Thích Nữ Chơn Ngọc[1] Chùa Dược Sư, 464 Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM

DẪN NHẬP

Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, báo chí đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, dưới sự đóng góp của những danh tăng, các bậc ni lưu kiệt xuất cùng với nhiều vị cư sĩ hộ đạo đã đem lại nhiều thành tựu đối với Phật giáo. Tuy nhiên, vai trò cuả ni giới vẫn còn chưa được ghi nhận và đánh giá đúng vai trò. Do vậy, sự đóng góp dù còn khiêm tốn trong giai đoạn phong trào Phật giáo chấn hưng nhưng đó chính là những tiếng nói đầu tiên của nữ giới trên diễn đàn báo chí, mở ra trang sử vẻ vang cho Phật giáo Việt Nam, tiêu biểu cho các hoạt động đó của ni giới trong giai đoạn này đã đóng góp vào sự phát triển của Tạp chí Từ Bi Âm.

CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU KHÁT QUÁT TẠP CHÍ TỪ BI ÂM VÀ NHỮNG CÂY BÚT NỮ GIỚI TIÊU BIỂU

1.1. Sự hình thành tạp chí Từ Bi Âm

Tạp chí Từ Bi Âm là một trong những cơ quan ngôn luận của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Được thống đốc Nam Kỳ Kreutreimer đã cho phép xuất bản Tạp chí Từ Bi Âm vào ngày 31-4-1931. Nhưng đến ngày 1-2-1932[2] bán Nguyệt san tạp chí của hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học mới ra số đầu tiên. Trong giai đoạn này chính quyền thực dân có rất nhiều chính sách hạn chế về sự thành lập các hội đoàn cũng như báo chí vì thế các vị tu sĩ đã nhờ đến ông Trần Nguyên Chấn là người đệ đơn xin phép chính quyền và chủ nhân sáng lập chính là “cư sĩ Phạm Ngọc Vinh ông làm chức vụ Thư ký ở ngân hàng Đông Pháp Sài Gòn”[3]. Do Hòa Thượng Khánh Hòa làm chủ nhiệm, với vai trò là Hội trưởng Ban Trị sự hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội, chủ bút là Hòa thượng Bích Liên, phó chủ bút là Đại đức Liên Tôn, thủ quỹ Phạm Văn Nhơn. Tòa soạn đặt tại Chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont.

Hòa thượng Khánh Hòa cùng với Trần Nguyên Chấn đã thành lập Ban Bảo tồn Phật giáo ở Nam kỳ vì ban sẽ là cách duy nhất không phải xin phép với chính quyền thuộc địa. Từ đây đã tạo nên bước đệm xin thành lập “thư viện Phật học Pháp Bảo Phương và xin phép xuất bản tạp chí Từ Bi Âm bằng chữ quốc ngữ”[4] và sau đó đến tạp chí. Phạm Ngọc Vinh đóng vai trò chủ chốt về mặt tài chính cho quá trình xuất bản tạp chí trong giai đoạn còn nhiều khó khăn về mặt tài chính. Nội dung chính của tap chí gồm có 7 mục như “Luận về triết lý nhà Phật, luân lý nhà Phật, phiên dịch kinh Phật, lịch sử nhà Phật, thời sự nhà Phật, tiểu thuyết nhà Phật, văn tuyển”[5] với nhưng cây bút tiêu biểu như HT.Giác Nhiên, Bích Liên, Liên Tôn, Trí Độ, Thiện Minh, Diệu Minh.

Từ Bi Âm có khổ báo 16×24 cm và tổng số trang trung bình là 50. Tạp chí khi xuất bản ra đều đặn mỗi tháng hai kỳ vào ngày 1 và 15. Tuy nhiên, đến số 145 báo ra mỗi tháng chỉ còn một kỳ. Trước đó từ số 46 trở về sau Từ Bi Âm cũng đã có sự nghèo nàn và sa sút với số mục giảm lý do chính là Trần Nguyên Chấn đã dùng Từ Bi Âm làm diễn đàn bút chiến với các tổ chức hoặc các cá nhân khác, với nhiều sự tranh luận công kích đối với HT.Khánh Hòa, Thiện Chiếu. Từ nguyên nhân này nên tạp chí chỉ còn lại cha con Commis Chấn vì thế các bài viết còn nghèo nàn hơn. “Tháng 6/1942 chỉ còn lại Phạm Ngọc Vinh và Trần Nguyên Chấn, lúc bấy giờ vì không còn người viết bài nên có lúc tạp chí đăng hai tháng một ký và đến năm 1944, Từ Bi Âm đã đăng lại những kinh sách đã phiên dịch”[6]. Tháng 8/1945 tạp chí đã bị đình bản. Đóng góp Từ Bi Âm suốt những năm tồn tại có giá trị và ý nghĩa rất lớn đó chính là phổ thông hóa Phật giáo bằng chữ quốc ngữ.

1.2. Những cây bút tiêu biểu trong tạp chí Từ Bi Âm

Ni giới đã có những đóng góp tích cực cho diễn đàn đầu tiên trên báo chí giai đoạn tiền bán thế kỷ XX trong tạp chí Từ Bi Âm. Đối với dấu mốc thời gian này báo chí đã gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo đồng thời trên diễn đàn báo chí rất được quan tâm và tranh luận sôi nổi, khởi sắc nhất chính là các diễn đàn của Ni giới. Đầu tiên là Ni sư Diệu Tịnh với tâm nguyện chấn hưng Phật giáo nước nhà đã nổ lực rất lớn qua chính cơ quan ngôn luận của Phật giáo Nam kỳ với hai bài viết vào năm 1933 qua bài “Lời than phiền của một cô vãi” được đăng trên tạp chí Từ Bi Âm số 27/1933 sau đó là bài “Cái án ngụy truyền Chính pháp” số 73/1935.

“Trong các bài diễn thuyết được đăng trên tạp chí Từ Bi Âm số 114, 128 Ni sư đã kêu gọi phụ nữ Việt Nam nói chung, Ni giới nói riêng hãy tham gia gánh vác những công việc của xã hội. Sự khởi xướng diễn đàn Ni giới của Ni sư Diệu Tịnh đã được nhiều cây bút của Ni giới quan tâm hưởng ứng và tạo được tiếng vang lớn đáng kể như Ni sư Diệu Ngôn với bài Đối với nữ lưu hiện thời chị em chúng ta có nên ghé mắt đến không số 100, ngày 15/1/1936, Đôi lời thỏ thẻ, Sư cô Diệu Tu số 110, ngày 15/6/2936, Bàn về vấn đề hoằng dương Phật pháp về bên nữ giới của Sư cô Diệu Minh, số 115,116, 117 ra tháng 10, 11 năm 1936”[7]

Không những tu sĩ mà còn có cả cư sĩ tiêu biểu chính là Cô Madame Trần Nguyên có được trình độ Phật học rất uyên thâm. Bài viết về “Chỉ rõ đường tà ngõ chánh” đã đăng trên Từ Bi Âm liên tiếp mười kỳ từ số 57-61, 63, 64, 66, 69, 72 năm 1934. Tất cả như một vì sao sáng thắp lên để đánh thức sau bao ngày ẩn mình nương náu bởi các đấng trượng phu đầy uy nghi lẫm liệt, và tự thân thể hiện bản lĩnh tự lực, tự cường đầy nhiệt huyết bằng sự dung mãnh, nhằm xóa tan đi hình ảnh người con gái nữ nhi luôn mang vỏ bọc chân yếu tay mền, ủy mị, dựa dẫm và đầy sợ hãi, đứng lên lấy lại sự công bằng cho nữ giới, hơn thế nữa chính là tiếng nói đóng góp lớn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo.

CHƯƠNG II: NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NỮ GIỚI TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO NAM KỲ TRONG TẠP CHÍ TỪ BI ÂM

2.1. Xây dựng hệ thống tổ chức

Trong công cuộc kêu gọi cho các hoạt động chấn hưng phải nói đến nhân vật quan trọng đó chính là Ni trưởng Diệu Tịnh với sự nhiệt huyết, nhiệt tâm với đạo đã động viên ni giới tham gia vào công cuộc chấn hưng Phật giáo bằng phương tiện truyền thông qua sự phát biểu tại chùa Hội quán Linh Sơn như sau: “Hỡi các ni lưu, nếu ai là người có lòng thành tâm muốn giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của đạo Phật thì hãy tán thành và ủng hộ các tổ chức trong công cuộc chấn hưng Phật giáo”[8]

Trên thực tế đối với đời sống cũng như quá trình tu học nam giới và nữ giới đều có được “tiềm năng tâm linh bình đẳng”[9]. Bằng sự cảnh tỉnh đánh động vào tâm tư của chư ni không thể bi quan, tự cho mình tài trí thấp kém chỉ quan tâm đến việc độ mình, mà quên mất chí nguyện độ tha với âm ba vang vọng lau gươm trí tuệ, soi mặt bản lai để đánh tiếng chuông đánh thức bao người còn mê mờ và cùng nhau đi đến cõi nhất thừa. Đây chính là tinh thần “Bỉ ký trượng phu ngã diệt nhĩ” làm nổi bật lên ý chí đoàn kết, thống nhất Phật giáo cho quá trình thực hành đời sống tâm linh vững chắc.

Điều này còn được thể hiện qua bài viết của sư cô Huệ Tâm: “Sở dĩ tình trạng của Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng suy yếu là bởi nhân tâm lười biếng, thời thế đổi thay, ngôn ngữ chẳng đồng, tăng ni rời rạc. Để khôi phục lại tâm thế phát triển cho Phật giáo thì điều cần nhất lúc này là phải xây dựng hệ thống tổ chức”[10]. Năm 1936 bậc tiền bối ni đã tự mình đứng ra vận động về mặt tài chính, nhân lực thành lập và xây dựng nên ni viện Hải Ấn điều này có ý nghĩa rất lớn về mặt tổ chức nhằm phát triển ni giới: “Nay ni tự này thành lập đã có cơ sở cho phái ni lưu, người nào đã biết rõ thời cơ, phát tâm tu hành mà sợ những tiếng thị phi thì xin ở cùng chúng tôi mà tu học, để tránh cái ám muội mà bước lên con đường chính đại quang minh”[11]. Việc làm này đã tạo nên sức mạnh đoàn kết và tương trợ nhau giúp ni đoàn ngày càng phát triển hoà trong tinh thần chung Chấn hưng Phật giáo.

2.2. Về công tác giáo dục

Công tác giáo dục là một trong vấn đề quan trọng nhằm nâng cao được tri thức, toàn vẹn trí tuệ, trong giai đoạn Phật giáo đứng trước nhiều khó khăn và thử thách, quá trình đào tạo tăng tài đang được đưa lên hàng đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Chư ni đã không ngừng cố gắn để đào tạo ra các các vị có đủ tài đức nhằm phụng sự cho việc hướng dẫn đạo đến với đồ chúng Ni trưởng Diệu Tịnh trong bài phát biểu của mình đã có những ý kiến như sau: “Có phải vì chư ni đã dập tắt được ngọn lửa phiền não, vượt ra khỏi ải tà mê, ngăn che gió bắc, thắp đèn trí tuệ mà họ xem thường chăng? Cũng không phải. Nam giới họ xem thường là xem thường các quan điểm lạc hậu của chư ni, xem thường thái độ yếu đuối, ích kỷ, xem thường chư ni không chịu học, không có đoàn thể, không có tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”[12]. Sự vạch ra rất rõ ràng đối với những quan điểm còn được xem thường từ đây tạo nên nguồn động lực và ý chí nhiệt huyết để đánh tan các quan niệm lệch lạc sai lầm, sự yếu đuối trở nên mạnh mẽ để làm một người hữu ích cho Phật pháp.

Ngoài ra thể hiện tinh thần của ni giới trong quá trình học Phật được nhấn mạnh: “Chư ni cần phải cố gắng học tập, thấu hiểu giáo lý để sau này có thể gánh vác trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh. Như vậy mới đúng được với chí nguyện xuất gia, lại đúng với tinh thần của ni giơi học Phật”[13]. Có thể thấy được rằng đây chính là tất cả những tâm huyết Ni trưởng dầy công ấp ủ và mạnh dạng nói lên những tiếng nói vang dội nhằm kêu gọi chư ni phải nổ lực học tập để xứng danh “Thích nữ” cùng nhau xây dựng nền đạo pháp hưng thịnh.

Năm 1936 một lớp học Ni thứ hai do ni sư đứng ra tổ chức tại Ni viện Hải Ấn ở Bà Quẹo rồi cứ như vậy những năm sau đó, các lớp học Ni tại Gia Định và các tỉnh thành khác lần lượt ra đời đào tạo hành Ni tài cống hiến cho Phật giáo nước nhà. Với đạo hạnh vẹn toàn như thế đã góp phần tạo nên tiếng vang và giúp ý chí được hun đút ngày càng lớn mạnh được khen ngợi một cách đầy kính trọng: “Về làng Tân Sơn Nhì có cô vải Diệu Tịnh, trụ trì chùa Hải Ấn, xuất gia từ nhỏ, nay tuổi gần ba mươi, tính tình thanh tịnh, giới hạnh nghiêm minh. Hớn tự quốc văn cả hai đều am hiểu, thường thấy đắp y lên diễn đàn mà thuyết pháp, làm trong phái tòng lâm có nhiều người thấy vậy mà bắt hổ thầm”[14]

Với quan điểm rất quyết liệt đã được “Ni sư Thích Nữ lên tiếng chúng tôi yêu cầu về sự học đạo là để làm kim chỉ nam cho tiện bề hành đạo. Sự học thức chính là gậy guốc, có thông hiểu mới biết lối tu hành, nếu không học thì có khác nào đường lối mà lại không có đuốc đâu”[15]. Vấn đề học đạo đã được ví như một ngọn đuốc soi sáng cho những bước chân của người tu sĩ, đó không phải chỉ là ánh sáng thường tình của thế gian mà đó chính là ngọn đuốc của trí tuệ của sự từ bi và hiểu biết một cách trọn vẹn.

2.3. Luận bàn các vấn đề Phật học và phương pháp tu tập

Đối với quan điểm này ni sư Như Ý đã có những ý kiến cho rằng: “Tôi chắc chị em đã quen với cái hủ tục trọng nam khinh nữ bên Tàu. Cái hủ tục ấy truyền sang nước ta hồi thuộc địa, nó đã giam hãm phụ nữ nước ta không biết bao nhiêu thời đại, mà ngày nay nó còn tác động đến chị em thật là đau đớn. Thế mà chị em không truy cứu nguyên do, lại xem đó là công lệ bắt buộc và cái bổn phận riêng của phụ nữ là vậy”[16]. Đây chính là sự khai phóng con người ra khỏi sự áp bức về mặt tư tưởng của các định chế xã hội áp đặt, từ đây hướng đến cho nữ quyền có những cách nhìn nhận đúng đắn vị trí và vai trò của mình, phát triển ra khỏi sự giam hãm của xã hội phong kiến. Sự than phiền được tác giả Thích Nữ viết: “Phật giáo là đạo vô thượng mà người học đạo lại hành vi lắm điều không được thích hợp, thì có khác nào như sữa Tô lạc có vị rất ngon mà bị côn trùng rơi vào nên hóa ra thành thuốc độc”[17]. Tinh thần nhập thế hay dấn thân của đạo Phật, là một trong những cách thức đưa đạo Phật vào cuộc đời hiệu quả và tích cực nhất. Ni giới với cũng đã ứng dụng tinh thần tu học qua phương diện nhập thế và phụng sự xã hội với quan điểm “Phàm đã là một người Phật tử thì chư ni không thể ngồi yên trước tình trạng khốn khổ của nhân dân mà ngược lại cần phải tham gia gánh vác trách nhiệm cho xã hội”[18], chư ni phát huy được tiếng nói của mình qua các việc làm thiết thực như công tác từ thiện, mở các lớp học tình thương, trại dưỡng lão, phòng thuốc, nuôi dạy trẻ…đây cũng chính là đóng góp đối với công cuộc chấn hưng của Phật giáo.

CHƯƠNG III: DẤU ẤN NỮ GIỚI ĐỐI VỚI LỊCH SỬ BÁO CHÍ THỜI HIỆN ĐẠI

Giai đoạn Phật giáo thời hiện đại Ni giới luôn dấn thân đối với mọi hoạt động của xã hội trong đó có báo chí. Như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi thời đại, báo chí đóng vai trò truyền thông đến cho đại chúng với những thông tin hoạt động của Phật giáo về các lĩnh vực khác nhau qua các tạp chí Văn hóa Phật giáo, Từ Quang, Nguyệt san giác ngộ. Đặt biệt hơn nữa đối với Nữ giới vẫn sự đóng góp to lớn chính là Đặc san Hoa Đàm tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam. Noi gương chư vị tiền bối đặc san Hoa Đàm đã có những bước chuyển mình và phát triển với nhiều đóng góp cho sự phát triển đối với các vấn đề giáo dục ni tài, hoằng dương Phật pháp và đem Phật giáo đi vào lòng đại chúng một cách thiết thực nhất.

Người đặt nền tảng cho Đặc san đó chính là “một ngôi sao sáng được ban tặng là ngôi sao Bắc đẩu trên bầu trời Ni giới Nam Bộ là Sư trưởng Như Thanh. Trên lĩnh vực báo chí Phật giáo, Sư trưởng Như Thanh không chỉ tham gia viết báo, mà còn tham gia làm báo. Với cương vị là tổng biên tập tờ đặc san Hoa Đàm, đặc san đầu tiên thể hiện tiếng nói của nữ giới Phật giáo cả nước, Tổng biên tập Như Thanh đã biết sử dụng thế mạnh của báo chí để làm lợi lạc cho nữ giới Phật giáo, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đào tạo nữ giới Phật giáo”[19]. Sư trưởng chính là một trong ba vị danh ni tiêu biểu nhất đối với Ni giới Nam Bộ trong quá trình tiến triển hơn thế nữa Người cũng đa vận động trong công tác thành lập ni bộ Bắc Tông vào năm 1956.

Vì đây là tiếng nói của nữ giới Phật giáo nên tác giả của nội dung do nữ giới đảm trách với nhiệm vụ quan trọng chính là đem hương sắc của đạo Phật đến với mọi người “Phổ biến giáo lý Phật đà, phát triển tinh thần đoàn kết của Ni giới, hướng dẫn hàng phật tử tinh tiến trên con đường phước huệ song tu, mở mang đường lối giáo dục nhi đồng. Đấy là mục đích duy nhất của tập san Hoa Đàm”[20]

Sau 38 năm đình bản đến năm 2013 tạp chí được ươm mầm và phát triển dưới sự tiếp nối của Ni sư Như Nguyệt đã chắp đôi cánh cho Ni Việt Nam đến với các diễn đàn tham luận Phật giáo dành cho Ni trên Thế giới. Ni sư hội đủ nhân duyên lành Ni sư xuất gia tu học và làm thị giả của Sư trưởng nên đã học tập rất nhiều điều từ thân giáo, khẩu giáo từ đó góp phần làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ni giới trên đà hội nhập. Ni sư là người kết duyên cho Nữ giới Phật giáo Việt Nam với Sakyadhita, Ni sư còn là một diễn giả nổi bật tại Hội nghị. Hiện tại, bên cạnh việc dành thời gian cho công tác giáo dục tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, điều hành Đặc san Hoa Đàm và phụ trách quản viện Ni tại Học viện, nhưng vẫn luôn dành thời gian trong công tác duy trì tạo điều kiện cho Ni giới trên diễn đàn báo chí. Có thể khẳng định rằng Ni sư chính là vị Ni đã mở ra cánh cửa cho hàng Ni giới Việt Nam có được cơ hội khẳng định bản thân và giá trị của tinh hoa trí tuệ Phật pháp được kết tinh không có sự phân biệt dù ở nơi đâu và hệ phái nào.

KẾT LUẬN

Nhân loại giữa người nam và người nữ chỉ khác biệt bởi giới tính, thể xác vật chất, nhưng tâm và còn quả vị tu chứng thì đồng đẳng như nhau. Dưới ánh sáng trí tuệ của Phật pháp không có bất kỳ sự kỳ thị nào. Để hiểu thêm về người nữ trong Phật giáo cũng như vai trò và tiềm năng của họ chúng ta cần có cái nhìn phóng thoáng hơn, hãy nhìn về những gì phụ nữ đang đóng góp rất tích cực trong các hoạt đồng Phật giáo thế giới hiện nay bao gồm các phụ nữ thuộc rất nhiều quốc gia trên thế giới. Con đường tiến đến chân lý giải thoát khổ đau, không có chỗ cho những tâm hồn bạc nhược, tự tôn, tự ti, yếu hèn. Đó mới chính là tính nữ, tự biến mình là bóng mờ của kẻ khác.

Tạp chí Từ Bi Âm đã nâng nữ giới lên tầm cao mới chư vị tiền bối ni như Diệu Tịnh, Diệu Tâm, Diệu Tánh, Diệu Hường,… thắp lên ngon lửa nhiệt huyết hãy tự tin rằng chúng ta ai cũng có tính mạnh mẽ của nam nhi, bên ngoài tuy phải thể hiện sự khiêm tốn nhưng bên trong phải tìm ẩn cách sống của đại trượng phu. Một quyết tâm dõng mãnh sẽ giúp chúng ta chứng tỏ năng lực tư cách bậc “Thiên nhân chi đạo sư”, vị thầy tâm linh đối với quần chúng dù là hạng nữ nhi. Đương nhiên, trước nhất chúng ta hãy tự hoàn thiện lấy chính mình, cần phải tự nỗ lực giữ gìn phạm hạnh bằng cách nghiêm trì giới luật, sống khuôn mẫu cho thế gian, rèn luyện ba nghiệp thanh tịnh qua pháp tu tập Giới, Định, Huệ để thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, đồng thời đem hết nhiệt tâm và khả năng của mình cứu giúp chính mình và chúng sinh nâng tầm giác ngộ, tiến tới giải thoát rốt ráo viên mãn.

Thích Nữ Chơn Ngọc[1] Chùa Dược Sư, 464 Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM

——————

CHÚ THÍCH

[1] Học viên cao học khóa III Học Viện PGVN tại Tp.HCM. [2] Trong Sơ thảo lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam viết: “Tạp chí ra đời ngày 1/3/1932” [3] Nguyễn Đại Đồng, Lược Khảo Báo Chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008), Nxb Tôn giáo, 2008, tr.28. [4] Ninh Thị Sinh, Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, Nxb đại học quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 75. [5] Sđd, tr. 28-29. [6] Sđd, tr.33. [7] Nguyễn Đại Đồng, Lược Khảo Báo Chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008), Nxb Tôn giáo, 2008, tr.31. [8] Diệu Tịnh, “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, 1935, tr.37- 43. [9] Chatsumarn Kabilsingh, Phụ nữ Thái Lan trong Phật giáo, Berkeley, CA: Parallax Press, 1995, tr.27. [10] Huệ Tâm, “Lời cảm thán trong lúc kỳ siêu cho mấy vị hội viên”, Từ Bi Âm, số 40, 1933, tr.42-44. [11] Diệu Tịnh, “Bài diễn văn đọc bữa rằm tháng Bảy tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, 1936, tr.41-45. [12] Diệu Tịnh, “Bài diễn văn đọc bữa rằm tháng Bảy tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, 1936, tr.37-43. [13] Diệu Tịnh, Sđd, tr. 37-43. [14] Cư sĩ Minh Ký, “Một cuộc điều tra về ni giới”, Từ Bi Âm, số 133, 1/12/1936, tr.28. [15] Thích Nữ, “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23. [16] Như Ý, “Cái quan niệm đối với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ”, Từ Bi Âm, số 149, 1938, tr. 26-30. [17] Thích Nữ, “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23. [18] Diệu Tịnh, “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, 1937, tr.35. [19] Tham khảo, kỷ yếu hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí, tr.119. [20] Thích nữ Như Thanh chủ biên, Tập san Hoa Đàm, Nhà in Liên Việt, Sài Gòn, 1993, tr.3.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Đại Đồng, Lược Khảo Báo Chí Phật giáo Việt Nam 1929-2008, Nxb Tôn giáo, 2008. 2. Ninh Thị Sinh, Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, Nxb đại học quốc gia Hà Nội, 2020. 3. Thích nữ Như Thanh chủ biên, Tập san Hoa Đàm, Nhà in Liên Việt, Sài Gòn, 1993. 4. Chatsumarn Kabilsingh, Phụ nữ Thái Lan trong Phật giáo, Berkeley, CA: Parallax Press, 1995. 5. Karma Lekshe Tsomo, Editor, Tỳ kheo ni Như Nguyệt dịch Việt, Nữ giới Phật giáo đương đại, Nxb Tổng hợp Tp.HCM 2019. 6. Thích Nữ Như Khương, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, Tập I, 2009. 7. Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Bi Âm ra đời, Từ Bi Âm, số 1, 1/1/1932. 8. Diệu Tịnh, “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, 1935. 9. Huệ Tâm, “Lời cảm thán trong lúc kỳ siêu cho mấy vị hội viên”, Từ Bi Âm, số 40, 1933. 10. Cư sĩ Minh Ký, “Một cuộc điều tra về ni giới”, Từ Bi Âm, số 133, 1/12/1936. 11. Diệu Tâm, “Cái lầm”, Từ Bi Âm, số 67, 1934. 12. Thích Nữ, “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27. 13. Như Ý, “Cái quan niệm đối với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ”, Từ Bi Âm, số 149, 1938. 14. Diệu Tịnh, “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, 1937. 15. Diệu Minh, “Bàn về vấn đề hoằng dương Phật pháp bên nữ giới”, Từ Bi Âm, số 115-117. 16. Thích nữ Diệu Nghiêm, Các bài tham luận Sakyadhita lần thứ 11, tập II. 17. Tham khảo, kỷ yếu hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí. 18. Người kết duyên cho Sakyadhita và nữ giới Phật giáo Việt Nam, https://dacsanhoadam.com/nguoi-ket-duyen-cho-sakyadhita-va-nu-gioi-phat-giao-viet-nam/, truy cập ngày 5/3/2021. 19. Hội thảo khoa học di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa-phát triển ni giới Việt Nam, https://phatgiao.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-di-san-su-truong-nhu-thanh-ke-thua–phat-trien-ni-gioi-viet-nam-d33999.html, truy cập ngày 5/3/2021.