Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Đức tướng và Hảo tướng

Đức tướng và Hảo tướng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Pháp Vương Tử

Mỗi khi chiêm ngưỡng các tranh, tượng Phật tại những ngôi chùa hoặc nơi thờ tự Phật giáo hẳn chúng ta có đôi chút băn khoăn: Tướng diện đức Phật thì … có tóc, còn tăng, ni lại cạo đầu?

Để làm sáng tỏ sự hoài nghi này, xin chia sẻ vài điều.

Đức Phật khi còn là Thái tử đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, cạo tóc xuất gia, thì không có lý gì Ngài lại… để tóc khi thành Đạo cả!

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tuong Duc Phat Thich ca Mau Ni 1

… Sau khi đạt quả vị TOÀN GIÁC – thành Phật, đức Phật đã hóa độ đệ tử, thành lập tăng đoàn, hết thảy đều mang hình tướng “đầu tròn, áo vuông” và “mỗi nửa tháng lại cắt tóc một lần vào ngày 14 và 30 lịch mặt trăng” (Âm lịch). Đây là quy định của tăng đoàn do đức Phật chế định mà các bộ Kinh Ambattha và Kinh Sangarava đã nhắc tới.

Tuy nhiên lúc sinh thời đức Phật có thân tướng tốt đẹp, gọi là HẢO TƯỚNG. Hảo tướng của Phật được nhắc tới nhiều lần trong hầu hết các bộ kinh, cả Đại thừa, Tiểu thừa mà tướng Nhục Kế là một trong 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thường được mô tả là chỉ có Phật và hàng Bồ tát mới có. Tuy nhiên vẻ đẹp tướng Nhục Kế của Phật thì “thù thắng, hơn hẳn hàng Bồ tát”.

Vậy Nhục Kế là gì? Phạn ngữ là Usnisa, Hán dịch là Phật đảnh, đảnh nhục kế tướng, đảnh phát nhục cốt thành tướng… là thịt xương nổi cao như búi tóc (kế) là tướng của bậc Đại trượng phu.

Vì sao đức Phật lại có tướng quý này? Người xưa nói: “Tâm sinh tướng” hay tướng tự tâm sinh là rất có cơ sở. Cho nên “hảo tướng” tướng tốt là có thật. Người có “hảo tướng” là người có khả năng ảnh hưởng tới người khác. Đạo Phật dùng danh từ Mahesakka là người có thế lực, để chỉ khả năng ảnh hưởng và chi phối người khác. Ngược lại, danh từ Appesakka là người ít thế lực. “Thế lực” này là cảm nhận vô hình. Bậc Chính đẳng giác, bậc Phật chưa cần nói một lời, tự thân và thần thái oai nghiêm đã toát ra một TỪ TRƯỜNG GIÁO HÓA đến kẻ sát nhân vừa thấy đã buông đao. Như chuyện Vô Não Ăng Gu Li Ma La gặp Phật là một nhân chứng để thấy oai lực của đức tướng là điều thật có?

Về hình thức bên ngoài, đức Phật của chúng ta được sinh ra và trưởng thành cũng như bất kỳ một con người nào nơi thế gian, có đầy đủ Tứ đại và Ngũ uẩn. Theo Phật học, Tứ đại là phần xác, nhìn thấy được, tạo thành Thân tướng; còn Ngũ Uẩn (gồm 5 giác quan) không nhìn thấy được, thuộc phần tâm lý nên tạo lập Đức tướng. Một con người hoàn chỉnh phải gồm đủ cả hai phần này. Hai phần này cũng được gọi là Thân và Tâm. Thân đâu thì Tâm đó, là lời Phật dạy. Thân tâm tác động, ảnh hưởng lẫn nhau không thể tách rời: “Như chim liền cánh, như cây liền cành”. Khi phá một tính ác trong lòng (phần tâm lý, thuộc Đức tướng), thì tướng thiện bên ngoài (phần vật lý, phần xác, thuộc Thân tướng) theo đó hiện ra đẹp đẽ, thoạt nhìn đã thấy ưa mến…

Thế nên “Tâm sinh tướng” âu cũng là một lẽ tự nhiên, nhân quả mà hảo tướng Nhục kế trên đỉnh đầu đức Phật cũng vậy. Tướng Nhục kế hình thành là nhờ công đức tu hành trong vô lượng đời kiếp ở quá khứ. Kinh Bảo nữ sở vấn (quyển 4) ghi: Chư Phật có tướng Nhục Kế nhờ các đời quá khứ biết kính thờ hiền Thánh. Kinh Vô thượng y, viết: “Ngoài việc tu thập thiện Bồ tát còn hóa độ dắt dẫn chúng sinh tu hành, thấy người tu hành thì hoan hỷ khen ngợi… nhờ những nghiệp nhân này mà thành tựu tướng tốt Nhục Kế nổi cao lên tự nhiên thành búi tóc. Ngoài ra một số Kinh Luận khác nói, nhờ nhân duyên như Bố thí, Trì giới, Thiền định… mà thành tựu tướng hảo này.

Trong tướng Nhục Kế cũng thể hiện hai phần Thân tướng và Đức tướng, mà phần Đức tướng (không nhìn thấy) được nói tới nhiều trong Quán Phật kinh (quyển 3): “Tướng Nhục kế, có cái đỉnh điểm mà tất cả Trời, Người đều không thể thấy được nên gọi là “Vô kiến đảnh tướng” – là búi tóc thịt xoắn thành vòng theo chiều bên phải…”. Còn Nhục Kế biểu hiện nơi Thân tướng tức ngoại hình thì sao? Và chắc “nó” chỉ hơi nhô cao… một chút thôi! Điều này cũng được nói khá tướng tận trong Kinh Khomadusa – Kinh kể rằng: Một buổi sáng đức Phật ôm bình bát vào thị trấn Khomadusa khất thực, có một trưởng Bà la môn thấy Phật đang đi tới bèn hỏi: “Sa môn đầu trọc kia là ai?”. Kinh Giới phân biệt, kể: Tôn giả Pukkusati một lần tình cờ gặp đức Phật nhưng cũng không biết đó là Phật, nên hỏi: Này Tỳ kheo, ông đã bao giờ thấy đức Phật chưa?”.

Qua những đoạn kinh trên, hẳn nhiên chúng ta thấy rằng: Hình ảnh đức Phật được cạo trọc là một hình ảnh bình thường trong mắt mọi người lúc bấy giờ. Hình tướng đức Phật cũng giống như những tu sĩ Phật giáo khác, mặc dù Ngài có tướng tốt Nhục Kế trên đỉnh đầu. Và nếu đức Phật có một Thân tướng… “là lạ” một cách… đặc biệt như tranh tượng mà bây giờ ta thường thấy thì hẳn nhiên những người cùng thời đức Phật tại thế đã nhận ra Ngài ngay.

Tướng Nhục Kế của đức Phật như búi thịt tóc nhô cao xoắn thành vòng theo chiều bên phải mà ngày nay chúng ta chiêm ngưỡng trên các tranh, tượng Phật là do các nghệ nhân nhiều đời hư cấu? Đấy là một sự “cách điệu hóa” được sử dụng trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm nhấn mạnh, truyền tải một y nghĩa nào đó của đối tượng nghệ thuật. Cũng như vòng hào quang năm màu từ đức Phật tỏa rạng cũng chỉ là biểu tượng, là phương tiện về một hào quang vô hình của Tứ vô lượng tâm là Từ-bi-hỷ-xả mà thôi. Ý nghĩa của “thực tướng vô tướng” trong kinh Phật luôn là nội dung căn bản nhất trong toàn bộ giáo lý Phật đà. Bởi sự tu tập chủ yếu là dụng tâm, chuyển hóa tâm chứ không liên quan mấy đến ngoại hình “Phàm sở hữu tướng/Giai thị hư vọng” (Kinh Kim Cương) được dịch là: Hễ vật chi có thần tướng đều là hư vọng cả. Và dù đó là tướng tốt của Phật, Ngài cũng “cảnh giác” người đời, đánh thức sự giác ngộ nơi thế gian rằng “… nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Hễ ai nhìn thấy Ngài qua hình tướng, tìm Ngài qua âm thanh thì người ấy đang thực hành tà đạo.

Thế nên, Thân tướng trang nghiêm của đức Phật với tướng Nhục Kế hiển lộ một phần mà phần ẩn tàng Đức tướng vô hình mà Quán Phật kinh nói tới đến “Tất cả Trời, Người đều không thể thấy được”.

Việc cạo tóc xuất gia cũng như hảo tướng Nhục Kế của đức Phật là thật có, nhưng về ngoại hình của Ngài cũng không khác lắm so với các tu sĩ trong tăng đoàn lúc bấy giờ. Ngài cũng “đầu tròn áo vuông”, cũng “mỗi nửa tháng lại cắt tóc một lần vào ngày 14 và 30 lịch mặt trăng (Âm lịch)”. Bởi đối với đạo Phật thì “cạo tóc cũng là một phép tu”… không chỉ để cho sạch mà hơn thế là để “hủy hình” như ao tu cà sa là “hoại sắc”. Hủy hình, hoại sắc để làm gì? Để trừ bỏ lòng Tham ái của người học đạo, người tu; để người tu hết lòng chăm lo vun bồi công đức cho Đức tướng bởi “đức tướng” mới là “thực tướng” của người chân tu.

Tác giả: Pháp Vương Tử

Chú thích: Bài viết thể hiện cách nhìn nhận, tư duy phân tích và ngôn ngữ, văn phong riêng của tác giả.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường