trong thời Trịnh Căn, Trịnh Cương cầm quyền, trật tự xã hội Đàng Ngoài ngày càng đi vào ổn định, các thiết chế xã hội ngày càng đi vào nề nếp. Sở dĩ được như vậy là vì Trịnh Cương biết chuyên dùng những nhân vật có năng lực.
Ngay từ thời Trịnh Căn (1682-1709), chính sách "tuyển hiền dữ năng" được áp dụng rộng rãi nên khi Trịnh Cương kế nhiệm, ông đã sẵn có một đội ngũ quan lại giúp việc rất đắc lực và thực sự có tâm huyết đối với công cuộc cải cách. Đó là những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Quý Đức, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng,...
Nguyễn Quý Đức sinh năm Mậu Tý (1648), quê làng Đại Mỗ (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Ông đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Bính Thìn (1676), từng giữ nhiều trọng chức ở các trấn, ở Ngự sử đài và các bộ. Năm 1709 Trịnh Cương lên ngôi Chúa, Nguyễn Quý Đức được thăng chức Hộ bộ Thượng thư, Thiếu bảo tước Liêm Đường hầu kiêm Đông các Đại học sĩ đồng thời giữ chức Tham tụng trong Phủ liêu gánh vác một trọng trách lớn của quốc gia. Thời kỳ này, Nguyễn Quý Đức thực sự có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thể chế, pháp luật và kinh bang tế thế.
Nguyễn Quý Đức mất năm Canh Tý (1720) hưởng thọ 73 tuổi. Ông được triều đình truy tặng Thái tể và sai quan đến trông coi việc tang. Đánh giá về tư cách phẩm chất cũng như tài năng của Nguyễn Quý Đức, sử thần triều Lê đã nêu lên một cách rất tổng quát: "Quý Đức là người rộng rãi trung hậu, thường ngày cư xử thù tiếp thì tỏ ra dễ dãi vui vẻ. Những khi tiến lên bàn luận chính sự có điều gì chưa thỏa đáng thì kiên quyết giữ ý kiến của mình đến vài bốn lần cứ vững chắc như vậy không ai lay chuyển nổi. Làm văn thời không chuộng đẽo gọt, nhưng ý tứ vẫn tinh tế chặt chẽ. Triều đình có làm những việc gì lớn thì phần nhiều đều có tay ông. Ông làm Tể tướng hơn 10 năm, làm chính sự cốt ở sự khoan hòa trung hậu, trong đám hậu tiến có nhiều người suy tôn...". Dân gian có câu: "Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức" cũng vì lẽ đó.
Lê Anh Tuấn sinh năm Canh Tuất (1670) quê xã Thanh Mai (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội), lúc trẻ đã nổi tiếng về văn chương, năm 24 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694). Năm 1715 ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc, biện luận với triều đình nhà Thanh xin được miễn cống ngà voi và được vua Khang Hi nhà Thanh chấp nhận.
Năm 1720 Lê Anh Tuấn được thăng chức Thượng thư Bộ Hình, tước Điện quận công và được bổ nhiệm cùng với Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Cơ làm Tham tụng. Ông là người "trầm tĩnh, kín đáo, nghiêm nghị, chắc chắn. Lúc trẻ do có tiếng hay chữ nên được vào làm Tể tướng, mưu kế và công trạng của ông đáng ghi". Ông "xây dựng nhiều việc, tỏ rõ công lao...", đức độ và tài năng tỏ rõ được người đời tụng khen hết mực[4].
Nhân vật chủ chốt và kiệt hiệt nhất phải kể đến Nguyễn Công Hãng, một nhà chính trị có nhiều sáng kiến đồng thời có trình độ lý luận để thuyết phục vua chúa phải theo sáng kiến của mình, cuối cùng còn táo bạo thực hiện những sáng kiến ấy.
Nguyễn Công Hãng sinh năm Canh Thân (1680), quê làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay là TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) lúc 21 tuổi. Ông từng giữ chức Đốc trấn An Bang (Quảng Ninh); Đốc trấn Cao Bằng và Tả thị lang Bộ Binh v.v... Năm 1718-1719 Nguyễn Công Hãng được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Trong lần đi sứ này, bằng tài ngoại giao của mình ông đã tranh luận thuyết phục buộc nhà Thanh bỏ lệ bắt nước ta phải cống người vàng và nước giếng Loa Thành. Đây cũng là dịp Nguyễn Công Hãng được trực tiếp tiếp xúc tìm hiểu xã hội Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực kinh tế - chính trị, giúp ích cho ông rất nhiều trong quá trình thực hiện các chính sách cải cách của Trịnh Cương sau này. Năm 1720 Nguyễn Công Hãng được bổ nhiệm giữ chức Tham tụng. Nắm cương vị cao nhất trong Phủ liêu, Nguyễn Công Hãng mới có điều kiện để thi thố tài năng. Ông với Lê Anh Tuấn cùng làm Tể tướng "hăm hở lấy việc thiên hạ làm trách nhiệm của mình, đem hết tâm tư, nghĩ đến việc chế tác những phép tắc ở chốn dinh tòa đều do ông sửa định cả".
Phan Huy Chú cũng có nhận xét về Nguyễn Công Hãng: "Ông có tài làm tướng, tự cho mình được Chúa tri ngộ nên quả quyết đảm đương mọi việc, đứng đầu ngôi tướng trong 15 năm, mưu kế bày đặt rõ rệt đáng kể". Trong khoảng 2 thập kỷ (1709-1729) với vai trò là người giúp đỡ, thay thế vua Lê quản lý đất nước, Trịnh Cương là người rất mực quan tâm đến việc nước, có ý thức, có trách nhiệm cũng như đề ra nhiều sáng kiến trong việc điều hành chính sự. Bên cạnh Trịnh Cương là những bậc nho thần tài đức vẹn toàn, đầy tâm huyết và được triều thần nể trọng. Họ chính là những tham mưu đắc lực và tin cậy của Trịnh Cương trong quá trình điều hành và quản lý đất nước một cách hiệu quả nhất.
Là một vương tử dòng đích của dòng họ Trịnh - dòng họ cùng với họ Lê nắm quyền trị vì Đại Việt 249 năm - nhưng Như Trừng Lân Giác Trịnh Thập không mặn mà với sự nghiệp chính trị mà rẽ theo một hướng khác khi còn ở độ tuổi vị thành niên. Sự nghiệp đáng kính của Ngài đạt được trước hết bằng tài năng, đức độ của bản thân và chắc hẳn có sự hậu thuẫn phần nào từ gia thế xuất thân cũng như những tác động thuận lợi của thời đại chi phối.
PGS.TS.Nguyễn Đức Nhuệ Viện Sử học Việt Nam ***CHÚ THÍCH [1] Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr.222. [2] Trịnh Như Tấu: Trịnh gia chính phả, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2008. [3] Sáu điều : 1. Răn các đại thần có họ gần và có công lao: không được ỷ thế lực, cậy thân tình; Khi giảng tập phải gìn giữ đúng thời khắc; chăn nuôi dân, chớ làm chính sự bạo ngược; Răn dạy các văn thần phải cần cù, cẩn thận, công bằng và thanh liêm; Răn dạy các nội thần phải giữ lòng trung lương siêng năng chức vụ; Răn quân sĩ phải tuân theo thượng lệnh, kính sợ phép công; Răn nhân dân phải mến chuộng đạo nghĩa, có lòng biết tự thẹn khi mình làm điều bất thiện và biết ghét khi thấy người làm điều bất thiện. [4] Đương thời dân gian có câu: "Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền", cả 2 ông đều lưu danh trong sử sách. Lê Anh Tuấn còn được xếp trong Tràng An tứ hổ thời bấy giờ "nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn".
Bình luận (0)