Diệu Hỷ DavisLe

Đây có lẽ là lần đầu tiên có một hội thảo về ngài Như Trừng Lân Giác tổ sư được tổ chức, tuy nhiên với tầm vóc của ngài trong lịch sử thì cá nhân tôi thấy cũng có rất nhiều bài viết chuyên sâu, hệ thống về ngài nên chỉ dám góp nhặt vài điều tản mát để mong các độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của ngài cũng như tổ đình Liên Phái. Nội dung chủ yếu tôi muốn đề cập là  vài nét nhỏ về tương quan giữa ngài với họ hàng nội ngoại, quốc gia, tôn giáo, sơn môn pháp phái…

1. Dòng tộc, quốc gia

Ngài Trịnh Thập theo sách Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà Thành[1] sinh năm 1696 mất năm 1733 là con trai của Tấn Quang vương Trịnh Bính (1670-1702) vốn dòng dõi chúa Trịnh lại được vua Lê Hy Tông gả con gái cho[2]. Với xuất thân quý tộc như vậy thì sự hưng suy của dòng tộc cũng gắn liền với quốc gia, sự xuất gia của bản thân cũng ảnh hưởng lớn tới bối cảnh tôn giáo của đất nước nên tôi muốn xét tương quan của ngài với các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cũng tu hành và có quan hệ họ hàng, thân tộc với ngài như hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660), hoàng đế Lê Dụ Tông(1679-1731), chúa Trịnh Bồng (1740-1791), cũng chẳng quá để nói rằng chỉ bấy nhiêu ông hoàng bà chúa tu hành, xuất gia cũng như trải cả nửa bộ sử của Đàng Ngoài thời Lê Trung Hưng.

1.1. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660)

Theo sách Kim tòa thực lục, Trịnh vương ngọc phả ghi thì bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là con gái thứ của Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1577-1657) và Chính phi Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Tương truyền, bà thông minh từ nhỏ, rất hiếu học. Mới 9, 10 tuổi đã đọc thông, viết thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, đọc làu kinh sử, giỏi văn thơ, sùng đạo Phật, chú tâm kinh kệ, miệt mài nghiên cứu bộ Kim Cương. Bà có dáng người thanh tú, dịu hiền. Bản tính hoà nhã càng tôn vẻ đẹp sẵn có của bà. Trong phủ chúa, ai nấy đều kính nể. Có thời bà đã đảnh lễ qui y tại Ninh Phúc tự còn gọi là chùa Bút Tháp tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Đến năm bà 36 tuổi (1630) chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho Lê Thần Tông (1607-1662), được tấn phong làm Hoàng hậu. Lê Thần Tông khi lấy bà Ngọc Trúc, cả triều đình đều can, thì ông gạt đi và nói: "Đã trót rồi, lấy gượng vậy"[3]

Sau khi Thần Tông thiện vị, Trịnh Thái hậu cùng Công chúa đến tu và ở hẳn chùa Bút Tháp, bà lấy pháp hiệu Diệu Viên, còn Công chúa có pháp danh Diệu Tuệ.[4] Xét về tại gia trong vương thất, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là con gái của chúa Trịnh Tráng, từ Tráng thì phả hệ dòng con trưởng như sau Trịnh Tráng >Trịnh Tạc (1606-1682) >Trịnh Căn (1633-1709) > Trịnh Vịnh (1654-1683)> Trịnh Bính (1670-1702)[5]cha của Trịnh Thập.

Như vậy, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là chị/em gái của chúa Trịnh Tạc là cụ của Tấn Quang vương Trịnh Bính, kỵ của thế tử Trịnh Thập và bà hơn thế tử 101 tuổi. Về mặt hoàng thất thì bà là hoàng hậu của Lê Thần Tông tức đích mẫu (mẹ chính thức trên danh nghĩa) của Lê Hy Tông (1663-1716) mà Hy Tông là nhạc hoàng của phò mã Trịnh Thập, vậy Trịnh Thập là cháu rể gọi bà bằng hoàng tổ mẫu.

Xét về tu hành thì bà Trịnh Thị Ngọc Trúc theo bia tại chùa Phật Tích mang tên Vạn Phúc đại thiền tự bi, No 2146 và Kiến lập Tam bảo điền tự sự Tổ sư Ân Quang tháp bi ký, No 2147 dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686)[6] thì bà là đệ tử của Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644) và được ban hiệu Pháp Tính. Còn ngài Trịnh Thập là đệ tử của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726), pháp tôn của thiền sư Minh Lương Mãn Giác (?-1675), pháp tằng tôn của thiền sư Chuyết Chuyết Viên Văn[7]. Như vậy về đạo mạch thì hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc sớm hơn ngài Trịnh Thập 2 đời.

Về xuất thân, bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc và thế tử Trịnh Thập đều có những đặc điểm chung là vừa thuộc về vương thất của họ Trịnh nắm đại quyền ở Đàng Ngoài, vừa kết hôn với bên hoàng thất của vua Lê là chí tôn của toàn cõi Đại Việt, có thể nói cả 2 đều có xuất thân cùng cực cao quý trong xã hội bấy giờ, nhưng điều đáng nói hơn là cả 2 vị đều thể hiện được nét đẹp của tinh thần xả ly, thâm tín Tam bảo. Tương quan giữa bối cảnh xã hội, kinh tế, quân sự đương thời thì cả 2 đều sinh trưởng trong giai đoạn kinh tế xã hội phát triển. Như lịch sử thăng trầm của một trung tâm thương mại nổi tiếng khi đó thường gắn với câu ca dao “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” được các nhà nghiên cứu nhận xét “thời kỳ phồn thịnh nhất của Phố Hiến là vào khoảng giữa thế kỷ XVIII (1730-1780)”[8] tức là khoảng 30 năm cuối đời của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc nằm trong giai đoạn này. Tất nhiên sự hưng thịnh này còn kéo dài sau đó mới suy sụp hẳn sau khoảng 200 năm, “dựa theo các văn bia ở chùa Hiến (1709) và chùa Chuông (1711), Phố Hiến thời đó có khoảng 20 phường  Qua các bi ký, có thể đọc được 13 phố và 32 tên cửa hiệu buôn bán như các Tân Thị, Tân Khai, Tiên Miếu, Hậu Trường…”[9] chúng ta chú ý cả 2 văn bia trên có năm tạo tác đều nằm trong thời kỳ của ngài Trịnh Thập (1696-1732). Trong một diễn biến khác thì thời kỳ Lê Hy Tông làm vua (1675-1705) được đánh giá là thịnh trị nhất thời Lê trung hưng, sử gia gọi là Chính Hòa chi trị (正和之治)[10].

Về các cuộc chiến tranh Trịnh, Nguyễn được sử sách ghi nhận chủ yếu 2 giai đoạn 1627-1672 và 1774-1777, họ Trịnh cũng diệt tàn dư nhà Mạc ở Cao Bằng (1677), dứt họ Vũ ở Tuyên Quang (1699)[11]. Như vậy ngài Trịnh Thập có thuận duyên hơn  Trịnh Thị Ngọc Trúc ở chỗ sống ở thời kỳ gần như không có chiến tranh và ổn định.

Cả hai vị trên đều gặp được các bậc thầy như Chuyết Chuyết, Chân Nguyên nhưng Ngọc Trúc thì là thời kỳ đầu còn cần phải xây dựng vun bồi, thời kỳ của ngài Trịnh Thập thì tình hình tôn giáo đã có nền móng từ đời trước, trong gia tộc Trịnh hay hoàng thất Lê thì nhân duyên với Phật giáo cũng được cố kết từ các thế hệ trước. Thậm chí có một gián đoạn nhỏ thời kỳ gọi là pháp nạn đời Lê Hy Tông cụ thể là niên hiệu Vĩnh Trị 1678 mà chúng tôi sẽ nói kỹ ở phần dưới thì ngài Trịnh Thập cũng sinh sau thời kỳ này, khi ổn định lại rồi ngài mới sinh, thật là phúc duyên rất may mắn! Có lẽ cũng từ những thuận duyên này cùng với công đức tiền nhân mà cùng phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài nhưng mà phải đến thời ngài Như Trừng Lân Giác Trịnh Thập thì mới khai chi tán diệp mạnh mẽ! bởi vì kinh tế, chính trị, xã hội cũng tạo điều kiện để phát triển cho tôn giáo ở bề rộng.

1.2. Hoàng đế Lê Dụ Tông (1679-1731)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai Doi Dieu Tan Man Ve Nhu Trung Lan Giac 1

Lê Dụ Tông (1679 –1731) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Lê trung hưng và thứ 22 của triều Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên húy là Lê Duy Đường là con trai trưởng của vua Lê Hy Tông[16]. Đây là nhân vật cùng thời với ngài Trịnh Thập, vua hơn Trịnh Thập 17 tuổi và mất trước ngài khoảng 1 năm. Khi chưa xuất gia thì Trịnh Thập cũng là em rể của vua Dụ Tông, cũng theo cuốn “Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng đất Hà Thành” năm 1726 thời vua này trị vì thì chùa được xây dựng. Vua cũng rất nổi tiếng với niên hiệu Bảo Thái mà chúng ta nếu ai đã từng đọc qua truyện dân gian về nhân vật Trạng Quỳnh sẽ nghe qua.

Vua Lê Dụ Tông là vị hoàng đế hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam có thi hài được khai quật và nghiên cứu. GS.BS. Đỗ Xuân Hợp là người trực tiếp tham gia khai quật và nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông cho biết “Một phát hiện nữa làm mọi người tin chắc đã tìm đúng đức vua là thi hài khoảng 50 tuổi, trạc tuổi vua Lê Dụ Tông lúc băng hà. Đặc biệt, tóc vua râm bạc, cắt ngắn theo kiểu nhà tu và đội chiếc mũ ni. Tấm gấm phủ mặt nhà vua cũng có bốn chữ vạn của nhà Phật ở các góc. Những chi tiết này góp phần quan trọng xóa tan các nghi ngờ về mộ giả, xác giả. Sử cũ ghi chép rõ cuối đời vua Lê Dụ Tông đã tu hành ở cung Kiền Thọ rồi mới băng hà. Cho nên việc an táng nhà vua lúc đó đủ cả nghi thức hoàng gia lẫn nhà tu”[17].

Như vậy qua tư liệu khảo cổ cho chúng ta thấy ngay cả thái thượng hoàng bấy giờ cũng tu hành theo Phật giáo, cũng xuống tóc ngay tại cung điện chứ không cần vào chùa. Thời điểm vua Dụ Tông thiện nhượng và lui về cung tu dưỡng là năm 1729-1731[18] tức là khoảng 14 -16 năm sau khi ngài Trịnh Thập xin xuất gia vào năm 30 tuổi (1715), khoảng 3-5 năm sau khi chùa Liên Phái (1726) được xây dựng. Việc cạo tóc tu trì trong cung của Dụ Tông cũng có các nguyên nhân chủ quan, khách quan, về chủ quan cảm được sự vô thường của thế cuộc ngôi vị, về khách quan thì cho thấy thời đại của Lê Dụ Tông và Như Trừng thì việc xuất gia tu trì của hoàng thất, vương thất không hiếm. Và có lẽ sau khi gián đoạn bởi thời của vua cha Hy Tông gây pháp nạn thì Phật giáo phục hồi đến đỉnh điểm là một phò mã, thế tử đi tu, cải gia vi tự khiến cho các nhân vật hoàng thất thậm chí thái thượng hoàng thấy đó cũng noi theo ?

1.3. Án Đô Vương Trịnh Bồng (1740-1791)

Trịnh Bồng là vị chúa Trịnh thứ 11 thời Lê trung hưng và cũng là vị chúa cuối cùng. Bồng là con của Uy Nam vương Trịnh Giang (1711-1762) cũng tức là cháu nội của Hy Tổ Nhân vương Trinh Cương (1686-1729) anh trai của Trịnh Thập. Vậy Trịnh Bồng gọi Trịnh Thập là thúc công (ông chú, ông trẻ), chúa sinh khoảng 8 năm sau khi Trịnh Thập viên tịch, kém sư khoảng 44 tuổi.

Trịnh Bồng được sách Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả là người đôn hậu, thật thà, không có hùng tâm làm chúa. Khi bị mất ngôi, cơ nghiệp của cha ông không thể cứu vãn, ông trốn đời bỏ đi tu hành rồi trốn đời đi biệt tích, tuyệt nhiên không nghĩ tới chuyện cầu viện nước ngoài. Sách Hoàng Lê nhất thống chí  (hồi thứ mười) chép về đoạn chót cuộc đời chúa như sau: “Chúa nghĩ, trong cõi phù sinh, sự giàu sang bất quá cũng như chuyện trong giấc mộng, bởi thế xưa mới có người thề rằng, xin chớ đầu thai vào nhà Đế Vương. Chỉ còn có đức Phật lượng cả, thương hết mọi chúng sinh bị chìm đắm nơi bể khổ. Người quả đúng là bậc thông tuệ, tâm như gương sáng đời đời...Nghĩ là làm, Trịnh Bồng gạt bỏ hết ưu tư và nghiệp chướng, xưng là Hải Đạt Thiền sư, chu du khắp mạn Cao Bằng và Lạng Sơn. Tại Lạng Sơn, có người học trò xứ Kinh Bắc(2) tên là Vũ Kiền chạy loạn đến. Một hôm, anh ta gặp Hải Đạt Thiền sư ở chùa Tam Giáo và cùng đàm luận về kinh sách nhà Phật. Vũ Kiền biết Hải Đạt Thiền sư chính là chúa, bèn mật báo với bọn phiên thần ở đó là Hà Quốc Ký và Nguyễn Khắc Trần. Hai người vờ nói là nhà có lập trai đàn, vậy xin đón Hải Đạt Thiền sư về.”

Sự nghiệp làm chúa của Trịnh Bồng ngắn ngủi, không được sử sách ghi chép nhiều, về đạo nghiệp tu hành cũng không nổi tiếng như các vị tiền nhân như Trịnh Thị Ngọc Trúc, Trịnh Thập. Nhưng Trịnh Bồng như nét vẽ hoàn thiện nốt bức tranh thịnh suy, vô thường của chính trị, tôn giáo nước Việt bấy giờ, cũng như của thế tộc Trịnh.

Qua nhân vật này càng làm nổi bật lên nhân vật Trịnh Thập mà chúng ta đang tìm hiểu, ngoài những nhân duyên sâu dày, tư chất thông minh thuộc về nội tại của nhân vật thì các yếu tố ngoại tại như bối cảnh gia tộc, đất nước cũng hỗ trợ không ít cho công cuộc phát triển đạo nghiệp. Trịnh Thập là nhân vật hội đủ nhiều duyên lành như vậy, sinh ra trong thời kỳ kinh tế phát triển, chính trị khá ổn định, ít ảnh hưởng bởi chiến tranh, Phật giáo thì được các thế hệ trước tô bồi…Là người ưu tú ở giai đoạn đỉnh cao của xã hội thì tất yếu dấu ấn để lại rất lớn.

2. Tín ngưỡng, tôn giáo và sơn môn pháp phái

Trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội thì đời sống nhân dân được cải thiện khiến tình hình tôn giáo, tín ngưỡng cũng cải thiện theo trong đó có đạo Phật và cả các tín ngưỡng, tôn giáo ngoài đạo Phật.

Vài sự kiện đáng lưu ý mà chúng tôi ghi nhận đó là năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương bắt những người theo đạo Công giáo phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ “học Hoa Lan đạo”. Tại sao gọi đạo Công giáo là đạo Hoa Lan? Hoa Lan là tên quốc gia Hòa Lan/ Hà Lan (Hollande/ Netherlands) được phiên sang âm Hán Việt. Người Hòa Lan sang buôn bán ở Đàng Ngoài trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Hơn nữa, lúc bấy giờ người dân nước ta không phân biệt được các nước phương Tây, hễ thấy người phương Tây đều gọi là người Hòa Lan. Nước ta trước khi có các giáo sĩ sang truyền đạo Da tô thì “tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tà đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy”[19].

Ngay trong lòng xã hội Đàng Ngoài bấy giờ cũng ảnh hưởng bởi một giáo phái có tên Nội Đạo Tràng. Tư liệu liên quan đến Nội Đạo Tràng được biên soạn vào loại sớm nhất là cuốn: Đại Nam Lê triều Thanh Hóa Nội Đạo Tràng tam thánh bảo lục được soạn năm 1660, trùng san năm 1807, không rõ tác giả (?). Hiện có hai bản chép tay mang ký hiệu A1316, dày 284 trang và A926, dày 404 trang lưu tại thư viện Viện Hán Nôm ở Hà Nội. Cũng ở thư viện này còn cuốn Nội Đạo Tràng liệt thánh bảo lục do Nguyễn Tảo, tự Pháp Ngôn, hiệu Văn Trai biên soạn, in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) mang ký hiệu A2975, dày 70 trang. Bên cạnh các tư liệu trên, liên quan hoặc ghi lại hiện tượng có liên quan đến Nội Đạo Tràng còn có trong: Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4 của Nguyễn Đổng Chi (có dẫn lại tư liệu về Sòng Sơn đại chiến sử của Lăng Tuyết) và tư liệu Sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam, thông báo của trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO), số 34 - 1943. Bài thuyết trình ngày 5-1-1940 của GS.Nguyễn Văn Huyên in trong bộ sách Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam[20].  Ngoài ra, còn một số bài viết hoặc đoạn tư liệu rải rác in trên báo chí có liên quan hoặc nhắc tới Nội Đạo Tràng.[21] Phái này mang nặng tính phù thủy, pha trộn nhiều yếu tố đạo giáo, phát triển chủ yếu vùng Thang Mộc (Thanh – Nghệ) có ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền.

Về phía Phật giáo thì có sự kiện niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi.[22] Sau được hóa giải bởi thiền sư Chân Dung Tông Diễn (1640-1711) là tổ đệ nhị của phái nam truyền Tào Động Đàng Ngoài.

Qua vài điểm nêu trên, tôi thấy rằng, tình hình tôn giáo, tín ngưỡng thời bấy giờ khá phức tạp, bên ngoài thì do quan hệ giao lưu thương mại cũng như chính sách đẩy mạnh truyền giáo của phương Tây mà Thiên Chúa giáo đã thâm nhập xã hội Đại Việt, bên trong thì các tín ngưỡng nội sinh tự xưng Nội Đạo cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Nên việc hoằng dương Tịnh độ của ngài Trịnh Thập thậm chí lấy tên chùa là Liên Tông dường như đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển Phật giáo trong bối cảnh đó, vì Tịnh Độ thích hợp với nhiều dạng căn cơ và nếu không có pháp môn dễ thực hành và phổ biến như vậy thì khó đi vào quần chúng và xã hội sẽ bị các tôn giáo, tín ngưỡng khác dẫn dắt. Đọc Di Đà cảnh giới hạnh của thiền sư Chân Nguyên cũng là tổ của phái Lâm Tế và phong trào chấn hưng Trúc Lâm thời Lê trung hưng, bài văn ngắn ở cuối sách ghi: “Tăng thống Chính Giác Hòa thượng là Tỷ khiêu Chân Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử năm 80 tuổi chuyên pháp môn Tịnh độ…”[23]. Như vậy cuối đời ngài mới chuyên tu Tịnh độ cũng tức trước thời của ngài Như Trừng Trịnh Thập thì Phật giáo mà cụ thể phái Lâm Tế chủ yếu thiên về thiền và đến ngài thì mới tiếp nối phát dương quang đại Tịnh độ như một tất yếu và nhu cầu của xã hội bấy giờ. Sự xuất hiện của vị phò mã, thế tử trong hàng ngũ tăng sĩ cũng góp phần tăng độ tin tưởng của tôn giáo này trong mắt của triều đình và dân chúng ở bối cảnh nhiều đạo, nhiều tín ngưỡng cùng cạnh tranh như vậy.

Lại nhắc đến pháp nạn đời Lê Hy Tông (1678) mà không ít lần tôi đã đề cập thì nó xuất hiện khoảng 18 năm trước khi ngài Trịnh Thập ra đời, đáng chú ý là bấy giờ Phật giáo Đàng Ngoài chủ yếu ghi nhận hai phái là Lâm Tế và Tào Động.

Phái Lâm Tế nhánh trực hệ của Trịnh Thập sau này truyền ít nhất được 3 đời gồm có Chuyết Chuyết Viên Văn (1590-1644) > Minh Lương (?-?) > Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726). Phái Tào Động truyền được khoảng 2 đời với Thủy Nguyệt Thông Giác (1637-1704) > Chân Dung Tông Diễn (1640-1711). Như vậy tuy Lâm Tế có truyền thừa thâm hậu hơn, có bảo trợ chính trị từ hoàng thất, vương thất từ rất sớm nhưng người hóa giải được nạn và trùng trấn Phật giáo bấy giờ lại là phái Tào Động còn mới mẻ hơn, chẳng ai có thể so bề tài trí và nhân duyên của các đại sư các pháp phái với nhau nhưng rõ ràng về mặt bề nổi của xã hội thế tục thì khía cạnh nào đó Tào Động có ưu thế hơn.

Vậy thì sự xuất hiện của Trịnh Thập trong truyền thừa Lâm Tế sau này có ý nghĩa gì với bản phái hay không? Sự xuất hiện của nhiều ông hoàng bà chúa trong phái Lâm Tế này như minh xác thêm một câu ngạn ngữ “ Lâm Tế tướng quân, Tào Động sĩ dân” có vẻ như đúng ở cả xã hội Nhật Bản lần Việt Nam bấy giờ. Ở khía cạnh khác thì sự xuất hiện của Như Trừng cũng làm tăng uy danh cho Lâm Tế sau một thời kỳ có chìm lắng hơn.

3. Tạm kết

Thế tử Trịnh Thập hay Như Trừng đại sư tuy xuất gia và trụ thế không lâu nhưng để lại di sản to lớn và là hình ảnh đặc biệt trong mắt hậu thế. Cuộc đời của ngài là một phần của giai đoạn lịch sử đỉnh thịnh nhất về kinh tế, chính trị, xã hội thời Lê trung hưng, là giai đoạn cực thịnh của tập đoàn họ Trịnh khi mà cả chính trị, quân sự hay tôn giáo cũng đều góp mặt của những thành viên gia tộc này trong đó có ngài. Về mặt pháp phái thì cảm quan cá nhân tôi thấy ngài như viên minh châu chói sáng trên dòng truyền thừa vinh quang của tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài. Cuộc đời không dài nhưng nhiều công hạnh của ngài còn phảng phất bóng dáng của Pháp Loa tôn giả đâu đây, tất cả như tô đẹp thêm những trang sử của Phật giáo Việt Nam.

Diệu Hỷ DavisLe

***

Chú thích [1] TT. Thích Gia Quang, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái Danh Lam Nổi Tiếng Hà Thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.5. [2] TT. Thích Gia Quang, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, Chùa Liên Phái Danh Lam Nổi Tiếng Hà Thành, Sđd, tr.39. [3] Xin xem Đại Việt sử ký toàn thư [4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_Th%E1%BB%8B_Ng%E1%BB%8Dc_Tr%C3%BAc [5] Chúa Trịnh Wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%BAa_Tr%E1%BB%8Bnh#:~:text=C%C3%A1c%20ch%C3%BAa%20Tr%E1%BB%8Bnh%20t%E1%BB%AB%20Tr%E1%BB%8Bnh,ngh%C4%A9a%20cho%20vua%20nh%C3%A0%20L%C3%AA. [6] Hành trình truyền bá tông Lâm Tế ra Đàng Ngoài, tác giả Nguyễn Đại Đồng. [7] Tổng hợp từ Thiền Sư Việt Nam, HT Thích Thanh Từ biên soạn. [8] Phố Hiến tỉnh Hưng Yên trong lịch sử, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên, 15/3/2019. [9] Phố Hiến tỉnh Hưng Yên trong lịch sử, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên, 15/3/2019. [10] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, Nxb.Thanh Niên, Hà Nội, tr.206. [11] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh%E2%80%93Nguy%E1%BB%85n_ph%C3%A2n_tranh [12] Ảnh của hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di Sản Văn Hóa. [13] Ảnh của Minh Tuệ, Đặc sắc kiến trúc cổ chùa Liên Phái và những chuyện đặc biệt, Phatgiao.org.vn. [14] Ảnh tư liệu, Bí ẩn những xác ướp Việt - Kỳ 3, tác giả Quốc Việt, báo Tuổi Trẻ 4/3/2010. [15] Chân dung trong Trịnh gia thế phả. [16] Lê Dụ Tông, từ điển wikipedia [17] Bí ẩn những xác ướp Việt - Kỳ 3, tác giả Quốc Việt, báo Tuổi Trẻ 4/3/2010. [18] Lê Dụ Tông, từ điển wikipedia [19]Xuất xứ và ý nghĩa của hai từ “lương dân” – “giáo dân”, tác giả Nguyễn Văn Nghệ, Nghiencuuquocte.org. [20] Nguyễn Văn Huyên (1995), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr481 - 484. [21] TS. Bùi Quang Thanh, Bước đầu khảo sát Nội Đạo Tràng vùng Quảng Xương Thanh Hóa, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo. [22] Thiền sư Tông Diễn và câu chuyện cảm hóa vua, nguồn Thiền viện Thường Chiếu. [23] Giới thiệu Di Đà Cảnh giới hạnh của thiền sư Chân Nguyên, Thích Đồng Dưỡng, nguyệt san Giác ngộ 4/2019.

Tài liệu tham khảo: 1. TT. Thích Gia Quang, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái Danh Lam Nổi Tiếng Hà Thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2. Trịnh gia chính phả, Nxb. Nhật Nam, 1933. 3. Samuel Baron, Mô tả vương quốc Đàng Ngoài. 4. Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, 5. Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin, 2004. 6. Ngô gia văn phái, (Ngô Tất Tố dịch), Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn học. 7. Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án (20120, Tang thương ngẫu lục,Nxb. Hồng Bàng 8. Thiền sư Chân Nguyên. Di Đà Cảnh giới hạnh. 9. Tào Động nam truyền tổ sư ngữ lục. 10. Nguyễn Bích Thục- Lê văn Dương, "Nội đạo tràng An Đông một dòng đạo bản địa", Di Sản văn hóa, số 86.