Trên khắp rặng Himalaya nói chung, trong đó có vương quốc Bhutan, hình ảnh, biểu tượng của đức Liên Hoa Sinh hiện diện khắp mọi nơi, âm thanh mật chú của ngài được trì tụng hàng ngày, những câu chuyện, truyền thuyết và công hạnh của ngài, được kể khắp tại các thánh địa, tự viện, nơi mỗi gia đình phật tử.

Trong truyền thống Phật giáo Bhutan, chúng tôi thường chia Phật giáo thành ba thừa: Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, chư Tăng ni, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, các ngài chú trọng tâm xả ly, thực hành các giới biệt giải thoát, đặc biệt về thân, khẩu và ý. Chú trọng trì giữ giới luật, thực hành xả ly không có nghĩa là chối bỏ thế giới này, mà mục đích chính là tránh những duyên trần là nhân gây nên phiền não, thị phi, là nhân của luân hồi sinh tử. Trong truyền thống Đại thừa chú trọng nhiều tới rèn luyện tâm, đặc biệt tâm từ bi và tâm Bồ đề. Hành giả Đại thừa không nhất thiết phải là một vị tăng. Phật giáo Kim cương thừa là một nhánh của Đại thừa và là pháp môn thực hành chính tại Bhutan.

Có nhiều tiêu chí xác định một bậc thầy trong truyền thống Kim cương thừa. Nhưng phẩm hạnh quan trọng nhất là vượt trên quan kiến nhị nguyên, hòa nhập và thành tựu trí tuệ Tính không. Với người phàm phu thì các quan kiến như tốt-xấu, ngợi ca hay chỉ trích, hạnh phúc hay khổ đau… luôn chi phối đời sống của họ. Tất cả mọi hiện tướng bên ngoài và các dòng tư tưởng trong tâm đều tồn tại chắc thực với họ. Khi thiếu trí tuệ, hiểu sai về thực tại, thì tham lam, sân hận và mọi phiền não sẽ luôn hiện khởi. Về cơ bản, một bậc thầy trong Kim cương thừa là bậc đã vượt trên quan kiến nhị nguyên.

Người thế gian thường bị chi phối bởi các quan niệm nhị nguyên, từ đó họ phóng chiếu chúng lên người khác và mọi vật xung quanh. Một trong những bậc thầy của tôi đã dạy rằng, thật lạ kỳ khi chứng kiến các quan niệm của chúng ta thống trị đời sống của ta. Khi chúng ta bị bám chấp như vậy, chúng ta sẽ thấy mạnh mẽ về các quan niệm của mình, chúng ta hoàn toàn không biết sự thật là những người khác nhau có quan niệm và nhu cầu khác nhau. Đó là lý do tại sao khi chúng ta nói về pháp tướng của đức Liên Hoa Sinh là thuần tịnh, rực rỡ và toàn hảo, điều đó có nghĩa vạn pháp tự bản chất đều toàn hảo, vượt trên quan niệm thiện- ác, tốt-xấu. Kim cương tự bản thân mình không đắt cũng không rẻ, một con người tự bản thân không phải là hận thù hay yêu thương….

Trở lại vấn đề đâu là ý nghĩa khi ta nói về mọi pháp tướng của đức Liên Hoa Sinh, chúng ta đang nói về toàn bộ sắc thân toàn hảo. Tiếp theo ta nói về khẩu của đức Liên Hoa Sinh. Ở Bhutan, chúng ta thấy khắp nơi mọi người đều trì tụng ngân vang theo nhiều giai điệu mật chú Liên Hoa Sinh. Nhưng mục đích của sự trì tụng là gì? Trong Kim cương thừa, chúng ta không chỉ nói về chân ngôn, thần chú của đức Liên Hoa Sinh mà thực chất ở đây chúng ta nói về mọi âm thanh chúng ta nghe. Lời của ai đó tán dương, ca tụng bạn cũng như lời chỉ trích, phê phán bạn đều là lời của đức Liên Hoa Sinh. Bởi vậy một hành giả Mật thừa đích thực thì dù ai đang phê bình, nói xấu về bạn hay ngợi ca, tán dương bạn, thì bạn cũng trân trọng bởi tất cả thực chất chỉ là một dòng âm thanh thuần túy. Mọi âm thanh của thế giới từ tiếng suối reo, tiếng nhạc, thậm chí một tiếng chó sủa khi ấy cũng là hóa hiện âm thanh mật chú. Xin lấy một ví dụ rõ hơn. Nếu ông chủ doanh nghiệp của bạn đang rầy la, áp đặt ý kiến lên bạn, ông chủ đi lại và nói tôi là ông chủ nên cậu phải lắng nghe…chúng ta rất phiền bởi vì chúng ta có một quan niệm cho rằng tôi không hợp với ông chủ này nữa, ông ta không ngừng phàn nàn, áp đặt lên tôi, ông ta thật là người tiêu cực. Bây giờ thử lấy thêm ví dụ về một gia đình đang hạnh phúc. Người vợ đùa vui với chồng bây giờ mình là ông chủ gia đình và người chồng rất mực hoan hỷ, cả gia đình đều cười vui vẻ.

Cả hai ví dụ trên đều nói về người chủ nhưng bởi vì âm thanh không có tự tính cố hữu, các quan niệm hoàn hoàn đối lập phụ thuộc vào quan niệm của mỗi cá nhân trong đó. Đó là do quan niệm của chúng ta cho rằng âm thanh này làm ta hạnh phúc và âm thanh kia làm ta phiền muộn. Điều này cho thấy rằng âm thanh về bản chất vượt lên trên bất kỳ thuộc tính cố hữu nào mà chính do quan niệm của ta quyết định ta có yêu thích hay phiền não chúng không. Đó là lý do tại sao mọi âm thanh về bản chất đều toàn hảo. Âm thanh mà ta lắng nghe từ xe ô tô, máy bay, âm nhạc, tất cả về bản chất đều toàn hảo. Nhiều phật tử cho rằng âm thanh này kia đang làm họ phiền não khi hành thiền. Quan niệm đó không đúng theo tri kiến Kim cương thừa. Thực sự thì âm thanh sẽ làm xáo động thời thiền tu của bạn nếu bạn quan niệm âm thanh đó là đối tượng gây phiền não. Nếu không thì tại sao cùng một âm thanh đó, khi bạn tới nơi giải trí, nó lại không làm bạn phiền não? Tại sao khi hành thiền thì nó làm bạn phiền não, còn khi khác thì lại không? Do bởi quan niệm của chúng ta chứ bản chất âm thanh không phải là phiền não hay an bình.

Tương tự như chúng ta nhìn về các dòng tư tưởng hiện khởi trong tâm. Trong sự thiền quán của chúng tôi, mọi dòng tư tưởng hiện khởi trong tâm đều là trí tuệ của đức Liên Hoa Sinh. Bản chất của mọi dòng tư tưởng hiện khởi không tốt cũng không xấu, không thiện cũng không ác mà do quan niệm của chúng ta gán cho chúng là thiện hay ác, an lành hay dữ dội mà thôi. Ví như, một người nông dân cảm thấy rất hạnh phúc khi trời mưa nhưng cùng lúc ấy các khách du lịch lại rất phiền não bởi cơn mưa làm cản trở chuyến viếng thăm thánh tích của họ. Trong cuộc đời chẳng ai muốn khổ đau tới với mình cả nhưng bởi vì quan niệm về khổ đau có do chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc tồn tại. Nếu bạn không trải qua sự nghèo đói thì sang giàu sẽ chẳng bao giờ mang lại cho bạn hạnh phúc cả.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta chăm sóc con trẻ quá mức, cố gắng làm mọi thứ để tránh cho chúng phải gặp khó khăn, thử thách, khi ấy chúng thực sự khó tìm được niềm vui thích đích thực. Chúng ta nên thấu hiểu rằng các hạnh phúc và buồn đau về bản chất đều không có tự tính đích thực, cái này luôn phụ thuộc vào cái kia mà tồn tại.

Bởi vậy khi chúng ta nói về đức Liên Hoa Sinh chân thật, chúng ta không hoàn toàn nói về Phật giáo, mà chúng ta đang nói về chân lý đời sống và tất thảy pháp giới. “Tâm chí thành trong tu tập là chân thành khi bạn có thể nhận ra Bậc thầy chính là trí tuệ bất nhị”. Nhưng nếu như vậy thì tại sao chúng ta lại cần nhiều tôn tượng, bích họa của đức Liên Hoa Sinh? Chúng ta vẫn cần tôn tượng làm đối tượng thiền quán để giúp ta chuyển hóa từ các quan niệm nhị nguyên kiên cố trở về với tự tính chân thật. Để chuyển hóa từ mức độ trong tâm tràn đầy các quan niệm nhị nguyên thành vô niệm là không dễ dàng. Chúng ta cần các bước tiệm tiến, các giai đoạn trung gian để giúp chuyển hóa các trạng thái này. Quán tưởng chi tiết pháp tướng của đức Liên Hoa Sinh và cõi tịnh độ của ngài được xem là bước trung gian để tiến tới cảnh giới bất nhị tối thượng. Bước trung gian này cần thiết hơn trạng thái của người phàm phu tràn đầy các tri kiến nhị nguyên được-mất, thiện-ác, đúng-sai, bạn-thù… những tri kiến rút cuộc chỉ là những phiền não bất tận. Tri kiến thanh tịnh chính là bước trung gian.

Mặc dù chúng ta có thể chưa tới cấp độ đó nhưng nếu ta thiền quán mọi người đều là hiện thân của đức Liên Hoa Sinh, mọi người đều là thuần tịnh, mọi nơi chốn đều là cõi Tịnh độ, chúng ta đang thực hành đức Liên Hoa Sinh bên trong và từng bước tiến tới cảnh giới tối thượng và bất nhị của đức Liên Hoa Sinh. Những sự thiền quán như vậy là phương tiện thiện xảo trong Kim Cương thừa và xét ở phương diện tương đối, đức Liên Hoa Sinh, cõi Tịnh độ của ngài vẫn tồn tại. Ví dụ như, mặc dù bản chất cơn đau là không tồn tại cố hữu, nhưng nó vẫn đang hiện thực lúc này tới mức chúng ta chảy nước mắt, chúng ta có thể thậm chí bị đau tim. Cũng tương tự với hạnh phúc. Khi chúng ta còn bị trói buộc bởi quan kiến nhị nguyên, thì cơn đau vẫn là hiện thực, niềm hạnh phúc vẫn là hiện thực, vàng có giá trị, ngôi nhà này đang tồn tại, và như vậy đức Liên Hoa Sinh và cõi tịnh của ngài cũng tồn tại. Mong nguyện với những luận giải trên, giúp mọi người khi tới, tìm hiểu hay thực hành Phật pháp có tri kiến thông suốt về một pháp tu phổ biến trong truyền thống Phật giáo Bhutan.

Bài chia sẻ của đức Gyalwa Dokhampa Rinpoche tại the Mountain Echoes năm 2016. Nguồn: https://gyalwadokhampa.org/article/the-secret-guru-padmasambhava

Chuyên đề do cư sĩ La Sơn Phúc Cường, cư sĩ Anh Vũ và Tiến sĩ Cao Xuân Sáng thực hiện Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021