Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Đức Quán Thế Âm Bồ Tát Đản sinh

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát Đản sinh

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nhân ngày kỷ niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát (19/02) hiện thân ra đời cứu độ nhân sinh, nhiều người chưa biết nhiều về giáo lý của đạo Phật nhưng họ rất kính mộ tôn sùng lễ bái đức Quán Thế Âm Bồ Tát một cách thuần thành, cho nên hầu hết các chùa ở Á Đông và trên mảnh đất thân yêu này đều có hình tượng của ngài. Với lòng tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ tát thật sâu sắc. Với tâm tư nguyện vọng cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Bởi vì, dân tộc ta vốn ưa chuộng cái thiện, ghét cái ác, ưa làm lành, lánh dữ, mong muốn một cuộc sống thanh bình, ấm yên, hạnh phúc và luôn ước ao mọi người cùng đến với nhau bằng sự cảm thông, tha thứ, tâm tâm được kết nối trong tình thương yêu đùm bọc. mà trong các tác phẩm bất hủ đó luôn ảnh hiện dáng dấp của người Mẹ hiền Quán Thế Âm từ ái bao dung, ban phát tình thương yêu và mang an vui hạnh phúc đến cho mọi người. Có thể nói, hình ảnh Ngài là biểu tượng sống nói lên tiếng nói thầm kín và những khát khao mong muốn cũng như quan điểm đạo đức của người dân Việt Nam.

tap chi nghien cuu phat hoc Duc quan the am bo tat dan sinh 2

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa lý giải danh hiệu của Bồ Tát qua bốn điểm: “Quán Thế Âm có thể được hiểu theo bốn ý nghĩa. Trước tiên là Quán Thế Âm, có nghĩa là Ngài giải thoát khỏi khổ nạn khi quán xét tiếng kêu cầu của thế gian. Thứ hai là Quán Thế Thân có nghĩa là Ngài giải thoát khi quán xét thân nghiệp của chúng sinh. Thứ ba là Quán Thế Ý có nghĩa là Ngài giải thoát khi quán xét ý nghiệp của chúng sinh. Thứ tư là Quán Thế Nghiệp, bao gồm tất cả ba danh hiệu trên, bởi vì chúng sinh tạo thân, khẩu, ý nghiệp quá dễ dàng, nhưng thực hành các hạnh lành bằng thân, khẩu và ý là điều khó. Hơn thế nữa, trong cõi Ta Bà này, chúng ta kính ngưỡng Đức Bổn Sư bằng âm thanh tiếng nói của mình. Đó là lý do tại sao Quán Thế Âm trở thành danh hiệu chính thức”(1) Danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát trong nhân loại ai cũng đều biết đến, cũng đều niệm khi có tai nạn hiểm nguy và ách nạn khủng khiếp. Ngoại trừ hạng người sinh ra nơi biên địa, hoặc căn trí quá tối tăm, hoặc tín ngưỡng tà đạo, mê muội với thần quyền hữu danh mà vô thực. Hình ảnh Đức Bồ tát Quán Thế Âm được lan truyền đến đất Việt thì Ngài cũng đồng thời được Việt Nam hóa, Ngài hiện thân dưới dáng dấp của con người Việt, mang âm ba, linh hồn người Việt, Ngài hóa hiện như một biểu tượng hàm chứa, chuyên chở những tâm tư của người Việt.

Bồ Tát Quán Thế Âm là hình tượng phổ quát, có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa Phật giáo. Ở mỗi không gian văn hóa khác nhau trong những khoảng thời gian cụ thể Ngài đều chiếm một địa vị quan trọng. Lý do dẫn đến hiện tượng ấy có lẽ xuất phát từ hạnh nguyện của Ngài với vai trò một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn nhưng cũng bắt nguồn từ hình tướng nữ giới. Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong việc tôn trọng tín ngưỡng bản địa giúp cho Ngài dễ dàng hòa nhập vào nền văn hóa địa phương. Thực tế cho thấy hình tượng Quán Thế Âm thống nhất nhưng đa dạng, ở các nền văn hóa khác nhau sẽ có những hình tượng không giống nhau. Vì vậy khi tiếp cận từ góc độ của người dân, cộng đồng tạo nên hình tượng ấy ta sẽ thấy được nét đặc trưng. Hình tượng của Ngài đã diễn ra tạo nên những sắc thái vừa phong phú vừa đặc trưng tại các nền văn hóa tiếp nhận Phật giáo.

Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất, thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ tát Quan Thế Âm, hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con Phật thuần thành nhất là giới Phật tử bình dân không ai là không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này. Mỗi khi nói về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một hình tượng đặc biệt vì Ngài được kính trọng và ngưỡng mộ trong tất cả các truyền thống Phật giáo, Nam tông, Bắc tông hay Mật tông. Có được điều đó xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng cơ bản nhất là hạnh nguyện của Ngài đã đi vào từng con tim của tín đồ theo đạo. Bồ Tát trong Phật giáo Bắc tông chọn con đường hoàn thành Phật đạo, cứu độ tất cả chúng sinh còn đau khổ, lầm lạc mới chịu thành Phật. Trong số các vị Bồ Tát của Phật giáo Bắc tông, Bồ Tát Quán Thế Âm nổi bật hơn cả vì những hạnh nguyện mà Ngài đã đặt ra. Trong kinh Vô lượng thọ có đoạn văn nhắc đến Bồ Tát Quán Thế Âm như sau:“… có hai Bồ Tát tôn quý vào bậc nhất, nên ánh sáng oai linh chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới. A Nan bạch Phật: Hai vị Bồ Tát ấy danh hiệu là gì? Đức Phật bảo: Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm, vị thứ hai tên là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát đó đều ở cõi Ta Bà này tu hạnh Bồ Tát, khi mệnh chung chuyển hóa sinh sang cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Này A Nan! Những người nào sinh sang cõi nước ấy đều có đủ ba mươi hai tướng tốt, trí tuệ đầy đủ, thâm nhập các pháp, thông suốt tới chỗ cốt yếu mầu nhiệm thần thông diệu dụng, các căn sáng suốt nhanh nhẹn. Những người căn tính sút kém thì thành tựu được hai đức nhẫn: Âm hưởng nhẫn và Nhu thuận nhẫn; những người căn tính nhanh nhẹn thì được đức Vô sinh pháp nhẫn…”(2). Bồ Tát Quán Thế Âm đã cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp dẫn chúng sinh về Tây Phương Cực Lạc, Tịnh thổ của Đức Phật A Di Đà. Cụ thể hơn, trong kinh Diệu pháp liên hoa, hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm được chỉ rõ: “nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này, một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát”(3). Ngài sẽ giải thoát chúng sinh khỏi khổ nạn khi quán xét tiếng kêu cầu của thế gian, giải thoát khi quán xét thân nghiệp của chúng sinh, giải thoát khi quán xét ý nghiệp của chúng sinh. Ngài sẽ cứu độ chúng sinh nếu những ai lâm nạn đọc danh hiệu của Ngài, Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong bản kinh này đã nêu lên một yêu cầu duy nhất cho mọi người muốn được cứu vớt là xưng danh hiệu Bồ Tát. Vì “ đức Quán Thế Âm biểu hiện cho lòng từ bi, nên một xu hướng chắc chắn để gắn kết hình ảnh của Bồ Tát với một người phụ nữ hơn là một nam nhân. Ngoài ra, tại vùng Cận Đông có một tôn giáo của mẫu thần, và các Phật tử cũng mong muốn có một vị thần mang những đặc điểm tương tự như thế”. Hình tượng của Quán Thế Âm nổi trội trong Phật giáo vì nhiều vai trò trong đó có 4 vai trò chính là một nhân vật trong phối cảnh; người kế vị Phật A Di Đà; vị Bồ Tát chuyên cứu khổ cứu nạn và một linh thần độc lập (4). Hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm dạng nữ nhân ra đời tại Trung Hoa và lan tỏa trong các cộng đồng văn hóa Phật giáo. Nhưng lý giải cho vấn đề này không phải đơn giản vì sự xuất hiện đó diễn ra trong giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến dựa vào ý thức hệ của Khổng giáo vốn xem trọng đàn ông và hạ thấp vị trí của phụ nữ. Các hoàng đế Trung Hoa xem mình là thiên tử, chịu mệnh trời để cai trị dân. Ý niệm này đã được hình thành từ thời nhà Chu (1122 -249 trước Công nguyên) và kéo dài cho đến khi chế độ phong kiến sụp đổ. Mô hình Tam tài: Thiên-Địa-Nhân là cái gốc quan trọng duy trì sự ổn định của quốc gia, xã hội. Trong đó thiên tử (Nhân-Con Trời) đã gắn vững chắc với một thế lực siêu nhiên (Thiên-Trời) mang yếu tố giống đực khó bề xoay chuyển, việc tiếp nhận thêm một vị thần linh mang giống đực kết hợp với vương quyền là một điều không cần thiết. Vì vậy, “ý tưởng về một vị Bồ Tát với lòng từ bi vô lượng và công năng cứu độ luôn luôn đáp ứng mọi tiếng kêu than để giúp đỡ mà không hề phân biệt đẳng cấp, phái tính, thậm chí tư cách đạo đức là một ý tưởng tương đối mới mẻ đối với người Trung Quốc. Đây là một vị linh thần mới, chẳng những có thể giúp cho con người đạt đến giác ngộ, mà còn cứu vớt họ ra khỏi những nghịch cảnh khổ đau của đời thường, giúp cho họ có được cuộc sống như ý,“chết an lành” và lại còn đảm bảo cho cả kiếp sau. Và không có một ông Trời, một nữ thần nào trước đó tại Trung Quốc có khả năng tuyệt vời như Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu đã có những vị nữ thần như thế, không có hình ảnh nào tồn tại lâu dài có khả năng thu hút tín đồ trước khi Quán Thế Âm xuất hiện. Như thế, đã có một khoảng trống tín ngưỡng tại Trung Quốc mà hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện đã có thể lấp đầy một cách dễ dàng và đúng lúc” (5). Hiện tượng chuyển giới tính từ nam sang nữ của Bồ Tát Quán Thế Âm trong Phật giáo tại Trung Quốc có thể được xem như là một trường hợp đặc biệt đồng thời cũng cho thấy sự thích nghi của Phật giáo trong các nền văn hóa.

Bồ Tát Quan Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt trừ được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quan Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sinh của Ngài. Quán Thế Âm không phải là một vị Bồ tát thông thường, chưa thành Phật. Khi xưa kia Ngài đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sinh. Đức Bồ Tát quán thấy Phật và chúng sinh đồng chung một bản thể, đồng chung một giác tính duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ mà chúng sinh thì còn mê. Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân của Đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.

tap chi nghien cuu phat hoc Duc quan the am bo tat dan sinh 1

Ngài có oai đức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Do sức thần thông diệu dụng và do bản hoài cứu khổ chúng sinh nên vị Bồ tát nầy luôn luôn có mặt ở khắp mọi nơi mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện, nghĩa là có cảm thì có ứng. Vì công hạnh cứu độ tự tại mầu nhiệm đó, vì thế trong kinh điển còn gọi là Quán tự tại Bồ tát.

Tóm lại: Con người muốn có hạnh phúc, không cần tìm bên ngoài đâu xa. Hạnh phúc chính ngay trong tâm mỗi người. Chuyển hóa được tâm mình hướng thiện hướng thượng, mở mang trí tuệ sáng suốt, hành động chân chính, lời nói thanh tịnh, từ bi hòa nhã, dứt trừ phiền não khổ đau cũng sẽ chuyển thành an vui hạnh phúc. Hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian. Trong khi tu hành, đem đạo giúp đời, con người cần có tâm nhẫn nhịn mới thể hiện và thực hiện được tâm từ bi, mới cư xử, nói lời từ hòa, mát mẻ với mọi người chung quanh, không phân biệt người thân hay kẻ thù (đây là pháp môn: bất tùy phân biệt, đức Phật dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Đây chính là lúc con người thực hành hạnh nguyện của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, khởi tâm từ bi thương xót kẻ vô minh, chỉ vì danh hay lợi, đang tâm hãm hại người, tạo nghiệp xấu ác. Bình tịnh thủy cầm nơi tay trái của tôn tượng, tượng trưng tâm từ bi quảng đại, người nào cũng có, bình thường thì thanh tịnh, chỉ vì bị tâm sân hận che lấp mà thôi. Tu hành là khơi dậy tâm từ bi sẵn có, tiềm ẩn nơi mỗi con người.

Sự phổ biến và tầm ảnh hưởng sâu rộng hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm trong đời sống văn hoá Việt là một hiện tượng đáng mừng, đáng trân trọng. Thế nhưng, sẽ tốt hơn nhiều nếu như bất cứ ai thờ phụng hình tượng của Ngài cũng biết nương theo học hỏi đức hạnh từ bi, kiên nhẫn, khả năng lắng nghe và trái tim đồng cảm như Ngài. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thiết lập lại niềm tin, sự hiểu biết chân chính trong việc kính ngưỡng, lễ bái Bồ tát Quán Thế Âm và làm cho hình ảnh Ngài được lan rộng hơn, trong sáng và sâu sắc hơn trong lòng người dân Việt.

Phật giáo chỉ ra con đường, đưa ra pháp môn dẫn đến Chân Thiện Mỹ chứ không hề sở hữu Chân Thiện Mỹ. Tất cả những gì làm cho trần gian được an vui, bớt khổ, tất cả những động thái của lịch sử khiến cho trái đất quay trong quỹ đạo hài hòa của vũ trụ đều phù hợp với giáo lý từ bi ban vui cứu khổ của đạo Phật.

Tác giả: TT.Thích Thiện Hạnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2019

————————–
CHÚ THÍCH:
1. Nguyên văn tiếng Anh: “Kuan-shih-yin may be named four ways. The first is Kuan-shih- yin, which means that he delivers by perceiving the sounds of the world. The second is Kuan-shih-shen [body], which means that he delivers by perceiving the bodily karma of the sentient beings. The third is Kuan-shih-i [intentions], which means that he delivers by perceiving the mental karma of the sentient beings. The fourth is Kuan-shih-yeh [karma], which contains the previous three names. If you ask me why we only use the name Kuan- shih-yin, my answer is that to create karma by speech is easy, but to do good with regard to body and intention is hard. Moreover, in this Sah world of ours, we usually worship the Buddha with our voices. That is why Kuan-shih-yin becomes the established name”. tr,39
2. kinh Vô lượng thọ trang 99-100
3. kinh Diệu pháp liên hoa, hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, trang 536-539 và trang 59-62
4. (1) Như là một nhân vật mờ nhạt trong phối cảnh; (2) Vị thị giả chính và là vị Phật tương lai kế vị Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang (A Di Đà); (3) Người tiết lộ những phương thức cứu độ hiệu quả thông qua việc niệm danh hiệu của Bồ Tát hoặc nói ra những câu thần chú đặc biệt do yêu cầu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát đã nổi bật như một nhân vật chuyên giải cứu khổ nạn và đôi khi còn được biết đến như là một vị Phật quá khứ; (4) Một linh thần độc lập chuyên cứu khổ cứu nạn. Nguyên văn tiếng Anh: “(1) a stick figure as a background prop; (2) a close associate and future successor of Amityus (Measureless Life) or Amitbha (Measureless Light) Buddha, thus a future buddha; (3) as the revealer of efficacious methods of salvation either through invocation of his name or specific dhras at the request of kyamuni Buddha, he emerges as a savior and sometimes is identified as a past buddha; and (4) an independent savior”.
5. Những bức tranh Bồ Tát Quán Âm với hàng ria mép có thể được tìm thấy trong bộ sưu tập của Matsumoto, Tonkoga no kenkyu. Cụ thể như bức 216 (niên đại 864 C.E.), bức 98b (niên đại 943 C.E.), và bức 222 (968 C.E.).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường