Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Con đường hạnh phúc (P.3)

Con đường hạnh phúc (P.3)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Gần đây báo chí đăng tin có một vị sư bên Thái Lan có khả năng nhịn đói một trăm ngày. Ở Việt Nam, đâu ở Miền Tây thì phải, cũng có một “người đàn ông bình thường” (nghĩa là chẳng tu đắc một pháp gì cả) cứ tự nhiên chẳng ăn gì mà vẫn sống được, năm này qua năm khác. Trong cuộc sống có một thiểu số người vô tình hay hữu ý đạt được những khả năng siêu nhiên, tuy nhiên đó chỉ là một con số ít ỏi trong cái tổng số dân số của cộng đồng nhân loại. Chúng ta không phủ nhận những kỳ tích hiện tượng bất nhất rõ ràng là một điều có thật – và vô hình chung, nó lại minh chứng cho cái học thuyết “bất nhất bất dị” nằm trong hệ thống bát bất của triết lý nhà Phật. Tuy nhiên vấn đề ở đây – ở mục tiêu của cuốn sách nhỏ này là “con đường hạnh phúc” của cộng đồng nhân loại nói chung, cộng đồng dân tộc nói riêng, mà trong ý nghĩa đó, mục tiêu đó thì một vài sự kỳ tích, chẳng phải là đáp số khả thi. Đáp số khả thi phải là một giải pháp giải quyết được cái yêu cầu chung của tất cả mọi người. Mà “Tất cả mọi người” – ít ra cũng trong cộng đồng dân tộc – là sao, thì sao; để đạt được cái gọi là hạnh phúc người ta cũng tối thiểu phải có cơm ăn, áo mặc nhà ở dù cái gọi là cơm này có là cơm hẩm, cái gọi là áo này có là áo rách, cái gọi là nhà ở này có là một cái chòi đi chăng nữa; rồi một khi cái nhu cầu tối thiểu của một sinh-vật-người đã được giải quyết, được thỏa mãn, bấy giờ “đương sự mới mặc tình tung hê” trên vạn nẻo đường đi tới hạnh phúc vậy. Liếc mắt vào “cái chung quanh” cũng như vào cái gọi là lịch sử, chúng ta có thể thấy điều đã nói ở trên là hiện thực.

Trong lịch sử người ta có ghi lại câu chuyện của đức Phật – là hiện thân cao cả của sự thiểu dục, sự giới hạnh – như sau: Một ngày nọ, sau nhiều ngày tịch cốc tham thiền, Ngài đuối sức, ngất xỉu. Bấy giờ một mục nữ (cô gái chăn bò) bèn dâng cho Ngài một bát sữa, giúp Ngài lấy lại sức, để rồi sau đó, tinh tấn vượt qua bức màn vô minh vũ trụ trong đó có kiếp người, chứng quả bản lai diện mục. Qua câu chuyện trên, chúng ta học được mấy điều.

Thứ nhất, ngay cả đấng toàn giác siêu việt cũng cần sự trợ lực của lương thực vật chất (bát sữa chẳng hạn) bởi cái lẽ giản dị là, vì lý do nào đó, Ngài đang mang thân phận một con người, với một thân xác con người, mà đã mang thân xác con người, thì dù tuân theo tôn chỉ thiểu dục đến tối đa, Ngài cũng cần “ăn để mà sống” chứ không phải như ai kia “sống để mà ăn” vậy.

Bên lẽ thứ nhất, tất còn lẽ thứ hai, lẽ thứ ba.

Theo kinh Phật thì sở dĩ đức Phật hạ sinh trên cõi thế gian gọi là Ta Bà này là vì một cái “đại sự nhân duyên”! Đó là để giác ngộ, giải thoát cho chúng sinh. Chúng sinh ở đây, cụ thể tức là con người. Mà nói đến con người thì chúng ta có thể nghĩ đến hai hạng: Một là bình thường, và một hạng siêu thường, là những con người được cấu tạo với những điều kiện sinh lý (và tâm lý) bình thường, nó khiến cho đương sự phải được ăn nếu muốn no, phải được ngủ nếu muốn khỏe! Tóm lại, phải được thỏa mãn trong tương đối những nhu cầu thiết yếu nếu muốn tồn tại.

Còn siêu thường, là hạng người, ngược lại được cấu tạo với những điều kiện sinh lý đặc biệt, xuất chúng. Đấy là những trường hợp mà người ta mệnh danh là thần thông, là phép lạ vậy.

Chúng ta lại thử lấy trường hợp của đức Phật ra mà giả dụ: Nếu đức Phật muốn dùng cái “kiếp làm người” để thử nghiệm chân lý giải thoát, hiển nhiên Ngài phải chấp nhận một “điều kiện làm người” bình thường “y mẫn”. Có như thế cuộc thử nghiệm mới có ý nghĩa mới thuần lý. Còn nếu Ngài chọn một “điều kiện làm người” khác biệt, thì… chẳng có gì phải nói ở đây cả.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Con duong hanh phuc P.3 1

Đức Phật hiện thân như một người, với những điều kiện hiện sinh của một con người! Và, trong hoàn cảnh đó, Ngài đã dùng sức người để vượt qua ba cái chướng (tam chướng), trong đó, cụ thể nhất là khổ chướng, với những điều kiện sinh lão bệnh tử, trong đó bao gồm đói ăn, khát uống…

Đức Phật trong những điều kiện thuần người, đã vượt qua những chướng ngại của thân phận con người, để tìm ra cái gọi là “con đường hạnh phúc”.

Ôi! Quả là một bản sinh ca hùng vĩ! Nhân thị tối thắng!

Là một phàm nhân, mang những điều kiện của một phàm nhân, mà vận dụng ý chí vĩ đại để vượt qua cái phàm (tam chướng, vô minh), điều ấy đối với loài người – loài người bình thường – quả là có ý nghĩa lớn. Đây rõ ràng là một trường hợp “bình đẳng trong điều kiện” vậy. Một sự “bình đẳng trong điều kiện khởi hành” đó là điều nhân loại cần, chúng ta cần. Nếu điều kiện khởi hành không bình đẳng, thì những gì thuộc về “Phần còn lại” chắc chắn cũng không hoàn hảo. Để cụ thể, chúng ta có thể lấy một cuộc đua ma-ra-ton làm ví dụ. Trong cuộc đua này, dĩ nhiên phải có người khỏe, người yếu, có người chân dài, có người chân ngắn, nghĩa là đương nhiên có sự sai biệt trong các điều kiện sức khỏe, cơ thể – và cả về tinh thần, ý chí nữa. Tuy nhiên đó là những sự sai biệt tất yếu, tất nhiên phải có, và chúng ta không thể làm cho cuộc đua nói trên trở thành bất bình đẳng, bất hoàn hảo.

Tóm lại là một tấm gương phấn đấu thành đạt chỉ có thể là một tấm gương đối với cộng đồng nhân loại, khi bản thân nó đã được, phải được thực hiện từ những điều kiện của con người, chứ nhất thiết không thể từ những điều kiện siêu nhiên.

Trở lại với chủ đề “con đường hạnh phúc” lạ lắm, hình như nhân loại, mà không của nhân loại. Tất cả mọi sinh vật – mà hình như không chỉ mọi sinh vật – kể cả loài thực vật nữa – tất cả đều mang trong tự thân một cái gì như là hoài bão, như là sứ mạng: Đó là nhu cầu, là khát vọng vươn tới hạnh phúc.

Ở một tầng thấp, chúng ta có thể nhận định rằng tất cả mọi loài trên hành tinh đều tự hữu một bản năng tạm gọi là “bản năng khát sống”. “Vươn tới hạnh phúc” có thể là một từ ngữ quá rộng nghĩa, và vì vậy, có thể kém phần chính xác. Nhưng “bản năng khát sống” nhu cầu khát sống thì có vẻ chắc nghĩa hơn, phản ánh thực tiễn hơn. Quả vậy, mọi loài trên hành tinh – và cả trong vũ trụ, cũng vậy – rõ ràng đều thể hiện, bộc lộ một bản năng khát sống, một bản năng sinh tồn.

Khỏi trầm tư mặc tượng đâu xa, cứ liếc “con mắt phàm” nhìn qua một vòng, chúng ta có thể bắt gặp cái gọi là bản năng khát sống ấy thể hiện khắp nơi, từ thấp đến cao, từ gần đến xa. Chẳng cứ tài tử giai nhân công hầu khanh tướng, chẳng cứ mọi tầng lớp, con người: Ngay nơi con kiến con sâu, mỗi hoa trên cỏ nội, thi thoảng đều “thi đua” bày tỏ niềm khát sống trong vô vàn những dáng vẻ, trong chi tiết có thể khác nhau, nhưng đại thể thì rõ ràng là một. Quang cảnh, tình trạng khát sống ấy mang một tính cách phổ biến gần như tuyệt đối. Và, đối trước vấn đề này, mặc dù đã tự thực hiện những bước tiến lớn, khoa học ngày nay vẫn chưa đưa ra được những lời giải đáp chính xác (về cái gọi là bản năng khát sống ấy của vạn loài). Với triết học, bao gồm cả tôn giáo cũng thế thôi! Đã có biết bao kiến giải về hiện tượng khát sống này, tuy nhiên vẫn chưa có một đáp án nào mang tính rốt ráo. Tất cả, thảy đều mang tính giả thuyết, và được đón nhận không hơn không kém một tín điều.

Với nhóm mệnh danh là duy vật, hiện tượng “khát sống” đề cập ở trên được giải thích như là một bản năng: bản năng sinh tồn. Chính cái bản năng này nó thúc đẩy vạn vật nỗ lực vươn tới sự sống, phô bày ra một cảnh tượng cạnh tranh, đấu tranh vô cùng mãnh liệt, vô cùng khốc liệt. Mà động cơ của “bức tranh sống”, thậm ư là phong phú, là đa dạng, là phức tạp, theo kiến giải của các “nhà duy vật” hình như chỉ gói trọn trong một “từ ngữ đáp số” gọi là bản năng sinh tồn.

Quả là giản dị! Như không còn giản dị hơn.

Trên đây chúng ta đang tra xét về “tác giả” về “thủ phạm” của cái gọi là “lòng khát sống”! Và các nhà duy vật đã trao cho chúng ta một câu giải đáp: Đó là bản năng sinh tồn. Vậy lòng khát sống sở dĩ có, ấy là do cái bản năng sinh tồn. Nhưng bản năng sinh tồn là cái gì? Tại sao, do đâu mà nó lại hiện hữu trong mọi sinh vật, tóm lại là trong mọi loài.

Để sử dụng cũng như vận dụng, “Phương thức giản dị” chúng ta có thể chọn câu trả lời như sau: Tại sao vạn hữu lại có lòng khát sống? Ấy bởi vì bản năng sinh tồn. Và tại sao vạn hữu có bản năng sinh tồn? Thì, ấy là vì vạn hữu có lòng khao khát sống! Cái cách đối đáp loanh quanh như thế rõ ràng là chẳng đi tới đâu. Nói nôm na, đó chỉ là một cách “đổ thừa”. Để lý giải một hiện tượng vô cùng hiện thực là hiện tượng khát sống.

Chúng ta hiện ra một động cơ nguyên thủy là bản năng sinh tồn, lại để lý giải cái nguồn cội nguyên thủy của cái gọi là bản năng sinh tồn này, chúng ta chẳng còn cách nào khác là… “đổ thừa” cho… lòng khát sống! Rõ là một trò lý luận trẻ con! Rõ là một cách lý giải chưa nghiêm túc, chưa đạt tới cội nguồn.

Ấy là kiến giải như trên đã nói, của các “nhà duy vật”.

Tuy nhiên, để rốt ráo hơn chúng ta cũng nên lưu ý rằng cái bản năng sinh tồn mà các nhà duy vật thường viện dẫn để giải đáp lối nói trên, cái bản năng ấy nó thường không đi một mình mà luôn song hành với một bản năng thứ hai, mệnh danh là “bản năng tự vệ”. Phải nói cặp bản năng ấy là đôi bảo bối của các nhà duy vật, giúp cho họ thoát khỏi cái tình huống “ngồi đực, trơ miệng hến” trước cái mà nhà thơ Huy Cận của chúng ta ví von một cách thi vị tuyệt vời là: “Một câu hỏi lớn không lời đáp”.

Hiện tượng khát sống trong vũ trụ quả là một điều nan giải, quả là một câu hỏi lớn của cõi nhân sinh vậy.

Hai cái bản năng mang tính đáp số khoa học này là đúng hay sai, đủ hay thiếu, rốt ráo hay nửa vời, triệt để hay tạm bợ! Việc phán quyết nó là một việc dài dài, xin đề nghị hẵng để “hạ hồi phân giải”.

Một điều trước mắt dễ nhận định hơn cả, ấy là chúng ta thử tìm hiểu xem cặp bản năng này có đúng là hai cá thể độc lập riêng biệt hay không – để đủ tư cách “là hai” chứ không phải “là một”?

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Con duong hanh phuc P.3 2

Hỏi, đôi khi cũng đã là một cách trả lời. Ngẫm cho kỹ, thì cái bản năng thứ hai – bản năng tự vệ – có thể nói cũng chỉ là một trạng thái thể hiện, biểu hiện của bản năng sinh tồn. Gọi là bản năng sinh tồn tức là nói đến một cái năng lực quyết sinh tự hữu cực kỳ mãnh liệt, với năng lực ấy gặp lúc bình thường thì một đương sự sở hữu nó sẽ nỗ lực phấn đấu để tồn sinh, mà khi gặp biến, đối đầu chướng ngại tất đương sự sẽ bung sức ra để đối phó! Trạng huống ấy ta mệnh danh là tự vệ vậy.

Hiểu như thế ta có thể khẳng định hai cái bản năng trên thực ra chỉ là một, giống nhau ở thể, chỉ khác nhau ở dụng mà thôi. Vả lại, dẫu chưa hiểu rõ nguồn gốc “cha sinh mẹ đẻ của cái gọi là bản năng sinh tồn là gì? Song chúng ta có thể nghiên cứu về mặt công năng của nó để đánh giá vai tuồng của chính nó xem thử nó có thể “đứng ở vị trí nào”.

Trước hết, chúng ta có thể minh định rằng cái gọi là bản năng chỉ có thể hiện hữu trong phạm vi của cái gọi là sinh mạng.

Mà một sinh mạng hiểu theo nghĩa căn cơ nhất, thực tiễn nhất, thì chỉ có thể hiện hữu, hiện diện trong một thân thể, một chân thân, ngoài thân thể ấy, chân thân ấy, thiết nghĩ sinh mạng không thể tồn tại. Cái thân thể ấy, chân thân ấy, thuật ngữ của nhà Phật mệnh danh là nhục thân vậy. (Tại sao thể? Là để đối nghĩa với vật hoặc những loại thân khác, siêu việt hơn, phi vật chất hơn. Tuy nhiên ở đây, chúng ta hẵng tạm không bàn thêm về những loại thân này).

Trở lại vấn đề, chúng ta thấy rằng, ít ra cũng trên mặt thực tiễn cái gọi là bản năng nói chung và bản năng sinh tồn nói riêng, nó chỉ có thể hiện hữu trong phạm vi một sinh mạng, một thân thể, một nhục thân. Rời sinh mạng (của nhục thân), bản năng không thể tồn tại nữa.

Điều này có thể khẳng định ngay từ trong phạm trù từ ngữ. Danh từ bản năng là một “danh từ đặc sản” của các nhà duy vật. Mà đã là duy vật thì tất không công nhận sự hiện hữu của thế giới siêu vật chất, cụ thể là không công nhận sự hiện hữu của “bản năng-ngoài-nhục-thể”. Nghĩa là chỉ ở trong nhục thể, thì mới có sự hiện hữu của bản năng vậy.

Phần giới thuyết, định nghĩa đã rõ. Vậy bây giờ chúng ta thử xét, như trên đã nói, về mặt công năng (của bản năng).

Theo các nhà duy vật, bản năng là toàn bộ cái năng lượng vô hình nó làm động cơ, động lực cho mọi hành vi, hành động của một cá thể, những hành vi, hành động tự nhiên mà phát ra, không phải do ý thức, ý chí của đương sự (nghĩa là của cá thể ấy).

Ví dụ: Một người bị ngã xuống sông, dù không biết bơi lội, y vẫn bất giác vung tay múa chân vùng vẫy; hoặc một con thú bị đuổi tới cùng tất quay lại cắn… Những trường hợp phản ứng ấy đều thuộc về bản năng.

Nói chung thì mọi phản ứng, mọi hành vi của một sinh vật đều do hai cái bản năng là sinh tồn và tự vệ tác động, quyết định. Với các nhà duy vật thì không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào.

Tuy nhiên nếu quan sát “chung quanh” thật kỹ, chúng ta có thể thấy trên thế giới này có những hành vi, hành động có vẻ như vượt ra ngoài tầm quyền lực của hai cái bản năng nói trên. Một con thú yếu, trước cái chết, có thể dũng mãnh xông vào trận, quyết tử: trường hợp ấy có thể quy cho bản năng (sinh tồn, tự vệ) được. Nhưng… cũng còn những trường hợp khác.

Ví dụ như một người liều chết để cứu một hoặc nhiều người khác, mà cái sự liều chết này – hy sinh này – lại hoàn toàn được diễn ra, được thực hiện nên, một là một cách bất giác, tức thì không hề có sự can thiệp kịp thời của cái gọi là ý thức, hai là trong một tình huống “phi công chúng” nghĩa là chẳng có ai ở đó để chứng kiến cho cái hành động anh hùng “kiến nghĩa bất vi” kia.

Một trường hợp “quên mình vì người như thế”, “vô úy thí” như thế có vẻ không nằm trong quyền hạn của bản năng dẫu là bản năng sinh tồn hay tự vệ.

Tất nhiên, chúng ta có thể nhìn nhận rằng, trong thực tiễn của đời sống hầu như đa số mọi hành vi, hành động của mọi sinh vật – trong đó có con người – đều được thực hiện tác thành bởi bản năng, tuy nhiên, đồng thời, thực tiễn cũng chứng minh rằng không chỉ có thế. Có nghĩa là, ngoài những trường hợp (cho dù là đại đa số) mang tính bản năng, xem ra cũng còn một số trường hợp “vượt ra ngoài phạm trù bản năng” – mà cái “một số này cũng không phải là ít”.

Có lẽ nhiều bạn đọc thân mến đã đọc qua câu chuyện một con chó trung thành xảy ra bên trời Tây. Số là có một ông thợ làm việc trong một xưởng máy nhỏ. Hàng ngày ông thợ dẫn theo một chú chó cưng là thành viên duy nhất của gia đình ông, đến trước cổng xưởng máy, để chú chó đợi ở đó cho đến giờ tan xưởng rồi “hai thầy trò” lại dắt nhau về. Chuyện xảy ra như thế trong nhiều năm. Cho đến một ngày ông thợ bị đột tử trong xưởng máy; điều đó có nghĩa vào buổi chiều tan xưởng của ngày hôm đó, chú chó cưng không được gặp ông chủ của mình nữa. Chú chó đâu biết rằng người chủ của mình, ông bố của mình, người bạn duy nhất của đời mình đã không còn nữa. Chẳng ai đọc ai trích cho nó nghe, mà có đọc, chắc chắn nó cũng không hiểu. Thế là từ buổi chiều đó, mỗi buổi chiều chú chó cưng – người bạn thủy chung kia – lại đến trước cổng xưởng máy vào giờ tan sở mà đợi, đợi mãi, kiệt lực, trút hơi thở cuối cùng.

Trước cảnh ngộ đó “người ta” ở địa phương đã dựng lên một tượng đài để tưởng nhớ chú chó trung thành ấy.

Chuyện về chú chó này tất nhiên là chuyện có thực. Duy qua chuyện đó, chúng ta có thể chiêm nghiệm một đôi điều: Ấy là: cái gì đã khiến chú chó nọ, cái gọi là bản năng sinh tồn, để, trong hàng ngàn buổi chiều, chẳng kể nắng mưa, sương tuyết tìm đến chỗ hẹn với “người thân yêu”?

Rõ ràng nếu bảo rằng hành vi của chú khuyển ấy là do bản năng sinh tồn thì có vẻ như không ổn. Bởi vì cái “sự thiệt thòi về kinh tế” từ hành động tìm đến nơi hẹn (với người chủ) được lập đi lập lại hàng ngàn lần trong suốt quãng đời còn lại của chú khuyển là một điều quá rõ. Dẫu là con vật, chẳng lẽ chú khuyển không nhận thức được chuyện ấy? (Mà chúng ta biết rằng cái gọi là bản năng và quyền lợi vật chất là những gì có tương quan chặt chẽ nhất, hơn bất cứ sự tương quan nào!)

Từ tình huống trên ta nhận thấy có một cái gì đó như một khoảng trống trong nhận thức… Rõ ràng, hành động (được lập đi lập lại hàng ngàn lần) của chú khuyển không phải do bản năng, nói là do bản năng ta thấy như thiêu thiếu cái gì đó… Một cái gì có vẻ lớn lao hơn, thiêng liêng hơn, cao quý hơn… – như vượt ra ngoài tầm những quy luật của vật chất để vươn lên một cõi khác, một cõi “thiên ngoại hữu thiên” một “cõi tinh thần”.

Lịch sử và thực tiễn của xã hội ghi lại cơ man những câu chuyện loài thú xả thân để cứu người như thế. Mà loài thú có những phẩm chất cao quý đến cách mấy, chắc chắn cũng không hề sở hữu được một hệ thống ý thức như của con người; để mà qua đó, nhận thức được điều gì phù hợp với “tín điều” với “đạo lý”, điều gì không. Nói thế có nghĩa là con thú dù thông minh cách mấy, thuần hóa cách mấy cũng không hề chịu ảnh hưởng của tư tưởng con người, văn hóa con người.

Vậy chúng đã thực hiện những hành động cao quý (phù hợp với những tiêu chí đạo lý cao quý nhất của thế giới con người) hoàn toàn chỉ là một trong hai cái năng tự nhiên sẵn có hoặc là bản năng, mà nếu không phải thì đó hẳn là… lương năng.

Tại sao phải có vấn đề đặt ra hai cụm từ (bản năng và lương năng) như thế?

Thoắt mới nghe, có vẻ như là nhiêu khê bản năng với lương năng, thì cũng đều là năng cả, và, trong phạm vi định nghĩa của bài viết này, nó đều để chỉ một cái năng lực tự hữu hàm tàng trong mọi sinh vật. Tuy nhiên, xét nghiệm cho sâu ắt ta sẽ thấy có cái khác nhau trong hai cụm từ đó.

Hai cụm từ giống nhau ở chữ năng, nhưng lại khác nhau ở hai chữ bản và lương.

Số là, từ đầu bài cho đến bây giờ, cũng như từ xưa tới nay chúng ta đã gán cho cụm từ bản năng, một nội dung mang tính khẳng định, ấy là một cái năng lực gói tròn trong phạm vi quyền lợi sinh tồn trong một cá thể (như trên đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần). Mà một năng lực như thế thì lại không đủ tư cách để đại diện cho một số hành động mang tính vị tha phi quyền lợi đã dẫn ở trên… Do đó, để giải quyết thỏa đáng, giải thích thỏa đáng – trên tiêu chí “danh chính ngôn thuận” – tất yếu chúng ta chỉ có một cách là đặt để ra một danh từ khác khả dĩ có thể chuyên chở được một số những hành động có tính cách “vị tha phi quyền lợi” (mà cái cụm từ bản năng đã không chuyên chở phản ảnh nổi). Cụm từ chúng ta tạm dùng ở đây, là lương năng.

Thực ra thì lương năng là một từ nằm trong một hệ thống tư tưởng của người xưa, tóm tắt như thế này: Con người có một cái bản tính tốt lành tên gọi là thiên lương; trong thiên lương có ba yếu tố:

Một là lương tri, hai là lương tâm, ba là lương năng vậy.

Lương tri là khả năng phân biệt điều chân giả, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện ác. Và lương năng là cái năng lực luôn hướng về điều lành, những điều mang tính vị tha vô úy, hy sinh…

Như vậy, chữ lương năng tuy cũng mang tính năng lực tự hữu như bản năng, song lại có một nội dung lớn hơn hướng thượng hơn, có khả năng nội hàm chân-thiện-mỹ hơn, khả dĩ có thể “chở” được hành động cao quý của một số cá thể động vật. Cũng như một số cá thể con người như trên đã đề cập – Đi “dạo một vòng trời đất”, bây giờ chúng ta lại mời bạn đọc thân yêu trở lại với cái đề tài chính của bài viết này: Con đường hạnh phúc.

Xét cho kỹ, chúng ta thấy cái vấn đề “con đường hạnh phúc” này không phải là mới. Từ khi loài người thôi ăn lông ở lỗ, nhất là từ khi loài người bắt đầu có ngôn ngữ, có văn hóa, có thể nói đã có cơ man nào là đồ án con đường hạnh phúc được vạch ra rồi. Hoặc là vạch ra một cách triết học; hoặc là vạch ra một cách tôn giáo; hoặc là vạch ra một cách khoa học… mà triết học thì cũng có nhiều thứ triết học, tôn giáo thì cũng có nhiều thứ tôn giáo…

Tóm lại “con đường hạnh phúc” do thế, mà được (hoặc là bị) phân hóa ra thành “hằng hà sa số” những con đường… Lại nữa, những con đường này thường lại “ngược chiều” nhau, đối nghịch nhau, và – thực tiễn đã chứng minh như thế – lại còn nhiều khi, đuổi tận diệt tiệt nhau, không “đội trời chung” với nhau.

Con đường hạnh phúc, do đó, đã và đang trở nên những… con đường đau khổ.

[irp posts=”1706″ name=”Con Đường Hạnh Phúc (P.2)”]

Tiếp kỳ 2 số 156…

(Còn tiếp…)

Trích sách Con đường hạnh phúc – tác giả Huỳnh Uy Dũng

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2019

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường