Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Học viên Cao học khoá V Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã hoá độ tất cả những người hữu duyên cả tại gia và xuất gia. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp, ngài đã nói không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Đức Phật không chỉ có mười người đệ tử nổi tiếng đệ nhất còn rất nhiều người. Trong số đệ tử của ngài, có một người nhỏ tuổi nhất mà ai trong chúng ta đều biết đến đó chính là tôn giả Rahula. Dù được sinh ra trong hoàng cung, đầy đủ tình yêu thương chăm sóc, vậy nhưng ngài vẫn từ bỏ tất cả để đi theo con đường xuất trần thượng sĩ.

Không dừng lại ở đó, tôn giả được đức Phật ban cho danh hiệu mật hạnh đệ nhất. Trong kinh Pháp Cú có câu: “hương các loài hoa thơm không ngược bay chiều gió nhưng hương người đức hạnh ngược gió khắp tung bay” đúng thật vậy hương của người đức hạnh dù có trải qua bao tháng năm, bao thể kỉ, thời gian có thay đổi, không gian có đổi thay nhưng đức hạnh đó vẫn lưu truyền mãi. Chính vì cảm kích trước đức hạnh của tôn giả nên người viết muốn trình bày cuộc đời Rahula trong kinh tạng Nikaya đến quý đọc giả. Qua đây, giúp người học Phật thấy được phạm hạnh cao quý, siêng năng học hỏi, đức tính kham nhẫn nổi danh mật hạnh đệ nhất của Rahula. Từ đó, chúng ta lấy đó làm phương châm sống nhắc nhở bản thân để tiến tu đạo nghiệp.

Tag: Rahula, đức Phật, kinh tạng Nikaya, đức hạnh, mật hạnh đệ nhất….

NỘI DUNG

“Rahula là con đức Phật và công chúa Yasodhara”1. Rahula được sinh ngay ngày cha ngài quyết định từ bỏ hoàng cung, xuất gia tìm cầu chân lý. Khi hay tin, Yasodhara sạch mình trong tháng2, điều này đồng nghĩa rằng thái tử sắp có con. Vào ngày nhận được tin hoàng tử ra đời, Siddhattha thốt lên rằng: “Sợi dây luyến ái này, Ta phải cắt đứt nó ngay khi nó chưa ràng buộc được Ta”3. Sau đó, Siddhattha trở về hoàng cung và nghe cô em họ hát:

“Hạnh phúc thay mẹ chàng tuổi trẻ, Hạnh phúc thay cha đẻ chàng ta, Hạnh phúc thay bạn quần thoa, Có chồng anh tuấn hào hoa như chàng”4

Nghe xong, Siddhattha nghĩ rằng những lời này thôi thúc ngài xuất gia và gửi tặng cô em họ chuỗi ngọc. Đêm hôm đó Siddhattha đã vượt thành xuất gia tìm đạo giải thoát.

Theo chú giải Apadana, Rahula có nguồn gốc từ chữ Rahu, một vị thần cản trở mặt trăng, cũng như đứa trẻ cản trở sự từ bỏ của Bồ tát5. Do nhân duyên này mà hoàng tử được đặt tên là Rahula.

Rahula chưa từng gặp cha cho đến năm bảy tuổi, sau khi thành đạo, lần đầu tiên, đức Phật đã trở về thăm hoàng gia theo lời thỉnh cầu của vua Suddhodana. Mẹ của Rahula bảo Rahula đến xin đức Phật phần thừa kế. Lòng từ bi vô bờ, tình thương cao cả của đức Phật chắc chắn Rahula sẽ cảm nhận được sự ấm áp của tình phụ tử. Yasodhara đã nói với Rahula rằng: “Này Rahula, kia là cha của con hãy đi và cầu xin người ấy phần thừa kế”6. Mặc dù, Rahula còn nhỏ không biết thừa kế cái gì nhưng vẫn làm theo lời mẹ bảo. Khi ấy, Rahula đi đến gặp đức Thế Tôn và nói rằng: “Này vị Sa môn, bóng che của ngài thật an lạc”7. Rahula chưa một lần gặp cha nhưng lại cảm thấy rất gần gũi, thân thiện, với đức từ lan toả khiến Rahula cảm thấy được an vui mát mẻ khi ở gần ngài. Lúc ấy, Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi, Rahula đã theo sát sau của đức Thế Tôn và nói rằng: “Này vị Sa môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Này vị Sa môn, hãy ban cho con phần thừa kế”8. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Sariputta cho Rahula xuất gia. Ngài Sariputta bạch đức Phật nên cho Rahula xuất gia như thế nào. Đức Phật cho phép sa di xuất gia bằng ba sự nương nhờ tam quy. Việc đầu tiên cạo bỏ râu tóc, cho choàng lên các tấm vải màu ca sa, cho đắp thượng y một bên vai, từ đây, Rahula trở thành sa di đầu tiên trong tăng đoàn thành viên nhỏ tuổi nhất. Bấy lâu, Rahula sống trong tình yêu thương của mẹ và ông nội, nay Rahula sống đời xuất gia theo dấu chân của đức Từ Phụ. Cung vàng điện ngọc, tiền tài danh vọng, người thế tục cho đó là gia tài, nhưng đối với những bậc thiện căn xuất trần tu hành từ nhiều kiếp xem đây sợi dây ràng buộc, trầm luân sinh tử. Do đó, tâm tư ước muốn của đức Phật hay Yasodhara muốn con mình thừa hưởng hay tiếp bước trên con đường giải thoát giác ngộ.

Nỗi buồn lặp lại khi vua Suddhodana hay tin người cháu, niềm hy vọng duy nhất cũng xuất gia theo Phật. Trước nỗi đau ấy, vua Suddhodana diễn tả nỗi đau tận cùng với đức Phật bằng những lối ví von để thể hiện lòng yêu thương người con trai như cắt vào da, cắt vào lớp da trong, cắt vào thịt, nó cắt vào gân, cắt vào xương, đến tuỷ rồi trú ở đó. Nỗi đau ấy quá lớn thấm vào đến tận xương tuỷ. Vua Suddhodana đến thỉnh cầu đức Phật không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia. Đức Phật nói pháp thoại rồi bảo các tỳ kheo: “Không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia, vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkata”9. Vì thế, ngày nay, ai muốn xuất gia đều phải có sự đồng thuận của cha mẹ.

Ngay sau khi Rahula xuất gia, đức Phật dạy những điều cơ bản nhất cho một vị sa di trẻ tuổi. Một ngày, đức Phật ở Veluvana đến chỗ Rahula ở tại Ambalatthika và dạy cho Rahula về hạnh chân thật qua Kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Ambala. Trước hết, đức Phật dùng ví dụ thau nước để nói về sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý như một ít nước còn lại trong chậu, như chút nước ấy bị đổ đi, như chậu nước bị lật úp, như cái chậu nước trống không. Kế đó, đức Phật ví người biết mà nói láo, không có tàm quý như con voi của vua đánh trận mà không biết bảo vệ cái vòi, bỏ mạng sống của mình, không có việc ác gì mà không làm. Đức Phật dạy Rahula không được nói láo trong bất cứ hoàn cảnh nào dù nói để đùa chơi. “Do vậy, này Rahula Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi, này Rahula, ông phải học tập như vậy”10. Chúng ta thường hay nói đùa để cho vui, nhưng chính những cái nói đùa cho vui này dần dần sẽ thành thói quen xấu, từ thói quen sẽ thành nghiệp. Đức Phật với trí tuệ thâm sâu ngài muốn nói bài pháp này khi Rahula mới xuất gia để ngăn ngừa những lỗi lầm có thể xảy ra. Rahula một thành viên nhỏ nhất trong tăng đoàn, giới không trung thực có thể dễ phạm nhất. Nhưng đức Phật không phải nói kinh này vì Rahula nói dối, đức Phật chỉ muốn ngăn trừ những lậu hoặc có thể xảy ra sau này. Do vậy, đức Phật đã lấy những ví dụ gần gũi để dạy Rahula ngăn ngừa việc nói dối, biết tai hại của nó tránh sai phạm.

Sau những ví dụ về chậu nước và con voi của vua, đức Phật hỏi Rahula nghĩ như thế nào về mục đích của cái gương, Rahula trả lời để phản tỉnh. Đức Phật dạy Rahula sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Đức Phật dạy Rahula bất luận điều gì muốn làm cần phải suy ngẫm tận tường hành động này có hại cho ta hay có hại cho kẻ khác, hoặc có hại cho cả hai. Hành động bất thiện nghiệp đem lại phiền não và khổ đau. Hành động như vậy nên tránh, không nên làm. Đức Phật đã tường tận dạy cho Rahula về sự điều chỉnh thân, khẩu, ý, bất cứ làm điều gì đều cần sự tỉnh thức. Mọi hành động đều phải cân nhắc trước khi làm, lợi mình lợi người. Hành động thiện, sẽ đem lại an vui, hạnh phúc và nên làm. “Một khẩu nghiệp như vậy, này Rahula, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ ngộ, cần phải trình bày trước vị Ðạo sư, hay trước các bậc đồng phạm hạnh có trí”11. Ở đây, đức Phật dạy cho Rahula cách phát lồ sám hối khi lỡ phạm lỗi, cần phải nói ra những lỗi lầm đã tạo đối trước một vị đạo sư hay thiện tri thức. Đức Phật không chỉ khuyên răn những điều có thể phạm còn chỉ ra cách khi lỡ phạm thì cần làm gì. Phạm tội mà không biết sám hối, tội càng chồng lên tội, sai lại càng sai, nên cần có một vị thầy, một bậc đồng phạm hạnh chỉ dẫn. Con đường dẫn đến giác ngộ không phải chỉ ngày một ngày hai mà đạt được, chúng ta cần rèn luyện từng cử chỉ hành động từ thân khẩu ý. Những lời dạy bảo tuy đơn giản nhưng lại đem lại kết quả lớn cho Rahula trên bước đầu vào đạo. Không dừng lại ở đó, đức Phật còn muốn dạy cho Rahula rất nhiều điều để có thể tiến tu trên con đường giác ngộ giải thoát.

Qua những bài kinh trên, chúng ta thấy Rahula không thường xuyên ở cùng đức Phật, mỗi lần đức Phật muốn gặp đều tự đi tìm Rahula. Rahula rất mong muốn được sự dạy dỗ từ đức Phật và các vị thầy của mình. Rahula thường dậy thật sớm vào buổi sáng rồi bốc một nắm cát trong tay và ước nguyện: “Nguyện rằng ngày hôm nay ta sẽ nhận được lời giáo huấn của Đức Thế Tôn hoặc từ trưởng lão Sariputta nhiều hơn số cát này”12. Qua đây, chúng ta thấy Rahula rất ham học hỏi, siêng năng, tự lập, thầm lặng tu tập.

Sự ham học hỏi của Rahula còn được nhắc đến trong Jataka số 16 chuyện Tiền thân Tipallatthamiga (Chuyện con nai có ba cử chỉ). Đức Phật giảng pháp tại tinh xá Badarika ở Kosambi. Sau buổi thuyết pháp, nam cư sĩ cùng tu sĩ trẻ nằm tại phòng giảng khi họ ngủ một số nằm ngáy, sự kiện không thích đáng ấy đến tai đức Thế Tôn. Lúc ấy, ngài đã dạy tỳ kheo nào nằm ngủ với người chưa thọ đại giới là phạm tội Pacittiya. Trước đây, tinh thần ham học các học giới của Rahula luôn được ở chung với các thầy tỳ kheo. Nhưng từ hôm đức Phật chế học giới các thầy tỳ kheo vì sợ vi phạm nên không ai cho Rahula ở chung. Lúc ấy, Rahula lặng lẽ đi tìm chỗ ngủ, không than phiền trách móc. “Hiền giả Rahula không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Xá Lợi Phất là vị tướng quân chính pháp và là giáo thọ sư của mình, cũng không đi đến đại Mục Kiền Liên là bậc sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn, như thể đi vào cung điện Phạm thiên và trú ở đấy”13. Qua đây, chúng ta có thể thấy rõ bản tính thầm lặng, khiêm nhường, hoà nhã, vui vẻ của Rahula. Bản thân vốn là một vương tử, lớn lên trên nhung lụa, trong tình thương yêu sâu sắc, bây giờ một mình thầm lặng tu hành, một chỗ ngủ cũng không có, nhưng Rahula vẫn không một lời oán trách, không một lời than thở, không đòi hỏi mà lại rất hiền hoà, nghiêm trì giới luật, nhường nhịn trong mọi hoàn cảnh. “Thưa các hiền giả, hãy xem La Hầu La học tập như thế nào. Khi được hỏi chỗ ở của mình, La Hầu La không nói: “Ta là con đức Thế Tôn, La Hầu La không chống đối một tỳ kheo nào”14. Tuổi nhỏ nhất trong Tăng đoàn, nhưng Rahula có ý chí cầu đạo pháp, tính kham nhẫn quá mạnh mẽ trong một con người nhỏ bé. Đức Phật, vị lớn nhất trong giáo đoàn và cha của mình nhưng Rahula không hề có một hành động, ý nghĩ ỷ lại hay nương nhờ. Trước lúc trời rạng đông, đức Phật đứng trước cửa phòng vệ sinh đằng hắng. Rahula liền đằng hắng lại, Thế Tôn rất ngạc nhiên khi thấy Rahula ở trong ấy. Đức Phật liền hỏi Rahula sao con lại nằm đây. Rahula từ tốn đáp rằng: “Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các tỳ kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở, vì nghĩ rằng đây là chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây!”15. Một câu trả lời toát ra một sự tu tập thâm sâu, không hề chứa niềm tức giận. Thế Tôn xúc động vì chính pháp, thương cho hàng xuất gia trẻ tuổi. Vì thế, ngài suy nghĩ rằng: “Với Rahula các tỳ kheo còn vất bỏ như vậy, thì đối với các lớp chúng trẻ mới xuất gia, có gì họ không làm được”16. Vào buổi sáng sớm, Thế Tôn cho họp các tỳ kheo và hỏi Sariputta có biết Rahula trú ở chỗ nào. Sariputta bạch với Thế Tôn con không biết. Đức Phật dạy nếu không có sự quan tâm, chăm sóc đối với người mới xuất gia trẻ tuổi thì trong giáo pháp sẽ không ai ở lại. Sau khi chuyện xảy ra, Đức Phật chế học giới cho người chưa thọ đại giới ở chung một hay hai ngày với người đã thọ đại giới đến ngày thứ ba cho họ ở ngoài, sau khi họ đã biết chỗ ở. Rahula chọn nhà vệ sinh của Đức Thế Tôn vì ở đây ít người qua lại, vì tôn trọng lời khuyên, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy.

Thỉnh thoảng, các tỳ kheo thấy Rahula từ xa đi đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái cán chổi hay một ít rác, chờ khi Rahula đi đến, liền hỏi Rahula ai quăng đồ rác này. Một người nếu không có sự tu tập thì sẽ rất tức giận khi có ai đổ oan cho mình, nhưng Rahula không một lời giải oan, không một lời biện bạch. Âm thầm dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, sau khi được tha lỗi mới đi. Câu chuyện đã làm nổi bật phạm hạnh khiêm cung, lễ phép, nhẫn nhục… của Rahula.

Một lần khác cũng không có chỗ ngủ như vậy, Rahula ngủ trước hương thất của đức Thế Tôn. Ma vương thấy vậy liền hoá thân thành một con voi chúa to lớn, dùng vòi quấn đầu Rahula và rống lên tiếng kêu vang nhưng Rahula không sợ. Khi ấy, Đức Phật biết được và đã nói với ma vương: “Này Ma vương! Cho dù cả trăm ngàn người như ngươi cũng không làm cho con Như Lai rúng động được. Vì con Như Lai đã cắt lìa ái dục rồi, có nhiệt tâm tinh cần, có nhiều trí tuệ nên không còn run rợ nữa”17.

Trong khi đó, tác phẩm Thánh Đệ Tử của tác giả Đồng Niệm lại cho rằng: “Rahula còn nhỏ nên tính chưa được chững chạc, thường hay nói láo và tinh nghịch”18. Các chi tiết trong cuốn sách này không có nguồn gốc, không có căn cứ đã làm mất đi phẩm hạnh cao quý của Rahula. Sau khi đức Phật chế học giới, các tỳ kheo hết mực xưng tán hạnh của Rahula. Lúc ấy, đức Thế Tôn liền nói không phải chỉ nay Rahula mới tha thiết học tập, trước kia khi làm bàng sinh, Rahula cũng đã tha thiết học tập rồi. Thế Tôn kể Chuyện tiền thân Tipallatthamiga, khi đó Rahula còn làm nai con. Bồ tát sinh làm một con nai, nai chị đem con mình đến nhờ Bồ tát dạy cho nai cháu về sự khôn ngoan của loài nai. Nai cháu rất chăm chỉ học tập, không quên lời cậu luôn đến đúng giờ để học. Một hôm, nai cháu bị sập bẫy, nai mẹ lo sợ liền gặp nai cậu hỏi xem con của mình đã học hết sự khôn ngoan chưa. Nai cậu trả lời rằng: “Nó đã khéo học được sự khôn ngoan của loài nai.

Nai với ba cử chỉ Với nhiều sự khôn ngoan, Biết dùng chân tám móng, Biết nửa đêm uống nước, Chỉ với một lỗ tai, Thở theo nhịp độ đất, Với sáu sự khôn ngoan, Cháu tôi thắng người thù”19.

Trong Jataka số 319 Chuyện chim đa đa cũng cho chúng ta biết thêm về đức tính tinh cần, cẩn trọng, nhẫn nhục của Rahula. Người thợ săn dùng con đa đa này để nhử các con chim khác. Lúc ấy, con đa đa tự nghĩ: “Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết. Về phần ta đây là một hành vi ác độc”20. Từ đó, nó cứ lặng im không kêu nữa, chim đa đa nghĩ rằng nó không hề có ý định xấu, nhưng nó vẫn ân hận về những gì mình làm. Con chim thấy vậy liền hỏi vị Bồ-tát về những thắc mắc của mình. Bồ-tát trả lời rằng: “Nếu tội không ẩn trì lòng bạn, thì hành vi chẳng phải tội tình, kẻ nào thụ động phần mình, thoát bao tội lỗi trở thành thong dong”21. Nhờ lời khuyên của vị Bồ-tát, con chim đa đa không còn cảm thấy ray rứt hay ân hận nữa. Chim đa đa trong câu chuyện này chính là Rahula, Bồ tát là đức Phật. Qua câu chuyện này, chúng ta biết được rằng Rahula siêng năng học hỏi và luôn nghĩ đến người khác, có nhân duyên với Đức Phật trong vô lượng kiếp.

Ngoài đức tính kham nhẫn, siêng năng học hỏi, Rahula rất có hiếu. Trong Jataka số 281 Chuyện trái xoài chính trung22, sau khi Yasodhara xuất gia, Rahula thường xuyên đến thăm mẹ. Một lần, Rahula đến thăm nhưng không gặp được mẹ, do mẹ bị sình bụng nên nằm bên trong. Rahula liền vào trong thăm hỏi mẹ cần gì mới khỏi bệnh. Để khỏi bệnh bà cần dùng nước ép xoài. Lúc ấy, Rahula đến thưa với thầy Sariputta về sự tình đó. Tôn giả Sariputta dẫn Rahula vào cung vua Kosala khất thực nướp ép xoài đem về cho mẹ. Vua Pasenadi không chỉ cúng dường một lần mà còn cúng hàng ngày cho đến lúc bà hết bệnh. Rahula luôn làm tròn bổn phận của người con, thăm hỏi, chăm sóc mẹ lúc ốm đau.

Không chỉ kiếp này, trong những kiếp trước khi còn làm bàng sinh, Rahula đã có hiếu. Trong Jataka số 486 Chuyện chúa chim ưng, Rahula còn làm một con rùa con. Khi biết rùa cha được chúa chim ưng xin đi cứu những chim ưng con đang gặp nạn, rùa con đã xin để đi thay cho rùa cha đỡ mệt. Rùa con nói:

“Xin cha an dưỡng, hỡi cha thân, Việc của cha con sẽ lãnh phần, Con phụng sự cha là tốt nhất, Con đi cứu cả tổ chim bằng”23.

Khi Rahula 18 tuổi, đức Phật đã dạy cho Rahula bài pháp để đoạn trừ tham đắm phát triển nội tâm, điều này được nhắc đến trong Đại kinh giáo giới La Hầu La. Đức Phật dạy Rahula về sắc, thọ, tưởng, hành, thức phải được quán sát như thật với chính trí tuệ, cái này không phải ta, cái này không phải của ta, cái này không phải tự ngã của ta. Khi nghe đức Phật đi khất thực mà trở lại ngồi xuống một gốc cây, kiết già, lưng thẳng, Rahula an trú niệm trước mặt. Tôn giả Sariputta thấy Rahula đang ngồi an trú như vậy, ngài liền nói với Rahula hãy tu tập sự tu tập nhập tức xuất tức niệm, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn. Khi nghe Sariputta dạy, Rahula từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên: “Bạch Thế Tôn, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập như thế nào? Làm cho sung mãn, như thế nào là được quả lớn, được lợi ích lớn”24. Đức Phật dạy Rahula tất cả địa giới, thuỷ giới, hoả giới, phong giới, hư không giới phải quán sát như thật với chính trí tuệ cái này không phải ta, của ta hay tự ngã của ta, phải yếm ly, từ bỏ với tất cả những thứ đó. Rahula đã yếm ly, từ bỏ, thấy như thật do nhân duyên hội tụ mà thành.

Đức Phật dạy Rahula hãy tu tập như đất, nước, lửa, gió, như hư không, tu tập về lòng từ bi, hỷ, xả, bất tịnh, vô thường, tu tập về niệm hơi thở vô hơi thở ra.  Một quá trình tu tập xuyên suốt và có thứ tự, giúp cho Rahula có thể tiến bộ một cách nhanh chóng. Đức Phật khuyên Rahula tu tập hạnh của đất: “Người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu, tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán”25. Tương tự như thế, đức Phật dạy Rahula tu tập hạnh của nước, ví như nước người ta đổ đồ tịnh, không tịnh, rửa sạch phân uế, nước tiểu nhưng nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán. Lửa đốt các đồ tịnh, không tịnh cũng không lo âu, nhàm chán, không dao động. Gió thổi các đồ tịnh, không tịnh cũng không lo âu, nhàm chán hay dao động. Tu tập về lòng từ thì cái gì thuộc sân tâm sẽ được diệt trừ, tu tập lòng bi cái gì thuộc hại tâm sẽ được diệt trừ, tu tập về hỷ cái gì thuộc bất lạc sẽ được diệt trừ, tu tập về xả cái gì hại tâm sẽ được diệt trừ, tu tập về bất tịnh cái gì thuộc tham ái được diệt trừ, tu tập về vô thường cái gì thuộc ngã mạn được diệt trừ.

Tất cả những bài pháp mà đức Phật đã dạy cho Rahula đến đây là một kho tàng pháp bảo. Một lộ trình tu tập xuyên suốt từ thấp đến cao, từ đơn giản đến thâm sâu. Đức Phật đã dạy về đạo đức chân thật, lòng trung thực. Tiếp đó, đức Phật dạy cho Rahula thấy được vạn pháp do duyên hợp mà có, do vậy không nên chấp thủ, vướng mắc vào những thứ không thật. Ngài lại dạy Rahula đức tính kham nhẫn tu tập hạnh của đất, nước, lửa, gió, hư không để có thể dung chứa tất cả giúp cho Rahula thấy được thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Đức Phật dạy Rahula tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra làm cho sung mãn, thời khi những hơi thở vô, hơi thở ra tối hậu chấm dứt, chứng được giác tri, không phải không được giác tri. Năm Rahula hai mươi tuổi, năm thứ mười bốn sau khi đức Phật thành đạo, Rahula thọ giới cụ túc chính thức trở thành trở thành một vị tỳ kheo trong tăng đoàn. “The fourteenth year is spent at Savatthi, and there Rahula receives the upasampada ordination”26.

Rahula với tính ham học các học giới, thích thân cận các bậc thiện tri thức kèm theo sự thầm lặng kham nhẫn Rahula đã sớm chứng thành đạo quả. Thế Tôn ở Savatthi, Jetavana tại tinh xá ông Anathapindika khởi niệm rằng: “Đã thuần thục là các pháp đưa đến giải thoát được chín muồi cho Rahula, vậy ta hãy giảng dạy cho Rahula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc”27. Sau khi khởi niệm như vậy, đức Phật dạy cho Rahula về vô thường của thân tứ đại, những kiết sử do tâm chấp thủ đối với thân đó. Đức Phật muốn dạy cho Rahula biết được vạn vật trên thế gian này đều bị chi phối bởi vô thường, không có gì tồn tại mãi. Thế Tôn thuyết giảng như vậy xong Rahula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. “Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của Rahula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”28. Nhờ sự tinh cần đó, Rahula chứng đắc A La Hán khi tuổi còn rất trẻ. Trong Trưởng Lão Tăng Kệ, Rahula suy tư đến sự thắng trận của mình, tôn giả nói lên chính trí:

“294. Nhờ ta được đầy đủ Hai đức tính tốt đẹp, Được bạn có trí gọi “Rahula may mắn,” Ta là con Đức Phật, Ta lại được pháp nhãn. 295. Ta là bậc La-hán, Đáng được sự cúng dường. Ba minh ta đạt được, Thấy được giới bất tử. 296. Bị dục làm mù quáng, Bị lưới tà bao trùm, Khát ái làm màn che, Bao trùm che phủ kín, Do phóng dật trói buộc, Như cá mắc mắt lưới. 297. Ta vượt qua dục ấy, Cắt đứt ma trói buộc, Nhổ lên gốc khát ái, Ta mát lạnh tịch tịnh”29.

Rahula cảm thấy hạnh phúc, may mắn được làm con đức Phật và đạt được pháp nhãn. Rahula xứng đáng được nhận danh hiệu đó. Các lậu hoặc Rahula đã đoạn tận, không còn tái sinh và chứng quả A La Hán. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật nói: “Trong các đệ tử tỳ kheo của ta, ưa thích học tập tối thắng là Rahula”30. Đức tính ưa thích học các học giới, luôn thích có nhiều bậc thầy dạy như cát trong tay, kham nhẫn chịu đựng tất cả các nghịch duyên, khiến cho hàng đệ tử Phật xưng danh Rahula là mật hạnh đệ nhất. Đức Phật đã dạy Rahula theo trình tự thứ lớp giúp cho Rahula sớm đạt được giải thoát giác ngộ.

Năm nhập Niết Bàn của Rahula không được ghi lại trong Kinh. Tuy nhiên, theo Dictionary of Pali Proper Names31 thì Rahula nhập Niết Bàn trước đức Phật, trước cả Sariputta, nơi nhập niết bàn ở tầng trời thứ 33 Tavatimsa. Trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói mật hạnh của Rahula chỉ đức Phật mới biết và ngài đã thọ kí cho Rahula: “Ông ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu: Đạo Thất Bửu Hoa”32.

KẾT LUẬN

Qua bài này, chúng ta học hỏi được rất nhiều từ đức hạnh của tôn giả Rahula. Nhẫn những gì khó nhẫn, siêng năng tham cầu học hỏi với các bậc trưởng thượng, tự mình bước trên đôi chân của mình không ỷ lại hay nương tựa một ai. Như lời đức Phật dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Người xuất gia trẻ nên thân cận các bậc trưởng thượng để tiến tu đạo nghiệp. Trước tiên, trở thành một người làm tốt đời đẹp đạo, sau đạt được giải thoát giác ngộ ngay trong hiện tại. Để đạt được kết quả đó chúng ta cần nỗ lực sửa đổi thân tâm, trau dồi giới đức. Không chỉ học trên lý thuyết mà còn phải vận dụng vào thực hành. Nếu chúng ta chỉ nói suông, đạo lộ giải thoát giác ngộ khó mà đạt được.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Học viên Cao học khoá V Học viện PGVN tại Tp.HCM

*** CHÚ THÍCH: (1) Kinh Tiểu Bộ, tập II, Trưởng Lão Tăng Kệ, tr. 325 (2) TT. Thích Chơn Minh, Bài giảng về Rahula, Học viện PGVN TP.HCM (3) Chú giải Kinh Pháp Cú, quyển I, tr.94 (4) Sđd, tr. 94 (5) Dictionary of Pali Proper Names, Vol II, tr.739 (6) Tạng Luật Pali, Đại Phẩm, tập I, tr. 253 (7) Sđd, tr. 253 (8) Tạng luật Pali, Đại Phẩm, tập I, tr. 256 (9) Sđd, tr. 257 (10) Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh Giáo Giới Rahula ở rừng Ambala, tr. 507-8. (11) Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh Giáo Giới Rahula ở rừng Ambala, tr. 509. (12) Đại Phật Sử, tập 4, tr. 122. (13) Kinh Tiểu Bộ, tập III, Jataka số 16 Chuyện tiền thân Tipallatthamiga, 89. (14) Sđd, 90. (15) Kinh Tiểu Bộ, tập III, Jataka số 16 Chuyện tiền thân Tipallatthamiga, tr. 89 (16) Sđd, tr. 89 (17) Chú giải Kinh Pháp Cú, quyển 4, tr. 298 (18) Thánh đệ tử, tr. 198 (19) Kinh Tiểu Bộ, tập III, Jataka số 16 Chuyện tiền thân Tipallatthamiga, tr. 91 (20) Kinh Tiểu Bộ, tập IV, Jataka số 319 Chuyện chim đa đa, tr. 331 (21) Sđd, tr. 332 (22) Kinh Tiểu Bộ, tập IV, Jataka số 281, tr. 198 – 9 (23) Kinh Tiểu Bộ, tập V, Jataka số 486 Chuyện chúa chim ưng, tr. 317 (24) Kinh Trung Bộ, tập I, Đại Kinh Giáo Giới Rahula, tr. 516 (25) Kinh Trung Bộ, tập I, Đại Kinh Giáo Giới Rahula, tr. 518 (26) Dictionary of Pali Proper Names, VoL II, tr. 798 (27) Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Tương Ưng Sáu Xứ, tr. 195 (28) Kinh Trung Bộ, tập II, Tiểu Kinh Giáo Giới La Hầu La, tr. 195 (29) Kinh Tiểu Bộ, tập II, Phẩm bốn kệ, tr. 326 – 7 (30) Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, tr. 59 (31) Dictionary of Pali Proper Names, VoL II, Rahula, tr. 738 – 9 (32) Kinh Pháp Hoa, Phẩm “Thọ Học Vô Học Nhơn Ký” thứ chín, tr. 294 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Trung Bộ, tập I, II, Nxb Tôn giáo, Tp. HCM, 2017 2. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Nxb Tôn giáo, Tp. HCM, 2017 3. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Nxb Tôn giáo, Tp. HCM, 2017 4. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Tiểu Bộ, tập I, II, III, IV, Nxb Tôn giáo, Tp. HCM, 2017 5. HT. Thích Trí Tịnh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn giáo, Tp. HCM, 2015 6. Tỳ khưu Indacanda dịch. Tạng Luật, Đại phẩm, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017 7. Thiền sư Pháp Minh dịch. Chú giải Kinh Pháp Cú, quyển 1, 4, Nxb Tổng hợp, Tp. HCM, 2015 8. Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch. Đại Phật Sử, tập 4, Nxb Hồng Đức, Tp. HCM, 2019 9. Đồng Niệm. Thánh Đệ Tử, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017 10. G. P. Malalasekera. Dictionary of Pali Proper Names, Vol II, London, 1974