Văn bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh này là một văn bản rất lớn về nội dung, và với sự khảo sát mô tả văn bản như ở trên đã nói, việc xác định niên đại cũng rất khó khăn.
Tác giả: Phạm Văn Bắc (Thích Đạo Tâm) Học viên Cao học K31, Trường Đại học Sư phạm Hà Nôi – Khoa Ngữ văn – chuyên ngành Hán Nôm
Tóm tắt: Hương Hải Thiền sư một gương mặt tiêu biểu cảu nền văn học thế kỷ XVIII. Với công trình 20 tác phẩm độ sộ giải âm kinh điển ra chữ Nôm của Ngài. Đã để lại nhiều những giá trị lớn không chỉ cho người nghiên cứu về Phật học, mà bên cạnh đó đối với việc nghiên cứu về Văn học chữ viết của người Việt (chữ Nôm), cũng vô cùng có giá trị. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ký hiệu AB.488 (được Hương Hải diễn Nôm).
Đây là một tác phẩm lớn của Ngài mang đầy đủ những giá trị lớn về văn bản học, và là văn bản giải Nôm bằng văn xuôi sớm nhất của bản kinh này được biết của hiện nay. Nghiêm cứu khảo sát văn bản này, giúp chúng ta có thêm những nhìn nhận mới về những tác phẩm của Hương Hải thiền sư, bên cạnh đó góp phần có nhìn đầy đủ hơn về diện mạo văn học chữ Nôm thời kỳ nó ra đời, vị trí của nó trong chiều dài lịch sử văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo nói riêng.
Từ khóa: Thiền sư Hương Hải, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Diệu pháp liên hoa kinh diễn Nôm – Hương Hải thiền sư giải thích phương ngữ, Diệu pháp liên hoa kinh ký hiệu AB.88.
Dẫn nhập
Phật giáo là một Tôn giáo lớn ra đời khoảng thể kỷ VI tr.cn, từ nền văn minh Ấn Độ. Phật giáo du nhập vào Việt Nam rất sớm, khoảng những năm đầu của Kỷ nguyên Tây lịch. “Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên”[1].
Câu chuyện huyền thoại liên quan tới Phật giáo tại Việt nam sớm nhất xuất hiện trong Lĩnh Lam Trích Quái – truyện Đầm dạ trạch, liên quan tới nhân vật Chử Đồng Tử. Trải qua hơn 2000 năm từ khi du nhập vào Việt nam cho đến nay, Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập với văn hóa bản địa, tạo nên một Phật giáo Việt nam mang nhiều sắc thái riêng biệt. Phật giáo có nhiều ảnh hưởng về mọi mặt văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, đạo đức .v.v.và đặc biệt là văn học nghệ thuật.
Tư tưởng triết lý Phật giáo đã được truyền tải không chỉ ở trong Kinh điển, mà còn được thể hiện trong Thơ thiền, Thi kệ, đặc biệt là trong dịch thuật kinh điển ra chữ Nôm – một thể loại chữ riêng của người Việt, đã tạo nên một nền Văn học Phật giáo trong dòng chảy của văn học dân tộc Việt Nam. Việc dịch và thích giải kinh Phật giáo bằng văn tự nôm xuất hiện sớm có thể kể đến là; “từ thế kỷ XIV – XV ta có bản dịch văn xuôi Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân của thiền sư Viên Thái in vào khoảng những năm 1442”[2].
Đến thế Kỷ XVII Thiền Sư Minh Châu Hương Hải đã để lại 20 tác phẩm kinh điển bằng văn xuôi tiếng việt như: Giải Pháp Hoa Kinh, Giải Kim Cương Kinh, Giải Sa Di Giới Luật, Giải Phật Tổ Tam Kinh, .v.v... , tiếp theo cuối Thế Kỷ XVII, đầu XVIII hang loạt các Kinh Phật giáo bằng tiếng Việt ra đời như: Nam Hải Quan Âm của thiền sư Chân Nguyên, Sa Di Thập Giới Quốc Âm của thiền sư Như Trừng, đến cuối XIX Pháp Liên đã dịch Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh với 3214 câu thơ lục bát.
Pháp Hoa Kinh là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Theo Lê Mạnh Thát nhận định Pháp Hoa là một trong bộ kinh được dịch sớm ở nước ta, tuy nhiên đã bị mất không còn văn bản đó là Pháp Hoa Tam Muội Kinh, do Đạo Hinh – Cương Lương Tiếp dịch năm 258. Bên cạnh đó còn có Pháp Loa giải Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ.
Cho thấy Pháp Hoa Kinh là một bản kinh có ảnh hưởng rất lớn trong tu học của Phật giáo đồ Việt nam. Văn bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ký hiệu AB. 488 (hiện được lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm), là một bộ kinh được Hương Hải thiền sư dịch ra chữ Nôm là một tác phẩm đồ sộ, có giá trị lớn về văn bản học nói riêng và Văn học nói chung.
1. Tác giả
Hương Hải Thiền sư là một tác giả quen thuộc trong nền Văn học thể kỷ XVIII, cuộc đời Minh Châu Hương Hải và sự nghiệp đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập như; Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục đã ghi chép về cuộc đời và Thơ Văn của Ngài, đặc biệt trong toàn tập Minh Châu Hương Hải của Lê Mạnh Thát đã khảo sát và nghiên cứu một cách công phu về cuộc đời và sự nghiệp của Hương Hải. chúng ta có thể điểm qua vài nét chính về cuộc đời của Ông như sau.
Hương Hải thiền sư sinh năm 1628 tại làng Bình Thượng, phủ Thăng Hoa, Tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến được bổ nhiệm làm tri phủ Triệu Phong. Năm 1652 (Mậu thìn) ông đến sam học thụ giáo với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh, pháp tự Minh Châu Hương Hải, pháp hiệu Huyền Cơ Thiện Giác được có từ đây. Sau đó ông tiếp tục theo học với thiền sư Viên Khoan Đại Thâm.
Năm 30 ông chính thức Xuất gia, một thời gian sau ông đến cù lao Chàm ở cửa biển Hội An lập am tu học, thời gian ở đây ông có nhiều câu truyện huyền diệu về tâm linh, tiếng tăm được lan rộng, được quốc công Nguyễn Phúc Tần mời về trụ trì viện Thiền Tịnh và quy y với ông. Sau đó Ông bị đồn đoán có ý định chốn ra Bắc với Gia quận công.
Thời gian sau ông cùng 50 đệ tử đi thuyền ra Bắc, được Trịnh Tạc đón về kinh đô, sau được chùa Trịnh Căn ban cho áo mão, cho về chấn Sơn Nam, tại đây ông thành lập Chùa Nguyệt Đường tại Phố Hiến đồ đệ theo học rất đông. “Chính thời gian ở chùa Nguyệt Đường này, thiền sư đã diễn dịch ra tiếng việt 20 bộ kinh luận cùng sáng tác một số thơ văn khoảng 5 bài. Cuối cùng thiền sư đã mất vào ngày 12 tháng 5 năm Ất mùi 1715”[3].
Theo Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải, căn cứ vào Hương Hải Thền Sư Ngữ Lục, Ông nhận định những tác Phẩm mà Hương Hải Thiền sư đã chú giải kinh bằng phương ngôn quốc ngữ gồm tất cả 20 tác phẩm, tất cả 30 quyển, đều được diễn giải bằng tiếng việt dưới dạng văn xuôi và thơ.
2. Tình trạng văn bản
Tác phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do Hươg Hải thích giải phương ngữ, là một tác phẩm rất đồ xộ, Bản chúng tôi đang có hiện nay, là bản đang được lưu trữ tại viện hán nôm với ký hiệu là AB 488, gồm hai cuốn; AB 488/1 và AB 488/2, tên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, khổ 30x17, gồm gần 1000 tờ, mỗi tờ gồm hai trang, chia làm hai cuốn Thượng và Hạ.
Bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh này vốn do, Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch hán văn, Chung Nam Sơn Thích Đạo Tuyên soạn thuật, do Huyền Cơ Thiện Giác Pháp Tự Minh Châu giải thích và dịch ra chữ Nôm.
Đây là bộ Kinh có dung lượng rất đồ sộ trong toàn bộ 20 tác phẩm dịch giải của Hương Hải Thiền sư được Lê Mạnh Thát tổng hợp nêu ra trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Nxb TP HCM, 2000). Diệu Pháp Liên Hoa Kinh này được chia làm 2 cuốn, tổng gồm có 7 quyển. Cuốn một ký hiệu AB 488/1 bao gồm có bài tựa nói về việc hoằng truyền kinh này, bài tựa này do ngài Thích Đạo Tuyên soạn. Tiếp sau đó là vào Kinh văn gồm có 4 quyển:
I. Quyển thứ nhất gồm 2 phẩm như; phẩm 1: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh phẩm mở đầu kinh thứ nhất; Phẩm 2: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Phẩm Phổ Môn thứ hai. Ngoài ra trước khi vào phẩm một của Kinh văn, trang đầu tiên có bài Tựa về việc hoằng truyền kinh này do ngài Nam Sơn Thích Đạo Tuyên làm ra. Tại trang đầu này có ghi ký hiệu sách. Có đóng dấu bầu dục của thư viện Ecolo, dấu kiểm kê năm 1974, 1985,1991.
II. Quyển thứ 2 có phẩm 3, phẩm 4.
III. Quyển thứ 3 gồm phẩm 5, phẩm 6, phẩm 7.
IV. Quyển thứ tư gồm: phẩm 8, phẩm 9, phẩm 10, phẩm 11, phẩm 12, phẩm 13.
Cuốn thứ hai ký hiệu AB 488/2 gồm 3 quyển là:
I. Quyển 5 gồm các phẩm thứ 13, phẩm 14, phẩm 15, phẩm 16 và phẩm 17.
II. Quyển thứ 6 gồm các phẩm từ phẩm 18 cho đến phẩm thứ 23.
III. Quyển cuối cùng là quyển 7, từ phẩm 24 đến phẩm 28.
Chữ viết ở mỗi tờ khá rõ ràng dễ đọc, có hai thể loại chữ. một là chính Kinh hán văn do ngài Cưu Ma La Thập dịch, chữ được khắc in to đậm cỡ chữ khoảng 1x1cm. Sau phần chính Kinh văn là phần dịch chữ Nôm của Hương Hải Thiền Sư. Chữ nét nhỏ song cước 0,5x0,7mm. Sau phần dịch nôm thi thoảng có đoạn kinh văn được tác giả giải thích các thuật ngữ của kinh bằng chữ hán hoặc chữ nôm. Cỡ chữ tương tự như chữ nôm.
Cả hai cuốn Thượng và Hạ được đóng bìa là bìa giấy tây, ngoài bìa viết chữ “妙法蓮華華經 共二冊- 上册“ – (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh- cộng nhị sách, thượng sách), nghĩa là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gồm hai tập, tập thượng. Cuốn hai tương tự chỉ khác chữ “下冊“ (hạ sách – Quyển hạ).
Về hình thức một trang sách được chia làm 8 cột (không có kẻ rõ hàng cột), riêng ở quyển 3 chia làm 6 cột, kẻ hàng cột rất rõ ràng. Lòng bát chữ kích thước 13x21. Tâm sách có tên sách, quyển, dưới là số tờ. để tiện theo dõi người viết phân trang theo số tờ ký hiệu là “a” và “b”. Cuối và đầu của mỗi quyển đều có đóng dấu của thư viện Ecolo. Sách đã được Microfim tháng 4- 1966.
Sách không bài tựa của Hương hải Thiền sư như những sách khác. Mà hết mỗi một quyển có các bài hậu với nội dung như sau:
1. Hết quyển 1 (57b, 58a,58b, 59a, 59b, 60a,b, 61a,b, 62a,b có nội dung là:
“Lần khởi công lớn khắc Pháp Hoa Kinh giải thích, lại sao chép một quyển cùng bảo đệ tử chép. đệ tử tại Sơn Nam đạo, Thường Tín phủ, Phú Xuyên huyện, Đường Xuyên xã, khi xuất gia may gặp minh sư ở Kinh Bắc đạo, Lạng giang phủ, Phượng nhãn huyện, Dĩnh trì xã, chùa Đại bi, Kế đăng thủ tòa Tỷ khiêu tự Hải Cần, môn đồ là: Tịch Tiếp, Tịch Tố, Tịch Viện, Tịch Trác, Tịch Tộ, Tịch Quá, Tịch Thụ, Tịch Trúc, Tịch Dụng, Tịch Đương, Tịch Như, Tịch Bồi, Tịch Thanh, Tịch Uân, Tịch Trung. Tín .. Diệu trung, Diệu Phan, Diệu Bảo, Diệu Thực.
Cung tiến Tôn Sư Trúc Lâm Tuệ Trường Quảng Giác hòa thượng tự Như Chiêu thiền sư.
Trúc Lâm Tuệ Thắng lục hòa nhục Y Tỷ Khiêu tự Tính Nhẫn thiền sư.
Lại vì Hiền khảo tự Phúc Hiền hiệu Diệu linh, Diệu Quang
(mất đoạn đầu). Long Quang tự Tỷ khiêu tự Như Tồn công đức một quan. Linh Âm Tự hộ kinh Tỷ khiêu tự Hải Thanh 1 quan, hộ kinh tự Tỷ Khiêu tự Hải Tông 1 quan, hộ kinh tự Hỉa Huy.
Xứ Thái Nguyên hộ kinh Tỷ khiêu tự Hải Thị 2 quan, môn đồ Tự Vượng, 6 trăm, tự Tịch Chẩn 6 trăm. Đà Trì Tự tự Tịch Chiêu 6 trăm, tự Tịch Ánh 3 trăm.
Nhất Hộ kinh Phúc Khánh Tự, Thích tử tự Hải Kiên cung tiến nghiêm sư Ma ha tỷ khiêu tự Tính Huyên thiền sư hiền khảo tự Huyền nhân ích phúc khánh 1 bản.
Trụ trì Lượng Sơn Tự, tự Tông …một quan (1 ngàn tiền).
Tín chủ theo sau là: Trịnh Thị Chính hiệu diệu Y 1 trăm. V.v.”
2. Duy nhất đầu quyển 2 có thấy một bài tán, về việc san sắc quyển thứ 2 của kinh này do sa môn tự Tính Hòa soạn: nội dung như sau:
“Tam thừa giáo điển, quảng khai phương tiện chi huyền môn, thất trục linh văn diễn tụng hoạch siêu thăng chi diệu lộ, tam xa cửu dụ phổ hóa mãn ư tam thiên tam giác, tế viên chứng tam không chi chính thụ, liên kinh như thị tối thượng phúc điền sứ sứ tuyên thời hồi quang bản giác. Tư thần cẩn bạch vì
Đại Việt Quốc, Kinh Bắc Đạo, Lạng Giang phủ, Phượng Nhãn huyện, Đào Tràng xã, Hồng Sơn tự cư phụng
Tam Bảo trụ trì tăng Thích tử thần bản tông Sa môn tự Tính Hòa, dục báo đức Phật Tổ chi thâm ân, tư nãi san Pháp Hoa chi diệu nghĩa đệ nhị quyển dĩ chu viên, tụng thử âm nhi tán cúng kỳ nguyện
Lê hoàng vĩnh chấn, Trịnh chúa trị trường, thiên hạ thái bình, vạn dân hoan duyệt. Thứ kỳ hưng công hội nội, thiên tín đàn na, đắc vạn phúc chi vinh hoa, hoặc thiên xuân chi diệu lợi. Phổ nguyện cửu huyền thất tổ, lũy kiếp gia lương, đồng thừa pháp lực dĩ siêu thăng, bát nạn tam đồ, chư ban hoành mệnh cộng trượng kinh văn nhi tảo thoát. Kệ viết:
“Liên hoa hải cùng thậm nan lường
Diệu pháp tu trì giới định hương
Tam thừa đốn ngộ hoàn quy nhất
Cung kỳ chúc thánh lễ y vương”
Nam Mô Hộ Quốc Nhân Sư Bồ Tát Chứng Minh
Tạ kệ:
“Tổ sư hiện thế độ trần ai
Chú giải đại thừa thấu cơ khai
Nghĩa lý phân minh như nhật nguyệt
Truyền đăng quảng đại nhược khôn càn”
Kính đề chứng san kinh
Đại Sa môn Quốc Tứ thống tông Hòa Thượng, pháp tự Như Viên
Bồ Tát giới phẩm đại Sa môn Như Thị Hòa Thượng, pháp tự Tín Huệ
Bồ Tát giới phẩm đại Sa môn tự Tín Tại, hiệu Huệ Đạo
Tỳ Khiêu giới phẩm đại Sa môn tự Hải Diệu
Thiền môn hộ pháp bảo sử (nhứt kinh Hàm Long tự Tử Tịch Dự)
Hồng Lục xã sử Xuân san
Long Quang tự Trụ trì tăng, tự Như Tồn nhất bản (Hồng Liễu xã, Sử Xuân san)
Cảnh Sơn tự Trụ trì Tăng, tự Hải Dư nhất bản
Sùng Ân tự Trụ trì tăng, Sa di ni tự Tính Định, nhất bản
Hưng Phúc tự Trụ trì tăng, Sa di ni tự Hiệu Diệu Thanh nhất bản
Long Khánh tự Trụ trì tăng, Sa di ni tự Hiệu Diệu Giai nhất bản
Long Châu tự Trụ trì Tăng, tự Huệ Trì nhất bản
Đại Quang tự Trụ trì Tăng , tự Huệ Thực nhất bản
Thiên Phúc tự Trụ trì Tăng, tự Tính Khả nhất bản
An Dương xã, Long Trì thôn, xuất lực hộ kinh, cập kỳ vi chủ thần Hà Thị Đụn, hiệu Diệu Tại”
Với nội dung của bài văn trên ta có một số thông tin về văn bản như sau: người khắc bản kinh này là Sa môn tự Tính Hòa, vì muốn báo ân Phật tổ nên đã khắc quyển 2 này, thời gian khắc là thời hậu Lê - Trịnh vì có lời Kỳ nguyện “Lê hoàng vĩnh chấn – Trịnh chúa trị trường”, và bài kệ tạ ân của sư Tổ đã giải nghĩa kinh này. Bên cạnh đó là các vị chứng minh cho việc in kinh và cuối cùng là các chùa hộ trì cho việc in kinh này, có tên như trên
Phần cuối quyển 2 có đề các tín chủ vận đông công đức in kinh như sau:
Hội chủ; Đào Dương xã, Khôi thôn, Nguyễn Hữu Lực thê là Nguyễn Thị Hiên hiệu Diệu Châu 1 bản
Hội chủ; Tùy hiệu Phạm Công Chất, thê Nguyễn Thị Lục 2 bản. Ngụy Thị Phần hiệu Từ Thông 1 bản.
Hội chủ; Ngụy Thị … hiệu Từ Thọ 1 bản.
Hội chủ Thượng thôn, Nguyễn Thị Chỉ 1 bản..v.v.
Tổng cộng 29 người
3. Cuối Quyển 3, có đề chùa, người khắc in lại quyển 3 với nội dung như sau: “Bình Đăng tự, Tỷ khiêu tự Hải Tuyên hiệu Tuệ Chiếu khắc lại quyển 3. Nhờ cậy thợ chính tên là Túc ở Hồng Lục xã….” Sau đó là phương danh người công đức in quyển này khoảng 300 tín chủ.
4. Quyển thứ 4, không thấy có tựa, bạt hậu, hoặc đề phương danh công đức.
5. Quyển thứ 5: cuối quyển này có đề nơi lưu giữ như sau: "Bản lưu tại Phượng Nhãn huyện, Dĩnh Trì xã. Chùa Đại Bi, để cho đời sau được biết rõ. Người khắc ván tên là Xuân ở xã Hồng Lục
Chứng minh cho việc khắc kinh này là Hòa thượng tự Như Hiện công đức 1 quan tiền (1 sâu). ở tại Hải Dương Đạo, Hình Môn phủ, Đông Chiều huyện, Đoàn Mã xã, Phúc Trí Tự.
Công đức khắc in kinh Tỷ khiêu tự Tính Hiểu, tự Tính Dư
Công đức khởi xướng khắc kinh Sa di ni hiệu Diệu Trí
Công đức khắc in kinh Linh Mai Tự, Sa di tự Hải Xuyên, 6 trăm
Công đức khắc in kinh Vân Quế Tự Tỷ khiêu tự Tính Chuyển
Công đức khắc in kinh Sa di tự Hải Mẫn, 6 trăm
Công đức khắc in kinh tự Hải Lưu 6 trăm, tự Hải Du 3 trăm, Chùa Báo Ấn tự Hải Kiến 6 trăm, Chùa Đoan Nghiêm tự Tính Khu 1 Quan (1 sâu tiền). Hiệu Diệu Dụng 6 trăm, hiệu Diệu Thọ 6 trăm.
Ở tại Đoàn xã, công đức in kinh là Lê Trí Định, vợ Đậu Thị Lâm hiệu Diệu Liên 6 trăm. Nguyễn Kế Lộc vợ là Lê Thị Ngạch ở tại Hoàng Xá xã
Hiệu diệu Viên 6 trăm, Lê Công Diệu, Lê Thị Đột 6 trăm, Lê Thị Phúc hiệu Diệu Bảo 6 trăm. Nguyễn Thị Tiếp Hiệu Diệu Nhân 6 trăm, Nguyễn Thị… hiệu Diệu Phương 6 trăm.”
6. Cuối Quyển 6 chỉ thấy ghi thợ khắc kinh nội dung như sau: “nhờ thợ khắc Kinh tên là Túc ở xã Hồng Lục”
7. Cuối quyển 7 có đề phương danh công đức như sau: “Chu Thị Ma hiệu diệu Thực, con trai là Hồ Thành Ngạn vợ là Lê Thị Đàm, Lê Thị Đề, Nguyễn Danh Tiêu vợ là Chu Thị Hai.v.v. ở tại Phủ Từ Sơn, Đông Ngạn huyện, xã Mỹ Tằng, thôn Thị công đức toàn bộ một quyển. ….”
Từ những mô tả như trên chúng ta có thể nhận định tổng quan một vài điểm về văn bản như sau:
Một là, mỗi một quyển trong bẩy quyển của hai cuốn lại thấy ghi người đứng san khắc khác nhau, các cao tăng chứng minh việc san khắc này cũng khác nhau ở mỗi quyển , đề phương danh và địa điểm khác nhau, chứ không phải do một người chủ trì làm toàn bộ.
Đương nhiên với một bộ kinh lớn đồ sộ như kinh này việc cần nhiều người ủng hộ, và tham gia san khắc là lẽ đương nhiên, nhưng điều đáng nói là người san khắc của toàn bộ 7 quyển là không cùng một số Tăng ni, hoặc Phật tử đứng ra làm. Mà rất nhiều nhóm tăng ni, Phật tử làm.
Hai là, Trong các quyển trừ quyển ba, lòng bát chữ đều không có kẻ hàng chữ (luống chữ), duy chỉ có quyển ba là có kẻ hàng chữ in rõ ràng.
Ba là, Bìa của sách lại được đóng bằng giấy tây, chữ tên kinh viết trên bìa lại là chữ viết tay, với chữ sách (冊) lại là lối chữ gần đây mới dùng, cách dùng của các cụ Tổ xưa thường là chữ quyển (卷),
Bốn là, khi khảo sát bản gốc, chúng tôi thấy rằng, ở hai tập không có viết gáy chân sách, khi quan sát thấy vết rõ không đồng nhất của toàn bộ mà có vết tách, mở trang tách đó ra thì thấy đều là từng quyển khác nhau.
Như vậy, từ việc khảo sát văn bản về hình thức và sơ qua các nét chính chúng ta có thể có một vài những nhận định như sau:
Thứ nhất, đây là một bộ kinh lớn về nội dung, và quy mô san khắc. Từ việc kiểm tra các lời tựa hoặc bạt hậu thấy rằng, số lượng người cả Tăng, ni Phật tử tham gia công đức rất nhiều. Do mỗi cuốn người đứng san khắc khác nhau, chữ khắc ở một số quyển có hình thức khác nhau, cho nên có thể nhận định bộ kinh này được phân chia thành nhiều chùa, hoặc nhóm tăng ni chủ trì việc khắc in từng quyển, rồi mới được tổng hợp lại.
Hai là, có thể trước đây từng quyển được đóng riêng lẻ, sau này được người sưu tầm tập hợp lại mà đóng thành 2 cuốn thượng và hạ, và cho đóng lại bìa bằng giấy tây. Do vậy, mất bìa sách, hai là thường sách cổ phải được ghi chữ ở phần chân sách. Chính vì việc này có lẽ lời tựa hoặc bạt hậu của tác giả là Minh Châu Hương Hải đã bị mất, hoặc thất lạc, không thể nào đối với một tác phẩm đồ sộ vĩ đại như vậy mà tác giả lại không viết lời tựa hoặc lời bạt hậu về việc phiên dịch của mình.
Và kể cả tựa hoặc bạt hậu về việc san khắc, niên đại cũng có thể bị thất lạc. Khiến cho việc xác định thời gian trước tác, và thời gian khắc lại kinh này không thấy có. Việc xác định niên đại phải dựa vào các phương pháp khác.
Ba là, căn cứ vào nội dung của cuối quyển 5 cho thấy: "Bản lưu tại Phượng Nhãn huyện, Dĩnh Trì xã. Chùa Đại Bi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi địa danh này vốn nay là thuộc tỉnh Bắc giang, huyện Phượng Nhãn nay đã được tách một phần về Yên dũng, một phần về Lạng giang, một phần về thành phố Bắc giang.
Xã Dĩnh trì hiện nay thuộc địa giới hành chính Thành phố Bắc giang, tỉnh Bắc Giang. Nhưng ngôi chùa Đại Bi đã bị tàn phá hoàn toàn không còn gì, nền chùa cũ nay đã xây dựng các hạng mục công trình, dân sinh, xã hội.
3. Niên đại của tác phẩm
Việc xác định niên đại trước tác của tác phẩm, và thời gian khắc in tác phẩm là một việc vô cùng quan trọng. Như trong Khảo Luận Hồ Sơ Tác Giả Văn Học Hán Nôm của Nguyễn Thanh Chung đã đề cập; do thời gian, yếu tố chủ quan và khách quan khiến văn bản bị rách, mất một số rang tờ v.v. khiến cho việc xác định niên đại của văn bản vô cùng khó khăn.
Văn bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh này là một văn bản rất lớn về nội dung, và với sự khảo sát mô tả văn bản như ở trên đã nói, việc xác định niên đại cũng rất khó khăn. Chúng ta cần phải giải quyết 2 vấn đề của niên đại như sau: một là thời gian Minh châu Hương hải dịch ra chữ nôm. Hai là thời gian khắc ván in tác phẩm này.
Do hiện nay bản kinh này chúng tôi hiện đang có là bản duy nhất, chưa tìm thấy có dị bản nào khác hay không, nên không có điều kiện được tham khảo tìm kiếm thêm thông tin, để giúp ích cho việc tìm ra niên đại. nhưng căn cứ vào những nội dung như trên đã đề cập, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra những giả định ban đầu về niên đại như sau
Thứ nhất: về thời gian Minh Châu hương hải dịch dịch Kinh này từ chữ hán sang chữ Nôm. Vấn đề này khó khẳng định là tác phẩm được trước tác cụ thể năm nào, nhưng có thể dễ nhận thấy như trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải của Lê Mạnh Thát, và trong Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục đã nói, tất cả 20 tác tác phẩm của Hương Hải đều được sáng tác thời gian khi Ngài ở tại trấn Sơn Nam và khi ở chùa Nguyệt Đường.
“Bấy giờ, Trịnh Tạc mới mất , Trịnh Căn nối ngôi và ban cho sư áo mão, lương thực và tiền bạc, rồi cho về trấn Sơn Nam, giao Tước quận công Lê Đình Kiên (1623-1704) giúp đỡ và thành lập viện Thiền Tịnh, sau đó là chùa Nguyệt Đường ở tại phố Hiến. Chính trong thời gian ở tại chùa Nguyệt Đường này, thiền sư đã diễn dịch ra tiếng Việt 20 bộ kinh luận cùng sáng tác một số thơ văn khoảng 5 bài”[4].
Như vậy nếu theo như Lê Mạnh Thát thì thời gian ra đời của bản kinh Pháp Hoa Giải Thích Phương Ngữ này, là khi Sư ở chùa Nguyệt đường. Mà năm Sư về chùa Nguyệt Đường là năm 1700. Như vậy tác phẩm này ra đời vào khoảng những năm 1700 trở đi đến cuối đời của Ngài là năm 1715.
Thứ hai, thời gian khắc ván in, như phần hai đã nêu, văn bản này không có một thông tin (long phi) cụ thể để dễ xác định niên đại năm khắc. nên rất khó để xác định cụ thể, bên cạnh đó lại do nhiều chùa, tăng ni, Phật tử khắc từng quyển khác nhau, khiến cho việc minh định vấn đề này càng vất vả. Nhưng cũng có một vài thông tin để chúng ta có thể đặt ra giả định ban đầu cho niên đại khắc in như sau.
Một là đầu quyển hai có một bài văn Tán lễ Phật tổ của Sa Môn tự là Tính Hòa về việc khắc quyển hai. Trang 133b có lời cầu nguyện cho vua Lê và Chúa Trịnh như sau : “khâm nguyện: Lê hoàng vĩnh chấn, Trịnh chúa trị trường, thiên hạ thái bình, vạn dân hoan duyệt”[5] – nghĩa là: ngưỡng nguyện; vua Lê mãi yên lành, chúa Trịnh cai trị dài lâu, đất nước thái bình, muôn dân an lành.
Từ câu văn trên cho thấy giai đoạn khắc bản kinh này là thời kỳ vua Lê chúa Trịnh. Tức là có lẽ bản in ra đời sau khi Hương Hải viên tịch, nhưng vẫn chưa hết thời kỳ của vua Lê chúa Trịnh. Thời kỳ nhà Lê Trung Hưng từ 1553- 1789, có lẽ khoảng từ năm 1716- 1789. Người đứng ra san khắc là sa môn tự Tính Hòa, cũng trong bài văn đó dẫn rằng:
“Đại Việt quốc, Kinh Bắc đạo, Lạng Giang phủ, Phượng Nhãn huyện, Đào Dương xã, Hồng Sơn tự cư phụng.
Tam Bảo trụ trì tăng Thích tử thần bản tông Sa môn tự Tính Hòa, dục báo đức Phật tổ chi thâm ân….” (大越國京北道諒江府鳯眼縣陶場社洪山寺居。三寳住持僧釋子臣本宗沙門嗣性和,欲報徳佛祖。。。) [tờ 1a, quyển 2]. Nghĩa là: Nước Đại Nam, đạo Kinh bắc, phủ Lạng Giang, huyện Phượng Nhãn, xã Đào Dương, ở chùa Hồng Phúc thờ Tam bảo. Trụ trì đệ tử xuất gia chính gốc (dòng truyền thừa chính phái của Hương Hải thiền sư) là Sa môn tự Tính Hòa, muốn báo đáp ân đức Phật tổ.v.v...
Qua đoạn văn trên ta có thể biết được hai nội dung chính. Thứ nhất, người san khắc là Sa môn Tính Hòa, nếu xét theo hàng kệ truyền thừa của dòng Lâm tế Trí bản đột không[6], thì vị Sa môn Tính Hòa này là hàng chắt của Hương Hải thiền sư. Hết bài văn vị sa môn Tính Hòa còn làm một bài kệ tán công đức của Tổ sư như sau:
謝偈
“祖師現世度塵寰
註解大乗透机開
義理分明如日月
傳燈廣大若坤乾“ [quyển 2, tờ 2a]
Tổ sư hiện thế độ trần hoàn
Chú giải đại thừa thấu cơ khai
Nghĩa lý phân minh như nhật nguyệt
Chuyền đăng quảng đại nhược khôn càn
Tạm dịch là:
Sư Tổ xuất hiện ở cõi đời độ rộng khắp nơi
Chú giải kinh điển đại thừa mọi căn cơ đều có thể mở mang thấu hiểu
Nghĩa lý rõ ràng như mặt trăng, mặt trời soi chiếu
Chuyền ngọn đèn thiền rộng khắp trời đất.
Như vậy, theo sự truyền thừa của bài kệ thì hàng chữ “Tính” cách 2 đời là chữ “Chân” và chữ “Như”.
Thứ hai thông tin về địa danh “nước Đại Việt” là niên hiệu tồn tại trong 2 giai đoạn từ năm 1054 đến năm 1400 và từ năm 1428 đến năm 1804. Quốc hiệu Đại Việt tồn tại tổng cộng trong thời gian 723 năm, bắt đầu từ thời vua Lý Thánh Tông đến thời vua Gia Long (1054–1804). Tên gọi Đại Việt được dùng làm quốc hiệu trong thời kỳ cai trị của các chính quyền nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Tây Sơn và 3 năm đầu thời nhà Nguyễn[7].
Trong quá trình này tên gọi chính thức Đại Việt bị gián đoạn một lần ngắn ngủi 27 năm vào thời nhà Hồ và thời thuộc Minh (1400 – 1427). Như vậy chó thể nhận định niên hiệu Đại Việt thuộc văn bản này là thời kỳ nhà Tây sơn.
Bên cạnh đó cuối quyển 3 cũng có nội dung người san khắc quyển này là Tỷ khiêu Hải Tuyên, ở chùa Bình Đăng như sau: “Bình đăng tự tỷ khiêu tự Hải Tuyên hiệu Tuệ Chiếu trùng san quyển chi tam ” – (平燈寺比丘字海瑄號慧照重刊卷之三) [quyển 3, tờ 70a, ], như vậy quyển 3 này là do tỷ khiêu Hải Tuyên cho khắc lại, theo dòng kệ truyền thừa thì chữ “Hải” đứng sau chữ “Tính”, cách Hương Hải thiền sư 3 thế hệ.
Như vậy, với những thông tin như trên, bước đầu chúng tôi cho rằng, khi khắc in bộ kinh này vẫn thuộc thời kỳ cuối Lê Trung Hưng, hoặc đầu thời kỳ Tây Sơn sau khi Hương Hải thiền sư thị tịch muộn lắm thì khoảng gần 100 năm (1716-1787).
Về vấn đề chữ Húy cũng cần khảo xét. Trong văn bản này chúng tôi thấy chữ “đề - . Theo cuốn Nghiên Cứu Chữ Húy Việt Nam của Ngô Đức Thọ nhận định rằng; “Như đã trình bày ở trên, Đề là chữ viết kiêng húy xuất hiện nhiều nhất trong khoảng 30% tổng số văn bản đời Lê Trung Hưng có viết kiêng húy.
Các nhà nghiên cứu phần lớn đều gặp chữ Đề kiêng húy trên thư tịch, bi ký thuộc thời kỳ này. Tuy vậy chữ Đề này vẫn còn là một “ẩn số”, hầu như chưa ai biết rõ chữ đó viết kiêng húy là do kiêng tên húy của ai và xuất hiện từ bao giờ?”[8].
Qua các khảo cứu Ngô Đức Thọ đã nhận định, các văn bản thời Lê Trung Hưng không có kiêng húy chữ “Đề” do tên của vua chúa, mà là kiêng húy chức quan là “đề điệu”. “Hết triều Lê, do truyền thống tôn trọng khoa cử, chúng ta thấy chữ Đề hoặc chữ Điệu vẫn được viết kiêng húy trên một số văn bản thời Tây sơn”[9].
Sang đến thời nguyễn thì chữ Đề, triều Nguyễn chuyển sang kiêng húy chữ Điệu viết bớt nét. Trều đại nhà Tây sơn tồn tại từ năm 1778 – 1802. Như vậy văn bản này có khả năng ra đời vào giai đoạn này.
Qua sự phân tích như trên. Chúng tôi bước đầu có thể đưa ra quan đểm của mình, văn bản này có thể ra đời vào thời gian cuối Tk XVIII, khoảng thời gian triều đại nhà Tây sơn là khả năng cao nhất (1778-1802).
4. Một vài nhận định về văn bản
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh giải thích phương ngữ của Hương Hải thiền sư, được thể hiện bằng phương thức văn xuôi. Hương Hải tương đối bám sát lời văn Kinh bản Hán của Cưu Ma La Thập, nhưng sau mỗi đoạn kinh văn giải âm ông nêu thêm những ý kiến giải thích của mình về các thuật ngữ Phật giáo, hoặc tư tưởng để người đọc dễ dàng hiểu được ý chỉ của kinh văn một cách rốt ráo nhất.
Như vậy đây có thể là bản “giải âm” đầu tiên bằng hình thức văn xuôi, của văn học Phật giáo Việt nam. Đây là nét độc đáo của Diệu pháp liên hoa kinh ký hiệu AB.488 này.
4.1. DPLH ký hiệu AB. 488 còn giữ nhiều lối viết cổ
Diệu pháp liên hoa kinh AB. 488 còn thấy khá nhiều mã chữ nôm cổ. cụ thể như là: chỉn, một, chưng, lệ, lớn, trong, trước, sau.
Chữ “chỉn” thấy xuất hiện trong Phẩm 3, quyển 2 này 7 lần. từ “Chỉn” “Nó có mặt khá sớm trong lịch sử văn học tiếng Việt. Trần Nhân Tông đã viết trong Cư trần lạc đạo phú: Đến cốc hay chỉn bụt là ta”[10].
[chữ Nôm] “ … Xá lợi phất rộng để lưu bá. Hiệp Nhân, Thiên để cúng dàng. Hoa Quang Phật Diệu Dụng thửa sự. Thực như dường ấy, thửa… Phúc uệ thánh tôn không hơn chẳng phải đấng thường. Mai kia ắt thực xá lợi thân. Chỉn hợp mình phúc mệnh” (tr 10B, phẩm 3, quyển 2)
Hay như: “Nơi ấy ít muốn đều thực con ta. Lòng yêu chúng tử chẳng thấy. thực bằng ta có. Bẩy bảo đại xa tửa kể vô lượng. Chỉn hợp lòng bình đẳng. Bèn cho thảy thảy hợp chẳng sai biệt” (tr 18B, phẩm 3, quyển 2)
Chữ “Trước”, “sau” là loại chữ Nôm mang dấu vết tổ hợp phụ âm đầu cổ trong tiếng Việt, là thể loại chữ nôm gép âm- âm. ? trước (Cư + Lược), ? sau (cư+ lâu). Ta thấy xuất hiện trong văn bản khá nhiều như phẩm Thí Dụ thứ 3, quyển 2: âm “Trước- ?” xuất hiện đến 10 lần. âm “sau -?” xuất hiện đến 9 lần.
Chữ “một- 蔑” và chữ “Trong – ?” xuất hiện với tần xuất khá nhều. trong phẩm này chữ “trong” xuất hiện đến 19 lần, chữ “Một” xuất hiện đến 15 lần.
Chữ “lớn – ?” (cự + lãn), xuất hiện 6 lần ví dụ như:
“Trưởng giả thấy thực lửa lớn bốn bề” (14B, p3,Q2)
“Thực khi ấy chúng tử đều cưỡi xe lớn, bỗng được sự chưa từng có” (18B,P3,Q2).
Bên cạnh đó còn các âm như là âm ? -lời ,?- ít,牢- sao,?- trăm ,được dùng rất nhiều trong văn bản.
Riêng về từ “chưng” và từ “thửa”. được sử dụng một cách thường xuyên tác phẩm. Chúng tôi khảo sát đơn cử Phẩm thí dụ thứ 3, quyển 2 thấy chữ “chưng- 徵” xuất hiện đến trên 34 lần. chữ “thửa – 所” xuất hiện trên 33 lần. chứng tỏ rằng hai chữ này được dùng một cách phổ biến trong văn bản AB. 488, và trong các phẩm khác của Hương Hải Thiền sư.
Cách dùng hai từ này thấy phổ biến thể kỷ XVII. “Ngay vào thế kỷ XII, về văn xuôi, việc sử dụng từ này mới phổ biến, mà ta có thể gặp trong Giải kim cương kinh nghĩa lý tờ 2a7, 2b1, 9a3v..v.”[11].
Trong tác phẩm “Pháp liên- Pháp hoa quốc ngữ kinh” của Lê Mạnh Thát đã phân tích chỉ ra rằng, ra đời sau hơn 100 năm. Mà các từ như “chưng, chỉn,… lại có mặt trong Pháp Hoa Quốc Ngữ kinh của Pháp Liên. Ông đã đưa ra giả thiết Pháp Liên đã, “ít nhiều bị ảnh hưởng của Giải pháp hoa kinh của Minh Châu Hương Hải, dù Pháp Liên không một lần nhắc tới tên ông”[12].
Thông qua văn bản Diệu pháp liên hoa của Hương Hải, có thể thấy rằng nhận định của Lê Mạnh Thát càng thêm căn cứ và dẫn chứng rõ ràng hơn (Vì khi ấy ông chưa có văn Bản AB.488 này).
4.2. Cách dịch
Cuối cùng là cách dịch Nôm của Hương Hải hoàn toàn trung thành với nội dung của văn bản Hán tự của Cưu Ma La Thập. Nếu như Pháp Liên trong Pháp hoa quốc ngữ kinh khi giải âm đã được rút gọn, chỉ lấy những chi tiết chính của văn bản để truyền đạt và gộp cả hai phần trùng tụng và trường hàng và chuyển thành thể thơ lục bát.
Nhưng với cách giải âm của Hương Hải hoàn toàn ngược lại, Ngài trung thành theo văn bản Hán tự, theo thể thức văn xuôi. và cuối phần có thể thêm những lời giải thích tư tưởng, hoặc thuật ngữ. Phần này Ngài đã tham khảo và sử dụng bản Diệu Pháp Liên Hoa kinh yếu giải của Giới Hoàn.
Đơn cử như đoạn đầu của phẩm Phương Tiện Pháp Liên dịch như sau:
“Tam châu cửu dụ mở đường
Phẩm sau phương tiện lại càng nhiệm thay
Phương là phương pháp đặt bày
Tiện là tông lợi, kẻ rày đa phương
Tùng tam muội khởi an tường
Bảo ông xá lợi, lời càng lạ thay”[13]
Với Thiền sư Hương Hải thì lại dịch như sau:
[Chứ Hán] “ 爾時世尊從三昧安詳而起吿舍利弗諸佛智慧甚深無量其智慧門難解難入一切聲聞辟支佛所不能知 - Nhĩ thời Thế Tôn, tòng tam muội an tường nhi khởi cáo Xá lợi Phất. chư Phật trí tuệ thậm thâm vô lượng, kỳ trí tuệ môn, nan giải nan nhập. nhất thiết Thanh Văn, Bích chi Phật, sở bất năng tri” (trang 27b và 28a, phẩm 2, q 2)
[chữ nôm] “Khi ấy Thế Tôn, bởi nơi chính định an tường bèn dậy, bảo Xá lợi phất rằng chư Phật cực thẳm sâu vô lượng, thửa trưng cửa trí tuệ, khôn hiểu biết, khôn vào được thấu, hết thảy bậc Thanh văn, bậc Bích chi Phật, khôn hay biết được”. (tr28a,p2,q2).
Như trên chúng ta thấy cách dịch Nôm của Hương Hải hoàn toàn bám sát văn bản Hán tự, khiến người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi nội dung. Bản dịch thơ của Pháp Liên do cách dịch là cách diễn thơ lục bát, nên bắt buộc phải lược bớt những chi tiết khác, khiến cho văn bản gọn ngắn hơn, dễ đọc, dễ nhớ, đây là ưu điểm của văn bản này. Tuy nhiên nếu như người chưa có kiến thức căn bản về giáo lý, thuật ngữ của Phật học, thì ít nhiều sẽ gặp khó khăn trong việc nhận hiểu nội dung.
Kết luận
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh giải thích phương ngữ của Hương Hải Thiền sư, có thể nói là một tác phẩm diễn Nôm kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng văn xuôi, đồ sộ nhất hiện nay. Có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ lược một số vấn đề văn bản Diệu pháp liên hoa kinh giải thích phương ngữ của Hòa thượng Huyền Cơ Thiện Giác pháp tự Minh Châu Hương Hải ký hiệu AB.488, có thể thấy đây là một bản dịch tiếng Việt (chữ Nôm) theo thể văn xuôi sớm nhất hiện nay, trước bản dịch của Pháp Liên khoảng 100.
Nó vừa là một bản dịch nôm có giá trị rất lớn trong nghiên cứu chư Nôm - tiếng Việt của văn học Phật giáo nói riêng và Văn học Việt nam nói chung. Bên cạnh đó còn có gí trị rất lớn trong việc nghiên cứu và tìm hiểu tư tưởng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Do vậy nó có vị trí nhất định lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt nam và Văn học Việt nam.
Văn bản này cần tiếp tục đào sâu, nghiên cứu hơn nữa, giúp chúng ta phần nào có cái nhìn đầy đủ hơn diện mạo văn học chữ Nôm dân tộc thời kỳ nó ra đời, và bản thân loại hình văn học “giải âm” với cách thức và thể loại đặc thù của loại hình này.
Đặc biệt là những tư tưởng giáo lý Phật giáo, cách học, hiểu giáo lý đương thời đó, cho chúng ta nhiều góc nhìn về Phật giáo đương thời mà văn bản thể hiện. Do đó, văn bản này có giá trị lớn trong việc tu học, nghiên cứu tìm hiểu về Kinh Pháp Hoa trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tác giả: Phạm Văn Bắc (Thích Đạo Tâm) Học viên Cao học K31, Trường Đại học Sư phạm Hà Nôi – Khoa Ngữ văn – chuyên ngành Hán Nôm
***Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lang, Việt nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương đông, 2012.
2. Lê Mạnh Thát, Pháp Liên- Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.
3. Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, Nxb, TP Hồ Chí Minh, 2000.
4. Ngô Đức Thọ, Nghiên Cứu Chữ Húy Việt nam qua các triều đại, Nxb Văn Hóa, 1997.
5. Nguyễn Quang Hồng, Khái Luận Văn Học Tự Chữ Nôm, nxb Giáo Dục, 2008.
6. Nguyễn Thị Thanh Chung, Khảo Luận Hồ Sơ tác giả Văn Học Hán Nôm, Nxb Đại Học Sư Phạm.
7. Nguyễn Thị Lâm, Chữ Nôm và Tiếng Việt qua văn bản Thiên Lam Ngữ Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2006.
Chú thích:
[1] . Nguyễn Lang, Việt nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương đông, 2012, tr15.
[2] . Lê Mạnh Thát, Pháp Liên- Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006,tr11.
[3] . Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Minh châu Hương Hải, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, tr 16.
[4] . Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, Nxb, TP Hồ Chí Minh, 2000, tr
[5] . 欽願。 黎皇永鎮,鄭主治長,天下太平,萬民欣悅。妙法蓮華經,卷二,KH AB.448/1, tr1b.
[6] . (Trí tuệ thanh tịnh- Đạo đức viên minh- Chân như tính hải- Tịch chiếu phổ thông)
[7] . https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t
[8] . Ngô Đức Thọ, Nghiên Cứu Chữ Húy Việt nam qua các triều đại, Nxb Văn Hóa, 1997, tr 100.
[9] . sdd, tr106.
[10] . Lê Mạnh Thát, Pháp Liên Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh, Nxb tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2006, tr48.
[11] . Lê Mạnh Thát, Pháp Liên- Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006,tr 48.
[12] . sdd, tr 49.
[13] . Lê Mạnh Thát, Pháp Liên- Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006,tr 81.
Bình luận (0)