DẪN NHẬP: Đạo đức ngày nay khác xa đạo đức thời xưa. Từ chốn thiền môn, cho đến rộng ra ngoài đời sống xã hội, dường như vấn đề “Đạo Đức” luôn là nỗi lo chung của nhân loại... Hơn nữa, do ảnh hưởng của thời đại văn minh mà vấn đề đạo đức càng xuống cấp trầm trọng.

Có lẽ thấu được niềm đau và nỗi khổ của nhân sinh, nên giáo lý của đức Phật ra đời, bao giờ cũng là thiết thực trong đời sống, Ngài chỉ tuyên bố rằng: “Chư tỷ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”(1). Chân lý của đức Phật không phải bi quan hay tuyệt vọng, thay vào đó, chỉ ra nguyên nhân của khổ, mà con người đang mắc phải, rồi từ đó tìm ra phương pháp đoạn trừ khổ đau.

Tag: ngũ giới, đạo đức, đức Phật, nghiên cứu…

KHÁI NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC

1. Quan điểm triết gia phương Tây

Trong khi Aristoste đưa ra quan điểm rằng: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ đức tính của một con người... hạnh phúc đồng nghĩa với đạo đức”(2).

Socrate lại nhận định đạo đức thực tiễn là không lệ thuộc vào tôn giáo hay thần học: “Một nền đạo đức thực tiễn không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học, hoàn toàn thích hợp với con người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo thì xã hội có thể được ổn định mà không cần đến thần học”(3).

Bên cạnh đó, theo McGraw Hill Book đưa ra định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi lý trí, tình cảnh và ý chí”(4).

2. Quan điểm Phật giáo

Đức Phật dạy rằng: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”(5), với Phật giáo, trách nhiệm của tăng đoàn là phải truyền dạy chân lý của đức Phật nhằm làm lợi ích, hạnh phúc đến hết thảy chúng sinh. Cũng tiếp nối theo tinh thần Phật giáo, Hòa Thượng Thích Minh Châu nhận định: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi loài... nếp sống ấy phải được đem ra hành trì, không phải lễ bái, cầu xin”(6).

Theo Viện khoa học xã hội: “Đạo đức là hình thái ý thức xã hội bao gồm: Những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực xã hội nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ người và người”(7).

Người viết đưa ra nhiều quan điểm “khái niệm về đạo đức”, để thấy rằng đạo đức đóng vai trò chủ đạo và vị trí quan trọng đối với xã hội. Nếu cá nhân biết áp dụng năm điều giới vào đời sống hằng ngày, thì đã thiết lập một nếp sống an vui, hạnh phúc như những quan điểm vừa nêu. Người viết đúc kết bằng câu nói: “Nếu như trung và thứ là sợi chỉ màu xuyên suốt tư tưởng triết học của Khổng Phu Tử thì hạnh phúc và an lạc là cốt lõi, là hằng số bất biến của đạo đức Phật giáo”(8)

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO QUA NGŨ GIỚI

Năm điều đạo đức đối với cá nhân - xã hội

1. Năm điều đạo đức đối với cá nhân

Một cá nhân sống và thực hành năm nguyên tắc sống, sẽ tạo nên một con người có đức hạnh (hạnh kiểm). Trong lĩnh vực đạo đức, “đức hạnh” hay “hạnh kiểm” được sử dụng theo hai nghĩa khác nhau: (a) đức hạnh là phẩm chất của một cá nhân; (b) đức hạnh hay hạnh kiểm cũng là thói quen hành xử tương ứng với phẩm chất hay thiên hướng của một cá nhân.

Có ba loại phẩm chất

Thứ nhất: Phẩm chất chính trực, ngay thẳng. Phẩm chất này bao gồm thói quen thực hiện các bổn phận và phẩm chất của cá nhân dẫn đến hành động.

Thứ hai: Phẩm chất do hoàn cảnh. Loại này cần thiết đối với cá nhân có đức hạnh, tuy nhiên, nó cũng tìm thấy đối với những cá nhân xấu. Nó có thể có khuynh hướng làm gia tăng sự yếu kém của kẻ xấu.

Thứ ba: Phẩm chất rộng lượng hay hào phóng. Loại này chủ yếu là tình cảm và thường thêm vào đó một thứ gì không thể định nghĩa một cách nghiêm túc đối với những việc làm mà có thể đúng trong những khía cạnh khác, nhưng lại là bản chất của cái đẹp hay giá trị đạo đức nội tại.

Trong ba loại này, đức hạnh của phẩm chất chính trực là quan trọng nhất trong đời sống đạo đức. Hai đức hạnh (hoàn cảnh) và (rộng lượng) mang tính chất tình cảm. Nên người mang tính chính trực ít được số đông đồng tình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thực tập phẩm chất này, đó mới là một đức tính chân thật, dám nói dám làm. Còn hai phẩm chất thiên về tình cảm, hầu như ai cũng vậy, bản chất của chúng sinh thích những gì dễ nghe, ngọt ngào, ghét những gì trái ý nghịch lòng.

2. Năm điều đạo đức đối với xã hội

Mỗi cá nhân không thể tự nó tồn tại độc lập, mà các yếu tố đó do nhiều thành phần hợp lại ta gọi là duyên, để tạo nên tập thể cộng đồng trong xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội là tập hợp của các yếu tố cá nhân, khi một cá nhân hoàn thiện về đạo đức tức xã hội sẽ được tốt đẹp. Nhưng cá nhân không ai khác chính là chúng ta tự cải thiện chúng ta, thế nên: “Không một cá nhân nào khác có thể cứu độ, cải thiện chúng ta, chỉ có chúng ta mới có thể cải thiện chúng ta. Khi mỗi cá nhân của chúng ta đã được cải thiện, đã tự cải thiện thời đương nhiên gia đình chúng ta, học đường chúng ta, xã hội chúng ta, quốc gia chúng ta, cũng sẽ được cải tiến. Cá nhân tốt đẹp thời xã hội tốt đẹp, xã hội tốt đẹp thời cá nhân tốt đẹp. Thật sự không có một ranh giới giữa cá nhân và xã hội”(9)

Do đó, đạo đức Phật giáo đưa mỗi cá nhân hoàn thành về đạo đức chuẩn mực, và từng cá nhân thực hành theo năm nguyên tắc đạo đức Phật giáo tạo nên một xã hội bền vững. Có thể thấy rằng, đạo đức Phật giáo giống như sợi chỉ, các hành vi, ý thức và tiêu chuẩn thì giống như bông hoa, để sâu kết lại tạo nên một tràng hoa đẹp, tạo hình mẫu lý tưởng.

ỨNG DỤNG ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

Ta thấy rằng trong đời sống xã hội, việc kinh doanh buôn bán là tất yếu. Tuy nhiên, ngày nay xảy ra tình trạng mất tính đạo đức, vì lợi nhuận của bản thân, mà không chú trọng sức khỏe người khác như, tẩm hóa chất vào rau, củ, quả; hay tiêm loại thuốc làm giãn nở thịt động vật... nhiều vô số kể. Đó là chúng ta đang lừa dối người sử dụng, trái với đạo đức. Nói điển hình như thế, để thấy rằng, vấn đề đó, các cơ quan chức năng cũng lên án, và trừng phạt vì trái luật pháp.

Hay trong thời gian gần đây, cả thế giới đều hứng chịu dịch bệnh covid 19. Thế nên, người viết đưa ra từng giới liên quan covid 19 để thấy rõ vai trò của giới luật - đạo đức.

Thứ nhất “giới sát sinh”-trong đợt dịch bệnh vừa qua, lây lan trong cộng đồng, làm biết bao nhiêu sinh mạng bị chết. Người viết đưa ra hai trường hợp, mặc dù cả hai đều tiếp xúc với người bệnh, nhưng có người bị nhiễm, người không bị nhiễm. Nếu giải thích theo y khoa, người ta cho rằng do sức đề kháng của người kia cao hơn nên không bị dịch bệnh xâm nhập.

Thế nhưng, nói theo Phật giáo, còn do nghiệp của mỗi người đã tạo trong đời quá khứ. Đức Phật dạy trong kinh “Tiểu Nghiệp Phân Biệt - số 35” sở dĩ, chúng sinh sinh ra ở những nơi bị chiến tranh, giết chóc, hay vùng dịch như vậy, là do trong nhiều kiếp đã qua, chúng sinh ấy đã từng não hại chúng sinh bằng nhiều hình thức như gậy gộc, hay các loại vũ khí... Thế nên, giới đạo đức thứ nhất, nếu ai sống và thực hành đúng theo lời Phật dạy sẽ không đưa đến những khổ đau cho hiện tại.

Thứ hai “giới trộm cướp”- trong thời buổi khó khăn về dịch bệnh, nên nhu cầu về khẩu trang hết sức cần thiết cho cộng đồng, vậy mà có một số thành phần vì lợi dụng nhà tiêu dùng, tự ý tăng giá khẩu trang, hoặc các khẩu trang đã qua sử dụng, họ tái chế lại không rõ nguồn gốc, đưa vào thị trường. Những trường hợp này cũng là một loại trộm cướp gián tiếp, dẫn đến hậu quả chịu sự xử phạt theo luật pháp. Do đó, nếu xã hội biết áp dụng nguyên tắc thứ hai này, sẽ không nghĩ đến lợi ích cá nhân như thế.

Thứ ba “giới dâm dục”- dịch bệnh lây lan mạnh, nên việc tiếp xúc gần, hay qua nắm tay, hôn... sẽ là nguyên nhân phát bệnh. Do đó, nếu người sống với tinh thần Phật dạy, sẽ tự bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cho người khác.

Thứ tư “giới nói dối”- về dịch Covid 19, ai cũng được tuyên truyền rất kỹ về khả năng lây lan qua tiếp xúc gần. Có những thành phần đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nhưng khi cơ quan chức năng kêu gọi đến khai báo nhằm tránh ảnh hưởng lây lan rộng ra cộng đồng. Thế nhưng, do sự vô ý thức của bản thân, không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng, mà một số người khai báo không đúng sự thật, hay nói dối là không có triệu chứng, vì sợ sống đời sống bất tiện trong khu cách ly. Do đó, nếu biết áp dụng nguyên tắc đạo đức này vào đời sống hằng ngày, thì bệnh sẽ không lây lan rộng trong cộng đồng.

Thứ năm “giới uống rượu”- khi bệnh có diễn biến phức tạp, nhà nước ra công văn cho ngưng các hoạt động giải trí như quán bar, nhà hàng,... thế mà, vẫn có những người thờ ơ, vẫn tổ chức ăn nhậu, tiệc tùng, họ không ý thức rằng, khi ăn uống thì virus sẽ bám vào chén, đĩa rất dễ lây lan, hoặc khi ăn nhậu xong hát karaoke thì nước bọt sẽ dính vào micro cũng rất dễ lây lan.

Do đó năm Giới của người phật tử là năm giới đạo đức giúp cho bản thân và người xung quanh. Thế nên “nơi nào có giới luật, thì nơi đó có trí tuệ và nơi nào có trí tuệ, nơi đó có giới luật”. Giới luật có công năng tạo ra hạnh phúc cho con người. Nên việc làm của con người được biểu hiện qua thân, khẩu, nhưng quan trọng nhất là ý (tâm) dẫn đầu tất cả hành động dù thiện hay ác. Như vậy, mọi hành động có tác ý, trong Phật giáo gọi là nghiệp. Bởi đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.(10)

Thế nên, “Đạo đức Phật giáo qua ngũ giới” được xem như nguồn mạch của Phật pháp, bởi lẽ Phật pháp tồn tại hay biến mất phụ thuộc vào đạo đức giới hạnh. Theo tinh thần Phật giáo, các nguyên lý này dựa trên: từ bi, vô ngã , vị tha, vì “tất cả mọi xung đột, thù hận, sát hại, tàn phá, chiến tranh đều được hòa giải bởi đôi tay tình thương, trái tim nhân ái và khối ốc minh mẫn vì lợi ích của mỗi người, mỗi loài”(11). Hoặc “một ý nghĩa tích cực trong Phật giáo nữa, đó là giữ giới chính là bố thí: bố thí năm điều không sợ hãi và đem đến năm điều an lạc cho con người, cho xã hội”(12).

Quả thật, chính các bước thực hành này sẽ giúp mỗi người con Phật nuôi dưỡng tấm lòng lương thiện, ý nghĩ vị tha, đặc biệt quay về đời sống nội tâm soi sáng bản thân. Nếu hằng ngày, cơ thể chúng ta cần thức ăn để nuôi dưỡng thân thể, thì đối với tâm chúng ta cũng cần nuôi dưỡng bằng các thức ăn dành cho tâm, đó là các dưỡng chất của “giới - định - tuệ”.

Do đó, “giới - định - tuệ” chính là con đường trung đạo (Bát Chính Đạo). Điều quan trọng, tất cả giáo lý đức Phật dạy, hoặc các giới luật Phật chế, đều nhằm mục đích giúp hành giả nương vào đó để đi đến rốt ráo cứu cánh, ví như ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta nương vào ngón tay để thấy mặt trăng, đó là người có chính kiến.

Nên “hằng ngày chúng ta sống đạo đức, trong ý nghĩ, lời nói và việc làm, tức là chúng ta diệt khổ. Hằng ngày chúng ta siêng năng giữ vững chính niệm, suy xét đúng đắn, có quan điểm đứng đắn về cuộc đời, biết tập trung tư tưởng, tức là chúng ta diệt khổ”(13). Chính giới đức là nét đẹp từ bên trong tâm hồn thể hiện ra bên ngoài với hành giả thật tu, vì: “Hương thơm của hoa chỉ bay theo chiều gió, hương thơm của đạo đức tỏa ngát muôn phương, hương thơm các chân nhân tỏa khắp mọi chân trời”(14)

KẾT LUẬN

Luật tạng mang một vai trò vô cùng quan trọng, nói lên giá trị cốt lõi về đạo đức. Điều đó được khắc họa đậm nét qua câu nói của tác giả Damine Keown: “Vai trò của giới hạnh trở nên quan trọng, và hệ thống đạo đức Phật giáo nói chung như một đồng tiền hai mặt; một mặt là giới luật và mặt kia như chỉ là bản liệt kê những gì mà một người có đạo hạnh không bao giờ làm được”(15).

Giới chính là đạo đức, không chỉ áp dụng riêng cho Phật giáo, mà cho tất cả thành phần của xã hội. Tùy theo mỗi cá nhân mà có giới khác nhau. Đối với người tại gia, việc giữ gìn đạo đức giúp hoàn thiện về mặt nhân cách và phẩm chất của một con người, tuy nhiên với người đạt được cấp cao nhất của giới là giải thoát (Niết bàn) thì chứa đựng “từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha”.

Qua đề tài này, người viết chợt nhận ra “Sức mạnh của biển cả đâu phải ở những đợt sóng luôn luôn xao động và ồn ào, mà ở những lớp nước sâu thẳm, bình lặng. Tâm người cũng vậy, đâu chỉ có, chỉ là những rung động, cảm thọ ý nghĩ nối tiếp nhau không ngừng như một dòng nước chảy bất tận trên bình diện ý thức, mà tâm người cũng là cả một đại dương sâu thẳm, với những lớp, những tầng mà con người, vì lăng xăng hướng ngoại, cho nên không chú ý tới”(16).

Thích nữ Diệu Huệ - Chùa Dược Sư, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021

-------------------

CHÚ THÍCH: (1) Kinh Trung Bộ, tập 1, Thích Minh Châu, “Kinh Ví Dụ Con Rắn”, VNCPHVN: Nxb: Tôn giáo, 2012, tr. 185, (2) Thích Viên Trí, “Phật Giáo Qua Lăng Kính Xã Hội”, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 102 (3) Durant Will, “Câu Chuyện Triết Học”, 2014, tr. 35 (4) Thích Viên Trí, “Phật Giáo Qua Lăng Kính Xã Hội”, Nxb: Phương Đông, 2013, tr.101 (5) Kinh Tương Ưng, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), “Tương Ưng Ác Ma- Bẫy Sập”, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 178 (6) Thích Minh Châu, “Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Của Con Người”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr. 8 (7) Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự (2006), “Chuẩn Mực Đạo Đức Con Người Việt Nam Hiện Nay, Quân Đội Nhân Dân”, Hà Nội, tr. 9 (8) Giác Dũng, “Phật GiáoViệt Nam-Dân Tộc Việt Nam”, Hn: Nxb Tôn Giáo, 2003, tr. 3,4. (9) Thích Minh Châu, “Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi”, Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2012, tr. 68 (10) Thích Chơn Thiện, “Phật Học Khái Luận”, Nxb: Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 298 (11) Thích Trí Quảng, “Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển”, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 287 (12) Thích Viên Trí, “Phật Giáo Qua Lăng Kính Xã Hội”, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 109 (13) Minh Chi, “Các Vấn Đề Phật Học”, Nxb: Tphcm, Vncphvn, 1995, tr. 90 (14) Kinh Pháp Cú (15) Damine Keown, “Đạo Đức Học Phật Giáo”, Nguyễn Thanh Văn dịch, Nxb: Tri Thức, 2013, Tr. 29 (16) Thích Minh Châu, “Đạo Đức Học Phật Giáo”, Nxb: Tphcm, vncphvn, 1995, Tr. 34-35