PGS.TS.Nguyễn Thị Yên Viện Nghiên cứu Văn hóa

Cuộc đời của vị sư tổ Trừng Lân Giác (1696 – 1733),  một nhà sư có nguồn gốc gia tộc chúa Trịnh tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Phật giáo giai đoạn Lê trung hưng mà còn ít người biết đến. Vì vậy việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ngài ngoài nhìn nhận, đánh giá các đóng góp của ngài đối với lịch sử Phật giáo thì qua đó còn góp phần tìm hiểu sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của tư tưởng cứu độ chúng sinh của ngài. Với ý nghĩa đó, dựa trên cơ sở các tư liệu đã có về cuộc đời và sự nghiệp của ngài, bài viết này sẽ hướng tới phân tích, đánh giá những di sản văn hóa tín ngưỡng liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ngài, trên cơ sở đó bàn về giá trị và việc bảo tồn, phát huy nó trong giai đoạn hiện nay.

1. Di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp Tổ Như Trừng Lân Giác

Với cách hiểu chung nhất, theo định nghĩa của UNESCO thì di sản văn hóa là bao gồm di sản của các hiện vật vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau[1]. Ở Việt Nam, Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 cũng đã xác định rõ di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó khái niệm di sản văn hóa vật thể được hiểu là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hoá phi vật thể được hiểu là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.[2]

Ta cũng biết rằng, bản thân các tôn giáo, tín ngưỡng vốn cũng được coi là một hình thức văn hóa đặc thù. Theo đó thì một hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nào đó trong quá trình hình thành và phát triển cũng đều tích hợp được các giá trị văn hóa khác nhau (như di tích, lễ hội, các thực hành nghi lễ kèm theo các loại hình nghệ thuật diễn xướng liên quan…) gọi là văn hóa tôn giáo/tín ngưỡng. Từ cách hiểu như vậy, có thể coi di sản văn hóa tôn giáo/tín ngưỡng là bao gồm cả di sản văn hóa vật thể (di tích, bia ký, tượng, đồ thờ tự, không gian thờ tự…) và phi vật thể (các bài kinh, thần tích, thần phả, lễ hội, thực hành nghi lễ, lễ hội, diễn xướng dân gian...). Nhìn từ góc độ di sản văn hóa tôn giáo/tín ngưỡng thì di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp Tổ Như Trừng Lân Giác như vậy cũng bao gồm các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đã hoặc đang tồn tại trong đời sống của người dân.

Về di sản văn hóa vật thể, trước hết phải kể đến hai di tích quan trọng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác là chùa Liên Phái và chùa Hàm Long. Chùa Liên Phái vốn là tư dinh của ngài tại huyện Thọ Xương ở phường Bạch Mai - Hà Nội, gắn với câu chuyện quân gia đào được một cọng sen lớn được coi như là điềm xuất gia để từ đó mà ngài “cải gia vi tự” (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông viện. Còn chùa Hàm Long thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc (nay  thuộc Tp Bắc Ninh) được coi là nơi ngài trụ trì cho đến khi viên tịch. Các tư liệu về cuộc đời ngài ít nhiều có sự sai biệt nhưng đều có điểm chung cơ bản là sau một thời gian xuất gia lên núi Yên Tử tu tập, ngài  khai tràng  thuyết pháp ở chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Sau đó ngài đến chùa Hàm Long trụ trì. Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732) ngài hóa ở chùa, di hài được rước về kinh[3]. Hiện nay tại các di tích này vẫn còn bảo lưu các di vật liên quan đến ngài như bia ký, tượng, bảo tháp,… Như vậy có thể coi chùa Liên Phái là di tích gắn với giai đoạn đầu trong cuộc đời tu hành của ngài, còn chùa Hàm Long gắn với sự nghiệp của ngài sau khi đã tu hành đắc quả tu hành.

Di sản văn hóa phi vật thể gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ngài khá phong phú, đa dạng. Trước hết phải kể đến các truyền ngôn trong dân gian về duyên nghiệp đã định liên quan đến qua mô típ sinh nở thần kỳ của ngài (ông thân sinh mơ thấy một cụ già mặc áo thụng xanh dắt một đồng tử đến cho, từ đó bà thân mẫu mang thai), tướng mạo phi phàm (trên trán ngài có góc hình như chữ nhật), đặc biệt là điềm báo xuất gia liên quan đến cọng sen về sau được gắn với sự hình thành phái thiền Liên Tông do ngài đặt ra. Đó là nội dung cuộc đời và sự nghiệp của ngài được ghi lại trên các bia ký, tiêu biểu là bia “Cứu sinh Trịnh tổ lục bi” hiện còn được lưu giữ trong khuôn viên chùa. Ngoài ra phải kể đến công lao in ấn kinh sách, dịch các bản kinh, soạn chú, sớ, chẳng hạn như biên soạn bằng thể lục bát bản “Xuất gia sư di quốc âm thập giới”. Đặc biệt với việc đắc pháp truyền tâm bản kinh “Thập nguyện” mà ngài được người đời tôn xưng là “Hòa thượng Cứu sinh”. Bên cạnh đó là các thực hành nghi lễ  cúng tổ với ý nghĩa tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của ngài được các đệ tử truyền lại thông qua Khoa cúng tổ Trịnh Hòa thượng do đệ tử của ngài là Thiền sư Thích Ngột Ngột soạn vào năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1742)[4].

Tam bảo chùa Liên Phái. Ảnh: St

2. Giá trị di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp Tổ Như Trừng Lân Giác

Có thể nhìn nhận giá trị di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp Tổ Như Trừng Lân Giác qua một số phương diện chính sau đây:

Giá trị lịch sử: Trong lịch sử Phật giáo, dưới thời Lê trung hưng, Phật giáo ở nước ta đã bắt đầu phục hưng và đóng vai trò quan trọng hơn trong xã hội, nhiều người trong hoàng tộc chúa Trịnh đã góp tiền, cúng ruộng và tham gia tu bổ chùa chiền, làm tượng thờ trong chùa. Chẳng hạn như chùa Hương Tích ở Hà Tây được chúa Trịnh cho xây dựng từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704) được lưu truyền gắn với truyền thuyết mẫu Liễu Hạnh quy y cửa Phật đi tu ở chùa Tuyết Sơn (Hương Sơn). Những ngôi chùa tiêu biểu khác được xây cất hoặc tu bổ trong thời kỳ này có chùa Phúc Long ở Gia Bình (Bắc Ninh) xây dựng thời chúa Trịnh Tráng, lâu ngày bị hỏng, được Trịnh Cương trùng tu năm 1719 tới năm 1725; chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm được tu bổ thời Trịnh Giang; chùa Thiên Tích và chùa Đại Bi tại kinh thành được xây thời Trịnh Sâm... Trong bố cảnh đó, có thể coi chùa Liên Tông (chùa Liên Phái ngày nay) được xây dựng năm 1726 trên tư dinh của Trịnh Thập - Tổ Như Trùng Lân Giác là một ngôi chùa tiêu biểu cho sự đóng góp của dòng tộc chúa Trịnh đối với sự trùng tu hoặc xây dựng các ngôi chùa ở địa bàn này trong lịch sử. Cụ thể, xung quanh khu vực chùa Liên Phái hiện nay có khá nhiều ngôi chùa ghi nhận có sự đóng góp trùng tu, tôn tạo của dòng tộc chúa Trịnh trong giai đoạn này. Chẳng hạn như chùa Long Khánh tục gọi chùa Quỳnh Lôi thuộc xã Quỳnh Lôi, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) là do Đồng đức công thần, Cấm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Thự vệ sự Phù Lương hầu Trịnh Tạc cùng phu nhân xuất tiền tu tạo vào các năm 1604 và 1606. Ngoài vị hội chủ này thì trong Văn bia trùng tu chùa Long Khánh còn khá nhiều người họ Trịnh tham gia công đức.[5] Theo truyền ngôn, hai pho tượng hai ông bà ngồi cạnh nhau đặt bên phải pho tượng Đức Ông chùa Quỳnh Lôi chính là tượng ông bà Trịnh Tạc.  Tiếp đến là chùa Thiện Khánh  tức chùa Mai Động (thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai nay) cũng được hai bà Quận chúa họ Trịnh là Vương Tử Hằng, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thánh và Vương tôn Quận chúa Trịnh Thị Ngọc đem tiền hưng công tu tạo vào năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680). Hai bà được lưu truyền công đức, được tạc tượng thờ, khắc bia gọi là hai bà “Chúa Đầm”[6]. Hoặc như chùa Nam Dư Thượng là do Vương phi chánh cung Nguyễn Thị Ngọc Tú, vợ Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng bỏ tiền xây dựng vào năm Vĩnh Tộ 4 (1622). Hiện nay trong hậu cung chùa có đặt tượng bà Nguyễn Thị Ngọc Tú được nhân dân tôn làm vua Bà. Như vậy, cùng với các ngôi chùa khác, sự hiện diện di tích chùa Liên Phái gắn với cuộc đời Tổ Như Trừng Lân Giác ở khu vực này đã góp phần cung cấp những tư liệu cụ thể, sinh động về đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác nói riêng và dòng họ chúa Trịnh nói chung đối với công cuộc phục hưng đạo Phật ở giai đoạn này. Nghiên cứu các giá trị di sản vật thể như lịch sử xây dựng, trùng tu di tích, bia ký, truyền ngôn, các pho tượng,…của chùa Liên Phái trong mối liên hệ với các ngôi chùa khác ở khu vực các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai ắt hẳn sẽ mang lại những tư liệu lịch sử về đặc điểm làng xã, môi trường tự nhiên và vai trò của tiền nhân trong việc chấn hưng Phật giáo ở khu vực này giai đoạn Lê – Trịnh.

Được biết phái thiền Liên Tông thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã phát triển khắp đất Bắc Hà, trở thành một phái thiền lớn nhất trong lịch sử nước ta.[7]Nghiên cứu di sản văn hóa tín ngưỡng từ cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác chắc hẳn sẽ đóng góp những tư liệu cần thiết đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói chung, lịch sử phái thiền Liên Tông nói riêng trong giai đoạn này.

Giá trị bảo tồn văn hóa tín ngưỡng tâm linh: Theo truyền lại, lúc sinh thời Tổ Như Trừng Lân Giác chứng kiến rất nhiều những cái chết liên tiếp trong gia đình và dòng họ trong một thời gian ngắn, ngày nay vẫn gọi là hiện tượng “trùng tang”. Theo đó, quan niệm dân gian cho rằng, khi người thân trong gia đình mất vào “giờ xấu” thì sẽ không siêu thoát được, mà đi lang thang, quỷ sứ bắt được sẽ tra tấn, bắt khai ra tên tuổi người nhà để đến bắt đi. Trong gia đình, chi họ sẽ có tang sự liên tiếp, hiện tượng đó gọi là trùng tang hay trùng tang liên táng. Chính vì lo sợ những điều chẳng lành, ngài đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang. Chính vì vậy, chùa Hàm Long ngày nay được coi là nơi có khả năng nhốt vong bị trùng nặng. Xung quanh việc “trấn trùng”, “nhốt vong” đã tạo nên các thực hành nghi lễ đặc trưng như khai phương - phá ngục và lễ giải oan - cắt kết là những nghi lễ truyền thống hiện vẫn lưu truyền phổ biến trong dân gian. Ta biết rằng quan niệm về sự tồn tại song song giữa thể xác và linh hồn hoặc quan niệm linh hồn tồn tại sau cái chết là quan niệm phổ biến ở mọi tộc người, đặc biệt vẫn còn sâu đậm ở các tộc người thiểu số Việt Nam. Ngày nay khoa học phát triển, nhiều hiện tượng tâm linh đã dần được giải thích dưới góc nhìn khoa học, chẳng hạn vấn đề linh hồn được xem xét như là sự tồn tại trường năng lượng, sóng điện từ của con người sau khi chết. Vì vậy, các hiện tượng tâm linh liên quan đến sự tồn tại linh hồn như hiện tượng trùng tang cùng các thực hành văn hóa như “gửi vong lên chùa”, nhất là thực hành nghi lễ “nhốt vong” và “cắt trùng tang” tương truyền gắn với sự nghiệp cứu độ chúng sinh của ngài chắc hẳn cũng sẽ phải được tiếp cận nghiên cứu như một hình thức văn hóa tâm linh đặc thù.

Giá trị trao truyền tư tưởng, đạo đức: Điểm nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác được nhiều người biết đến đó là ngài xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, từ bỏ cuộc sống nhung lụa để xuất gia tu hành sống cuộc đời khổ hạnh. Ngài được giáo dục nghiêm cẩn, học nhiều, hiểu sâu biết rộng nên rất quan tâm đến kinh sách. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ngài là “Xuất gia sa di luật nghi” (Xuất gia sa di quốc âm thập giới) với những nội dung diễn giải sinh động về thập giới của người tu hành[8] được diễn nôm theo thể lục bát đơn giản dễ hiểu[9]. Theo đánh giá thì ngài có ảnh hưởng rất đáng kể đến sự phát triển của dòng Lâm Tế ở Việt Nam. Theo đó, dòng Lâm Tế ở Việt Nam do Hòa thượng Chuyết Chuyết truyền đến nhưng người có công mở rộng địa bàn hoạt động, phải kể đến Tổ Như Trừng Lân Giác và ngài cũng là người Việt Nam duy nhất đặt tên nhà tổ trong khuôn viên chùa là Ly Trần viện.[10]

Tượng tổ Như Trừng Lân Giác được thờ tại chùa Liên Phái. Ảnh: St

Với vai trò là sư tổ của các ngôi chùa lớn và là trưởng của một môn phái, ngài đã trở thành một tấm gương sáng cho tinh thần hướng đạo được truyền tụng qua thơ ca, văn bia, văn cúng, đặc biệt là qua các bài tán, tụng của học trò ngài trong “Khoa cúng tổ Trịnh hòa thượng” mang tính giáo dục sâu sắc như:

Ngân, Hoàng sông lớn chảy tự nhiên, Bỏ lại quyền cao, nối đạo thiền. Trong, đục tâm không tròn thực tướng, Sa bà nguyện độ khắp từ ban. Rộng mở cõi Thiền triều âm động, Nô nức cửa chùa, Phật pháp hưng. Kế tổ, truyền đăng mãi bất diệt, Trời, người ca ngợi biết bao nhiêu[11].

Hoặc như ở  một bài tụng  khác ca ngợi:

Thanh tịnh thân này thực giác linh, Cao cao tọa tại Niết bàn thành. Xưa nay không vướng sa bà giới, Theo miết tâm kia sẽ chứng minh[12].

Các tư liệu còn cho biết, chùa Liên Phái sau khi được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, tính từ Tổ Như Trừng Lân Giác là vị sư tổ khai sáng đến nay thì lần lượt có 13 vị cao tăng trụ trì, trong đó nhiều vị đã xuất sắc kế tục sự nghiệp của ngài. Hòa thượng Trạm Công Tính Truyền tổ đời thứ 2 của chùa là người đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu đạo Phật, sau khi tu tập ở chùa Đỉnh Hổ Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) trở về ngài đã sưu tầm được hơn 300 bộ sách gồm hàng ngàn quyển đem về nước tuyển chọn cho khắc ván in để các chùa làm tài liệu học tập. Theo đó, chỉ trong vòng 10 năm (1736-1746) ngài đã cho khắc in được tới 6 bộ kinh Từ bi thủy sám khai pháp, năm 1739; Từ bi tam muội thủy sám kinh văn, năm 1739; Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện, năm 1739; Diệu pháp Liên Hoa Kinh, năm 1739; Tứ phần luật đại cương, năm 1746; Ngũ đăng hội nguyên, năm 1746. Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863) tổ đời thứ 7 chùa Liên Phái cũng là người học cao hiểu rộng, ngoài Phật học còn nghiên cứu tinh thông cả Nho học và Đạo học, được đánh giá là người có công lớn nhất trong việc biên soạn các văn bản Phật giáo lúc bấy giờ. Suốt cuộc đời ngài chuyên tâm vào việc hoằng dương đạo pháp và xây dựng chùa chiền, biên soạn khắc in kinh sách, đào tạo Tăng tài. Bộ sách Tại gia tu trì Đạo giáo nguyên lưu là bộ sách đặc biệt quý, giới thiệu khái quát về lịch sử ba tôn giáo (Thích, Nho, Đạo), đồng thời  giới thiệu khá đầy đủ về nghi thức tu trì của Phật tử hàng tại gia…[13]

3. Vấn đề bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác

Từ vài nét phác thảo cho thấy giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) từ cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác là rất đáng kể, đặc biệt là được truyền thừa và phát huy một cách xuất sắc bởi các thế hệ trụ trì chùa Liên Phái. Từ đây đặt ra một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị trị di sản văn hóa từ cuộc đời và sự nghiệp của ngài trong cuộc sống đương đại, bước đầu xin đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, hiện nay các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác còn rải rác, phân tán. Vì vậy việc tiến hành biên soạn một công trình sưu tầm và nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ về ngài trong cái nhìn tổng thể từ bối cảnh lịch sử xã hội đến tầm ảnh hưởng và sự truyền thừa phát huy cho đến ngày nay là một việc làm cần thiết để qua đó ghi nhận, đánh giá những đóng góp của ngài đối với lịch sử Phật giáo và đặc biệt là đối với đời sống tâm linh của người dân trong bối cảnh đương đại.

Thứ hai, về lâu dài nhà chùa nên có kế hoạch phối hợp với các nhà chuyên môn (như các nhà nghiên cứu Hán Nôm) để tiến hành sưu tầm, dịch thuật, xuất bản một cách hệ thống các công trình, tác phẩm tiêu biểu của Tổ Như Trừng Lân Giác và các đệ tử của ngài để làm tài liệu tham khảo và tra cứu cho quảng đại người đọc. Chẳng hạn như bộ kinh Thập nguyện cứu sinh của ngài hoặc như các cuốn sách quý của các đệ tử như bộ sách Tại gia tu trì Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền tổ đời thứ 7 chùa Liên Phái.

Thứ ba, các thực hành nghi lễ liên quan đến việc cắt trùng tang là một thực tế đã và đang diễn ra tại các ngôi chùa nổi tiếng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ngài như chùa Hàm Long, chùa Liên Phái. Vì vậy việc nghiên cứu nhằm đi đến một sự hiểu biết góp phần giải mã hiện tượng này dưới cái nhìn khách quan và khoa học là việc làm cần thiết, đồng thời qua đó cũng là một cách ghi nhận đóng góp và công lao cứu độ chúng sinh của ngài.

4. Kết luận

Nhìn lại lịch sử các triều đại trải từ Lý, Trần đến Lê – Trịnh cho thấy có không ít các nhân vật xuất thân trong các gia đình danh gia vọng tộc sẵn sàng rũ bỏ cuộc sống trần tục để xuất gia tu Phật, đóng góp cho việc hoằng dương Phật pháp mà điển hình là Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Cũng như vậy, hiện tượng nhiều vị hoàng hậu, công chúa vào chùa tu Phật, hoặc nghiên cứu giáo lý đạo Phật, hoặc bỏ tiền ruộng công đức vào chùa, được dân làng tôn thờ cũng là phổ biến qua các thời kỳ. Trong bối cảnh đó thì Tổ Như Trừng Lân Giác vốn xuất thân dòng dõi Trịnh tộc, là phò mã của vua Lê đã rũ bỏ công danh sự nghiệp để đi tu trở thành “Cứu sinh Trịnh tổ” được lưu truyền trong lịch sử Phật giáo, trong bia ký và trong thực hành tín ngưỡng dân gian cũng là một điển hình cho sự đóng góp của gia tộc chúa Trịnh đối với việc chấn hưng đạo Phật giai đoạn này.

Với ý nghĩa đó, việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hóa từ cuộc đời của Tổ Như Trừng Lân Giác không chỉ góp phần làm rõ sự đóng góp của ngài đối với lịch sử Phật giáo mà qua đó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy nó trong bối cảnh xã hội đương đại. Đây là công việc đòi hỏi sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, đặc biệt là tiếp cận nghiên cứu liên ngành.

PGS.TS.Nguyễn Thị Yên Viện Nghiên cứu Văn hóa ***

Tài liệu tham khảo chính:        

Nguyễn Quang Khải (2011), Chùa Hàm Long, Nxb, Văn hóa thông tin, Hà Nội. Luật Di sản Văn hóa, 2013. Thượng tọa Thích Gia Quang và PGS Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. https://ich.unesco.org/en/home Công ước UNESCO 2003 (bản dịch) https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/7331/vi-pho-ma-trieu-le-va http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478

Chú thích [1] https://ich.unesco.org/en/home [2] Luật Di sản Văn hóa, điều 1 và 4 chương 1, 2013 [3] Nguyễn Quang Khải (2011), tr.65-71 và tr.81-84 [4] Nguyễn Quang Khải (2011), tr.71, 92, 107.  [5] Theo “Văn bia trùng tu chùa Long Khánh”. [6] Theo bản dịch “Bia trùng tu chùa Thiện Khánh” lưu tại chùa. [7] https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/7331/vi-pho-ma-trieu-le-va-cau-chuyen-bien-nha-thanh-chua.html [8] Thập giới sa di gồm:  Bất sát: không được giết hại chúng sanh; Bất đạo: không được trộm cướp tài vật của người; Bất dâm: không được hành dâm dục; Bất vọng ngữ: không được nói dối…; Bất ẩm tửu: không được uống rượu; Bất trước hương hoa, anh lạc: không được xoa ướp hương hoa và đeo chuỗi ngọc; Bất ca vũ xướng kỷ: không được ca hát múa nhảy và đi xem nghe; Bất phi thời thực: không được ăn sái thời, tức ăn đúng giờ, đúng ngọ; Bất tróc trì sanh tượng, kim ngân, bảo vật: không được cầm giữ vàng bạc châu báu. [9] Thượng tọa Thích Gia Quang – Giáo sư Nguyễn Tá Nhí (2009), tr.42-56 [10] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 [11]  Nguyễn Quang Khải (2011), tr.108 [12]  Nguyễn Quang Khải (2011), tr.114 [13] Thượng tọa Thích Gia Quang – Giáo sư Nguyễn Tá Nhí (2009), tr.38-77.