LTS: BÀI THAM LUẬN CỦA PGS.TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG ĐƯỢC ĐĂNG TOÀN VĂN TRÊN TRANG: HTTPS://TAPCHINGHIENCUUPHATHOC.COM VÀ TRONG TỔNG TẬP CÁC BÀI THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC KỶ NIỆM 30 NĂM TẠP CHÍ NCPH VÀ PHÂN VIỆN NCPH VIỆT NAM TẠI HÀ NỘI. TÁC GIẢ ĐÃ TỔNG HỢP NHỮNG BÀI VIẾT TRÊN TẠP CHÍ TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY XOAY QUANH VỀ CHỦ ĐỀ TỊNH ĐỘ TÔNG (XEM TOÀN VĂN THAM LUẬN TẠI HTTPS:// TAPCHINGHIENCUUPHATHOC.COM VÀ TRONG TỔNG TẬP CÁC BÀI THAM LUẬN). TRONG SỐ NÀY, TẠP CHÍ TRÍCH ĐĂNG TÓM LƯỢC VỀ CHỦ ĐỀ SỐNG - CHẾT.

MỘT SỐ BÀI VIẾT XOAY QUANH CHỦ ĐỀ SỐNG - CHẾT

Các tôn giáo lớn trên thế giới, tôn giáo nào về giáo lý cũng đều có một phần quan trọng dành cho việc trả lời các câu hỏi; Con người ta sinh ra từ đâu? Khi sống phải sống như thế nào? Đặc biệt khi chết đi về đâu. Giáo lý nhân sinh Phật giáo cũng không nằm ngoài những câu trả lời trên. Tuy nhiên do quan niệm Phật Đà quan của Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật giáo mà kéo theo giáo lý nhân sinh quan Phật giáo quan niệm Phật Đà là nhân vật lịch sử nên nhân sinh quan Phật giáo về SINH - TỬ có sự khác nhau. Một cách tổng quan, Tiểu Thừa Phật giáo quan niệm Phật Đà là một nhân vật lịch sử nên nhân sinh quan đặc biệt là quan niệm về cái chết đơn giản hơn Đại Thừa Phật giáo. Mặc dù vậy, một cách tổng thể, Giáo lý Phật giáo (cho cả Tiều Thừa và Đại Thừa) đều có những quan niệm chung về cái chết.

Bài Đối Diện với cái chết của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ đăng trên các số từ số 2 đến số 6/2010; số 1 đến số 6/2011, số 1 đến số 6/2012 lần lượt bàn đến “cái chết”. Theo tác giả “Trong cuộc sống, như một điều kiêng kỵ, người ta thường né tránh như nói về chuyện cái chết. Nhưng sống và chết là hai mặt song hành của một đời người, nên nói về cái chết cũng lẽ thường tình. Thực ra khi nói về cái chết chính là bàn về cuộc sống của con người. Vấn đề ở chỗ quan niệm cái chết như thế nào? Chết có đáng sợ không? Chết là hết hay là còn? Do chịu ảnh hưởng của các môi trường cộng đồng khác nhau nên mỗi con người có một quan niệm về cuộc sống cũng như cái chết khác nhau”. Như phần trên đề cập, bài viết của tác giả được in trong nhiều số, truyền tải những nội dung xoay quanh “cái chết” với nhiều phần. Bài viết: bắt đầu từ việc Diêm Vương sợ chết với một phản đề “Cứ tưởng rằng người trên dương thế mới sự chết, còn người nắm phần hồn, quản lý đời sống dưới âm phủ thì không sợ… nhưng rõ ràng họ cũng sợ chết chẳng kém gì người trên cõi dương”.

Đối diện với cái chết được tác giả thể hiện với bút pháp rất giầu hình tượng qua những pháp thoại của đức Thế Tôn với các đệ tử của Ngài đặc biệt là với A Nan Đà đồng thời còn là những câu chuyện rất đời thường được tác giả dẫn dụ nhằm minh chứng hay minh họa cho một vấn đề cụ thể.

Tác giả bài viết luôn khiêm tốn khi cho rằng, có thể có ai đó sẽ không đồng tình với một số nhận định của mình trong bài viết cũng như theo quan điểm của Phật giáo. “Song, chắc chắn rằng tất cả sẽ đồng ý rằng sự sống và cái chết là hai mặt không thể tách rời của con người và người ta phải sống cho đúng nghĩa Con người”.

MỘT SỐ CHỦ ĐIỂM KHÁC

Ngoài những chuyên luận bàn sâu về vấn đề thuộc giáo lý Phật giáo, không ít các bài viết khác được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học suy cho đến cùng vẫn là bàn tới các chiều cạnh khác nhau của giáo lý Phật giáo. Những bài viết về Giáo lý hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp là rất phong phú với sự tham gia của các cao tăng, thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà nghiên cứu Phật học.

Về các tác giả trong Giáo hội, có thể nói hầu hết các chư vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đều có bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học như: HT.Thích Thanh Tứ, HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Thanh Điện, TT.Thích Thiện Hạnh… về các học giả như GS. Vũ Khiêu, GS. Cao Huy Thuần, GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu, PGS.TS. Ngô Văn Doanh, PGS.TS. Hoàng Thị Thơ, PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, PGS.TS. Trần Hồng Liên.

Cũng cần phải kể đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng với hàng loạt công trình nghiên cứu đăng tải dài kỳ trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học về: Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam; Về Ni giới Phật giáo Bắc Truyền; Về một số tăng, ni hữu công… Từ khi rời quân ngũ, nghỉ hưu, vị Đại tá quân đội đã dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu Phật giáo với nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận.

Kể từ năm 2012 đến nay, HT.Thích Gia Quang chính thức đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Đây cũng là thời điểm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng truyền thông đa phương tiện phát triển. Loai hình báo, Tạp chí truyền thống (được gọi là báo in) đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của loại hình báo, tạp chí mạng, trong tình hình đó, Hòa Thượng, Tổng Biên tập một mặt vẫn duy trì các chuyên mục đã định hình từ những năm trước đó, mặt khác Hòa thượng Tổng Biên tập từng bước cải tiến hình thức cũng như nội dung tạp chí. Các nhà nghiên cứu “gạo cội” trong và ngoài Giáo hội tiếp tục cộng tác vẫn là “xương sống” của tạp chí, mặt khác số cộng tác viên trẻ tuổi trong và ngoài Giáo hội ngày một đông đảo. Năm 2019 một Hội đồng Biên tập được thành lập gồm các nhà Tôn giáo học có những thành tựu nghiên cứu Phật học.

Bắt đầu từ thời gian này với tư cách Tổng Biên tập, Hòa thượng dành nhiều thời gian, trí tuệ viết nhiều bài chuyên sâu cho Tạp chí. Những bài viết của Hòa thượng rất đa dạng về thể tài về Giáo lý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua một số bài viết, Hòa thượng còn khéo léo truyền tải những suy tư mang định hướng cho Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn kết thúc bài “Bồ Tát Thích Quảng Đức” in trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4/2013 (121), Hòa Thượng viết: “Từ ngọn lửa Từ Bi, Vô Úy, Đại Hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức ta có thể rút ra bài học cho Phật giáo Việt Nam, đó là Phật giáo luôn gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là truyền thống đấu tranh vì độc lập tự do, vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội.

Vận mệnh của Phật giáo Việt Nam phải gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam và chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Phật giáo trường tồn trong lòng dân tộc như ước nguyện của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Có lẽ chính vì vậy mà đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp Dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo để Phật giáo Việt Nam không chỉ đáp ứng cho hàng triệu người dân về đời sống tín ngưỡng tinh thần mà còn được sự ngưỡng mộ của bạn bè khắp nơi trên thế giới”.

KẾT LUẬN.

Năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu Phật học tròn 30 tuổi. Tuổi 30 là tuổi tráng niên. Thành tựu mà Tạp chí đạt được đã chứng minh điều đó. So với hàng ngàn năm truyền thừa của Phật giáo Việt Nam thì chặng đường 30 năm chưa phải là dài, nhưng so với báo chí Phật giáo Việt Nam kể từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đến nay thì không phải là ngắn.

Nhìn nhận những gì đã làm được từ đó định hướng cho tương lai, hy vọng Tạp chí tiếp tục “Truyền đăng, Tục diệm” những tri thức Phật giáo cho các chúng phật tử cũng như đông đảo bạn đọc trong thời kỳ mới.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020