Nghiệp không phải là định mệnh, cũng không phải là tiền định mà chúng ta có thể tu tập để chuyển hoá nghiệp lực. Đức Phật dạy:“ Nếu ai cho rằng con người phải gặt hết quả của tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức và con người cũng không có cơ hội để tận diệt phiền não. Nhưng nói rằng quả gặt tương xứng với nhân thì ắt có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não” (Kinh Tương Ưng).
Tác giả: Thích Đồng Niệm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024
Nho giáo có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, qua đó vận dụng và liên hệ đến việc ứng dụng học thuyết nghiệp của Phật giáo trong việc xây dựng xã hội lành mạnh.
Chúng ta biết sự tồn tại một cộng đồng xã hội không thể trách rời sự tồn tại của từng thành viên trong xã hội. Cho nên, để có một xã hội lành mạnh thì không thể trách rời đời sống có đạo đức của từng cá nhân trong xã hội, mỗi thành viên có nếp sống tốt, biết thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội là yếu tố cơ bản để hình thành một xã hội nhân bản, đáng sống.
Bản chất của con người vốn đã có lòng tham, sân, si, chính những điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng xã hội. Thế nhưng, làm thế nào để xã hội được lành mạnh? Có thể nói nó tuỳ thuộc vào khả năng, sự hiểu biết và cách hành xử của con người, có nghĩa là con người có thấu hiểu được kết quả của những hành vi mà mình đã làm, đang làm hoặc sẽ làm hay không? Sự hiểu biết đó là điều kiện tất yếu quyết định cuộc sống hiện tại hay tương lai của chúng ta có được hạnh phúc hay không?
Trước khi bàn đến hạnh phúc đích thực, không có khổ đau, Phật giáo không phủ nhận hạnh phúc thế gian, như hạnh phúc gia đình, hạnh phúc trong việc giải trí như nghe nhạc hoặc kể cả việc uống rượu trong chừng mực nào đó, việc xem bóng đá, thậm chí là cả việc cá độ vì trong những thứ đó có những thú vui riêng của nó, cho nên con người mới đam mê, Phật giáo muốn nói hạnh phúc không phải là hạnh phúc kiểu đó, đó không phải là hạnh phúc lâu dài.
Hơn nữa, khi đi tìm những thú vui hạnh phúc đó có thể gây ảnh hưởng đến hạnh phúc người khác. Phật giáo xây dựng khái niệm hạnh phúc từ nội tâm, hay hạnh phúc không có bóng dáng của sự khổ đau, đó là hành phúc chân thật mà hạnh phúc chân thật bắt nguồn từ “nghiệp”.
Chúng ta biết nghiệp không phải là định mệnh, cũng không phải là tiền định mà chúng ta có thể tu tập để chuyển hoá nghiệp lực. Đức Phật dạy:“ Nếu ai cho rằng con người phải gặt hết quả của tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức và con người cũng không có cơ hội để tận diệt phiền não. Nhưng nói rằng quả gặt tương xứng với nhân thì ắt có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não” (Kinh Tương Ưng).
Chúng ta sở dĩ có mặt trong cõi này là đã trải qua vô lượng kiếp sinh tử luân hồi, đã tạo ra vô số nghiệp, nếu chúng ta trả hết nghiệp trong quá khứ thì chắc rằng không có ai giải thoát, điều căn bản của sự giải thoát không phải là đoạn trừ nghiệp trong hiện tại mà phải đoạn diệt nguồn gốc của nghiệp mà nguồn gốc của nghiệp chính là vô minh, muốn đoạn diệt vô minh thì hành giả phải tu tập Tam vô lậu học, đi trên con đường trung đạo mới mong chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp.
Đã là người con Phật thì phải “thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sinh”, vì lợi ích chúng sinh mà chúng ta phải thực hành các việc lành, với tâm vị tha, vô chấp.
Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều: “ Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra”. Vạn vật nhất thiết vô thường, nhất thiết chịu sự biến cải từ cõi này sang cõi khác với một định luật khắc khe, mỗi khi chúng ta bước vào kiếp này là mang sẵn vào thân của kiếp trước, những hành động của kiếp này sẽ có tác dụng cả kiếp sau và trước mắt. Vì thế biệt nghiệp của Thuý Kiều đã góp phần không nhỏ vào hạnh phúc khổ đau của chính mình.
Nếu chúng ta tìm hiểu và thực hành theo giáo lý nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống. Giáo lý nghiệp đem lại cho những người con Phật với một niềm tin vững chắc và can đảm để bước đi trên con đường hoàn thiện nhân cách và tâm linh của mình, nếu chúng ta tin nơi nghiệp sẽ nâng cao giá trị của con người. Bởi vì, chúng ta phải có trách nhiệm chính bản thân mình, chúng ta là một nhà tạo mẫu cho cuộc đời riêng mình, thiên đàn hay địa ngục cũng do ta và bởi ta tạo nên và lãnh nhận.
Nỗi khổ đau là điều không ai mong muốn nhưng nó vẫn đến với con người, vì con người thiếu chính kiến, không hiểu được luật nhân quả nghiệp báo, một người mà hiểu biết về học thuyết nghiệp là người thấy rõ mối quan hệ nhân quả, người thấy rõ nhân quả là người không bao giờ làm việc bất thiện, vì làm bất thiện là nguyên nhân dẫn đến khổ đau.
Do đó, con người muốn có hạnh phúc và xã hội được thái bình cần thấu hiểu học thuyết nghiệp này, nó là nền tảng của đạo đức Phật giáo để đưa con người đến chân, thiện, mỹ.
Giáo pháp là chiếc bè đưa con người sang sông, bể khổ, nó chỉ là một phương tiện trong xã hội lúc cần thiết, giáo pháp Phật là những qui luật về đạo đức, được kết tinh bằng muôn vàn từ bi và trí tuệ, để phù hợp với chân lý đem lại hạnh phúc trong đời sống thế gian, chứ không phải ở một cõi ảo mộng nào khác.
Tác giả: Thích Đồng Niệm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT. Thích Thiện Siêu (2000), Đại cương Luận Câu Xá, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 2 HT. Thích Thanh Từ (2004), Kinh thập thiện giảng giải, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 3. HT. Thích Minh Châu (1992) ( dịch), Kinh trung bộ, tập III, “ Kinh tiểu nghiệp phân biệt”, VNCPH ấn hành. 4. Tuệ Sĩ (dịch), A – tì – đạt – ma- Câu xá luận, Viện cao đẳng Phật học hải đức Nha trang, PL. 2547. 5. Thích Hạnh Bình (2007), Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ, NXB Phương đông, Tp.HCM.
Bình luận (0)