Tác giả: Nguyễn Huy Du
Tóm tắt
Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy thông tin hỗn độn và biến động nhanh chóng, việc đọc sách không chỉ là một phương tiện tiếp nhận tri thức, mà còn là một hành vi nuôi dưỡng tâm thức.
Bài viết đề xuất cách tiếp cận việc đọc và chọn sách theo tinh thần phật học – với chính niệm, trí tuệ và từ bi – như một con đường giữ gìn thân – khẩu – ý trong sạch, giúp con người quay về với sự tĩnh lặng, tự hiểu và sống sâu sắc hơn giữa dòng đời xao động.
1. Đọc sách – hành động tâm linh
Phật giáo không khuyến khích việc tích lũy kiến thức thuần túy để phô trương tri thức, mà nhấn mạnh sự tu tập và chuyển hóa.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: “Người tuy học nhiều kinh điển, nhưng nếu không hành trì thì cũng như người đếm trân bảo cho người khác, không được phần nào cho chính mình”.
Theo quan điểm Phật học, đọc sách không phải để biết nhiều, mà là để quán chiếu nội tâm, để soi rọi vô minh, đoạn trừ tà kiến, nuôi dưỡng chính kiến – nền tảng đầu tiên trong Bát Chính Đạo.

2. Chọn sách – như chọn bạn đồng hành trên đạo lộ
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Nếu không tìm được bạn đồng hành tốt, thì thà đi một mình còn hơn.” Lời dạy ấy cũng đúng khi áp vào việc chọn sách.
Sách, tự thân không thiện cũng không ác mà chỉ là phương tiện. Có những cuốn sách như người bạn lành, đưa ta đến hiểu biết đúng đắn và tâm an lạc. Nhưng cũng có những cuốn sách gieo tà kiến, khơi dậy dục vọng, nuôi lớn bản ngã. Đọc những sách như thế, chẳng khác nào kết thân với “ngũ ấm ma” – khiến tâm càng thêm lạc lối.
Vì vậy, việc chọn sách nên dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi trong đạo Phật:
Chính kiến: Sách giúp thiết lập hoặc củng cố nhận thức đúng đắn về nhân quả, vô thường, vô ngã, từ bi.
Chính niệm: Sách không dẫn dắt tâm ý về sự phân tán, dính mắc hay vọng tưởng.
Chính tinh tấn: Sách có khả năng khơi nguồn cho tu tập, vượt qua khổ đau, hướng thiện.
3. Xã hội hiện đại – chúng sinh cần tu hành qua đọc sách
Ngày nay, mỗi ngày con người tiếp xúc với hàng ngàn mẫu thông tin, clip, bài đăng… Nếu không có năng lực phân biệt, chúng ta dễ bị nhấn chìm trong biển dữ liệu, trở thành “người tiêu thụ” hơn là “người tu tập”.
Trong hoàn cảnh ấy, đọc sách theo tinh thần phật pháp chính là một hành động “giữ giới tâm”.
Khi chọn một cuốn sách tử tế, đọc trong sự tỉnh thức, không bị xao động bởi quảng cáo, không bị cuốn vào vô minh, ta đang thực hành thiền giữa đời thường.
Cũng vậy, khi ta đọc chậm, thấm vào từng câu chữ với tâm biết ơn và học hỏi, ta đang rèn luyện chính niệm trong tri thức. Đọc sách, nếu biết cách, có thể trở thành một pháp môn dưỡng tâm rất sâu sắc.

4. Gợi ý hướng đọc sách theo tinh thần Phật học
Đọc để hiểu mình: Những cuốn sách về tâm lý, thiền định, hoặc nhật ký tu hành – giúp người đọc quay về chiêm nghiệm chính mình.
Đọc để hành xử tốt hơn: Sách về giới luật, đạo đức học, hay gương sáng của các bậc cao tăng – giúp điều chỉnh hành vi, nuôi dưỡng từ bi.
Đọc để trưởng dưỡng trí tuệ: Kinh điển, luận giải, sách triết học so sánh – làm nền tảng khai mở tuệ giác, nhìn cuộc đời bằng con mắt vô phân biệt.
Đọc để giữ lửa phụng sự: Sách về công ích, lòng vị tha, các dự án cộng đồng – nuôi dưỡng tinh thần Bồ tát đạo trong cuộc sống đời thường.
5. Đọc sách như hành thiền, chọn sách pháp môn
Người đệ tử Phật, dù là xuất gia hay tại gia, đều nên giữ cho mình một “thư viện nhỏ” trong tâm hồn – nơi chỉ lưu giữ những cuốn sách giúp mình bớt khổ hơn, sáng suốt hơn, từ bi hơn. Trong thời đại đầy xáo trộn, biết đọc và chọn sách đúng cách chính là biết tự hộ trì tâm ý.
Mỗi cuốn sách chân thật – luôn có một người thầy im lặng, luôn có một chiếc thuyền đưa ta vượt qua bờ mê sang bến giác.
Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Pháp Cú
2. Kinh Tứ Thập Nhị Chương
3. Bát Chính Đạo – Thích Minh Châu
4. Tâm và Trí trong Đạo Phật – Thích Nhất Hạnh
5. Triết học Phật giáo và Xã hội hiện đại – Viện NCPH
Bình luận (0)