Tác giả: An Tường Nhân Học viên Thạc sĩ K.II - Học viện PGVN tại Huế
I. Tổng quan
1. Giới thiệu tác giả
Tỳ kheo Thích Tâm Thiện, hiệu Khải Thiên, sinh năm 1970 tại Việt Nam. Từ những năm đầu đời, Thầy đã được tiếp xúc với giáo lý nhiệm màu và xuất gia năm 1976 khi mới 6 tuổi. Mười bốn năm sau Thầy thọ đại giới (năm 1990), theo học và tốt nghiệp tiến sĩ Triết học năm 2008, tại Đại học University of the West, California, Hoa Kỳ.
Sau khi định cư tại đây, Thầy càng nỗ lực tham gia hoằng pháp và trở thành viện chủ hai tu viện lớn là Tu viện Cát Trắng (White Sands Buddhist Center) tại 4640 Knost Dr, Mims, FL 32754 tiểu bang Florida năm 2005 (Tel: 321-383-0723 và chủ trang www.tvct.org) và Tu viện Thượng Hạnh (Thuong Hanh Buddhist Monastery) tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.
Thầy là vị tu sĩ nhiệt tình trong công tác hoằng hóa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong sáng tác, in ấn kinh sách và thuyết pháp độ sinh. Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh Thầy vừa là tác giả, dịch giả nhiều tác phẩm Phật học giá trị làm sách gối đầu cho tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.
Một số tác phẩm của Thầy đã được ấn hành như:
1. Nghệ thuật truyền giáo (1994).
2. Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo (1995).
3. Tư tưởng mỹ học Phật giáo (1996).
4. Lý thuyết khoa giáo về con người qua tư tưởng Gandavyùha (Luận văn tốt nghiệp giảng sư Phật học - 1996).
5. Tâm lý học Phật giáo (1998).
6. Hài nhi tóc bạc (1998).
7. Lịch sử tư tưởng & triết học tánh không (1999).
8. Vấn đề cơ bản của triết học Phật giáo (2000).
9. Tìm hiểu ngôn ngữ kinh tạng Phật giáo (2000).
10. Kinh trái tim tuệ giác vô thượng (2007).
11. Cẩm nang của người phật tử - tập 1,2,3 (2008)…
*Sách đã xuất bản tại Hoa Kỳ:
1. 2007 The Buddhist Principle of Rebirth (Doctoral Dissertation), University of the West, Rosemead, California.
2. 2007 Foundation of Spiritual Journey, White Sands Buddhist Publications, Mims, printed in U.S.A
3. 2008 Heart Sutra, 3rd Edition, White Sands Buddhist Publications, Mims, printed in U.S.A
4. 2009 Buddhism 101- Questions and Answers, White Sands Buddhist Publications, Mims, printed in U.S.A
5. 2010 Words from the Heart of Wisdom, White Sands Buddhist Publications, Mims, printed in U.S.A
6. 2011 The Core of Happiness, White Sands Buddhist Publications, Mims, printed in U.S.A
* Các sách và pháp thoại khác rất nổi tiếng của Thầy trên internet:
Sách dạng pdf: Tôn giáo và giá trị thực tại, Giáo lý nghiệp, Luân hồi, Nhân quả, Duyên khởi và tánh không đựợc đồ giải qua phương trình E=MC2 của nhà bác học Albert Enstein, Bốn đại, sáu đại, mười hai xứ, và mười tám giới, Truyền thuyết về cuộc đời của luận sư Vô Trước, Giới thiệu học thuyết phân kỳ và hệ thống phán giáo, Cơ sở triết lý cùa Tam luận tông, Đại cương về Thắng pháp tập yếu luận, Trái tim tuệ giác vô thượng, Tia nắng đầu tiên trong lịch sử triết học và tôn giáo…
Pháp thoại MP3: An lạc hạnh, Ánh sáng nội tâm, Bát chính đạo, Bát nhã tâm kinh, Bốn phạm trù - Từ bi hỷ xả, Cận tử nghiệp, Chuyển biến qua thức và nghiệp, Con người là gì, Công đức niệm Phật, Cốt tủy của sự bình an, Hành trình tâm linh, Hạt nhân của hạnh phúc, Hiện pháp lạc trú, Luân hồi và tái sinh, Lễ thù ân, Lễ trưởng tịnh, Lợi ích của tu Thiền, Nghiệp quả, Ngũ uẩn, Nguyên tắc của người Phật tử, Như thảo phú địa, Niệm, Pháp môn tu tập căn bản, Quá giang hạnh phúc, Quán niệm, Sám hối, Tam độc, Tam kinh nhật tụng, Tâm bồ đề, Tam giới duy tâm, Tìm lại sự bình an, Tham sân si, Thập loại chúng sinh, Thập nhị nhân duyên, Thí thực và pháp thí, Thiền, Thiền nguyện, Tri ân và báo ân, Trí tuệ bát nhã, Triết lý sống, Tứ diệu đế, Tứ thánh đế, Vu lan báo hiếu, Ý nghĩa hạnh phúc, Ý nghĩa hạnh của Địa Tạng Bồ Tát, Yếu tính của hạnh phúc…
Pháp thoại trên nền tảng YouTube: Cận tử nghiệp, Hạt nhân của hạnh phúc, Sám hối, Ánh sáng nội tâm, Tỉnh thức, Thập loại chúng sinh, Thí thực và pháp thí, Tam giới duy tâm, Chuyển biến của thức và nghiệp, Lục độ, Bát chính đạo, Giáo lý năm uẩn, Tứ thánh đế, Đức Phật đản sinh với bốn sứ mạng cao cả, Quán chiếu chân lý thực tại…
Và rất nhiều bài viết về các giáo lý cơ bản và quan trọng của Phật giáo cũng như những vấn đề Phật giáo hiện đại, đăng trên các báo đài, tạp chí Việt Nam và thế giới.
2. Giới thiệu tác phẩm
Tác phẩm Tâm lý học phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện do Ban Văn hóa T.Ư-GHPGVN thực hiện và giới thiệu, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 1998. In đợt I : 3000 cuốn, khổ 12 x 19cm tại Công ty In Trần Phú, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. In xong nộp lưu chuyển tháng 10 – 1998. Với giá in trên bìa sách là 18.000 đồng.
Trong tác phẩm xuất sắc này, thầy Thích Tâm Thiện là một nhà tu hành trí tuệ và tinh tấn, là học giả Phật giáo đầy kinh nghiệm, đã trích dẫn từ các kinh điển và các tác phẩm có giá trị trước đó đồng thời đưa ra các kiến giải của tự thân giúp người đọc hiểu được nội dung và mục đích mà tác giả muốn trình bày. Những nội dung, tài liệu được nhắc đến và trích dẫn trong tác phẩm góp phần chứng tỏ rõ ràng rằng mục đích tối hậu của Phật giáo là để phục vụ và làm lợi ích cho nhân loại. Bởi vì nội dung trình bày về tâm lý mà đặt biệt là tâm lý con người theo quan điểm Phật giáo, nó không phải là để cải đạo người khác theo đạo Phật, nhưng là làm thế nào để phật tử chúng ta có thể đóng góp cho xã hội loài người bằng những tư tưởng Phật giáo và hành động đẹp của chính chúng ta. Người viết tin chắc rằng những độc giả quan tâm đến việc kiến tạo một thế giới hạnh phúc hơn, an bình hơn cũng sẽ nhận thấy sự hấp dẫn và giá trị đích thực của cuốn sách này.
II. Nội dung tóm tắt tác phẩm
1. Tổng quan tác phẩm:
Sách gồm năm phần mỗi phần chia làm hai chương không tính phần kết luận với 273 trang chưa tính trang bìa. Đầu sách là lời giới thiệu sách chân thành và giá trị của Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư - Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếp theo là nội dung chi tiết và cụ thể như sau:
Phần I: Giới thiệu tổng quát
Chương một, dẫn nhập gồm hai mục là nhan đề và giới thiệu đề tài và phạm vi đề tài.
Chương hai, sơ lược lịch sử Tâm lý học gồm bốn nội dung là: Sự hình thành và phát triển của tâm lý học; Các vấn đề của tâm lý học (đối tượng, phương pháp); Các lý thuyết tiêu biểu về tâm lý học hiện đại.
Phần II: Tâm lý học Phật giáo
Chương một, vài nét về lịch sử tâm lý học Phật giáo gồm các phần: Sự hình thành và phát triển tâm lý học Phật giáo; Các hệ thống tiêu biểu về tâm lý học Phật giáo
Chương hai, đại cương tâm lý học Phật giáo có hai phần là giới thiệu ba mươi bài Duy thức học của Vasubandhu và nội dung của ba mươi bài tụng.
Phần III: Giảng luận tâm lý học Phật giáo qua ba mươi bài tụng Duy thức
Chương một, nội dung của tâm lý học Phật giáo qua ba mươi bài Duy thức của Vasubandhu chứa định nghĩa về Duy thức và hệ thống tám thức: Tàng thức, Mạt-na thức, Ý thức, năm thức giác quan.
Chương hai, con người và thế giới quan triết học Duy thức gồm bốn nội dung chính: Tàng thức và gène di truyền; Vấn đề nhận thức; Thực tại hiện hữu và thực tại ảo; Năm cấp độ thể nhập thực tại vô ngã.
Phần IV: Duy thức học và hệ thống tâm lý học Phật giáo
Chương một, vấn đề tâm lý giáo dục gồm ba mục: Tổng quan; Định hướng và mục tiêu của tâm lý giáo dục Phật giáo; Cơ sở và đối tượng của tâm lý giáo dục Phật giáo.
Chương hai, Tâm lý giáo dục Phật giáo được trình bày chi tiết qua sáu nội dung sau: Sự vận hành của ý thức; Các hình thức của ý thức; Các hình thái hoạt động của ý thức; Mối liên hệ giữa ý thức và thực tại; Bản chất và hiện tượng của ý thức; Con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo.
Phần V: Kết luận và phần cuối cùng là phần chú thích cùng thư mục tham khảo.
2. Tóm tắt từng phần chương
Phần I: Giới thiệu tổng quát
Chương 1: Dẫn nhập nhiều lĩnh vực liên quan đến đề tài; tuy nhiên, ở đây tác phẩm được tập trung vào các chủ đề chính như sau: Sự hình thành tâm lý học Phật giáo, đại cương tâm lý học Phật giáo và nội dung tâm lý học Phật giáo qua Duy thức tam thập tụng. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày khái lược về lịch sử tâm lý học phương Tây và các vấn đề tâm lý học ở phần đầu của tác phẩm, nhằm giúp độc giả so sánh đối chiếu giữa tâm lý học phương Tây và Phật giáo. Đồng thời, ở phần kết tác giả thông qua hệ thống tâm lý giáo dục Phật giáo, đề bạt và giới thiệu những phương pháp thực tiễn có thể giúp giải quyết các khủng hoảng tâm lý của con người hiện tại và tái lập đời sống hạnh phúc thật sự như đã được giới thiệu rõ trong các hệ thống triết học Phật giáo, nổi bật nhất ở đây là các thể tài thuộc triết học Duy thức.
Chương 2: Sơ lược lịch sử tâm lý học
Trình bày về sự hình thành và phát triển của tâm lý học từ thời cổ đại cho đến ngày nay, các vấn đề của tâm lý học như đối tượng nghiên cứu tâm lý học là khoa học nghiên cứu về các hiện tượng diễn biến của tâm lý, các qui luật và cấu trúc tâm lý. Phương pháp tâm lý học có các phương pháp chuyên môn để đoán định, phân tích, giải kiến các hiện tượng tâm lý một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở đây, liệt kê hai phương pháp chuyên môn như: Phương pháp nội quan (Méthode introspective), phương pháp ngoại quan (Méthode objective). Và các lý thuyết tiêu biểu về tâm lý học hiện đại như: Lý thuyết của George Herbert Mead (1863 - 1931), lý thuyết của Sigmund Freud (1856 - 1939), lý thuyết của Carl Gustav Jung (1875 - 1961), lý thuyết của Erich Fromm (1900 - 1980), lý thuyết của Abraham Harold Maslow (1908?).
Phần II: Tâm lý học Phật giáo
Chương 1: Vài nét về lịch sử tâm lý học Phật giáo
Trình bày sự hình thành và phát triển tâm lý học Phật giáo ngang qua các hệ thống tiêu biểu về tâm lý học Phật giáo. Qua phần giới thiệu cấu trúc của Câu-xá luận, một luận thư tiêu biểu của Nhất thiết hữu bộ, chúng ta thấy rằng giữa luận thư Câu-xá và Thắng pháp có những điểm giống nhau trong quan điểm về con người và thế giới. Sự giống nhau đó nằm ngay tại những phần quan trọng nhất của luận thư như: Tâm, tâm sở, sắc pháp, tâm thiện, tâm bất thiện, nhân quả lưu chuyển và hoàn diệt, và Niết bàn theo bốn quả vị Thanh văn. Còn sự khác biệt chỉ diễn ra ở cách trình bày là chính mà không phải ở nội dung.
Tuy nhiên, những gì được nói ra, được làm nên bởi luận thư đều hướng về một mục tiêu duy nhất, đó là đưa con người đi vào hiện quán - thiền định, để từ đó thoát ly mọi sầu, bi, khổ, ưu, não... Đây là con đường truyền thống, duy nhất của Phật giáo khả dĩ đưa con người giải thoát thật sự. Trong đó, lược khảo rất khái quát về hệ thống luận thư của Thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ thuộc Phật giáo Hinayana. Điều này được xem như là tiền đề để đi vào khảo sát và phân tích luận thư của Đại thừa (Mahayāna) theo con đường tìm hiểu tâm lý học Phật giáo.
Chương 2: Đại cương tâm lý học Phật giáo
Ở đây sẽ tập trung vào nghiên cứu ba mươi bài tụng Duy thức của luận sư Vasubandhu, và phần giải minh sẽ được y cứ trên cơ sở tư tưởng của Nhiếp đại thừa luận của luận sư Vô Trước, Thành duy thức luận và Bát thức qui củ tụng của ngài Huyền Trang và một số tư tưởng căn bản của Hoa Nghiêm theo sớ giải của ngài Pháp Tạng.
Phần III: Giảng luận tâm lý học Phật giáo qua ba mươi bài tụng Duy thức
Chương 1: Nội dung của tâm lý học Phật giáo qua ba mươi bài Duy thức của Vasubandhu trình bày cụ thể định nghĩa về Duy thức và hệ thống tám thức là Tàng thức, Mạt-na, Ý thức, năm thức giác quan. Từ đó càng làm sáng tỏ nội dung của Duy thức học nói chung và ba mươi bài tụng Duy thức nói riêng đều tập trung soi sáng hệ thống tám thức căn bản - tiến trình sinh khởi và hoàn diệt của các hiện tượng tâm lý. Hệ thống này như một tổng thể được phân chia thành tám loại quan năng. Ở đây, tất nhiên, không có sự tách biệt, riêng lẻ đối với tám thức căn bản này. Một thức có mặt là toàn bộ tổng thể của tâm thức có mặt.
Chương 2: Con người và thế giới quan triết học Duy thức
Nội dung trình bày về Tàng thức và gène di truyền, chứa các khái niệm quan trọng và cơ bản nhất trong dòng sinh diệt của tâm thức, con người và thế giới, đó là: chủng tử tập khí, nghiệp và phân biệt nhị nguyên như: Nhân và pháp, kiến và tướng, danh và sắc, tâm và tâm sở, bản thức và tình thức… Trước viễn cảnh của thực tại luận và giải thoát luận, trong tiến trình Duy thức bất kỳ hiện hữu nào cũng được nhận diện qua ba tự tính, đó là: Tự tính giả lập (Biến kế chấp), Tự tính tùy thuộc (Y tha khởi). Tự tính tuyệt đối (Viên thành thật).
Sau khi đề cập đến thực tại hiện hữu và thực tại ảo, tác giả phân tích năm cấp độ thể nhập thực tại vô ngã qua năm tụng ngôn cuối cùng trong ba mươi bài tụng Duy thức trình bày về năm cấp độ thăng chứng tuệ giác hay thể nhập thực tại vô ngã - Niết bàn tối thượng. Đây là con đường hiện quán (Thiền định), thực tiễn đi vào nguồn mạch của tuệ giác siêu việt - cái bản thể uyên nguyên từ nghìn xưa.
Phần IV: Duy thức học và hệ thống tâm lý học Phật giáo
Vì lẽ, con người và khát vọng của ý thức tự ngã là vô cùng tận. Sự khát vọng đó, qua lăng kính của Duy thức học và Phật học nói chung, không những chỉ đơn giản là dục vọng cá thể của mỗi con người như Dục hữu mà nó còn đi vào các cảnh giới khác như: Sắc hữu và Vô sắc hữu. Tuy nhiên, chỉ riêng đối diện với Dục hữu, tức thế giới của con người, các hệ thống tâm lý và tâm lý giáo dục cũng còn rất nhiều điểm giới hạn.
Do đó, không thể so sánh giữa sự non trẻ của hệ thống tâm lý phương Tây và sự thâm niên của tâm lý phương Đông, đặc biệt là tâm lý Phật giáo. Ngày nay, hầu hết các luận thư về triết học Duy thức của Phật giáo đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ phương Tây vì sự ảnh hưởng của nó đối với hệ thống tâm lý học phương Tây ngày càng sâu đậm. Tuy nhiên, điều mà tác giả muốn đề cập đến trong tác phẩm là sự giới hạn cơ bản của tâm lý học và tâm lý giáo dục phương Tây khi lấy ý thức tự ngã làm tâm cho mọi lý thuyết tâm lý và tâm lý giáo dục. Trong khi đó, đức Phật hơn 2600 năm về trước đã từng tuyên bố: "Tất cả pháp là Vô ngã" - nghĩa là tất cả hiện tượng sự vật từ tâm lý đến vật lý đều không có thực tính. Và như thế, sự xây dựng một ngã tính làm tâm phải chăng là một sai lầm lớn của hệ thống tâm lý giáo dục phương Tây?
Định hướng giáo dục Phật giáo là con đường đi ra khỏi khổ đau và mục tiêu hướng đến là Niết bàn. Ở đây, Niết bàn không có nghĩa là an nghỉ nghìn thu trong sự vĩnh tịch ở một trú xứ cô liêu vĩnh hằng xa xôi nào đó mà Niết bàn là sự đạt đến Tuệ giác bình đẳng vĩ đại cho dù ngay khi còn sống hay là chết. Hệ thống giáo dục Phật giáo là con đường hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc thật sự ngay tại con người này và cuộc đời này. Tất nhiên, con đường ấy bao gồm cả hai mặt tâm lý và vật lý, nhận thức và hành động, lý tưởng và thực tại... Điều này được đức Phật xác định rõ qua giáo lý Trung đạo.
Cơ sở và đối tượng của tâm lý giáo dục Phật giáo. Trong các hệ thống Phật học nói chung đều lấy con người làm tâm. Nhưng con người ấy được xem là con người - vô ngã, là đối tượng có thể uốn nắn, chuyển hóa và vươn đến đỉnh cao của chân, thiện, mỹ chứ không phải là con người xuất hiện như một thực thể độc lập. Tương tự như thế, ngành tâm lý giáo dục Phật giáo tập trung vào con người toàn diện tức con người với đầy đủ mọi đức tính, phẩm chất, tính hạnh, tâm thức, ý thức, tình cảm… Hay nói khác hơn đó là con người của năm uẩn. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, ngành tâm lý giáo dục Phật giáo tập chú vào hệ thống tám thức và xem đó như là cơ sở để khảo sát, nghiên cứu và ứng dụng tu tập (bao gồm cả dạy, học, và thực hành). Ở đây, đối tượng chính của sự có thể uốn nắn, giáo dục và có thể chủ đạo trong việc tạo ra một chuyển y trong toàn bộ cơ cấu của tâm thức là ý thức, tức thức thứ sáu trong hệ thống tám thức. Và do đó, ý thức là đối tượng chính của tâm lý giáo dục Phật giáo.
Chương 2: Tâm lý giáo dục Phật giáo xoay quanh việc nghiên cứu về ý thức như: Sự vận hành của ý thức, các hình thức của ý thức, các hình thái hoạt động của ý thức, mối liên hệ giữa ý thức và thực tại, bản chất và hiện tượng của ý thức, con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo. Trong đó, con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo xuyên suốt 25 thế kỷ qua kể từ thời đức Phật (563-483 B.C) cho đến nay bao giờ cũng được đặt trên nền tảng của Giới học, Định học và Tuệ học.
Phần V: Kết Luận
Qua phần trình bày về tâm lý học và tâm lý giáo dục Phật giáo trên cơ sở của hệ thống tám thức được thuyết minh bởi ba mươi bài tụng Duy thức của Vasubandhu, các phân tích về tâm thức của Bách pháp minh môn luận, (bởi Vasudbandhu) và Nhiếp luận của luận sư Vô Trước, cũng như một số tư tưởng trong kinh tạng và luận thư của Đại thừa, chúng ta có thể đi đến một số kết luận sau: Thứ nhất Duy thức học là tâm lý học Phật giáo. Thứ hai, giúp con người nhận thức rõ ràng các yếu tố của tâm thức như phiền não, căn bản của phiền não, tâm thiện, tâm bất thiện, tâm sở tác... Qua đó, mỗi người tự nhận thức rõ ràng cái căn để của khổ đau và hạnh phúc, của thực tại ảo và thực tại như thực... Và cũng từ đó, mỗi người tự kiến tạo cho mình một sinh mệnh (chính báo) và cuộc đời (y báo) an lạc, hạnh phúc thật sự. Thứ ba, điểm độc đáo nổi bật nhất của Duy thức học cũng như điểm khác biệt cơ bản giữa Duy thức học và các hệ thống tâm lý học Tây phương là Tàng thức. Sự mở đầu từ Tàng thức và sự kết thúc cũng là Tàng thức. Như vậy, Tàng thức chính là hai mặt của Niết bàn thực tại. Vì rằng, trong Tàng thức dung chứa cả các hạt nhân ô nhiễm và thanh tịnh, và mục tiêu của phương pháp tâm lý giáo dục Phật giáo là làm cho các hạt nhân ô nhiễm, bất thiện trong Tàng thức tan biến, diệt tận, trả lại bản tính thanh tịnh vô nhiễm cho Tàng thức, mà thuật ngữ gọi là Bạch tịnh thức hay Vô cấu thức. Đây là ý nghĩa “lìa sinh tử không có Niết bàn, muốn đến Niết bàn phải đi vào sinh tử; vì Niết bàn và sinh tử không hai, không khác”. Thứ tư, điểm cơ bản của sự giống nhau và khác nhau trong tâm lý học Phật giáo và tâm lý học hiện đại là ở chỗ: về mặt giống nhau, cả hai hệ thống tâm lý học đều tập trung nghiên cứu, khảo sát các vấn đề tâm lý, các hiện tượng và diễn tiến của tâm lý - nghĩa là cùng hướng về sự nhận thức của con người, tức là ý thức. Tuy nhiên, trong khi Phật giáo qua triết lý của mình đã soi sáng và đưa ra các cách giải quyết cho các thực trạng phù hợp cho mọi thời đại thì tâm lý học thế gian không làm được như vậy. Thứ năm, trình bày con đường tu tập của Duy thức: Mục đích của Duy thức được lập ra là để giúp con người tiến đến một sự chuyển y - một thay đổi trọn vẹn toàn bộ cơ cấu tâm thức của con người. Đó là cái cơ cấu được thiết lập bởi dục vọng, chấp thủ, tham ái, bởi các xung năng tình dục, hiện hữu và không hiện hữu… tiến đến, hạnh phúc toàn vẹn, an lạc tối thượng, hoàn thiện hành trình chuyển Thức thành Trí.
Phần cuối cùng là phần chú thích và thư mục tham khảo bằng các nội dung giải thích khoa học, có tính chất chuyên môn cao, các tác phẩm đưa ra tham chiếu là những tác phẩm từ nhiều loại ngôn ngữ khác nhau rất có giá trị trong trích dẫn.
III. Nhận định và đánh giá
1. Ưu điểm
Qua lăng kính Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Phật giáo đã đề cập đến khá rõ về các vấn đề tâm lý giáo dục như một ngành khoa học nhân văn và xã hội trong các kinh Nikāya và kinh tạng Đại thừa. Nhất là đối với các kinh như Kinh Lăng Già (Lankāvaātra), kinh Giải Thâm Mật (Sandhi-nirmona), kinh Bát Nhã (Prãjnaparamitā), kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandavyùha). Đặc biệt trong triết học Duy thức (Vinnānāvāda), ít nhất là từ hơn 15 thế kỷ qua, đã có các hệ thống tâm lý học đặc sắc như Thắng pháp luận (Abhidhammatthasangaha) của Thượng tọa bộ, A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (Abhidhamma-kosa-sastra) của Nhất thiết hữu bộ, và Duy thức của Đại thừa. Đây là ba bộ luận giải trình tâm lý học một cách độc lập, đặc thù của Phật giáo. Và tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của thầy Thích Tâm Thiện là tác phẩm cô đọng lại ba bộ luận trên.
Theo như phần giới thiệu đầu sách của Hòa thượng Trí Quảng, Ngài đánh giá: “Điểm đặc sắc của tác phẩm trước nhất là sự trình bày về quá trình hình thành tâm lý học Phật giáo như là một ngành học đặc thù trong hệ thống giáo lý của đức Phật, nó xuyên suốt từ thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Phát triển. Thứ hai, là sự nối kết các giáo thuyết về tâm lý học thông qua ba luận thư tiêu biểu của ba thời kỳ Phật giáo, đó là: Thắng pháp tập yếu luận, Câu-xá luận và Duy thức luận. Thứ ba, là sự đối chiếu, so sánh các đặc trưng của hệ thống tâm lý giáo dục phương Tây và Phật giáo. Và cuối cùng, là sự trình bày về con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo”. Đây chính là nội dung cơ bản cũng chính là những ưu điểm của tác phẩm được Hòa thượng nhận xét cụ thể và chính xác mà ai đọc tác phẩm rồi cũng phải công nhận.
Với tâm nguyện của tác giả Thích Tâm Thiện, nội dung và giá trị ý nghĩa tác phẩm Tâm lý học Phật giáo mang lại. Chúng ta không thể không nhận thấy các ưu điểm nổi bậc của tác phẩm qua việc tóm tắt kiến thức từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Nguyên thủy đến Phát triển trong hơn 200 trang giấy. Với khối kiến thức khổng lồ nhưng trình bày gọn gàng dễ nắm bắt được nội dung chính cần nắm. Ngoài ra còn ứng dụng kiến thức nền đó vào vận dụng tâm lý học hiện đại một cách xuyên suốt, phù hợp. Phần nội dung của tác phẩm đã cung cấp cho độc giả cái nhìn đại cương về tâm lý học Phật giáo, cũng như con đường thực tiễn thực tập để giải thoát mọi khổ đau, bất an trong tâm của con người theo lời dạy của Đức Thế Tôn và kinh nghiệm chăn tâm của chư Tổ.
Cụ thể, từ xưa đến nay, các tác phẩm trình bày về tâm lý Phật giáo rất nhiều, song phần lớn các tác phẩm này sử dụng ngôn ngữ cổ của Pāli, Sanskrit, Hán... nhiều thuật ngữ khó hiểu chưa dược diễn dịch theo ngôn ngữ hiện đại điều này làm cho người đọc khó hiểu, khó nắm được nội dung văn bản. Tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện là tác phẩm tiên phong trong việc sửa chữa khuyết điểm này bằng cách trình bày về Duy thức học theo ngôn ngữ hiện đại, với văn phong rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, tác giả còn dùng nhiều loại ngôn ngữ để giải thích một đối tượng giúp người đọc, người học có thể dễ dàng nắm bắt một các chính xác các vấn đề tâm lý theo quan điểm Phật học.
Các ví dụ được đề cập trong tác phẩm dù mẫu chuyện hay vấn đề thuộc lĩnh vực đạo hay đời, lý thuyết hay thực tiễn, dù kiến thức hay bài học trong đó là giản đơn hay cao siêu điều rất dễ hiểu, thiết thực và phù hợp. Ví dụ các trang 228, 229, 230 giải thích về trực giác (hiện lượng), suy luận (tỷ lượng), nhận thức sai lầm (phi lượng) các ví dụ đưa ra rất mới mẻ nhưng dễ hiểu và nắm bắt được khối kiến thức này ngay. Đồng thời ứng dụng vào tu học cũng phù hợp, dễ dàng… Có rất nhiều kiến thức qua đọc tác phẩm này người viết hiểu và nắm được ngay phần cốt lõi của vấn đề. Vấn đề được phơi bày ra một cách rõ ràng thế mà giờ người viết mới có cơ duyên mục thị tác phẩm này bởi đối với khối kiến thức người viết thâu nhận, góp nhặt được trong tám năm trên ghế lớp Gia giáo và lớp Trung cấp về Duy thức gần như trong đây trình bày rõ ràng cụ thể và xuyên suốt đến thế. Quả thật, tác giả Thích Tâm Thiện đã qua tác phẩm của mình truyền cảm hứng cho người đọc, người nghiên cứu về sau vì nó không những giúp hệ thống được kiến thức về tâm lý học mà còn kích thích, khơi gợi sự hiếu kỳ, thích tìm hiểu, thích chiếm lĩnh tri thức của người đọc… Đây là một quyển sách dành cho tất cả mọi người: những ai đã biết rất nhiều về đạo Phật, những ai biết một ít về đạo Phật, nhưng đặc biệt cho một số ít những ai có được cái diễm phúc là chưa biết chi về đạo Phật cả.
2. Nhược điểm
Song song cùng các ưu điểm ở trên, qua tìm đọc kỹ tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện, người viết nhận thấy một số lỗi nhỏ cơ bản, trên cơ sở lỗi có lẽ do công tác hoàn thiện văn bản. Còn những ai tò mò muốn tìm hiểu thì nên tìm đọc cuốn sách này, bởi nếu bạn gặp Phật trong những trang sách đầy kiến giải vô cùng thích thú của tác giả Thích Tâm Thiện, thì bạn cần phải chú ý lắng nghe những gì mà tác giả trình bày.
IV. Kết luận
Trước viễn cảnh của những khủng hoảng trầm trọng, nhất là khủng hoảng tâm lý của con người như là các hội chứng của stress thời đại, các giá trị trong sự sống của con người cần thiết được xét lại, và cần được soi sáng bởi những lời dạy của đức Phật. Thông qua các loại tâm được trình bày trong tác phẩm, con đường giáo dục tâm lý được thể hiện ở sự tập trung và chuyên chú Thiền định đi vào thanh lọc và làm cho tâm trở nên thanh tịnh, thoát ly mọi khổ đau của con người. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, tác giả Thích Tâm Thiện chỉ tập trung vào nội dung tâm lý học trên cơ sở của triết học Duy thức trong Đại thừa Phật giáo, đặc biệt là y cứ trên tư tưởng của luận sư Vô Trước và ngài Thế Thân. Đồng thời, thông qua tác phẩm Duy thức tam thập tụng của Vasubandhu, tác giả đã trình bày về hệ thống tâm lý học Phật giáo như đã được giới thiệu trong nội dung của tác phẩm này. Giáo dục, theo tinh thần Phật giáo nói chung và Duy thức học nói riêng, là con đường đánh thức ý thức tự giác của mỗi người và giúp cho ý thức tự giác đó vươn đến sự trực nhận và thể nghiệm chân lý bằng thể cách năng động và sáng tạo của chính nó trong một tổng thể hài hòa giữa con tim và trí tuệ.
Từ những dẫn dụ trên, chúng ta thấy rằng ít nhất ở một vài góc độ nào đó về ý thức tự giác, về tâm thức hay các tiềm lực tâm lý... nền giáo dục hiện đại đã bắt gặp tinh thần giáo dục của Phật giáo, một tinh thần tự chủ, tự giác, năng động, sáng tạo... trong giáo dục mà đức Phật đã truyền dạy cho các vị thánh đệ tử của Ngài cách đây hơn 26 thế kỷ. Có thể nói rằng tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện chính là hiện thân của phương tiện trong phương tiện. Nó chính là yếu tố góp phần “như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc” (Kinh Trung Bộ - Tập III - 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Cùlakammavibhanga sutta)); cũng vậy, tác phẩm đã được Thầy Thích Tâm Thiện dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích để hàng hậu học có đủ cơ duyên thâm nhập bộ môn tâm lý học một cách thiết thực và dễ dàng hơn.
Qua nhiều lần đọc tác phẩm, với 273 trang chia là năm phần và tổng quát có ba mươi bảy hạn mục chính cần đào sâu nghiên cứu, chúng ta nhận thấy rằng tác giả đã sử dụng rất nhiều phương pháp nghiên cứu một cách vừa khoa học vừa logic nên đã có hướng đi hợp lý nhằm khảo sát có hiệu quả khối kinh luận Phật giáo và tài liệu về tâm lý học hiện đại, ngoài việc giúp chính bản thân tác giả hệ thống được các vấn đề liên quan đến tâm lý học nó còn giúp người đọc có thể nắm được khối kiến thức này một cách tổng quát, đầy đủ mà không phải đi vào đọc toàn bộ hệ thống kinh luận Phật giáo liên quan và tài liệu về tâm lý học ở thế gian xưa nay.
Việc tìm hiểu, nhận định, đánh giá một tác phẩm của một cá nhân khác lẽ dĩ nhiên sẽ mang ý kiến chủ quan của bản thân. Và hiện tượng không bao giờ phản ánh được hết bản chất. Đó là sự thật. Việc review lại một bản sách có giá trị của một tác giả có tiếng như thầy Thích Tâm Thiện lại càng không hề dễ dàng. Nhưng việc gì cũng có cái giá của nó, qua quá trình đọc đi đọc lại tác phẩm, “vạch lá tìm sâu” tác phẩm này chúng ta dường như cơ bản nắm được các nội dung chính của tâm lý học của cả nội và ngoại điển. Đồng thời, tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm quý về việc nên trau dồi thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực và cách diễn đạt ngôn từ, cách trình bày văn bản của tác giả với văn phong gần gũi, hiện đại và dễ hiểu là bài học quý, là tấm gương sáng cho chúng ta học hỏi.
Chung quy lại, các hạn chế mà người viết nêu ra chỉ là hạt cát, hạt sạn nhỏ trong tác phẩm đặc sắc và vô cùng giá trị của thầy Thích Tâm Thiện. Hy vọng rằng trong nay mai Thầy sẽ cho ra đời thêm nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa. Cũng hy vọng rằng bạn đọc bốn phương có nhân duyên được tiếp xúc với tác phẩm đầy trí tuệ này, dù là người tại gia hay người xuất gia nếu đọc qua tác phẩm chắc chắn sẽ có thêm nhiều kiến thức căn bản về tâm lý học nói chung và tâm lý học Phật giáo nói riêng. Đồng thời sẽ nhìn ngắm được tâm hành chính mình ngang qua công năng và nghiệp dụng của tám thức tâm vương được trình bày qua những kiến thức và sự chiêm nghiệm của vị Thầy có sở tu và sở học đặc biệt này.
Tác giả: An Tường Nhân Học viên Thạc sĩ K.II - Học viện PGVN tại Huế
Bình luận (0)