Trang chủ Giáo HộiCác kỳ Đại hội Đại cương Chương trình hoạt động của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ II

Đại cương Chương trình hoạt động của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ II

Củng cố tinh thần thống nhất tổ chức và phát huy hiệu lực của Giáo hội, nhất là động viên hết hiệu lực lãnh đạo của cơ cấu Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ở Trung ương Giáo hội.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

ĐẠI CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM NHIỆM KỲ II

A. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ II là tạo mọi điều kiện để phát huy những khả năng của Giáo hội, kế thừa tốt đẹp hơn nữa truyền thống nhập thế sinh động của Phật giáo Việt Nam, thực hiện đoàn kết hòa hợp các bộ chúng trong Phật giáo, đoàn kết chặt chẽ giữa đạo và đời, đoàn kết hữu nghị giữa Phật giáo trong nước và quốc tế, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, hòa nhập mật thiết hơn nữa vào sự nghiệp chung của dân tộc đang đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công cuộc vận động cho hòa bình thế giới và sự tiến bộ xã hội.

Giáo hội cần tập hợp rộng rãi hơn nữa hàng giáo phẩm có đạo hạnh trong sáng và kiến giải sâu rộng về giáo lý, hàng ngũ trí thức Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, chung sức bồi bổ chương trình đào tạo và giáo dục Tăng, Ni, nâng cao trình độ Phật học, phát huy tinh hoa chính pháp, đào tạo một lớp Tăng, Ni có nhiệt tình và năng lực cho Trung ương Giáo hội và các Tỉnh, Thành hội, vừa nâng cao phẩm hạnh lớp Tăng, Ni hiện hữu vừa tạo thêm nhiều nhân tố mới, bồi dưỡng một lớp Tăng, Ni trẻ, vạch phương hướng cụ thể xây dựng nếp sống tu hành đảm bảo thực hiện tốt phương châm: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.

B. ĐẠI CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG

I. Thực hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp giữa các bộ chúng trong Phật giáo, đoàn kết chặt chẽ giữa Phật giáo và các thành phần xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó củng cố tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo.

1. Mỗi đơn vị Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo cần củng cố tinh thần hòa hợp và mối liên hệ mật thiết giữa các bộ chúng Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử trong các hoạt động của Giáo hội để mọi thành phần Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử không phân biệt màu sắc hệ phái đều gắn chặt với đơn vị Giáo hội tại địa phương.

2. Mỗi đơn vị Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo, phát huy vai trò tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam tại địa phương, thực hiện tốt chức năng thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, động viên cổ vũ Tăng, Ni, Phật tử nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc với các giới đồng bào trong địa phương để thống nhất hành động trong công việc phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Từng đơn vị Tỉnh hội, Thành hội phát huy trách nhiệm theo dõi các mặt hoạt động Phật sự và thắt chặt mối quan hệ giữ Ban Trị sự các tỉnh, Thành hội với chính quyền và Mặt trận địa phương để phối hợp giải quyết các trường hợp còn mắc mứu trong việc thực hiện các chính sách tôn giáo của Nhà nước và đề đạt giả quyết các nguyện chính đáng của Phật giáo tại địa phương.

II.Thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, phát huy tư tưởng tinh tuý và trong sáng trong nền giáo lý đạo Phật, chỉnh đốn các sinh hoạt tín ngưỡng trong tòng lâm tự viện, nghi lễ trang nghiêm, bài trừ các tập quán mê tín dị đoan.

1. Xây dựng một lớp giảng sư có trình độ Phật học, thực chất có tư duy chánh pháp, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có nhiệt tình phục vụ lợi ích cho đạo, cho đời để đảm trách việc thuyết giảng giáo lý cho tín đồ, giảng dạy tại các trường Phật học và các khoá An cư kiết Hạ hằng năm.

2. Phát huy tư tưởng giáo lý trong sáng của đạo Phật qua các bài giảng có nội dung phát huy chính pháp, có tính giáo dục Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo, thể hiện giáo pháp của đạo Phật trong việc xây dựng đời sống an lạc và thăng hoa con người, để hướng dẫn cho các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo diễn giảng tại các địa phương.

3. Thúc đẩy các hoạt động về văn hoá Phật giáo như:

– Thực hiện công trình biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam.

– Hướng dẫn các hoạt động văn hoá, báo chí và các hoạt động biên khảo, sáng tác thích hợp với nội dung tư tưởng chánh pháp và chủ nghĩa xã hội.

4. Tập trung khả năng của Giáo hội để xúc tiến thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

5. Soạn thảo nghi lễ đơn giản, trang nghiêm về các lễ tụng cầu nguyện như: cầu an, cầu siêu, sám hối, hai thời khoá tụng mà các khu vực địa phương có thể chấp nhận.

Soạn thảo nghi thức thống nhất về những ngày lễ chính trong Phật giáo:

– Nghi thức lễ Phật đản.

– Nghi thức lễ Vu Lan.

– Nghi thức lễ Phật thành Đạo.

6. Quy định cụ thể biện pháp bài trừ các hoạt động tà giáo mê tín tại các cơ sở tín ngưỡng đạo Phật, góp phần giáo dục Tăng, Ni và Phật tử xây dựng nếp sống đạo chân chính, phù hợp với nếp sống văn hoá mới của xã hội Việt Nam ngày nay.

III. Xây dựng và bồi bổ chương trình đào tạo giáo dục Tăng, Ni, đào tạo lớp Tăng Ni trẻ có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trình độ Phật học cao, có tri thức khoa học, để kế thừa việc truyền trì đạo mạch của Như Lai, đảm đương các hoạt động ở trong nước và tham gia các hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

1. Bổ sung và hoàn chỉnh chương trình giáo dục tại trường Cao cấp Phật học.

– Qui định phần trích giảng các bộ kinh, luật, luận cho các giảng viên biên soạn giáo án.

– Bổ sung vào chương trình giáo dục môn học lịch sử Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam, về công dân giáo dục, cụ thể là:

+ Hiến pháp và luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Nền kinh tế – chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Tình hình và nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện này.

+ Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

2. Chuẩn bị phương án cụ thể để sớm xin phép mở khoá mới cho Trường Cao cấp Phật học.

3. Hướng dẫn các Tỉnh hội, Thành hội có đông đảo Tăng Ni trẻ và có điều kiện thuận lợi xúc tiến xin phép mở trường Cơ bản Phật học để giúp cho Tăng, Ni trẻ có nơi học hành, mở mang kiến thức và am hiểu chính pháp đạo Phật.

Bổ sung và hoàn chỉnh chương trình tu học trong khoá An cư kiết Hạ hằng năm, vừa trưởng dưỡng đạo hạnh cho Tăng, Ni vừa đào tạo tại địa phương và các cơ sở tòng lâm, tự viện.

IV. Phát huy truyền thống yêu nước trong Tăng, Ni Phật tử Việt Nam, tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Vận động Tăng, Ni, Phật tử học tập quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và Mặt trận do Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra để:

– Tích cực hơn nữa trên mặt trận lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần thiết thực vào 3 chương trình kinh tế trọng điểm: Sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu phù hợp với những chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước.

– Hưởng ứng đóng góp tiền của và công lao động vào các công trình kinh tế trọng điểm tại địa phương.

– Tích cực tham gia xây dựng chính quyền, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội…

2. Giáo dục Tăng, Ni Phật tử xây dựng tình cảm ngày càng gắn chặt với quê hương đất nước, với đời sống cộng đồng dân tộc, thiết lập mối quan hệ từ vị trí ngôi chùa góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội trên địa bàn dân cư về các mặt sinh hoạt văn hoá văn nghệ, phúc lợi xã hội hay lao động sản xuất.

3. Cư sĩ Phật tử Việt Nam hòa nhập vào các đoàn thể quần chúng, khẳng định chỗ đứng của mình trong hàng ngũ dân tộc, biểu hiện đức tính trí dũng, giữ vững lòng tin và nhập thân hành động theo tinh thần vô ngã vị tha của người Phật tử chân chính.

V. Nghiên cứu và tổ chức các hình thức hoạt động về kinh tế xã hội và đời sống, giúp các cơ sở tòng lâm tự viện và Tăng, Ni kết hợp hài hòa nếp sống vừa tu học vừa lao động sản xuất, để đảm bảo những nhu cầu về vật chất trong đời sống hằng ngày và góp phần xây dựng đời sống no ấm cho nhân dân.

1. Phát triển hơn nữa chương trình kinh tế nhà chùa, mỗi cơ sở tòng lâm tự viện đều có một hoạt động sản xuất, để ổn định và cải thiện đời sống Tăng, Ni, trích phần nhỏ lợi nhuận đóng góp vào quỹ hoạt động cho Giáo hội.

2. Thiết lập chương trình hoạt động về y học dân tộc kế thừa Tổ nghiệp Thiền sư danh y Tuệ Tĩnh, trước mắt lập ra một vài thí điểm “Tuệ Tĩnh đường” ở những tỉnh, Thành hội trọng điểm, có điều kiện thuận lợi thực hiện kế hoạch hoạt động về thuốc dân tộc và từ đó nhân ra Tuệ Tĩnh đường trong cả nước.

3. Phát triển các công tác xã hội trong tinh thần vì tình thương và trách nhiệm, như ủng hộ thương binh liệt sĩ, thăm viếng uý lạo thương bệnh binh tại các bệnh viện dưỡng đường quân y, tham gia công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng.

4. Thiết lập dự án hoạt động xây dựng nguồn tài chính cho Giáo hội để tự túc kinh tế cho các hoạt động của Giáo hội, phù hợp với chủ trương kinh tế của Nhà nước.

VI. Mở rộng các hoạt động quốc tế của Giáo hội để vun đắp tình đồng đạo với Phật giáo các nước trên thế giới, tạo sự giao lưu về tư tưởng văn hoá Phật giáo Việt Nam với nguồn tư tưởng văn hoá Phật giáo trên thế giới, tăng cường tinh thần đoàn kết hữu nghị và đoàn kết quốc tế trong Phật giáo, góp sức vào công cuộc vận động cho nền hòa bình và sự sống thiêng liêng của loài người trên hành tinh này

1. Trước tiên là, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với Phật giáo các nước Lào, Campuchia, Liên Xô và Mông Cổ.

2. Tranh thủ tình cảm đồng đạo với Phật giáo các nước vùng Đông Nam Á và châu Á, tăng cường tinh thần đoàn kết thống nhất ý chí và hành động với các trung tâm quốc gia ABCP trên cùng trận tuyến đấu tranh cho mục tiêu hòa bình thế giới.

3. Có chương trình tổ chức đi thăm hữu nghị Phật giáo một số nước và đón tiếp thật tốt các đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm hữu nghị Phật giáo Việt Nam.

C. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra, Giáo hội cần phải:

– Củng cố tinh thần thống nhất tổ chức và phát huy hiệu lực của Giáo hội, nhất là động viên hết hiệu lực lãnh đạo của cơ cấu Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ở Trung ương Giáo hội.

– Đẩy mạnh hoạt động của các ban chuyên môn, phân công phân nhiệm và có chương trình hoạt động cụ thể thiết thực dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

– Tăng cường hiệu năng điều hành hoạt động của Văn phòng 1 và Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, cải tiến mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với các ban chuyên môn ở Trung ương, giữa cơ quan Trung ương Giáo hội với các đơn vị Tỉnh hội, Thành hội địa phương.

– Quan tâm đúng mức việc đào tạo và bồi dưỡng một lớp Tăng, Ni, Phật tử có đạo hạnh, có văn hoá, có trình độ Phật học, có năng lực hoạt động.

– Tranh thủ sự hướng dẫn giúp đỡ của các cơ quan lãnh đạo, của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các địa phương, để khẳng định chức năng, vai trò thành viên của Phật giáo đối với Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo hoạt động của các cấp Giáo hội nghiêm túc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước.

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012) – Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường