Hồng Nguyễn Trường THPT Nguyên Hồng, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, đạo Phật từng được xem là quốc đạo dưới thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) và có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Với nhiều loại hình di sản văn hóa đặc sắc có giá trị như: Kiến trúc chùa tháp, tượng thờ, tế khí, ván khắc, đồ họa Phật giáo, cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và hệ thống nghi thức… Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, với các tiêu chí xác thực, quý hiếm và độc đáo, từ năm 2012 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Cảnh chùa Vĩnh Nghiêm.

Còn mãi với thời gian

Chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là chùa Đức La) toạ lạc trên một quả đồi thấp, đó là bậc thềm cổ của sông Thiên Đức (sông Lục Nam), xưa thuộc xã Đức La nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Vĩnh Nghiêm cổ tự như một hòn đảo xanh im ắng nổi bật trên một vùng rộng lớn. Hòn đảo xanh này được hai con sông Thương và sông Lục Nam ôm bọc lấy. Đằng sau chùa là dãy núi Cô Tiên nằm ngửa mình giữa bầu trời xanh lồng lộng. Núi sông đã thực sự tô điểm cho công trình quy mô to lớn này. Nơi đây, nhìn về phía bên kia sông trông thấy rất rõ đền Kiếp Bạc – nơi phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, rồi thấy dãy núi cao nằm kề, đó là nơi nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi về mai danh ẩn tích (núi Côn Sơn), xa hơn chút nữa là danh lam thắng tích Yên Tử nơi được coi là vùng đất thiêng của Thiền phái Trúc Lâm.

Sách Thiền Uyển Tập Anh cho hay: Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313) đại sư Pháp Loa đã về Vĩnh Nghiêm trụ trì để định các tăng đồ trong toàn quốc. Như vậy là từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo. Từ sau đó vẫn theo thư tịch cứ 3 năm nhà Trần lại định chức các tăng đồ một lần. Vậy thì vai trò quan yếu đầu tiên của ngôi chùa này chính là trung tâm đào luyện các tăng, ni và ban hành các pháp chế của Phật đạo trong cả nước.

Hàng thông cổ thụ trước chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm – nơi gặp gỡ của 3 nhân vật sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền rất thịnh hành ở Việt Nam mà lịch sử vẫn quen gọi “Trúc Lâm tam tổ”. Ba vị tổ sáng lập ra thiền phái này là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Thư tịch cho biết, trạng nguyên Huyền Quang, một hôm theo Vua đến huyện Phượng Nhỡn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh bèn dâng biểu xin vua cho xuất gia tu đạo. Những soạn giả của Phật giáo Việt Nam đã gọi “Trúc Lâm tam tổ” là “những bậc giáo hoàng thời ấy, vì ngoài sự đắc đạo tu hành, thuyết pháp độ sinh, các ngài còn được đặt quyền cầm sổ tăng tịnh trong nước, thống lĩnh hết thảy tăng đồ”.

Chùa Vĩnh Nghiêm có kiến trúc bề thế, khuôn viên rộng đẹp gồm: Tam quan, tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, nhà tổ đệ nhị, gác chuông, khách đường, tả hữu hành lang, vườn tháp… tất cả được bố trí hài hoà theo bố cục “Nội vương, ngoại quốc”. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa còn được xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam, nơi lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc… Chính vì là nơi đào luyện tăng đồ nên Vĩnh Nghiêm còn là nơi tàng trữ nhiều bộ ván kinh quý giá. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 tấm ván rời gỗ thị, khắc nổi chữ Hán – Nôm. Bản cổ nhất ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII. Bộ mộc bản có 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại, có thể kể tên một số loại kinh, sách chính như sau: Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, A Di Đà kinh (Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử). Về luật giới Phật có: Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh. Về sách có: Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình (bài Hạnh thiền tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ, bài phú Cư trần lạc đạo, bài phú Giáo tử, bài Du Yên Tử sơn nhật trình, bài phú Thiếu thất, phú Thiền tịch). Trong đó Thần du Tây phương ký và Tây phương mỹ nhân truyện là sách nói về nguồn gốc của đạo Phật ấn Độ. Tập Yên Tử nhật trình nói về sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và phương pháp tu thiền tâm của thiền phái này. Tất cả các tăng ni, phật tử theo dòng Đại thừa ở Việt Nam cũng như hải ngoại đều sử dụng các bộ kinh, luật, sách trên để tu trì hành đạo.

Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu với du khách về kho mộc bản.

Hiện nay toàn bộ số mộc bản được bảo quản theo phương pháp thủ công trên kệ gỗ. Trải qua thời gian và qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dày nên các tấm ván có màu đen. Bản thân mộc bản đã cũ, một số bị mục, nứt, mờ, cong vênh, hoặc mòn mất nét chữ. Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì nhà chùa cho biết: Từ lúc mới san khắc mộc bản, các vị sư tổ đã cho in thành sách và phát rộng rãi cho các chùa, việc in sách bằng mực tàu nên ván in được bao bọc một lớp keo mực bảo vệ, mối mọt khó gặm nhấm. Bên cạnh đó, các tấm mộc bản làm bằng gỗ thị, loại gỗ này tương đối bền, ít mối mọt, chịu nước, chịu ẩm tốt, đó là ưu thế cho việc bảo quản.

Cổ thụ trong vườn chùa

Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cây cối trong chốn tu hành thường để mọc tươi tốt, ý nói rằng đó là vùng đất lành, đầy sinh lực. Những loại cây trong chùa đều mang thông điệp riêng. Họ trúc, tre khiến ta liên tưởng đến những nấc thang lên trời nơi cửa thiền Yên Tử. Cây đa, cây đề, nhắc người thăm viếng hãy dẹp lòng trần mà tĩnh tâm thiền đạo, quanh chùa còn có ruộng để nhà sư canh tác lấy lương thực chuyên tâm tu hành. Vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm, khách hành hương không khỏi bị cuốn hút bởi hàng thông vươn lên cao vút phía trước sân chùa, hay những rặng mít to lớn phía sau. Không gian thoáng đoãng, cảnh quan u tịch, kết hợp các công trình kiến trúc cổ kính, càng làm cho chốn thiền môn thêm linh thiêng, trầm mặc. Vĩnh Nghiêm còn hàng chục cây cổ thụ, chủ yếu là những cây gắn bó thiết thực với đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng như thông, mít, nhãn, vải, ngọc lan, thị và một số loài cây độc đáo khác, hầu hết các cây này đều có tuổi đời từ 100-200 năm.

Đại đức Thích Thanh Vịnh bên cây nhập nhân cổ thụ.

Theo giải thích của Đại đức Thích Thanh Vịnh: Cây mít có nhiều tác dụng, ý nghĩa, là cứu cánh tới cùng của mọi sự đến bờ giác ngộ, nơi không còn sinh tử lo âu, cây mít vì thế tượng trưng cho đại trí tuệ, nhắc nhở con người cần phải tĩnh tâm trên con đường trí tuệ. Gỗ mít được dùng để tạc tượng và làm vật liệu tu bổ di tích, lá mít dùng để đóng oản – lễ vật chay dâng lên Phật, quả mít chín rất thơm ngon. Loài thông là biểu tượng của thánh nhân, mang cốt cách thanh tao, thoát tục, gần gũi với tâm hồn “vô vi” của đạo Lão và tư tưởng của Thiền tông. Cây thông với dáng đứng thẳng được coi như là gạch nối giữa trời và đất, để cho âm dương giao hòa. Thông còn là hiện thân của trí tuệ, sự thông hiểu, đó chính là đạo, là con đường nhắc nhở và dẫn dắt kiếp tu tới siêu thoát.

Cây thị ở chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay chỉ còn lại vài cây cổ thụ, bên cạnh đó dấu tích còn lại là các gốc cây thị đã bị chặt trước đó để làm vật liệu khắc mộc bản kinh Phật, quả thị thơm, mùi hương dễ chịu, lá thị còn là bài thuốc dân gian, đặc biệt hơn cây thị trong vườn chùa còn là một minh chứng rất quan trọng để khẳng định, kho mộc bản kinh Phật bằng gỗ thị, được sử dụng một phần vật liệu tại chỗ. Cây đại với thân hình khẳng khiu, khô cằn mọc giữa bụi cây duối, tương truyền có niên đại khoảng trên 700 năm, tức là từ thời ban sơ, khởi tạo chùa Vĩnh Nghiêm. Đại là cây thiêng trong hệ cây “thiên mệnh” (nghĩa là sinh khí, linh hồn của vũ trụ, trời đất). Loài cây này có khả năng hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn.

Cây hoa nhập thân: Là một trong những loài cây lạ và hiếm gặp, hoa tuy có dáng vẻ không được bề thế, to lớn nhưng hoa nở rất đẹp, bền và thường làm vật trang trí kèm theo các mâm lễ vật dâng lên Phật, hoa thập nhân tại chùa Vĩnh Nghiêm có tuổi đời trên 700 năm tuổi. Ngoài ra còn cây nhãn, vải là những loài cây ăn quả phổ biến trong vùng, năm nào cây cũng cho nhiều hoa trái, chim chóc nhiều nơi tìm về đây ăn quả, hót véo von suốt ngày. Cảnh thiền tĩnh lặng thâm u, cây cối tạo bóng mát thanh thoát khắp bốn mùa là một trong những điều kiện tốt để tâm hồn con người trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, lòng thiền tĩnh tại, hoan hỷ vô vi.

Hồng Nguyễn – Trường THPT Nguyên Hồng, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang