Trang chủ Chuyên đề Cuộc đời Tôn giả MahāKassapa trong kinh điển Nikāya

Cuộc đời Tôn giả MahāKassapa trong kinh điển Nikāya

Phẩm chất khiêm cung và đạo hạnh của Ngài đã giúp chúng con biết hạ thấp bản ngã của mình khi tiếp xúc với các bậc trưởng thượng. Đời sống khổ hạnh, tri túc của Ngài tạo cho con thêm động lực để vượt qua những cám dỗ lợi danh giữa cuộc đời, tập sống hạnh biết đủ như lời dạy trong Kinh Di Giáo: “Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. bất chi túc chi nhân, tuy xứ thiên đường, diệt bất xưng ý”.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Phẩm chất khiêm cung và đạo hạnh của Ngài đã giúp chúng con biết hạ thấp bản ngã của mình khi tiếp xúc với các bậc trưởng thượng. Đời sống khổ hạnh, tri túc của Ngài tạo cho con thêm động lực để vượt qua những cám dỗ lợi danh giữa cuộc đời, tập sống hạnh biết đủ như lời dạy trong Kinh Di Giáo: “Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. bất chi túc chi nhân, tuy xứ thiên đường, diệt bất xưng ý”.

Tác giả: Thích Chúc Danh
Học viên lớp Cao học Phật giáo khóa VI, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Đức Phật nhập Niết bàn đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhưng pháp và luật do Ngài thuyết giảng, vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật nói riêng và toàn nhân loại trên thế giới nói chung. Được như vậy chính là nhờ sự kiết tập kinh điển và công lưu truyền của chư vị Thánh tăng. Đối với giáo đoàn, tài sản quý giá nhất là những lời Phật dạy, và sự truyền thừa chính pháp là điều thiết yếu sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn. Để Phật giáo được lưu truyền đến ngày nay không thể không nhắc đến công lao to lớn của Tôn giả MahàKassapa. Vì nghĩ đến tương lai Đạo Pháp, vì thương tưởng cho đàn hậu học, với sự quyết đoán, Ngài đã chủ trì cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất để đúc kết lại những giáo điển thâm sâu mà đức Phật đã dạy.

Ngoài ra, Ngài còn được biết đến như một vị Sa-môn với hạnh đầu đà đệ nhất, một bậc ẩn sĩ thượng thừa trong hàng xuất gia.

Mahakashyapa

Tôn giả MahāKassapa

Tôn giả MahāKassapa nổi bật trong Tăng đoàn khi vắng bóng Bổn Sư. Ngài có bảy trong ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân, và được Như Lai ca ngợi về những sự chứng đắc trong thiền định. Ngài là vị tăng duy nhất có danh dự được trao đổi y với đức Phật.

Cuộc đời của Ngài đã dâng hiến trọn vẹn cho giáo pháp, những danh thơm tiếng tốt không chạm tới được Ngài và gây ô nhiễm, Ngài nhận rõ những gì đạt được và gặt hái đều nhờ ơn pháp. Tôn giả đã sống với thái độ khiêm cung thuần hậu, phạm hạnh giản dị tri túc, với sự đóng góp to lớn trong Tăng đoàn. Từ đó, có thể nhận biết những suy nghĩ và sự hiểu biết của mình về những hành trạng và công lao to lớn của Ngài đã cống hiến cho Phật pháp. Thật vậy, không một bút mực nào có thể diễn tả hết công hạnh của MahāKassapa. Qua đó, bài viết này sẽ khắc họa lại bức tranh sinh động, chân thật về cuộc đời Tôn giả MahāKassapa, bao gồm sự diện kiến Đức Thế tôn, phẩm hạnh, sự kiết tập kinh điển và nhập diệt của Ngài.

NỘI DUNG

Nói về niên đại của Tôn giả MahāKassapa, trong kinh Nikāya đã đề cập đến vấn đề này một cách chi tiết, có một số học giả hiện đại đưa ra giai đoạn cuộc đời của Ngài. Theo nguồn Holy people of the world – bách khoa toàn thư về những Thánh nhân quan trọng nhất trong lịch sử cho rằng: “Ngài sinh ra đặt tên là Pippali trong một gia đình Bà- la- môn ở một ngôi làng tên là Mahātittha, thuộc vương quốc Magadha, Ấn Độ ngày nay”[1]. Đồng nghĩa với quan điểm trên, Dictionary of pali proper names cho rằng: “Ông sinh ra trong làng Bà la môn Mahàtittha ở Magadha; cha ông là Kappali, mẹ là Sumanàdevì. Ông được đặt tên là Pappali”[2]. Theo quyển Suối nguồn diệu giác, Thích Thanh Quang cho biết thêm: “Ngài lớn tuổi hơn Đức Phật”[3]. Khi mới sinh ra, Pippali có điểm khác thường so với người bình thường, điều này trong Princeton Dictionary of Buddhism ghi lại rất rõ: “Thân hình của Ngài có một số đặc điểm trong số ba mươi hai đặc điểm của một Người vĩ đại mà trong Phật giáo được coi là đặc điểm của một vị Phật tương lai”[4]. Cũng có chi tiết nói Ngài có bảy tướng tốt trong ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật.

Lớn lên Ngài không chịu lập gia đình, dự định sau khi cha mẹ qua đời sẽ xuất gia. Nhưng cha mẹ càng ngày càng già, muốn thấy con mình có vợ con ổn định mới yên.

Trong Kinh Tiểu Bộ nói rằng, khi đó Pippala đã khởi lên suy nghĩ: “Để làm cho bà mẹ bằng lòng, Ngài cho làm tượng một thiếu nữ trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồng trang sức, và nói với bà mẹ rằng nếu bà tìm cho được một thiếu nữ như vậy, Ngài sẽ chịu lập gia đình”[5]. Vì nghĩ rằng trên đời này không có một thiếu nữ nào đẹp như bức tượng vàng, nên Ngài có thể xuất gia theo lý tưởng của mình đã lập ra từ trước. Tuy nhiên, gia đình đã cho một vị Bà-la-môn đem bức tượng đi tìm khắp nơi mong sao có người giống vậy.

Nhân duyên đã đến, họ đến Sāgala, gặp được Bhaddà giống như bức tượng bằng vàng, liền đưa tin về Kapila. Nhưng cả Pippali-mānava và Bhaddā đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau nói rõ quyết định của mình. Tuy nhiên, hai bức thư đã bị đánh tráo giữa đường, do vậy đám cưới được cử hành. Nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau bằng một giấy hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, cả hai quyết định cùng nhau xuất gia[6].

Tuy hôn lễ đã được cử hành nhưng hai người chưa bao giờ đụng vào thân thể của nhau. Đến khi cha mẹ mất, cả hai tự cắt tóc, đắp y, mỗi người đi một hướng.”Hai người đi theo con đường riêng của họ, để không phát triển bất kỳ sự gắn bó nào với nhau, và để ngăn chặn những lời đàm tiếu và nói xấu”[7].

Do đó, Bhaddā cung kính đi nhiễu ba vòng quanh Pippala, sụp đầu lạy dưới chân Pippala thưa rằng: “Nghĩa đồng hành, tình bằng hữu thắm thiết của chúng ta, từ lâu vô lượng kiếp, đã đến lúc kết thúc. Xin Ngài đi đường bên tay phải. Bhaddā đi về hướng trái”. Bởi sức mạnh giới đức và đại nguyện như vậy, trong Kinh Tiểu Bộ có miêu tả: “Trước giới đức như vậy, quả đất rung động”[8]. Đây là một sự kiện hy hữu, hiếm thấy, để lại dấu ấn thiêng liêng, đáng được đời sau nhắc đến.

Bàn về sự kiện Pippala tìm gặp đức Phật, đức Phật lúc bấy giờ cũng cảm nhận sự chấn động này và biết được có một môn đệ xuất chúng đang tìm đến Ngài cầu đạo. Trong Maha Buddhavamsa cho rằng: “Ngài ra khỏi hương phòng, tự mình mang y bát, và không bảo bất cứ ai trong tám mươi đại đệ tử đi chung, Ngài một mình đi một quãng đường dài ba gafvuta để tiếp đón vị ấy. Ngài ngồi kiết già dưới gốc cây Banyan có tên Bahaputtaka, nằm giữa Ràjagaha và Nàlanda”[9], chờ người đệ tử trong tương lai đang đến gần. Đức Phật ngồi đó không giống như người đạo sĩ bình thường, Ngài an nhiên tĩnh tọa với ba mươi hai vẻ đẹp của bậc đại hiền trí, Ngài tỏa hào quang chiếu sáng một vùng rộng đến tám mươi thước, nơi bụi rậm bỗng chốc trở thành một luồng sáng đẹp đẽ.

Khi Pippala đến gần thấy hào quang rạng rỡ của bậc Toàn Giác và nghĩ đây chính là vị Thầy mà ta đã hết lòng tìm kiếm, “MahāKassapa đảnh lễ Thế Tôn, tôn Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử”[10]. Bằng cách công bố ba lần như vầy: “Satthà me Bhagavà sàvako’ham asmi – Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo sư của con! Con là đệ tử của Ngài”[11]. Đức Phật bảo: Này Kassapa nếu một người không biết một người đệ tử hoàn hảo toàn diện mà nói rằng ‘tôi biết’ hoặc không thấy người ấy mà nói rằng ‘tôi thấy’ thì cái đầu của người ấy sẽ rơi xuống. Còn Như Lai nói ‘Ta biết’ vì Như Lai có biết người ấy hoặc Như Lai nói ‘Ta thấy’ vì Như Lai có thấy người ấy[12]. Ba lần sách tấn như vậy, và truyền trao Cụ túc giới cho Kassapa. Sau đó”cả hai về lại Magadha và MahāKassapa tu tập mười ba hạnh đầu đà. Đến ngày thứ tám, ngài chứng quả A-la-hán. Bậc Đạo Sư tuyên dương ngài là đầu đà thứ nhất. Và ngài nói lên kinh nghiệm của mình để giáo huấn các vị Tỷ-kheo[13]. Tôn giả MahāKassapa chuyên tâm tu tập mười ba pháp đầu đà, chứng đắc Thánh quả A-la- hán. Trong Tăng Chi Bộ Đức Phật xác nhận: “Trong các vị để tử… thuyết về hạnh đầu đà, này các Tỳ kheo, tối thắng là Mahākassapa”[14]. Một trong những minh chứng về hạnh đầu đà đó là Ngài thường khuất thực tại các nhà nghèo, gieo duyên đến những người kém phước. Với lòng thương xót, Ngài nhận lấy thực phẩm cúng dường từ người bệnh.

“Dựa vào một chân tường,

Xem như thuốc tiêu hôi,

Ta ăn miếng ăn ấy,

Chỗ nằm dưới gốc cây,

Đang ăn và ăn xong,

Và y từ đống rác,

Ta không cảm ghê tởm.

Ai thọ dụng chúng được,

Miếng ăn đứng nhận được,

Được gọi người bốn phương”[15].

Tôn giả MahāKassapa vì lòng tha thiết tôn kính đức Phật nên đã dâng tấm y của mình cúng dường cho Phật. Có thể nói đây là một hành động tạo phúc vô cùng ý nghĩa của Tôn giả MahāKassapa trong kiếp cuối cùng. Đức Phật thọ nhận và Ngài chỉ có tấm y bằng vải thô đã rách, đã cũ. Như Lai muốn biếu ông: “Này Kassapa, Ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không ?”[16]. Kassapa thật hạnh phúc, vui mừng, được trao đổi y với đức Bổn Sư: “Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn”[17]. Sự trao đổi y ấy được xem như là một vinh dự lớn mà đức Phật dành tặng cho Kassapa, ngoài ông ra, không có người thứ hai được diễm phúc như thế. Từ đó có thể thấy rằng, lúc bấy giờ đức Phật đã ấn chứng truyền thừa lại cho Ngài MahāKassapa.

ảnh Minh Họa.Vào một ngày nọ, Tôn giả Kassapa đang cư trú tại hang Pipphalì, Ngài bị trọng bệnh không thể đi khuất thực và sinh hoạt cùng đại chúng. Đức Phật nhập định biết được Kassapa đang bị bệnh, liền đi đến và ngồi xuống một bên đã được soạn sẵn, Thế Tôn nói với Tôn giả MahāKassapa: “Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?”[18].

Tôn giả MahāKassapa bạch với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu”[19].

Sau đó, đức Phật chỉ dạy: Này Kassapa, có bảy giác chi, người thực hành bảy giác chi ấy sẽ đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Tôn giả MahāKassapa nghe xong liền thoát khỏi bệnh, sinh lòng hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy[20]. Với các bậc đã chứng thánh quả A-la-hán còn phải trả nghiệp báo, nên sự xuất hiện trên cuộc đời còn bị (sinh, lão, bệnh, tử) chi phối theo quy luật tuần hoàn của vô thường.

Vào một buổi sáng sớm, Ngài Ānanda đến mời Tôn giả MahāKassapa cùng đi đến trú xứ của Tỳ-kheo-ni để giáo giới cho Ni chúng. Sau thời pháp thoại của tôn giả MahāKassapa, hết thảy Tỳ-kheo-ni đều phấn khởi và sinh tâm hoan hỷ. Tuy nhiên, trong đó có một vị tỳ-kheo-ni Thullatissā bất mãn nói điều không hay: “Làm sao tôn giả MahāKassapa trước mặt Vedehamuni Ānanda, lại nghĩ đến thuyết pháp; ví như một người bán kim lại nghĩ, có thể bán kim cho người làm kim? Cũng vậy, Tôn giả MahāKassapa, trước mặt Vedehamuni Ānanda lại nghĩ đến thuyết pháp”[21]. Tôn giả MahàKassapa nghe như vậy muốn hỏi Tôn giả Ānanda: “Thế nào, Hiền giả Ānanda, ta là người bán kim, Hiền giả là người làm kim, hay ta là người làm kim, Hiền giả là người bán kim? – Hãy kham nhẫn, thưa tôn giả Kassapa, ngu si là đàn bà!”[22].

Lúc đó, tôn giả Kassapa nói với tôn giả Ānanda, Thế Tôn giữa các chúng Tỳ kheo, ta được Thế Tôn dạy rằng, Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ[23]. Điều đó cho thấy, tôn giả Kassapa luôn trầm tĩnh đối với mọi việc xảy ra, cho dù điều đó làm ảnh hưởng đến danh dự của một bậc Thánh. Trong pháp thoại này, Ngài muốn chia sẻ cho đại chúng những lời dạy của Thế Tôn về hạnh nhẫn nhục, điều đó làm chúng tăng thêm kính trọng Ngài.

Cuộc đời của tôn giả MahāKassapa du hành khắp nơi, mỗi bước chân Ngài đi qua đều mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho đời. Nhưng Ngài ít khi gần bên đức Phật, vì mục đích muốn đem giáo pháp của Thế Tôn truyền bá khắp muôn nơi, tuy nhiên tâm của Ngài lúc nào cũng hướng về đức Phật.

Sau khi nghe tin Thế Tôn nhập vô dư Niết bàn ở Kusinārā, Tôn giả MahāKassapa dẫn đầu năm trăm tỳ-kheo cấp tốc lên đường để kịp về gặp Bổn Sư lần cuối.

Trong Tiểu Phẩm có nói rằng, khi đi được nửa đường, Ngài đã gặp du sĩ lõa thể cầm cành hoa tại Pāvā và hỏi đạo sĩ ấy rằng: “Này đạo hữu, đạo hữu có biết bậc Đạo Sư của chúng tôi không? – Ồ đạo hữu, đúng vậy tôi có biết. Hôm nay Sa môn Gotama đã Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày rồi. Do đó, tôi mới có được bông hoa Mandārava này”[24]. Trong chúng có các vị đã đoạn tận các lậu hoặc nghĩ rằng “Các pháp hữu vi là vô thường”, còn người chưa đoạn tận các lậu hoặc thì nằm lăn ra đất mà khóc, Tôn giả Kassapa liền đến an ủi họ. Bấy giờ, có một người lớn tuổi mới xuất gia tên Subhadda thốt lên rằng: Thôi đi! Chớ có buồn rầu, Ông ấy đã mất rồi, không ai làm khó khăn với chúng ta. Điều này nên làm, điều kia không nên làm; giờ đây chúng ta muốn làm gì cũng được, không còn ai ngăn cản[25]. Tôn giả MahāKassapa nghĩ đến tương lai của Phật giáo sau này, nên Ngài liền triệu tập đại chúng để kiết tập Kinh điển nhằm mục đích nhắc lại những lời Phật dạy.

Về số lượng tham dự cũng như địa điểm đại hội được tổ chức được ghi rõ trong Tiểu Phẩm: “Hội chúng chỉ định năm trăm vị tỷ khưu để trùng tụng pháp và luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.”[26] Theo đó, The Evolution of Buddhist Schools của Charley Linden Thorp cũng khẳng định: “Hội đồng Phật giáo đầu tiên được tổ chức tại Rājagaha.”[27] Có một quy tắc được ban hành ở đây là chỉ có các vị giác ngộ (vị đã chứng Arahant) mới được phép tham dự đại hội. Tuy nhiên, Ānanda vẫn chưa đạt được sự giác ngộ, trái ngược với 499 vị còn lại. Do đó, “Mahākassapa không cho phép Ānanda tham dự. Mặc dù Mahākassapa biết rằng sự hiện diện của Ānanda trong đại hội là không thể thiếu, Mahākassapa không muốn thiên vị bằng cách cho phép một ngoại lệ nào trong quy tắc của đại hội.” [28]

Ở đây, Tôn giả Mahākassapa làm như vậy vì không muốn người đời sau nói Ngài thiên vị và chỉ trích Tôn giả Ānanda. Vì cuộc đời Tôn giả Ànanda đã đem hết tâm huyết, một lòng phụng dưỡng cho Phật nên Mahākassapa cũng thấu hiểu người Sư đệ của mình. Trong đêm đó, Tôn giả Ānanda đã chứng Thánh quả A-la-hán và đi đến đại hội. Đại đức Mahākassapa thông báo với hội chúng rằng: Này các Sư đệ, mục đầu tiên đề cập đến là Luật tạng (Vinaya), được đọc bởi Trưởng lão Upāli, vị từng Đức Phật tán dương trước đại chúng về giới luật đệ nhất. Sau khi Upāli tụng giới luật mà Đức Phật đã thiết lập, Trưởng lão Kassapa đặt ra các chi tiết, nhắc lại địa điểm, thời gian, và nhân duyên thiết lập từng giới điều. Đại đức Ānanda nhắc lại phần Kinh tạng, sau khi đọc tụng xong, Đại đức Mahākassapa đúc kết lại thành năm bộ Kinh (Nikāya)[29].

Bên cạnh đó, khi Phật còn tại thế có dạy, những điều gì không cần thiết có thể bỏ bớt, điều này được các học giả phương Tây đưa ra rằng: “Trong các cuộc tụng niệm, một vấn đề đã được nêu ra. Trước khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ông đã đề cập đến A-nan rằng, nếu có yêu cầu, quy tắc nhỏ có thể được bãi bỏ sau khi ông qua đời. Bây giờ câu hỏi vẫn là đức Phật muốn nói gì khi Ngài nói những quy tắc nhỏ”[30]. Tại sao Trưởng lão Mahākassapa không giới hạn chi tiết, giới điều nào?

Thiết nghĩ, nếu Trưởng lão Mahākassapa cùng chư tăng tự ý hủy bỏ nhiều giới luật thì đời sau sẽ khiển trách Ngài và Chư Tăng quá vội vàng buông lỏng sau khi đức Phật nhập diệt. Đó cũng là một trong lý do Mahākassapa đề nghị giữ nguyên giới luật. Lúc bấy giờ, sau khi Hội nghị Tăng già thứ nhất viên mãn, Trưởng lão Kassapa được xem như quyền trưởng, người cha già của Tăng đoàn. Sau này, Kassapa truyền bát của Phật lại cho Ānanda, đó là nét đặc trưng của sự truyền thừa trong Phật giáo.

Bàn về cuối đời Mahākassapa theo nguồn Encyclopaedia of Buddhism – Bách khoa toàn thư về Phật giáo cho rằng: “Khi đức Phật nhập niết bàn (parinirvāṇa) (chết), và Mahākassapa được 120 tuổi”[31], đồng quan điểm với Dictionary of pali proper names ghi chép: “Trưởng lão Mahākassapa sống rất thọ 120 tuổi, Ông chưa bao giờ nằm xuống giường”[32]. Trưởng lão Mahākassapa nhận thấy mình đã hoàn thành xong sứ mạng với Phật pháp, Ngài quyết định nhập niết bàn, trao truyền y bát lại cho Ànanda và đảnh lễ các Phật tích lần cuối. Trưởng lão lặng lẽ vào hang núi Kukkaṭapāda, chờ đợi đến ngày đức Phật Metteyya (Di Lặc) ra đời.

Thật vậy, sự kiện lịch sử của Ngài được các học giả phương Tây và trong Kinh Tạng (Nikaya) ghi chép lại gần giống nhau. Xoay quanh cuộc đời và đạo hạnh, Ngài xứng đáng được gọi người cha già của Tăng đoàn. Vào lúc 120 tuổi, Ngài đã nhập niết bàn và để lại kho tàng pháp bảo vô giá cho Phật giáo sau này.

KẾT LUẬN

Mahākassapa xuất hiện trên thế gian này như một ngôi sao sáng giữa bầu trời Phật pháp. Ngài luôn luôn biết cách tỏa sáng và mang ánh sáng ấy truyền bá khắp nơi, từ đầu đường đến ngõ hẻm trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Phẩm chất khiêm cung và đạo hạnh của Ngài đã giúp chúng con biết hạ thấp bản ngã của mình khi tiếp xúc với các bậc trưởng thượng. Đời sống khổ hạnh, tri túc của Ngài tạo cho con thêm động lực để vượt qua những cám dỗ lợi danh giữa cuộc đời, tập sống hạnh biết đủ như lời dạy trong Kinh Di Giáo: “Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. bất chi túc chi nhân, tuy xứ thiên đường, diệt bất xưng ý”. Đối với bản thân mình, Ngài luôn nghiêm khắc, đối với huynh đệ thì hòa nhã, ôn hòa. Đây cũng chính là động lực giúp con giữ tinh thần lục hòa và từ bỏ lối sống buông lung khi sinh hoạt cùng đại chúng. Từ đó đạo lực của con ngày càng được tăng trưởng.

Trên đây là những điểm nổi bật làm toát lên vẻ đẹp cao quý của bậc”Thanh tịnh đạo”. Không những thế, Trưởng lão Mahākassapa còn là hiện thân của Pháp bảo, là người có công rất lớn trong việc truyền bá những lời dạy của Đức Thế Tôn cho hậu thế, trong đó kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất là một minh chứng rõ ràng. Hơn hết, Mahākassapa còn là hiện thân của một vị Trưởng lão nghiêm trì giới luật, đầu đà đệ nhất, hiển nhiên Ngài trở thành biểu mẫu lí tưởng cho những ai có hạnh nguyện giữ gìn giới luật. Có hạnh phúc nào hơn khi giới thể, giới tướng được tròn đầy, bởi lẽ đây chính là nền tản đưa đến sự an lạc trong hiện tại và giải thoát ở vị lai.

Tác giả: Thích Chúc Danh
Học viên lớp Cao học Phật giáo khóa VI, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Tài liệu tham khảo
1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2001), Kinh Tiểu Bộ 3,nxb VNCPHVN, TP.Hồ Chí Minh.
2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 2,5,nxb VNCPHVN, TP.Hồ Chí Minh.
3. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2016), Kinh Tăng chi 1 ,nxb VNCPHVN, TP.Hồ Chí Minh.
4. Tỳ kheo INDACANDA dịch (2107), Tiểu phẩm, tập 2, nxb Tôn Gáo, TP. Hà Nội.
5. Thích Thanh Quang (2012), Suối nguồn diệu giác, nxb TP. HCM.
6. Tỳ kheo Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử (Maha Buddhavamsa ) tập 2, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
7. P .Malalasekera ( 1974) Dictionary of pali proper names, ii, NXB London.
8. Charley Linden Thorp ( 3 April 2017 ) Xem The Evolution of Buddhist Schools, Ancient History Encyclopedia Archived.
9. P.Malalasekera (1961) Encyclopaedia of Buddhism, Vol I, Published by the Government of Ceylon.
10. Karaluvinna, M. (2002),Encyclopaedia of Buddhism, Government of Sri Lanka.
11. Phyllis G.Jectice (2004) holy people of the world, ABC- CLIO

Chú thích
[1] holy people of the world, p 435–441
[2] Dictionary of  pali proper names, p  98
[3] Thích Thanh Quang, Suối nguồn diệu giác,  tr 155
[4] holy people of the world, p 135-136
[5] Kinh Tiểu Bộ, tậpIII, Trưởng Lão Tăng Kệ,tr 446.
[6] Kinh Tiểu Bộ,tậpIII, Trưởng Lão Tăng Kệ tr 446
[7] Dictionary of  pali proper names ii, p 436
[8] Kinh Tiểu Bộ, tậpIII, Trưởng Lão Tăng Kệ tr 446
[9] Đại Phật Sử ,tập 6A, tr 89
[10] Kinh Tiểu Bộ, tậpIII,Trưởng Lão Tăng Kệ tr 446
[11] Đại Phật Sử ,tập 6A, tr 89
[12] sđd, tr 91
[13] Kinh Tiểu Bộ, tậpIII, Trưởng Lão Tăng Kệ tr 447
[14] Kinh Tăng Chi Bộ I, Người Tối Thắng, tr 58
[15] Kinh Tiểu Bộ III, Trưởng Lão Tăng Kệ, tr 467
[16] Kinh Tương Ưng II, Thiên Nhân Duyên, Tương Ưng Kassapa, tr 381
[17] sđd, tr 381
[18] Kinh Tương Ưng V Đại Phẩm, Phẩm Về Bệnh, tr 125
[19] sđd , tr 125
[20] sđd, tr 126- 127
[21] Kinh Tương Ưng, tập II, Chương 5,Tương Ưng Kassapa , tr 372
[22] Sđd, tr 372
[23] Sđd ,tr 373
[24] Tiểu Phẩm, tr397
[25] Tiểu Phẩm, tậpII, tr 398
[26] Sđd ,tr 399
[27] Xem The Evolution of Buddhist Schools.
[28] Encyclopaedia of Buddhism, p 532.
[29] Tiểu phẩm, tập 2, tr 400-402
[30] Scholarship on Buddhist Councils, pp 224-243
[31] Encyclopaedia of Buddhism, pp 435-441
[32] Dictionary of  pali proper names, p 102

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường