Trang chủ Chuyên đề Công tác Tăng sự

Công tác Tăng sự

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Quay về với chiều dài của dòng lịch sử phát triển Phật giáo, chúng ta nhận ra rằng bất cứ trong thời kỳ nào: từ những ngày đầu Tăng đoàn được thành lập tại xứ Ấn, cho đến những đoàn sứ giả mang chính pháp của đức Như Lai lan tỏa đi muôn phương thời A Dục Vương, hay ngay cả trong thời kỳ hiện đại kỹ thuật số hiện nay, thì vấn đề Tăng sự luôn ngày càng được chú trọng và quan tâm hơn cả. Bởi chức năng của công tác Tăng sự là mang lại sự thanh tịnh, hòa hợp và đoàn kết trong tập thể Tăng Ni hướng đến mục tiêu của việc trang nghiêm và phát triển Giáo hội như bao đời lịch đại Tổ sư đã vun bồi.

Nhìn lại chặng đường dài từ những ngày đầu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 cho đến ngày hôm nay, tổ chức hành chính Giáo hội được củng cố đi đôi với việc ngày càng có nhiều hơn các quy chế, nội quy được ban hành nhằm đảm bảo tính ổn định và kỷ cương của mọi tầng lớp Tăng Ni Phật tử. Hơn 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang gặt hái được nhiều thành công trong tinh thần của lý tưởng trang nghiêm Giáo hội, dấn thân phụng sự, sống tốt đời đẹp đạo. Chúng ta đều công nhận một điều rằng công tác Tăng sự nói riêng hay Ban Tăng sự là một trong những lĩnh vực quan trọng đóng vai trò then chốt, góp phần cho những thành tựu to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Năm năm của nhiệm kỳ vừa qua đánh dấu những thành tựu vượt bậc cũng như những bài học quý giá trong công tác Tăng sự tại tỉnh nhà. Xin được mượn những mục tiêu của chủ đề đại hội để phân loại những thành tựu mà ngành Tăng sự đã và đang hướng đến trong nhiệm kỳ tới đó là: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thuc Trang Quan Ly Tang Su Hien Nay Thach Thuc Va Giai Phap 1

Nhắc đến kỷ cương thì việc tu trì giới luật là nền tảng kỷ cương căn bản và quan trọng nhất của Tăng đoàn. Bênh cạnh đó, Pháp luật quốc gia, Hiến chương Giáo hội, Nội quy, Thông tư, Quy chế của Ban, Viện Trung ương cũng đóng vai trò như những quy chuẩn nhằm tạo nên nề nếp sinh hoạt có tính quy phạm phổ biến và thống nhất. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội vì có kỷ cương, thì mọi tổ chức mới ổn định và phát triển. Trong những năm qua, ngoài việc trùng tuyên Giới pháp định kỳ hàng tháng trong những buổi bố tát tập thể. Tăng Ni tỉnh Bình Thuận đã có nhiều hơn những buổi sinh hoạt về các điều giới tại các hạ trường, những chuyên đề ngày càng thu hút được sự tham gia đóng góp ý kiến thảo luận của nhiều thành phần Tăng Ni các hệ phái, từ hàng Giáo phẩm đến thế hệ Tăng Ni trẻ trong tỉnh. Ban Tăng sự đã tổ chức nhiều hơn những buổi tọa đàm, hội nghị tiếp thu và lắng nghe những ý kiến trao đổi về Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, cũng như giải đáp những thắc mắc xoay quanh quy chế, thông tư thông bạch được ban hành bởi Trung ương Giáo hội cũng như các cơ quan nhà nước. Trong những năm qua số lượng Tăng Ni có những hành vi sai lệch quy chuẩn của giới luật và vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Giáo hội ngày càng ít đi. Công tác xây dựng, sửa chữa các cơ sở tự viện trong tỉnh luôn được Ban Trị sự, Ban Tăng sự phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành chức năng giúp giảm thiểu thấp nhất số lượng những vi phạm liên quan đến vấn đề xây dựng, mở rộng và tu bổ cơ sở Tôn giáo. Ban Tăng sự đã phối hợp cùng các Ban ngành, Ban Trị sự cấp huyện/thị/thành phố tham mưu cho Thường trực Ban Trị sự tỉnh kịp thời xử lý những đơn thư vượt cấp, vu khống, vu cáo gây ảnh hưởng đến danh dự các cá nhân và tập thể. Ban Tăng sự luôn cập nhật và bám sát những văn bản hành chính, thông tư hướng dẫn, thông bạch của cấp Trung ương để triển khai một cách phổ biến và chính xác nhất đến Tăng Ni tự viện trong tỉnh. Việc ứng dụng các phần mềm tiện ích xã hội như Facebook, Zalo giúp quá trình phổ biến các văn kiện được nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Không có gì bàn cãi khi nói đến Ban Tăng sự là ban có trách nhiệm bảo đảm, bảo hộ việc thực thi quyền, nghĩa vụ liên quan đến đối tượng chủ thể là Tăng Ni và Tự viện đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo. Như những gì được quy định tại điều 5 chương I của Nội Quy Tăng sự Trung ương, có thể nói nhiệm kỳ vừa qua Ban Tăng sự tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được xem là trách nhiệm của Ban như: hướng dẫn, giám sát và hộ trì việc tu học, hành đạo, sinh hoạt của Tăng Ni và hoạt động Phật sự của Tự viên, tuân thủ theo đúng những quy định của Giáo hội và pháp luật nhà nước. Trong những năm qua, Ban Tăng sự tỉnh luôn đóng vai trò then chốt trong những Phật sự quan trong của Phật giáo tỉnh nhà trong công tác tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo Ban Trị sự, đặc biệt là Ban Thường trực Ban trị sự kịp thời nắm bắt mọi tình hình và giải quyết các vấn đề nội bộ một cách thanh tịnh và hòa hợp. Đối với những xung đột, tranh chấp không đáng có liên quan đến đất đai, kế nhiệm trụ trì, xây dựng, chư Tôn Đức toàn Ban luôn khách quan trong việc đưa ra những phương án giải quyết tối ưu, giảm thiệu những sai sót không đáng có, cũng như đảm bảo được lợi ích chính đáng của Tăng Ni.

Vì ý thức được trách nhiệm của cá nhân, thành viên Ban Tăng sự trong thời gian qua đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công nhất là linh hoạt trong việc vận động, tuyên truyền những chủ trương của lãnh đạo Giáo hội các cấp đến Tăng Ni, tự viện đặc biệt là những vị có những tư tưởng và hành động đi ngược lại lợi ích chung của tập thể Giáo hội.

Tính đoàn kết của Ban Tăng sự được thể hiện qua việc hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể bàn bạc, thảo luận, quyết định theo đa số, có phân công cá nhân phụ trách. Đặc biệt đối với Ban Tăng sự tỉnh Bình Thuận, với tâm niệm phụng sự đại chúng, lấy mục đích hòa hợp và thanh tịnh của đại chúng làm mục tiêu, nên trong những năm qua mọi vướng mắc đều được tháo gỡ trên tinh thần đoàn kết cao nhất. Với tâm niệm, luôn lắng nghe những khó khăn, bâng khuâng của mỗi cá nhân, nhìn sự việc với góc độ của đương sự để luôn giải quyết các vấn đề theo tinh thần từ bi và vị tha. Đối với những trường hợp kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ, thay vì trực tiếp áp dụng những biện pháp chế tài theo quy định của Nội quy, thì Ban Tăng sự luôn thực hiện phương châm “không hận diệt thù hận”, luôn lắng nghe, và thậm chí công cử nhân sự đến để làm công tác tử tưởng, hòa giải và vận động. Vì thế nên, mặc dù đối mặt với nhiều luồng tư tưởng trái chiều, những điểm bất hòa ngoài ý muốn. Thay vì thực hiện vai trò như một người thi hành những điều luật thì Ban Tăng sự tỉnh nhà lại là một sứ giả của thiện chí hòa bình và đoàn kết. Ban luôn phân công chư tôn đức đến và trao đổi trực tiếp với đương sự, sau đó báo cáo tham mưu lên Thường trực. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết còn thể hiện qua cách thức tập thể điều hành mọi Phật sự trọng đại, bàn bạc và quyết định thông qua ý kiến biểu quyết, luôn xem xét và trân trọng những ý kiến góp ý.

Bên cạnh những thành tựu, Ban Tăng sự cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn đọng, phát sinh đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý, xây dựng và bổ sung cơ sở Pháp lý của Ban. Một số đề xuất cho công tác Tăng sự trong nhiệm kỳ mới được đúc kết qua những buổi sinh hoạt, hội nghị trong những năm qua như sau:

– Ngoài những tiêu chí đánh giá và hồ sơ yêu cầu về việc Tấn phong Giáo phẩm theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, Ban Tăng sự tỉnh cần xem xét kỹ hơn về vấn đề đạo hạnh, công đức để tham mưu một cách chính xác lên lãnh đạo Giáo hội các cấp.

– Nắm bắt danh sách Tăng Ni đã hoàn tục, tiến hành hủy các giấy tờ liên quan.

– Cần nắm bắt số lượng và đặc điểm chư vị Tăng Ni cư trú và sinh hoạt ngoài các cơ sở trực thuộc Giáo hội.

– Tổ chức nhiều hơn những buổi sinh hoạt, hội nghị, tập huấn về công tác Tăng sự đến thành viên và các Ban Tăng sự cấp huyện/thị/thành phố.

– Vấn đề quản lý Tăng Ni, tự viện, do điều kiện lịch sử để lại, một số cơ sở Phật giáo chưa đăng ký tham gia vào Giáo hội, nên việc thống kê quản lý gặp khó khăn.

– Ngày nay, người xuất gia ngày càng đông, nhu cầu Tăng Ni tự dựng am thất rất nhiều. Một số vị do chưa nắm rõ những quy định của pháp luật liên quan nên dẫn đến vi phạm các vấn đề xây dựng, cư trú. Chúng tôi thiết nghĩ, nhằm tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử có nơi tu học và hoằng pháp đúng pháp luật, Giáo hội cần có cơ chế xây dựng lộ trình việc thành lập tự viện từ cơ sở nhỏ như tịnh thất rồi khi đủ các điều kiện thì chuyển đổi thành chùa, tịnh xá, thiền viện, tu viện mang tầm quy mô hơn vừa để cho thuận tiện trong việc điều hành quản lý được tốt hơn.

Qua những gì đã được trình bày, Ban Tăng sự tự đánh giá những nét thành tựu luôn song hành với mục tiêu của Giáo hội là “kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết và phát triển”. Những gì đạt được đã phản ánh một cách chính xác tình hình hoạt động của Ban Tăng sự trong nhiệm kỳ 2017-2022, tạo nền tảng cho sự tiếp nối ổn định và phát triển của Ban Tăng sự nói riêng và Ban Trị sự tỉnh Bình Thuận nói chung. Thông qua đây, tham luận cũng đã trình bày những đề xuất mang tính đóng góp, xây dựng cũng như định hướng cho công tác Phật sự tiếp đến của Ban Tăng sự trong nhiệm kỳ tới. Ngưỡng mong Tam Bảo gia hộ cho quý Ban cũng như tập thể Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận ngày càng gặt hái được nhiều hơn nữa thành tựu to lớn trong công tác Phật sự địa phương.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp./.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường