Ni trưởng Thích Đàm Lan Trưởng Ban TTXH GHPGVN Tp.Hà Nội Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư tôn đức chứng minh, Chư tôn đức chủ tọa đoàn!
Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni!
Kính thưa Quý vị Đại biểu khách quý!
Kính thưa Đại hội!
1. Tóm tắt
Công tác xã hội hóa từ thiện nhân đạo của Phật giáo là một trong những hoạt động mang tính truyền thống của Phật giáo, thấm nhuần đạo lý “hành đạo cứu đời”, “đồng hành cùng dân tộc”, phù hợp với chủ chương đường lối của Đảng và Chính phủ. Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, không chỉ góp phần cứu giúp những người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn, những người cần giúp đỡ trong lúc gặp hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh… mà công tác này còn mang một sứ mệnh lớn lao hơn, đó là giáo dục truyền thống, khơi dậy và lan tỏa tình yêu thương sẵn có trong mỗi con người đến với cộng đồng, xã hội.
Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của công tác từ thiện nhân đạo, những năm qua Ban Từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Tp. Hà Nội đã không ngừng cố gắng, làm hết khả năng của mình, vận động các Tăng Ni, Phật tử trong toàn Thành phố chung tay làm từ thiện với nhiều hoạt động khác nhau và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác này cũng còn một số hạn chế cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong những năm tới. Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi xin phép được trình bày trước Đại hội ba nội dung chính sau đây:
Một là, Vai trò của công tác xã hội hóa (XHH) từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội hiện nay.
Hai là, Những hạn chế trong công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội hiện nay.
Ba là, Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò trong công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội thời gian tới.
2. Nội dung
2.1. Vai trò của công tác xã hội hóa từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội hiện nay.
Trên cơ sở đường hướng, nhiệm vụ hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo Thành phố lần thứ VIII, Nghị quyết Hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Tp. Hà Nội, hướng mọi hoạt động Phật sự theo đúng phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Thực hiện lời Phật dạy "Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật", kế thừa những thành quả tốt đẹp đạt được trong những nhiệm kỳ trước, nên trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 kết quả công tác Phật sự và từ thiện nhân đạo của Phật giáo Tp. Hà Nội đã đạt được là 323.161.000.000đ (ba trăm hai mươi ba tỷ một trăm sáu mươi mốt triệu đồng). Trong đó, số tiền Tăng Ni, Phật tử Thủ đô quyên góp ủng hộ công tác từ thiện là hơn 158 tỷ đồng. Còn các công tác Phật sự như: ủng hộ các trường Phật học, xây dựng chùa, tô tượng, đúc chuông, làm đường nông thôn đổi mới với số tiền là hơn 165 tỷ đồng.
Mùa Phật Đản hàng năm, Ban Từ thiện GHPGVN Tp. Hà Nội tổ chức phát quà cho các em học sinh nghèo vượt khó với trị giá 150 triệu đồng mỗi năm. Vào các dịp Tết Nguyên Đán, Ban Từ thiện kết hợp với Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tp. Hà Nội và tập đoàn VinGroup trao tặng quà cho các quận, huyện trong toàn Tp. Hà Nội 800 xuất quà mỗi năm tương đương 2,4 tỷ đồng.
Đặc biệt trong nửa cuối nhiệm kỳ qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương mất mát cho người dân. Bằng những việc làm cụ thể thiết thực, Tăng Ni, Phật tử Hà Nội đã thêm một lần tỏa sáng với tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, hỗ trợ cả về sức người và sức của cho các tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cho những người dân kém may mắn trong dịch bệnh, người dân trong khu cách ly, giãn cách. Công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội đã đóng góp cùng với GHPGVN hỗ trợ tặng hàng ngàn các túi ngủ nghìn thu cho các bệnh nhân Covid-19 xấu số. BTS GHPGVN Tp. Hà Nội đã kêu gọi Tăng Ni đóng góp ủng hộ 2 phòng áp lực âm cho Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Long Biên và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trị giá 1,3 tỷ đồng. Thêm vào đó, hàng trăm tấn gạo, hàng trăm tấn hoa quả và rau củ, thực phẩm, hàng trăm xuất cơm chay mỗi ngày, hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang y tế, hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ và rất nhiều những nhu yếu phẩm cần thiết khác đã được chư tôn đức Tăng Ni quyên góp gửi tới hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân ở các khu phong tỏa, cách ly. Bên cạnh đó còn là sự xung phong của các Tăng Ni, Phật tử “Cởi áo cà sa khoác Blouse” tình nguyện lên đường đi vào hỗ trợ các tuyến đầu chống dịch.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hà Nội luôn đồng hành với mọi người dân trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy mà khi nhắc đến đạo Phật, người dân thường nghĩ đến hình ảnh ông Bụt với tâm Từ Bi, như một liều thuốc cực mạnh hóa giải những sầu muộn, oan trái và đau khổ, giúp cho người dân buông bỏ được mọi vô minh che lấp, giúp bừng sáng lên hạt giống trí tuệ của sự tha thứ, bao dung và giải thoát. Lòng từ bi trong đạo Phật đã được khơi dậy mãnh liệt trong lòng người dân Việt, là nguồn năng lượng tích cực giúp con người vượt qua mọi khổ đau, khó khăn, hoạn nạn. Chính từ đó đã tạo nên một sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để toàn dân cùng nhau vượt qua đại dịch, vượt qua mọi khó khăn.
Gần đây nhất, BTS GHPGVN của 30 quận, huyện, thị trong toàn Tp. Hà Nội cũng đã cùng chung tay đóng góp ủng hộ vào chương trình máy tính cho các em học sinh nghèo vượt khó, 20 bộ máy vi tính được trao tận tay cho 20 em với tổng kinh phí là 160 triệu đồng. Đạo tràng Pháp Hoa và Ban Hoằng pháp của Phật giáo Thành phố Hà Nội cũng đã ủng hộ 25 bộ máy vi tính trao tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn, giúp các em học tốt trong Đại dịch.
Nhiều chùa đã tham gia cùng Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ nhiều đợt cho các "chốt phòng dịch” và gửi nhu yếu phẩm đến các khu giãn cách tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều chùa đã tổ chức cho các Tăng Ni, Phật tử nấu hàng nghìn suất cơm từ thiện mỗi ngày gửi đến các bệnh viện, các chốt phòng chống dịch và các khu cách ly do dịch Covid-19.
Cơ sở Bảo trợ chùa Bồ Đề đã nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi với số lượng trên 70 cháu và các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, mức chi phí trung bình hàng năm khoảng 2,5 tỷ đồng.
Trên đây là những kết quả chủ yếu đạt được trong công tác xã hội hóa từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội nhiệm kỳ 2017-2022. Trong những kết quả đạt được, kết quả hoạt động từ thiện trong công tác chống dịch Covid-19 được coi là điển hình, thể hiện rõ đạo pháp đã đồng hành cùng dân tộc hơn bao giờ hết.
2.2. Những hạn chế trong công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội hiện nay.
Phải nói rằng công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội hiện nay tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số hạn chế, cụ thể là:
Thứ nhất: công tác từ thiện Phật giáo chưa huy động được rộng rãi nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều tổ chức tham gia, công tác này chỉ mới được thực hiện ở một số chùa, một số cơ sở, Tăng Ni, Phật tử.
Thứ hai: công tác từ thiện, nhân đạo hiện nay vẫn còn lẻ tẻ, manh mún, tự phát, chưa có hệ thống, bài bản, nhiều chùa kinh phí còn eo hẹp, không ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của người dân nơi sở tại, nên dễ gây ra sự hiểu lầm.
Thứ ba: về nguồn kinh phí của các cơ sở trợ giúp xã hội của Phật giáo Tp. Hà Nội chủ yếu có được từ các nguồn trợ giúp của các cá nhân và tổ chức từ thiện trong xã hội, nên còn thiếu tính chủ động, nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh thì nhiều nơi còn lúng túng do chưa kêu gọi được.
3. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò trong công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội thời gian tới.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những hạn chế nêu trên, đồng thời căn cứ phương hướng hoạt động của GHPGVN Tp. Hà Nội trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động của công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội như sau:
1) Hoàn thiện việc tổ chức công tác XHH từ thiện nhân đạo của GHPGVN Tp. Hà Nội có một hệ thống thống nhất từ trên xuống dưới cơ sở.
2) Định kỳ hàng năm cần có tổng kết, đánh giá, tuyên dương khen thưởng kịp thời những cơ sở, cá nhân điển hình trong công tác từ thiện, nhằm khích lệ và lan toả trong cộng đồng xã hội.
3) Sử dụng công nghệ thông tin như zalo, lập nhóm có tính tổ chức để tăng cường trao đổi thông tin trong hệ thống.
4. Kết luận:
Với truyền thống “hộ quốc an dân”, GHPGVN Tp. Hà Nội đã luôn đồng hành với những thăng trầm của đất nước. Tôn chỉ của Phật giáo là “Phật Pháp bất ly thế gian giác”. Từ thiện chỉ là một trong muôn việc mà Phật giáo đóng góp cho cộng đồng để chung sức nâng cao mức sống người dân, phát triển giáo dục, văn hoá, điều kiện giao thông, xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Qua những việc làm nghĩa tình, chúng ta nhất định sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong việc hóa giải những bức xúc, xóa nhòa ranh giới giàu - nghèo, sang - hèn; thực hiện công bằng dân chủ, văn minh. Với phương châm “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày một tươi đẹp. Trong bài “Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo đồng hành cùng Thủ đô phát triển”, đã khẳng định: “Phải ghi nhận những đóng góp tích cực của GHPGVN Tp. Hà Nội cùng Tăng Ni Phật tử Thủ đô trong xây dựng phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, khẳng định niềm tin đối với Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô, viết tiếp trang sử vàng truyền thống của PGVN, phát huy tinh thần “Đoàn kết, hòa hợp, ổn định, kế thừa và phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, cùng toàn dân xây dựng Hà Nội xứng đáng với danh hiệu cao quý Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình”.
Trên đây là toàn bộ bài tham luận của tôi, cảm ơn sự lắng nghe và theo dõi của chư Tôn đức và quý vị Đại biểu. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị để hoàn thiện hơn. Kính chúc chư Tôn đức, Quý vị đại biểu mạnh khỏe, bình an. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Ni trưởng Thích Đàm Lan Trưởng Ban TTXH GHPGVN Tp.Hà Nội Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016. 2. Quốc Hội: Luật số: 02/2016/QH14. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được Quốc hội NCHXHCNVN khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016. 3. Tham luận báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ IX của PGVNTPHN 4. Thích Tâm Quang (1994), Đạo Phật và đời sống hiện đại, Nxb. Tp.HCM 5. Đặng Văn Bài (2008), Nhận diện để phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5.
Bình luận (0)