Trang chủ Văn hóa Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc – Ngôi chùa gắn bó với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc – Ngôi chùa gắn bó với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ An An
Học viên lớp Cao học khóa III, chuyên ngành sử tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

Lịch sử hình thành Tổ đình Tôn Thạnh

Tổ đình Tôn Thạnh nằm cách trung tâm huyện Cần Giuộc khoảng 3km, tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Năm 1808 Thiền sư Viên Ngộ (1787-1846) đã thành lập chùa Tôn Thạnh hay còn gọi là chùa Lan Nhã – địa danh đánh dấu tên tuổi của một nhà Thơ, thi sĩ yêu nước trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 1

Tổ sư Viên Ngộ thế danh là Nguyễn Ngọc Dót, họ tên cha là Nguyễn Ngọc Bình và mẹ là Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba tổng Phước Điền Trung huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định nay thuộc ấp Thanh Ba xã Mỹ Lộc huyện Cần Giuộc tỉnh Long An “Tổ sư sinh năm Đinh Mùi, thế danh Nguyễn Ngọc Dót, năm 1806 xuất gia ở chùa Vĩnh Quang, được ban pháp hiệu là Viên Ngộ thuộc thiền phái Lâm Tế Chính tông đời thứ 39. Năm 1808 xây dựng chùa Lan Nhã” [5, tr.27].

Từ thuở nhỏ cũng vì mến mộ đạo Pháp và ý thức được con đường giác ngộ, cho nên Tổ sư quyết tâm xuất gia, tuy nhiên cha và anh trai không đồng ý còn đưa ra thử thách khó khăn “Ta nghe Phật cho tất cả là không, sao còn có thân? Bây giờ mày muốn bỏ trần theo Phật, vậy mày có thể cầm hòn than đỏ cho ta hút thuốc, thì ta mới tin được là mày thật lòng thờ Phật” [4, tr.289-290]. Nghe cha nói vậy Ngài liền xuống bếp lấy cục than bỏ vào tay đem lên cho cha, cha vì giữ lời hứa nên cho Ngài đi tu. Ngài chuyên tâm tu hành, giữ gìn giới luật, hằng ngày chỉ ăn giờ ngọ và đươc học đạo với hai vị Hòa thượng Đạo Huệ và Đạo Tứ.

Ngoài việc tu tập, Ngài còn giúp người dân đốn cây, sửa lại đường sá đã bị lún, thuận tiện hơn trong việc di chuyển và buôn bán của dân chúng “Hình ảnh nhà Sư Viên Ngộ ở Cần Giuộc, khai phá con đường làng cho dân chúng qua lại đở vất vả vì bùn lầy, hùm beo” [2, tr. 388-389]. Tại chùa Ngài mời thợ ở Quy Nhơn về đúc tượng Địa Tạng Bồ tát bằng đồng, trong khi đúc còn khuyết một chỗ Ngài chặt ngón tay của mình bỏ vào nồi đồng “Khi nước đồng sôi sắp được rót vào khuôn tượng, Tổ cầm dao đặt ngón tay trái lên thớt chặt nhanh, rồi thảy vào nước đồng, miệng lâm râm niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ tát. Mọi người kinh sợ lẫn xúc động, đồng thanh niệm Phật vang rền, có người hối hả chạy vào chùa lấy thuốc cầm máu cho Tổ. Nét mặt Tổ không hề đổi sắc, Ngài vẫn lưu lại đến khi buổi lễ chấm dứt. Ba ngày sau, người thợ vui mừng báo tin pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát viên mãn như ý nguyện” [8, tr.19-20].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 2

Ngài còn là một người con chí hiếu, luôn cạnh kề sát cánh chăm sóc lúc cha bệnh, phát nguyện tọa thiền suốt 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Trong thời gian này tại vùng Long An phải đối diện với dịch bệnh đậu mùa nên Ngài phát nguyện trì kinh niệm Phật cầu cho người dân thoát khỏi tai ương này “Năm 1820, bệnh đậu phát ra vùng ông trì chú tụng kinh và nguyện không ăn cho đến khi bệnh hết hoành hành và dân chúng được bình yên” [3, tr.546].

Năm 1845 niên hiệu thiệu trị thứ 5 đời Hiến Tổ chương Hoàng đế triều Nguyễn, tổ Viên Ngộ viên tịch, tháp của Ngài được xây cất ngay bên hông trái của Chính điện.

Năm 1849 niên hiệu Tự Đức thứ 2, đời Dực Tông Anh Hoàng đế Triều Nguyễn, chùa Lan Nhã được đổi thành chùa Tôn Thạnh với mong muốn cầu cho Phật pháp được tồn, tông phong hưng thịnh. Năm 2009, chùa chính thức được tôn xưng là Tổ đình Tôn Thạnh.

Nghệ thuật kiến trúc

Chùa Tôn Thạnh ban đầu mang nét đẹp đơn giản, mộc mạc, và có nét cổ kính, vật liệu chủ yếu làm bằng gỗ, các hoa văn được chạm khắc khá tinh xảo, tỉ mỉ đến từng centimet “Ruờng cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” [1, tr.440]. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu nên kết cấu, kiến trúc cũng thay đổi rất nhiều, nhưng khung cảnh cũ vẫn còn đậm nét.

Chùa có tổng diện tích là 34.410 m vuông, kiến trúc ngôi chùa nhìn theo hướng trên cao xuống có hình dạng chữ Đinh, theo thứ lớp từ cổng đi vô sâu bên trong bao gồm sân, chính điện, nhà giảng, hành lang Đông, Tây với mái lợp ngói và tường xây gạch. Trong vườn chùa phía bên hông trái chính điện có ba ngôi bảo tháp, đầu tiên hai ngôi tháp liền kề là của Hòa thượng Đạt Đồng và Tổ sư Tắc Thành có dạng hình vuông cao tầm 3m. Kế tiếp là tháp ba tầng của Tổ sư Viên Ngộ được xây dựng vào năm 1846 có hình lục giác được chạm khắc dòng chữ nổi ở tầng trên “Nam Mô A Di Đà Phật”, trên tấm bia khắc câu đối truyền tải thông điệp sắc không, tháp cao khoảng 4.5 m.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 3

Phía bên phải của khuôn viên chùa còn lưu giữ 2 tấm bia, để tưởng nhớ nhà thơ, thi sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng vào năm 1973 và 1997.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 4

Nơi đây còn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột, kiểu tứ tượng ở chính điện, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn sao thép vàng và các pho tượng cổ quý hiếm có giá trị từ đầu thế kỉ XIX đến nay gần 200 năm. Ngay bàn thờ giữa thờ tôn tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà- Quan Âm- Thế Chí), tượng Phật Đản sinh, tượng Di Lặc, tượng Hộ Pháp. Bàn thờ ở hai bên chính điện thờ tượng Tiêu diện và thập bát La hán bằng đất nung cổ, các tôn tượng La hán mỗi vị đều có tư thế ngồi hoặc đứng khác nhau như là ngồi kiết già rất thoải mái hoặc kiểu bắt chân chữ ngũ và có vị lại đưa cả hai tay lên, tất cả đều có khuôn mặt mộc mạc, hiền từ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 5

Đặc biệt là tượng Địa Tạng Bồ tát cao 110 m ngồi trên con thanh sư, tay phải thì kết ấn, tay trái để ngang ngực, trong lòng bàn tay có hạt minh châu “Năm 1813 niên hiệu Gia Long thứ 12,Tổ đã khởi công đúc tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng, cao 110 cm và có điển tích ghi nhận sự cảm ứng linh dị trong lần đúc tượng này” [9, tr.40], đây là bộ tượng do Tổ sư lúc còn sinh tiền đã dùng ngón tay út của mình góp phần che lấp điểm khuyết của pho tượng. Tổ Viên Ngộ có duyên với Địa tang Bồ Tát, là một vị Bồ Tát có nhiều hạnh nguyện vị tha nhất, trong kinh Địa Tạng chúng ta cũng thường nghe câu “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề, đại bi đại nguyện đại thánh đại từ bổn tôn Địa Tạng bồ tát ma ha tát” [7, tr. 9], nghĩa là Ngài nguyện địa ngục trống không Ngài mới thành Phật, do đó Tổ sư nhận thấy mình chưa đủ công đức nên chặt ngón tay bỏ vào nồi nấu để pho tượng được thành tựu như sở nguyện. Phía sau hậu tổ có các bài vị của các Tổ thuộc dòng thiền Liễu quán bao gồm Tổ Liễu Quán (35), Tổ Hữu Bùi (36), Tổ Ngọc Sâm (37), Tổ Quảng Thanh (38), Tổ Viên Ngộ (39). Cuối cùng là sân thiên tỉnh có xây dựng hòn non bộ để tạo không khí trong lành.

Ngôi chùa gắn bó với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Đối với các ngôi chùa cổ khác ở Miền Nam, Tổ đình Tôn Thạnh chưa phải là ngôi cổ tự xưa nhất, nhưng nơi đây còn lưu giữ hai tấm bia, tấm bia được xây vào năm 1973 nhằm tưởng nhớ công lao của cụ Đồ Chiểu đối với dân tộc Việt Nam. Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định Nguyễn Đình Chiểu phải lánh nạn trở về quê vợ ở Cần Giuộc, tỉnh Long An, kể từ đây Ông chọn chùa Tôn Thạnh làm điểm dạy học, khám bệnh, bóc thuốc nhưng thực chất bên trong lại âm thầm lãnh đạo và khích lệ nhân dân cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm “Chiếc thân ngồi dạy học ngỡ là an, hay đâu năm Mậu ngữ (1858). Tự đức thứ XI binh pháp lại hạ thành Gia Định, Đồ Chiểu bỏ chạy về quê vợ, lại tiếp tục dạy học trò” [6, tr.11].

Nhân duyên ấy Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên những tác phẩm được lưu danh mãi đến ngày nay như thơ Lục Văn Tiên và bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, trong bài văn tế này có đoạn ca ngợi về chùa Tôn Thạnh rất hay và ý nghĩa “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đông lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm, đồn Lăng Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”, đồng thời bài văn tế mà Cụ Đồ Chiểu viết nhằm đề cao, tuyên dương tinh thần bất khuất của các chiến sĩ Cần giuộc đã hi sinh mình để bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam. Ngoài hai tác phẩm trên còn có Chạy giặc và Dương Từ Hà mậu cũng được viết tại chùa Tôn Thạnh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Ton Thanh Ngoi chua gan bo voi nha tho Nguyen Dinh Chieu 6

Di tích cấp quốc gia

Ngày 27 tháng 11 năm 1997 Tổ đình Tôn Thạnh được Bộ Văn Hoá Thông tin Việt Nam công nhận là di tích cấp quốc gia căn cứ vào quyết định số 2890_VH/QĐ, hiện nay Tôn Thạnh là điểm du lịch tâm linh cho nhân dân quanh vùng và lan tỏa ra các tỉnh Miền Tây Nam bộ.

Lời kết

Tổ đình Tôn Thạnh là một danh lam của đất Gia Định xưa nay thuộc huyện Cần Giuộc-Long An. Ngôi cổ tự nổi tiếng trong khu vực do Tổ sư Viên Ngộ khai sơn. Cuộc đời của Tổ sư là tấm gương sáng cho hàng hậu học nương theo oai đức ấy, Tổ Sư đã hi sinh bản thân mình để hoá độ chúng sinh, giúp họ vượt qua khổ đau của cuộc đời. Bên cạnh đó đây còn là nơi mà cụ Đồ Chiểu đã từng lưu trú để dạy học, làm căn cứ địa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tác giả: Thích Nữ An An
Học viên lớp Cao học khóa III, chuyên ngành sử tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
1. Hà Văn Tấn-Nguyễn Văn Kự-Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới.
2. Trần Hồng Liên (2019), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ Văn hóa và Xã hội, Nxb khoa học và Xã hội.
3. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Văn học Hà Nội.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1910), Đại Nam Nhất Thống Chí, Nxb Thuận hóa
5. Thích Tắc Phi (2019), Niên Biểu Tổ đình Tôn Thạnh, lưu hành nội bộ.
6. Nguyễn Thanh Tâm chú thích (1889), Lục Vân Tiên, Nxb Sài Gòn.
7. HT Thích Trí Tịnh (2012), Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, Nxb Tôn giáo Hà Nội.
8. HT Thích Minh Thiện chủ biên (2022), Tiểu sử Danh Tăng Long An từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XXI, Nxb Hồng Đức.
9. Kỷ yếu Trưởng lão Hoà Thượng Thích Đạt Đồng (2017), Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường