Trang chủ Chuyên đề Có phải Tổ Như Trừng Lân Giác mê tín di đoan

Có phải Tổ Như Trừng Lân Giác mê tín di đoan

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

PGS.TS.Trịnh Sâm
Viện trưởng Viện King Sejong II, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM

1. Dẫn nhập

Xưa nay, nói đến đạo Phật là nói đến từ bi, giải thoát, khoa học, không giáo điều, không mê tín dị đoan… Trong bài viết Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein nghĩ gì về giáo lý đạo Phật?, Lâm Linh cho hay, sinh thời, Albert Einstein (1897-1955), thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Reigion without science is blind), và ông đã phát biểu về đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description)[1].

Thế nhưng gần 300 năm qua, chùa Liên Phái (Hà Nội) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh) là hai ngôi chùa do Tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1733) khai sơn, và ngài “đã viết ra bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang”[2].

Trong bài viết Truyền thuyết về chùa Liên Phái và bùa trùng tang nổi tiếng tại Hà Nội, ngày 24/5/2019, tác giả Thiện Ngôn khẳng định: “Ngày nay, chùa Liên Phái là chùa chính chuyên để giải trùng tang và bốc bát hương thờ gia tiên. Còn chùa Hàm Long là nơi chuyên để nhốt trùng tại tỉnh Bắc Ninh.

Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc dân chúng đến xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Thường người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt”[3].

Vậy việc làm ấy của Tổ Như Trừng Lân Giác có mê tín dị đoan không?

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Ham Long Bac Ninh 1

Chùa Hàm Long, Bắc Ninh. Ảnh: St

2. Sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên?

Trùng tang là hiện tượng cái chết liên tiếp hết người này đến người khác trong một gia đình trong thời gian ngắn sau khi có một người thân trong gia đình qua đời. Đây là hiện tượng có thật được nhiều người biết, nhiều người nghe, nhiều người chứng kiến và nhiều người gặp phải. Sự trùng lặp xảy ra trong cuộc sống như việc trùng tang, đứng về mặt khoa học, Đại tá – TS Đỗ Kiên Cường, giảng viên Bộ môn Vật lý của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, cho biết: “Theo quan điểm của ngành thống kê học, trùng tang chỉ đơn giản là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Sự trùng hợp giữa các sự biến ngẫu nhiên xảy ra thường xuyên hơn sự hình dung của người bình thường như chúng ta.

Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ, trong mục Trùng hợp nhấn mạnh: “Sự trùng hợp xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Chúng khiến chúng ta vui sướng, bối rối và sửng sốt. Chúng gây phiền nhiễu và tạo sự hoảng sợ… Chúng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta; nơi chúng ta làm việc; người chúng ta chung sống; và nhiều đặc trưng cơ bản của cuộc sống hàng ngày có vẻ dựa trên sự trùng hợp”. Vậy bản chất của sự trùng hợp là gì? Đó là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản như sau: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.

Năm 1953, nhà toán học Littlewood cho rằng, một hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên khi có xác suất 1/1.000.000 (một trên một triệu). Chẳng hạn trúng xổ số giải độc đắc khi quay với 6 số chính là một hiện tượng đáng ngạc nhiên, vì có xác suất đúng bằng như vậy. Tuy nhiên, nếu xổ số được quay hàng ngày, với dân số gần 90 triệu người như nước ta hiện nay, hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên đó cũng xảy ra 90 lần một ngày, tức hơn 30.000 lần một năm trên toàn cõi Việt Nam. Ngay cả khi nó chỉ xảy ra hàng tháng, kết quả cũng là 1.000 lần một năm. Còn với 7 tỷ người trên toàn hành tinh, cái sự kiện “hiếm gặp” đó sẽ xảy ra như cơm bữa!

Với các hiện tượng hiếm gặp hơn nữa thì sao? Chẳng hạn một người đàn bà người Mỹ đã hai lần trúng số đặc biệt tại New Jersey trong vòng bốn tháng. Nếu mỗi lần người thắng chỉ mua một vé, xác suất của sự biến đó chỉ là 1 trên 17 ngàn tỷ. Vậy tại sao nó đã xảy ra? Câu trả lời vẫn là luật số lớn. Với một người, xác suất chỉ là 1 trên 17 ngàn tỷ. Nhưng với 300 triệu người Mỹ trong vòng 120 ngày, xác suất trúng số độc đắc kép chỉ là 1 trên 30, một con số khá lớn để có thể xảy ra không ít lần trong cuộc sống.

Với các hiện tượng trùng hợp khác, sự xuất hiện còn thường xuyên hơn nữa. Chúng ta cần bao nhiêu người để hai trong số đó có ngày sinh trùng nhau? Một năm có 365 ngày, nên chúng ta có thể nghĩ tới con số 366 người. Tuy nhiên, tạp chí Người Mỹ khoa học đã tính toán và đưa ra câu trả lời là 23 người. Chúng ta có thể rất ngạc nhiên, nhưng các phép tính cho thấy, chỉ 23 người là đủ để xác suất của sự trùng hợp đó lớn hơn 0,5 – một con số đảm bảo nó sẽ xảy ra hơn là không xảy ra. Và sự trùng hợp về thời tiết giữa hai ngày kế tiếp nhau (tiên đoán “thời tiết ngày mai giống hôm nay”) có xác suất lớn đến mức, nó xảy ra 70 trong 100 lần dự báo, tức có xác suất 0,7 – một con số rất lớn về mặt thống kê.

Từ lý giải ấy, trong bài viết của mình, tác giả Hồng Hạnh viết: “Quay trở lại sự trùng tang, người viết không đưa ra xác suất chính xác của sự trùng hợp giữa ngày và giờ “sát” theo quan niệm dân gian. Nhưng với dân số cả nước lên tới gần 90 triệu người, với khoảng thời gian dài tới 1.000 ngày (gần 3 năm), theo luật số lớn, chắc chắn nó là con số lớn đến mức, sự “trùng tang” xảy ra nhiều đến mức đủ làm khiếp sợ không ít gia đình. Tuy nhiên xin hãy bình tĩnh, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”[4].

Xin thưa, tiền của mất có thể làm ra chứ người mất thì mất hẳn, chỉ để lại sự đau buồn, thương nhớ khôn nguôi cho người đang sống. Người ngoài cuộc có thể tự tin khuyên bình tĩnh, nhưng người trong cuộc làm sao không lo lắng cho người thân của mình, có khi chính bản thân mình gặp phải trùng tang? Ở đời, không mấy ai đem tính mạng của mình và của người thân mình ra đánh cược cả. Không ai muốn “sự trùng hợp ngẫu nhiên” về những cái chết liên tiếp rơi trên đầu bản thân và gia đình mình cả. Vì vậy, bao đời qua, nhiều người vẫn kiêng kỵ chuyện trùng tang và tìm cách hóa giải sớm để mọi người an tâm lo cho cuộc sống hiện tiền là điều dễ hiểu.

3. “Vô thường chết chóc” theo kinh Địa Tạng

Theo nhà Phật, làm người ai cũng phải qua bốn giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử. Khi chết là thân tứ đại trở về tứ đại, rồi tùy căn nghiệp của từng người mà vào lục đạo luân hồi. Đời vô thường nên không có gì phải coi ngày coi giờ tẩm liệm, động quan, hạ huyệt… Kinh Địa Tạng có đoạn viết về Bồ tát Địa Tạng nói với trưởng giả Đại Biện: “Vô thường chết chóc” là con quỷ dữ đến không hẹn trước. Trong cảnh mịt mù chơi vơi nghiệp thức, chưa rõ tội phước, suốt bảy tuần thất, như ngây như điếc. Trong thời gian này, bản thân nhân quả sẽ tự thẩm định, cứ theo nghiệp tạo, cảm nhận quả báo, không hề sai sót.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Co Phai To Nhu Trung Lan Giac Me Tin Di Doan

Khi luật nhân quả đang tự thẩm định, biết bao sầu khổ đã xuất hiện rồi, huống chi sau đó, bị đọa lạc vào các cảnh giới xấu.

Thần thức người chết trong bảy tuần thất chưa được đầu thai, luôn luôn trông đợi thân quyến cốt nhục tu đức tạo phước, để cứu vớt họ. Qua thời gian này, tất cả hương linh phải tùy theo nghiệp, tiếp nhận quả báo, không hề lẫn lộn”[5].

Trong tang lễ, Gia Định thành thông chí cho biết đã có “tục cư tang theo đạo Phật, cúng 49 ngày mới thôi”[6]. Theo lễ nhà Phật, cứ 7 ngày một tuần chay, cúng 7 tuần chay là trọn 49 ngày – gọi là “thất thất lai tuần”. Lễ này có người cúng ở chùa, có người cúng ở nhà (có nhà mời Tăng ni đến tụng kinh cầu siêu) những mong vong hồn người quá cố được siêu thăng tịnh độ.

Với nhà Phật, việc dâng cúng không phải cung ứng vật thực cho vong hồn – được coi như biểu thị lòng hiếu kính theo quan niệm Nho giáo – mà là thể hiện các hạnh lành, đặc biệt là hạnh bố thí, nói nôm na là làm phước, nhằm hồi hướng cho vong hồn thân nhân vừa quá vãng được siêu thăng về về cõi cực lạc, hay vào thiện đạo trong lục đạo luân hồi.

Kinh Địa Tạng còn cho biết số quỷ dữ không chỉ có một mà là rất nhiều: “Trong số quỷ vương, đáng kể nhất là: quỷ vương Ác Độc, quỷ vương Ác Nhiều, quỷ vương Cọp Dữ, quỷ vương Cọp Trắng, quỷ vương Cọp Huyết, quỷ vương Cọp Đỏ, quỷ vương Gieo Họa, quỷ vương Phi Thân, quỷ vương Ánh Điện, quỷ vương Nanh Sói, quỷ vương Ngàn Mắt, quỷ vương Ăn Thú, quỷ vương Vác Đá, quỷ vương Chủ Hao, quỷ vương Chủ Họa, quỷ vương Chủ Phước, quỷ vương Chủ Ăn, quỷ vương Chủ Tài, quỷ vương Chăn Nuôi, quỷ vương Chủ Chim, quỷ vương Chủ Thú, quỷ vương Chủ Mị, quỷ vương Chủ Sinh, quỷ vương Chủ Mạng, quỷ vương Chủ Bịnh, quỷ vương Tai Nạn, quỷ vương Ba Mắt, quỷ vương Bốn Mắt, quỷ vương Năm Mắt, quỷ Kỳ-lợi-thất, quỷ Đại Kỳ-lợi, quỷ Kỳ-lợi-xoa, chúa quỷ Đại Kỳ, quỷ A-na-tra, quỷ Đại A-na. Mỗi vị quỷ vương như vừa nêu trên đều có tiểu quỷ quyến thuộc tháp tùng, số đến trăm ngàn, ai cũng chức trách, có quyền hành riêng”[7], nên không lo không sợ là dối lòng.

Những chuyện như thế và tương tự như thế đối với người quá vãng không phải “độc quyền” của người Việt Nam, và cũng không phải “độc quyền” của tôn giáo, tín ngưỡng nào.

4. Dâng lễ và cầu nguyện cho người chết theo Giáo hội Công giáo

Trên trang mạng Giáo xứ các Thánh tử đạo Việt Nam – Toronto, có dịch bài viết của Adam Blai, chuyên gia về bộ môn tà ma và trừ quỷ, thuộc tổng giáo phận Pittsburgh ở tiểu bang Pennsylvania. Ông hiện là thành viên Hiệp Hội Trừ Tà Quốc Tế tại Roma trong nhiều năm qua. Ông cũng là tác giả của cuốn Ma ám, Quỷ ám Trừ Quỷ, một cẩm nang hướng dẫn cho mọi người áp dụng trong trận chiến chống lại những thế lực ma quỷ, với nhan đề: “Người Công giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục”.

Adam Blai cho rằng “Giáo hội Công giáo luôn minh định về sự tồn tại của linh hồn trong cơ thể con người, một giá trị trước Thiên Chúa, và là một tình trạng vĩnh cửu trên thiên đường hay địa ngục. Người Công giáo cũng tin vào một chốn gọi là luyện ngục: một tình trạng tạm thời để linh hồn của người qua đời dù đã vượt qua phần phán xét riêng nhưng vẫn còn vướng mắc chút tội lỗi tạm thời có cơ hội được chuộc tội trước khi được đến trước nhan thánh. Trong Giáo hội vẫn có truyền thống là dâng lễ và cầu nguyện cho người chết để thúc đẩy tiến trình thanh luyện này cho nhanh chóng hơn.

Nhiều vị thánh, khi còn sống, đã viết về chuyện những linh hồn hiện ra để xin các ngài cầu nguyện, sám hối, hoặc ý lễ để qua đó họ được đền bù tội lỗi mình đã phạm khi còn sống. Sau khi đã thực hiện những điều trên, thánh nhân đó thường được phép thăm viếng những linh hồn này lần cuối trước khi họ về trời. Có rất nhiều sách được Giáo hội chấp thuận mô tả các trường hợp linh hồn hiện ra với người còn sống để báo hiệu nhu cầu cầu nguyện của họ.

Mặc dù các linh hồn trong luyện ngục đôi khi được phép nói chuyện với các vị thánh, nhưng điều đó thường không xảy ra với người bình thường. Kinh Thánh từng nói rõ về việc tìm cách tiếp xúc để trò chuyện với người đã chết bị cấm đoán ra sao (Đnl 18: 10–13). Làm như vậy thể hiện sự mất tin tưởng nơi Thiên Chúa khi tìm cách qua mặt Ngài và thay vào đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của một hồn ma hoặc một người trung gian (nhà ngoại cảm) như một nguồn an ủi, hướng dẫn hoặc thông tin. Đây chính là một vi phạm của điều răn đầu tiên trong Mười Điều Răn.

Trong trường hợp những thánh nhân đã từng nói chuyện với các linh hồn, họ không triệu hồi các linh hồn hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn, thông tin, hoặc sự an ủi từ những linh hồn này. Một khi linh hồn xin được cầu nguyện, việc giữa hai bên sẽ dừng lại. Điều thú vị đáng ghi nhận là trong hầu hết các trường hợp của những nhà điều tra về hiện tượng siêu nhiên khi giao tiếp với các vong hồn, điều đầu tiên họ thường được nghe các linh hồn nói là: “Hãy giúp tôi”. Đáng buồn thay, hầu hết mọi người lại không biết cách cầu nguyện cho người chết như thế nào, và vì vậy không có sự giúp đỡ nào được đưa ra. Bất cứ sự giao tiếp nào vượt quá hạn mức này gần như chắc chắn chỉ là sự lừa dối từ phía ma quỷ.

Một số dấu hiệu tiêu biểu cho thấy có sự hiển hiện của linh hồn người đang còn trong luyện ngục là âm thanh của một người cứ đi qua đi lại, một mùi vị liên quan đến người đó, tiếng gõ trên vách tường, và trong trường hợp của những người tự tử là cảm giác nặng nề và buồn bã trong khu vực xảy ra vụ tự tử. Hầu như luôn luôn không có lời nói nào của những linh hồn này ngoài cụm từ “Giúp tôi” hoặc “Có” để trả lời cho câu hỏi “Anh chị em có cần được cầu nguyện cho mình không?”. Các linh hồn trong luyện ngục luôn biết rõ về việc Thiên Chúa cấm (người còn sống) tìm kiếm thông tin từ người chết (Đnl 18:9–14; Lv 19:31 và 20:6; Is 8:19) và do đó họ sẽ không bao giờ lôi kéo người sống vào việc phạm tội này khi để cho việc giao tiếp vượt quá nhu cầu xin lễ hoặc cầu nguyện.

Thể loại ma ám phổ biến nhất là trong trường hợp có linh hồn của người đã chết vì tự sát cũng như nạn nhân bị người khác giết chết. Những linh hồn này thường tạo ra một cảm giác rất mạnh và hiệu ứng của sự buồn rầu, trầm cảm và bất an gần nơi họ chết. Họ có thể gây ra một số biểu hiện, chẳng hạn như gõ hoặc đập vào thời điểm họ chết hoặc khi họ được nhắc đến trong câu chuyện. Chúng ta phải cẩn thận vì ma quỷ có thể lợi dụng một vụ tự sát hoặc giết người đã được biết rõ và giả làm nạn nhân tại ngay địa điểm đó. Ngoài ra, con quỷ đã từng giúp hoặc khuyến khích người ta giết người hoặc tự sát vẫn có thể còn ở đó. Các loại ma ám khác cũng thường xảy ra ngay trong nhà thờ và nhưng cơ sở liên quan đến tôn giáo như nhà xứ hay tu viện.

Trong nhiều trường hợp khi có người tiến hành những cuộc điều tra về hiện tượng siêu nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy có cả sự hiện diện của những linh hồn trong luyện ngục và ma quỷ. Điều này xảy ra vì ma quỷ thường bị thu hút đến những nơi mà con người đã cố gắng giao tiếp với các vong hồn. Khi cố kiếm tìm những kiến thức huyền bí từ các vong hồn, con người mặc nhiên cho phép ma quỷ hiện ra và trả lời. Trong những tình huống này, thường có một giao tiếp thiết yếu ban đầu là “giúp tôi” – kế tiếp là tạm ngưng, và sau đó là một số giao tiếp mang tính cách khuynh đảo và sâu rộng hơn nữa. Trong tình huống này, ma quỷ chỉ đơn giản là lợi dụng một cánh cửa đã mở. Người ta thường mô tả về các tín hiệu ban đầu thường không thể bị phá hủy và nỗ lực của họ để đối thoại với vong hồn trong khi bị bám theo bởi những năng lượng tiêu cực và bạo lực khiến họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của Hội Thánh.

Nếu một trường hợp có vẻ là do một linh hồn con người thực sự theo ám, biện pháp khắc phục thông thường là một Thánh lễ hoặc những kinh cầu hồn cho người chết [The Office of the Dead] tại địa điểm đó. Thường thì việc dâng Thánh lễ tại nơi người đó qua đời là hiệu quả nhất, nhưng điều này không bắt buộc. Một Nghi Thức dành cho Kẻ Chết cũng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp và đã thành công. Những kinh cầu này cần phải được nguyện với lòng bác ái và tình yêu thương. Những lời cầu nguyện bổ sung cũng có thể cần được thêm vào”[8].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Co Phai To Nhu Trung Lan Giac Me Tin Di Doan 2

5. Pháp môn tu của Thiền phái Trúc Lâm

Tổ Như Trừng Lân Giác là đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm – thiền phái đầu tiên của người Việt. Thiền phái Trúc Lâm “là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi”[9] do Sơ Tổ Trần Nhân Tông sáng lập.

Trong những kinh sách Phật giáo được phát hành rộng khắp hiện nay, thì sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi là người Ấn Độ. Sau khi đến nước ta, ngài tu tại chùa Pháp Vân (Bắc Ninh) và truyền bá Phật pháp: “Đến tháng 3 năm Canh Tý đời Chu Đại Tường thứ 2 (580), Sư đến nước ta ở tại chùa đó, lại dịch ra kinh Tổng Trì, 1 quyển”[10], mà “Kinh Tổng Trì là một kinh về Mật giáo”[11].

Theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang, “Mật giáo là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Phật giáo đại thừa ở Ấn Độ (giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức). Giai đoạn này bắt đầu là từ thế kỷ thứ tư, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ sau, đến giữa thế kỷ thứ tám thì được hệ thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim Cương thừa (Varayana). Từ Kim Cương thừa xuất hiện nhiều hệ thống Mật giáo, trong đó có hệ thống Sahajayana mà giáo lý là thực hành rất giống với thiền, nhấn mạnh đến sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác bồ đề, và sử dụng những hình ảnh cụ thề và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.

Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát nhã, đồng thờ cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian Ấn Độ. Về phương diện sau này, Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn.

Đứng về phương diện tư tưởng, Mật giáo là một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng tri thức và nghiên cứu của các hệ thống Bát Nhã và Duy Thức. Theo Mật giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải đi tuần tự từng bước. Sự giác ngộ có thể thực hiện trong giây phút hiện tại. Sử dụng thế lực của thần linh, sự sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la có thể hỗ trợ đắc lực cho sự thiền quán hành đạo. Chính vì khuynh hướng này của Mật giáo mà Phật giáo đã bao trùm mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó, ở Ấn Độ cũng như ở Việt Nam”[12].

Về Thiền phái Vô Ngôn Thông, thì “Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang Việt Nam. Từ đó một thiền phái khác được thành lập mang tên là thiền phái Vô Ngôn Thông”[13]. Nguyễn Lang cho biết “Các thiền sư trong thiền phái này thay vì chỉ dùng các kinh Bát Nhã, đã sử dụng rất nhiều các kinh điển khác như kinh Viên Giác, Pháp Hoa, họ nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ và vô đắc vốn rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam Phương ở Trung Hoa. Nhưng khác với thiền phái Trung Hoa, thiền phái này, cũng như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình”[14]. Tuy “Thiền học của Vô Ngôn Thông không có màu sắc Mật giáo, nhưng ảnh hưởng của Mật giáo trong thiền phái đó do ông lập ra cũng khá quan trọng. Ảnh hưởng ấy có thể thấy rõ ở các thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học”[15].

Thiền phái Thảo Đường do thiền sư Thảo Đường – tù binh trong trận chinh phạt Chiêm Thành năm 1069 của vua Lý Thánh Tông – tạo dựng. Ngài trụ trì chùa Khai Quốc ở kinh thành Thăng Long. “Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn chương của nó, thiền phái Thảo Đường không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng được tới một số trí thức có khuynh hướng văn học”[16]. Nhưng cũng vì “khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng tới hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông (…) Sau này thiền phái Trúc Lâm của đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này”[17].

Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy việc Tổ Như Trừng Lân Giác “đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang” và hai chùa: Liên Phái (Hà Nội), Hàm Long (Bắc Ninh) – hai ngôi chùa do Tổ khai sơn – gần 300 năm qua vẫn là điểm đến của không ít người, những mong hóa giải việc trùng tang rủi thời gặp phải.

Pháp môn tu của Thiền phái Trúc Lâm cơ bản là như thế và Mật giáo là như thế, chứ chẳng phải mê tín dị đoan gì. Một khi tấm lòng được rộng mở thì sẽ thấy mọi chuyện đều vui. Đức Phật từng dạy cho Bà-la-môn Sangarava biết rằng có nhiều trở ngại để mở rộng tấm lòng giống như bát nước bị xao động không thể soi tỏ mặt người. Nhưng khi “một bát nước không trộn lẫn với thuốc nhuộm màu, không sôi lên sùng sục, không bị rong rêu che phủ, không bị gió thổi dao động và nổi sóng, trong sáng, tĩnh lặng, tinh khiết, đặt giữa ánh sáng. Khi ấy, một người có mắt muốn ngắm mặt mình, có thể như thật biết và thấy được”[18].

PGS.TS.Trịnh Sâm
Viện trưởng Viện King Sejong II, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM

***

[1] https://phatgiao.org.vn/nha-khoa-hoc-thien-tai-albert-einstein-nghi-gi-ve-giao-ly-dao-phat-d32630.html, ngày 30/11/2028.
[2] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-d35175., ngày 24/5/2019.
[3] Truyền thuyết về chùa Liên Phái và bùa trùng tang nổi tiếng tại Hà Nội, đd.
[4] https://vuonhoaphatgiao.com/phat-hoc/nguyen-cuu/trung-tang-la-gi-duoi-phan-tich-cua-nha-khoa-hoc/
[5] Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr78-79
[6] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập hạ, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn, tr5.
[7] Kinh Địa Tạng, sđd, trang 81-82.
[8] https://giaoxutoronto.com/vietcatholic/nguoi-cong-giao-co-tin-vao-chuyen-co-ma-quy-khong-giao-huan-cua-giao-hoi-ve-luyen-nguc/
[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm
[10] Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr240.
[11] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, 2, 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr125.
[12] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, sđd, tr125-126.
[13] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, sđd, tr148.
[14] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, sđd, tr176.
[15] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, sđd, tr172.
[16] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2.3, sđd, tr 182.
[17] Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I-II-III, sđd, trang 181-182.
[18] Tỳ-khưu Bodhi (2016), Những lời Phật dạy, Bình Anson dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr356.

Tài liệu tham khảo:
1. https://giaoxutoronto.com/vietcatholic/nguoi-cong-giao-co-tin-vao-chuyen-co-ma-quy-khong-giao-huan-cua-giao-hoi-ve-luyen-nguc/
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm
3. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-hoc/nguyen-cuu/trung-tang-la-gi-duoi-phan-tich-cua-nha-khoa-hoc/
4- https://phatgiao.org.vn/nha-khoa-hoc-thien-tai-albert-einstein-nghi-gi-ve-giao-ly-dao-phat-d32630.html, ngày 30/11/2028.
5. Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
6. Nguyễn Lang (2021), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb.Văn học, Hà Nội.
7. Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
8. https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-d35175.html#, ngày 24/5/2019.
9. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập hạ, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
10. Tỳ-khưu Bodhi (2016), Những lời Phật dạy, Bình Anson dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường