Tác giả: Thích Thánh Nghiêm Lớp Ths K.II - Học viện PGVN tại Huế
ĐẶT VẤN ĐỀ
Giáo dục là một hiện tượng xã hội mang tính đặc trưng của xã hội loài người, là sản phẩm của văn hóa và văn minh nhân loại. Giáo dục lấy con người làm trọng tâm và thiết lập hệ thống giáo dục với đầy đủ ba phương diện trí dục, thể dục và đức dục nhằm đào tạo những công dân có ích cho xã hội. Tùy vào từng quốc độ mà giáo dục đưa ra mục đích và quan điểm khác nhau, bởi vì việc đào tạo một con người như thế nào để được xem là có ích cho xã hội thì phải dựa trên những yêu cầu, quy chuẩn mà xã hội ấy đặt ra.
Những quan điểm giáo dục của cả phương Đông lẫn phương Tây đều là sản phẩm của tư duy hữu ngã, vì suy cho cùng thì việc xây dựng mẫu người giáo dục chính là gán cho con người một ngã tính thường hằng nào đó. Trong khi hoàn cảnh xã hội luôn biến động không ngừng, nguyện vọng và khả năng mỗi người một khác, thì việc đem quy chuẩn chung để giáo dục cho những con người cá biệt là vấn đề mà giáo dục cần phải xem xét.
Phật giáo trong quá trình tồn tại và phát triển đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và nhận thức của nhân loại. Điểm gặp gỡ giữa hệ thống giáo dục hiện đại và giáo dục Phật giáo chính là con người, lấy con người làm mục tiêu để đào tạo ra mẫu người lý tưởng trên cả hai phương diện tri thức và đạo đức.
Theo quan điểm của đạo Phật thì con người được tạo thành từ ngũ uẩn nên chẳng có một ngã tính thường hằng nào. Vì thế, giáo dục phải là giáo dục cho những con người vô ngã, không có chỗ cho những tư duy hữu ngã có thể phát sinh.
Phật giáo nhìn thẳng vào sự thật khổ đau của cuộc đời để thiết lập một lối đi mới không chỉ phát triển tri thức mà còn chuyển hóa nội tâm. Lối đi ấy bao gồm toàn bộ hệ thống giáo lý Phật Đà được thâu tóm qua ba môn học vô lậu Giới - Định - Tuệ; nhằm tạo ra những con người giải thoát với đầy đủ Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát, đưa con người vượt khỏi mọi khổ đau của cuộc đời và thực chứng trạng thái an lạc, hạnh phúc chân thật.
1. Một số vấn đề về giáo dục hiện nay
Ở mọi thời đại, giáo dục luôn là chính sách được ưu tiên hàng đầu tại các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, xã hội ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập toàn cầu, giáo dục lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng và mang tính quyết định đối với vận mệnh đất nước. Giáo dục không chỉ quyết định đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… mà còn trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, độc lập và tự chủ quốc gia. Do đó, hệ thống giáo dục hiện đại không ngừng được cải tiến để phù hợp với tình hình phát triển của thế giới nói chung và mục tiêu của từng quốc gia nói riêng.
Con người chính thức tiếp nhận sự giáo dục ngay từ lúc vừa chào đời. Môi trường giáo dục đầu tiên là từ sự giáo dục của gia đình mà trực tiếp nhất là sự dạy dỗ của cha mẹ. Họ là những người thầy đầu tiên, truyền dạy cho con cái những kiến thức cơ bản về cuộc sống cũng như các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội dựa theo kinh nghiệm cá nhân và những gì mà họ tích luỹ được.
Con cái còn được giáo dục thông qua nề nếp và thói quen sinh hoạt trong gia đình. Do đó, đối với một người, giáo dục gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó được xây dựng trên cơ sở của tình yêu thương giữa nghững người thân trong gia đình, vừa nghiêm khắc vừa bao dung nên dễ dàng tiếp nhận, ghi nhớ và làm theo.
Chính những điều này tạo tiền đề, để sau này khi kết hợp với giáo dục nhà trường, con người có thể nhanh chóng thích nghi, lĩnh hội tri thức nhân loại. Tuy nhiên, dưới những tác động của thời đại công nghiệp hóa, phần nhiều bậc phụ huynh chỉ mãi lo cơm áo gạo tiền, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Dần dần ý niệm về sự quan tâm, dạy dỗ con cái của họ cũng thay đổi theo. Chúng ta không đánh đồng tất cả, nhưng trên thực tế, độ tuổi đến trường của trẻ em ngày càng sớm. Trách nhiệm giáo dục lúc này được các bậc phụ huynh phó thác hoàn toàn cho nhà trường.
Giáo dục học đường được xem là môi trường giáo dục phổ cập của xã hội. Đào tạo con người trên cả ba phương diện trí dục, thể dục và đức dục. Tùy vào từng độ tuổi khác nhau để đưa ra các giáo trình dạy học có nội dung phù hợp theo từng cấp học khác nhau. Trong những năm gần đây, giáo dục nhà trường đã có nhiều tiến bộ trong việc cải cách nội dung dạy học. Việc phân khoa thành các chuyên ngành để đào tạo chuyên sâu theo nguyện vọng của người học được coi là bước tiến bộ vượt bậc của giáo dục. Mô hình đào tạo chuyên sâu không chỉ tồn tại ở các chương trình đại học và sau đại học nữa, mà đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường trung học phổ thông. Nhà trường cung cấp những kiến thức cơ bản nhất làm hành trang cho con người hòa nhập với xã hội; đồng thời, tạo ra nguồn nhân lực có đầy đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Nhưng cũng vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội mà hiện nay, trường học chỉ tập trung đào tạo người học về mặt kiến thức và kỹ năng.
Mục tiêu hướng đến chủ yếu nhắm vào bằng cấp, nghề nghiệp, mức lương… sau khi người học tốt nghiệp và tham gia vào các hoạt động kinh tế thị trường. Nội dung dạy học quá thiên trọng vấn đề trí dục mà xem nhẹ đức dục. Giáo dục đạo đức chỉ có trong bộ môn giáo dục công dân, được lồng ghép trong các tiết học hay trong nội quy nhà trường. Nó được xem là môn phụ, không quan trọng nên người học cũng chỉ học để hoàn thành chương trình đào tạo chứ không thực sự để tâm. Thêm vào đó là hướng giáo dục chủ động và tích cực cho người học được áp dụng một cách thái quá, người học được tự do thể hiện cái tôi cá nhân, khiến cho vai trò định hướng của người giáo viên bị suy giảm. Đây chính là nguyên nhân gây nên sự mất cân bằng giữa tri thức và đạo đức. Hậu quả là tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều. Học sinh hay thậm chí là nữ sinh đánh nhau không còn là chủ đề xa lạ trong xã hội. Một số học sinh trốn học chơi game, nghịch điện thoại trong giờ học, đã không chú tâm nghe giảng lại còn chọc phá không cho giáo viên giảng bài, gây ảnh hưởng đến những bạn xung quanh… Nghiêm trọng hơn là tình trạng học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội như móc túi, trộm cắp, cờ bạc, giết người cướp tài sản, sử dụng và buôn bán chất ma túy… Trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, báo đài đưa tin về các vụ án vi phạm pháp luật không thiếu những đối tượng ở độ tuổi vị thành niên, ở độ tuổi cắp sách đến trường. Những vấn nạn ấy đặt ra những thách thức, đòi hỏi giáo dục phải quan tâm và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Hướng giáo dục như thế nào mới thực sự hiệu quả và hoàn thiện là câu hỏi mà các nhà giáo dục cần phải tìm ra câu trả lời thích đáng.
Ngoài giáo dục gia đình và nhà trường, con người còn tiếp nhận sự giáo dục từ xã hội thông qua các hoạt động như lao động sản xuất, vui chơi giải trí, chính trị, văn hóa… Với vai trò là chủ thể nhận thức và khả năng tự giáo dục, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội và học hỏi từ những người xung quanh để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều có giá trị giáo dục đối với con người. Trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển, xã hội đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một nước được xem là cường quốc vì nước ấy mạnh về kinh tế, mạnh về quân sự. Xã hội phát triển được đánh giá trên cơ sở của các khu đô thị loại một, dựa vào mức thu nhập bình quân đầu người… Khi yếu tố vật chất mang tính quyết định, các giá trị tinh thần bị xem nhẹ và đi vào quên lãng là điều tất yếu. Hệ quả của nó là sự tha hóa về mặt đạo đức con người ngày càng trầm trọng. Các cuộc khủng bố, thảm sát, những vụ giết người hàng loạt với nhiều cách thức man rợ, vô nhân tính xảy ra gây bao đau thương cho nhân loại. Để khắc phục tình trạng này, pháp luật được ban hành, nội quy được ban hành; trại giáo dưỡng, nhà tù mở ra để áp chế những kẻ bạo loạn gây mất trật tự xã hội. Những biện pháp mang tính cưỡng chế như thế chỉ có hiệu quả tức thời chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm móng bạo động.
Tình trạng mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa tri thức và đạo đức đã gây ra nhiều xáo trộn, bế tắc trong xã hội. Nếu con người tiếp nhận sự giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn với mức lương cao hơn so với người khác thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt và trống rỗng vô cùng. Nếu chúng ta được đào tạo chỉ để trở thành những nhà nghiên cứu suốt ngày giam mình trong phòng thí nghiệm, trở thành những học giả suốt ngày chúi mũi vào sách vở thì chúng ta đang góp phần vào sự khốn cùng, khủng hoảng của thế giới.[1] Do đó mà nhiệm vụ của giáo dục lúc này là phải lấy lại sự cân bằng ấy. Hoạt động giáo dục thực chất là sự tương tác giữa người dạy và người học. Trong đó, sự tham gia tích cực, chủ động, tự giác của người học đóng vai trò quan trọng. Học viên vừa là người tiếp nhận giáo dục, vừa thực hiện chức năng tự giáo dục chính mình. Tuy nhiên, giáo viên cũng phải tự hoàn thiện nhân cách đạo đức để xứng đáng là bậc mô phạm cho mọi người noi theo. Nền giáo dục hiện đại phải kết hợp đồng bộ và nhịp nhàng giữa ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội thì mới có thể gặt hái được thành quả tốt nhất.
2. Giáo dục Phật giáo góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại
Đối tượng trọng tâm mà giáo dục hướng đến là con người. Cho nên, để xây dựng một hệ thống giáo dục, trước hết nhà giáo dục phải hiểu bản chất của con người và mục tiêu chính yếu của giáo dục là gì thì mới có thể hoàn thiện một cách toàn diện được. Con người là một cá thể độc lập nhưng được đặt trong các mối quan hệ của xã hội. Cho nên, muốn cân bằng xã hội trước phải cân bằng từng cá thể cấu thành nên xã hội ấy. Để làm được điều này, nhà sư phạm cần phải hiểu rõ con người là gì thì mới có thể quyết định nên dạy cho họ những gì và dạy như thế nào.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về con người được đưa ra tùy thuộc vào góc nhìn của các trường phái triết học, tôn giáo khác nhau. Nhân sinh quan Phật giáo cho rằng, con người là được tạo thành từ năm uẩn. Trong đó, sắc uẩn thuộc phần vật lý; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn thuộc phần tâm lý. Con người vật lý do cha mẹ sinh ra, được nuôi dưỡng nhờ thực phẩm, có y phục để mặc, có nhà để ở là những nhu cầu thiết yếu cho con người có cuộc sống tiện nghi và thoải mái. Con người tâm lý là những vấn đề liên quan đến tình cảm, tư tưởng và hơn hết là nhu cầu gửi gắm tâm linh, đặt niềm tin vào một lý tưởng sống nào đó. Tất cả điều này đều hướng đến mưu cầu một cuộc sống an yên và hạnh phúc.
Tiện nghi về vật chất cần thiết cho đời sống hạnh phúc, nhưng sự sáng suốt của tâm hồn mới là chìa khóa của hạnh phúc nhân sinh. Một nền giáo dục hiện đại được xem là toàn diện khi nền giáo dục ấy đào tạo ra những con người toàn diện. Theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện: “Một đường hướng giáo dục tốt luôn nhắm đến hai mục tiêu: đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Con người xã hội đáp ứng các nhu cầu xã hội như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, chính trị. Con người chính nó là con người toàn diện của vật lý, tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và trí tuệ đang trôi chảy. Một hệ thống giáo dục thiếu một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh”[2].
Từ nhận định này, chúng ta thấy rằng, hệ thống giáo dục hiện đại chưa được thiết lập một cách hoàn thiện. Lý do là vì giáo dục hiện đại chỉ đáp ứng được một mục tiêu là đào tạo con người xã hội. Trong khi đó, giáo dục Phật giáo đi sâu vào bản chất thực sự của con người nhằm đào tạo ra những con người toàn diện. Nếu khéo léo kết hợp giữa giáo dục hiện đại và giáo dục Phật giáo một cách khoa học thì có thể xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh cho mọi thế hệ. Chính khi ấy, con người lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống cũng như trong chính tâm hồn mình. Giáo dục lúc này mới thực sự có ý nghĩa, đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho con người và sự ổn định, phát triển hòa bình của thế giới.
Những nhà nghiên cứu giáo dục ra sức thiết lập các chế độ, chính sách, đường hướng phát triển các hệ thống giáo dục học đường, cải cách giáo dục cho phù hợp với nhu cầu của mỗi thời đại. Nhưng suy cho cùng thì những chế độ hay chính sách ấy đều là kết quả của tư duy hữu ngã, đã là tư duy hữu ngã thì nó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sẽ không còn phù hợp ở một thời đại khác. Cho nên, giáo dục phải luôn có sự cải tiến về nội dung cũng như phương pháp dạy học. Đã đến lúc, giáo dục của học đường cần phải tham khảo nền giáo dục Phật giáo đầy trí tuệ, nhân bản và thiết thực cho mọi thời đại. Bàn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã đề cập đến một số điểm nổi bật của giáo dục Phật giáo so với giáo dục học đường như:
“Vai trò tâm lý giáo dục của học đường chỉ giúp cho sinh viên, học sinh hiểu mình, tiếp cận với các lo âu, phiền muộn hằng ngày và biết cách nhất thời đi ra khỏi các lo âu, phiền muộn đó mà không thể loại trừ các lo âu, phiền muộn ra khỏi tâm thức, tâm lý. Giáo dục Phật giáo thì có thể.
Học đường chỉ giúp sinh viên, học sinh mở mang kiến thức và phát triển nhân cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì có thể giúp con người phát triển hiểu biết đến vô cùng, và phát triển nhân cách đến toàn thiện và toàn triệt.
Giáo dục học đường chỉ có thể giúp sinh viên, học sinh chế ngự các tâm lý vị kỷ, và mở rộng vị tha. Phật giáo có thể giúp con người loại trừ sạch các tâm lý vị kỷ, và phát triển tâm lý vị tha đến vô tận.
Học đường chỉ giúp con người mở ra các khả năng một cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì giới thiệu con người có một khả năng tâm lý vô hạn có thể khai mở qua trí tuệ và con đường thiền định: tại đây mở ra niềm tin và ngõ đường đi vào sáng tạo.
Học đường chỉ đề cập đến chỉ một cuộc sống hiện tại. Phật giáo thì giới thiệu nhiều kiếp sống qua nhiều cảnh giới, thiết lập niềm tin vào dòng sống đi vào an lạc lâu dài, bền vững.
Các lý thuyết và triết lý giáo dục đương đại có ngã tính, thế nào cũng đi vào khủng hoảng sớm hay muộn trước thực tại vô ngã tính. Giáo dục Phật giáo xiển dương sự thật duyên sinh, vô ngã nên không rơi vào khủng hoảng. Đây là giáo lý mà học đường đương đại có thể tham khảo để điều chỉnh các lý thuyết”[3].
Trong hoạt động giáo dục, vai trò và trách nhiệm của người học vô cùng quan trọng. Một hệ thống giáo dục đúng đắn, được thực thi bởi những nhà sư phạm tài ba, nhưng nếu người học không tự giác, không chủ động tiếp nhận sự giáo huấn thì việc giáo dục không mang lại kết quả. Hơn nữa, cuộc sống là của mỗi người, sống như thế nào là do cá nhân ấy quyết định và phải chịu trách nhiệm với những quyết định ấy. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị pháp luật trừng trị là điều tất yếu. Những điều luật định có tính răn đe cao và khá hiệu quả trong việc ổn định trật tự xã hội. Song pháp luật chỉ được thực thi sau khi sự việc đã xảy ra nên chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không thể giải quyết tận cùng của các vấn đề trong xã hội. Cho nên các tệ nạn xã hội vẫn tiếp diễn không ngừng trên hành tinh này. Do đó, cần phải giáo dục ý thức trách nhiệm cá nhân trước những suy nghĩ và hành động của mình. Đây là điểm mà giáo dục hiện đại vẫn chưa hoàn thiện. Giáo dục Phật giáo đã nhận ra và trình bày về giáo lý nhân quả-nghiệp báo cho nhân loại. Theo đạo Phật, con người do nghiệp cũ trong quá khứ mà sinh trong cuộc đời này; những hành nghiệp về thân, khẩu, ý của con người trong hiện tại là nghiệp mới. Vì vậy, Phật giáo chủ trương giáo dục về nghiệp cho con người ngay cả khi hành động ấy chưa xảy ra, trong lúc đang hành động và sau khi thực hiện hành động. Khi làm bất cứ việc gì, nói chuyện gì, nghĩ điều gì đều phải suy lường kỹ càng, xem xét kết quả của nó có đưa đến hại mình hay hại người hay không. Nếu kết quả đưa đến hoặc có hại cho mình, hoặc có hại cho người thì đó chính là nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả và phải thọ khổ báo thì phải từ bỏ chúng. Nếu kết quả đem lại không hại mình, cũng không hại người thì đó là nghiệp thiện, đưa đến lạc quả và sẽ thọ lạc báo thì hãy tiếp tục làm tăng trưởng những nghiệp thiện ấy[4]. Nếu giáo dục hiện đại có thể nắm bắt được điểm nổi bật này trong giáo dục của Phật giáo thì chắc chắn có thể chấm dứt hoàn toàn các tệ nạn và vấn đề tha hóa đạo đức trong xã hội ngày nay.
KẾT LUẬN
Qua những gì đã được trình bày, chúng ta thấy rằng, giáo dục hiện đại đã vận dụng tinh thần “khế cơ” trong giáo dục Phật giáo vào việc dạy học, vào việc chọn môn học, ngành học, nghề nghiệp cho học viên. Đồng thời, những tồn đọng mà giáo dục hiện đại đang loay hoay tìm hướng giải quyết đều hàm chứa trong giáo dục của Phật giáo. Chính vì thế, các nhà sư phạm cần phải nhìn nhận và đánh giá đạo Phật trên cả hai phương diện tư tưởng triết học và đường hướng giáo dục để thiết lập hệ thống giáo dục một cách toàn diện. Đến đây, chúng ta không sai khi nhận định rằng giáo dục Phật giáo góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại.
Giao điểm giữa hệ thống giáo dục hiện đại và giáo dục Phật giáo chính là con người. Lấy con người làm mục tiêu để đào tạo ra mẫu người lý tưởng trên cả hai phương diện tri thức và đạo đức. Con người ấy vừa có thể đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra, vừa có thể làm cho hạt giống tâm hồn nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu giáo dục phải thực sự ngồi lại phân tích, đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế của nền giáo dục đương thời. Từ đó tiếp thu và vận dụng một cách khéo léo những tư tưởng và đường hướng giáo dục của Phật giáo vào học đường, để thiết lập một hệ thống giáo dục toàn diện cho sự phát triển và nâng tầm tri thức nhân loại. Tiếp bước vào kỷ nguyên công nghệ, Phật giáo đã tận dụng những thành tựu kỹ thuật tiên tiến của nhân loại để mở rộng phạm vi cũng như tốc độ ảnh hưởng, đưa giáo lý Phật Đà tiếp cận với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của xã hội.
Tác giả: Thích Thánh Nghiêm Lớp Ths K.II - Học viện PGVN tại Huế
*** Chú thích: [1] J. Krishnamurti, Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống, Đinh Hồng Phúc biên dịch (2017), tr. 10. [2] Thích Chơn Thiện (2018), Phật Học Khái Luận, tr. 75-76. [3] Thích Chơn Thiện (2016), Trí Tuệ và Chân Thành, tr. 154-155. [4] Kinh Trung A Hàm I, Kinh La Hầu La số 14, Tuệ Sĩ dịch và chú (2019), tr. 113-116.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu (2004), Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2. Thích Chơn Thiện (2003), Giáo dục và giáo dục Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (lưu hành nội bộ). 3. Thích Chơn Thiện (2016), Trí Tuệ và Chân Thành, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 4. Thích Chơn Thiện (2016), Tư Tưởng Việt Nam Nhân Bản Thực Tại Luận, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 5. Thích Chơn Thiện (2018), Phật Học Khái Luận, Nxb. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. 6. Jiddu Krishnamurti, Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống, Đinh Hồng Phúc biên dịch (2017), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 7. Thích Nhật Từ biên tập (2019), Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh. 8. Thích Nhật Từ chủ biên (2019), Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. Hồng Đức,TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)