Vào dịp năm mới, nhà nhà lại rủ nhau đăng ký làm lễ cầu an, “dâng sao giải hạn”; hoặc đến cửa Đền, cửa Phủ nhờ các pháp sư, thầy cúng làm lễ “di cung hoán số” để thay đổi số mệnh; có bà có chị lại làm lễ “đội bát nhang” (còn gọi là “tôn nhang bản mệnh”) cho “nhẹ đường trần”, hóa giải mọi tai ương “căn cao số nặng” để tiêu tan đau ốm, bệnh tật…

Được biết một lễ cầu an, gia chủ phải tốn từ 300.1 đồng đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Phải nói ngay là, lễ “dâng sao giải hạn”, “di cung hoán số” hay tục “đội bát nhang” chỉ là tín ngưỡng dân gian của người Việt, không phải tín ngưỡng của Phật giáo.Tôi có suy nghĩ như sau:

- Một là: Những lễ này hầu như chỉ có tác dụng “hỗ trợ” về mặt tâm lý, giúp gia chủ an tâm (với niềm tin đã được Phật-Thánh phù hộ). Khi tâm bất loạn (không còn lo lắng) thì tinh thần sảng khoái, hồ hởi, trí óc minh mẫn hơn, làm việc gì cũng dễ thành công hơn.

- Hai là: Nếu các pháp sư, thầy cúng làm lễ như vậy mà thay đổi được cả số mệnh của thân chủ, hóa giải được xui xẻo thì chẳng lẽ các thầy này lại “quyền uy” hơn cả các bậc Tiên-Thánh sao?

- Ba là: Nếu mỗi lễ tốn kém bạc triệu như vậy mà thực sự hóa giải được tai ương, “căn cao số nặng” thì chẳng lẽ Thánh-Thần chỉ phù hộ người giàu, còn người nghèo không có tiền làm lễ thì suốt đời hoạn nạn cả sao? Dân gian có câu “Hoàng thiên hữu mục” (Ông Trời có mắt) cơ mà?

Vả lại, trong cuốn sách nhỏ “Tài sản không bao giờ mất”, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã viết: “Phật tử bây giờ có bệnh chờ chết mới nhờ thầy tụng kinh để được về Cực Lạc, điều đó tôi không tin trăm phần trăm. Vì sao? Bởi vì Phật đã dạy Nghiệp đã tạo thì nó dẫn mình đi, chớ không ai có khả năng dẫn ta cả.” (trang 34) và “Phật tử ngày nay chờ người thân sắp chết, thỉnh thầy đến cầu nguyện. Nhưng lại quên thầy có chứng được lục thông La hán chưa? Nếu quý thầy cũng phàm phu, chỉ khác là tu hơi kỹ hơn phật tử một chút, thì việc cầu nguyện ấy rất khó (có kết quả). Chi bằng chúng ta tu cho mình tốt hơn.” (trang 36-37).

Vậy chỉ có giác ngộ Phật pháp, hiểu biết luật Nghiệp, luật Nhân quả báo ứng-Nhân quả vay trả để biết cách ứng xử với cái xấu mới hóa giải được tai ương, hoạn nạn mà thôi.

Theo giáo lý nhà Phật thì mọi việc tốt-xấu, lành-dữ, hên-xui v..v.. đều do Nghiệp của chúng sinh được tạo tác từ nhiều đời trước trong quá khứ hoặc chính trong đời hiện tại. Nghiệp do 3 yếu tố tạo ra là Thân-Khẩu-Ý, trong đó Ý là cơ bản quyết định. Bởi Thân (hành động)-Khẩu (miệng nói) dễ thấy nên dễ điều khiển, dễ tránh cái xấu, còn Ý (suy nghĩ trong tâm) nên khó thấy, khó tránh, khó diệt trừ ý nghĩ xấu. Vì thế Ý trong mỗi chúng sinh cứ liên tục từng phút, từng giờ tạo ra Nghiệp thiện hay bất thiện mà mình không hay biết, do đó chúng sinh cứ mãi mãi di chuyển trong vòng luân hồi lục đạo…

Trong cuộc sống tốt nhất là thực hành theo lời đức Phật dạy: “Không làm mọi điều ác, nguyện làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh”. Phải nhớ “Mọi việc đều do tâm tạo ra” (Nhất thiết duy tâm tạo), tâm xấu thì thể hiện ở hành động (tức Thân) và lời nói (Khẩu) cũng xấu, cho nên phải tinh tấn thọ trì Ngũ giới và Thập thiện để tạo nghiệp lành, không tạo nghiệp ác do Thân-Khẩu-Ý gây ra. Như trong Kinh thư có viết: “Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng ương” (Làm điều thiện thì tốt lành đến, làm điều bất thiện thì tai ương đến”. Hoặc trong Kinh dịch cũng viết: “Tích thiện tất hữu dư khánh, tích bất thiện tất hữu dư ương” (Tích thiện thì niềm vui có thừa, tích bất thiện thì tai ương dư thừa). Tuy nhiên lời lẽ của thánh nhân chỉ bó hẹp từ đời hiện tại đến đời con cháu. Còn thiện ác theo giáo lý nhà Phật thì nhân quả phước-họa nối dài từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai nữa.

Nên chăng khi gặp hoạn nạn hoặc những điều không may trong cuộc sống thì đừng vội đi lễ hóa giải “căn cao số nặng” hay “đội bát nhang” v..v.., mà hãy đi chùa lễ Phật cầu sám hối diệt tội, sám hối sáu căn. Sám là nhận ra, hối là hối lỗi, hối cải. Sám hối hàm ý là nhận ra lỗi lầm, mong muốn sửa lỗi… Có thể đến chùa đăng ký để nhà chùa làm lễ sám hối cho, cũng có thể tự mình đi chùa lễ Phật.

Cũng nên hiểu là lễ sám hối chuyển nghiệp kết quả sẽ hiện hữu dần dần 1 trong 2 trường hợp sau đây:

1- Nếu trong quá khứ hoặc hiện tại đã tạo Nghiệp nhân ác mà ta không biết, hoặc biết mà không sám hối sớm, để nhân ác gặp Duyên đã tạo thành Quả báo (tai ương, nghịch cảnh…) mới lễ sám hối thì muộn rồi, vì quả báo đã hiện hữu thì không thể Chuyển nghiệp được nữa!

2- Nếu trong quá khứ hoặc hiện tại đã tạo Nghiệp nhân ác rồi, ta nhận ra lỗi lầm, làm lễ sám hối kịp thời thì Nghiệp nhân ác được hóa giải, không đơm thành Quả báo nữa. Như vậy là ta sẽ được chuyển nghiệp (không gặp tai ương, nghịch cảnh…).

Ngoài ra, có 2 trường hợp sau đây cũng có thể xảy ra:

1- Nếu Nghiệp chướng quá nặng (đã tạo nhiều việc ác…), mà sám hối lại quá ít, không đủ lực để diệt cái Nhân xấu to lớn kia thì Quả báo vẫn hình thành, hạn ách vẫn xảy ra, không thể Chuyển nghiệp được. Có chăng là nhờ thành tâm lễ Phật sám hối, được Phật độ cho thì hạn ách cũng nhẹ bớt mà thôi!

2- Một kẻ giết người man rợ, tuy chỉ gây ra một tội, nhưng lại là tội “Trời không dung, đất không tha” thì dù người nhà có đi lễ Phật sám hối tội lỗi hàng trăm lần, đức Phật cũng không “cứu” được kẻ thủ ác thoát án tử! Trường hợp này cũng không thể Chuyển nghiệp được vì Nghiệp chướng quá nặng!

Như vậy tốt nhất là chỉ làm việc lành để thọ hưởng quả phước, đừng làm việc ác rồi lại đi sám hối diệt tội. Bởi có những tội ác không thể hóa giải được như câu nói trong dân gian: “Ác giả ác báo”.

Tác giả: Vũ Tất Tiến Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2016 --------------

Chú thích (1): Ngũ nhãn là: 1.Nhục nhãn: mắt của thân xác. 2.Thiên nhãn: mắt của chư thiên trên cõi trời. 3.Huệ nhãn: mắt của các vị tu tập đắc đạo, nhờ dùng trí tuệ quán được Chân không vô tướng. 4.Pháp nhãn: mắt trí tuệ của chư vị Bồ tát, vì hóa độ chúng sinh nên nhìn thấy tất cả các pháp môn. 5. Phật nhãn: mắt của chư Phật.