Trang chủ Chuyên đề Con đường hành đạo của Tổ Phi Lai, Như Hiển – Thích Chí Thiền, nhìn từ Tứ Liệu Giản của dòng thiền Lâm Tế

Con đường hành đạo của Tổ Phi Lai, Như Hiển – Thích Chí Thiền, nhìn từ Tứ Liệu Giản của dòng thiền Lâm Tế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Con đường hành đạo của tổ sư Phi Lai – Như Hiển – Thích Chí Thiền, mở rộng khỏi phạm trù lịch sử, vẫn gắn với hệ thống phương pháp luận, phương pháp chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu cụ thể.

TS.Nguyễn Thành Trung
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM
Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tóm tắt:

Tổ sư Như Hiển – Thích Chí Thiền – người sáng lập chùa Phi Lai (An Giang), có nhiều đóng góp quan trọng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo khu vực Tây Nam Bộ – đến nay đã được nhắc đến trong một số nghiên cứu, chủ yếu nhấn mạnh hành trạng, cuộc đời, thành tựu. Tuy nhiên, những đặc điểm cơ bản con đường hành đạo của tổ sư vẫn chưa được tập trung nghiên cứu. Vận dụng phương pháp phê bình tiểu sử, văn hóa lịch sử và liên ngành, bài viết này rút ra ba đặc điểm chính quá trình hoằng pháp của tổ Phi Lai, đặt trong mối quan hệ với truyền thống dòng Thiền Lâm Tế, thể hiện qua Tứ liệu giản.

Từ khóa: hành đạo, tổ sư Như Hiển – Thích Chí Thiền, đặc điểm, Tứ Liệu Giản

Abstract:  PATRIARCH NHU HIEN CHI THIEN’S DHARMA TEACHING PATH VIEW FROM LIN CHI’S FOUR DISTINCTIONS

Patriarch Nhu Hien – Thich Chi Thien – the founder of Phi Lai Pagoda (An Giang province) as well as the owner of many important contributions to the Buddhist revival movement in the Southwest region – has been mentioned in several studies that mainly emphasize his behavior, life, and achievements. However, the basic characteristics of the patriarch’s dharma path have not been focused on. Applying biographical criticism, cultural-historical approach, and interdisciplinarity, this article draws out three main features of Patriarch Phi Lai’s preaching process, concerning the Lin Chi Zen tradition expressed through Lin Chi’s Four Distinctions.

Keywords: Dharma teaching, Patriarch Nhu Hien – Thich Chi Thien, characteristics, Lin Chi’s Four Distinctions

Thực tế là một số nghiên cứu Phật học, đôi lúc, lâm vào lưỡng đề học thuật và thực nghiệm. Xuất phát từ mục đích giải thoát, những nghiên cứu lý luận thường bị xem nhẹ và cảnh báo về nguy cơ sai lạc giáo pháp; các nghiên cứu thực nghiệm lại dễ nhấn mạnh cực đoan những trải nghiệm tâm linh cá nhân. Kết hợp với độ chênh từ lý thuyết đến thực tế, những yếu tố văn hóa bản địa không ngừng xâm nhập; Phật giáo có khuynh hướng phân nhóm tinh hoa – bình dân, lý luận – thực nghiệm. Có thể lấy trường hợp nghiên cứu về Tổ Phi Lai làm dẫn chứng. Hòa thượng Thích Chí Thiền (1861-1933) là bậc danh tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo khu vực Tây Nam Bộ, là tổ sư khai sơn Phi Lai cổ tự. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu về hòa thượng không nhiều và tựu trung xoay quanh hướng lịch sử tu hành, xây chùa, cứu lụt, giáo hóa. Hành trạng này, ngược lại, vô cùng phổ biến trong hàng ngũ các bậc danh tăng Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, khuynh hướng nhấn mạnh lợi ích thực tế của việc tu hành, thiền quán, giáo hóa mà các tổ sư mang đến hơn là những lý luận trừu tượng thường khá phổ biến; kết quả là tồn tại tình trạng ngại ngần, thậm chí khước từ các thao tác, phương pháp nghiên cứu khoa học khi làm rõ hành trạng và đóng góp của tổ Phi Lai nói riêng và chư tăng ni nói chung. Thật ra, cần phân biệt và ý thức rõ khoa học không chỉ bao gồm các nghiên cứu cơ bản mà còn có cả những nghiên cứu mang tính thực nghiệm; giới nghiên cứu Phật học không cần phủ nhận tính chất khoa học của Phật học mà ngược lại, cần phải xem các thao tác, phương pháp khoa học như con đường, cách thức xiển dương hiệu quả chính pháp. Trên tinh thần đó, bài viết này làm rõ đặc điểm con đường hành đạo của tổ sư Như Hiển – Thích Chí Thiền từ Tứ liệu giản của Lâm Tế tông thông qua ba phương pháp chính là phê bình tiểu sử, văn hóa lịch sử và liên ngành.

1. Đặt vấn đề: Tổ Phi Lai – một khoảng trống lịch sử

So với vai trò, đóng góp thì những nghiên cứu về tổ Phi Lai – Như Hiển, Thích Chí Thiền vẫn chưa tương xứng. Do hạn chế lịch sử, công trình về tổ Phi Lai được ghi nhận từ cách đây hơn 90 năm chủ yếu tập trung vào tiểu sử – Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai (dưới dạng thơ lục bát) (Thiện Minh, Nhà in Xưa nay, 1934), Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai (Từ Bi Âm, số 16,  1932, tr.40-43). Gần đây, một lần nữa, tổ Phi Lai được nghiên cứu trên 02 cấp độ: nhắc qua/liên hệ và tiểu sử/hành trạng. Nhóm thứ nhất, vai trò của tổ Phi Lai được đề cập qua bài “Phật Giáo Bạc Liêu trong dòng chảy sinh mệnh ba dân tộc”– công đức giáo hóa ni sư Diệu Ngọc (“Năm 1915, Châu Đốc bị lũ lụt lớn, bà (Ni sư Diệu Ngọc – NTT) cùng tá điền chở lúa gạo lên chùa Phi Lai để cứu giúp đồng bào. Tại đây, bà đã gặp Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, được Hòa thượng giáo hóa. Tâm bồ đề của bà được phát khởi.” (Thích Nhật Từ, 2021, tr.55-56)); hay trong “Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Từ lịch sử đến hiện đại” của Thích Thuận Lạc (2019, trích Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ): “trường gia giáo của thiền sư Như Hiển – Chí Thiền ở chùa Phi Lai (Châu Đốc) (Thích Nhật Từ, 2012, tr.48). Hướng nghiên cứu này tuy sơ lược nhưng cũng có thể khẳng định vai trò lớn của hòa thượng Như Hiển đối với nền giáo dục Phật giáo. Nhóm thứ hai, kế thừa truyền thống, bổ sung thêm nhiều mảng trong hành trạng và cuộc đời của thiền sư từ góc độ tiểu sử như các bài viết Tưởng niệm Tổ Phi Lai cổ tự Châu Đốc (Viên Huệ, 2017, Phật giáo), Tổ Phi Lai Thích Chí Thiền (Sen trắng, 2019); đặc biệt, bài viết Tổ sư Phi Lai – Một đại sĩ hóa thân của Thích Ðức Quang (Văn Hóa Phật Giáo, 386 (04.2022)) khá hệ thống và có tính luận điểm cao. Cụ thể, trong bài viết này, hành trình giáo hóa của hòa thượng Phi Lai được khái quát gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí; triết lý thực hành giáo pháp của sư quy về “tự lợi và lợi tha”; ba điểm sáng trong đời tu hành gồm công đức hạnh an nhẫn vô ngã, từ bi trí tuệ lợi tha to lớn, tinh tấn và thiền định. Những nghiên cứu nêu trên tuy đậm nhạt khác nhau nhưng cũng đã tái hiện phần nào bức tranh chung về những đóng góp và đặc điểm tu hành của tổ Phi Lai, Như Hiển – Thích Chí Thiền. Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh vấn đề là hành trạng và cống hiến như vậy là khá phổ biến đối với các bậc danh tăng; công phu xây chùa, dựng đàn, dạy pháp dường như chưa đủ để khu biệt tổ Phi Lai với các vị khác. Ở cấp độ cụ thể hơn, những biểu hiện trường trai, thủ giới, tham thiền, nhập định dường như không cùng hướng tu tập với công đức, cầu an, cứu nạn, xây chùa; nói cách khác, quá trình tu hành của tổ Phi Lai không thuần pháp môn, khó phân biệt cụ thể. Trong hoàn cảnh đó, kết hợp với những thông tin chi tiết từ bài viết Chùa Phi Lai Núi Voi (Đào Dũng Tiến, 2022), bài viết sẽ tập trung nghiên cứu tính chất và hành trạng của tổ sư Phi Lai gắn với tông môn, cụ thể là Tứ liệu giản của dòng Lâm Tế.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Con Duong Hanh Dao To Phi Lai Nhin Tu Tu Lieu Gian 4

Tứ liệu giản của dòng Thiền Lâm Tế đã được nghiên cứu từ lâu ở trong và ngoài nước, đặc biệt là khu vực văn hóa Đông Á. Nhìn chung, các công trình đã trình bày hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa nội dung và so sánh liên hệ trong những hoàn cảnh cụ thể. Các nghiên cứu tiêu biểu có thể kể đến như chuỗi tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh gồm Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải (1997); Người vô sự (2020) – liên hệ Tứ cú triết học Ấn, Tứ pháp giới Hoa Nghiêm và Hoàng Bích Sơn, Đoạn Tế thiền sư truyền tâm pháp yếu (sư phụ Lâm Tế). Bên cạnh đó, Thích Trung Định (2021) trong “Thiền phái Lâm Tế” (Báo Giác Ngộ) đã cung cấp chi tiết cụ thể về tứ liệu giản (phần Thị Chúng của Lâm Tế Lục, do Nam Viện Huệ Ngung tách riêng ra, nói về 4 trường hợp khai thị đệ tử). Sau đó, tác giả này phát triển bài viết Đặc tính tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam (2021) nhấn mạnh tính chất tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên khi phật tử Việt hướng đến việc giác ngộ trong trung hiếu, dung hòa Nho – Lão – Phật và thờ cúng tổ tiên. Thích Đức Trường trong “Các Thiền phái và bài kệ truyền thừa Phật giáo vùng Nam Bộ” (Phật giáo & Thời đại, Văn Hoá Phật Giáo 382 (01.2022)) cũng nhấn mạnh tính tổng hợp, dung hòa Thiền – Tịnh – Mật trong truyền thống các dòng thiền Nam bộ. Tuy được bàn bạc nhiều nhưng tứ liệu giản vẫn nằm trong trường công cụ khám phá công án, được trình bày theo phong cách thiền gia với lối giải thích bí hiểm và độc đáo đậm chất thi ca của Lâm Tế. Đến đây, chúng tôi nhận thấy hành trạng của các thiền sư tương đồng với nhau và có tính chất như những công án, không thể tìm thấy câu trả lời ngay trong biểu hiện, hiện tượng. Từ điểm này và trên tinh thần kế thừa các nghiên cứu đi trước, chúng tôi tạm đề xuất cách hiểu Tứ liệu giản không chỉ là 04 trường hợp, phương pháp dẫn dắt đệ tử/vấn khách mà có thể hiểu là hành trình tu tập của thiền giả. Cách hiểu này dựa trên tinh thần tổng hợp, đồng thời làm rõ được những yếu tố khách quan và chủ quan trong tâm lý thiền giả khi tu tập. Theo đó, con đường hành đạo của tổ Phi Lai sẽ được soi chiếu dưới ánh sáng của Tứ liệu giản trên tinh thần tiếp nhận, điều này đòi hỏi vận dụng hệ thống phương pháp liên ngành văn học – lịch sử, phê bình tiểu sử và văn hóa lịch sử.

Con đường hành đạo của tổ sư Phi Lai – Như Hiển – Thích Chí Thiền, mở rộng khỏi phạm trù lịch sử, vẫn gắn với hệ thống phương pháp luận, phương pháp chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu cụ thể. Theo đó, đối tượng nghiên cứu cần được soi sáng dưới các nguyên tắc cơ bản như hệ thống cấu trúc (nhìn con đường hành đạo như một tổng thể bao gồm nhiều thành tố có vai trò tương hỗ), lịch sử logic (con đường hành đạo này gồm nhiều giai đoạn phong phú nhưng vẫn theo nguyên tắc chung), duy vật biện chứng (con đường hành đạo của tổ sư là một quá trình phát triển không ngừng nghỉ, chịu tác động bởi mối liên hệ phổ biến bên trong và bên ngoài). Với hệ thống phương pháp chuyên ngành, nghiên cứu con đường hành đạo của tổ sư Phi Lai dịch chuyển giữa lịch sử, văn hóa và văn học[1]: từ trình tự lịch sử, tính phát triển phong phú, bản chất logic tất yếu đến vai trò các yếu tố đời sống xã hội, văn hóa và chỉnh thể đời sống gắn với văn bản Tứ liệu giản… Cụ thể, phương pháp phê bình lịch sử[2] cho phép tiếp cận con đường hành đạo của tổ Phi Lai từ góc độ gia đình, thời đại và ý chí cá nhân. Phương pháp liên ngành[3] giúp tiếp cận con đường hành đạo của tổ Phi Lai từ các góc độ như lịch sử, tâm lý, văn hóa, văn bản học. Trên tinh thần này, tứ liệu giản sẽ cung cấp hệ thống lý thuyết để khái quát đặc điểm hành đạo của tổ Phi Lai; căn cứ nghiên cứu là truyền thống tông môn, các nội dung bình luận sẽ hướng đến bên ngoài (gia thế, quê hương) và bên trong (ý chí, nghị lực); mô hình nghiên cứu con đường hành đạo của tổ có thể khái quát theo bảng sau:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Con Duong Hanh Dao To Phi Lai Nhin Tu Tu Lieu Gian 1

Kết quả nghiên cứu cần vượt lên trên liệt kê, miêu tả, kể lại hành trạng, vạch ra đóng góp mà hướng đến các đánh giá, nhận định, lý giải, liên hệ, so sánh đối chiếu, rút ra giá trị, bài học lý luận và thực tiễn.

2. Giải quyết vấn đề: Tổ Phi Lai và Tứ liệu giản

2.1 Truyền thống kiên trì nhẫn mại miền Trung và gia đình khoa bảng – Đoạt nhân bất đoạt cảnh

Đề cập yếu tố khách quan trong sự phát triển thiền nhân, tổ Lâm Tế giải thích “Đoạt nhân bất đoạt cảnh (奪人不奪境)” cho Khắc Phù bằng cặp thơ “Ngày ấm nảy sinh gấm trải đất, Trẻ con rủ tóc trắng như tơ.” (Thích Nữ Thuần Bạch, 2011, tr.34). Hình tượng thơ mang mâu thuẫn hình thức, có tác dụng phủ nhận chủ thể hay suy lường mà tập trung vào đối tượng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng đây là ý nghĩa thực tại luận, cùng quan điểm với Nhất thiết hữu bộ khi chủ chương tất cả đều có thật; trong nghĩa rộng nhất, nó đến gần duy vật với nguyên lý mối quan hệ phổ biến: “Cái này liên hệ đến cái kia, cái kia liên hệ đến cái nọ.” (Thích Nhất Hạnh, 2009, tr.415). Ngôn ngữ thiền bí hiểm, đóng mọi cánh cửa nhưng có lẽ vì thế cũng không ngăn ngại bất cứ thông lộ nào, theo cách đó, mối quan hệ thực tại mở rộng đến mức không cần lý giải, không còn mâu thuẫn, chỉ có một hiện thực trọn vẹn. Trong đó, tâm phân biệt không còn, tôi cá nhân biến mất, không băn khoăn. Ý nghĩa này lý giải những nỗ lực cải biến xã hội thất bại như chàng trai Nguyễn Văn Hiển làm Tả quan hộ giá của Vua Hàm Nghi, tham gia cách mạng, tiếp xúc Kỳ Ngoại Hầu; hoặc sư Chí Thiền cố vấn phong trào chấn hưng Phật giáo, xóa nạn thất học Phật pháp cho tăng ni, bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chính tín, chính lý trong giới tăng ni, phật tử… Tựu trung cả những việc ích đời, độ nhân cũng không lưu lại tâm suy lường, ý ngã mạn trong thiền sư; sự quán chiếu và dọn dẹp nội tâm đến mức thuần thành để mặc hiện thực/cảnh vật trôi qua có lẽ chính là “Đoạt nhân bất đoạt cảnh”.

Trong trường ý nghĩa vai trò khách quan, có thể mở rộng ra dấu vết văn hóa miền Trung, cụ thể là đất Quảng Nam để lại trên con đường hành đạo của tổ Phi Lai. Huyện Duy Xuyên là vùng đất ven biển, lại nằm ở cửa sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang và Cổ Cò, là nơi chứng kiến sự hưng suy của vương triều Champa với Thánh địa Mỹ Sơn, thành cổ Trà Kiệu. Vùng đất văn hóa này có lẽ đã hun đúc truyền thống kiên trì ẩn nhẫn, chịu thương chịu khó của sư Chí Thiền. Không có những đức tính quý ấy, khó lòng một quan nhân triều Nguyễn tham gia văn thân, dứt áo từ quan, quyết chí nam tiến. Đặc biệt khi cầu đạo, sư đã phát huy tinh thần kiên trì và chí ý sắt son qua quá trình đóng chuông, đắp nền, ẩn cư, trì giới nghiêm mật. Thế nên, sau khi chứng ngộ, sư Như Hiển luôn đề cao vấn đề giới luật và truyền trì giới pháp không chỉ tự thân mà còn mở rộng giảng dạy trong các mùa An cư. Tinh thần nghiêm cẩn giới luật này cũng là nguyên nhân mà hành trạng và thân tế tổ Phi Lai ít được biết đến rộng rãi.

Bên cạnh quê hương miền Trung, truyền thống học tập của gia đình khoa bảng cũng có tác động nhất định đến hành trình hoằng pháp của tổ Phi Lai. Sinh trưởng trong gia đình quan lại xứ Quảng, là cháu nội của Hộ quốc công Nguyễn Văn Thành, cháu ngoại của Tổng trấn Bắc Ninh, con của Tổng trấn Quảng Nam, từ nhỏ, Nguyễn Văn Hiển đã mang chí hướng của dòng họ, thể hiện ngay trong thế danh, quá trình học tập văn lẫn võ thuở nhỏ và hoạn lộ tuy ngắn ngủi nhưng cũng phần nào thể hiện được tâm và đức một chí sĩ. Cần lưu ý là chính truyền thống khoa bảng gia đình đã đưa thanh niên Nguyễn Văn Hiển đến với con đường làm quan mà không cần thông qua thi cử. Thế nhưng có một thực tế là sự gắn bó với triều đình nhà Nguyễn của sư Chí Thiền không quá chặt chẽ, bởi lẽ Nguyễn Văn Hiển vẫn chưa vào chính ngạch mà vẫn là Hậu bổ, thế nên ông được xếp vào phong trào Văn thân. Tóm lại, truyền thống gia đình, quê hương và ý chí nỗ lực cá nhân tổ Phi Lai đã tạo nên những dấu mốc tốt đẹp đóng góp cho Đạo pháp và dân tộc, hình thành nên một bậc danh sư đau cảnh nước mất nhà tan, không màng danh lợi; người xông pha giữa hồng trần nhưng khéo dọn sạch nội tâm không vướng mắc, đó là cái nhìn của Thiền Lâm Tế – “Đoạt nhân bất đoạt cảnh”.

2.2 Tính tự chủ, tự lập cá nhân – Đoạt cảnh bất đoạt nhân

Nhấn mạnh vai trò chủ quan, thiền sư Lâm Tế nói: “Lệnh vua vừa xuống khắp thiên hạ, Tướng quân biên ngoại khói mù tan.” (Thích Nữ Thuần Bạch, 2011, tr.36). Đây vẫn là một mâu thuẫn khi vua ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn vương quốc mà ở biên thùy khói báo địch quân lại sạch bóng. Mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết khi thiền giả không còn quan tâm cảnh vật, cắt đứt vọng niệm, vạch lối tự đi. Thiền chủ theo đó lấy đi đối tượng nhận thức, đưa thiền sinh trở về với tâm họ, nhận ra mọi biến hiện đều bắt nguồn từ tâm. Ý nghĩa này từng được phát triển mạnh mẽ trong Pháp tướng tông khi quy hết về tâm, nhất thiết duy tâm tạo, mọi cảnh tượng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, tay chạm, ý nghĩ đều là những biến hiện của tâm thức.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Người vô sự đã chỉ rõ tâm và cảnh gắn liền, cái đoạt này chỉ giữ lại nhân là để thiền sinh hiểu, học, dẫn dắt họ vượt qua các công án thiền. Trường ý nghĩa này đưa thiền nhân gần với duy tâm khi lấy đi đối tượng nhận thức, đưa người tham vấn trở về tâm của họ; hướng thiền nhân trở về để nhìn tâm, và không công nhận thực tại bên ngoài có thật. Tuy nhiên, thiền giả lại phát triển và phân tích nội tâm theo hướng hiểu chủ thể tạo tác cũng như một kiểu khói mù tan; lệnh vua – tâm vương – truyền ra cũng như phong vân tụ tán.

Thế nhưng, tâm và cảnh, chủ thể và đối tượng luôn gắn chặt với nhau khó bề phân tách, bởi hễ còn tham muốn thì không thể ly trần, ngay cả tìm cầu tu đạo thì cũng là chấp niệm; nhấn mạnh nhân thì rơi vào duy tâm, nhấn mạnh cảnh thì rơi vào duy vật. “Đoạt cảnh bất đoạt nhân”, theo ý nghĩa đó, có thể thấy được tâm kiên cố của tổ Phi Lai khi phát nguyện nhất tâm bổ củi, gánh nước, giã gạo, đóng chuông, đắp nền, nhập thất, xây chùa… ở chùa Giác Viên Chợ lớn. Tuy nhiên, sau khi chùa xây xong, được trao truyền trụ trì thì chỉ một thời gian ngắn sau, hòa thượng đã sắp xếp công việc vào núi tu hành. Đây chính là sự quán chiếu căn rễ mọi sự đều là duy thức, do tâm tạo; khi hiểu được thì không gì quyến luyến nữa. Có thể nói, cuộc đời và con đường hành đạo của tổ Phi Lai là chuỗi đoạt cảnh bất đoạt nhân, liên tục phủ định mọi đường hướng danh lợi mở ra trước mắt. Đó là hành trình của một cậu ấm được hậu bổ, từ quan tham gia cách mạng rồi đi tu; vào chùa sau thời gian công phu nghiêm mật, được giao trọng trách trụ trì lại dứt áo ra đi vào sơn lâm tĩnh tu,… Tóm lại, hiểu được tất cả do tâm tạo tác, mọi điên đảo mộng tưởng đều do tâm mà ra, nhưng nhờ đó mà có thể viễn ly hướng đến cứu cánh niết bàn. Thấu suốt bản chất của tâm và đời, tổ Phi Lai đã phát huy được sức mạnh của tâm sáng trong quá trình tu học và hoằng pháp; nói cách khác, đó là sự vận dụng triệt để tính tự lập và tự chủ cá nhân.

2.3 Tính tổng hợp, nhập thế – Từ Nhân cảnh câu đoạt đến Nhân cảnh câu bất đoạt

Hiểu được vai trò của tâm và cảnh, thiền giả có thể đặt nhân ở đúng nhân, cảnh ở đúng cảnh. Theo đó, thiền sư Lâm Tế nói: “Bặt tin Tịnh Phần, Riêng ở một chỗ!” (Thích Nữ Thuần Bạch, 2011, tr.36). Mỗi vùng đất ở thế tự lập riêng mình, không còn giao lưu tin tức qua lại. Ở cấp độ này, thiền giả không còn mắc kẹt vào chủ thể hay đối tượng, bởi tự tính chúng nó vốn đã phơi bày. Trạng huống này rất gần với phi tưởng phi phi tưởng – không tri giác mà cũng không phải là không tri giác bởi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức đều không còn; vì không còn nên giữa chúng không có ranh giới; tất cả tiến về hư vô, không quan tâm, không vướng mắc, dứt mọi vọng động, cô lập và tập trung cao độ. Nhìn bên ngoài trạng thái này đến gần thuyết hư vô với sự phủ định mạnh mẽ, nhưng thực chất đây là cái hư vô phương Đông – vô trung diệu hữu – là sản phẩm của nền tư duy tổng hợp phát triển từ đời sống nông nghiệp hài hòa tự nhiên, khác tinh thần hư vô chủ nghĩa phủ định sạch trơn từ đạo đức đến ý nghĩa, mục đích và giá trị nội tại. Thực ra, bất kỳ so sánh nào cũng khập khiễng và phải được giới thuyết chặt chẽ trong phạm vi nhất định nhưng những so sánh về Thiền học luôn tự mình chuồi qua những giới hạn mong manh và mơ hồ nhất khiến bất kỳ so sánh nào cũng trở thành một thứ lông rùa sừng thỏ[4]. Theo tinh thần này, thiền sư Như Hiển trong thì dẹp tâm, ở ngoài thì dẹp cảnh; suốt quá trình tu ở chùa Giác Viên hay nhập thất núi sâu đều không ngừng nỗ lực để cầu đạo. Tuy nhiên khi được ấn chứng và giao trụ trì chùa thì hòa thượng hướng ra ngoài lo cứu trợ lũ lụt, lên núi Sam Châu Đốc ẩn tu. Sự sắp xếp này bề ngoài là ổn định công việc nhưng bên trong mang ý nghĩa “Nhân cảnh câu bất đoạt”, tất cả đều viên thành.

“Vua lên điện báu, Lão quê hát ca.” (Thích Nữ Thuần bạch, 2011, tr.36) là trường hợp thứ tư mà Lâm Tế Thiền sư làm rõ đệ tứ liệu giản: “Nhân cảnh câu bất đoạt” (人境倶不奪). Đó là khi thiền nhân vượt qua mọi ngăn ngại, thiết lập lại chủ thể và đối tượng nhưng lúc đó đã không còn ngăn cách, chấp trước. Lúc đó tâm và vật trở lại là tâm và vật nhưng thực chất đã không còn là tâm và vật như xưa nữa. Hành trình tu tập của tổ Phi Lai thể hiện tính chất nhập thế, tổng hợp này một cách rõ ràng và cụ thể. Từ miền Trung, sư Như Hiển vào nam tu học hành đạo, có lẽ cái phóng khoáng tự do miền Nam đã góp phần hình thành nên đạo phong của hòa thượng. Tinh thần hào sảng, hiếu khách, đơn giản của đồng bằng sông Cửu Long đã không ngừng tác động, mở rộng tất cả các ngăn ngại đưa tổ Phi Lai vào tông môn của dòng thiền Lâm Tế, hấp thụ truyền thống Thiền Tịnh song tu. Vì vậy, những mâu thuẫn giữa khuynh hướng nhập thất ẩn tu với lập đàn cầu siêu, phát chẩn cứu tế đã được giải quyết rốt ráo. Sư còn nhiệt thành ra mặt ủng hộ tịnh tài chấn hưng Phật giáo, vận động thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, chấn hưng Phật giáo, xóa nạn thất học Phật pháp, bài trừ mê tín không chỉ trong phạm vi chùa Phi Lai mà cả các tỉnh thành lân cận. Năm 1927 tổ Phi Lai chứng minh lễ khai giảng lớp học tăng ở chùa Giác Hoa Sóc Trăng, năm 1929 lại chứng minh Đại giới đàn Trùng Khánh Tự Phan Rang. Quá trình tu hành ở miền Nam cũng là chặng đường sư trực tiếp cứu đời trong các trận lụt năm Giáp Thìn (1904) và Đinh Mùi (1907) thông qua việc cứu tế, thu xác, cầu siêu, xây nhà, tịch cốc,… Có thể nói tất cả mọi việc đạo và đời đều được tổ chu toàn.

Phi Lai cổ tự là minh chứng quan trọng nhất cho tính tổng hợp nhập thế, quán chiếu “Nhân cảnh câu đoạt” và “Nhân cảnh câu bất đoạt” của tổ Phi Lai. Phi Lai cổ tự vốn là trại Ruộng, một ngôi chùa nhỏ nằm trên núi Kỳ Hương, thuộc doi Bà Khẹt, xã Tú Tề, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc, được thành lập từ năm 1877, là chùa tranh vách lá, thờ trần điều theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương rất phổ biến ở Nam kỳ và đặc biệt là khu vực Châu Đốc lúc bấy giờ. Trên tinh thần đơn giản hóa đạo Phật, đề cao tứ ân, giảng về Hội Long Hoa và khuyến khích khai khẩn ruộng hoang, Phật Thầy Tây An đã dùng ngôi tự viện này để thực hiện con đường cứu nhân độ thế và giao cho đệ tử coi sóc; về sau qua nhiều thăng trầm lại bị bỏ hoang phế. Không chỉ có liên hệ về tinh thần Phật giáo, quá trình hành đạo của Phật Thầy Tây An và tổ Phi Lai cũng tương đồng ở khởi điểm cứu trợ nhân dân miền Tây trong các đợt lũ lụt và dịch bệnh (1849 và 1904). Tính tổng hợp miền Tây Nam bộ đã hình thành một nhánh Phật giáo bản địa của Phật Thầy Tây An lấy nhập thế cứu đời làm tôn chỉ, cũng tính chất tổng hợp này đã giúp tổ Phi Lai không ngần ngại nhận trụ trì trại Ruộng và chuyển thành chùa thờ Phật. Sau 28 năm với nhiều biến động, ngôi chùa đã vách đổ tường xiêu; được lời thỉnh mời của hương cả và hợp thời, hợp đạo hòa thượng Thích Chí Thiền đã phát triển ngôi tam bảo khang trang này từ 1905 đến 1933, cũng vừa tròn 28 năm. Tại đây, tổ Phi Lai đã mở nhiều lớp học Phật, truyền trao giới pháp (1915,1925) và phát triển Phật giáo khắp vùng thông qua truyền Pháp, cứu khổ trong nhiều năm trong tinh thần tổng hợp, nhập thế của “Nhân cảnh câu đoạt” và “Nhân cảnh câu bất đoạt”.

Kết luận: Tổ Phi Lai – Từ hành đạo đến nhập thế qua cửa Thiền Lâm Tế

Tính chất nhập thế của tổ Phi Lai cũng bắt nguồn từ tinh thần thong dong tự do, tổng hợp của Thiền Lâm Tế. Tứ Liệu giản ra đời dựa trên sự tổng hợp và cụ thể hóa phương diện chủ thể và đối tượng của tứ cú trong truyền thống triết học Ấn và tứ pháp giới Hoa Nghiêm, mối quan hệ này có thể hình dung qua bảng sau:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Con Duong Hanh Dao To Phi Lai Nhin Tu Tu Lieu Gian 2

Mối quan hệ này càng củng cố cho cách hiểu tứ liệu giản không chỉ là bốn tình huống, hạng người mà là một hành trình nhận thức. Điều này cùng ý nghĩa như câu nói nổi tiếng của Thiền sư Duy Tín: “Trước ba mươi năm khi chưa học đạo thì thấy núi sông là núi sông. Sau khi học đạo, hiểu đạo lý thì thấy núi sông chẳng phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi sông trở lại là núi sông”.

Dòng thiền Lâm Tế của tổ Phi Lai truyền vào đàng trong do thiền sư Nguyên Thiều (Lâm Tế Gia Phổ), kết hợp giữa Nho – Phật – Lão và tinh thần nhập thế tổng hợp phóng khoáng miền Nam đã tạo thành nếp văn hóa gần gũi trong đời sống cư dân. Tinh thần này đã theo hòa thượng Thích Chí Thiền đến tận giây phút cuối đời với hai câu kệ trước khi viên tịch: “Nhứt niệm viên quan tội tánh không, Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh.[5]” Thật ra đây là hai câu cuối trong bài kệ của pháp sư Viên, thời Tống (Trung Quốc) được ghi lại trong Truy môn cảnh huấn, thuộc Đại Tạng Kinh. Với ý nghĩa là thiền sư quán sâu sắc hiểu được tánh và tội đều vốn là không, chỉ cần một niệm thanh tịnh thì sẽ hiểu hết tất cả đều thuộc pháp thân. Dùng kệ của một thiền sư Thiên Thai tông đúc kết cuộc đời mình, tâm khiêm nhu cẩn mật và tinh thần tổng hợp của tổ Phi Lai đã thể hiện rõ ràng, nhất quán và để lại những giá trị to lớn. Tiêu biểu là quá trình hòa thượng tham gia phong trào văn thân chống Pháp, sau khi xuất gia vì liên lạc với giới sĩ phu như Cường Để, Phan Bội Châu, sư lại bị mật thám Pháp bắt; sau đó lại còn âm thầm giúp đỡ các lực lượng cách mạng. Bên cạnh đó, hòa thượng Như Hiển còn thành công phát triển tăng tài qua hành trình hoằng pháp miệt mài với nhiều danh tăng đệ tử, đặc biệt sư còn mở ra ni bộ miền Nam, lập ni viện Giác Hoa, phật học Lưỡng Xuyên. Những đóng góp này cần phải được ghi nhận và lưu trữ lâu dài; cụ thể cần số hóa hai tài liệu quan trọng đã nêu về cuộc đời hòa thượng gồm Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai (Nhà in Xưa & Nay, Sài Gòn, 1934) và phổ biến rộng Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai (Từ Bi Âm, kỳ 16, 1932). Bên cạnh đó, đặc điểm hành đạo của tổ Phi Lai có ý nghĩa nhận thức về việc không tìm cầu, không đặt tâm ở chùa (dù là chùa lớn), không ở sư (dù là tổ Phi Lai), không ở tượng (tượng Phật vàng sư cả Campuchia tặng) mà ở tâm tổng hợp nhập thế của mỗi thiền sư, hành nhân trong cuộc sống. Trên tinh thần đó người duy vật vẫn cần các nghi thức cầu an cầu siêu, người duy tâm có thể hiểu rõ tất cả do tâm sinh, thì cũng chỉ cần động tâm là sẽ diệt; tu là tập trung vào tâm. Người theo chủ nghĩa hư vô phủ nhận tất cả, không tâm không cảnh nhưng không lạc lối mà trở nên độc lập, tự chủ. Phật tử thuần thành noi gương tổ Phi Lai có thể quán chiếu tất cả mà thuận duyên tùy hành.

Tóm lại, có thể khái quát nghiên cứu về con đường hành đạo của tổ Phi Lai nhìn từ tứ liệu giản của Thiền Lâm Tế thông qua bảng sau:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Con Duong Hanh Dao To Phi Lai Nhin Tu Tu Lieu Gian 3

Khung này khái quát cách thức, nội dung chính thực hiện nghiên cứu về tổ Phi Lai nhưng cũng có thể vận dụng để nghiên cứu hành trạng và đặc điểm hành đạo của các bậc danh tăng khác, tức có ý nghĩa phương pháp. Từ góc độ phương pháp, cần lưu ý là mỗi phương pháp đều có giới hạn nhất định. Với phê bình tiểu sử là quá phụ thuộc vào thông tin về đời tư nhân vật, với văn hóa lịch sử là nguy cơ đem nhân vật, hành trạng trở thành tư liệu minh họa cho văn hóa, lịch sử mà giới hạn các yếu tố cá nhân.

Tựu trung các nghiên cứu mang tính khoa học, dù là khoa học lịch sử không chỉ cung cấp tư liệu lịch sử mà còn có thể mang đến những phương pháp để tiếp cận và lý giải vấn đề. Điều này mở ra khả năng nghiên cứu các tổ, các thiền sư cần vận dụng hệ phương pháp phù hợp nhằm đạt được kết quả nghiên cứu khả quan. Điều này không hướng tới việc bổ sung, nhắc lại kiến thức hành trạng năm sinh năm mất mà phải có ý nghĩa giải quyết các vấn đề tư duy, đời sống một cách khách quan; tránh khuynh hướng huyền thoại hóa các tổ sư. Cụ thể, tổ Phi Lai sau những thất bại quan trường đã tìm ra con đường tu đạo, những huyền thoại hóa quá mức đều mở ra nguy cơ sai lạc ý nghĩa và vai trò của hòa thượng. Tóm lại, nói theo tinh thần Phật giáo, hướng đến tổ Phi Lai không phải như một đối tượng tôn thờ mà cuộc đời hành trạng của hòa thượng như một tấm gương để hậu thế đúc rút kinh nghiệm và học hỏi; bởi dù sao thì trước mặt hậu sinh chỉ còn là ngôi chùa vô thường, di ảnh của tổ Phi Lai cũng thể hiện rõ tính vô thường, người cảm nhận thì vô ngã; điều cần là học cách suy nghĩ để lợi lạc bản thân và đại chúng giữa mênh mông cách biệt thời gian và tư tưởng.

TS.Nguyễn Thành Trung
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM
Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo
1. Thích Nữ Thuần Bạch (2011). Lâm Tế Ngữ Lục. Hà Nội: Hồng Đức.
2. Thích Trung Định (2021). “Thiền phái Lâm Tế”. Báo Giác Ngộ.
3. Thích Nhất Hạnh (2009). Người vô sự. Hà Nội: Tri Thức.
4. Như Hùng (2019). Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ. C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher
5. Thích Đức Quang (2022). “Tổ sư Phi Lai – Một đại sĩ hóa thân”. Phật Giáo & Thời Đại, Văn Hóa Phật Giáo 386, tr.42-47
6. Đinh Văn Niêm (2014). Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều phong kiến Việt Nam. Hà Nội: Lao động.
7. Đào Dũng Tiến (2022). Chùa Phi Lai Núi Voi. https://www.trunghoccholach.com/tag/dao-dung-tien/
8. Thích Nhật Từ (2019). Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển. Hà Nội: Hồng Đức
9. Thích Nhật Từ (2021). Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ. Hà Nội: Hồng Đức
10. Thích Đức Trường. Các Thiền phái và bài kệ truyền thừa Phật giáo vùng Nam Bộ (Phật giáo & Thời đại, Văn Hoá Phật Giáo 382 (01.2022)

Chú thích
[1] Văn hóa lịch sử bắt nguồn từ ngành khảo cổ khi tập trung vào khái niệm hệ thống không gian thời gian của đối tượng; cụ thể là kết hợp các phương pháp lịch sử, lịch sử nghệ thuật, văn học, sân khấu,… hoặc mở rộng tìm kiếm giao điểm với các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học giáo dục…
[2] Phê bình tiểu sử do Sainte – Beuve (1804-1869) khởi xướng đầu thế kỷ XIX ở châu Âu, chống lại quan điểm mô phỏng của Aristote; tác phẩm có thể được nghiên cứu qua tâm lí tác giả theo nguyên tắc khoa học thực nghiệm, đề cao 04 yếu tố: bối cảnh lịch sử và cuộc đời tác giả, cảm quan tâm hồn, phương pháp khoa học và tác động của thể xác lên tâm linh.
[3] Liên ngành là hướng tiếp cận kết hợp phương pháp, thành quả của các ngành nhằm tìm kiếm cái nhìn tổng hợp, mới mẻ để khám phá đối tượng.
[4] Lông rùa sừng thỏ (quy mao thố giác) là hình ảnh ẩn dụ cho những đối tượng không có thật, vốn phổ biến trong Kinh Lăng già, Đại trí độ luận,… Bởi lẽ rùa không có lông, thỏ không có sừng nhưng do sự nhầm lẫn về rong rêu bám trên người rùa và hai lỗ tai nhô trên đầu thỏ mà có hình ảnh trên.
[5] Nhất niệm viên quan tội tánh không, Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh (一念圓觀罪性空 /等同法界咸清淨), Quan – 觀, còn âm khác là quán, trong văn cảnh này có thể hiểu là xem xét, nhưng thường bị nhậm thành “quang” với ý nghĩa khác biệt.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Quá chán

Nghi Mặc Huyền Khế 20/03/2024 - 00:21

Tác giả không hiểu gì về Thiền tông nói riêng và Thiền Lâm Tế nói riêng nên đã rập khuôn vô tội vạ Tứ Liệu Giản vào trong vấn đề về HT Chí Thiền. Làm như vậy không những không có ích mà đang bôi tro trát trấu, làm xấu đi ngài Chí Thiền và Tứ Liệu Giản của tông Lâm Tế. Thật đáng thương thay!

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường