Sáng 02/11/2024 (02/10/Giáp Thìn), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã có buổi nói chuyện về đề tài “Đạo Ông Bà là nền tảng văn hóa Việt Nam”.
Theo ông Trần Đình Sơn, Đạo Ông Bà hay tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên có mặt trong văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, trước khi các tôn giáo, hệ tư tưởng như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo truyền vào. Nho giáo không giải quyết được vấn đề đời sau, chỉ chú trọng hiện tại mà thôi; con người sống và phục vụ đời sống hiện tại, tập trung xây dựng một xã hội dựa trên cương thường, tránh bàn đến chuyện thần linh, ma quỷ. Lão giáo lại chủ trương siêu thoát thần tiên, tạm coi là đã tiết chế dục vọng, hướng tới một đời sống lành mạnh, gần với tự nhiên.
Riêng trong truyền thống Phật giáo, cái chết rất bình thường ngay từ ở Ấn Độ. Người chết rồi thì hỏa táng thả xuống sông, hay trên những vùng núi cao, người ta để xác cho chim ăn, tục đó vẫn duy trì cho đến hiện nay và họ cũng không có lăng mộ, đền đài. Tuy nhiên, khi các tôn giáo này du nhập vào Việt Nam, hầu như đều phải tôn trọng, không có sự phản bác nào với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thế kỷ XVII, khi đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam, tôn giáo này không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, chỉ đặt niềm tin và thờ phụng Thiên Chúa. Trong sách Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre de Rhodes, có một điều được nhắc đến đó là người theo đạo Thiên Chúa phải tuyệt đối gạt bỏ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Bởi lý do đó, những chính quyền quân chủ trước đây cấm đoán nghiêm ngặt đạo Thiên Chúa vì cho rằng tôn giáo này khiến cho quần chúng Việt Nam đánh mất đi cái gốc văn hóa.
Nói như vậy để thấy rõ, đối với người Việt, sự thờ cúng tổ tiên rất quan trọng, vượt ngoài phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo đơn thuần. Tam giáo Nho - Phật - Lão đều phải chấp nhận điều đó. Ngay tới sau này, Giáo hội Công giáo La Mã cũng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và có những cải cách cho phép tín hữu Công giáo Việt Nam được thờ cúng tổ tiên, phá bỏ bức tường ngăn cách người Việt với đạo Thiên Chúa.
Người Việt coi trọng việc phụng thờ ông bà cha mẹ nhiều đời sau khi thác cũng ngang với phụng dưỡng cha mẹ ông bà còn sống. Họ luôn bị chi phối bởi niềm tin rằng “sống ở, thác về”: Cõi âm của người chết là một thế giới chuyển tiếp từ cõi sống sang. Ông bà cha mẹ lìa đời thì trở về với tổ tiên họ tộc ở cõi âm, và dù có chết đi, vẫn quanh quẩn cùng con cháu. Từ đó mà có giỗ chạp, như một dịp để con cháu tưởng nhớ, làm những món ăn ngày xưa ông bà cha mẹ thích để dâng cúng. Ngày Tết, người ta tin ông bà cũng từ cõi âm về ăn Tết cùng con cháu, sáng pha trà tối dâng cơm như khi ông bà cha mẹ còn ở đời.
Phật giáo là một tôn giáo đã kết hợp với văn hóa Việt Nam qua quá trình lâu dài, biến chuyển và tạo nên những hình thái rất tốt đẹp, một trong số đó là cách thể hiện hiếu đạo. Đức Phật từng dạy rằng “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.
Người Việt tin theo Phật và trong thực tế, sau khi cha mẹ qua đời, người Việt làm tang ma linh đình, lễ nghi phức tạp, xây dựng mồ mả đẹp đẽ chính là cách họ thể hiện niềm tin của mình.
Dưới đời Lý-Trần, khi Phật giáo thịnh hành, lệ hỏa táng rất thông dụng. Từ đời Lê trở về sau, khi Nho giáo chiếm vị trí chủ đạo, người Việt không còn chấp nhận chuyện thiêu đốt thân xác sau khi qua đời nữa. Việc xây lăng mộ kiên cố, to lớn cũng xuất phát từ đây. Nương theo thời thế, Phật giáo dần coi nghi lễ là một phương tiện báo hiếu, lồng ghép sự cầu nguyện vào bên trong và tùy theo khả năng mà người đời dốc tận lực để thực hiện những nghi lễ đó nhằm báo hiếu tổ tiên, phụ mẫu.
Cũng bởi không ai muốn niềm tin đó đứt đoạn, nên việc thờ cúng tổ tiên, giữ gìn mồ mả với văn hóa Việt Nam rất được coi trọng. Người Việt có thể cả đời không đi chùa, thờ Phật, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ vẫn thỉnh nhà sư đến tụng kinh, cầu siêu độ, đó chính là cầu nối đem đạo Phật vào đời. Vấn vương suy nghĩ muốn báo hiếu, rất nhiều người chọn việc gửi di cốt ông bà cha mẹ vào chùa vì tin rằng ở đó, ông bà cha mẹ sẽ tiếp tục được gần gũi Phật pháp, nghe kinh kệ.
Tin ảnh: Trí Tâm
Nguồn: chuaxaloi.vn
Bình luận (0)