Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát

Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

LTS: Tín ngưỡng dân gian rất phong phú, phong phú đến mức khi hòa vào triết lý tôn giáo nó đã cố gắng lo gíc hóa các sự tích tôn giáo và làm cho tôn giáo có sức sống hơn trong đời sống tín ngưỡng dân gian.

Đức Phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài là hiện thân của những đức tính tốt đẹp nhất của những người mẹ hoàn hảo nhất trong vũ trụ. Ngài còn là vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi vĩ đại của tất cả chư Phật, đó là vị thánh nhân có thể hiểu, nghe thấu tất cả tiếng kêu đau khổ của chúng sinh để cứu độ và giáo hoá đưa chúng sinh đến nơi an vui giải thoát, nên nhân loại tôn kính gọi Ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Ngài là một trong những đại Bồ Tát được tôn kính không chỉ ở trong Phật giáo, mà còn được các tôn giáo khác ở trên thế giới tin và thờ phụng.

tap chi nghien cuu phat hoc Duc Phat ba quan the am 1

Theo kinh pháp Phật giáo, từ xa xưa, đức Phật bà Quán Thế Âm là thái tử con trưởng của Chuyển Luân Vương Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyền. Đức Vua hết lòng sùng bái đạo Phật. Vua đã sắm đủ lễ vật quý báu dâng cúng Phật và chư tăng trong ba tháng Hạ, vua cũng khuyến khích các quan văn, vương tử, vương tôn, triều đình quyến thuộc theo vua cúng dường. Thái tử Bất Huyền vâng lệnh vua cha, cũng dâng cúng đủ các trân cam mỹ vị, hết lòng thành kính đức Phật và chúng tăng. Nhờ vào sự chân thành, tinh tấn không ngừng, vua Vô Tránh Niệm đạt quả vị Phật và phát lời thề nguyện để tế độ chúng sinh, hiệu của Ngài là A Di Ðà, Giáo chủ cõi Tây Phương Tịnh độ. Cũng đạt được công hạnh tu hành tròn đầy, viên mãn nên Thái tử cũng được về cõi Cực Lạc và trở thành bậc đại Bồ Tát, hiệu là Quán Thế Âm và cùng với Phật A Di Đà đi dẫn dắt chúng sinh về cõi Cực lạc. Kinh pháp Phật cũng khẳng định, trong vô lượng kiếp về trước, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát và muốn mang lại an vui cho chúng sinh, Ngài mới hiện thân là Bồ Tát, hiệu là Quán Thế Âm, đồng thời cũng là người kế nhiệm ngai vị đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc.

Theo “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn: “Quán Âm là một vị đại Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa”(1), “Hễ ai thờ Ngài, ắt được các sự phước đức; ai cầu nguyện và niệm tưởng Ngài thì được sức lành của Ngài chở che và cứu trợ trong các nạn nguy”(2). Danh xưng Quán Thế Âm xuất phát từ một truyền thuyết của Phật giáo, cho rằng những người tu hành đạt tới chính quả, thì ngũ giác của họ có thể dùng chung được; nghĩa là họ có thể dùng tai để “nhìn thấy” hình ảnh, dùng mắt để “nghe thấy” âm thanh, lưỡi có thể ngửi được… Theo Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là những người đạt được giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh. Các vị Bồ Tát là những bậc được kết tinh bởi đức hạnh cao quý tuyệt vời của đức Phật về trí tuệ, lòng từ bi và quyền năng và được thánh hóa để trở thành nhu cầu của quần chúng. Lòng bi mẫn thúc đẩy họ giúp đỡ chúng sinh muôn loài, sự thông thái cho họ biết cách đạt hiệu quả cao nhất và quyền năng tích lũy cho phép họ hành động theo những cách kỳ diệu. Họ là những hình mẫu cho cuộc sống thánh thiện mà chúng ta phải học hỏi để tiêu trừ đau khổ trên thế giới. Phật giáo Đại thừa chia Bồ Tát thành hai hạng: Bồ Tát đang sống trên Trái Đất và Bồ Tát siêu việt. Các Bồ Tát đang sống trên Trái Đất là những người giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả. Bồ Tát siêu việt là người đã thực hành đầy đủ các hạnh tu hành nhưng chưa nhập Niết bàn, có khả năng tự chủ trong luân hồi, xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Đó thường là các vị Bồ Tát Quán Thế Âm. Hành trình tu học của Bồ Tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ đề và giữ Bồ Tát hạnh nguyện; gồm có 52 quả vị là Thập Tính, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác.

Theo tiếng Phạn, Bồ Tát nghĩa là hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác; như có nhiều người đang ngủ mê, có một người tỉnh thức, người ấy đánh thức những người còn lại, kẻ ngủ mê là chúng sinh, còn Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát chính là người đánh thức. Quán là quan sát, tìm hiểu và biết rõ ràng về đối tượng. Thế là cuộc đời, cuộc sống dân gian. Âm là tiếng cầu cứu, tiếng thỉnh cầu của chúng sinh khổ đau. Vì Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép Nhĩ căn viên thông, như người đã thức dậy trong “ngôi nhà vũ trụ” kia, nghe biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tĩnh trong ngoài. Không chỉ mang đầy đủ những phẩm chất và khả năng siêu phàm như các vị Bồ Tát, đức Quán Thế Âm Bồ Tát ẩn tàng một triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát. Ngài đạt được diệu quả Nhĩ căn viên thông nên có thể nghe và cảm nhận thấy tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, Ngài hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sinh được vượt thoát hiểm nguy.

tap chi nghien cuu phat hoc Duc Phat ba quan the am 2

Cho nên chúng sinh nào niệm danh hiệu Ngài liền được Ngài “tầm thanh cứu khổ”, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Khi nhân loại đang cần tình thương và sự che chở bảo hộ, biết cảm thông trong cuộc sống thì hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát lại hiện ra như là một chỗ nương tựa vững chãi cho tâm hồn của họ.

Qua nghiên cứu kinh pháp Phật giáo và văn hóa, tín ngưỡng trên thế giới thấy, Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ tát có nhiều nhân duyên với chúng sinh trong cõi trần gian này. Ngài đã giáng sinh cõi nhân gian nhiều lần để ra tay cứu khổ, cứu nạn, ban vui cho nhân loại và muôn loài. Theo sách Bách Việt tộc phả và đối chiếu với lịch sử dân tộc thì thấy rõ, Ngài Đế Minh, tức Nguyễn Minh Khiết (Thái Khương Công) trong truyền thuyết Hồng Bàng, lấy bà Đỗ Quý Thị, là con của cụ Long Đỗ Hải Vương (Thần Bạch Mã)(3) sinh ra người con trai trưởng đặt tên là Lộc Tục (sau này là vua Kinh Dương Vương, chính là thủy tổ của người Việt Nam ngày nay. Vua Kinh Dương Vương chính là Hoàn linh Chân nguyên Đại kiếp đầu tiên của Ngọc Hoàng Thượng đế giáng linh cõi thế, nên sau khi mất, nhân dân đã suy tôn Ngài là Ngọc Hoàng giáng sinh). Sau khi sinh con, bà cùng 8 người em trai đưa con vào tu hành ở động Tiên, Lạc Thủy, Hòa Bình. Ngài tu hành đắc đạo, trở thành đức Phật bà Quán Thế Âm, hiệu là Hương Vân Cái Bồ Tát. Ngài sinh ngày 8/4 Âm lịch (ngày Đản sinh), mất ngày 15/7 Âm lịch (ngày hóa), hiện mộ phần được đặt tại làng Vân La, Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội. Những người em trai của Ngài được tôn hiệu là Bát Bộ Kim Cương Bồ Tát. Sinh thời, Ngài đã

có công mở nước, giáo hoá chúng sinh, mở nhà truyền kinh, có đức che chở cho dân, dạy người dân phải uống nước nhớ nguồn, luôn tu đạo làm người thiện nhân. Đặc biệt, sau khi hiển Phật, Ngài đã hiển linh giáng bút ban cho nhân gian nhiều câu kinh văn, kinh lý dạy mọi người đi đúng con đường tu hành “Thuận Thiên” theo đạo pháp của thời đại mới: “Âm dương nhất lý”.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là vị đại Bồ Tát không chỉ được con người ở thế giới Ta Bà ca ngợi và trì niệm danh xưng của Ngài mà cả ở các phương cõi khác cũng được các chư vị Phật và Bồ Tát ca tụng, được nhân dân cõi đó một lòng thành kính trì niệm danh hiệu của Ngài. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát chính là câu niệm hồng danh của Ngài. Theo kinh pháp Hoa phẩm Phổ Môn, trong số danh hiệu của các vị Bồ Tát, thì trì niệm danh hiệu của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là phúc đức cao nhất. Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân giáo hoá khắp mười phương thế giới, từ địa ngục lên đến các cung trời, từ Ta bà sang cõi Cực lạc, Ngài phân thân giáng trần thành thân Phật, thân tiểu vương, thân người nam, người nữ, la sát… Ở đâu có chúng sinh đau khổ kêu cầu là ở đó Ngài sẽ thị hiện. Lòng từ của chúng ta cảm, đức từ bi của Ngài ứng, đó là quy luật rất tự nhiên. Sự hiện thân của Ngài chỉ là do công dụng của lòng từ bi trong bản thể đại đồng của cuộc sống duy nhất phát lộ ra. Khi nào có người chuyên tâm chú niệm danh hiệu Ngài tức là người ấy đã chuyên chú đức tính từ bi của họ, lòng tin tưởng của họ cũng đã được nhập và cùng giao cảm với đức tính từ bi của người ấy. Phẩm chất đặc biệt của đức Phật Bà Quán Thế Âm là lòng kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, trái tim đồng cảm, nhưng nổi bật nhất vẫn là hạnh nguyện từ bi. Đó như là một nguồn năng lượng chói sáng, siêu việt để lắng nghe, hóa giải hoạn nạn, khổ đau và cứu độ chúng sinh, dẫn dắt nhân gian quay về chính đạo. Ngài cùng Bồ Tát Đại Thế Chí vì lòng từ bi, thệ nguyện dấn thân vào con đường phụng sự, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, không chịu vào cảnh giới tối thượng của chư Phật. Trong các hình tượng miêu tả Quán Thế Âm, người ta thấy có khi trên tay Ngài cầm hoa sen hồng, cũng có khi là nhành dương liễu và một bình nước cam lộ. Nhành dương liễu và bình cam lộ đó tượng trưng cho lòng từ bi, trí giác ngộ của Ngài để xóa tan bao nỗi đau khổ, bao điều phiền não nơi chúng sinh. Trong hình ảnh Quán Thế Âm với 11 đầu thì trong đó chín đầu của chín vị Bồ Tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A Di Đà. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa và Phật quả. Hình ảnh Ngài ngự trên hoa sen trắng trong biển động ba đào thể hiện rằng, mặc dù trong cõi đời đầy sóng gió đau khổ, chúng sinh đang hụp lặn nổi trôi, Ngài Quán Thế Âm chính là biểu tượng của chân lý ngát hương thơm hoa đạo, quyết đưa họ về với cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Bồ Tát nghìn tay là tượng trưng cho sự dấn thân làm việc không biết mệt mỏi vì lợi ích chúng sinh. Vòng hào quang trên đầu của Ngài thể hiện sự vô thường vĩ đại nhất; cho thấy tầm quan trọng của sự vĩ đại và sự cống hiến của Quán Thế Âm đối với thế giới. Hiện nay, Ngài đã chứng được bậc Đẳng Giác Bồ Tát, ở cõi Cực Lạc hằng ngày tiếp dẫn chúng sinh mười phương về cõi ấy để giáo hóa.

tap chi nghien cuu phat hoc Duc Phat ba quan the am 3

Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong vị lai nếu chúng sinh còn đau khổ, vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sinh của Ngài. Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, giúp mọi người sống gần gũi gắn bó với nhau, thương yêu và hiểu biết, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ. Tình cảm của Ngài dành cho nhân loại như tình Mẹ thương con, đó là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, của tất cả chúng sinh, Ngài luôn chăm lo cho các con như là một bổn phận thiêng liêng, cao cả của Ngài. Lòng Bồ Tát bằn bặt, không lay động, không vọng tưởng nhưng vẫn có sự cảm nhận, cảm thông rất sâu sắc, trầm lắng mà giúp chúng sinh vơi hết đau thương, sầu khổ. Con người có thừa hưởng được ân huệ của Ngài hay không, phần lớn là do chính họ định đoạt, vì ngoài việc trì niệm, lễ bái cúng dường thì con người phải làm việc thiện, sống có nhân cách, đạo đức, biết hoàn thành tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình, bản thân và xã hội; xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh; biết giữ cho tâm mình thanh tịnh, luôn nỗ lực tu hành bằng lòng thành kính vô lượng và tin tưởng vào thần lực nhiệm mầu và sự cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm thì ắt sẽ “được cầu tất ứng”.

Ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới, hình ảnh của Ngài luôn gần gũi với cuộc sống của mỗi con người, ở trong tâm trí mỗi chúng ta, Ngài là chỗ dựa vững chắc và là sức mạnh siêu việt để diệt trừ cái ác, cái xấu xa, đau khổ để bảo vệ chúng ta trong cuộc sống. Ngài đến với mọi người, không phân biệt giàu hay nghèo, già hay trẻ, tất cả đều bình đẳng như nhau, cho nên ai cũng sùng kính, tôn thờ Ngài. Thông điệp mà Ngài mang đến cho đời chính là chất liệu của tình thương, lòng nhẫn nại và sự tỉnh thức nội tại để quay về với bản tính thiện, lòng trung thực và những đức tính tốt đẹp của chính mình. Ở nước ta, hình tượng đức Phật Quán Thế Âm gắn bó với tín ngưỡng tâm linh của người dân từ thuở Văn Lang và trường tồn cùng với sự phát triển của lịch sử của dân tộc ta dưới các tên gọi như Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa Ba, Quan Âm Thị Kính … đã trở thành một truyền thống tín ngưỡng đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Với dân tộc Việt Nam, Ngài chính là người đã khai sinh ra thủy Tổ người Việt (Ngài là mẹ vua Kinh Dương Vương và là bà nội của Lạc Long Quân) nên được tôn thờ ngang hàng với các vị Quốc tổ của dân tộc ta cho đến mãi về sau này.

Qua bài viết, tác giả cũng như những người con Phật khác muốn thể hiện tấm lòng thành kính và sự tri ân sâu sắc dâng lên đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Mỗi khi chúng ta lắng lòng nhất niệm hình ảnh của Ngài thì tự nhiên trong lòng ta trỗi dậy tình cảm thiêng liêng vô cùng tận. Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát đã trở thành một biểu tượng linh thiêng, dung dị nhưng rất đỗi quen thuộc đối với mỗi con người chúng ta. Học theo đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng ta phải học tập và rèn luyện lòng quảng đại, tính kiên nhẫn, lòng từ bi, cái nhìn sâu sắc vào thực tế để biết cách đạt được mục tiêu đó; biết sống vì người khác và chính mình.

Tác giả: Nguyễn Đức Quỳnh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 5/2019


CHÚ THÍCH:
1,2. Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2015
3. Sách họ Đỗ Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, tập 1,năm 2001, tr.259;

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường