Trang chủ Chuyên đề Đặc điểm tư tưởng về Thiền của thiền sư Viên Chiếu thời Lý

Đặc điểm tư tưởng về Thiền của thiền sư Viên Chiếu thời Lý

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thiền sư Viên Chiếu là Đại sư, là Thiền sư, là cao tăng vĩ đại, có ảnh hưởng lớn lao với nền thiền học Việt Nam nói chung, thiền học thời Lý nói riêng. Theo ngài con đường tu tập đi đến giải thoát giác ngộ là phải tự thân mình nỗ lực thực hành.

Tác giả: Sư cô Thích nữ Giới Chân
Học viên cao học K.5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

1. Tiểu sử và đạo nghiệp của Thiền sư Viên Chiếu

Thiền sư Viên Chiếu vừa là bậc đại sư giác ngộ, vừa là thi sĩ tài hoa danh tiếng thời Lý của Việt Nam. Theo Thiền Uyển Tập Anh ghi chép, Thiền sư Viên Chiếu (999-1090), họ Mai tên Trực, sinh ra ở trên một vùng đất Phúc Đường, huyện Long Đàm (nay thuộc Thanh Trì, Thành phố Hà Nội), thuộc thế hệ thứ tám của dòng thiền Kiến Sơ tức dòng thiền Vô Ngôn Thông. Theo sách Việt sử lược cho rằng Linh Cảm thái hậu là mẹ của vua Lý Thánh Tông, có chép lại sự kiện: “Vua tôn mẹ là Mai thị làm Thái hậu Linh Cảm” [9, tr 101], như vậy có thể nói rằng sư là cháu gọi thái hậu Linh Cảm bằng cô ruột.

Thuở nhỏ, ngài bẩm chất thông minh, hiếu học. Cơ duyên đưa ngài đến với Phật pháp, một hôm có vị trưởng lão xem tướng cho ngài, rồi bảo rằng: “Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là người trong hàng thiện Bồ tát, bằng không thì việc thọ yểu khó đảm bảo” [6, tr 211]; Vì thế, ngài từ giã gia đình đến núi Ba Tiêu, xuất gia tu học theo thiền sư Định Hương (? – 1051), tại chùa Cảm Ứng, để nghiên cứu về thiền học.

Thiền sư chuyên tu trì kinh Viên Giác, với tên gọi đầy đủ là Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa. Kinh này một bản kinh quan trọng trong tư tưởng Đại thừa Phật giáo, trình bày pháp môn Đốn giáo. Kinh “gồm mười hai chương mục, mỗi chương có một vị Bồ tát đại diện đứng ra thưa hỏi và được Phật trả lời hướng dẫn tu rất rõ ràng” [4, tr 24]. Chính nhờ sự hành trì kinh một cách miên mật mà ngài đã thấu rõ được tam quán, tức là ba phép để đi vào định.

Thiền sư biên soạn tác phẩm Dược Sư thập nhị nguyện văn, sau đó được vua Lý Nhân Tông đưa bản thảo của tác phẩm này dâng vua Tống Triết Tông nhà Tống. Vua Triết Tông cho mời pháp sư Cao Tòa ở chùa Tướng Quốc tới xem. Sau khi xem xong, bèn chắp tay lạy nói rằng: “Nước Nam có vị Bồ tát sống xuất thế, thuyết giảng kinh pháp rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào” [5, tr 73]. Nhân cơ hội đó được nhà vua khen thưởng.

Tháng chín năm Canh Ngọ (1090), ngài gọi đệ tử đến và dạy: “Thân mình ta đây, xương thịt gân cốt đều do bốn đại hợp thành, tất không thể thường tồn được. Cũng như khi khung nhà đã hư hỏng thì rui, mè đều rơi rụng”. Các người hãy trân trọng lời kể của ta đây:

“Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cử thế thông tông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc không ẩn hiển nhậm thôi di”.
(Thân như tường vách đã lung lay,
Lật đật người đời, những xót thay.
Nếu được lòng người không sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay) [11, tr 293].

Nói bài kệ xong, ngài ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ 92 tuổi đời và 56 tuổi đạo. Theo Thiền uyển tập anh ghi nhận, sư từng sáng tác các tác phẩm như:

– Tán Viên giác Linh
– Thập nhị Bồ tát chứng đạo tràng
– Dược sư thập nhị nguyện văn
– Tham đồ hiển quyết.

Đáng tiếc ba tác phẩm quý giá trước hiện không còn, chỉ còn lại Tham đồ hiển quyết vẫn lưu truyền cho đến ngày nay. Tài năng văn chương thiên bẩm của thiền sư Viên Chiếu được nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã hết lời tán thán: “Vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất của thiền phái Vô Ngôn Tông là thiền sư Viên Chiếu” [2, tr 129]. Có thể nói rằng trong số các thiền sư nổi tiếng của thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền sư Viên Chiếu được xem là vị tài hoa bậc nhất với lối kết hợp việc sử dụng thi ca để chuyển tải thiền ngữ, và thiền sư đã sử dụng hình ảnh thi ca để truyền tải đạo lý thiền học đến với người học đạo, được các thiền sư trong thiền phái Vô Ngôn Thông sớm đã vận dụng, không phải đợi đến khi thiền sư Thảo Đường sang Việt Nam thì mới ảnh hưởng đến thiền học nói chung.

2. Tư tưởng Thiền của Thiền sư Viên Chiếu

Tinh thần dung hợp

Tham đồ hiển quyết là tác phẩm trình bày những yếu quyết của Phật pháp thể nhập vào thể tính chân như, chỉ rõ những bí quyết để giúp cho người học trò hiểu rõ hơn về đạo. Bên cạnh đó, tác phẩm thể hiện được tinh thần dung hợp giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Qua những cuộc tham vấn có thể giúp cho người học trò khai thông tâm trí hơn trên bước đường đi tìm cầu sự giác ngộ giải thoát. Bởi lẽ, trên con đường học đạo nếu có những vấn đề nào nan giải, thì cũng có thể đi tìm cầu những vị thiền sư đắc đạo để tham vấn. Hơn nữa, tác phẩm đề cao nội dung thiền học.

Căn cứ vào tài liệu An Nam chí lược của Lê Tắc thì Lê Mạnh Thát cho rằng: “Hai thoại ngữ Tắc dẫn như tiêu biểu cho nội dung và loại văn chương của Tham đồ hiển quyết, là hai thoại ngữ bắt đầu cho 116 thoại ngữ tiếp theo trong truyện Viên Chiếu. Như vậy, 118 thoại ngữ tự chúng có thể tạo thành một tác phẩm, và tác phẩm đó là Tham đồ hiển quyết” [7, tr 122].

Thoại đầu thiền ngữ thường được hiểu là một câu nói hay một mẫu đối thoại, nhằm khai mở tâm thức cho học trò, thường được dùng những hình ảnh sống động, cụ thể, rõ ràng, để trả lời câu hỏi do người học trò đưa ra, với mục đích là đưa người học trò trở về với thực tế hiện tại, ngay trong cuộc sống nay, không phải là vấn đề triết lý cao siêu. Chính vì vậy, bấy giờ với tư cách là một nhà tri thức của Phật giáo, ngài Viên Chiếu thấy rõ được đất nước đang có sự chuyển biến, ngài bước ra khỏi khuôn viên nhà chùa, đi vào xã hội nhập cuộc và đáp ứng nhu cầu mà xã hội lúc bấy giờ đòi hỏi. Tại đây, các vấn đề liên quan đến Phật giáo và Nho giáo lại được bắt đầu, từ khái niệm đến nội dung và đặc biệt là mối quan hệ dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo cần có cái nhìn mới.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thien Su Vien Chieu 1

Mở đầu tác phẩm Tham đồ hiển quyết, có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Viên Chiếu rằng: Phật và Thánh khác nhau ở chỗ nào? Thiền sư đáp:

篱 下 重 阳 ,菊。
枝 头 淑气 莺。
“Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh”.
(Trùng dương đến, cúc vàng dưới giậu
Xuân ấm về, oanh náu đầu cành) [11, tr 281]

Từ đó ý nghĩa Phật và Thánh được Thiền sư Viên Chiếu lý giải như mối quan hệ của Phật giáo và Nho giáo trong bối cảnh lịch sử nước ta lúc bấy giờ. Cụ thể hơn là mối quan hệ của Phật giáo và Nho giáo được xác định theo nhân duyên. Tùy theo tình hình đất nước mà Phật giáo và Nho giáo vận dụng linh hoạt nhằm đáp ứng tình thế đặt ra. Nếu được kiến giải theo ngôn ngữ thoại đầu bằng hình ảnh thi ca sống động, thì thiền sư Viên Chiếu ngụ ý Phật giáo và Nho giáo như hoa cúc và chim oanh. Hoa cúc là hình ảnh gợi nhớ đến mùa thu mới nở và tỏa ngát hương thơm, nhẹ nhàng pha chút ảm đạm phù hợp với không gian đầy ý vị của thiền. Chim oanh hót líu lo trên cành báo hiệu một mùa xuân sắp đến. Điều đó phải phụ thuộc vào thời tiết, như hoa cúc không thể nở vào mùa khác, và chim oanh cũng vậy. Nói theo nhà Phật, sự cấu thành của một sự vật hay sự việc đều phải đủ nhân duyên thời tiết, đúng thời điểm thì mới cho ra kết quả, cũng như đạt được thành tựu.

Thiền sư Viên Chiếu không chỉ mượn hình ảnh của hoa cúc hay chim oanh để nói về nhân duyên hiện hữu của nó, ngược lại đằng sau lớp ngôn ngữ thi ca ấy đang truyền tải một vấn đề hết sức nóng bỏng của xã hội lúc bấy giờ. Ngoài ra, tác giả mượn hai hình ảnh trên để nói lên tinh thần dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Tùy theo sự phân công hợp tác mà mỗi bên sẽ đảm nhận trọng trách sứ mệnh khác nhau, nhưng đều đi đến mục đích chung là phục vụ cho dân tộc và làm cho đất nước ngày càng hưng thịnh.

Câu trả lời bằng ngôn ngữ thi ca dường như người học trò chưa hiểu được ý nghĩa, vì thế thiền sư phải mượn hai hình ảnh khác để lý giải:

昼则金乌 照。
夜来 玉兔明。
“Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh”.
(Ngày vầng ô chiếu sáng,
Đêm bóng thỏ rạng soi) [11, tr 28].

Thiền sư Viên Chiếu vẫn trung thành với cách mượn hình ảnh ô hay bóng thỏ rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày để khai tâm cho học trò hiểu đạo. Ban ngày có mặt trời chiếu sáng, ban đêm có ánh trăng sáng soi, đó là sự phân công rất hợp lý của vũ trụ. Phật giáo và Nho giáo cũng được phân công hợp tác giống như mặt trời và mặt trăng vậy. Phật giáo hay Nho giáo đều có thế mạnh của nó, mà quan trọng là tùy theo yêu cầu lịch sử đất nước, phải biết phân công xử lý khéo léo phù hợp, đúng thời điểm mới đạt được diệu dụng. Ở đây thiền sư không phân công hay đề cập đến trách nhiệm, công việc của từng bên, mà phải dựa trên sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong thực tiễn của cuộc sống xã hội thời Lý.

Đến đây người học trò dường như đã bừng sáng tâm trí và biết vận dụng phù hợp các mối quan hệ vào trong công cuộc xây dựng đất nước. Vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm đối với từng cá nhân trong xã hội, nếu không khéo léo tinh vi sẽ không phát huy được sức mạnh, ảnh hưởng đến cục diện của đất nước. Sự nguy hiểm ấy như người bưng mâm nước trên chính đôi tay, không cẩn thận sẽ vấp ngã.

不慎 水盘 攀 满 去。
一遭 避 跌 悔何之。
“Bất thận thủy bàn kinh mãn khứ
Nhất tao tha điệt hối hà chi”
(Mâm nước đầy bưng đi bất cẩn,
Vấp ngã rồi, ân hận được sao?) [11, tr 282]

Quan điểm của Thiền sư Viên Chiếu qua đoạn đối thoại với người học trò, lý giải về mối quan hệ Phật giáo và Nho giáo trong bối cảnh xã hội thời Lý. Bấy giờ, cả hai đều góp phần bảo vệ hòa bình và xây dựng quốc gia ngày càng được hưng thịnh vững mạnh. Tinh thần dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo của Thiền sư Viên Chiếu đã tác động mạnh mẽ đến giới lãnh đạo nhà nước. Các nhà lãnh đạo thời Lý đã giải quyết ổn thỏa giữa mối quan hệ Phật giáo và Nho giáo, để khi bước sang thời Trần thì các mối quan hệ này đã đi vào quỹ ổn định.

Như vậy, nhà Lý đã rất khôn ngoan trong việc vận dụng khéo léo, linh hoạt giữa Phật giáo và Nho giáo trong việc đoàn kết ý chí, sức mạnh toàn dân phục vụ cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước về mọi mặt. Cả hai dòng tư tưởng nay đều có thể đáp ứng những yêu cầu quản lý xã hội, giải quyết những vấn đề thực tiễn lịch sử đề ra, dù là khác nhau nhưng lại có thể bổ sung, kết hợp với nhau ổn định đất nước.

Phật tại tâm

Lời tuyên bố của đức Phật sau bốn mươi chín năm ngài tham thiền, học đạo dưới cội Bồ Đề, và ngài đã xác chứng chắc chắn rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Chính vì thế trong mỗi chúng sinh ai ai cũng có Phật tính, cũng khả năng thành Phật, nhưng thành Phật nhanh hay chậm là do sự nổ lực tu tập tinh tấn chuyển hóa thân tâm thanh tịnh mỗi người.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang khái niệm Phật tính, định nghĩa như sau: “Bản tính đức Phật hoặc chỉ cho chủng tử nhân tính, khả năng thành Phật của chúng sinh” [1, tr 3658]. Như thiền sư trả lời người học trò rằng:

赠君千里 远
笑 把 一盛 茶
“Tặng quân thiên lý viễn
Tiếu bả nhất âu trà”.
(Tặng người nghìn dặm xa
Cười xách một bình trà) [11, tr 282]

Qua câu thơ trên, cho thấy việc học đạo đôi khi không cần phải quá cao siêu hay thần bí, chỉ cảm giác nhẹ nhàng nhưng đầy sự sâu sắc. Thiền sư Viên Chiếu đã nêu tả một cách rất khéo léo và đầy thiện xảo, giống như người đi xa ngặm dặn được người khách cười tặng một bình trà, vì vậy Thiền sư Viên Chiếu muốn hướng tâm học trò đến với thế giới hiện thực.

Phật tính không phải ở đâu xa, chính là hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta, nơi hàng trúc xanh xanh kia. Điều này nói lên rằng trong mỗi con người luôn có bản thể Phật tính thanh thịnh, nhưng để thấy được bản thể Phật tính ấy, thì mỗi con người cần phải nổ lực tu tập, quét sạch lớp vỏ vô minh ở ngay tâm trí, lúc đó Phật tính mới xuất hiện, còn nếu bị bao phủ kín bởi lớp vỏ vô minh thì khó có thể thấy được Phật tính.

Vì vậy muốn thấy được Phật tính người tu hành cần phải nổ lực tu tập, bất chấp mỗi khó khăn trên con đường học đạo. Người tham vấn cứ thế lại hỏi một câu khác: “Hết thảy chúng sinh, nói mình là Phật. Chưa thấu ngọn ngành, xin thầy dìu dắt”. Sư đáp:

劝君且务农桑去。
莫学他人待兔劳。
“Khuyến quân thả vụ nông tang khứ
Mạc học tha nhân đãi thố lao”.
(Khuyên người gắng việc nông tang
Học người chờ thỏ bên đường uổng công) [11, tr 285]

Bằng kinh nghiệm của một người tu hành chứng đạo Thiền sư Viên Chiếu đã khuyên người học trò mình nên quay về làm công việc bình thường công án ruộng nông, như thiền sư kể về thiên Ngũ đố trong Hàn Phi Tử nước Tống: “một hôm người làm nông gặp một con thỏ chạy vấp phải một gốc cây mà chết. Anh đem về làm thịt ăn. Hôm sau ra đồng, bỏ cả cày bừa, đến gốc cây ngồi đợi một con thỏ khác, nhưng cuối cùng vẫn không có con thỏ khác còn bị người nước Tống chê cười [3, tr 540]. Vì thế qua câu chuyện trên, thiền sư dạy rằng đừng chờ đời vào việc ăn may, vì việc đó có thể xảy ra ngày hôm nay mà chưa chắc ngày mai đã xảy ra. Vì hiểu và nắm bắt được tâm tư suy nghĩ của người học trò, thiền sư lo sợ học trò mình sẽ rơi vào tính tự mãn, chấp vào câu nói hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật, mà không lo tu tập, không tìm cầu giải thoát. Cho nên ngài mới khuyên hãy làm với những việc bình thường sáng suốt tĩnh lặng, tức là “bình thường tâm thị đạo”.

Quan điểm chân như-Phật tính trong tác phẩm Tham Đồ Hiển Quyết của Thiền sư Viên Chiếu

Đừng đi tìm kiếm Phật ở đâu xa xôi, vì Phật luôn hiện hữu trong mỗi người, khi tâm thanh tịnh, sáng suốt thì chính là tâm Phật. Cũng giống như người nông dân kia, tuy hằng ngày trồng rau, hái trái đi chăng nữa nhưng với cái tâm trong sạch, thanh thịnh, đó là tâm chư Phật hiện hữu. Nếu nghe nói hết thảy chúng sinh đều có thể thành Phật, mà không chịu nỗ lực công phu tu tập thì làm sao mà giải thoát được, như anh chàng ngồi ôm gốc cây đợi thỏ thì uổng công vô ích.

Sau đó vị tăng lại hỏi tiếp thiền sư, vậy: “Thấy được bản tính thì thành Phật, ý nghĩa câu đó thế nào?”. Sư đáp:

枯木逢春花竟发。
风吹千里馥神香。
“Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát
Phong xuy thiên lý phức thần hương”.
(Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân,
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần) [11, tr 285]

Qua đó cho thấy người học trò muốn hỏi ý nghĩa của câu, thấy được bản tính thành Phật, phải làm thế nào? Thiền sư trả lời bằng những hình ảnh hết sức sinh động như hoa và cành khô khi gặp mùa xuân vẫn có thể đâm chòi nở hoa. Từ những câu trả lời trên thì thông thường nghĩ rằng thiền sư trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi và cũng không thể hiểu được ý nghĩa mà thiền sư muốn truyền tải. Vì thế: “Đọc thơ thiền không phải chỉ đọc những gì ở ý nghĩa của ngôn ngữ thông thường mà là lĩnh hội trực tiếp thông điệp bằng cách lấy tâm hội tâm, không thông qua tư duy logic lý tính. Chỉ có như vậy mới có thể đọc được cách nói nghịch lý khác thường, phi logic, không thể thấy được trong cuộc sống” [8, tr 40]. Tuy nhiên ở đây thiền sư đã dùng hình ảnh nghịch lý với thiên nhiên, ví như cành khô gặp thời tiết xuân hoa sẽ nở. Cành đã khô dùng gặp thời tiết nào cũng vậy không bao giờ có thể nở hoa được. Vậy thiền sư đã dùng quy luật trái tự nhiên đó, để làm gây sự tò mò cho người học trò phải tư suy, “giống như luồng nội lực đả thông kinh mạch, khai nguồn cho dòng thác trí tuệ vụt lên” [8, tr 39]. Cành khô dụ cho người mê, bị vô minh phiền não chi phối, không thể thấy được Phật tính vốn hiện hữu trong chính mình. Ví như một cành khô khi gặp thời tiết mùa xuân vẫn có thể đâm chồi nảy lộc, vì bên trong cành khô ấy vẫn có mầm móng sống le lói, khi hội đủ nhân duyên thì sẽ hiện hữu trên cuộc đời. Như vậy dù là kẻ mê, hay bị phiền não chi phối, tâm vọng động, thì Phật tính vốn hiện hữu và tồn tại trong mỗi người, nếu cố gắng tu tập thì Phật tính sẽ hiển bày.

Sau đó vị tăng lại thưa: “Ơn thầy chỉ rõ trước sau, chung quy khỏi phải tìm đâu thêm phiền”. Sư đáp:

可怜遭一噎。
饥坐却忘餐。
“Khả lân tao nhất yết
Cơ tọa khước vong san”.
(Thương thay từng nghẹn một đôi lần
Đói lả ngồi ngây chẳng dám ăn) [11, tr 285]

Qua đây người học trò đã ngộ ra rằng, Phật tính không cần phải tìm cầu nơi nào khác mà chính ngay nơi bản thân mình. Thiền sư đã đưa ra ví dụ hình ảnh, như một người đói lả ngồi trước thức ăn mà không dám ăn. Cũng thể như người học trò cho rằng hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, không chịu nổ lực tu tập, không tìm cầu giải thoát mà muốn thành Phật thì làm sao được. Như người đói, đói ở đây là đói về sự công phu tu tập, mà lại muốn khao khát thành Phật. Thiền sư giảng đến đây, người học trò thốt lên rằng: “Của báu bao năm công góp nhặt, đến nay nhìn trước mắt rành rành”. Sư đáp:

祇待中秋月。
却遭云雨侵。
“Chỉ đãi trung thu nguyệt
Khước tao vân vũ xâm”.
(Những đợi trăng trung thu
Nào hay khuất mây mù) [11, tr 285]

Tới đây tưởng chừng người học trò đã hiểu được Phật tính vốn thanh tịnh nơi chính mình. Vì nhiều năm bao công góp nhặt của báu, nay đã được thấy rõ ràng, của báu ở đây ví như trăng trung thu, nhưng muốn thấy được trăng tròn và sáng nhất thì phải đợi đến trăng trung thu, nhưng nào ngờ đến ngày ấy thì trăng đã bị mây che khuất không thể nhìn thấy được. Ý thiền sư muốn nói với người học trò rằng, dù đã biết trong mỗi con người đều có Phật tính thanh tịnh song chưa sáng tỏ mà đã bị vô minh che lấp. Lời dạy thiền sư, người học trò vẫn chưa rõ nên xin thầy chỉ giáo lại, Ngài đáp:

聋人听琴响。
盲者望蟾蜍。
“Lủng nhân thính cầm hưởng
Manh giả vọng thiềm trừ”.
(Kẻ điếc nghe đàn cầm
Anh mù ngắm trăng rằm) [11, tr 286]

Ngôn ngữ thiền thoại đầu thật khó hiểu cho người sơ cơ, để hiểu được hết ý nghĩa khó như mò kim dưới biển. Thiền sư đã sử dụng những hình ảnh nghịch lý, xuyên suốt trong tác phẩm như hai hình ảnh kẻ điếc nghe đàn cầm và người mù ngắm trăng. Cũng có thể thấy đây là sư quở trách của thiền sư đối với người học trò. Bằng cả tâm huyết thiền sư muốn cho người học thấy được bản thể thanh tịnh vốn tiềm ẩn trong mỗi con người, nhưng người học trò vẫn chưa hiểu được ý nghĩa mà thiền sư muốn truyền trao là gì, cũng giống như hình ảnh người điếc nghe đàn, và người mù ngắm trăng vậy. Hiện tại cuộc sống đang phải đối mặt với nhiều nổi khổ niềm đau, nhưng muốn tìm lối thoát hay trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi đó là do chính ta quyết định. Có nhiều con đường dẫn đến vực sâu của khổ đau, nhưng chỉ có một con đường duy nhất đi đến giải thoát Niết Bàn đó chính là trở về con đường kiến tính thanh tịnh nơi chính mình. Như vậy tất cả chúng sinh đều có sẵn hạt giống Phật, nhưng thành Phật sớm hay muộn là do sự nỗ lực tu tập của chính mình.

Quan niệm về sinh tử

Xưa nay quan niệm về vấn đề sinh tử rất được nhiều người quan tâm, nhưng khó có ai lý giải một cách chính xác và đầy đủ. Sinh sinh tử tử giống như vòng bánh xe, chúng ta khó có thể biết được đâu là điểm khởi đầu, và đâu là điểm kết thúc. Vì trong điểm khởi đầu nó luôn hàm chứa điểm kết thúc và trong điểm kết thúc nó luôn ẩn tàng điểm khởi đầu. Cũng vậy, trong sinh luôn có tử và trong tử luôn có sinh. Trong nhà Phật gọi là nhân duyên, đầy đủ nhân duyên được sinh ra trên cuộc đời này, đến khi hết nhân duyên thì lại trở về với cát bụi, rồi lại tái sinh tiếp tục trở lại, xoay vần mãi như thế. Ngoài ra Thiền sư Viên Chiếu còn có quan niệm về vấn đề sinh tử, thông qua câu hỏi của người học trò như sau: “Hết thảy chúng sinh từ đâu tới, sau trăm năm tuổi đi về đâu?”. Sư liền trả lời:

盲,龟穿石壁
破盤 上高山。
“Manh quy xuyên thạch bích
Ba mết thượng cao sơn”
(Rùa mù xoi mãi vách non
Ba ba khập khễnh, leo hòn núi cao). [11, tr 282]

Người học trò muốn biết tất cả chúng sinh từ đâu đến và chết đi về đâu? Câu hỏi nghe qua tưởng chừng như dễ hiểu, nhưng khó có ai lý giải một cách chính xác và hợp lý được. Chính vì thế, thiền sư không trả lời trực tiếp bằng câu hỏi, hướng tâm học trò trở về với cuộc sống hiện thực, đó là hình ảnh con rùa mù và trạch què. Con rùa mù làm sao đi xuyên qua được vách núi, còn trạch què thì làm sao leo lên núi cao. Như vậy thiền sư đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ để lý giải sinh tử không có hồi kết một cách khéo léo, chính bản thân thiền sư cũng không thể nào biết được sinh tử từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu. Đây là vấn đề không liên quan đến con được tu tập giải thoát. Ngài chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến sự thật của khổ đau, và nguyên nhân của sự chấm dứt khổ đau. Còn câu hỏi trên sẽ được trả lời theo giáo lý nghiệp trong nhà Phật, nghĩa là mình gieo nhân nào thì gặp quả ấy, nghiệp thiện hay nghiệp ác sẽ dẫn đến quả báo tương ứng, cho nên có câu nói sinh ra từ bàn tay trắng và chết đi cũng trắng hai tay, chứ tiền tài danh vọng, vật chất không thể đem theo mình được, mà chỉ có phước hay nghiệp theo chúng ta mà thôi. Vì thế muốn biết nhân quá khứ thì hãy sẽ quả hiện tại, và muốn biết quả tương lai thì hãy xem nhân hiện tại. Tới đây người học trò lại hỏi tiếp: “Từ kiếp trống không sinh tứ đại, xin sư chỉ lối thoát vòng trần”. Sư đáp:

举世畜徒屖是宝。
食于荆棘卧于泥。
Cử thế súc đồ tê thị bảo
Xan ư kinh cức ngọa ư nê”.
(Muôn loài tê giác quý thay
Ăn trong gai góc, ngủ ngay trong bùn) [11, tr 288]

Người hỏi cho rằng thân tứ đại này trải qua rất nhiều kiếp, nay xin thiền sư chỉ dạy phương tiện để thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thiền sư lại mượn hình ảnh con tê gác là loài động vật rất quý hiếm nhưng thức ăn của nó toàn gai góc, ngủ thì ngủ trong bùn lầy. Dụng ý của thiền sư Viên Chiếu khuyên người tu hành, muốn thoát khỏi sinh tử thì phải trải qua mọi khó khăn gian khổ, tu tập và hành trì giáo pháp của đức Phật mới được thành tựu. Vì thế thân tứ đại này luôn vô thường biến hoại, nhưng chúng ta cũng phải nương tựa vào thân tứ đại đó để đi tìm an lạc giác ngộ giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại này.

Quan điểm về giải thoát

Trên lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ, không có con đường nào bằng chính tự bản thân mình nỗ lực tu tập chuyển hóa thân tâm, trau dồi giới đức, vì đức Phật đã từng tuyên bố: “Nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta cũng có một vị đó là vị giải thoát”. Đều giải thoát hay khổ đau là cho chính bản thân quyết định, chứ không ai có thể thay ta quyết định được, vì thế muốn giải thoát mọi khổ đau thì bản thân phải nổ lực tu tập, vượt qua mọi chướng duyên trên cuộc đời để đến bến bờ an vui giải thoát. “Nên tất cả các pháp môn do đức Phật nói ra đều có một mục đích duy nhất là giúp chúng sinh giải trừ được mọi khổ đau, phiền não đưa đến hạnh phúc chân thật cho chúng ta”[8, tr 111]. Như vậy thiền sư Viên Chiếu đã mượn hình ảnh thiên nhiên đầy sức sáng tạo để giúp cho người học trò vững bước hơn trên cuộc hành trình đi tìm giác ngộ giải thoát, giáo lý ấy giống như chiếc thuyền để giúp người qua sông. Cho nên người học trò lại đặt câu hỏi: “Qua sông phải dùng bè, đến bến bỏ thuyền ghe. Vậy lúc không sang sông thì làm thế nào?”. Sư đáp:

涸池鱼在陆。
获活万年春。
“Hạc trì ngư tại lục,
Hoạch hoạt vạn niên xuân”
(Cá trong ao cạn nước
Còn sống được muôn xuân) [11, tr 283]

Như khi thuyết pháp đức Phật thường sử dụng những hình ảnh ẩn dụ như ngón tay chỉ mặt trăng hay chiếc thuyền dùng để qua sông, nghĩa muốn nói là tất cả chúng sinh không nên bám víu hay chấp vào một giáo pháp nào cả, vì đó chỉ là phương tiện trên lộ trình tìm cầu giác ngộ, chứ không phải giải thoát cứu cánh. Người muốn qua sông thì phải dùng thuyền mới qua được bờ bên kia, qua sông rồi thì phải để thuyền lại, cũng vậy giáo pháp của đức Phật giống như chiếc thuyền, dùng để đi đến giải thoát giác ngộ, tới nơi rồi thì hãy bỏ chiếc thuyền xuống.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật có dạy: “Tỳ kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp” [9, tr 51]. Đồng thời kinh Viên Giác cũng nhấn mạnh: “Kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không phải là mặt trăng” [4, tr 328]. Người học trò thấy rõ tất cả các pháp chỉ là phương tiện giúp chúng sinh đi đến Niết bàn an vui giải thoát, như người qua sông phải dùng thuyền, nhưng ở đây người học trò lại đặt câu hỏi không sang sông thì làm thế nào? Ở đây thiền sư lại dùng hình ảnh cá trong ao cạn nước. Theo lẽ tự nhiên cá sống là phải nhờ nước, vì nước là sinh mạng sống của nó, vậy mà cạn nước cá vẫn sống được đến muôn xuân, đó là điều thật đáng khen. Cũng thế giáo pháp của đức Phật là phương tiện giúp cho chúng sinh tìm đến bến bờ an vui giải thoát, vậy mà người tu hành không cần thực hành theo giáo pháp của đức Phật dạy mà có thể giác ngộ giải thoát đó là điều thật đáng tôn kính. Vấn đề này được người học trò tham vấn thiền sư Viên Chiếu như sau: “Ngôn đạo ngữ đoán, ý nghĩa thế nào?”. Sư liền trả lời rằng:

角响随风穿竹到。
山岩带月过墙来。
“Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo
Sơn nham đới nguyệt quá tường lai”
(Xuyên rặng trúc, còi theo gió tới
Vượt bờ tường, núi đội trăng sang) [11, tr 288]

Theo cách hiểu trên thì “mọi ý nghĩa của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nghệ thuật không vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm, đương nhiên không thể diễn tả trọn vẹn chân lý tuyệt đối được” [8, tr 25]. Như vậy có thể hiểu ngôn đạo ngữ đoán không thể dùng lời nói hay ngôn ngữ để diễn đạt hết ý nghĩa chân lý giải thoát cứu cánh. Thiền sư Viên Chiếu dùng hình ảnh tiếng còi theo gió thổi xuyên qua các rặng trúc, vẫn đến được tai người nghe, còn trên đỉnh núi mặt trăng vượt qua bờ tường để chiếu ánh sánh khắp nhân gian. Chính vì thế chân lý luôn vượt qua tất cả các ngôn ngữ để đến với mọi người. Qua đây người học trò vẫn đang muốn tiếp tục quan tâm về vấn đề tu tập giải thoát nên mới hỏi thiền sư: “Thế nào là một lối thẳng đưa về cội nguồn của đại đạo?”. Thiền sư trả lời:

高,岸疾风知劲草,
邦家,版蕩识忠良
“Cao ngạn tật phong tri kình thảo
Bang gia bản đãng thức trung lương”
(Gió thốc bờ cao hay cỏ săn
Nước non chìm đắm biết trung thần) [11, tr 282]

Đại đạo là con đường lớn giúp hành giả thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống. Thiền sư Viên Chiếu không chỉ thẳng con đường đi đến giác ngộ giải thoát cho người học trò, mà thiền sư lại mượn hình ảnh ngọn cỏ, nếu ngọn cỏ muốn đứng vững trên bờ cao với sự mạnh của gió thì ngọn cỏ ấy phải vững mạnh và cứng chắc, còn nếu như ngọn cỏ đó yếu mềm thì sẽ bị ngã xuống đất. Cũng vậy khi đất nước bị xâm lược, thì những người khiếp nhược thường lo sợ chạy trốn hay ra đầu hàng, còn người những bậc anh hùng kiệt xuất thì ra bảo vệ chống giặc, dành lại đất nước. Qua đó mới hiểu được ai là người vì đất nước mà quên mình, vì nhân dân mà hi sinh. Chính vì thế, muốn đi đến con đường đại đạo, thì bản thân phải nỗ lực tu tập hành thiền để vượt qua mọi khó khăn chướng ngại, và hãy xả thân vì lợi ích nhân sinh, có như vậy mới đủ khả năng tìm đến cội nguồn của đại đạo.

3. Tạm kết

Thiền sư Viên Chiếu là Đại sư, là Thiền sư, là cao tăng vĩ đại, có ảnh hưởng lớn lao với nền thiền học Việt Nam nói chung, thiền học thời Lý nói riêng. Theo ngài con đường tu tập đi đến giải thoát giác ngộ là phải tự thân mình nỗ lực thực hành, tự thân trải nghiệm, biết kiên trì chịu đựng vượt qua mọi khó khăn thử thách, bằng cách lấy giáo lý của đức Phật làm kim chỉ nam. Con đường tìm cầu giác ngộ giải thoát theo giáo pháp của đức Phật Thích Ca và các vị tổ sư thiền gia là đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, vượt qua tất cả sự vướng mắc vào các ngôn ngữ văn tự, đi đến chân lý cứu cánh giải thoát, chân lý ấy không nằm ở đâu xa, chính là ở ngay trong tâm của mỗi người. Vì thế, chắc chắn rằng, nếu ai thực hành theo đúng những gì đức Phật và các vị tổ sư dạy thì sẽ được an lạc giải thoát ngay trong hiện tại, vượt thoát khổ đau nhiều kiếp trong sinh tử luân hồi.

Tác giả: Sư cô Thích nữ Giới Chân
Học viên cao học K.5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Cảnh (2011), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 7, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông.
3. Phan Ngọc (2005), Hàn Phi Tử, Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Thích Nhật Quang (2019), Kinh Viên Giác giảng giải, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
5. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (2014) (dịch và chú giải), Thiền uyển tập anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
6. Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên cứu Thiền uyển tập anh, Nxb Phương Đông.
7. Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 3, Nxb Phương Đông.
8. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Thích Thanh Từ (2019), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
10. Trần Quốc Vượng (dịch và chú giải) (2018), Việt sử lược, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
11. Viện Sử học (1977), Thơ Văn Lý – Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
12. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế ( 2022), Thiền học Việt Nam. Nxb Phụ nữ Việt Nam

Sự khác biệt giữa tư tưởng thiền học của thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ

Tìm hiểu về quan điểm và nhận thức của thiền sư Viên Chiếu

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường