Tác giả: Thích Nữ Diệu Huệ Thạc sĩ Phật học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Khi Việt Nam trở thành thuộc địa, thực dân Pháp chia Việt Nam thành ba kỳ: Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, với mục đích quản lý và dễ bề cai trị. Pháp đô hộ Việt Nam với những luồng quản lý mới từ Phương tây đã làm đảo lộn trật tự kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục quen thuộc. Trước hết, thực dân Pháp loại bỏ chữ Hán, phổ biến văn hóa Pháp, ở thời điểm đó đã làm ảnh hưởng đến việc tìm hiểu kinh sách Phật giáo của chư tăng Việt. Vì gần như đa phần kinh sách Phật giáo đều là chữ Hán. Cũng từ đó, chư tăng và đại chúng đã bị cách ly giáo lý Phật, đời sống tha hóa: “Đau đớn thay! Xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa, phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lĩnh đám này, mai lĩnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ thì có khác nào người trần tục ở trong Phật pháp”[1]

Đứng trước thực trạng đó, nhu cầu cấp thiết trong việc chấn hưng Phật giáo được đặt ra: “Bởi những lẽ ấy cho nên chúng tôi rủ nhau đứng lên lập hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”[2]. Tạp chí Đuốc Tuệ ra đời và bắt đầu phát huy vai trò quan thiết với việc chấn hưng trước hết là trên phương diện truyền thông, hoằng pháp, mỗi miền đều có cơ quan ngôn luận báo chí, Từ Bi Âm đại diện Nam Kỳ, Viên Âm đại diện Trung Kỳ, Đuốc Tuệ đại diện Bắc Kỳ. Thế nên, tạp chí Đuốc Tuệ được xem là một trong những công cụ truyền thông nhằm chấn hưng Phật giáo xứ Bắc thời bấy giờ.

Từ khóa: Đuốc Tuệ, chấn hưng Phật giáo, Bắc Kỳ, Phật giáo xứ Bắc, đức Phật,...

Ảnh: St

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG 1. BỐI CẢNH RA ĐỜI TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ

Tạp chí Đuốc Tuệ (1935- 1945)

Ngay từ đầu, Hội xác định Tập kỷ yếu chỉ tạm thời, về sau thay đổi thành tạp chí: “Sau này tùy theo sự mở mang, cách sắp xếp đặt và tình thế của hội, Tập kỷ yếu này sẽ đổi làm tạp chí”[3]. Do đó, vào ngày 10 tháng 12 năm 1935 tạp chí Đuốc Tuệ chính thức ra đời, thay thế cho Tập kỷ yếu. Để tạp chí hoạt động minh bạch trong xã hội, Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc trình đơn xin phép xuất bản tạp chí Phật học, lấy tên Đuốc Tuệ ngày 30 tháng 9 năm 1935.

Trải qua các thủ tục xin phép, tạp chí chính thức hoạt động. Kế đến Hội phân công cũng như đề cử các thành viên có trách nhiệm trực tiếp trong cơ quan ngôn luận báo chí như: Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Chánh chủ bút Phan Trung Thứ, Phó chủ bút Dương Văn Hiển, Quản lý Cung Đình Bính, tòa soạn đặt tại chùa Quán Sứ Hà Nội [4].

CHƯƠNG 2. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ

2.1. Nội dung tạp chí Đuốc Tuệ

Đuốc Tuệ trong 10 năm hoạt động có tất cả 258 số, các bài đăng gồm mục: Văn uyển[5]; Giải thích các thuật ngữ trong danh từ Phật học[6]; Câu chuyện cổ - sự tích Phật giáo[7], Bài thơ ca ngợi các cảnh chùa, thắng tích, danh lam nổi tiếng[8];... Ở số đầu bài viết “Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người”[9] nói lên sự cần thiết của đạo Phật đối với dân tộc trong phong trào chấn hưng, đồng thời nêu lên sự bình đẳng và lòng hiếu thảo theo tinh thần Phật giáo. Thế nên, Nguyễn Lang cũng đưa ra nhận xét trong những số đầu của Đuốc Tuệ chủ trương đạo Phật vì cuộc đời mà có chứ không phải là trốn đời theo cách nghĩ tiêu cực[10]

Ngoài nội dung vừa đề cập, mỗi số được đăng trên Đuốc Tuệ có nhiều thông tin ở trang bìa như: Đặt mua báo, tình hình báo,  địa chỉ trả tiền báo, thông qua vấn đề đóng quỹ từ thiện, Hội viên quá cố,... Các thông tin trên nhằm giúp độc giả nắm bắt các tin tức tình hình hoạt động Đuốc Tuệ.

2.2. Sự phát triển của tạp chí Đuốc Tuệ

Trong 5 năm đầu từ số 1-52 báo ra định kỳ mỗi tuần, giai đoạn này khá thuận lợi cho Đuốc Tuệ, với số lượng trang, bài viết ổn định, thành viên Ban biên tập không thay đổi. Tuy nhiên ở trang bìa thông tin về: ngày tháng năm xuất bản, tên hiệu của Hội có cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp, thông tin về giá báo,... đa số thông tin khá đầy đủ, nhưng cách trình bày chữ viết nhiều không được đẹp. Điểm đặc biệt cần lưu ý số 52, sự kiện lễ suy tôn sư Tổ chùa Vĩnh Nghiêm lên Pháp Chủ với số lượng tăng ni, phật tử tham dự đông đúc: “Trong cái lễ long trọng này có tới gần một ngàn tăng ni ở khắp Bắc kỳ và hàng mấy ngàn thiện nam tín nữ về dự, thật là một lễ rất trọng thể từ xưa đến nay mới có là một ở trong Phật giáo giới nước ta vậy”[11]. Điều này cho thấy Phật giáo bấy giờ đã có ảnh hưởng trong đời sống xã hội.

Đến 2 năm kế tiếp từ số 53-194, báo ra một tháng hai kỳ, số lượng trang và in giảm rõ hơn, ghép 2 số 121-122[12], số 144-145-146[13] gộp chung với nhau. Thông tin đăng trên trang bìa từ số 53 trở về sau huy hiệu hình hoa sen thay đổi bằng hình ảnh đức Phật Thích Ca ở ở giữa trang bìa[14], thay đổi giá báo, vị trí trình bày từ số 194 đổi xuống vị trí ở cuối trang, trình bày có phần thẩm mỹ hơn thời gian đầu. Ba năm còn lại, từ số 195-258, nhiều tòa soạn đều bị ảnh hưởng do giá vật liệu tăng bởi ảnh hưởng chiến tranh. Trước tình hình trên, giá báo ba lần tăng giá, các bài in và số lượng báo giảm mạnh, chất lượng giấy in xấu, mờ, nhỏ, từ hai số ghép 255-256 và 257-258 thay đổi tên Hội thành Hội Phật giáo Việt Nam[15].

CHƯƠNG 3.  NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐUỐC TUỆ VỚI PHẬT GIÁO BẮC KỲ.

Mục ngụ ngôn Phật giáo

Chủ đề “Thầy Lang nông nổi”, câu chuyện Thầy Lang có công chữa trị nhà vua khỏi bệnh, vì mong cầu không được ban thưởng khi chữa lành bệnh nên sinh trách nhầm nhà vua. Đây quả là câu chuyện đáng để mọi người suy ngẫm, ở đời làm việc thiện được quả tốt, ngược lại làm điều bất thiện gặt quả báo xấu, tuy nhiên cũng có việc làm thiện không phải có liền kết quả, đôi khi còn hội tủ nhân duyên quả, chưa gì chúng ta vội trách hoặc sinh tâm nghi ngờ. Thế nên, câu chuyện về Thầy Lang được tác giả Thiều Chửu đề cập, là câu chuyện thấm thía luật nhân quả, cuối bài viết là phần phê bình qua cốt chuyện đáng học hỏi sau: “Nếu vì chưa trông thấy kết quả ngay, mà đã hco là không kết quả. Cái kiến thức nông nổi như thế, thì có khác gì Thầy Lang kia! Chúng ta xem chuyện Thầy Lang, thì chúng ta bật cười, có biết đâu chúng ta lại còn lắm chỗ đáng cười hơn là Thầy Lang kia!”[16]

Mục thuật ngữ Phật giáo

Mục này giải thích danh từ Phật giáo giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và làm quen với từ ngữ mới lạ khi chưa biết qua giáo lý: Quán Âm, Tại gia, Tinh tiến,... Đặc biệt giải thích Phật, Pháp, Sa môn (Tăng). Sở dĩ người viết nhấn mạnh 3 danh từ Phật học này, vì trước khi người tại gia trở thành đệ tử Phật phải thực hiện phép quy y Tam bảo, tức quay về nương tựa nơi ba ngôi báo cao quý gồm Phật, Pháp, Tăng. Đây cũng là nền tảng căn bản giúp phật tử hiểu rõ ý nghĩa Tam bảo là gì, hướng phật tử đến với đạo bằng chính sự hiểu biết, tự nguyện và thực hành, không đến bằng niềm tin mù quáng  mê tín:

Mục phiên dịch

Câu chuyện “chuyện chàng Đăng Chỉ” do Thích Trí Hải dịch, giáo dục con người về nhân quả nghiệp báo, mỗi người đều gieo trồng hạt giống thiện hay ác sẽ gặt lấy hậu quả tương ứng với nhân đã tạo. Qua câu chuyện giúp con người hiểu biết hơn về luật nhân quả, vì: “Nếu không có nhân quả, thì làm sao đứa bé này sinh ra, dung mạo khác thường, ngón tay có hào quang rực rỡ, tất nhiên có phúc đức đời trước, nên nay mới được hưởng thiện quả thế này chứ. Nên Phật nói bao nhiêu sự nghiệp báo nhân quả để hoán tỉnh chúng sinh”[17]

Ảnh: St

Mục về đạo làm người

Chủ đề “Phật nói kinh lễ sáu phương”, nội dung kể về chàng Thiện Sinh mỗi sáng đều lạy sáu phương, đồng thời đức Phật dạy ý nghãi của việc lễ sáu phương như sau: lễ phương Đông là cha mẹ, lễ phương Nam là sư đệ, lễ phương Tây là chồng vợ, lễ phương Bắc là bạn bè, lễ xuống đất là tớ thầy, lễ lên trời là vâng làm hết lòng[18]. Qua câu chuyện đức Phật dạy chàng Thiện Sinh cách ứng xử với mối quan hệ cha-me, chồng-vợ, chủ-tớ, anh chị-em,.. nếu sống thực hành đúng bổn phận và nghĩa vụ trên sẽ tạo nên các mối quan hệ bền vững tốt đẹp từ gia đình đến bên ngoài xã hội.

Tiếng nói đại diện Hội Phật giáo bắc kỳ đã nỗ lực từng ngày, dùng ngòi bút trí tuệ lồng ghép qua các câu chuyện Phật giáo, qua các giáo lý mang tính giáo dục con người, tác phẩm phiên dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ, giải thích những thuật ngữ Phật học thông qua cụ Tế Cát: “Ta nên tán thành việc dịch kinh sách Phật giáo ra chữ quốc âm, và cổ động cho rõ nhiều người mua báo Đuốc Tuệ, khiến cho quốc dân chóng hiểu được những lý thuyết cao thâm của Phật giáo có thể ích lợi cuộc sinh tồn cho cá nhân cho xã hội”[19].

Nhận định

Chính những đóng góp thầm lặng ấy âm thầm chuyển tải thông điệp lời hay ý đẹp, suy nghĩ lạc quan, hướng con người theo lối sống chân-thiện-mỹ. Ngòi bút kia đã tạo nên bước ngoặc cho sự nghiệp tạp chí Đuốc Tuệ đồng hành cùng Phật giáo xứ Bắc, truyền thông đến cộng đồng hiểu biết giáo lý Phật pháp, cứ thế tỉnh này nối tiếp tỉnh kia cùng nhau đứng lên chấn hưng Phật giáo phương Bắc ngày một hưng thịnh. Việc bảo tồn nền văn hóa lịch sử là một đóng góp vô cùng to lớn mà Đuốc Tuệ đã thành tựu. Thảo nào: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sựu phát triển kinh tế- xã hội, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[20]. Do đó, một câu nói ngắn gọn, xúc tích, thấm thía: “Lịch sử Báo chí là một bộ phận của khoa học lịch sử”[21]

Nhìn tổng quan, chấn hưng Phật giáo là thành tựu to lớn đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Bắc Kỳ nói riêng. Chính nhịp cầu tạp chí Từ Bi Âm ở Nam kỳ là ngòi pháo để tạp chí Trung Kỳ và Bắc Kỳ tiếp nối. Tuy nhiên, theo Nguyễn Lang nhận xét: “Đứng về phương diện văn học dân tộc, hội Bắc Kỳ Phật giáo và báo Đuốc Tuệ đã đóng góp được nhiều hơn các hội khác ở Nam và Trung. Đây chính là nhờ công trình quy tụ của những thành phần nói trên dưới mái chùa Quán Sứ vậy”[22].

KẾT LUẬN

Tất cả những mảnh ghép trên lặng lẽ suốt 10 năm tròn, tạo nên bộ Đuốc Tuệ với tất cả 258 số. Đã thể hiện hành trình 10 năm từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Sự chấn hưng thành công vang dội của Phật giáo miền Bắc là một trong sự thành công của Phật giáo ba miền. Đây là một dấu ấn đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hào sánh vai với các Phật giáo nước bạn, đồng thời làm sống lại tinh thần dân tộc Việt Nam, quả thật: “Phật giáo không tìm cách ru người vào ảo tưởng về một thiên đường lừa bịp, cũng không làm người ta chết khiếp vì đủ thứ tội lỗi và sợ hãi tưởng tượng. Nó cho ta biết khách quan ta là gì, thế giới quanh ta là gì và chỉ con đường đưa đến tự do hoàn toàn, thanh bình, an ổn và hạnh phúc”[23].

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Đây được xem là cột mốc ghi lại dấu ấn đẹp của dân tộc Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, là động lực cho Phật giáo Việt Nam tiếp tục xứ mệnh bổn hoài của đức Phật đối với nhân loại. Tuy dịch bệnh đã gây nên biết bao tổn thất từ vật chất lẫn tinh thần nhưng không vì thế làm suy yếu tinh thần tự lực tự cường của người con Phật. Nguyện cầu ánh sáng đuốc tuệ đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng hùng cường vững bước trên bước đường hoằng pháp lợi sinh.

Tác giả: Thích Nữ Diệu Huệ Thạc sĩ Phật học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------- CHÚ THÍCH:

[1] Thanh Quang, Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta, Đuốc Tuệ, số 178, 15/4-1/5/1942, tr. 4-5 [2] Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, Hà Nội, tr. 883 [3] Lời nói đầu, Tập kỷ yếu hội Phật giáo, số 1, 5/1935, tr. 5 [4] Đuốc Tuệ, số 1, 1935, trang bìa thứ nhất. [5] Nguyễn Cao Sơn, Văn uyển, Đuốc Tuệ, số 58, 1/4/1937, tr. 40 [6] Phật học vấn đáp, Đuốc Tuệ, số 54, 1/2/1937, tr. 10 [7] Nhiều tác giả, Truyện Ma-đăng-gìa, Đuốc Tuệ, số 2, 17/12/1935, tr. 18-22 [8] Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Hương, Vịnh chùa Tử Trầm, Vịnh chùa Dâu, Vịnh chùa Tháp, Đuốc Tuệ, số 15, 24/3/1936, tr. 22-23 [9] Phan Đình Hòe, Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người, Đuốc Tuệ, số 2, 17/12/1935, tr. 3-12. [10] Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, Hà Nội, tr. 876 [11] Lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên vị thuyền gia Pháp Chủ Bắc kỳ, Đuốc Tuệ, số 52, 11/2/1936, tr. 1-5 [12] Năm thứ sáu, số 121-122, Đuốc Tuệ, 1-15/12/1939, trang bìa thứ nhất. [13] Năm thứ sáu, số 144-145-146, Đuốc Tuệ, 15/11, 1-15/12/1940, trang bìa thứ nhất. [14] Năm thứ ba, số 53, Đuốc Tuệ, 15/1/1937, trang bìa thứ nhất. [15] Đuốc Tuệ, số 255-256, 1-15/6/1945; số 257-258, 1-15/8/1945, trang bìa thứ nhất. [16] Phật học ngụ ngôn, Đuốc Tuệ, số 99, 15/12/1938, tr. 29 [17] Thích Trí Hải, Chàng Đăng Chỉ, Đuốc Tuệ, số 5, 7/1/1936, tr. 29 [18] Phật nói kinh lễ sáu phương, Đuốc Tuệ, số 22, 12/5/1936, tr. 17-22 [19] Sư cụ Tế cát, Kính cáo chư sơn trưởng lão, Đuốc Tuệ, số 30, 7/7/1936, tr. 4 [20] Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tr. 199 [21] Dương Kiều Linh (2017), Báo chí Sài Gòn 1954- 1963, Nxb. Văn hóa- văn nghệ, tr. 15 [22] Nguyễn Lang (2008), tr. 871-872 [23] Walpola Rahula (2000), Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải (Dịch), Nxb. Tôn Giáo, tr. 50

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tạp chí Đuốc Tuệ (1935), Nhiều Tác giả, Nxb. Phật giáo Hội. 2. Dương Kiều Linh (2017), Báo chí Sài Gòn 1954- 1963, Nxb. Văn hóa- văn nghệ. 3. Lời nói đầu, Tập kỷ yếu hội Phật giáo, số 1, 5/1935 4. Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội. 5. Năm thứ ba, số 53, Đuốc Tuệ, 15/1/1937, trang bìa thứ nhất. 6. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội. 7. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, Hà Nội. 8. TS. Đặng Hoàng Lan, Ảnh hưởng của baó chí Phật giáo trong đời sống xã hội đương đại, Kỷ yếu hội thảo Nữ giới Phật giáo với lãnh vực báo chí. 9. Trần Trọng Kim, Việc chấn hưng Phật học ở nước ta, Trung Bắc tân văn, 3/5/1932, 7/5/1932, 8/5/1932. 10. Walpola Rahula (2000), Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải (Dịch), Nxb. Tôn Giáo 11. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch Sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 12. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Sài gòn. 13. Thích Trí Hải (2004), Hồi ký thành lập hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 14. Dương Thanh Mừng , Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX , Tạp chí Nghiên cứu Phật học (2015), Số 1(130), tr. 22-27 15. Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb. Mặt đất, Sài Gòn. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dong-gop-cua-nu-gioi-phat-giao-trong-tap-chi-duoc-tue.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tap-chi-duoc-tue-cua-hoi-phat-giao-bac-ky-1935-1945-suy-nghi-ve-mot-so-dinh-huong-doi-voi-tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bao-duoc-tue-tuyen-chien-voi-nan-dot-vang-ma.html