Xuất thân trong một gia đình có cha là sĩ quan quân đội, anh Trần Sỹ Phong luôn nhận thức rõ nhiệm vụ của người thanh niên trong thời chiến lẫn thời bình, năm 2005, lúc 20 tuổi, anh tình nguyện gia nhập quân đội và được phân công về đơn vị tiểu đoàn cảnh vệ quân khu 9. Năm 2007, anh xuất ngũ và công tác tại Ban chỉ huy Quân sự xã Thới Hưng cho đến nay. Hiện tại với quân hàm Trung úy sỹ quan dự bị, anh được phân công huấn luyện thường xuyên lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích. Song song đó anh còn tham gia rất nhiều phong trào như: xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, tuyển quân, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội…

Thông qua quá trình công tác và nhiều tư liệu có liên quan, Trần Sỹ Phong hiểu rằng, hiến máu cứu người là nhiệm vụ rất cao cả đầy tính nhân văn nên từ năm 2002, anh đã tình nguyện hiến máu nhân đạo với phương châm “mỗi giọt máu cho đi, trao đời thêm sự sống”. Anh kể lại cảm xúc của mình khi lần đầu hiến máu: “Ban đầu cũng lo lắng vì chưa biết cảm giác như thế nào, nhưng nghĩ đến những bệnh nhân rất đang cần máu, đặc biệt là người nghèo là tôi an tâm hiến máu. Từ đó mỗi năm tôi đều tự nguyện hiến 3 đến 4 lần. Hiến riết rồi “ghiền luôn”. Anh nói vui.

Có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời hiến máu mà anh Phong không thể nào quên. Năm 2015, khi đang công tác tại huyện Cờ Đỏ, bất ngờ anh chứng kiến một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Trong khi bệnh viện huyện đang lúng túng vì không có loại máu B để truyền cho nạn nhân trong tình trạng nguy kịch; thấy vậy anh Phong để nghị hiến máu của mình (cùng nhóm máu B với nạn nhân) bằng cách truyền máu trực tiếp, nhờ đó nạn nhân được cứu sống kịp thời và chuyển lên tuyến trên. Một trường hợp khác xảy ra vào năm 2016, một bệnh nhân nghèo bị tai nạn được cấp cứu tại bệnh viện huyện, thiếu máu loại B đang trong tình trạng nguy kịch nếu không có máu sẽ không thể chuyển viện đến Tp.Cần Thơ với quãng đường dài gần 50km. Anh Phong đã đến ngay bệnh viện và hiến máu trực tiếp. Sau đó, các nạn nhân được cứu sống đã đến gặp anh đặt vấn đề xin đền ơn nhưng anh đã từ chối.

Anh Phong cho rằng: “Thấy người ta bị tai nạn nguy cấp lại cần nhóm máu mình đang có thì tôi giúp với trách nhiệm con người với con người, trách nhiệm của một người cựu chiến binh luôn học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, giúp người là niềm vui, là hạnh phúc của tôi”.

Không chỉ tự nguyện hiến máu, anh Trần Sỹ Phong còn là tuyên truyền viên rất tích cực phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương bằng việc vận động đơn vị, gia đình, người thân cùng tham gia hiến máu. Nhiều người ban đầu còn rất e ngại, dè dặt nhưng khi được anh đến giải thích, tuyên truyền, họ đã thấu hiểu về những hành động cao đẹp nhân văn khi hiến máu và những biểu hiện có lợi cho sức khỏe người hiến nên đã đồng tình thực hiện.

Ông Trần Phát Minh, ngụ ấp 6, xã Thới Hưng cho biết; “ban đầu tui cũng “ngán” lắm, bởi nghe đồn lung tung, nhưng từ khi chú Phong tới giải thích, tôi đã hiểu rõ và sẵn sàng hiến máu, vả lại tui thấy chú Phong hiến máu hàng chục lần thiệt đáng “nể” quá, vậy thì người ta làm được thì mình làm được chớ sao. Tới nay tui hiến được trên 20 lần rồi đó nghe. Vui và khỏe mạnh lắm”.

Tính đến thời điểm hiện nay, anh Trần Sỹ Phong đã hiến máu được 51 lần và con số này sẽ còn tăng lên theo dòng thời gian. Bản thân anh đã được Tp.Cần Thơ tuyên dương về thành tích hiến máu nhân đạo.

Anh Phong cho biết: “Tôi sẽ còn hiến máu dài dài” đến khi nào không còn máu để hiến. Cạnh đó còn vận động nhiều người khác cùng hiến máu. Lính mà. Nói được là làm được”. Anh quả quyết.

Tấm gương sáng sống vì mọi người của cựu binh Trần Sỹ Phong thật đáng trân trọng, điển hình.

Tác giả: Phan Thị Anh Thư Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017