Căn cứ kế hoạch xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2023, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ
Thực hiện Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành “Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo trình độ Thạc sĩ”; Quyết định số 463/QĐ-BGH ngày 09/12/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc Ban hành Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Căn cứ kế hoạch xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2023, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ gồm các, ngành:
- Tài chính – Ngân hàng Mã số: 8.340.201
- Quản lý Kinh tế Mã số: 8.310.110
- Quản lý Công Mã số: 8.340.403
- Quản trị kinh doanh Mã số: 8.340.101
- Kế toán Mã số: 8.340.301
- Kỹ thuật phần mềm Mã số: 8.480.103
- Công nghệ Thông tin Mã số: 8.480.201
- Hệ thống Thông tin Mã số: 8.480.104
- Ngôn ngữ Anh Mã số: 8.220.201
- Kiến trúc Mã số: 8.580.101
1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO:
Đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng nhằm giúp cho học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức ngành - chuyên ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; có kiến thức sâu, rộng, thực tiễn trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kỹ năng vận dụng kiến thức khoa học chuyên ngành vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phân tích, tổ chức quản trị và quản lý phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành - chuyên ngành được đào tạo.
2. CHỈ TIÊU TUYỂN SINH, HÌNH THỨC VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO:
2.1. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến: 550
2.2. Hình thức đào tạo: Chính quy.
2.3. Thời gian đào tạo: 02 năm.
3. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN:
3.1 Về văn bằng đại học:
Người dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ phải có các điều kiện sau đây :
a) Đã tốt nghiệp hoặc có đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học đúng ngành, hoặc phù hợp với ngành - chuyên ngành đăng ký dự tuyển.
b) Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành gần với ngành đăng ký dự tuyển trình độ thạc sĩ nếu cùng lĩnh vực đào tạo trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ hoặc Chương trình đào tạo của hai ngành này ở trình độ đại học khác nhau từ 10% đến 40% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình, hoặc tín chỉ của khối kiến thức chuyên môn của ngành đào tạo.
c) Bằng tốt nghiệp đại học các ngành khác, thí sinh phải học chuyển đổi 9 môn để tuyển vào các ngành: Quản lý Kinh tế; Quản lý công, Quản trị Kinh doanh.
d) Người có bằng đại học hệ vừa học vừa làm đúng ngành (hoặc ngành gần) loại khá trở lên được đăng ký dự tuyển cao học ngay sau khi tốt nghiệp. Người có bằng loại trung bình phải có kinh nghiệm ít nhất 1 năm công tác thực tế kể từ khi tốt nghiệp.
3.2. Về văn bằng ngoại ngữ:
a) Bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên có chương trình đào tạo được thực hiện chủ yếu bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp đã được Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
b) Bằng tốt nghiệp đại học của các trường đại học cấp trong thời gian không quá 2 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
c) Có năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (theo Phụ lục Thông tư số 23/2021/ TT – BGD&ĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ).
d) Trong trường hợp chưa có văn bằng ngoại ngữ nêu tại điểm a, b, c, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quá thời hạn thì ứng viên phải tham dự kỳ thi tuyển môn tiếng Anh đảm bảo xác định trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức thi theo quy định.
3.3. Có lý lịch bản thân rõ ràng (không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ cảnh cáo trở lên).
3.4 Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của trường.
3.5. Có đầy đủ sức khỏe để theo học.
4. Phương thức tuyển sinh và điều kiện trúng tuyển:
4.1. Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển kết hợp thi tuyển.
4.1.1. Thi tuyển:
Môn thi tuyển là môn tiếng Anh đảm bảo xác định trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trường hợp có văn bằng chứng chỉ theo thông báo tại điểm a, b, c mục 3.2 thì không phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào tại điểm a mục này.
4.1.2. Xét tuyển:
a) Bằng tốt nghiệp đại học
+ Loại Trung bình: Đạt 55 điểm + Loại Trung bình Khá: Đạt 60 điểm + Loại Giỏi: Đạt 65 điểm + Loại xuất sắc: Đạt 70 điểm
b) Điểm các bài báo – theo chất lượng các bài báo khoa học – tối đa 10 điểm
c) Điểm ưu tiên thời gian công tác theo quy định tại điểm a mục 5.2.1 dưới đây; cụ thể:
+ Từ 2 – 4 năm: 6 điểm + Từ 4 – dưới 6 năm: 8 điểm + Từ 6 năm trở lên: 10 điểm
d) Điểm ưu tiên tối đa là 10 điểm mỗi tiêu chí là 2 điểm theo các tiêu chí qui định tại điểm b,c,d,e,f, tại mục 5.2.1 dưới đây của thông báo.
4.2. Điều kiện trúng tuyển:
4.2.1. Nếu thi ngoại ngữ môn tiếng Anh: Đạt yêu cầu theo quy định chấm điểm trình độ tương đương bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
4.2.2. Xét tuyển:
Đạt từ yêu cầu tối thiểu tổng cộng 55 điểm trở lên.
Điểm trúng tuyển được lấy từ cao xuống thấp của điểm xét tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
5. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC.
5.1 Số ngành được đăng ký dự tuyển: Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành.
5.2 Các đối tượng và chính sách ưu tiên:
5.2.1 Đối tượng ưu tiên:
a) Người có thời gian công tác 02 năm liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển) tại các địa phương được quy định là Khu vực I trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Trong trường hợp này, thí sinh phải có quyết định tiếp nhận công tác hoặc điều động, biệt phái của cơ quan - tổ chức có thẩm quyền thì được tính cộng điểm xét tuyển.
b) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
c) Con liệt sĩ;
d) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động;
e) Người thuộc dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 2 năm trở lên ở địa phương được quy định là Khu vực I trong Qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.
f) Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, được ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học.
5.2.2 Chính sách ưu tiên:
Người dự tuyển thuộc đối tượng ưu tiên được cộng 02 điểm cho mỗi trường hợp.
6. HỒ SƠ TUYỂN SINH:
6.1 Hồ sơ: Theo mẫu quy định bán tại Viện Đào tạo Sau đại học của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Số 29A, ngõ 124, Phố Vĩnh Tuy, Phường Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ ngày 08/02/2023.
6.2 Thời gian nhận hồ sơ : Từ ngày 08/02/2023 đến hết ngày 20/12/2023.
6.3 Thời gian xét tuyển từng đợt theo quý.
Mọi thủ tục chi tiết xin liên hệ với Viện đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, điện thoại: 024.36339114. (0396969899)
Bình luận (0)