Con đường đưa đến sự giác ngộ đó là con đường: nhận chân đau khổ như một thực tại, truy ra nguồn gốc của đau khổ, cảm nhận trạng thái vắng mặt đau khổ và thực hiện con đường thoát khổ đó. Đó là con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ, từ thế giới của sự sanh đến thế giới vô sanh, từ mê mờ đến tỉnh thức.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Liên Nguồn: Budsas.net

Nếu đức Phật là một con người giác ngộ, không phải là Thượng đế hay đấng tạo hóa, thì những gì Ngài giác ngộ được và thực hiện được, dĩ nhiên những người khác cũng có thể đạt được và làm được. Nhưng đạt được bằng cách nào? Câu trả lời đơn giản là hãy mạnh dạn đặt từng bước chân vững chắc lên con đường xa xưa mà đức Phật đã đi qua.

Đó là con đường: Nhận chân đau khổ như một thực tại, truy ra nguồn gốc của đau khổ, cảm nhận trạng thái vắng mặt đau khổ và thực hiện con đường thoát khổ đó. Đó là con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ, từ thế giới của sự sanh đến thế giới vô sinh, từ mê mờ đến tỉnh thức.

Kinh điển chép rằng sau khi từ bỏ hai cực đoan: Sự đắm say trong các dục (kàmasukhallikànuyoga) và sự tự hành khổ mình (attakilamthànuyoga), Đức Phật đã kiên quyết đi theo con đường Trung Đạo (majjhimà pa.tipadà), đó là con đường thánh gồm tám ngành (Tương Ưng Bộ Kinh V, 611). Con đường này được tóm gọn trong ba đặc tính: giới (sìla), định (samàdhi) và tuệ (pa~n~nà) (Trung Bộ Kinh I, 660).

Con đường thánh tám ngành bao gồm chính kiến (sammà di.t.thi), chính tư duy (sammà sankappa), chính ngữ (sammà vàcà), chính nghiệp (sammà kammanta), chính mạng (sammà àjìva), chính tinh tấn (sammà vàyàma), chính niệm (sammà sati), và chính định (sammà samàdhi) (Tương Ưng Bộ Kinh V, 612 và nhiều kinh khác).

Những phương pháp tu hành này được chia thành ba nhóm thanh tịnh (tisikkhà), đó là: (i) tuệ học (pa~n~nà) tức gồm chính kiến và chính tư duy, (ii) giới học (sìla) tức gồm chính ngữ, chính nghiệp và chính mạng, và (iii) định học (samàdhi) tức gồm chính tinh tấn, chính niệm và chính định (Trung Bộ Kinh I, 660).

Con đường giác ngộ của một bậc hữu học gồm có tám chi phần như vừa nêu, trong khi đó, con đường của bậc A la hán gồm có mười chi phần vốn gồm tám chi phần trên cộng với hai chi phần mới là chính trí (sammà ~nà.na) và chính giải thoát (sammà vimutti) (Trung Bộ Kinh III, 245; Tăng Chi Bộ Kinh IV, 563).

Do vậy, ba vô lậu học trở thành bốn vô lậu học bằng sự thêm vào của giải thoát học (vimutti) (Tăng Chi Bộ Kinh I, 550-551, 703; II, 271), hay có thể trở thành năm vô lậu học bằng sự thêm vào của giải thoát tri kiến (vimutti ~nà.nadassana) (Tăng Chi Bộ Kinh II, 747).

Chính kiến là yếu tố quan trọng nhất trong Phật giáo (Trung Bộ Kinh III, 238). Về phương diện lịch sử, Phật giáo đã bắt nguồn từ sự giác ngộ tối thượng của đức Phật dưới cây bồ đề tại Bodhgaya. Về phương diện nhân quả, có thể nói rằng Phật giáo bắt đầu có hình dạng khi hoàng tử Siddhattha, vị Phật tương lai, chứng kiến ba hiện tượng của đời sống: Một người già, một người bệnh, và một người chết.

Xuyên qua cảnh trạng này Ngài nhận ra chân lý của khổ (dukkha), chân lý đầu tiên của Tứ diệu đế, và sự nhận ra này không gì ngoài Chính kiến hay là quan điểm chân chính (Sammà di.t.thi), bước đầu tiên của con đường Bát chính đạo.

Chính chính kiến hay là nhận thức chân chính (Sammàdi.t.thi) này đã thúc giục Ngài sớm từ bỏ đời sống thế tục, để tìm kiếm ba chân lý còn lại, đó là nguyên nhân của khổ, Niết-bàn và con đường thoát khổ.

Sau sáu năm tu tập với nhiều thử thách, cuối cùng Ngài đã đạt được giải thoát tri kiến (Vimutti~nà.nadassana). Quá trình giác ngộ tối thượng, vì vậy, bắt đầu với chính tri kiến (Sammàdi.t.thi) và chấm dứt với giải thoát tri kiến (Vimutti~nà.nadassana).

Giải thoát tri kiến cũng còn hiểu đồng nghĩa vơi sự giác ngộ hoàn toàn (Sammàsambodhi), mức độ tuệ giác cao nhất mà một hành giả có thể chứng đạt được. Sau khi thực hiện thành công con đường cứu khổ độ mê, đức Phật đã tuyên bố rằng: "Xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ." (Trung Bộ Kinh I, 318). Và Ngài cũng tuyên bố rằng học thuyết của Ngài chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. (Ud. p.56; Kinh Phật Tự Thuyết, trang 352)

Chính tri kiến (sammàdi.t.thi), nhận thức giác ngộ đầu tiên, cần phải được tu tập và tích tụ bằng sự giúp đỡ từ bên ngoài cũng như trí tuệ của vị ấy (Trung Bộ Kinh I, 644). Quan điểm giác ngộ này là nền tảng chủ yếu cho người đệ tử thu thập và phát triển để giải thoát chính mình ra khỏi vòng luân hồi.

Nó là sự nhận chân được ba bản chất hay đặc tính của đời sống (tilakkha.na) đó là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) (Trung Bộ Kinh I, 313-315, 510-511). Sự biết này làm giảm đi các thái độ ngã mạn "tôi là" các thái độ chấp thủ (abhijjà) "của tôi là" cũng như sự hiềm hận (vyàpàda).

Trong con đường thánh tám ngành, chính kiến đưa đến chính tư duy và theo cách ấy đưa đến chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định. Những thành tựu tâm linh chẳng hạn như sự an tịnh của tâm có thể giúp vị hành giả thoát ra khỏi sự chi phối của thế gian, hướng đến thái độ sống ly tham và giải thoát (Trung Bộ Kinh I, 316).

Sự giác ngộ hay tri kiến đưa đến giải thoát tối hậu là biểu hiện về sự chứng đạt cao nhất của đời sống phạm hạnh. Đó là chính trí (~nà.na) hay thánh tuệ (pa~n~nà). Trong luân hồi (sa.msàra) nó tạm không hiện hữu, do vô minh (avijjà) hay sự vắng mặt của tri kiến đúng đắn.

Nhờ có nó mà chúng sính tìm ra được sự giải thoát. Nói cách khác, nhờ vào sự hiện hữu của trí tuệ mà quá trình luân hồi của một cá nhân thông qua sự vận hành của các lậu hoặc (àsava) bị chặt đứt hay tiêu diệt hoàn toàn (Trung Bộ Kinh II, 300). Đến đây, vị thánh đệ tử đã hoàn thành con đường giải thoát gồm mười chi phần.

Tuy nhiên, có một số kinh cũng đề cập đến sự giác ngộ như là kết quả tất yếu của các pháp môn khác ngoài Tám chính đạo. Chẳng hạn Tương Ưng Bộ Kinh chép rằng nhờ sự tu tập về Tứ Như Ý Túc (iddhi-pàda) mà Như Lai được gọi là vị A la hán, bậc Chính Đẳng Giác (Tương Ưng Bộ Kinh V, 423).

Cũng trong kinh Tương Ưng, ở một đoạn khác, đức Phật khẳng định nhờ vào sự phát triển Năm căn (pa~ncindriyàni) (Tương Ưng Bộ Kinh V, 312, 361) hoặc tu tập Thất Bồ đề phần (satta bojjha"ngà) mà chúng sinh phàm phu trở thành bậc giác ngộ (Tương Ưng Bộ Kinh V, 201-202).

Về sau, số lượng pháp môn được tăng lên thành ba mươi bảy phẩm trợ đạo (sattati.msà bodhipakkhiyà dhammà) (Trường Bộ Kinh I, 614). Với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa, các Ba la mật (pàramità) và các Địa (bhùmi) cũng được xem như những con đường dẫn đến giác ngộ (Xem Phẩm Thập Địa trong Kinh Hoa Nghiêm).

Rồi dần dà, con đường giác ngộ được nhân lên thành tám vạn bốn ngàn pháp môn, một con số tượng trưng cho số lượng lớn không thể tính đếm được. Nghĩa là theo đạo Phật Đại thừa, con đường giác ngộ không có giới hạn, sẵn sàng đón nhận tất cả chúng sinh có tấm lòng tầm cầu giải thoát khỏi đau khổ của nhà lửa ba cõi.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Liên Nguồn: Budsas.net